NLVH về Lòng yêu nước và căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn trong văn bản Hịch tướng sĩ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 25 Tháng tám 2022.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    [​IMG]

    Năm 1285, giặc Mông Nguyên sang quấy phá, chuẩn bị xâm lược nước ta. Trần Quốc Tuấn khi đó đã là tiết chế thống lĩnh, đứng đầu 3 quân, nhưng ông không dùng sức mạnh, quyền uy mà lấy việc thu phục nhân tâm, chỉnh đốn tinh thần nghĩa sĩ làm kế sách hàng đầu. Hịch tướng sĩ ra đời vì lẽ đó, nhằm khích lệ tinh thần tự nguyện để những người cầm vũ khí đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm bằng lí tưởng, đạo lí, khát vọng và trách nhiệm của một nhà binh, một người con của Đại Việt. Qua đó mới thấy, bên cạnh tài năng và trí tuệ, TQT còn có một lòng nồng nàn yêu nước và căm thù giặc mãnh liệt đến nhường nào. Mở đầu tác phẩm, người viết đề cao lòng yêu Tổ quốc bằng biện pháp nêu gương các trung thần nghĩa sĩ. Đó là các tấm gương "lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ", được ghi lại trong những câu chuyện văn chương và quân sử. Các tướng tài như "Kỉ Tín, Do Vu, Kính Đức", các quan trung "Thân Khoái, Cảo Khanh" hay gia thần giỏi "Dự Nhượng" của thời Xuân Thu - Chiến Quốc, đời Hán đời Đường - đều có chung lòng trung thành, "bỏ mình vì nước", hết lòng xả thân cứu chủ. Cách bàn luận cứ thu hẹp dần theo phạm vi từ xa đến gần, từ xưa đến nay, từ quan hệ vua tôi rộng đến quan hệ chủ tớ hẹp. Để rồi lương tri của một vị tướng giàu lòng yêu nước nhen nhóm lên thái độ sống đúng đắn "Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa". Cách đối chiếu mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng lại tác động đến nhận thức và lương tâm của những binh lính tướng sĩ "không hiểu văn nghĩa". Tác giả rất hiểu tâm lí của "con nhà võ tướng", dẫn dắt linh hoạt, mềm dẻo đến "chuyện Tống Nguyên mới đây", bằng việc nêu ra hàng loạt các câu hỏi xoáy vào tâm trí người đọc "Vương Công Kiên là người thế nào, tì tướng của ông là Nguyễn Văn Lập lại là người thế nào.. Cốt Đãi Ngột Lang là người thế nào, tì tướng của ông Xích Tu Tư lại là người thế nào..", rồi liệt kê các cống hiến của họ cùng những kết quả mỹ mãn; từ đó làm cơ sở lý luận để khẳng định nghĩa vụ của kẻ bề tôi phải tuân theo đạo thần chủ, sống vì dân vì nước. TQT liệt kê các điển tích điển cố của tướng phương Bắc, thậm chí là tướng Mông Nguyên để khích lệ khát vọng lập công danh báo đền đất nước của tướng phương Nam. Điều đó khiến phần mở đầu của bài hịch có chiều sâu, dễ dàng nắm bắt được tâm lí người đọc thời điểm đó - những đấng nam nhi đại trượng phu với chí làm trai hừng hực, để rồi dễ dàng hướng những cảm xúc ấy quy tụ về lòng yêu nước. Sự thấu hiểu đó chính là biểu hiện của lòng yêu nước. Tác giả với tư cách là bề tôi của vua, giúp vua bảo vệ giang sơn, thay trời hành đạo quét sạch lũ nghịch thù, cũng vác trên vai đạo thần chủ. Có lẽ bởi vậy mà sự nặng lòng với đất nước, lòng căm thù giặc trong TQT mới như ngọn lửa cháy âm ỉ, chờ gió đến liền bùng lên mạnh mẽ. Sang đến phần hai của tác phẩm, tác giả đã tố cáo gay gắt tội ác và sự bạo ngược của giặc - những thứ chà đạp, xúc phạm lên lòng yêu nước thiêng liêng. Hành động ấy đối với một người khắc sâu tình yêu tổ quốc như TQT quả thật không thể nhắm mắt dửng dưng. Ông coi đó là nỗi