NLVH: Phân Tích Nhân Vật Bà Cụ Tứ Trong Tác Phẩm Vợ Nhặt Của Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi chantbin, 5 Tháng tám 2021.

  1. chantbin

    Bài viết:
    58
    Ai đó từng nói rằng: "Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn". Bởi nói như nhà văn Nguyễn Khải: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc bắt nguồn từ những gian khổ hy sinh. Ở đời không có con đường cùng chỉ có những ranh giới điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua ranh giới đó". Đọc truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân, ta càng hiểu sâu sắc và thấm thía hơn chân lí đó. Ta không khỏi xót xa, ngậm ngùi thương cho hoàn cảnh éo le, mừng vui cho niềm tin con người vào tương lai mới mà còn rưng rức trước tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ nghèo khốn khổ. Điều đó được thể hiện rõ nét qua những diễn biến tâm lí của bà cụ Tứ từ khi con có vợ.

    Tác phẩm "Vợ nhặt" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân, tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được viết ngay trong Cách Mạng tháng tám. Nhưng do lạc mất bản thảo, tới năm 1954, Kim Lân dựa vào một phần của cốt truyện cũ để viết nốt truyện "Vợ nhặt". Tác phẩm vì thế không chỉ là kết quả của quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới. Kim Lân quả là một nhà văn tài hoa bởi lẻ ông không những cho đứa con tinh thần của mình một cốt lõi nhân đạo mà còn khoác lên nó một diện mạo hết sức ấn tượng đó là nhan đề "Vợ nhặt". Đ ộng từ "Nhặt" tức là nhặt nhạnh thứ gì đó ở bất cứ nơi đâu nhưng đây lại là "Nhặt vợ" chứ không phải những thứ rẻ rúng nào khác. Với nhan đề "Vợ nhặt" chứ không "Nhặt vợ", Tràng không có chủ ý mà thị theo không Tràng về làm vợ. Từ đó cho ta thấy giá trị con người quá rẻ mạt đến nỗi nhặt được. Đồng thời, Kim Lân muốn nói lên cái hoàn cảnh khốn khổ lúc bấy giờ và tố cáo tội ác của bọn thực dân nửa phong kiến.

    Kim Lân rất khôn khéo khi lựa chọn thời điểm thích hợp để bà cụ Tứ xuất hiện, tại sao không phải là đầu câu chuyện mà lại ở giữa câu chuyện. Tác giả muốn gợi lên cái nghèo đói đến thê lương của xóm ngụ cư này, lấy nó làm nền, làm đòn bẩy để đi sâu vào phân tích diễn biến tâm lý, nội tâm của người đàn bà này. Bà Tứ xuất hiện từ khi Tràng đưa vợ về nhà, và diễn biến tâm lý của bà cụ thay đổi liên tục từ khi có một người đàn bà khác xuất hiện trong ngôi nhà của mình.

    Như những bà mẹ Việt Nam nghèo khổ khác trong thời kỳ cách mạng tháng tám, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ nghèo, bị cái đói làm cho cùng cực, suy nghĩ quá nhiều. Bà cụ Tứ xuất hiện thật rõ nét qua lời kể tác giả "Từ ngoài rặng tre, bà lọng khọng đi vào. Tính bà vẫn thế, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng. Nhưng hôm nay khác, thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ và gọi ới vào trong nhà: U đã về đấy! Anh con trai lật đật chạy ra đón mẹ từ ngoài cổng và trách sao bà về muộn". Một bà cụ dáng dấp đã không còn nhanh nhẹn, tháo vát nữa mà phải "lọng khọng" đi vào nhà gợi nên một thảm cảnh thê lương đến não lòng.

