Những từ hay bị dùng sai trong tiếng việt

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Vương Tâm Nguyên, 15 Tháng tư 2020.

  1. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    Những từ hay bị dùng sai trong tiếng Việt

    [​IMG]

    • "Vô hình trung" và "Vô hình chung"

    "Vô hình trung" là từ đúng, "Vô hình chung" là cách dùng sai. Hai từ này rất hay bị dùng sai trong các bài viết nghị luận.

    "Vô hình trung" là từ Hán Việt, chữ Hán viết là 無形中, hiểu nôm na là trong cái/lúc vô hình. "Vô hình" ở đây được hiểu là không nhìn thấy được, không có dạng thức. "Vô hình trung" được hiểu là trong lúc không hay biết, không có chủ ý đã tạo/gây ra một việc gì đó.

    Ví dụ: Mỗi ngày vào forum VNO, vô hình trung trở thành thói quen.

    "Vô hình chung" là cách dùng sai, có thể do phát âm sai hoặc có thể do người ta hay nghĩ "vô hình trung" là cái gì đó mang tính tổng quát, chung chung.


    • "Xán lạn" và "Sáng lạn", "Sán lạn", "Sáng lạng", "Sán lạng"

    Đây là từ có thể nói là hầu như người nào cũng sai ít nhất một lần. Để chỉ sự sáng sủa, rực rỡ, người ta sẽ sử dụng từ "xán lạn" chứ không phải "sán lạng" hay bất cứ từ nào trong nhóm 2 kia.

    Trang 1801, Đại từ điển tiếng Việt (NXB Đại học Quốc gia TP. HCM) có định nghĩa "xán lạn" có nghĩa là sáng sủa, rực rỡ. Do đó đừng nhầm lẫn và dùng sai từ ngữ hết sức đẹp đẽ này. Rất nhiều người khi biết đến điều này đều mắt chữ A, mồm chữ O.


    • "Nghe phong thanh" và "Nghe phong phanh"

    Để chỉ việc nghe loáng thoáng, không rõ sự tình của một việc nào đó, người ta sẽ dùng cụm "nghe phong thanh" chứ không phải "nghe phong phanh".

    Bạn có thể hiểu nôm na "nghe phong thanh" là lời nói thoảng trong gió, nghe không rõ ràng, gần giống cụm "gió thoảng mây bay". Vì lời nói nghe loáng thoáng trong gió nên không được rõ ràng, và khi truyền đạt lại điều này cho người khác, họ sẽ dùng cụm "nghe phong thanh", thể hiện họ cũng không chắc điều mà họ nghe được có đúng hay không.

    Thật ra, trong tiếng Việt không có cụm từ "nghe phong phanh", điều lớn nhất dẫn tới sự nhầm lẫn tai hại này có thể là do cách phát âm thành từ láy "phong phanh" cho thuận miệng của người Việt. Chỉ có từ "phong phanh" chỉ việc quần áo mặc ít, mỏng, không đủ ấm và không liên quan gì đến việc nghe.


    (Bài vẫn luôn được cập nhật, bạn kéo xuống dưới để xem nhé)
     
    Sói, Admin, huykienan5 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng tư 2020
  2. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Hằng hà sa số" và "hàng hà sa số"

    Cụm từ này rất đơn giản nhưng cũng có khả năng bị hiểu lầm vì người dùng không biết ý nghĩa thật sự. Khi muốn nói đến điều gì đó rất nhiều, không kể hết, người ta sẽ dùng cụm "Hằng hà sa số" tức là nhiều như số cát của sông Hằng, nhiều không đếm xuể.

    Trong Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên có đề cập "đây vốn là câu của nhà Phật, khi thuyết pháp ở vùng lưu vực sông Hằng; nhà Phật thường dùng số cát để chỉ ý niệm vô lượng".

    Tuy vậy, nhiều người lầm tưởng thành "hàng hà sa số", có lẽ là vì nghĩ rằng "hàng" chỉ số nhiều như trong "hàng ngàn", "hàng đống"..


    • "Bệnh mạn tính" và "bệnh mãn tính"

    Đây là cụm từ đa số đều dùng sai, và cứ dùng sai lâu ngày thì lại trở thành đúng? Quả thực là điều đáng quan ngại trong sử dụng tiếng Việt. Từ dùng đúng là "bệnh mạn tính".

