Tản Văn Niềm Vui Tết Đoan Ngọ Trong Đôi Mắt Trẻ Thơ - NavaNov

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi NavaNov, 7 Tháng sáu 2024.

  1. NavaNov

    Bài viết:
    45
    Niềm vui Tết Đoan Ngọ trong đôi mắt trẻ thơ

    Tác giả: NavaNov

    Thể loại: Tản văn

    Cuộc thi nét bút tuổi xanh

    Chủ đề: Tết Đoan Ngọ

    [​IMG]


    Ảnh: Mận đầu mùa ở Mộc Châu tháng 5/2024

    Ngày bé tôi chưa suy nghĩ nhiều về giá trị văn hóa của ngày Tết Đoan Ngọ, tôi chỉ đơn giản mong ngóng ngày này vì tôi thích ăn trái cây và làm rượu cơm nếp rất vui.

    Ngày đó tôi không biết Tết Đoan Ngọ được gọi là "Tết Đoan Ngọ", tôi theo lời mẹ gọi một cách dân dã là "Tết diệt sâu bọ". Từ khi tôi còn nhỏ xíu, bố dạy tôi là hãy luôn quan sát và thắc mắc về thế giới xung quanh. Vì vậy tôi hỏi bố: "Tại sao 'Tết diệt sâu bọ' mà lại cho người ăn ạ?"

    "Tại vì con sâu chúng ta cần diệt là con giun trong bụng con đó."

    "Ồ! Thế tại sao diệt con giun mà lại cho con giun ăn đồ ăn ngon ạ?"

    Cứ thế, những câu hỏi trẻ con sẽ kéo dài từ sáng đến tối. Trong lúc đó, mẹ tôi đang tất bật chuẩn bị bàn thờ theo đúng truyền thống.

    Vào mùa hè miền Bắc thì mận chính là một trong những loại quả phổ biến nhất. Hơn thế nữa, mận còn là loại quả không biệt giàu nghèo vì khi vào mùa giá rất rẻ; mận là thứ quả mà mẹ tôi chẳng cần đắn đo quá nhiều về kinh tế trước khi quyết định mua. Và nghe đâu "Quả mận chua sẽ giết chết con sâu trong bụng chúng ta". Tôi không chắc lắm về hiệu quả diệt giun của mận nhưng tôi khá chắc là đám trẻ con bọn tôi ăn nhiều mận đến mức mọc mụn hết với nhau.

    Món quan trọng tiếp theo là cơm rượu nếp. Cơm rượu nếp là món mà chị em tôi không "sủng ái" như mận nhưng lại rất phấn khích khi người lớn làm nó. Chúng tôi thấy phấn khích là bởi cơm rượu nếp không phải món ngày nào cũng có, nếu nó xuất hiện tức là sắp có dịp lễ tết vui vẻ; giống như khi ra ngoài đường thấy người ta bày đào mai là biết Tết sắp về vậy.

    Trước Tết Đoan Ngọ vài ngày, mẹ tôi và bà nội sẽ ủ cơm rượu nếp. Trong truyền thống của gia đình tôi thì mẹ và bà tôi là hai người phụ trách chính món này. Cả hai người phụ nữ của chúng tôi đều nấu cơm nếp, đồ xôi rất ngon và đã ẵm cho mình không ít giải thưởng thường niên trong các cuộc thi đồ xôi của xóm làng.

    Mẹ tôi thường nấu cơm nếp bằng chiếc xoong gang lớn. Bố mẹ tôi ít khi đồng quan điểm nhưng riêng ý kiến cho rằng nấu cơm phải dùng xoong gang mới ngon thì cả hai người rất đồng lòng. Đến năm 2024, đôi khi bố tôi vẫn lấy chiếc xoong gang cũ để nấu cơm bởi vị thơm ngon và tạo cháy cũng rất giòn ngọt.

    Cơm nếp chín, mẹ và bà nội sẽ giàn ra chiếc mâm cho nguội bớt. Những hạt gạo nếp chen nhau căng bóng. Mùi thơm của gạo nếp bốc lên theo làn khói khiến tâm hồn con trẻ của tôi hạnh phúc ngây ngất. Tôi thích mùi của gạo nếp vì nó gắn liền với quá nhiều món ngon như cốm, bánh chưng, bánh dày giò, v. V. Chị em tôi luôn căn chuẩn giờ cơm nếp chín, kiên nhẫn ngồi chờ mẹ lấy cơm ra mâm, rồi hào hứng nhận lấy phần thưởng đã biết trước là chỗ cơm cháy ở đáy nồi mẹ lấy cho.

