Đề bài: Miệt thị ngoại hình (Body Shaming) là một thực trạng nhức nhối trong xã hội hiện đại. Rất nhiều người trẻ hiện nay có thói quen kì thị, chê bai ác ý vẻ ngoài của mọi người. Bạn hãy viết một bài văn nghị luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen này. - Bài làm - "Sao dạo này trông tiều tụy thế con?", "Công việc suôn sẻ chứ, sao đầu hói một mảng vậy?", "Thiếu ăn hả con, trông có giống con mắm không?".. Đó là những câu hỏi vồ vập mà chúng ta thường nhận được mỗi lần về nhà thăm mẹ ba. Sự lắng lo, yêu thương đó khiến ta thấy ấm áp, yên lòng, dù cho nó núp dưới vẻ ngoài của một lời "chê trách". Nhưng cũng cùng là sự "quan tâm" đó, có những lời nói lại mang sức sát thương nặng nề. Bởi ngoại hình không còn là dấu hiệu để bày tỏ tình cảm nữa, mà nó đã trở thành công cụ phục vụ những trò đùa vượt quá giới hạn. Từ đó, virus Body Shaming - "miệt thị ngoại hình" âm thầm ra đời, nhanh chóng sinh sôi, nảy nở, gieo rắc nỗi ám ảnh kinh hoàng, ngay trong khi "người bệnh" vẫn lạc quan, hồn nhiên, vui khỏe. Miệt thị ngoại hình là một căn bệnh trầm kha của xã hội. Thuật ngữ này được dùng để chỉ những lời nói, hành vi mang tính chất sỉ nhục, hạ thấp, chê bôi một cách ác ý về ngoại hình của người khác để thỏa mãn mục đích cá nhân của mình. Trong cuộc sống, dễ có đôi lúc ta lỡ miệng nhắm vào khuyết điểm của người khác và vô tình khiến họ tổn thương (nhưng khi ý thức được điều đó, chúng ta thường xin lỗi ngay). Tuy nhiên với những ai nhiễm virus "miệt thị ngoại hình", họ thường có biểu hiện tiêu cực như tự vẽ ra cho mình một hình mẫu lý tưởng và áp "bộ lọc" đó lên những người họ bắt gặp, rồi theo đó, họ chỉ trích, đâm chọt, phóng đại, bôi bác những đường nét khác biệt, lệch chuẩn, kém sắc của người khác. Việc này diễn ra thường xuyên, như một thói quen xấu, một phong cách ứng xử thiếu văn minh. Căn bệnh "miệt thị ngoại hình" rất dễ phát hiện bởi nó có dấu hiệu rõ ràng. Ở giai đoạn đầu, người mắc sẽ có những lời đùa cợt kém duyên như so sánh mái tóc, làn da, khuôn mặt, vóc dáng của người thân, bạn bè xung quanh mình với vật thể có đặc điểm đặc trưng, ví như "tóc như rễ tre", "đen như củ tam thất", "mặt trông như cái lưỡi cày", "béo như heo".. Sang giai đoạn hai, người bệnh bắt đầu có hành vi mất kiểm soát hơn như miệt thị người khuyết tật, chế ảnh để dìm hàng những người không quen biết, phát tán trái phép ảnh lên mạng xã hội để mua vui, lập hội nhóm chỉ trích, hạ bệ, tẩy chay những nghệ sĩ, hoa hậu, á hậu.. chỉ vì họ có một khuyết điểm ngoại hình nào đó. Sang giai đoạn cuối, việc miệt thị ngoại hình người khác đã trở thành chuyện hết sức bình thường trong quan niệm của những bệnh nhân này. Tuy nhiên, body shaming còn thể hiện dưới hình thức khác, đó là tự giễu, mặc cảm, chán nản, tự ti, chối bỏ vẻ ngoài của bản thân và sử dụng những biện pháp cải thiện ngoại hình kém lành mạnh, tự tra tấn thể chất và tinh thần của chính mình. Bạn có chợt nhận ra mình đang là một phần của vấn nạn miệt thị ngoại hình không? Theo khảo sát của tờ The Independent, gần một nửa số người lớn từng là nạn nhân của vấn nạn Body shaming. Nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy, 94% thiếu niên nữ và 64% thiếu niên nam đã và đang bị miệt thị ngoại hình. Body shaming đang dần