(Nguồn: Internet) Nếu không có đắng cay, liệu con người có tìm được chính mình? Hồi còn nhỏ, chắc hẳn rằng ai trong chúng ta cũng từng có những ước mơ màu hồng, những hoài bão, khát khao mãnh liệt. Gặp một điều tốt, ta thường nghĩ sau này sẽ đem những điều tốt đẹp ấy đến muôn nơi; gặp một kẻ xấu xa, ta từng tự nhủ không bao giờ biến mình thành con người như thế. Nhưng rồi, thời gian dường như trôi quá nhanh, quá mạnh mẽ đến mức con người ta dần quên đi những ước hẹn ban đầu. Guồng quay xã hội đã kéo ta đi theo bao khát vọng phù phiếm xa hoa. Để rồi, có một ngày ta chợt vấp ngã trên chính con đường mà ta đang mù quáng theo đuổi. Khi ấy, ta bỗng nhớ về những ngày còn thơ bé, khi ta mang trong mình bao điều tươi đẹp. Vậy, nếu không có đắng cay, liệu con người có tìm được chính mình? Mỗi chúng ta đều có ít nhất một lần phải tự hỏi "mình muốn gì?". Và chắc hẳn đa số chúng ta đều muốn được sống, làm việc và vui chơi với đúng bản chất của mình. Tuy nhiên, con đường để tìm lại được chính mình thường phải đi qua nhiều đắng cay. Trước hết, "đắng cay" là một tính từ dùng để chỉ cảm xúc con người. Từ này là một loại từ ghép từ hai chữ "cay" và "đắng" nhằm chỉ vị giác. "Đắng" là loại vị làm cho ta cảm thấy khó chịu như vị của bồ hòn, mật cá. "Cay" là một loại cảm giác nóng, tê xót đầu lưỡi. Vậy, sự kết hợp giữa hai loại vị giác là sự khó chịu về mặt thể xác lẫn tâm hồn. Ta có thể nói, "đắng cay" là sự đau khổ, xót xa một cách thấm thía của con người khi nếm trải một loại thất bại hay chấn thương nào đó về mặt tinh thần. Tuy nhiên, người xưa thường có câu "thuốc đắng dã tật", tuy cay đắng đem đến cho ta nhiều tổn thương nhưng đồng thời cũng là bài thuốc trị bệnh diệu kỳ. Nó đem lại cho chúng ta không gian để suy ngẫm về bản thân, về thứ mà mình thật sự cần và tìm lại chính mình. Bàn về vấn đề này, hòa thượng Thích Thánh Nghiêm từng cho ra mắt quyển sách "Tìm lại chính mình". Trong đó, ngài đề ra bốn mục lớn gồm: "La bàn định hướng cuộc đời"; "Giải thoát cho mình"; "Tìm về âm thanh nội tại" và "Khẳng định bản thân, trưởng thành và thể nhập vô ngã". Từ đó, ta nhận ra rằng tìm lại chính mình không phải là mục tiêu, nó là hành trình. Một hành trình để bản thân ta tự ngẫm nghĩ, rèn luyện, trau dồi và học tập. Một hành trình giúp ta sống đúng với bản ngã, in đậm cá tính, dấu ấn tâm hồn với những giá trị tích cực, tốt đẹp của bản thân. Từ đó, ta trở về với một "ta" mới hơn, đầy bản lĩnh để đương đầu và là một phiên bản "ta" mà mình mong muốn nhất. Có thể cho rằng, nhờ có những điều đắng cay từ cuộc sống mà chúng ta có thể thay đổi bản thân từ tư duy, hành động đến thái độ, tìm lại được chính mình. Quả thật, phải trải qua thất bại, con người mới học được cách để thành công. Ngày nhỏ, chắc hẳn bạn đã từng vấp ngã rất nhiều lần để học được cách bước đi, từng bị cô giáo khẽ tay mấy lần để cầm bút sao cho đúng, từng trầy trật đầu gối vô số lần để có thể ngồi vững vàng trên chiếc xe đạp. Và khi lớn, chúng ta vẫn thế. Ta cũng phải trải