nhục, nỗi thẹn. Phép liệt kê đã diễn tả đầy đủ, sâu sắc những mất mát về mặt vật chất "bị đòi ngọc lụa, thu bạc vàng, vét của kho có hạn" và những tổn thất về mặt tinh thần: Triều đình bị "sỉ mắng", tể phụ bị "bắt nạt". Mà những kẻ chuyên quyền đó lại là một bọn "cú diều, dê chó" bẩn thỉu hôi tanh. Tác giả không ngần ngại ẩn dụ sứ giặc là những loài dã thú hạ đẳng, cho thấy thái độ căm thù, ghê tởm, phẫn uất của vị chủ tướng đã lên đến tột cùng. Kết hợp với phép đối lập tương phản giữa những hành động tham lam vô lý, táng tận lương tâm của giặc với thái độ im lặng, nhún nhường của tể phụ, triều đình; người viết một lần nữa vạch trần dã tâm thâm độc muốn khiêu khích chiến tranh, viện cớ đoạt nước của kẻ thù. Câu văn biền ngẫu dồn dập từng hồi, như các bằng chứng đua nhau lên án thái độ và việc làm bạo ngược của giặc. Câu cuối đoạn nửa vế "Thật khác nào.." là kiểu câu cảm thán, nửa còn lại "sao cho khỏi.." thuộc kiểu câu nghi vấn, giúp giọng văn lên xuống linh hoạt, đồng thời thể hiện cái giận, lo trước nguy cơ mất nước tiềm ẩn. Tác giả so sánh giặc Mông Nguyên là loài hổ hung dữ tàn ác, có đem thịt mà nuôi cũng khó thỏa mãn cái đói cồn cào của chúng. Cái sai manh nha đầu tiên dần dần lộ ra, đó là sự nhẫn nhục, là tư tưởng cầu hòa, thối chí của binh lính tướng sĩ trước giặc ngoại xâm. Đối với TQT, từng tấc non sông đã trở thành máu thịt, còn lũ giặc lòng lang dạ sói chính là loài ăn thịt dữ tợn. Đó chính là biểu hiện của lòng yêu nước tỏa rạng trực tiếp trên mặt bằng câu chữ. Đến đây, trái tim nồng nhiệt, thiết tha của người con hết lòng vì Tổ quốc lại tiếp tục những nhịp đập mãnh liệt, sôi trào. Người chủ tướng lo lắng, trăn trở đến quên ăn quên ngủ. Nếp sinh hoạt hàng ngày cũng bị gián đoạn bởi nỗi bất an thường trực, canh cánh nơi đáy lòng. Không chỉ vậy, tinh thần trách nhiệm, vì nước vì dân của TQT còn thể hiện qua nỗi đau đớn vật vã, căm uất ngút ngàn. Như một sợi dây vô hình gắn kết giữa một người con dân tộc với giang sơn to lớn, đất nước bị giày xéo cũng đồng nghĩa với lòng người thổn thức không thể bình tâm, "ruột đau như cắt". "Nước mắt đầm đìa", trực trào trên khuôn mặt của vị chủ tướng đã ngoài 50, đã bao phen ngụp lặn trong mưa máu gió tanh của trận mạc. Giọt nước mắt nóng hổi ấy kết tinh từ sự quan chú và lòng yêu nước sâu sắc, mà không hề yếu đuối, bạc nhược hay bất lực, đầu hàng. Người viết đau ức nghẹn ngào đến bầm gan tím ruột chỉ vì "chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù." Nỗi xót xa uất huận bùng lên như ngọn lửa cháy phừng phừng, dồn nén thành ý chí chiến đấu, hy sinh, sống mái với kẻ địch. Con người ai cũng ham sống, nhưng TQT lại muốn chết đến trăm, nghìn lần "trăm xác này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa" để giải thoát khỏi cơn căm tức. Ấy là âm vang của lyn tự thân lên tiếng. Câu ghép có quan hệ đối lập tương phản "Dẫu cho.. (thì).." cùng lời khẳng định "ta cũng vui lòng" cho thấy khát vọng cống hiến, báo đền Tổ quốc của TQT. Tinh thần quyết chiến quyết thắng này còn thể hiện trong câu nói của ông khi được vua Trần Thánh Tông hỏi trước khi đưa ra quyết định chủ chiến hay chủ hòa quân Mông - Nguyên: "Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng". Tuy những hình ảnh tác giả sử dụng đều mang tính ước lệ, mang phong vị của những điển tích điển cố xa xưa, nhưng tại đây, kết hợp với