NLVH: Phân tích 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng chí - NV9 Đêm nay rừng hoang sương muối Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới Đầu súng trăng treo. Bài thơ "Đồng chí" là một trong những thành công của tác giả Chính Hữu khắc họa tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, sâu nặng của những người lính Cách mạng thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Bài thơ kết thúc bằng ba câu thơ khá đột ngột, miêu tả ngắn gọn khung cảnh người lính đứng gác giữa núi rừng biên giới trong đêm khuya. "Đêm nay.. trăng treo." Với nghệ thuật tả thực sống động, hai câu đầu như một lời tự sự nhưng lại mang màu sắc trữ tình và có giá trị miêu tả rất lớn. Tình đồng chí giữa các người lính rất cao cả, họ không chỉ chia sẻ cùng nhau tâm tư nỗi nhớ, cùng nhau trải qua gian nan khổ cực của cuộc chiến, mà giờ đây còn đồng lòng, đoàn kết đứng cùng nhau trên cái nền lạnh giá của "rừng hoang sương muối". 2 câu thơ đầu là bức tranh chiến đấu của những người lính, bức tranh này vừa mang hơi thở hiện thực và thời đại, vừa thấm đẫm cái trữ tình bay bổng. Đầu tiên, gt hthực được thể hiện trong câu "Rhsm" đã tái hiện thời tiết khắc nghiệt và lạnh lẽo của tn: "Rừng hoang" âm u vắng vẻ, sương giá đọng thành những hạt nhỏ trắng xóa như muối trên cây cỏ và mặt đất, thấm ướt áo người lính. Ở miền Bắc nước ta về mùa đông, những ngày có sương muối trời rét cắt da cắt thịt. Trong bài thơ Lên Cẩm Sơn của nhà thơ Thôi Hữu cũng có câu thơ viết về cái rét ấy "Cuộc đời gió bụi pha xương máu/ Đói rét bao lần xé thịt da". Nhưng động từ "đứng" và "chờ" đã cho thấy tư thế ung dung, ý chí chiến đấu bền bỉ và tinh thần trách nhiệm của những người lính mặc cho thời tiết giá lạnh. Thực tế, họ không thể biết được lúc nào thì giặc sẽ xuất hiện, nhưng từ "chờ" đã chuyển thế bị động của họ sang thế chủ động, chỉ một câu thơ mà nêu bật lên khí thế hiên ngang, sẵn sàng phục kích giặc. Nó tạo nên cho những người lính tư thế thành đồng vách sắt trước quân thù, chính là tư thế chủ động của toàn dân ta sau chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947. Cùng với đó, qua từ "cạnh bên nhau", ta thấy được tình đồng chí sau khi được tôi luyện trong thử thách đã trở nên gắn kết keo sơn hơn, khiến những người lính bình thản và lãng mạn bên thềm cuộc chiến, thấy cuộc đời đẹp đẽ và thơ mộng giữa trập trùng nguy hiểm, gian lao. Về nghệ thuật, tác giả đã có sự sắp xếp từ ngữ rất khéo léo, đó là đặt liên tiếp hai từ đồng nghĩa "cạnh" và "bên" trong câu thơ để nhấn mạnh sự kề vai sát cánh của đồng chí trong thời khắc mà sự sống còn rất mong manh, đồng thời khiến cho âm hưởng câu thơ thêm khỏe khoắn và kéo dài, làm người đọc cảm thấy những giây phút bên nhau của người lính như dài hơn, thiêng liêng hơn. Ngoài ra, các từ ngữ trong câu thơ tuy mộc mạc như lời kể chuyện nhưng có chọn lọc, cô đọng và gợi nhiều liên tưởng. Hai câu thơ đối nhau rất chỉnh, uyển chuyển và gợi cảm, giúp tác giả ca ngợi sức mạnh tình đồng chí sưởi ấm lòng các anh giữa rừng hoang mùa đông và sương muối buốt giá. Đến câu thơ cuối, trăng xuất hiện đầy độc đáo, bất ngờ nhưng cũng rất tự nhiên. Tác giả có thể chỉ đơn thuần miêu tả đêm phục kích quân giặc là một đêm có trăng, không có gì khác thường. Nhưng để hình ảnh trăng làm câu kết đầy ngắn gọn, hàm súc đã tự khắc gợi lên sự đột ngột, như bằng một cách nào đấy mà người lính nhận ra trăng đã sà xuống ghé thăm, trăng treo đầu súng. Đây là một trong những hình ảnh thơ đẹp nhất về người lính. Người lính đứng gác đầy trang nghiêm, ngọn súng hướng lên bầu trời. Trên nền xám lạnh của cánh rừng hoang tĩnh mịch buổi đêm khuya gần sáng, bầu trời trong dần, sáng dần, và trăng xuống thấp dần, thấp dần cho đến khi trăng chạm vào đầu