qua bao thử thách, bao lần thất bại rồi lại đứng lên, sau đó tiếp tục ngã xuống rồi lại cắn răng mà đứng dậy. Và qua rất rất nhiều lần như thế, ta dần tìm ra một mẫu số chung của thành công cho riêng chính mình. Tuy nhiên, thành công chỉ là đích đến trên con đường tìm lại chính mình. Cái chúng ta phải trải qua là quá trình dài nhiều chông gai mà chỉ có bản thân mình mới có thể hoàn thành. Trong đó, ta từng nản lòng, từng rơi nước mắt trong đêm, từng tìm ra mục tiêu và rồi bước tiếp. Nếu ai là một tín đồ của điện ảnh Việt Nam đều sẽ biết đến đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Anh là một nhà biên kịch, đạo diễn vừa có tài vừa có tâm với loạt phim điện ảnh đình đám như "Lô tô", "Ngôi nhà bươm bướm".. và sắp tới đây là bộ phim dã sử nổi tiếng "Phượng khấu". Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau một loạt thành công vang dội ấy là một quá khứ nhiều thất bại. Anh có một gia đình không hoàn thiện, một tuổi thơ đầy cô độc và tự ti. Khi trưởng thành, Huỳnh Tuấn Anh nghe theo lời ba mà thi đậu vào trường Sư Phạm và làm nghề được khoảng sáu tháng. Qua bao đấu tranh tâm lý và ngăn cản từ gia đình, anh vẫn quyết định từ bỏ nghiệp dạy và đi theo con đường nghệ thuật dẫu bị người ba của mình từ mặt suốt năm năm. Vượt qua bao khó khăn cay đắng, Huỳnh Tuấn Anh cuối cùng cũng tìm ra con đường nghệ thuật mà mình yêu thích và thành công với lựa chọn của mình. Anh được xem là một minh chứng cho câu chuyện về sự đắng cay giúp con người tìm lại chính mình. Nhờ có tinh thần mạnh mẽ, nhờ những đau buồn thời thơ ấu mà các tác phẩm của anh đều mang đậm dấu ấn về hạnh phúc và gia đình, từ đó tạo nên tên tuổi cho Huỳnh Tuấn Anh trong nền giải trí Việt. Những khó khăn trở ngại và thậm chí cả thất bại đều là những thử thách quý giá giúp ta rèn luyện ý chí, năng lực bản thân. Nó là động lực và là đà phát triển thúc đẩy mọi tiềm lực con người giúp ta ngày càng hoàn thiện hơn về mọi mặt. Nghĩ một cách khác, nếu không có sự thất bại, không trải qua cay đắng thì con người khó có thể nhìn thấy những thiếu sót và bất lực của chính mình. Hãy thử tưởng tượng sống là cách ta thưởng thức một tách cà phê nguyên vị. Vị đắng ban đầu trôi qua chính là cái dư vị thơm nồng ngọt ngào còn sót lại. Ngạn ngữ Hy Lạp cũng có nói: "Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại là quả ngọt". Và cuộc đời cũng chính là như thế. Đừng sợ hãi, đừng do dự, bạn cứ dấn thân hết mình vào đời, dẫu có khó khăn, có thất bại thì đó cũng chỉ là con đường đưa ta tìm ra chính mình. Tuy nhiên, đối diện và vượt qua những khó khăn cay đắng ấy đều không hề dễ dàng nếu không có một tâm hồn đủ cứng rắn và bản lĩnh. Nhà văn Minh Nhật từng nói: "Ai cũng có câu chuyện của mình, ai cũng có những bí mật muốn chôn vùi, ai cũng có những vết thương không muốn xát thêm muối, có những điều chẳng muốn nói cùng ai". Quả thật như thế, thượng đế ban cho nhân loại một trái tim biết rung cảm yêu thương nhưng đồng thời cũng dễ dàng chịu tổn thương. Mỗi lần chịu