lối nói phóng đại, chúng lại trở nên "thật" nhất, chân tình nhất, dễ dàng tác động đến thâm tâm của mỗi binh lính. Chủ tử của mình còn day dứt, trăn trở, căm phẫn, sục sôi như vậy, bậc tôi tớ há có thể dửng dưng vô tâm. Có thể thấy, đoạn văn tuy có 2 câu những cũng đủ khắc họa chân thực, cảm động chân dung một vị anh hùng có tầm nhìn xa trông rộng, yêu nước tha thiết, hy sinh quyền lợi của bản thân. Cho nên, dù "khi nước lung lay, quyền binh quân quốc ở trong tay mình", ông cũng không nghe theo lời phụ thân để giành lấy vương quyền, mà một lòng một dạ phò tá nhà vua. Tấm lòng nhân nghĩa đó đã phần nào khích lệ lòng trung quân ái quốc của blts, là bước đệm khơi gợi cảm xúc từ nông đến sâu, từ nghĩa đến tình để phần sau giáo dục đúng sai một cách dứt khoát, đúng với tâm lí con người: Lời khuyên răn của kẻ đồng cam cộng khổ với mình, sao có thể không lắng nghe. Trước khi phê phán răn dạy, TQT tái hiện lại mối quan hệ chủ tớ ân tình, hậu đãi, dài lâu. Ý văn chuyển mình từ độc thoại nội tâm sang đối thoại trao đổi. Trật tự từ tăng tiến được sắp xếp rất hợp lí, từ sự đồng hành, đoàn kết thực hiện nhiệm vụ, trọng trách "các người cùng ta coi giữ binh quyền", đến sự sẻ chia, hào phóng, ân cần trong nhu cầu hàng ngày "cho áo, cho cơm, cho thuyền, cho ngựa"; từ sự giúp đỡ, chu đáo trong gây dựng sự nghiệp, lợi danh "thăng chức, cấp bổng", đến sự gắn bó keo sơn như tri kỷ tri âm "lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười." "Cùng nhau, cùng nhau", ranh giới khoảng cách giữa chủ tướng và tì tướng đã bị xóa nhòa, chỉ còn lại đây tình đồng chí đồng đội như tình thân ruột thịt son sắt thủy chung. Để rồi khép lại bằng việc so sánh cách đối đãi của mình với Cốt Đãi Ngột Lang, Vương Công Kiên, tác giả lại một lần nữa khơi gợi đạo thần chủ và lòng ân nghĩa. Trạng từ "nay" chuyển ý sang một hướng nghị luận khác, giúp tác giả đi thẳng vào những sai trái của binh lính tướng sĩ. Giọng văn từ thủ thỉ tâm tình dần chuyển sang đanh thép, nghiêm nghị, khảng khái. Bằng câu văn biền ngẫu, phép liệt kê và điệp ngữ tăng tiến, TQT giễu cợt, sỉ mắng thậm tệ thái độ chủ quan, lãnh đạm của bl "ko biết lo, không biết thẹn, không biết căm, không biết tức.." Đã 27 năm kể từ cuộc kháng chiến MN lần thứ nhất năm 1258, một khoảng thời gian đủ để sản sinh ra một thế hệ mới, thế hệ những con người không biết tới khổ đau và mất mát, cống hiến và hy sinh. Nó biến những kẻ anh hùng, cao thượng, dũng cảm trong thời chiến trở thành những kẻ hèn nhát, xấu xa, vị kỷ trong thời bình, chỉ lo "chọi gà, đánh bạc, vui thú vườn ruộng, quyến luyến vợ con..". Nó cũng sinh ra những những thói hư tật xấu của tầng lớp quý tộc quan lại trong quá trình củng cố địa vị của mình sau chiến tranh thắng lợi, như chơi bời, hưởng lạc, quên nhiệm vụ, mải hưởng thụ và mưu sinh "lo làm giàu, ham săn bắn, thích rượu ngon, mê tiếng hát..". Một loạt các dẫn chứng xác thực tuôn ra, đả kích mạnh mẽ vào lòng tự tôn cá nhân của những bl đang u mê sai trái. Sau đó, TQT tiếp tục khẳng định hậu quả nhãn tiền, khủng khiếp nếu các blts vẫn còn vui thú ăn chơi. Lời văn không nhẹ nhàng lắng đọng nhưng cũng là những lời gan ruột, trách mắng xối xả, trực diện vào tướng sĩ, để từ đó đả thông tư tưởng, thay đổi ý thức của họ. Điệp cấu trúc "Chẳng những.." vừa vẽ ra dư âm ám ảnh đen tối của họa ăn chơi trác táng, vừa tạo giọng