Tưởng tượng mình là nhân vật "tôi" trong bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu kể lại câu chuyện về quá trình hình thành tình đồng chí giữa "tôi" với "anh", trong đó có sử dụng yếu tố nghị luận. Bài tham khảo: Chiến tranh đã rời xa, đất nước đã hòa bình được hai năm. Thế nhưng trong tâm trí tôi vẫn in đậm những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng đó. Biết bao kỉ niệm ùa về nhưng có lẽ nhớ nhất là những đồng chí đã cùng kề vai sát cánh bên tôi. Năm 1945 chiến tranh nổ ra, khắp nơi tràn đầy khói lửa bom đạn. Nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, tôi cùng những thanh niên trong làng Hăng hái đăng kí tham gia kháng chiến. Vốn xuất thân là nông dân, hành trang của tôi chẳng có gì ngoài lòng nồng nàn yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Từ một người nông dân chỉ quen cầm cuốc cầm cày, quen với công việc đồng áng vườn tược, nay lại cầm trên tay khẩu súng, thật tình tôi chưa quen. Tôi rời quê hương đến với chiến trường khốc liệt, ra nơi tiền tuyến bảo vệ những người thân yêu, bảo vệ quê hương cùng những hạnh phúc giản dị nơi đây. Tôi được phân vào một đơn vị tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947). Trong đơn vị hầu như là những gương mặt xa lạ từ bốn phương trời hợp lại. Thế nhưng bởi vì cùng là nông dân từ những miền quê nghèo đến, cùng chung hoàn cảnh xuất thân nên chúng tôi nhanh chóng làm quen và trở thành thân thiết. Quê hương anh là ở một vùng chiêm trũng ven biển, đất chua nhiễm phèn rất khó trồng trọt. Còn làng tôi cũng là miền đất trung du "đất cày lên sỏi đá" bị đá onh hóa, quanh năm khô cằn khó canh tác. Phải chăng cùng xuất thân từ những miền quê nghèo khó đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn? Anh và tôi trò chuyện như đã quen thân từ lâu. Chúng tôi đóng quân ở chiến khu Tây Bắc. Tây Bắc vốn nổi tiếng là nơi rừng thiêng nước độc. Những cơn sốt rét rừng run người vẫn còn ám ảnh tôi tới tận bây giờ, khi nghĩ lại vẫn thấy rùng mình ớn lạnh. Ai trải qua rồi mới biết cái cảm giác bên trong thì lạnh buốt, bên ngoài thì nóng toát mồ hôi nó như thế nào. Thời chiến tranh loạn lạc, hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ. Một chiếc chăn đơn mỏng mà tận hai người người đắp chung. Thế nhưng, chính sự thiếu thốn, gian khổ: "Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng" ấy đã khiến chúng tôi cảm thông và thấu hiểu nhau nhiều hơn. Tôi và anh chia sẻ với nhau nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thân. Anh kể về căn nhà tranh tồi tàn bây giờ để không trải qua mưa gió, về mảnh ruộng nhỏ ra đi phải nhờ bạn thân trông coi hộ, về hình ảnh người thân trong phút chia li. Thế nhưng tất cả đều không ngăn được quyết tâm ra đi của anh. Chúng tôi đều chung một lí tưởng, một mục tiêu chung, mặc cho nỗi nhớ quê nhà vẫn vững tay súng bảo vệ quê hương. Những câu chuyện nhỏ như thế, những tâm sự từ đáy lòng chia sẻ với nhau làm chúng tôi càng thêm gắn bó, trở thành tri kỷ của nhau. Và rồi dần dần phát triển thành một tình cảm thiêng liêng hơn mà bây giờ tôi càng trân trọng: Tình đồng chí. Chiến tranh gian khổ thiếu thốn đã để thương để nhớ tôi nhiều quá! Bao kỉ niệm lân lân ùa về. Rồi tôi nhớ cả những ngày đầu vô cùng khó khăn phải chờ sự viện trợ từ quốc tế, chúng tôi thiếu thốn đủ thứ. Áo anh thì rách vai, quần tôi thì vá chằng chịt, thậm chí trong thời tiết lạnh lẽo như thế chúng tôi còn phải đi chân trần. Nhưng khó khăn như thế chúng tôi cũng không nản lòng. Nụ cười trong giá lạnh, cái nắm tay truyền hơi ấm là động lực tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Đặc biệt tôi nhớ nhất những lúc kề vai sát cánh cùng nhau. Những hôm phục kích địch, chờ đợi trong đêm tối, trong rừng hoang đọng lại cả sương muối, chúng tôi đứng bên nhau dưới ánh trăng. Ngắm nhìn ánh trăng, cùng chờ đợi giặc tới. Đêm càng khuya, vầng trăng càng chếch bóng xuống dần, có lúc như treo trên đầu ngọn súng. Trăng khi ấy chính là minh chứng cho tình đồng chí keo sơn của chúng tôi. Những ngày tháng kháng chiến thật khó khăn, nguy hiểm nhưng thật may mắn vì bên tôi luôn có những đồng chí đồng đội cùng kề vai sát cánh chiến đấu. Chính tình đồng chí keo sơn gắn bó đã truyền cho tôi sức mạnh tiếp tục chiến đấu, góp một phần sức lực tạo nên chiến thắng cho dân tộc.