trở thành vấn đề toàn cầu. Biết rõ những triệu chứng nguy hại như thế, vậy tại sao người ta không ngăn ngừa được căn bệnh này, để cho virus lây lan như vậy? Vậy phải đối thoại trực tiếp với những người bệnh của chúng ta. "Có gì mà sai đâu? Nói như thế để nó tốt hơn, nói thẳng thắn thế nó mới sửa đổi, mới đẹp lên được". Có rất nhiều bệnh nhân đã biện minh rằng hành vi miệt thị của mình là muốn tốt cho nạn nhân. Nhưng họ không muốn hiểu rằng có những khuyết điểm không sửa được, những thiệt thòi không bù đắp được. Họ luôn nghĩ mình chỉ đang nhận xét khách quan thôi, nhưng đứng trên cương vị là người đánh giá, suy nghĩ của họ luôn mang màu sắc chủ quan, bởi họ không đứng ở vị trí là người tiếp nhận câu nói, không mang trong mình thể trạng và vấn đề mà nạn nhân đang gặp phải. Nên lời góp ý vụng về của họ đã góp phần gây nên những tổn thương sâu sắc, tạo ra bóng ma tâm lý ám ảnh nạn nhân. "Tôi chỉ thể hiện chính kiến của mình thôi. Tôi tôn trọng cái đẹp, nên không thể làm ngơ trước một diện mạo xấu xí, xuề xòa, bất cân đối được!" Ở một diễn biến khác, có những bệnh nhân "từ chối điều trị" và lý lẽ rằng việc mình làm là theo bản năng con người: "Yêu cái đẹp". Nhưng có thể nhìn ra ở họ, bản chất của việc body shaming chính là bắt nguồn từ tâm lý muốn thể hiện gu thẩm mỹ, sự sành điệu của mình. Họ muốn bắt lỗi, hạ thấp giá trị của người khác xuống để bõ tức, bõ ghen, hoặc để tôn mình lên. Vì cách thể hiện cái tôi cá nhân có phần lập dị này, bao nhiêu ca sĩ ở độ tuổi, giới tính, sắc tộc khác nhau như Đức Phúc, Bảo Anh, Phương Mỹ Chi, Camila Cabello.. đã phải khổ sở, chật vật vì liên tục hứng chịu những nhận xét tiêu cực, những lời phỉ báng từ các antifan. Người nổi tiếng luôn phải gánh áp lực về ngoại hình, bị cô lập, dồn ép dẫn đến mức phải bảo vệ bản thân bằng những hành động tiêu cực tới tinh thần và thể chất, thậm chí nguy hại đến tính mạng. Từng có thời gian, dư luận Hàn Quốc chấn động trước tin nam vận động viên bóng chuyền nước này Kim In-hyeok tự tử tại nhà riêng với nguyên nhân được cho là do bị cư dân mạng bắt nạt, chỉ trích ngoại hình của anh là "trông như trang điểm", "là người mang giới tính thứ ba", "mang nhan sắc của diễn viên đóng phim người lớn". Tâm thư anh để lại trước khi mất đã khiến bao người bàng hoàng, xót xa: "Suốt 10 năm qua, mọi người đã hiểu lầm tôi. Lúc trước, tôi nghĩ rằng cứ mặc kệ là ổn nhưng giờ tôi quá mệt mỏi. Những kẻ ngoài kia chẳng biết gì về tôi nhưng lại tra tấn tôi bằng những bình luận ác ý. Làm ơn dừng lại đi, tôi quá mệt rồi." Nhưng đúng như nhà thơ John Dryden chiêm nghiệm "Đầu tiên, chúng ta tạo nên thói quen và sau đó chính thói quen thống trị và điều khiển chúng ta", nếu ta gieo những thói quen xấu trong hành trình sống, ta sẽ gặt được tính cách xấu lúc nào không hay, và phải gánh nghiệp ấy trên lưng suốt cả quãng đường vận mệnh nhọc nhằn còn lại. "Tâm sinh tướng", người tôn mình đẹp bằng cách dìm hàng người khác, càng về sau sẽ càng kém sắc, héo hon, vì tâm địa họ méo mó, tối tăm dần theo những lần buông lời cay đắng, nhẫn tâm miệt thị người khác, hả hê trên nỗi đau khổ của đồng loại. Có "lời nói đọi máu" nhưng cũng có "lời nói gói vàng", sao ta không tăng giá trị của bản thân bằng cách tu dưỡng lời ăn tiếng nói, biến những