NLVH về Tư tưởng nhân nghĩa và chân lý về độc lập chủ quyền của Đại Việt trong Nước Đại Việt ta

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 15 Tháng năm 2022.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: NLVH về Tư tưởng nhân nghĩa và chân lý về độc lập chủ quyền của Đại Việt trong văn bản Nước Đại Việt ta

    Con người phát triển; các quan niệm, tư tưởng, nhận thức cũng phát triển theo, chúng sâu sắc hơn để mang lại giá trị cao hơn, ánh nhìn khách quan sâu rộng hơn đối với cuộc sống, cuộc đời. Đoạn trích Nước Đại Việt ta đã làm tốt công việc đó, khi kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm nhân nghĩa của Nho giáo và chân lý về độc lập chủ quyền dân tộc từ Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt). Ngay từ phần mở đầu, tác giả đã nêu nhận định về tư tưởng nhân nghĩa. Nhân nghĩa là khoan dung độ lượng, yêu nước thương dân, tôn trọng lẽ phải. Gốc rễ của nhân nghĩa là "yên dân", lấy dân làm gốc, giúp dân yên ổn, ấm no, thái bình. Việc cốt lõi đó đặt trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, nó trở thành mục tiêu, lý tưởng khiến bậc đế vương, quân đội trở thành "quân điếu phạt". Cụm động từ "trước lo trừ bạo" cho thấy việc làm tiên quyết, đặt lên hàng đầu là tiêu diệt bạo ngược, tai ương, cụ thể ở đây là lũ giặc ngoại xâm. Hai câu văn biền ngẫu sóng đôi nhau, lời văn cô đọng, hàm súc, đảm bảo tính thống nhất giữa "yên dân" và "trừ bạo". Trong tư tưởng Nho giáo xưa, "nhân nghĩa" là phạm trù cá nhân, chỉ cách ứng xử giữa người với người: Phải yêu thương, đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau. Còn "nhân nghĩa" của Nguyễn Trãi phát triển lên thành mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia: Tôn trọng, độc lập và yên dân. Điều này vừa hợp lòng người, vừa hợp đạo lý trong lẽ bang giao của hai nước, ở thời điểm đó đã thu phục được nhân tâm thiên hạ, khiến nhân tài 4 phương hội tụ về núi rừng Lam Sơn tham gia kháng chiến. Có thể thấy, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi rất tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Mặc dù được ông kế thừa từ Khổng Tử - Mạnh Tử, nhưng nó đã mở rộng và nâng cao hơn, mang một ý nghĩa tích cực, đồng thời làm tiền đề để tác giả khẳng định độc lập chủ quyền. Quan hệ từ "như" móc nối sang phần chứng minh chân lý đó. Sang đến phần hai của văn bản, tác giả bắt đầu đưa ra bảy phạm trù quan trọng để khẳng định chân lý về sự tồn tại của một quốc gia, dân tộc. Thứ nhất là quốc hiệu "Đại Việt", cùng với chữ "ta" mộc mạc, tự tin, nhưng cũng là lời tuyên bố đầy dõng dạc, tự hào của những người con khi nói về đất Mẹ. Thứ hai là "nền văn hiến lâu đời". Nền văn hiến là tất cả những hồn cốt thiêng liêng, truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp của một dân tộc. Bản sắc kỳ vĩ đó được hun đúc, xây dựng bởi 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó, tạo nên những nét riêng đặc biệt không thể lẫn với quốc gia nào. Tiếp đến là cương vực lãnh thổ. "Núi sông bờ cõi đã chia", lãnh thổ nước ta được chia cách bởi đường biên giới từ thuở sơ khai dựng nước. Thứ tư là phong tục tập quán, là sự khác nhau trong thói quen văn hóa giữa các vùng miền trên Tổ quốc được hình thành trong đời sống của con người, sóng đôi với lịch sử dân tộc, trở thành những chuẩn mực văn hóa mà mọi người phải thừa nhận và tuân theo. Sau đó 360 năm, ngày 22-12-1788, trước ba quân tướng sĩ, Hoàng đế Quang Trung đã có lời tuyên thệ hùng hồn, mong muốn đánh đuổi kẻ xâm lược, bảo vệ các truyền thống văn hóa dân tộc: "Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng". Đó cũng là bức chân dung tinh thần của quốc gia Đại Việt. Chính vì các lẽ đó mà Nguyễn Trãi có thể tự hào khi một nước nhỏ mà có thể sánh vai với một nước lớn "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương". Phép liệt kê lớn ôm lấy phép liệt kê nhỏ. Danh xưng "đế" đã khẳng định vị thế và hình thái của nhà nước ta: Chế độ quân chủ chuyên chế. "Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau", tuy chiều dài lịch sử nước ta không thể sánh ngang với lịch sử của đế quốc phương Bắc, "song hào kiệt đời nào cũng có". Đất nước muôn vạn thăng trầm, nhưng luôn có nhân tài, có tiềm lực, sức mạnh. So với câu thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" của thời Lý, niềm tự hào, tự tôn dân tộc đã nâng lên một bậc, ấy là sự đề cao yếu tố con người - những "nhân kiệt" sinh ra từ "địa linh", làm nên lịch sử, nguyên khí quốc gia và nền văn minh của Đại Việt. Tư tưởng dân chủ lấy dân làm gốc này xâu chuỗi với quan điểm nhân nghĩa ở phần trước của đoạn trích, càng tăng tính sâu sắc, nhân văn. Các câu văn hài hòa, đăng đối, từ ngữ chọn lọc mang tính chất hiển nhiên "từ trước, vốn, đã lâu, đã chia, cũng khác" đã mang đến cho văn bản giọng điệu hào hùng khí thế đầy tự hào tự tôn dân tộc. Dẫn chứng khách quan toàn diện cùng cách lập luận chặt chẽ, sắc bén, hùng hồn, khiến đoạn trích không chỉ có tác dụng chứng minh mà còn như một lời tuyên bố đầy hào sảng, đanh thép về độc lập lập chủ quyền dân tộc. Đến phần 3 kết thúc văn bản, tác giả đề cao sức mạnh của nhân nghĩa thông qua lịch sử chống giặc ngoại xâm hào hùng. Vua quan tướng lĩnh phương Bắc "Lưu Cung, Triệu Tiết, Ô Mã, Toa Đô" - những kẻ phản nhân nghĩa đều nhận lại một kết cục thảm bại. Chúng "tiêu vong", "thất bại" vì "thích lớn", "tham công". Hậu quả đó đúng với lời tiên tri ở đầu bài, hoàn thiện phép lập luận nhân quả. "Sông Bạch Đằng", "cửa Hàm Tử" làm nên những chiến công oanh liệt, tiếp nối tinh thần "bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai" trong Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn). Khép lại đoạn trích, bằng hai câu "Việc xưa xem xét/ Chứng cớ còn ghi", Nguyễn Trãi đã biến lời nói của mình thành lời của người chép sử, biến cái chủ quan thành khách quan. Khi đi đánh Vũ Canh, Chu Thành Vương truyền Đại cáo, bình xong quân Minh, Lê Thái Tổ cũng tuyên đại cáo, tác giả muốn nhân dịp này bày tỏ cho thiên hạ thấy đạo lý lớn nhất của Đại Việt là đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Qua đó cho ta thấy, nhân nghĩa là tư tưởng chủ đạo, là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi các phần văn bản của toàn tác phẩm Bình ngô đại cáo, còn ở đoạn trích này, nó là điểm tựa giúp Nguyễn Trãi khẳng định chân lý về độc lập chủ quyền của Đại Việt.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...