tổn thương đều như một lần thay da của loài bò sát. Nó rất đau đớn, rất mệt mỏi và dễ dàng quật ngã tinh thần con người. Từng có một người phụ nữ vì bị chồng phản bội đau khổ đày đọa bản thân rồi ôm con tự sát. Điều này không hề đáng chút nào. Bởi vì sự nhu nhược của bản thân, vì sự yếu kém của mình mà người phụ nữ ấy hại mất hai sinh mệnh. Nếu cô ấy có thể cứng rắn hơn một chút, ly hôn với người chồng bộ bạc và nuôi con khôn lớn, dạy cho con biết thế nào là yêu thương và trân trọng, học cách yêu và tự yêu lấy chính mình thì tương lai có lẽ sẽ có thêm một con người tốt. Ta cần phê phán những ai luôn dễ dàng gục ngã, sống bi quan hèn nhát và luôn tránh né mọi thử thách trong cuộc sống. Đó là một lối sống tiêu cực bào mòn mọi sức sáng tạo, nghị lực và tiềm năng con người. Đứng trước mọi khó khăn, ta cần phải đủ mạnh mẽ, cần hiểu rõ vì sao mình lại thất bại và mình đã làm sai điều gì. Và hơn thế, ta còn có thể tận dụng mọi lợi thế của bản thân để sửa chữa mọi lỗi lầm, dùng thái độ tích cực nhất đối diện với những điều tiêu cực, biến mọi khó khăn thất bại thành cơ hội và làm lại chính mình. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn thôi thúc con người và khiến ta dễ lạc lối trong hành trình tìm lại chính mình. Bạn đừng hoang mang hay lo sợ, cứ tiến về phía trước, tách bạch, lý giải mọi mâu thuẫn nội tại để tìm ra thứ mà bạn thật sự cần nhất. Đừng để dư luận tiêu cực bên ngoài ảnh hưởng đến yếu tố khách quan bên trong lựa chọn của bạn. Mỗi chúng ta đều chỉ có một cuộc đời để sống và tận hưởng. Cứ thoải mái với những buồn vui, hạnh phúc hay bất hạnh, bạn nhất định sẽ tìm ra con đường mình cần đi. Tóm lại, ai rồi cũng đều phải trải qua những chuyện không vui, đều phải nếm trải vị đắng chát của cuộc đời. Thay vì mãi than vãn và chìm trong tháng này bê tha thì hãy thử tìm ra cơ hội trong mỗi rào cản ấy để đột phá bản thân. Tuy nhiên, cuộc đời dẫu có ra sao thì phải luôn nhớ hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ta cần có ý thức xây dựng thái độ sống đúng đắn, tích cực và lạc quan để lựa chọn cho mình một cách sống phù hợp khi gặp những khó khăn, gian khổ, thử thách, trở ngại trong cuộc đời. Có như thế mỗi ngày ta tồn tại mới có thể có ý nghĩa thực sự, đem lại cho ta và mọi người xung quanh một cuộc đời hạnh phúc mĩ mãn. Oscar Wilde đã nói một câu dí dỏm rằng: "Hãy là chính mình; vì những người khác đã là chính họ rồi". Tìm lại chính mình là một điều không thể thiếu cho mỗi ai đã đi qua tuổi hai mươi. Bởi khi đó ta đã đủ độ chín mùi của tuổi trẻ và cuộc đời để tìm ra những hoài bão, ước mơ và tương lai của bản thân mình. Và trong đó, chẳng ai có thể suôn sẻ một đời mà tránh khỏi những đắng cay bất hạnh. Nhưng hãy nhớ rằng, đắng cay cuộc đời là cơ hội và là kim chỉ nam trên con đường thành công của mỗi người. Vì thế, hãy cứ xông pha và tiến tới, trãi qua bao khó khăn thử thách, bạn nhất định sẽ tìm thấy chính mình. -Thích Vị- Góc bàn luận: [Thảo luận - Góp ý] - Góc Bình Luận: Tác Giả Thích Vị