lời mình nói ra thành vàng ngọc, có sức nặng ngàn cân, lan tỏa năng lượng tích cực để nhận lại sự ủng hộ, tin yêu của mọi người? "Tôi chỉ đùa thôi mà. Đằng ấy mong manh yếu đuối thế." hay "Tôi nói cho sướng miệng, mặc tôi. Đã đăng ảnh lên mạng xã hội thì phải chịu bình phẩm. Nếu không muốn người ta khen chê thì tốt nhất đừng đăng." Khi người bị miệt thị ngoại hình đứng lên bày tỏ quan điểm, các bệnh nhân liền cho rằng đối phương nhạy cảm và nghĩ nhiều, mà quên mất việc mình mới cần xem xét lại bản thân. Lúc này, thói vô tâm, vô cảm lên ngôi. "Thói xấu là cửa ngõ của sự tha hóa." (Ngạn ngữ Đức). Những người quen miệt thị người khác sẽ dần biến chất đi, sống ích kỷ, nông cạn, hời hợt, đớn hèn. Đáng buồn thay, nếu những "anh hùng bàn phím" đó tỏ ra tự hào, hãnh diện về những lúc "chi phối cảm xúc của người khác" như thế, thì thứ biến chất nặng nề hơn sẽ là xã hội. Những trẻ nhỏ quanh họ - mầm non non nớt, chưa phân biệt được tốt xấu, đúng sai - tiếp nhận mầm mống "miệt thị" đó, chứng kiến vấn nạn đó hay thậm chí là trở thành nạn nhân của Body shaming sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai? Một thế hệ ưa thích việc đánh giá võ đoán người khác sẽ hình thành trong cả xã hội một nếp nghĩ, nét văn hóa coi trọng ngoại hình, lãng quên những giá trị tinh thần, chôn vùi những vẻ đẹp chân chính. Vì quen với việc chê bai, tìm kiếm nét xấu của người khác, thế hệ đó dần tự động bỏ qua những ưu điểm của người mình giao tiếp, đưa ra những nhận định sai về họ. Từng con người của thế hệ ấy sẽ như một chiếc thùng đựng rác chuyên thu thập khuyết điểm của người khác và bỏ qua cơ hội đón nhận những điều tốt đẹp để gọt giũa, phát triển bản thân. Ở trong xã hội mà thế hệ đó đứng đầu, sẽ có bao tài năng bị thui chột, chỉ vì kém sắc hoặc có ngoại hình không phù hợp thị hiếu đám đông. Mọi quy luật sẽ bị đảo lộn, vì cái đẹp lên nắm quyền và đánh chết cái nết. Để cứu lấy tương lai của cả một xã hội, sao ta bỏ mặc không chữa cho những bệnh nhân mù quáng ấy được? Vậy căn bệnh này chữa thế nào cho triệt để đây? Nạn miệt thị ngoại hình, đặc biệt trên mạng xã hội hay ngoài đời thực vẫn được lên án từng ngày, nhưng sự thật là nó chưa bao giờ chấm dứt. Những bệnh nhân vẫn luôn tự cho mình quyền tự do ngôn luận, cho rằng có sao thì nói vậy, bởi thế thực trạng này sẽ còn kéo dài rất lâu nữa. Nhưng ta không thể không công nhận những nỗ lực hàng ngày của cộng đồng trong việc đẩy lùi căn bệnh này. Từng bông hoa tươi mọc lên, thay thế dần những chồi cỏ dại, diện mạo vườn đời cũng sẽ đổi thay. Hiện nay, bên cạnh việc bị lên án gay gắt về đạo đức, người thực hiện hành vi miệt thị còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy vào mức độ miệt thị mà họ có thể bị xử phạt hành chính về hành vi trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác với mức phạt 2–3trđ theo điểm A khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP), thậm chí nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự) với mức phạt nhẹ nhất là cảnh cáo, nặng nhất là đối diện mức 5 năm tù nếu làm nạn nhân tự sát. Chỉ vì sướng cái miệng mà tiền mất nghiệp mang, hành động ấy có khác nào việc một người nghiện không thoát khỏi cám dỗ của chất cấm không? Không chỉ vậy, xã hội phát triển, con người ngày