súng, tạo nên một bức tranh như ảo ảnh. Con người và thiên nhiên giao hòa với nhau. Về nghệ thuật, đó là sự kết hợp giữa bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn. "Súng" tượng trưng cho đời sống lính tráng gian khổ, cho tinh thần quyết chiến quyết thắng, cho sự chiến đấu hết mình không quản ngại hiểm nguy; còn trăng là sự vật xuất hiện nhiều trong thơ, là biểu tượng của người thi sĩ, của làng quê hiền hòa, của hòa bình, của thiên nhiên dịu dàng, thanh mát. Tính hiện thực đến từ cách quan sát, nhìn nhận của tác giả và chất trữ tình từ một tâm hồn thăng hoa càng làm cho hình ảnh thêm ý nghĩa, sống động: Súng và trăng, là gần và xa, là cứng rắn và mượt mà, thực tại và mộng mơ, oai dũng và hiền từ, là chất chiến sĩ và chất thi sĩ. Súng và trăng còn là một cặp đồng chí: Người lính cầm súng chiến đấu cho hòa bình, cho vầng trăng tri kỉ mãi tỏa sáng trên nền trời quê hương. Nó là phương tiện của nghệ thuật tả thực xen lẫn trữ tình đặc sắc của câu thơ: Hình ảnh hiện thực cho ta hiểu trăng là người bạn của chiến sĩ nơi chiến hào. Hình ảnh lãng mạn cho ta thấy vẻ đẹp của cuộc sống thanh bình và lý tưởng chiến đấu vì Tổ quốc trong mỗi người chiến sĩ. Nhịp thơ 2/2 như nhịp lăc lư, chung chiêng của vầng trăng trên bầu trời. Hai hình ảnh đối lập tương phản "súng" và "trăng" được nhà thơ đặt cạnh nhau, sóng đôi cùng nhau, và cũng lại cùng nhau tạo nên một biểu tượng đẹp trong thơ văn kháng chiến, thể hiện rõ bao phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: Cứng cỏi trong chiến đấu nhưng lại hiền hòa trong đời thường, ý chí sắt đá kiên cường nhưng tâm hồn cũng rất thơ mộng, bay bổng. Hình ảnh ánh trăng cũng gợi nhớ về nỗi nhớ quê hương của các anh lính. "Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương". Cũng có thể những người lính nông dân đó đang thầm nghĩ "Trăng mờ tốt lúa nỏ/ Trăng tỏ tốt lúa sâu", hay "Trăng quầng thì hạn. Trăng tán thì mưa" và lo cho vụ lúa quê nhà. Ánh trăng dường như đang ngập tràn khắp núi rừng chiến khu, trên bầu trời và chiếu cả trong làn sương huyền ảo. Trước kia, những người lính này chỉ là nông dân, là ngư dân làng chài, là một người lao động bình thường cầm quốc và quăng lưới đánh cá. Nhưng khi Tổ quốc gọi tên mình, quyết tử cho TQ quyết sinh thì họ bỏ lại hết để cầm súng. Vậy nên trong tâm hồn họ vẫn còn sự chất phác, dân dã, nồng hậu, trong sự hy sinh của họ vẫn có sự trong trẻo, tràn trề khát vọng. Cũng từ hình ảnh ánh trăng, ta thấy sáng lên ở họ sự phấn khởi, lạc quan và niềm tin chiến thắng, tin vào ánh sáng chỉ lối soi đường của CM. Để qua ban đêm buốt giá này, bình minh ngày mai sẽ lại ấm áp và tươi sáng. Hình ảnh cây súng trong bài thơ Đồng chí khiến ta chợt nhớ đến sông Mã, Tây Tiến trong câu thơ của Quang Dũng: "Heo hút cồn mây, súng ngửi trời". Đó cũng là vẻ đẹp giản dị chất chứa ở bài thơ. Có thể thấy, khổ thơ cuối chỉ có 3 dòng thơ nhưng là biểu tượng đẹp đẽ nhất về tình đồng chí và về những con người sống và chiến đấu cho tự do, hạnh phúc của dân tộc. Bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên cũng góp chung một tiếng hát cho khúc ca ca ngợi lòng yêu nước, sức mạnh tình đồng chí và vẻ đẹp tinh thần của những người lính nông dân này: ".. Lũ chúng tôi Bọn người tứ xứ, Gặp nhau hồi chưa biết chữ Quen nhau từ buổi" Một hai " Súng bắn chưa quen, Quân sự mươi bài Lòng vẫn cười vui kháng chiến Lột sắt đường tàu, Rèn thêm đao kiếm, Áo vải chân không, Đi lùng giặc đánh.." Ngày nay, vẫn có rất nhiều người lính ngày đêm canh giữ từng tất đất, vùng trời, vùng biển, sát cánh cùng nhân dân trong sản xuất, phòng chống thiên tai. Phải chăng tình đồng chí cũng sẽ trở thành vầng trăng sáng trong ngực các anh, tiếp thêm khát vọng và ý chí cống hiến cho các anh chiến sĩ chắc tay súng?