    Trong lúc chờ cơm nếp nguội bớt thì đi nghiền men rượu. Cục men rượu là thứ tôi rất thích vì nó thú vị. Cục men to cỡ đầu ngón tay cái, màu trắng và đặc biệt là có dính trấu! Tôi đã rất thắc mắc về tác dụng của vỏ trấu dính trong cục men đó. Ngày đó không có internet nên tôi đã giữ thắc mắc này trong đầu và tưởng tượng ra nhiều câu trả lời; tôi thậm chí đã tưởng tượng rằng có thể người ta làm cục men rượu này ở trong chuồng gà nơi thường xuyên được rắc trấu. Khi lớn lên tôi rất mong nhà sản xuất sẽ tha thứ cho suy nghĩ ngày đó của tôi.

    Sau khi nghiền mịn và lọc trấu đi rồi thì thứ bột trắng này sẽ được trộn đều vào cơm nếp còn hơi âm ấm rồi bỏ vào chum.

    Nhà tôi có rất nhiều chum sành. Theo lời bà nội kể thì trước kia ông bà trồng được rất nhiều loại hạt; hai chum lớn nhất để đựng gạo nếp, gạo tẻ; chum nhỏ hơn môt chút để đựng lạc; hai chum vừa để đựng đậu đen và đậu xanh; có cả chum bé xíu để đựng vừng. Tôi nghĩ ngày xưa ông bà thật giàu có, bây giờ nhà tôi cái gì cũng phải đi mua. Mặc dù không còn sử dụng nhiều nữa nhưng gia đình tôi vẫn giữ lại những chum đó bởi chúng là một phần của quá khứ, chúng đã ở với gia đình tôi cũng sắp được trăm năm rồi. Khi lớn lên, nhìn thấy cái chum cỡ vừa, tôi nghĩ: "Thật kỳ diệu, năm mươi năm trước bà của mình vẫn còn dùng chiếc chum này để đựng hạt đậu đen." Còn hồi bé xíu, nhìn thấy cái chum đó tôi nghĩ: "A! Cơm rượu nếp đã ăn được chưa? Mình có thể mở ra xem trộm không?"

    Nếu lúc bà và mẹ làm cơm rượu tôi thích thú bao nhiêu, thì lúc lấy ra ăn tôi lại dửng dưng bấy nhiêu. Tôi không khoái món này. Mặc dù vậy, điều đó không làm ảnh hưởng đến niềm vui con trẻ của tôi khi mà ngày Tết mình thích nhất năm đã đến. Sau khi đã thắp hương mời các cụ, gia đình sẽ quây quần ngồi ăn cơm rượu nếp. Bọn trẻ con chúng tôi sẽ ăn mận, vải, hồng xiêm đến no căng.

    Cứ thế, cứ thế, qua những mùa hè, qua những Tết Đoan Ngọ thật vui, chị em tôi dần lớn lên.

    Khi lớn lên và đã tự lập, có những cuối tuần rảnh rỗi tôi đã mày mò làm lại món cơm rượu nếp. Có khi tôi dùng gạo nếp, cũng có khi dùng nếp cẩm. Không phải lúc nào tôi cũng thành công với món này nhưng điều quan trọng nhất là cảm giác hạnh phúc khi làm nó; bởi nó đưa tôi ngược dòng thời gian; nó biến tôi trở lại thành cô bé suốt mấy ngày liền cứ quanh quẩn quanh cái chum và cố gắng kiềm chế để không mở ra xem trộm.

    Tôi vẫn luôn nghĩ hóa ra niềm vui, hạnh phúc lại được hình thành từ những điều đơn giản đến thế. Một ngày hơi khác mọi ngày, một chút món ăn dân dã, cả nhà quây quần thật ấm cúng. Niềm vui ấy không chỉ tồn tại ở thời điểm đó, mà đến nhiều năm sau nó vẫn làm tôi mỉm cười mỗi khi hồi tưởng lại. Thiết nghĩ, sau này khi đã có những đứa con của riêng mình, mỗi khi hè đến, vào dịp Tết Đoan Ngọ tôi sẽ mua mận, hồng xiêm về trưng ban thờ rồi cùng bọn trẻ làm cơm rượu nếp. Tôi mong rằng, khi con của tôi lớn lên, chúng cũng sẽ nhớ về những lần vào dịp Tết diệt sâu bọ cả nhà đã vui vẻ thế nào. Truyền thống là thứ đáng trân quý vô cùng.

    End .
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng sáu 2024
  2. CaoSG Sang năm một sắc trời vàng

    Bài viết:
    433
    Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã đạt giải trong tuần thi thứ 11-12. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau:

    Giám khảo 1: Không biết phải dùng từ ngữ gì để diễn tả cảm xúc xáo trộn khi đọc bài tản văn này của bạn.

    Nó rất dịu dàng nhưng lại đáng yêu như nụ cười của trẻ thơ.

    Bạn biết không, tôi nghĩ mình chưa hề lầm trong cách hành văn từ bạn. Càng ngày tôi càng thấy tài năng của bạn bộc lộ từ từ, kiểu như tôi nói vui là bạn giấu bớt hay sao đấy. Cứ mỗi bài thi bạn lại tung ra một chiêu cho giám khảo phải mắt tròn mắt dẹt.