càng nhận thức rõ về những việc mình làm, đề cao nhân cách, năng lực, nên nếu còn giữ thói ứng xử bất lịch sự như "nghiện" miệt thị ngoại hình người khác, thì ta sẽ nhanh chóng bị lên án, tẩy chay, xa lánh, tệ hơn là biến thành "con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng đến hình ảnh của cả một cộng đồng. Vì vậy, hãy ngừng ngay việc phán xét cơ thể người khác và không áp đặt thành kiến lên họ. Thay vì gọi nhau bằng những biệt danh vô thưởng vô phạt "Hải hói. Quốc béo, Lan còi, My lùn", hay nhận xét vu vơ "Mình hạc xương mai mới là đẹp", "Con trai phải năng động, cứng rắn, không được ẻo lả, thướt tha", hãy đặt mình vào vị trí người nghe, tôn trọng, lắng nghe, bảo vệ, động viên họ, cùng họ trao đổi, sẻ chia, tìm kiếm những phương pháp cải thiện ngoại hình lành mạnh. Khi nói chuyện với một người đang tự ti về ngoại hình của mình, hãy hướng cuộc hội thoại sang việc ngợi khen những điểm tốt đẹp, bình dị, tinh tế, tích cực khác ở họ. Đặc biệt, với những ai đang có xu hướng Body shaming chính mình, liều thuốc chữa trị tốt nhất cho bạn là một cơ thể khỏe mạnh, một trái tim yêu thương và một tinh thần lạc quan. Đừng im lặng tiếp tay cho cái xấu, mà hãy thẳng thắn đối diện, bày tỏ quan điểm, không nhún nhường để họ hại mình và hại những người kém may mắn khác. Khi hiểu được ý nghĩa của những tổn thương mà mình trải qua và chuyển hóa nó thành động lực, ta sẽ có một nguồn sức mạnh tinh thần dồi dào và có thêm một trải nghiệm đáng nhớ, để mai sau nhìn lại, ta thấy yêu thương, cảm phục bản thân nhiều hơn. Cũng có trường hợp những người là nạn nhân của Body shaming lại lựa chọn phản ứng bằng cách nhắm mục tiêu vào người khác để cứu vớt cái tôi và khỏa lấp sự cô đơn, sợ hãi bên trong mình. Nhưng trái tim của một người hùng là một trái tim tổn thương nhưng vẫn dung chứa được những điều cao cả, tốt đẹp. Việc trở thành người hùng hay kẻ ác chỉ khác nhau trong một suy nghĩ. Hãy dũng cảm bao dung, giúp đỡ, kề vai sát cánh với những con người đang bị hành hạ bởi những vấn đề giống bạn trước đây, cho dù trong quá khứ, chưa từng có bất cứ ai đối xử nhân hậu như thế với bạn cả. Khi đó, bạn vừa chữa lành được vết sẹo cũ, vừa ươm mầm một tình bạn đẹp. Nhưng nếu tay ta nhúng chàm rồi thì sao? Sửa sai từ bây giờ chính là thời điểm tốt nhất. Hãy cân bằng cảm xúc, tìm hiểu rõ động cơ của mình trước khi định buông lời không hay để tạo lập thói quen kiểm soát và vô hiệu hóa những suy nghĩ lệch lạc. Tiếp đó, đừng ngần ngại mà gieo một nụ cười tươi hay một lời thật lòng hỏi thăm sức khỏe. Nữ văn sĩ Agatha Christie từng nói: "Thật đáng tò mò, thói quen ấy. Người ta chẳng bao giờ biết mình có chúng." Nhiều khi chúng ta vẫn nghĩ mình vô can, nhưng đôi lúc trong cách ăn nói hàng ngày, ngôn từ không phù hợp, chệch quỹ đạo đâm thẳng vào trái tim của ai đó chút thôi là ta đã mắc phải căn bệnh Body shaming rồi. Vậy nên đây là vấn đề mà tất cả mọi người cần chú ý, thành thật với chính mình và nhìn nhận một cách nghiêm túc, có tinh thần sửa đổi, hướng thượng. Chúng ta còn bao việc đáng làm hơn mà, như chăm sóc sức khỏe, tu dưỡng tâm hồn, rèn sự tự tin; nỗ lực học tập, trải nghiệm nâng cao giá trị của bản thân. Thực hiện tất cả những điều trên, thành công và hạnh phúc sẽ dần dần đến với ta.