Nhà thơ Huy Cận từng viết: "Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử Nắng cho đời nên cũng nắng cho thơ" Có thể nói, ngày nay, vị trí của người phụ nữ đã được đề cao, tôn vinh. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện diện ở nhiều vị trí trong cuộc đời và đã để lại nhiều hình ảnh bóng sắc trong văn thơ hiện đại. Nhưng thật đáng tiếc thay, trong xã hội cũ, người phụ nữ lại phải chịu một số phận đầy bị kịch và đáng thương. Văn học thời ấy cũng đã nhắc nhiều đến kiếp đời của người phụ nữ, mà có lẽ điển hình trong số ấy là lần lượt ba nhân vật mang ba màu sắc khác nhau nhưng cùng chung nét đẹp để tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ đó là Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ và cuối cùng đó là tiểu thư Kiều Nguyệt Nga trong tác phẩm "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyền Nga" của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trước hết, họ bị tước đoạt mọi quyền lợi. Họ không được xã hội thừa nhận và hoàn toàn bị phụ thuộc vào đàn ông. Thân phận người phụ nữ như chiếc lá khô trên cành, như hoa trôi trên nước, như ngọn gió vô danh thầm lặng thổi qua cuộc đời không ai hay biết. Có thể thấy trong xã hội phong kiến nước ta, rất nhiều người phụ nữ không được gọi tên chính thức, cái khẳng định sự tồn tại của họ trên thế giới này. Lúc nhỏ, họ được gọi là cái tên tục. Lớn lên lấy chồng họ thường được gọi theo tên của chồng. Khi con đã lớn, họ thường được gọi theo tên của con trưởng. Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ khắt khe "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một nam là có, mười nữ xem như không có). Xã hội phong kiến lại đặt ra cho họ những điều luật khắt khe cần phải tuân thủ. Trong đó "Tam tòng tứ đức" là điều luật khắt khe nhất. Tam Tòng (ba điều phải làm theo) được quy định khá rõ ràng: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử". Có nghĩa là khi còn ở nhà bố mẹ, phải nghe lời cha. Khi đi lấy chồng phải nghe lời chồng. Nếu chồng mất sớm phải ở vậy nuôi con suốt đời. Còn tứ đức (bốn đức tính cần phải có) cũng hết sức chặt chẽ. Người phụ nữ chuẩn mực trong xã hội phải hội tụ hoặc rèn luyện được đủ bốn đức tính căn bản: Công (đảm đang việc nhà), dung (tư dung tốt đẹp), ngôn (ăn nói chuẩn mực), hạnh (giữ gìn tiết hạnh khả phong). Bốn đức tính ấy tuy đúng đắn nhưng trong hoàn cảnh nào đó lại trở thành điều ràng buộc, gây biết bao phiền phức đối với người phụ nữ. Trước hết là nhân vật Vũ Nương trong truyện "Chuyện người con gái Nam Xương". Nàng là một người con gái với xuất thân bình dân và vẻ đẹp dung dị mặn mà. Chính vì thế nàng đã được con trai hào phú trong làng để ý tới. Trương Sinh không tiếc trăm ngàn lạng vàng đến hỏi cưới nàng về làm vợ. Thế nhưng Trương Sinh là công tử ít học, từ bé sống trong nhung lụa nên có tính đa nghi, gia trưởng. Từ sau khi làm dâu ý thức được thân phận nhỏ bé, gia cảnh bần hàn của mình Vũ Nương chưa một lần dám phản kháng hay làm trái ý chồng. Cuộc sống những tưởng êm ả thế nhưng binh biến loạn lạc, Trương Sinh phải lên đường ra chiến trận. Ngày chia tay nàng rót chén rượu đầy cho chồng mà thưa rằng: "Thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ..". Mong