[nlvh] Đề bài: So sánh vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà làng chài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi toicuatuoitre, 20 Tháng tám 2021.

  1. toicuatuoitre

    Bài viết:
    63
    Đề bài: So sánh vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt và người đàn bà làng chài

    Bài viết tham khảo:

    Kim Lân là nhà văn của nông thôn Việt Nam, những tác phẩm của ông tập trung nhiều vào khung cảnh làng quê trước cách mạng. Kim Lân không miêu tả về văn hóa, phong tục, những hương ẩm xôi thịt ở chốn làng quê, mà ông thường nói về cuộc sống bình dị, nghèo hèn nơi đây. Trong các tác phẩm của ông "Vợ Nhặt" là truyện ngắn đặc sắc nhất, tác phẩm bộc lộ tài năng và phẩm chất của nhà văn. Qua đó vẽ lên vẻ đẹp khuất lấp của người phụ nữ là điển hình cho vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam, điều này đã được thể hiện trong nhân vật người vợ nhặt. Nếu "Vợ Nhặt" được Kim Lân viết vào năm nạn đói lịch sử 1945 diễn ra cùng cuộc sống cơ cực của người dân thì "Chiếc thuyền ngoài xa" được Nguyễn Minh Châu sáng tác sau khi đất nước thống nhất, xã hội trở về muôn mặt đời thường, cuộc sống của người dân quê khi ấy cũng trở nên khốn khổ vô cùng. Là một nhà văn, cây bút tiên tỏng nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới với quan điểm nghệ thuật "đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người", trong tác phẩm của mình, ông đã dựng lên số phận của người đàn bà hàng chài đầy tủi nhục, vất vả nhưng ẩn giấu vẻ đẹp cao thượng, khuất lấp.

    [​IMG]

    "Vợ Nhặt" là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, có tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được ông viết sau cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở sau đó bị thất lạc bản thảo. Đến năm 1945, Kim Lân đã viết lại tác phẩm này dựa trên một phần truyện cũ và được in trong tập "con chó xấu xí".

    Người vợ nhặt xuất hiện trong câu truyện của ông xuất thân một cách mơ hồ, không tên, không tuổi, không quê quán người thân, không có cả nghề nghiệp, sống qua ngày bằng việc ngồi trơ trước cổng nhà kho nhặt hạt thóc rơi vãi. Thân thể thị gầy yếu, nhếch nhác, dơ dáy, trên khuôn mặt xám xịt chỉ còn lại hai con mắt, quần áo rách như tổ đỉa. Thị chao chát, chỏng lên, đanh đá, chua ngoa khi mắng TRàng và đòi ăn, thị ngồi ăn một chặp 4 bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì, khi ấy thị dường như đã đặt miếng ăn lên trên nhân cách. Vì ham sống, thị theo Tràng về làm vợ mà chẳng do dự, ngại ngần, trong khi Tràng là ai, thân thế ra sao thị cũng chẳng buồn quan tâm. Những tưởng kết luận thị là người tuỳ tiện nhưng đặt vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, người chết như ngả rạ vì đói, nhìn bề ngoài là sự mất giá đến thảm hại của người phụ nữ nhưng sâu bên trong người đàn bà khốn khổ ấy là một làng ham sống đến mãnh liệt. Hành động thị theo không TRàng mà không cần cưới cheo, bên ngoài là bản năng sinh tồn, bám víu vào sự sống. Nhìn sâu hơn đó cũng là hành động biểu thị khoa khát chính đáng, cơ bản của con người.

    Phía sau vẻ nhếch nhác tiều tuỵ là một người biết điều, ý tứ. Trên đường về, Thị ngượng ngùng, chân nọ díu cả vào chân kia. Khi về đến nha Tràng, nhìn thấy ngôi nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những bụi cỏ dại, thị nén tiếng thở dài, đây là tiếng thở dài ngao ngán nhưng cũng là một sự chấp nhận ai ngờ cái phao mà thị bám vào lại là một cái phao rách, trong tiếng thở dài đó vừa là lo sợ cho tương lai nhưng cũng là thể hiện cả trách nhiệm của thị về gia cảnh nhà chồng. Đến khi gặp bà cụ Tứ - mẹ Tràng, thị lễ phép chào bà cụ, không giấu nổi sự ngại ngùng.