    Tính đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng tác phẩm này thể hiện sự công phu, chỉn chu trong cách hành văn của bạn.

    Thế này nhé! Bạn gây ấn tượng khi để một bức ảnh minh họa vô cùng gây hưng phấn. (Haha) Dĩ nhiên mận chua mà chấm muối tôm thì còn gì bằng^^

    Bạn khơi gợi món ăn vặt thú vị và tôi nghĩ chưa đủ kích thích vị giác nơi độc giả thì bạn lại lôi món cơm rượu ra.

    Nói thế nào nhỉ? Bạn diễn tả luôn quá trình làm ra món ăn độc đáo ấy. Khi đọc từng câu từng chữ quả thật tôi không dám sót từ nào. Bạn biết không, nói đơn giản đây là nghệ thuật dẫn dắt đó bạn. Dù người ta đã biết hoặc không biết nhưng chứ chạy theo con chữ của bạn thì người ta cứ bám theo thôi. Rất hay bạn nhé!

    Nếu bảo tác phẩm này đủ sức lên sóng radio không thì tôi chắc chắn là có nhé. Tại sao vậy? Đơn giản là nó quá ý nghĩa. Nó khơi gợi bao nỗi nhớ miên man của những con người xa quê, xa gia đình để rồi khi hồi tưởng lại, cảm thấy lòng day dứt khôn nguôi.

    Tôi thích đoạn này của bạn:

    Khi lớn lên và đã tự lập, có những cuối tuần rảnh rỗi tôi đã mày mò làm lại món cơm rượu nếp. Có khi tôi dùng gạo nếp, cũng có khi dùng nếp cẩm. Không phải lúc nào tôi cũng thành công với món này nhưng điều quan trọng nhất là cảm giác hạnh phúc khi làm nó; bởi nó đưa tôi ngược dòng thời gian; nó biến tôi trở lại thành cô bé suốt mấy ngày liền cứ quanh quẩn quanh cái chum và cố gắng kiềm chế để không mở ra xem trộm.

    Mặc dù không biết tôi có quá thích văn của bạn không hay do bạn có cảm tình quá nên giờ bạn viết cái gì cũng thấy hay (cười)

    Cứ như vậy nhé! Tôi chúc bạn đạt giải cao!

    Giám khảo 2: Tuổi thơ của tôi cũng từng có rất nhiều lần vui vẻ reo hò chạy xung quanh những nồi cơm rượu ba mẹ kỳ công chuẩn bị. Cách bạn vận dụng ngôn từ kể lại ký ức của nhân vật tôi rất có hình ảnh, tôi có thể mường tượng ra cảnh tượng hai đứa trẻ cười rạng rỡ, háo hức vây quanh người lớn chờ đợi "phần thưởng" của mình. Nhưng bài viết của bạn hạn chế ở chỗ nó gợi hình ảnh nhưng không gợi cảm xúc.

    Giám khảo 3: Truyện của bạn bám sát chủ đề, làm bật lên được nội dung chủ đề là Tết Đoan Ngọ. Cách bạn miêu tả khá sống động, chân thật, làm người đọc có cảm giác như đang hòa mình vào cùng nhân vật tôi, cùng trải nghiệm 1 ngày Tết, tuy nhiên có lẽ cũng vì thế mà mình cảm thấy truyện nghiêng về văn miêu tả hơn.
     
    NavaNovDana Lê thích bài này.
  3. NavaNov

    Bài viết:
    45
    Cảm ơn Cáo và các giám khảo đã dành thời gian đọc và gửi nhận xét. Quả thực trong truyện lầ n này mình đang đơn giản là dắt người đọc cùng quan sát một ngày trong ký ức của nhân vật tôi. Là một người hoài niệm, với mình, những ngày xưa cũ đơn giản ấy quý giá đến mức chỉ đơn thuần trích ra một đoạn trong ngày thôi cũng đã cảm thấy đẹp lắm rồi nên tự mình cũng bị cuốn vào đó mất.

    Tới Giám khảo 1: Mình luôn có suy nghĩ thế này: Một ngày đơn giản sẽ trở nên rất trân quý nếu như ta nhận ra những ngày đơn giản đó đang dần biến mất. Nhân vật tôi thì rất sợ câu "ta thường không biết khi nào sẽ là lần cuối cùng" nên vẫn cố hết sức để níu những ngày như vậy (nhân vật tôi nghĩ thế này: Bà đã lớn tuổi, ba mẹ rồi cũng già đi, bản thân thì đang cuốn theo cuộc sống mới, làm sao cho không quên công thức nấu cơm rượu nếp để sau này còn dạy cho con mình *cười*). Rất cảm ơn bạn đã thấy được nỗi nhớ miên man trong bài viết.
     
    CaoSG, Tiên PhanDana Lê thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng bảy 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...