NLXH: Lòng vị tha - Nêu suy nghĩ về câu nói: Chỉ trích một người ... tự hào

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 1 Tháng mười một 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    NLXH: Nêu suy nghĩ về câu nói: "Chỉ trích một người đã làm cho ta không hài lòng không khó, mà vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào"

    Đọc câu chuyện sau:

    Trong túi ông nội tôi lúc nào cũng có vài đồng tiền xu. Đó vốn là thói quen của ông. Một lần lúc còn bé, tôi theo ông vào đền cầu nguyện. Khi ông quỳ xuống cúi lạy, mấy đồng tiền trong túi áo rơi xuống nhẹ nhàng trên tấm chiếu. Có lẽ vì chúng chẳng gây ra tiếng động nào, hay vì quá tập trung nên ông nội tôi không hề hay biết. Tuy nhiên người đàn ông quỳ gần đấy thì lại khác. Ông này nhanh như chớp đưa tay lấy vội rồi lẩn vào đám đông đằng xa, trước khi tôi kịp phản ứng.

    Chờ cho ông cầu nguyện xong, tôi vội kể lại toàn bộ sự việc và hăng hái bảo sẽ chỉ mặt người ấy cho ông. Tuy nhiên, trái với vẻ hùng hổ của tôi, ông chỉ từ tốn: "Nếu người đàn ông ấy phải ăn trộm ở nơi thờ cúng tôn nghiêm này thì chắc hẳn ông ấy phải túng thiếu cùng cực lắm. Ta không nên vội." Dạo ấy gia đình tôi có một cửa hàng rau quả nên ông tôi nảy ra một ý định. Ông bảo tôi: "Mỗi tháng, chúng ta sẽ gói một ít thức ăn, rau quả và cháu sẽ gửi cho ông ấy nhé? Đó sẽ là món quà bí mật mà chúng ta dành cho ông ấy".

    Từ câu chuyện trên, anh/ chị có suy nghĩ gì về ý kiến "Chỉ trích một người đã làm cho ta không hài lòng không khó, mà vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào"

    BÀI LÀM:​

    William Arthur Ward đã từng chiêm nghiệm: "Sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ". Thật vậy, trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm ta buồn bã.. Nhưng điều quan trọng là sau tất cả những điều đó, ta vẫn có lòng vị tha. Ngạn ngữ có câu: "Hãy tha thứ và hãy quên". Nhưng phần lớn chúng ta thường cảm thấy quên dễ hơn nhiều so với việc tha thứ cho một người nào đó đã làm ta đau lòng, việc tha thứ đòi hỏi một người phải có tấm lòng nhân hậu sâu sắc, biết yêu thương mọi người và bỏ qua tất cả tội lỗi mà họ đã làm. Nhưng so với thực tế, chẳng mấy ai có thể làm được như vậy.

    Trước hết chúng ta cần phải hiểu "vị tha" có nghĩa là sống vì người khác, không ích kỷ, không vì riêng mình, không mưu lợi cá nhân. Lòng vị tha là sự hy sinh một điều gì cho ai đó không phải là bản thân mình (ví dụ hy sinh thời gian, tiền bạc, của cải) mà không kỳ vọng sẽ được ghi nhận hay sự đền đáp hoặc lợi ích dù là trực tiếp hay gián tiếp từ phía người nhận hoặc cộng đồng. Người có lòng vị tha là người sở hữu một trái tim nhân hậu, tâm hồn cao đẹp, biết sẻ chia, yêu thương mọi người. Và từ câu truyện về ông nội của người kể truyện bên trên, chúng ta được học cách ứng xử tốt đẹp của người ông. Mặc dù bị mất những đồng tiền xu trong đền, nhưng khác với sự hùng hổ của người cháu, người ông lại từ tốn, khoan dung và độ lượng. Ông không chỉ trích mà đồng cảm với hoàn cảnh của tên trộm, ngược lại còn đem đến cho anh ta món quà vô giá. Đó không chỉ là món quà vật chất mà còn là món quà của tình yêu thương, sự sẻ chia và lòng nhân ái. Câu chuyện đem đến suy ngẫm về một quan niệm sống đẹp: "Chỉ trích một người đã làm cho ta không hài lòng không khó, mà vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào". Ngược với "vị tha" là bỏ qua, tha thứ cho lỗi lầm của người khác, yêu thương, giúp đỡ để họ sửa đổi thì "chỉ trích" là phê phán, chê trách một cách nặng nề.