muốn của nàng chẳng phải chức tước công lao chỉ đơn giản là hai tiếng hạnh phúc bình dị. Đó chính là niềm khát khao cháy bỏng của người vợ trong những ngày binh chiến loạn lạc. Vũ Nương ở lại một tay tần tảo lo lắng việc nhà, chăm sóc mẹ già lại phải cáng đáng thêm đứa con mới lọt lòng. Thế nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ người phụ nữ ấy oán trách nửa lời. Sau khi tiễn con trai lên đường mẹ già vì quá đau buồn mà sinh bệnh nặng. Vũ Nương ngày đêm túc trực thăm nom, đi khắp nơi kiếm thầy tìm thuốc chữa cho mẹ chồng, đồng thời hết lời khuyên lơi nhưng bà không qua khỏi. Sau khi mẹ chồng qua đời nàng hết lòng ma chay, tang chú lễ nghĩa cho trọn đạo dâu hiền. Cảnh neo đơn ngày nào giờ càng thêm hiu quạnh, thui thủi chỉ có hai mẹ con Vũ Nương. Vì quá thương con, muốn bù đắp cho con sự yêu thương của người cha nên nàng đã ẵm con trên tay chỉ vào chiếc bóng mình trên tường và nói "Cha con đến kìa". Mỗi lần như thế đứa bé lại cười reo thích thú. Lâu dần thành quen nàng cũng chẳng còn nhớ giải thích về "chiếc bóng" trên tường với con nữa. Giặc tan, Trương Sinh trở về sau ba năm đi lính, tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với nàng từ đây thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ vì hiểu lầm nhỏ nhặt mà đã đẩy cuộc đời Vũ Nương vào bế tắc. Chính lời nói ngây thơ của đứa con về chiếc bóng trên tường mới là cha nó đã khiến Trương Sinh nảy sinh lòng đa nghi đố kỵ. Không nghe vợ giải thích chỉ biết đánh đuổi nàng ra khỏi nhà. Vũ Nương vì quá tủi nhục đã gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn kết thúc nỗi oan nghiệt thấu trời. Khi chết, tuy được các nàng tiên cứu sống ở thủy cung nguy nga, lộng lẫy, nhưng lúc nào nàng cũng nhớ đến quê hương bản quán của mình. Là người nặng tình nghĩa, nàng đã ứa nước mắt khi nghe người cùng làng gợi nhắc đến quê hương, nhắc đến chồng con của mình. Thế nhưng, Vũ Nương vẫn còn đó nỗi đau oan khúc, nàng muốn phục hồi danh dự: Nàng không trở về trần gian mặc dù Trương Sinh đã lập đàn giải oan và đã ân hận với việc làm nông nổi của mình. Nàng không trở về trần gian đâu chỉ vì cái nghĩa với Linh Phi - người đã cứu nàng, mà điều chủ yếu ở đây là nàng chẳng còn gì để về. Đàn giải oan chỉ là việc an ủi cho người bạc mệnh chứ không thể làm sống lại tình xưa nghĩa cũ. Nỗi oan khuất được giải nhưng hạnh phúc đâu thể tìm lại được. Sự dứt áo ra đi của nàng là thái độ phủ định trần gian với cái xã hội bất công đương thời. Đây cũng là thái độ đấu tranh đòi công lý của người phụ nữ trong xã hội phong kiến suy tàn. Dù cái chết là tấn bi kịch của người phụ nữ, nhưng họ thức tỉnh được tầng lớp phụ quyền, phong kiến. Sự vĩnh viễn chọn cái chết mà không trở lại trần thế của Vũ Nương đã làm cho Trương Sinh phải cắn rứt ân hận vì lỗi lầm của mình. Trương Sinh biết lỗi thì đã quá muộn màng. Chuyện người con gái Nam Xương tác giả đã phê phán xã hội phong kiến cũ cổ hủ, hà khắc đã vùi dập thân phận người phụ nữ đồng thời đề cao những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương đại diện cho người phụ nữ xưa thủy chung, đẹp người đẹp nết. Truyện còn có nhiều yếu tố kì ảo, hoang đường nhưng đã