    Đặc biệt sự thay đổi bất ngờ khi bà nhìn thấy người đàn bà lạ ngồi ngay giữa nhà mình "Bà cụ Tứ phấp phỏng bước vào theo con vào nhà. Phấp phỏng vì linh tính cho bà biết trong nhà hẳn xảy ra chuyện gì. Mà quả đúng như vậy. Mới đến giữa sân, bà đứng sững lại và càng ngạc nhiên hơn. Trong nhà bà có người, lại là đàn bà. Người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Bà chưa gặp, bà không quen bao giờ. Người ấy lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Ai thế nhỉ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu bà lão. Hay bà già rồi, trông gà hóa cuốc. Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải.. Không phải bà trông gà hóa cuốc, không phải mắt bà nhoèn. Đúng là có người rồi. Bà lão nhìn kỹ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.". Người mẹ nghèo một đời khốn khó như vậy làm sao có thể không ngạc nhiên cho được. Khi hiểu ra mọi chuyện, trong bà bao nỗi tủi hờn trào dâng "Bà lão cúi đầu nín lặng" vừa ái oán vừa xót xa cho số kiếp con mình. Thương con để rồi tủi phận mình "Bổn phận bà là mẹ, bà chăng lo được cho con". Đọc những dòng này, ta cảm nhận được trái tim của bà mẹ trong cái thân hình còm cõi đang rung lên đau đớn, xót xa. Rồi bà cảm thấy khổ tâm, nghèo quá lấy gì để ra mắt bạn bè lối xóm. "Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà quá nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này.. chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá". Và nỗi khổ tâm đau xót ấy cô đọng lại, biến thành những "dòng nước mắt chảy xuống ròng ròng" thật tội nghiệp. Trong truyện ngắn Một đám cưới của Nam Cao cảnh đời đã khổ (phải rước dâu vào ban đêm để mọi người khỏi thấy cô dâu rách rưới, nhờ có đám cưới con, cha mẹ mới được một bữa ăn no), ở chuyện này, cái khổ nhiều hơn gấp bội.

    Bà đã chấp nhận nàng dâu mới đó không chỉ là tình mẫu tử mà còn là tình người, là sự cảm thông với chị vợ nhặt từ cái nhìn của người phụ nữ đồng cảnh ngộ. Và tác giả cũng tin rằng sự gắn kết này sẽ mang lại một hơi ấm và sức sống diệu kì cho gia đình sau này.

    Tấm lòng của người mẹ ấy thật đáng quý. Không lo nổi vợ cho con, nay nó có vợ thì bà cũng mừng và thấy phải có trách nhiệm với nó. Bà cố nén nỗi buồn, nỗi lo, động viên con tin ở sự sống và tương lai bằng việc làm chăm sóc của mình. Bà cùng cô dâu mới sửa sang dọn dẹp lại nhà cửa. Với hình ảnh "Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên" thì Tràng-người con trai lớn của bà cũng cảm nhận dáng vẻ khác hẳn mọi khi của bà. Đó không còn là sự nhếch nhác, khốn khổ mà thay vào đó là dáng điệu nhẹ nhõm, tươi tỉnh hẳn. Song với tình yêu thương của một người mẹ, bà dặn dò các con, mong muốn chúng bắt đầu cuộc sống mới, bước sang trang mới. Để tạo niềm tin cho vợ chống Tràng, trong bữa cơm ngày đói, bà lão toàn nói những chuyện sung sướng sau này. Trước khi chết, bà vững tin "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời" và sự tính toán của bà về việc mua lấy đôi gà để ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ có đàn gà. Hình ảnh đàn gà sinh sôi nảy nở hiện lên trong khung cảnh bữa cơm ngày đói đã nói lên sự sống kì diệu của những người lao động.

    Với những câu chuyện vui, bà cố xua đi cái không khí ảm đạm, vùi đi cái thực cảnh đầy thê lương nhưng thật tội nghiệp cho bà lão, tội nghiệp thay cho niềm vui nhỏ chơi vơi giữa một bể bi lụy, khi màu sắc của hiện thực phải được trả về với đúng nghĩa của nó. Một chi tiết mà tác giả xây dựng khiến độc giả vừa ngậm ngùi vừa xót xa đó là hình ảnh bà cụ Tứ bưng nồi cháo cám nghi ngút ra. Bà lật đật, lễ mễ, khuấy khuấy cùng với giọng nói đầy phấn khởi để xoa dịu đi phần nào khắc nhiệt của thực tại là miếng cám đến mặn chát và đắng ngắt khiến cô con dâu mặt xám lại, nghẹn ứ ở cổ, không ai nói với ai một lời. Nhưng thông qua cách bà lão gọi đây là chè đã khiến cho cuộc sống nghèo khổ bớt phần nhạt nhẽo. Hành động đó của bà thật cảm động và đáng trân trọng.

