Trong cuộc sống của chúng ta, mở rộng lòng bao dung, tha thứ độ lượng là một trong những đức tính, phẩm chất vô cùng cao quý, tốt đẹp của con người. Vì thế, Phật - người được xem là hiện thân của lòng bác ái đã xem đó là một thứ tài sản vô giá. "Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng bao dung". Bao dung là rộng lượng, tình thương yêu của con người sẵn sàng tha thứ, không khắt khe, không trừng phạt hoặc sẵn sàng xóa bỏ những sai lầm của người khác đã mắc phải. Lòng bao dung là yếu tố quan trọng đem lại bình yên, hòa thuận, thân thiện trong xã hội và gia đình. Khi ta thể hiện lòng bao dung với ai đó thì tâm hồn ta sẽ cảm thấy được thanh thản, nhẹ nhàng vì đã làm một điều có ý nghĩa của phẩm chất nhân ái. Hơn nữa, bao dung, tha thứ lỗi lầm của người khác thì có thể cảm hóa họ. Khi nhận được sự bao dung của chúng ta thì bản thân người đó sẽ cảm thấy hối lỗi, tự tu chỉnh bản thân, sửa chữa lỗi lầm. Có thể nói, lòng bao dung làm cho tâm hồn ta trở nên thánh thiện, cao thượng và giàu có hơn. Đúng như lời của một nhà triết gia từng nói: Sự nghèo nàn về của cải vật chất không đáng sợ bằng sự nghèo nàn về mặt tinh thần. Chính vì vậy, ta phải lấy sự bao dung, sự tha thứ và nhường nhịn làm phương châm xử thế "một điều nhịn - chín điều lành". Thấm thía lời dạy của Phật, bản thân mỗi chúng ta phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu bồi đắp cho mình có một lòng bao dung rộng lớn. Lòng bao dung chính là tài sản vô giá của con người và cũng chính là phương châm đối nhân xử thế tốt nhất nhằm hoàn thiện nhân cách bản thân và mang lại sự bình an cho cuộc sống.