phản ánh chân thực được xã hội thời phong kiến khắc nghiệt, cổ hủ đối với thân phận người phụ nữ. Bên cạnh đó, không thể không kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Dữ. Mỗi nhân vật trong truyện đều có những tính cách riêng thể hiện qua lời nói, đối thoại hoặc những đoạn độc thoại. Từ nhân vật người mẹ, đến cậu bé Đản đều mang đậm chất ngôn ngữ riêng thể hiện tính cách nhân vật, giúp câu chuyện thêm sinh động. Truyện không chỉ là kể đơn thuần mà còn kết hợp cả yếu tố biểu cảm. Kể chuyện xen lẫn biểu cảm, đây là cách thức kể chuyện độc đáo giúp tác giả lôi cuốn người đọc vào các tình tiết mà không hề khô khan. Một nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công cho tác phẩm phải kể đến là cách tác giả xây dựng tình tiết câu chuyện ly kì hấp dẫn. Hình ảnh "cái bóng" được cho là nút thắt giúp câu chuyện phát triển đến đỉnh điểm một cách hết sức tự nhiên và đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến cái chết của nàng. Và đến Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" - tiếng kêu thương thống thiết, ai oán, não nùng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Số phận của nàng còn lênh đênh hơn Vũ Nương rất nhiều. Lần này, dưới chế độ đồng tiền hôi tanh đen bạc. Nó đã tạo ra mười lăm năm đau đớn phiêu bạt của nàng Kiều xinh đẹp. Chỉ vì tiền mà bọn sai nha đã gây nên cảnh tan tác, chia lìa của gia đình Kiều. Để có tiền cứu cha và em trai của mình, nàng đã quyết định bán thân cho Mã Giám Sinh - một tên gian ác buôn thịt bán người. Và Kiều bỗng trở thành một món hàng để cho hắn cân đong, đo đếm, cò kè, ngã giá Trong đoạn trích "Chị Em Thúy Kiều" của Nguyễn Du, Kiều hiện là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Vẻ đẹp của Kiều được tác giả sử dụng những hình tượng nghệ thuật ước lệ "thu thủy", "xuân sơn", hoa, liễu để miêu tả mộ tuyệt thế giai nhân. Vẻ đẹp ấy được đặc tả qua đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Đó là một đôi mắt biết nói và có sức rung cảm lòng người. Hình ảnh ước lệ "làn thu thủy" là làn nước mùa thu gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh và linh hoạt. Còn "nét xuân sơn" có nghĩa là nét núi mùa xuân, tôn lên đôi lông mày thanh tú trên khuôn mặt trẻ trung. Vẻ đẹp của Kiều không chỉ dừng lại ở đó, câu thơ "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" cũng là hình ảnh làm nổi bật vẻ đẹp mĩ lệ của Kiều, vẻ đẹp hoàn mĩ và sắc sảo ấy có sức quyến rũ lạ lùng, khiến cho thiên nhiên không thể dễ dàng chịu thua, chịu nhường mà phải nảy sinh lòng ghen ghét, đố kị. Đồng thời, qua chi tiết này, Nguyễn Du cũng ngầm báo hiệu số phận của Kiều sẽ gặp nhiều sóng gió, trắc trở. Không chỉ mang một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, Kiều còn là một cô gái thông minh và rất mực tài hoa. Cái tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cả cầm, kì, thi họa. Đặc biệt nhất, tài đàn của nàng đã trở thành sở trường, năng khiếu vượt lên trên mọi người. Ở đây, tác giả đã đặc tả cái tài của Kiều để gợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn "bạc mệnh" mà Kiều tự sáng tác nghe thật da diết, buồn thương, nói lên tiếng lòng của một trái tim đa sầu đa cảm. Như vậy, chỉ bằng mấy câu thơ trong đoạn trích, Nguyễn Du đã không chỉ miêu tả được vẻ đẹp hoàn mĩ và cái tài của Kiều mà còn dự báo trước được tương lai của nhân vật. Quả đúng như lời dự đoán, cuộc đời Kiều bắt đầu gặp những biến cố lớn. Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" đã khắc họa được số phận cũng như tâm trạng của nàng bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích nằm trong phần gia biến và lưu lạc của Truyện Kiều. Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, Thúy Kiều đã bị hắn lừa bán vào lầu xanh của Tú Bà, do kiên quyết không chấp nhận cuộc sống ô nhục chốn lầu xanh, Tú Bà đã quyết định cho Thúy Kiều ra sống ở lầu Ngưng Bích: "Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung Bốn bề bát ngát xa trông Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia" Thông qua câu thơ đầu tiên, ta có thể xác định được vị trí và điểm nhìn của nàng Kiều, đó chính là trước lầu Ngưng Bích, đứng trông ra núi non hùng vĩ, không gian mở đầy rộng lớn, mênh mông trái ngược hoàn toàn với lầu Ngưng Bích. "Khóa xuân" ở đây ta có thể hiểu đó là một không gian khép kín, nơi có thể buộc chặt tự do, khóa chặt tuổi xuân của nàng Kiều. Mở ra trước tầm mắt của Kiều là vẻ non xa tấm của ánh trăng gần ở chung. Cảnh vật như ẩn như hiện, như xa mà như gần, không gian rộng lớn, hùng vĩ nhưng lại hoang vắng, tịch mịch đến rợn người "Bốn bề bát ngát xa trông". "Bẽ bàng mây sớm đèn khuya Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng Tưởng người dưới nguyệt chén đồng Tin sương luống những rày trông mai chờ" Từ khi sống ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều luôn tự suy ngẫm, dằn vặt về bản thân cũng như đau khổ trước những biến cố đã xảy ra với bản thân mình, thường trực trong nàng là tâm trạng xấu hổ buồn tủi trước sự ô nhục mà bản thân đã trải qua, cùng với đó là nỗi nhớ nhung da diết với chàng Kim. Thúy Kiều nhớ về lời thề nguyền dưới ánh trăng năm nào. Khi quyết định phá vỡ lời thề, Thúy Kiều vẫn chưa có cơ hội gặp lại chàng Kim để nói lời từ biệt, do vậy mà nàng luôn đau đáu trong lòng sự day dứt, đau khổ khi nghĩ về chàng Kim vẫn không hề hay biết mà chờ đợi nàng trong vô vọng. "Xót người tựa cửa hôm mai Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ Sân Lai cách mấy năng mưa Có khi gốc tử đã vừa người ôm" Cùng với nỗi nhớ chàng Kim là nỗi nhớ hướng về cha mẹ. Thúy Kiều đau xót khi nghĩ về cha mẹ đã lớn tuổi nhưng ngày ngày vẫn tựa cửa đợi con "Xót người tựa cửa hôm mai". Nàng đau khổ khi không thể ở bên chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi về già, không thể thực hiện bổn phận, trách nhiệm của một người con, quạt cho cha mẹ khi trời nóng, hay sưởi ấm chăn cho cha mẹ khi trời trở lạnh. Hình ảnh Sân Lai là một điển tích trong văn học cổ Trung Quốc, nói về người con có hiểu là Lai Tử người nước Sở thời xuân thu, tuy đã già những vẫn còn nhảy múa ở ngoài sân cho cha mẹ vui lòng. Mượn hình ảnh Lai Từ vừa thể hiện được sự day dứt của Thúy Kiều vừa thể hiện tấm lòng hiếu thảo của nàng đối với cha mẹ. "Buồn trông ngọn nước mới xa Hoa trôi man mác biết là về đâu Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một màu xanh xanh" Dù