    Từ quan niệm sống của nhân vật ông, chúng ta có thể rút ra bài học đầu tiên là trong cuộc sống, ai cũng có lúc mắc sai lầm bởi nhân vô thập toàn. Điều quan trọng là cách hành xử của con người trước những sai lầm ấy. Chúng ta đều biết rằng hành động ăn cắp tiền của nhân vật người đàn ông là sai trái. Tuy nhiên, mấy ai có thể bình tĩnh suy xét nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Rất nhiều người trong chúng ta chỉ biết đặt lợi ích của cá nhân hoặc của những người yêu quý lên trên mà quên mất rằng chúng ta đang sống trong một cộng đồng, chúng ta cần cư xử có suy nghĩ và học thức.

    Bài học thứ hai là chỉ trích sai lầm của người khác không khó: Lên án, phê phán sai lầm của người khác là thái độ thường gặp trong cuộc sống. Đây là nét tâm lý chung của con người khi không hài lòng một điều gì đó. Tuy nhiên, cách hành xử này chỉ giúp ta giải tỏa tâm lý tạm thời, không đem lại giá trị thiết thực. Ngược lại, chỉ trích còn khiến ta mệt mỏi, làm cho mối quan hệ ngày càng căng thẳng. Ví dụ trong lớp có học sinh học kém hơn, bạn dè bỉu, xa lánh. Hay trong tập thể có thành viên mắc lỗi, làm điều sai trái, bạn lên án gay gắt, trách cứ bạn đó. Nếu như vậy liệu lớp bạn có được đoàn kết, tập thể có thể vững mạnh? Nếu sống trong sự chấp nhặt thì lúc nào đầu óc cũng nặng trĩu, từ cái nhỏ li ti cũng để ý, đôi lúc người khác nhìn mình như một người giám sát, ta sẽ không có được những lời tâm sự của họ, không được người khác tin tưởng việc gì, ngoài làm một thanh tra kiểm toán.

    Và cuối cùng, rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào: Đây là cách ứng xử nhân văn và cao đẹp. Vị tha là phương thuốc tốt nhất để sửa chữa sai lầm. Vị tha cho lỗi lầm của một người chính là tạo cơ hội cho người đó sửa sai. Trong sử sách, có rất nhiều gương sáng về lòng vị tha. Ở thế kỉ XIII, Trần Quốc Tuấn đã gác thù riêng của gia đình sang một bên để cùng với vua Trần lo nghiệp lớn, ba lần đánh đuổi giặc Nguyên – Mông ra khỏi đất nước. Sống vị tha giúp tinh thần chúng ta an nhiên và hạnh phúc. Đôi khi, có những điều làm cho bạn tổn thương hẳn bạn khó quên được ngay. Nhưng nếu biết mở lòng mình ra bằng sự vị tha, bạn sẽ lấy lại được cảm giác sảng khoái, thanh thản. Chính sự thanh tịnh trong tâm hồn làm tăng năng lượng, sức sống, nhiệt huyết, ăn uống ngon miệng, giấc ngủ êm đềm và nhất là sự hỷ lạc trong tâm hồn. Tất cả sẽ tạo ra cảm giác hạnh phúc, viên mãn cho con người. Vị tha giúp mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Ở thế kỉ XV, Nguyễn Trãi đã nêu cao quan điểm sống tích cực: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ). Mặc dù phải chịu nhiều thiệt thòi và oan khuất, song Nguyễn Trãi vẫn một lòng một dạ trung thành:

    "Bởi có một lòng trung với hiếu,

    Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông."

    Trao đi tình yêu thương, sự rộng lượng ta sẽ nhận lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, sống có lòng vị tha không có nghĩa là xuê xoa, dễ dãi, việc gì cũng bỏ qua. Nếu quá dễ dãi đồng nghĩa với ba phải, nhu nhược, dễ bị khinh thường.. Nếu dễ dãi với mình sẽ làm bản thân tụt dốc giống như xe không phanh, sống không chuẩn mực. Nếu dễ dãi với kẻ tham lam, ngang tàng thì tội ác được nước lấn tới.

    Tóm lại, Có thể nói trong cuộc sống không thể thiếu đi lòng vị tha. Một khi không có lòng vị tha con người chẳng khác nào gỗ đá vô tri. Không có lòng vị tha con người cũng sẽ không biết yêu thương, không còn biết quan tâm đến những người xung quanh. Nhờ lòng vị tha mà con người mới có được đức hi sinh, tinh thần dũng cảm..
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...