NL: Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lá non mọc đầu cành, 11 Tháng mười một 2020.

  1. Lá non mọc đầu cành Team Ghiền Nghệ Thuật Live

    Bài viết:
    59
    Đề bài:

    Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật. (Dẫn theo Lí luận văn học, Hà Minh Đức chủ biên, NXB Giáo dục, trang 57)

    Bằng trải nghiệm văn học, anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

    Hướng dẫn:

    1. Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận

    2. Giải thích

    - Cái đẹp mà văn học đem lại: Là những yếu tố thẩm mĩ, sáng tạo nghệ thuật nhờ tài năng của người nghệ sĩ. Cái đẹp trong tác phẩm văn học chủ yếu thể hiện ở nội dung tư tưởng nhân văn, cao cả; hình thức nghệ thuật sinh động, hấp dẫn, độc đáo.

    - Cái đẹp của sự thật đời sống: Cái đẹp bắt nguồn từ hiện thực: Vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người..

    - Cái đẹp được khám phá một cách nghệ thuật: Cái đẹp được nhà văn phát hiện, cảm nhận ở chiều sâu tư tưởng, tình cảm và hình thức nghệ thuật sáng tạo mới mẻ, độc đáo.

    - Ý kiến khẳng định cái đẹp của sáng tạo nghệ thuật được đặt trong trong mối quan hệ với hiện thực cuộc sống và tài năng của nhà văn; từ đó tác phẩm mang giá trị thẩm mĩ, có sự hài hòa giữa nội dung tư tưởng sâu sắc và hình thức nghệ thuật độc đáo.

    3. Bình luận

    - Văn học quan tâm đến những khía cạnh thẩm mĩ khác nhau của đời sống con người; khơi dậy ở người đọc những cảm xúc xã hội tích cực, trong sáng; giúp con người nhạy cảm, tinh tế hơn trong hành động và cảm thụ thế giới.

    - Tác phẩm văn học có ý nghĩa thẩm mĩ, chinh phục trái tim con ngươi khi nó đụng chạm tới những vấn đề hiện thực đời sống mà con người quan tâm, trăn trở. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học (Tố Hữu).

    - Tính nghệ thuật gắn với sự khái quát chân lý đời sống, với lý tưởng cao đẹp và tính sáng tạo của nhà văn; thể hiện ở sự thống nhất hoàn mĩ giữa nội dung và hình thức nghệ thuật trong một chỉnh thể của tác phẩm văn học.

    4. Phân tích, chứng minh

    - Cái đẹp mà văn học đem lại phải là cái đẹp của sự thật đời sống .

    Đặc trưng của văn chương, nghệ thuật là lấy cái đẹp của hiện thực làm chất liệu, đề tài, cảm hứng sáng tác. Mọi sáng tạo nghệ thuật đều bắt nguồn từ đời sống. Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có (Tố Hữu).

    - Cái đẹp của sự thật đời sống ấy phải được khám phá một cách nghệ thuật.

    + Văn học không phải là sự sao chép bê y nguyên hiện thực đời sống vào trong tác phẩm mà còn là sự khám phá, nhào nặn lại theo ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng của mình. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó (Belinxki).

    + Tác phẩm văn học chỉ có thể làm rung động trái tim người đọc khi chứa đựng giá trị thẩm mĩ. Văn học có khả năng phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước vẻ đẹp đó.

    + Giá trị thẩm mĩ của văn học được thể hiện ở nội dung: Mang lại cho người đọc vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời, khám phá vẻ đẹp sâu xa trong nội tâm con người.

    + Cái đẹp trong nghệ thuật còn thể hiện ở hình thức, được biểu đạt qua hình tượng nghệ thuật riêng biệt độc đáo, không lặp lại, sự sáng tạo các yếu tố nghệ thuật phong phú..

    - Cái đẹp trong văn chương thể hiện ở tư tưởng, triết lí nhân sinh sâu sắc.

    + Qua lăng kính chủ quan của người cầm bút và khả năng đồng sáng tạo ở người đọc, tác phẩm chứa đựng chiều sâu tư tưởng thẩm mĩ, thể hiện những quan điểm nghệ thuật về cuộc đời.

    + Triết lí cuộc sống được gửi gắm trong tác phẩm nghệ thuật giúp cho lòng người thêm trong sáng, thuần khiết, thanh cao. Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn (Thạch Lam)

    (Lựa chọn và phân tích một số tác phẩm văn học để làm rõ các vấn đề trên)

    5. Đánh giá

    - Nhận định đúng đắn, sâu sắc, khẳng định tiêu chí để đánh giá một tác phẩm văn học chân chính: Tính hoàn chỉnh của cái đẹp nghệ thuật ở cả phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm văn học.

    - Nhận định đặt ra tiêu chí đánh giá giá trị của tác phẩm nghệ thuật: Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống với góc nhìn tinh tế, văn học thể hiện tài năng sáng tạo của nhà văn, văn học thể hiện tính nghệ thuật ở cả nội dung và hình thức.

    - Nhận định cũng đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và người đọc:

    + Nhà văn cần phản ánh chân thật cái đẹp của cuộc sống nhưng đó không phải là cái đẹp thuần túy mà là cái đẹp được khám phá một cách nghệ thuật, đạt được giá trị chân - thiện – mĩ; quan sát, phát hiện vẻ đẹp từ hiện thực cuộc sống để phản ánh trong tác phẩm, đồng thời nhà văn cũng phải khám phá, sáng tạo không ngừng để đem đến cái đẹp mới mẻ, mang tính nghệ thuật cho tác phẩm của mình.

    + Người đọc nên nâng cao trình độ tiếp nhận, trình độ thẩm mĩ để cảm nhận được cái đẹp của văn học trong mối liên hệ với cuộc sống, cảm thụ được giá trị thẩm mĩ mà tác phẩm đem lại..

    6. Kết thúc vấn đề nghị luận
     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...