    Hình ảnh nồi cháo cám thật đặc biệt là đòn bẩy đẩy mạnh mạch cảm xúc của bà cụ Tứ cũng như nhân vật Tràng và thị. Nồi cháo cám ấy tuy không còn mang giá trị nguyên vẹn mà nó vẫn mang nhưng nó lại là hiện thân của tình mẹ bao la và đức hy sinh của người mẹ dành cho những đứa con. Cũng từ chi tiết này mà nhân phẩm, lòng vị tha, tình yêu thương của bà cụ Tứ cũng được nhân lên gấp bội, gấp vạn lần. Với hình ảnh nồi cháo cám khiến ta không khỏi nhớ đến bát cháo hành Trong tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam cao. Cũng với Bát cháo lõng bõng nước chỉ toàn hành nhưng nó lại là liều thuốc giải cảm, giải độc tâm hồn Chí, khơi dậy khát vọng được sống thiện lương, làm hòa với mọi người. Cả hai tác phẩm đều thể hiện cái nhìn nhân đạo của nhà văn song với Nam Cao, ông lại có cái nhìn đầy bi quan về cuộc đời của người nông dân nhưng Kim Lân, ông lại có cái nhìn đầy lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

    Song đến với chi tiết âm thanh của tiếng trống thúc thuế đã làm bao nỗi tủi hờn len lõi trong tâm trí của những con người sống lay lắt qua nạn đói 1945. Đặc biệt, tiếng thở dài của bà cụ Tứ "Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các cọn ạ" Và rồi những giọt nước mắt lăn trên đôi gò má của người mẹ nghèo thương con vô bờ bến. Như vậy sự lo âu, hi vọng xen lẫn những niềm vui lạc quan chính là những nét tâm lí đầy sinh động có sự đan cài, quyện hòa của nhân vật bà cụ Tứ.

    Từ đây, ta thấy được bà cụ Tứ hiện lên đầy đẹp đẽ, bà chính là linh hồn của tác phẩm, là hiện thân của tình mẫu tử, là hình tượng tiêu biểu của các bà mẹ Việt Nam: Rất nhân hậu, giàu lòng nhân ái, hết mực yêu thương con, hết lòng vun vén hạnh phúc cho con, mong con được sống ấm no, hạnh phúc. Phải chăng người mẹ già ấy là ánh sáng của thiên truyện, lặng thầm đằng sau bóng tối bi lụy của kiếp người nghèo khổ. Ánh sáng ấy đã làm cho câu chuyện anh Tràng nhặt được vợ càm trở nên thấm thía cảm động, nâng tầm truyện ngắn "Vợ nhặt" lên tầm cao mới, thể hiên được chiêu sâu của một truyện ngắn "Hiện thực-nhân đạo".

    Với tác phẩm"Vợ nhặt', Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện đơn giản, đặt nhân vật vào tình huống éo le, buộc phải lựa chọn để từ đó bộc lộ được tính cách, hành động của nhân vật. Song hành tác giả đã mượn ngoại cảnh, sự việc để phô diễn tâm lí nhân vật, cách kể chuyện hấp dẫn, thấu hiểu tâm lí và lòng người đã giúp nhà văn đi sâu vào từng ngõ ngách tâm hồn nhân vật để khi đọc những trang văn viết nên từ ngòi bút ấy, ta như được sống cùng với những cảm xúc của nhân vật để cùng hạnh phúc, cùng lo lắng, cùng khóc, cùng cười.

    Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...