NLVH: Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Tử Liên Thiên Nữ, 6 Tháng mười hai 2020.

  1. Đề bài: Anh chị hãy nêu cảm nhận về bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu.

    Bài làm.

    "Một mùa xuân nho nhỏ

    Lặng lẽ dâng cho đời

    Dù là tuổi hai mươi

    Dù là khi tóc bạc."

    Thanh Hải sống lặng lẽ, âm thầm dâng hiến những gì "nho nhỏ" nhưng trân quý cho đời. Cái lẽ sống đó cũng là lẽ sống của một số những nhà thơ, nhà cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Và trong đó có Tố Hữu- ông là nhà thơ, nhà cách mạng trẻ của nền văn học Việt Nam cũng như thời kỳ kháng chiến. Mở đầu cuộc đời Cách mạng của ông là lúc ông gia nhập Đảng. Để thể hiện niềm vui sướng khi được tham gia vào Đảng, được sống và cống hiến đã được Tố Hữu gợi tả qua bài thơ "Từ Ấy" (1983) :

    "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

    [..]

    Không áo cơm, cù bất cù bơ."

    Khi nhắc đến nhà thơ trữ tình chính trị hàng đầu của thơ ca Việt Nam, hẳn là ai cũng biết đến Tố Hữu. Ông là nhà văn lớn, nhà thơ lớn của dân tộc, là cây bút xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Thơ ông biểu hiện về lẽ sống lớn, tình cảm lớn của người cách mạng. Đặc biệt thơ ông đi sâu vào khai thác đời sống chính trị của đất nước tới tâm tư, tình cảm, cuộc đời hoạt động cách mạng của bản thân. Một trong những bài thơ biểu hiện rõ nhất cuộc đời Cách mạng của ông là "Từ Ấy" - bài thơ đánh dấu cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. "Từ ấy" là tiếng hát trong trẻo, phấn chấn, say mê của người thanh niên cộng sản. Bài thơ nằm trong phần "Máu lửa" của tập thơ Từ Ấy. Bài thơ độc Tố Hữu viết vào tháng 7 năm 1938, đó là thời điểm ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Nó là một cột mốc đánh dấu sự chuyển biến trong cuộc đời, trong thơ Tố Hữu. Như chính nhà thơ đã từng viết: "Từ ấy là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám, đôi mươi đi theo lý tưởng cao đẹp dám sống, dám đấu tranh.". Toàn bộ bài thơ là niềm vui sướng, say mê, mãnh liệt của nhà thơ Tố Hữu trong buổi đầu gặp gỡ lý tưởng cuộc sống và tác dụng kỳ diệu của lý tưởng cách mạng đối với quá trình nhận thức cũng như đối với đời thơ Tố Hữu. Bài thơ còn thể hiện quá trình vận động của tâm trạng cũng như nhận thức của người thanh niên trí thức tiểu tư sản sang người trí thức cách mạng vào lòng yêu nước.

    "Tháng Giêng non như một cặp môi gần.

    Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa."

    Xuân Diệu sung sướng, thỏa mãn khi được sống, tận hưởng, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên của đất trời. Cũng chung niềm sung sướng nhưng trong khổ thơ đầu của "Từ Ấy", Tố Hữu đã thể hiện sự say mê, sung sướng khi bắt gặp tiếp thu lý tưởng cách mạng:

    "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

    Mặt trời chân lý chói qua tim

    Hồn tôi là một vườn hoa lá

    Rất đậm hương và rộn tiếng chim."

    "Từ Ấy" trong thơ Tố Hữu là từ lúc nào? Nghe có vẻ rất mong lung, không rõ ràng nhưng ẩn chứa trong đó là một mốc thời gian rất cụ thể: Tháng 7 năm 1938 khi tác giả được kết nạp vào Đảng. Lựa chọn của ông lúc bây giờ là sự xác định rất rõ ràng hướng đi, tác giả chấp nhận khó khăn, thử thách, chấp nhận hi sinh vì lý tưởng, vì dân, vì nước. "Bừng" là một động từ mạnh thể hiện sự đột ngột, bất ngờ. Không nhẹ nhàng như ánh nắng của mùa xuân:

