NLVH: Sự thông minh, nhân ái của Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 15 Tháng năm 2022.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: NLVH về sự thông minh, nhân ái của Lý Công Uẩn trong Chiếu dời đô

    [​IMG]

    Trí thức và lòng thương người là tố chất của bậc quân vương, Lý Công Uẩn là 1 trong những hoàng đế nổi tiếng hội tụ đủ hai phẩm chất này. Chiếu dời đô của ông đã khẳng định sự thông minh và nhân ái đó. Bài chiếu hết sức ngắn gọn hàm súc, tập trung đi sâu vào vấn đề cần bàn, bố cục ba phần phân chia mạch lạc rõ ràng, cho thấy cái tâm và cái tầm của người viết. Ở phần mở đầu, sự sáng suốt của bậc quân vương được thể hiện rõ khi nhà vua nhìn thấu hiện tình đất nước và đưa ra quyết định dời đô. Lý Công Uẩn rất sáng suốt khi xác định tư tưởng thay đổi kinh đô đối với triều đại nhà Lý là một việc làm tất yếu, khách quan, bằng việc sử dụng một loạt các phép đối chiếu giữa quá khứ với hiện tại, triều đại trước với sau, phương Nam với phương Bắc. Sự lựa chọn giữa nên và không nên dời đô của tác giả được suy luận dựa trên thực tế, từ những minh chứng lịch sử nhà Thương, Chu của thời Tam đại vì dời đô nên "vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh"; đến nhà Đinh, Lê mới đây bảo thủ "theo ý riêng mình" nên "số vận ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không được thích nghi". Điều này vừa hay đánh vào tâm lý sùng cổ của nhân dân thời bấy giờ, để từ đó tác giả có thể khéo léo thể hiện sự phê phán ý nhị của mình, cùng thái độ không tán thành cách làm "không noi theo dấu cũ của Thương, Chu" của hai nhà Đinh Lê, rồi mới đi đến kết luận khách quan "nếu thấy thuận tiện thì thay đổi.". Sự thông minh của Lý Công Uẩn còn thể hiện qua việc ông tinh tế lập luận quan điểm của mình: Thay vì nói thẳng rằng nhà Đinh Lê sau khi dẹp loạn giặc, còn yếu nên phải chọn Hoa Lư làm kinh đô kiêm căn cứ địa phòng thủ, ông nói tiền triều không dời đô nên tàn lụi nhanh. Ẩn ý đó được đặt dưới cách tác giả bày ra các hậu quả nhãn tiền, mắt thấy tai nghe, ghi trong sử sách của việc không dời đô, để biến nó thành một sự thật hiển nhiên, không ai không công nhận. Lý do chủ quan đó còn cho thấy Lý Công Uẩn rất thông minh khi phát hiện ra những hạn chế của Hoa Lư. Các tiêu chí thời đại "trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân" cũng được tác giả trình bày ở đây, biến các phép liệt kê bình thường thành những mũi tên trí tuệ, qua đó làm tăng sức thuyết phục cho quyết định dời đô. Sang đến phần hai, trí thông minh của Lý Công Uẩn còn được phô ra khi nhà vua lập luận các cơ sở chọn Đại La làm kinh đô mới. Ở câu mở đầu, bằng việc nhắc lại sự kiện lịch sử trọng đại: Đại La từng là kinh đô cũ của Cao Vương, tác giả một lần nữa thỏa mãn tâm lý noi gương tiền nhân của nhân dân. Tiếp đó, người viết sử dụng phép liệt kê cùng câu văn biền ngẫu để đưa ra một loạt những dẫn chứng về lợi thế của Đại La. Các đặc điểm ấy đều rất tiêu biểu, toàn diện, lý luận sắc bén: Về thiên thời, Đại La "ở vào nơi trung tâm trời đất", về địa lợi, vùng đất này "được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng ngôi nam bắc đông tây, tiện hướng nhìn núi dựa sông, địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng" và nhân hòa "Dân cư khỏi chịu cảnh ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi". Câu sơ kết "Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa" thay cho cái nhìn phổ quát rộng khắp cả nước của