trong hoàn cảnh đau khổ nhất, Thúy Kiều cũng nghĩ về người khác trước khi nghĩ về bản thân mình. Đau khổ với những nỗi nhớ để khi quay về với thực tại thì nàng lại xót xa nhận ra sự bẽ bàng, đau khổ của bản thân. Như Nguyễn Du từng viết trong Truyện Kiều "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", như đồng cảm với tâm trạng của nàng Kiều, cảnh vật cũng thấm đượm sự u buồn, không những thế nó còn dự báo về tương lai đầy bão tố của nàng trước mắt. Đó là hình ảnh ngọn nước mới xa, hình ảnh cánh hoa nổi trôi, là ngọn cỏ rầu rầu, là màu xanh của chân mây nhưng lại không gợi ra được sự sống. Như vậy, qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích ta có thể thấy được tài năng hơn người của Nguyễn Du trong việc khắc họa nội tâm nhân vật cùng với đó là bút pháp tả cảnh ngụ tình bậc thầy của ông. Thúy Kiều là nhân vật lí tưởng của Nguyễn Du với sự trọn vẹn về tài và sắc nhưng cuộc đời Kiều lại long đong, lận đận. Qua nhân vật Thúy Kiều, tác giả muốn gửi gắm những khát vọng sống, khát vọng yêu mạnh liệt nhất. Trong những năm tháng đày đọa bản thân, cảnh kiều sống ở lầu Ngưng Bích khiến người đọc rưng rưng. Bằng biện pháp ước lệ tượng trưng và tả cảnh ngụ tình, tác giả đã khắc họa rõ nét về nét đẹp cũng như là số phận bi kịch của Thúy Kiều khi ở chốn lầu Ngưng Bích. Nguyễn Du đặc biệt ưu ái sử dụng điển tích "nghiêng nước, nghiêng thành" để tổng kết vẻ đẹp của Kiều è Vẻ đẹp đặc biệt có thể làm xiêu lòng bất kì ai, làm khuynh đảo những gì vĩ đại nhất. Và đến với nhân vật cuối cùng, cũng là nhân vật có số phận tốt đẹp hơn nhiều so với Vũ Nương và Thúy Kiều đó là Kiều Nguyệt Nga. Ở nhân vật Kiều Nguyệt Nga, tuy không đi vào bước đường cùng như Vũ Nương và Thúy Kiều nhưng bóng dân của xã hội phong kiến bao trùm lên cuộc đời nàng hết sức rõ nét. Sức mạnh bao trùm của nó quyết định hành động và tư tưởng của nàng và gần như mọi hành động của nàng đều hướng đến thực hiện bổn phận của mình. Trong chuyến đi về Hà Khê, Kiều Nguyệt Nga phải đối mặt với nạn cướp bóc nguy hiểm từ "bớ đảng hung đồ". Là thân gái yếu ớt nên khi bị bọn hung đồ chặn cướp nàng đã rất hoảng sợ và không biết làm gì. Rất may mắn khi đó nàng đã được Lục Vân Tiên hành động trượng nghĩa cứu giúp, những lời nói và hành động của Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên sau đó đã bộc lộ phẩm chất đoan trang, dịu dàng có học thức của một tiểu thư khuê các Kiều Nguyệt Nga: "Thưa rằng:" Tôi thiệt người ngay " Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ Những lời nói đó của Kiều Nguyệt Nga đã cho thấy rằng nàng là một người có học thức, lời ăn tiếng nói nhã nhặn, dịu dàng, kể lể sự tình của mình. Cách" thưa rằng "của nàng đầy chuẩn mực, tôn trọng, thể hiện con nhà gia giáo có học thức. Nàng cũng rất biết điều phải trái, khi thấy Lục Vân Tiên hành hiệp cứu mình đã mang ơn mà" Cúi đầu trăm lạy ", nàng thể hiện sự biết ơn của mình với Lục Vân Tiên bằng cái cúi đầu ấy, đây là hành động rất đúng đạo lí đồng thời thể hiện cách suy nghĩ sâu sắc và chu đáo của nàng. Bên cạnh màn đối đáp với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga hiện lên còn là một cô con gái rất có hiếu: " Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành " Nàng hiện lên là một người con gái rất có hiếu, luôn nghe lời cha, để làm theo mong muốn của cha thì nàng cũng chẳng ngại thân gái phải ngàn dặm xa xôi. Trước ơn cứu mạng của Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga tha thiết muốn được đền ơn và tỏ lòng mời Lục Vân Tiên về nhà cùng để tiện bề báo đáp" Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng ". Kiều Nguyệt Nga lại một lần nữa quỳ lạy để thưa với Lục Vân Tiên" Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa ", thể hiện tấm lòng chân thành sâu sắc của nàng. Vốn là tiểu thư đài các mà Kiều Nguyệt Nga lại xưng mình là" tiện thiếp "thể hiện chuẩn mực khiêm nhường và từ tốn của nàng. Ngoài tình nghĩa ra, trong cuộc đối đáp với Lục Vân Tiên ta nhận thấy Kiều Nguyệt Nga có tài năng văn thơ hết mực tài hoa và tinh tế, thể hiện rõ nàng có" tài sắc vẹn toàn ", học thức tinh thông. Hình tượng Kiều Nguyệt Nga là hình mẫu lí tưởng của người con gái trong xã hội phong kiến đương thời, vừa nết na hiền thục, vừa có học thức lại hiếu thảo. Bên cạnh đó Kiều Nguyệt Nga còn là một người đầy chính nghĩa, đề cao tư tưởng đền ơn báo nghĩa đối với ân nhân của mình. Nguyễn Đỉnh Chiểu đã thành công trong việc làm rõ tính cách nhân vật thông qua lời nói, cử chỉ và hành động. Do mục đích sáng tác ban đầu là để đọc truyền miệng, kể thơ, vì thế tác giả ít chú ý khắc họa chân dung ngoại hình, cũng ít đi sâu vào diễn biến nội tâm, giống như truyện cổ dân gian. Kiều Nguyền Nga trong đoạn thơ được giới thiệu bằng vài nét ước lệ còn chủ yếu được đặt trong những mối quan hệ xã hội, trong những tình huống xung đột của đời sống, rồi bằng hành động, cử chỉ, lời nói của mình tự bộc lộ tính cách. Ngôn ngữ tác giả mộc mạc, bình dị, gần với lời nói thông thường, mang màu sắc địa phương Nam Bộ. Nó có phần thiếu trau chuốt, uyển chuyển nhưng lại phù hợp với ngôn ngữ kể, rất tự nhiên, dễ đi vào quần chúng. Ngôn ngữ đa dạng, phù hợp với diễn biến trình tự tính cách nhân vật. Tóm lại, qua ba nhân vật Vũ Nương, Thúy Kiều và Kiều Nguyệt Nga, ta có thể thấy rõ được hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Tuy số phận mỗi người một khác nhưng đều có chung một phẩm chất đó là" Công dung ngôn hạnh ". Bên cạnh đó, họ còn bị chèn ép bởi những thế lực xấu xa trong xã hội phong kiến. Đặc biệt là Vũ Nương và Thúy Kiều. Đúng như câu" Hồng nhan bạc mệnh", họ đã phải sống một cuộc sống đầy bất hạnh, sóng gió nhưng không vì thế mà số phận của họ cứ mãi bị kìm hãi mãi. Người tốt thì sẽ được trời thương. Từ những số phận đó, nhiều thi nhân đã hiểu và cảm thông cho họ nên đã cho ra nhiều bài tác phẩm, bài thơ.. để tôn lên vẻ đẹp của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến thậm chí còn viết nên cái kết cho cuộc đời mỗi nhân vật. Còn đối với Kiều Nguyệt Nga, tuy nàng không phải chịu cảnh lầm than khốn khổ, nhưng nàng là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ có tâm hồn đẹp, trong sáng, chung thủy sắt son đã chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân, người luôn đặt ân nghĩa lên hàng đầu và lấy ân nghĩa hóa gốc rễ của đạo đức. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Tác giả: DNNY