Đề bài: Phân tích hình tượng người lái đò trong tác phẩm "Người lái đò Sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân. Bài làm "Tiếng đàn Ba-la-lai-ca Như ngọn gió bình yên Thổi qua rừng bạch dương dìu dặt Nghe rụt rè Như tia mắt Người thiếu nữ soi mình trong đáy giếng Mùa thu Nghe mơ hồ Như tiếng hát Trong bồng bềnh sương núi Nghe vời vợi Như cánh thiên nga Bay khuất nẻo mây xa.." Điều gì đã khiến tiếng đàn ngân nga bên bờ sông Đà đi vào thơ Quang Huy đẹp đến thế. Phải chăng cảnh sắc nơi đây đã gieo vào tâm hồn những cảm xúc rạo rực, xao xuyến để cho người nghệ sĩ cất lên những giai điệu ngọt ngào của thi ca. Sông Đà - nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân, thi sĩ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Nguyễn Tuân là một trong số đó, nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp đã phải lòng con sông kỳ vĩ, thơ mộng để từ đó viết nên tùy bút: "Người lái đò Sông Đà". Tác phẩm không chỉ khắc họa vẻ đẹp vừa hung bạo vừa trữ tình của con sông mà trên hết đề cao trí tuệ và tài hoa của những con người lao động – "Chất vàng mười đã qua thử lửa" của núi rừng Tây Bắc thông qua hình tượng người lái đò. Nguyễn Tuân là cây bút tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, được biết đến với giọng văn phóng túng, tài hoa, cùng với vốn kiến thức phong phú trên nhiều lĩnh vực. Phong cách ấy được tóm gọn qua một chữ "Ngông" – cái "Ngông" của một con người tôn sùng cái đẹp, cái duy mĩ khuất lấp sau những số phận nhỏ bé đời thường. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân vẫn tiếp cận thế giới nghệ thuật trên phương diện thẩm mĩ. Tuy nhiên, nếu như trước đây nhà văn mải miết đi tìm những hình ảnh của quá khứ, những con người phi thường "của một thời đã xa nay chỉ còn vang bóng", thì giờ đây, vẻ đẹp mà Nguyễn Tuân hướng đến chính là những con người nhỏ bé nhưng mang phẩm chất phi thường. Nhân vật người lái đò trong tùy bút "Người lái đò Sông Đà" là một minh chứng tiêu biểu cho phong cách văn chương của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám, là kết quả của chuyến đi thực tế đầy gian khổ nhưng hào hứng đến với mảnh đất Tây Bắc của Tổ quốc, để khám phá ra "Thứ vàng mười đã qua thử lửa" trong tâm hồn những người dân lao động nơi "Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng" (Chế Lan Viên). Ông lái đò Sông Đà thực chất cũng là một người lao động bình thường nơi núi rừng Tây Bắc. Nhưng dưới con mắt của nhà văn Nguyễn Tuân, người lao động bình dị ấy lại hiện lên vẻ đẹp đầy anh dũng của một người chiến sĩ trên mặt trận, vừa trí tuệ, tài hoa như một người nghệ sĩ trong thời kì mới. Nhà văn đã không đặt cho nhân vật của mình một cái tên cụ thể nào mà chỉ gọi là "Ông lái đò Lai Châu". Bởi lẽ, ông là đại diện cho vô vàn những người anh hùng thầm lặng khác. Những con người "Không ai nhớ mặt đặt tên" nhưng lại góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, thông qua nhân vật này, nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình ảnh của nhân dân miền Bắc trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội năm 1960, bộc lộ niềm tự hào của người nghệ sĩ trước thời đại mới - thời đại của tự do và độc lập. Lai Châu - mảnh đất hoa ban trắng, có dòng sông Đà soi bóng tự ngàn xưa. Ông lái đò năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, với mười năm lèo lái con đò trên dòng sông quê hương. Cái nghề sông nước ấy in dấu lên hình hài ông cánh tay "lêu nghêu như cái sào", đôi chân lúc nào cũng "khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng", giọng nói thì "ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh". Ngay từ ngoại hình của ông, ta cũng phần nào thấy được những khó khăn, gian khổ khi chèo đò trên dòng sông hung bạo. Để khi chính thức bước vào trận chiến khốc liệt qua ba thạch trận, ta mới càng cảm phục trước vẻ tài hoa, trí dũng của con người trước thiên nhiên. Như vấn đề mà Hemingway từng đặt ra trong tác phẩm "Ông già và biển cả" : "Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại." Thạch trận thứ nhất mở ra, trận địa chia làm năm cửa với bốn cửa tử, chỉ có một cửa sinh nằm phía tả ngạn sông Đà. Nó đã sẵn sàng giao chiến, sẵn sàng "nuốt chửng" bất cứ người "thủy thủ" nào cùng với chiếc thuyền nhỏ bé của họ. Không mảy may do dự, thuyền của ông đò "vụt tới", sẵn sàng cho trận "giáp lá cà". Biện pháp nhân hóa được sử dụng để lột tả vẻ "hung tợn" của những tảng đá: "Hàng tiền vệ có hai hàng canh một cửa đá trông như là sơ hở.. mới đánh khuýp một trận vô hồi lại.", "Một hòn ấy trông nghiêng thì y như hất hàm hỏi cái thuyền xưng tên tuổi trước khi giao chiến".. Cùng với đó là những động từ mạnh dùng trong lĩnh vực quân sự như: "Thúc gối", "đá trái", "đánh đòn tỉa", "đòn âm".. Được tác giả khéo léo đưa vào câu văn tạo nên hình