    Sau khi đã cởi bỏ cái vẻ chao chát, chỏng lơn, ngày hôm sau Tràng thấy thị khác hẳn: "Không còn vẻ gì chao chát chỏng lơn như hôm gặp trên tỉnh nữa mà trở thành người phụ nữ hiền hậu, đúng mực. Thị dậy sớm cùng bà cụ Tứ xăm xắn quét tước cửa nhà, thu dọn vườn tược giúp ngôi nhà thêm quang quẻ. Trong bữa cơm đầu đãi nàng dâu mới của bà cụ Tứ chỉ có một niêu cháo lõng bõng, một đĩa muối và lùm rau chuối thái rối, thị vãn ăn, dù là bát cháo cám đắng chát nơi cổ họng, thị vẫn nuốt xuống điềm nhiên mặc cho nỗi tủi hờn đang len vào tâm trí thị và mọi người. Nghe thấy tiếng trống thúc thuế, một câu nói vu vơ đã gợi ý cho Tràng ý thức về tinh thần phản kháng hứa hẹn gia đình Tràng sẽ tham gia cách mạng để tham gia đoàn người phá kho thóc Nhật, chia cho người nghèo tự cứu lấy mình. Và nàng dâu mới chính là người truyền tin của cách mạng.

    [​IMG]

    Đó là hình ảnh người phụ nữ trong văn Kim Lân nhưng đến với người đàn bà làng chài của Nguyễn Minh Châu lại là một người phẩm chất khác. Người đàn bà ấy không tên tuổi cụ thể, được gọi bằng những từ ngữ phiếm chỉ" mụ" "người đàn bà" "chị ta".. Người đàn bà ấy chính là hiện thân cho tất cả những người đàn bà vùng biển khác với cuộc đời, phẩm chất tương tự.

    Người đàn bà ấy từ nhỏ đã là một đứa con gái xấu xí, rỗ mặt. Thân hình cao lớn, thô kệch, lúc nào cũng xuất hiện với khuôn mặt mệt mỏi. Người đàn bà nghèo khổ, lam lũ với tấm lưng áo bạc phếch, toàn thân ướt sũng, quanh năm lênh đênh trên biển kiếm sống nuôi một đàn con, có những khi biển động, cả nhà phải ăn xương rồng luộc chấm muối cả tháng trời. Vất vả cơ cực mưu sinh như thế lại thường xuyên bị chồng đánh "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" kèm theo đó là lời nguyền rủa cay độc "chúng mày chết hết đi cho ông nhờ". Đau đớn hơn cả là nỗi đau nhìn đàn con lớn lên trong cảnh bạo hành, chứng kiến thằng Phác vì thương mẹ mà nổi đạo với cha nó. Đó là nỗi đau đớn, tủi khổ không giấy mực nào tả xiết. Người đàn bà luôn nơm nớp lo sợ con cái bị tỏn thương khi phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Ngoại hình dù xấu xí, thô kệch nhưng tấm lòng vẫn hết nực nhân hậu, vị tha. Vì yêu thương con, mụ sẵn sàng hi sinh tất cả vì con. Những trận đòn roi sấm sét mà người đàn bà phải hứng chịu thường xuyên ấy có căn nguyên từ tấm lòng độ lượng, giàu đức hih sinh của chị, vì thương con nên sẵn sàng hứng chịu. Ngay cả khi nói về người chồng vũ phu, người vợ cũng có cái nhìn thật rộng lượng: Ngày trước, anh ta là một chàng thanh niên hiền lành nhưng cục tính, không biết đánh vợ bao giờ. Chỉ sai này khi cuộc sống quá đói khổ, cơ cực, anh ta mới ddanhs vợ để hả cơn giận. Một nạn nhân của sự bạo hành lại nhận xét một kẻ bạo hành như thế chỉ có thể là một người bao dung, sẵn sàng hi sinh vì người khác. Chị giải thích cho sự cam chịu, nhẫn nhục ấy là vì tình yêu thương con, tôn trọng hạnh phúc gia đình. Chị cũng như bao nhiêu người phụ nữ ở làng chài – sống phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông. Những người có thể đi biển để kiếm sống. Vì thói quen của phương thức sống mà vị thế người phụ nữ càng trở nên nhỏ bé, tội nghiệp, biij xem thường trong con mắt đàn ông và tự thân họ cũng không dám thay đổi, phản kháng. Người mẹ khốn khổ ấy vẫn chắt chiu trong muôn ngàn vất vả giữa đời thường những niềm vui nhỏ bé, bình dị và rất đỗi chân quý, thiêng liêng: "Cũng có lúc gia đình vợ chồng con cái hòa thuận, vui nhất là lúc thấy đàn con được ăn no", cái thở dài và nhìn quanh xuống chân, vẻ mặt tần ngần ấy khi bị bạo hành bởi người chồng, có thể coi là sự biểu hiện can đảm, khi người đàn bà dám chấp nhận tủi cực để đàn con đỡ phải trông thấy cảnh tượng đau lòng: Cha đánh mẹ. Những vất vả, gian lao đến nhường ấy không có lòng can đảm và tình yêu vô điều kiện thì khó lòng vượt qua.