    "Và đây ánh sáng chớp hàng mi

    Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa.",

    Mà nắng trong từ ấy là nắng chói chang, nắng của ngày hè, cái nắng bừng lên, sáng lên một cách mãnh liệt. Tác giả đã khéo léo sử dụng động từ "bừng", hình ảnh "nắng hạ" để làm bật lên cái chân lý, lý tưởng cách mạng sâu sắc, sáng chói: Ánh sáng đó đã thanh lọc tư tưởng của Tố Hữu, khai sáng suy nghĩ của ông, đưa ông đến một thế giới mới, một cuộc sống mới. "Mặt trời chân lý" là hình ảnh ẩn dụ để nói lên lý tưởng của Đảng là lẽ phải, là hướng đi đúng đắn và nó là hiển nhiên. Chân lý này là mặt trời chiếu sáng vào tim ta. Nó soi sáng đến nơi sâu kín nhất trong tâm hồn con người, cho ta cảm nhận từ lí trí đến tâm hồn. "Chói qua tim" là hình ảnh hoán dụ thể hiện lí tưởng của người cách mạng, người yêu nước như là ngọn đuốc, ngọn đèn, ngọn hải đăng chỉ đường để ta không lầm đường lạc lối, không phạm những sai lầm khó cứu vãn. Hai câu thơ sau tác giả viết bằng bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với những hình ảnh so sánh rất sinh động, giàu hình tượng để diễn tả niềm vui sướng vô hạn của buổi đầu tiếp xúc với lý tưởng cộng sản:

    "Hồn tôi là một vườn hoa lá

    Rất đậm hương và rộn tiếng chim."

    Hình ảnh "vườn hoa lá" và "rộn tiếng chim" là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho một thế giới tươi sáng, rộn rã tràn đầy sức sống. Nhà thơ so sánh "hồn tôi" như "vườn hoa lá" một cách so sánh lấy hình ảnh cụ thể để thể hiện một khái niệm trừu tượng. Để từ đó bạn đọc chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ khi đến với cách mạng. Đối với Tố Hữu lý tưởng cách mạng không chỉ khơi dậy một sức sống mới mà còn đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ. Đó là nhà thơ say mê ca ngợi nhân dân, ca ngợi đất nước, say mê hoạt động cống hiến cho cách mạng. Như vậy, khổ thơ mở đầu bài thơ đã diễn tả niềm vui, niềm say mê và hạnh phúc tràn ngập trong tâm hồn nhà thơ từ khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng, được kết nạp vào Đảng cộng sản. Những câu thơ trên được viết bằng cảm xúc dạt dào. Diễn tả tâm trạng, tâm hồn bằng những hình ảnh cụ thể và sinh động đã tạo được một ấn tượng độc đáo, mới lạ so với thơ ca cách mạng đương thời và trước đó. Xong, cái hấp dẫn lớn nhất trong thơ Tố Hữu là con người chân thành, tâm hồn trong trẻo, nồng nhiệt và tìm được một cách diễn đạt rất phù hợp.

    Khi giác ngộ lí tưởng sống, Tố Hữu đã khẳng định quan niệm mới về lẽ sống trong khổ thơ tiếp theo. Đó là sự gắn bó hài hòa giữa cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người:

    "Tôi buộc lòng tôi với mọi người

    Để tình trang trải khắp muôn nơi

    Để hồn tôi với bao hồn khổ

    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời."

    "Buộc" là dùng dây gắn, cố định vật với vật trong một khoảng thời gian nào đó. "Tôi buộc" thể hiện một ý thức tự nguyện và quyết tâm cao độ của Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa với mọi người. "Buộc" còn là tự mình phải có trách nhiệm gắn bó với cộng đồng. Mọi người ở đây là những người lao khổ, những con người cùng chung giai cấp vô sản. Từ "trang trải" khiến ta liên tưởng đến tâm hồn của nhà thơ đang trải rộng với cuộc đời: Tạo ra khả năng đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của từng con người cụ thể! "Hồn tôi" với "hồn khổ", "gần gũi nhau thêm mạnh khối đời" là tác giả nói đến tinh thần đoàn kết. "Khối đời" là hình ảnh ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung một cảnh ngộ, cùng chung một lý tưởng, đoàn kết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng phấn đấu vì một mục đích chung. Truyền thống đoàn kết, đồng cam cộng khổ đã được biểu hiện qua từng trang sử của dân tộc, qua từng câu thơ, câu văn. Nhân dân Việt Nam ta có một câu ca dao được truyền miệng rất nhiều thế hệ trẻ người Việt nói về tình đoàn kết:

    "Một cây làm chẳng nên non

    Ba cây chụm lại lên hòn núi cao."