ảnh hung tợn, nguy hiểm của con sông Đà. Ở trận này, ông lái đò bị thương, nhưng điều đáng ngợi ca chính là thái độ bình tĩnh, "cố nén vết thương", "Hai chân kẹp lấy cuồng lái" và "Tiếng chỉ huy của người cầm lái" vẫn vang lên dõng dạc. Chính bản lĩnh và trí tuệ đã giúp người lái đò chiến thắng cửa ải đầu tiên. Thạch trận thứ hai được mở ra. Lần này, con sông bày ra nhiều cửa tử hơn và cũng chỉ có một cửa sinh nằm về phía hữu ngạn. Cùng với đó là "Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá". Nhưng do đã "Nắm chắc được binh pháp của thần sông thần đá" nên khi "Bốn năm bọn thủy quân cửa nước bên trái xô ra định níu thuyền đi lôi vào tập đoàn cửa tử". Người lái đò nhanh trí, khi thì "Tránh mà rảo bơi chèo lên", khi thì "đè xấn mà chặt đôi ra để mở đường tiến". Những hình ảnh về thiên nhiên đầy tính sáng tạo đã góp phần làm nổi bật lên được tư thế hiên ngang, oai dũng của người lái đò, đồng thời cho thấy được tài năng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc khắc họa hình tượng nhân vật. Thạch trận thứ ba đã sẵn sàng giao chiến. Là cửa ải cuối cùng sông Đà bày ra để thử thách con thuyền nhỏ bé, ít cửa hơn, "bên trái bên phải đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác". Không hề nao núng, ông lái đò phóng thẳng thuyền chọc thủng cửa giữa. Cách ví von của Nguyễn Tuân thật độc đáo: "Con thuyền trở thành mũi tên tre phóng nhanh qua làn hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được", để từ đó độc giả cảm nhận được tư thế chủ động của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. "Thế là hết thác". Câu văn cuối ngắn gọn và nhẹ tênh, kết thúc cuộc chiến đấu nguy hiểm trên dòng sông hung bạo. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Bằng tất cả trí tuệ và kinh nghiệm đò giang sông nước. Ông đò đã nằm lòng những tính nết của con sông như một "Trường thiên anh hùng ca mà ông thuộc đến cả những dấu chấm than, chấm câu và cả những đoạn xuống dòng.", chính những thử thách trên dòng sông nguy hiểm đã tôi luyện cho người lao động bình dị ý chí và sức mạnh phi thường. Không chỉ có thế, qua trang văn của Nguyễn Tuân, người đọc còn thấy được vẻ đẹp nghệ sĩ, lãng mạn của người lái đò. Đoạn văn tiếp theo sau cảnh vượt thác như miêu tả một khung cảnh hoàn toàn khác về sông Đà, "Dải nước sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình". Cái màu "Xanh ngọc bích" của mùa xuân, màu "chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa" của mùa thu trên dòng sông thơ mộng, qua ngòi bút của Nguyễn Tuân như vẽ nên trước mắt người đọc một bức tranh phong cảnh hữu tình. Trước dòng sông đẹp đến nao lòng, người lái đò lãng du, phiêu bồng ngắm trời mây sông nước. Chẳng mấy chốc quên đi chiến thắng trong trận đấu sinh tử vừa rồi. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ, việc chiến đấu với những thác nước, thạch trận nguy hiểm trên sông chính là công việc mưu sinh hàng ngày của người lái đò, chẳng có gì phải tự hào hay kể lể. Cái trận chiến mà với chúng ta là lớn lao, phi thường đó, đối với những người dân vùng sông nước nơi đây lại hết sức bình thường! Qua đó, thấy được tầm vóc, sức mạnh to lớn của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để sau những ngày lao động vất vả "Nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam", "Bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như tiếng mìn bộc phá rồi cá túa ra tràn cả ruộng". Khung cảnh mở ra thật ấm cúng và nghĩa tình. Ông lái đò quả thật là người nghệ sĩ tài hoa đáng trân trọng. Bằng những biện pháp nghệ thuật độc đáo, nhân hóa, ví von, cùng với vốn kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực: Lịch sử, địa lí, điện ảnh, hội họa.. Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng người lái đò, tượng trưng cho vẻ đẹp của con người Tây Bắc nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Dù trên mặt trận chiến đấu hay sản xuất, nhân dân vẫn luôn bộc lộ những nét tài hoa đáng quý của mình. Cũng qua đó thể hiện tình yêu của nhà văn đối với nhân dân vùng núi rừng Tây Bắc: "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa." (Chế Lan Viên) Có những người anh hùng góp tên mình vào sử sách, nhưng cũng có những người thầm lặng cống hiến hết mình cho Tổ quốc, nhân dân. Chính họ, những cuộc đời nhỏ bé đã vẽ nên hình hài Đất nước. Vì thế mà nhà văn Nguyễn Tuân viết nên tùy bút "Người lái đò sông Đà", một áng văn ca ngợi vẻ đẹp của con người trong thời kì kháng chiến. Họ đã sống, sản xuất và chiến đấu để giữ vững mảnh đất bao đời của nước Nam ta. Để giờ đây, khi đọc lên những trang văn thơ của thời kì oanh liệt, thế hệ trẻ chúng tôi cũng không khỏi tự hào. "Những nhánh lúa theo tay người thẳng tắp Như lòng thương nối tiếp không cùng Của hậu phương gửi sâu vào nơi đất Nỗi nhớ lên xanh cả cánh đồng!"