    Những tưởng là người thất học, quê mùa nhưng lại thấu hiểu sâu sắc lẽ đời. Trong con mắt của Phùng, Đẩu người đàn bà hàng chài cam chịu đến đáng thương, thậm chí là phi lý nhưng khi nghe những trải lòng của người đàn bà ấy, tất cả đã vỡ lẽ. Những gia đình hàng chài mưu sinh trên biển khó khăn vất vả, không thể thiếu người đàn ông để chèo chống những phong ba và nuôi nấng một đàn con trên dưới chục đứa. Vì thế dù có vũ phu như vậy hay hơn nữa thì người đàn bà vẫn kiên quyết không bỏ chồng. Đó không chỉ là sự chịu đựng đơn thuần mà là cả sự trải đời của một con người đã kinh qua nhiều đau khổ, nếm trải bao gian truân vất vả. NHững người như thế luôn biết trân trọng, nâng niu hạnh phúc và có ý thức giữ gìn. Triết lý tưởng chừng đơn giản ấy được phát biểu một cách mộc mạc, chân thành như chính tâm hồn chị. Và bài học này đã làm cả Phùng và Đẩu như bừng tỉnh, khiến họ nhận ra không thể nhìn cuộc đời một cách đơn thuần, một chiều. Khi đánh giá, nhìn nhận một vấn đề, cần xem xét nó trên nhiều bình diện, tránh cái nhìn áp đặt, suy diễn. Rõ ràng Phùng và Đẩu đã học được một bài học có ý nghĩa..

    Cả hai nhân vật trong hai tác phẩm là những con người có số phận thấp cổ bé họng trong xã hội, là nạn nhân của hoàn cảnh. Cuộ đời họ vô danh và dường như là bị chôn vùi trong những đau đớn, bất hạnh thế nhưng họ lại có vẻ đẹp đáng trân trọng. Vẻ đẹp ấy khuất lấp sau những khó khăn, cơ cực của cuộc đời. Và họ cũng giàu lòng ham sống, giàu lòng vị tha, trắc ẩn. Hai tác giả đã khắc họa họ bằng những chi tiết chân thực, quý giá nhất

    Tuy nhiên trong việc miêu tả nhân vật lại có sự khác biệt: Người vợ nhặt được đặt trong quá trình phát triển, biến đổi từ thấp đến cao trở thành cảm hứng lãng mạn của nhà văn, trong khi đó người đàn bà hàng chài lại tĩnh tại, bất biến như một hiện tượng nhức nhối đang tồn tại và nó trở thành khuynh hướng cảm hứng thế sự của nhà văn. Khác biệt còn ở các miêu tả nhân vật: Người đàn bà được miêu tả nhiều ở diễn biến tâm trạng, nỗi đau khổ dằn vặt còn người vợ nhặt được miêu tả chủ yếu ở thân phận và cảnh ngộ tội nghiệp.

    Hai nhà văn Kim Lân và Nguyễn Minh Châu đã xây dựng hình tượng nhân vật với vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn, bị hiện thực cuộc sống che lấp. Với tài năng miêu tả tâm lý, cảnh ngộ nhân vật và phong cách kể chuyện độc đáo đã làm nên thành công cho cả hai tác phẩm. Qua đây hai tác giả đã bộc lộ tài năng tuyệt diệu của mình và vẽ ra cho người đọc cái nhìn khác về con người, số phận, phẩm chất của họ và đưa ra lời nhận xét: Hoàn cảnh có thể che khuất vẻ đẹp trong tâm hồn nhưng vẻ đẹp ấy sẽ không bị thay đổi, luôn tồn tại trong sâu thẳm trái tim con người.

     
    Last edited by a moderator: 27 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...