vua Lý, đồng thời cho thấy tác giả đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, quan sát, tư duy trước khi đưa ra khẳng định đầy tin tưởng, tự hào: Đại La "là chốn tụ hội trọng yếu của 4 phương đất nc, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời." Điều đó đã phần nào cho thấy Lý Công Uẩn sở hữu trí tuệ kiệt xuất của một nhà phong thủy đại tài. Tầm nhìn chiến lược ấy còn được khẳng định qua nghìn năm sau, khi Đại La ấy đến nay là Hà Nội vẫn rực rỡ phát huy những lợi thế về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khẳng định một vai trò quan trọng mà không một thành phố nào có thể thay thế để trở thành thủ đô của nước Việt Nam. Cuối cùng, ở phần 3 khép lại bài chiếu, dù chỉ 2 câu thôi cũng đủ thể hiện trí thông minh của Lý Công Uẩn ở một phương diện khác, ấy là nghệ thuật đắc nhân tâm, biến bài chiếu trở thành cuộc đối thoại. Câu trần thuật có ý nghĩa trình bày "Trẫm muốn.." đã tăng hiệu quả trong việc biểu đạt ý kiến và bộc lộ cảm xúc của người viết. Bài chiếu kết thúc bằng câu hỏi tu từ "Các khanh nghĩ thế nào" như lời trao đổi, tâm tình, đã xóa nhòa khoảng cách giữa người đứng đầu một nước với quần thần - điều mà hiếm vị vua nào làm được. Như vậy, có thể thấy, Lý Công Uẩn là một vị vua có trí thông minh lỗi lạc, lối nghĩ mới mẻ, thấu đáo, thiết thực. Toàn diện hơn nữa, bên cạnh sự thông minh, vua Lý còn thể hiện sự nhân ái của mình xuyên suốt bài chiếu, như con sông ngầm "đỏ nặng phù sa". Mục đích dời đô lớn lao của Lý Công Uẩn xuất phát từ tấm lòng phục vụ hết mình cho nước, cho dân "muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu". Ý định đó không phải tùy thời ngẫu hứng, mà được vua Lý suy nghĩ tính toán rất nhiều, tất cả vì tương lai dân tộc. Không chỉ vậy, khi nhắc nhớ lại về kết cục của nhà Đinh Lê, sự nhân ái của tác giả còn thể hiện qua nỗi xót dân, thương dân sâu sắc, được bộc lộ trực tiếp "Trẫm rất đau xót về việc đó." Đến phần hai, tâm hồn nhân đức đó lại phập phồng phấn khởi qua sự sung sướng của người viết khi tìm ra vùng đất mới, giúp dân thoát khỏi cảnh ngập lụt. Tình cảm ấy ngập tràn trong tiết tấu, nhịp điệu, ngữ âm, "đã.. lại, mà.. mà, thật là.. cũng là", dưới sự dẫn dắt của các câu văn biền ngẫu chuẩn mực. Đến đoạn văn cuối cùng, thay vì là những lời tuyên bố hùng hồn hay những mệnh lệnh đanh thép; hai câu văn lại trở nên thủ thỉ nhẹ nhàng. Câu hỏi tu từ như lời bỏ ngỏ đầy trìu mến thiết tha, thể hiện Lý Công Uẩn rất tôn trọng nhân dân, nâng niu ý kiến của dân. Đó chính là tư tưởng dân chủ đầy nhân văn, tiến bộ. Có thể thấy, bài chiếu dưới sự đan cài hài hòa giữa yếu tố biểu cảm với lí lẽ, đã trở thành áng văn rất có giá trị, mang lại sức thuyết phục cao, càng là minh chứng cho sự thông minh và nhân ái của vua Lý Công Uẩn. Vua Lý không áp đặt suy nghĩ của mình lên quần thần và nhân dân, ông viết chiếu với lời văn chân thành, giản dị, thể hiện sự khiêm nhường lắng nghe của vị tân vương. Tài sáng của ông càng trở nên đáng quý hơn bao giờ hết khi xuất phát từ trái tim ấm nóng tình đồng báo, tình nhân ái. Hai tố chất ấy đã tạo nên chân dung một con người hoàn hảo, một vị vua anh minh thu phục nhân tâm thiên hạ bằng nhân, nghĩa, đức, trí, mở đầu cho sự phát triển thịnh vượng của nhà Lý suốt 216 năm, để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc

    [​IMG]
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng năm 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...