    Hay trong "Hoa Chanh" - Nguyễn Bao đã cho ta thấy lòng yêu nước, sự quyết tâm, đoàn kết, sự hi sinh của người chiến sĩ qua câu thơ:

    "Khi Tổ quốc cần

    Chúng mình biết hi sinh."

    Như vậy toàn bộ khổ thơ trên, bằng nối sử dụng những từ ngữ chính xác giàu ẩn ý, nhà thơ đã gửi gắm một cách sâu sắc về tư tưởng, tình cảm của mình. Đó là tình yêu thương con người của Tố Hữu gắn với tình cảm hữu ái giai cấp. Nó thể hiện niềm tin của tác giả vào sức mạnh đoàn kết, câu thơ trên cũng là một lời khẳng định: Khi cái tôi chan hòa với cái ta, khi cá nhân hòa vào tập thể cùng lý tưởng thì sức mạnh nhân lên gấp bội. Những câu thơ cũng là biểu hiện nhận thức mới về lẽ sống chan hòa cá thể, tập thể giữa cái tôi với cái ta. Trong lẽ sống ấy con người tìm thấy niềm vui và sức mạnh. Sự thay đổi nhận thức nó bắt đầu sâu xa từ sự giác ngộ lý tưởng của nhà thơ Tố Hữu.

    Ở khổ thơ cuối cùng này nhà thơ tiếp tục ghi nhận những chuyển biến trong nhận thức và hành động thể hiện tình cảm lớn trong mối quan hệ với các tầng lớp khác của quần chúng lao động:

    "Tôi đã làm con của vạn nhà

    Là em của vạn kiếp phôi pha

    Là anh của vạn đầu em nhỏ

    Không áo cơm cù bất cù bơ."

    Ở đây tác giả đã khẳng định vị trí của mình trong cuộc sống rộng lớn này "con", "em", "anh". "Vạn nhà" là một tập thể lớn lao, rộng rãi, nhưng rộng hơn là toàn thể quần chúng nhân dân lao động. "Vạn đầu em nhỏ" là những em bé lang thang vất vưởng nay đây mai đó. Tình cảm của tác giả thể hiện qua cách xưng hô: "Con", "anh" và "em" cho ta thấy tình hữu ái giai cấp, tình yêu thương ruột thịt. Điệp từ "là" là một điểm nhấn, nó giúp tác giả thể hiện tình cảm sâu sắc của mình với quần chúng nhân dân lao khổ. Tác giả đã xác định mình là một thành viên trong đại gia đình quần chúng lao khổ. Tình cảm ấy trở nên cao quý hơn khi ta hiểu được Tố Hữu vốn là một nhà trí thức tiểu tư sản có lối sống đề cao cái tôi cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi. Nhà thơ đã vượt qua giai cấp của mình để đến với giai cấp vô sản với tình cảm chân thành và điều này chứng tỏ sức mạnh cảm hóa mạnh mẽ của lý tưởng cách mạng đem lại cho những người trí thức tiểu tư sản.

    Với cách sử dụng linh hoạt các biện pháp tự sự, trữ tình và lãng mạn, sử dụng linh hoạt và hiệu quả các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, ngôn ngữ rồi sử dụng từ ngữ giàu tình cảm, giàu hình ảnh, bài thơ đã thể hiện được một cách sâu lắng, tinh tế sự thay đổi nhận thức tư tưởng tình cảm của một thanh niên ưu trí khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng và được vinh dự đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng. Bài thơ cũng thể hiện những nhận thức mới về lối sống, đó là lẽ sống gắn bó hài hòa giữa cái tôi riêng với cái ta chung của mọi người. Cũng như sự chuyển biến sâu sắc của nhà thơ, bài thơ cũng có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, co đường thơ ca của Tố Hữu. Nó tuyên ngôn lẽ sống của một người chiến sĩ cách mạng và tuyên ngôn của nhà thơ chiến sĩ.

    Khép lại trang sách nhưng dư âm của bài thơ vẫn cuốn lấy trái tim ta không buông. Tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, sâu sắc đã hóa thân vào những vần thơ trữ tình chính trị đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật thơ ca cách mạng. Dù cho dòng chảy thời gian vẫn cứ trôi, lớp bội mù có phủ nhòa những trang sách thì tác phẩm vẫn sẽ sống mãi trong lòng mỗi độc giả cùng những xúc cảm mãnh liệt.
     
    Ngudonghc thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...