điệu "đau xót biết chừng nào". Những đối tượng, yếu tố gắn liền với cuộc đời của một con người: Thái ấp - bổng lộc, gia quyến - vợ con, xã tắc tổ tông - cha mẹ, tên tuổi - gia thanh.. gợi sự đồng cảnh giữa vị chủ tướng và các binh lính tướng sĩ, khiến phân đoạn trở nên khách quan, càng cho thấy hậu quả nghiêm trọng từ thói vô cảm, thờ ơ trước họa ngoại xâm. Cách lập luận theo trình tự nhân quả "Nay các ngươi.. Nếu có giặc Mông Thát tràn sang.. Lúc bấy giờ ta cùng các ngươi.." rất sắc sảo, thuyết phục. Câu hỏi tu từ cuối đoạn "Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không" bộc lộ sự chua chát, khiến người đọc tự vấn lương tâm, đồng cảm với người cầm bút. Cuối cùng, cũng bằng trạng từ "nay" như tấm bản lề chuyển ý, giọng văn nhẹ nhàng trở lại, như thủ thỉ khuyên răn. TQT là một người có tư tưởng dựa vào dân, vì ông biết rất rõ sức mạnh của những người lính là nguyên nhân thắng lợi. Biểu hiện của lòng yêu nước nằm ở chính trí tuệ và đức độ của vị chủ tướng khi đứng trước thời cuộc, trước những trăn trở về vận nước vận dân. Đối với quân sĩ, ông yêu cầu người làm lính phải cảnh giác, thận trọng, "nên nhớ câu 'đặt mồi lửa vào dưới đống củi' làm nguy cơ, nên lấy điều" kiềng canh nóng mà thổi rau nguội "làm răn sợ". Không có gì khác hơn là luyện tập cung kiếm đến mức tinh nhuệ, thiện xạ, "khiến ng ng giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ". TQT mong muốn đội quân của mình tiêu diệt kẻ thù ở chính nơi chúng đã gây ra tội ác "bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt VNV ở Cảo Nhai", thỏa lòng căm thù giặc. Kết đoạn, người viết điệp lại cấu trúc "Chẳng những.. của ta.. mà các ngươi.. phỏng có được không?", vẽ lên viễn cảnh tươi sáng của việc chuyên tập binh đao sẵn sàng đánh tan kẻ thù. Sau khi giúp quân sĩ nhận thức được phải trái đúng sai, tác giả lại sử dụng từ "nay" để nối đến một ý mới, ấy là nhiệm vụ cho mỗi người: Chuyên tập Binh thư yếu lược. Cuốn binh pháp này do TQT viết, dựa trên tuyển tập các nghệ thuật quân sự của các tướng tài nổi tiếng xưa nay. Việc ông nêu ra rất đơn giản, thiết thực, thỏa mãn khát vọng lập công danh, báo đáp ân chủ tớ và mong muốn sửa chữa lỗi lầm của blts. Cuối đoạn, người viết một lần nữa đánh vào tư tưởng mập mờ, nước đôi, ba phải của tướng sĩ, lần cuối cùng cảnh tỉnh họ phải dứt khoát chỉnh sửa thái độ, theo đạo thần chủ, chọn con đường chính nghĩa: Con đường sống và chiến đấu vì tương lai dân tộc. Cách TQT khơi mở tấm lòng hướng thiện cho những blts đã cho thấy ông là người rất vị tha, trách nhiệm, có lòng yêu nước thương nòi. Giọng văn nghiêm nghị, rạch ròi như quân lệnh, khích lệ ý chí chống thù trong giặc ngoài. Câu nghi vấn "Vì sao vậy" đầy uyển chuyển, hướng đến đoạn kết của bài hịch, khẳng định lại đạo thần chủ như lẽ sống của con nhà võ tướng "Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung..". Câu cuối cùng khép lại tác phẩm, lời văn vẫn chân thành, tâm huyết, thiết tha "Ta viết ra bài hịch này để các ngươi biết bụng ta". Có lẽ lòng yêu nước và căm thù giặc của TQT đã thành công cảm hóa được tâm của các binh lĩnh tướng sĩ, khiến họ nâng cao tinh thần chiến đấu, đồng lòng thích lên cánh tay hai chữ "Sát Thát", chuyên tâm luyện tập, quả nhiên đã đánh đuổi được giặc Mông Nguyên, chiến thắng oanh liệt.

    [​IMG]
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...