    "Mạn tính" chữ Hán viết là 慢性, vốn mang nghĩa chậm chạp, từ từ. Theo đó, "bệnh mạn tính" là bệnh diễn tiến chậm chạp, từ từ, ngược lại với nó là bệnh cấp tính.

    Còn về chữ "mãn", chữ Hán là 满 thì có nhiều nghĩa, thường gặp nhất là đầy, tràn hoặc hết kỳ hạn. Hay gặp như các từ mãn nhãn (nhìn no cả con mắt), mãn kiếp (trọn kiếp, hết kiếp).

    Như vậy, cách dùng "mạn tính" mới là đúng và chuẩn, nhưng khắp nơi đều dùng từ sai là "mãn tính" và người ta cho đó là đúng, thật sự nó không đúng chút nào. Bạn cũng không thể cãi lại nổi vì số lượng người dùng sai đã quá đông rồi.


    • "Xe duyên" và "se duyên"

    Đây cũng là từ thuộc nhóm "top dùng sai". Để chỉ việc ông tơ bà nguyệt nối duyên trai gái bằng chỉ tơ hồng, người ta sẽ dùng từ "xe duyên" chứ không phải "se duyên".

    "Xe duyên", trong đó "xe" là động từ, gồm có bộ "mịch" 糹 (sợi tơ nhỏ) và chữ "xe" 車. Tìm hiểu rõ về chữ Nôm, bạn sẽ hiểu bộ "mịch" biểu ý, chữ "xe" biểu âm. "Xe" có nghĩa là bện, quay các sợi tơ nhỏ với nhau thành sợi tơ lớn hơn. Từ đây, có các từ khác như "xe chỉ", "xe nhang".

    Về phần chữ "se", có nghĩa là hơi khô lại, hơi co lại, và chữ này thì không liên quan gì đến việc "xe duyên" cả.
     
    Admin, huykienan, Khanhnguyen322 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng tư 2020
  3. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Cổ xúy" và "cổ súy"

    Để chỉ việc ủng hộ, cổ động, tuyên truyền hay tán dương một điều gì đó, người ta sẽ dùng từ "cổ xúy" chứ không phải "cổ súy" như nhiều người lầm tưởng.

    "Cổ" là đánh trống (hoặc cái trống), "xúy" là thổi sáo. "Cổ xúy" là từ gốc Hán, viết là 鼓吹, vốn có nghĩa là nhạc đội đánh trống thổi sáo trong các nghi lễ xưa ở cung đình. Về sau mới có nghĩa cổ động, tuyên truyền như hiện nay.

    Bản thân từ "cổ xúy" không hề có hàm ý tiêu cực nhưng do hay bị gán với những trạng thái tiêu cực như cổ xúy lối sống thực dụng, cổ xúy lối sống hưởng thụ nên hay bị gán mác là xấu.

    Còn "cổ súy" là từ dùng sai, có lẽ do cách phát âm hoặc sai chính tả.


    • "Sáp nhập" và "sát nhập"

    Không nghi ngờ gì nữa, từ đúng là "sáp nhập".

    "Sáp nhập" là từ gốc Hán, viết là 插入. "Sáp nhập" có nghĩa là gộp hai hay nhiều phần lại thành chung một khối. Trong đó, "sáp" là cắm vào, cài vào, xuyên vào.. còn "nhập" là gộp vào, đi vào, tham gia..

    Mọi người thường nhầm lẫn thành "sát nhập" nhưng chữ "sát" lại mang nghĩa ngay bên cạnh nên vẫn chưa đúng. Sở dĩ nhiều người dùng từ sai vì không biết đến nghĩa của chữ "sáp".
     
    Admin, huykienan, Khanhnguyen322 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng tư 2020
  4. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Xoay xở" và "xoay sở"

    Đây là lỗi sai thường gặp tuy nhiên rất ít người để ý đến chúng. Từ đúng là "xoay xở" chứ không phải "xoay sở".

    Thêm một điều thú vị khác, "xoay xở" là từ ghép chứ không phải từ láy như nhiều người lầm tưởng. Trong đó, "xoay" là quay tròn, đổi hướng hoặc làm cho đổi hướng, hiểu nôm na là tìm mọi cách để giải quyết điều gì đó. "Xở" là gỡ từ từ, gỡ lần lần một mối rối nào đó.

    "Xoay xở" có nghĩa là làm hết cách này đến cách khác để đạt được điều gì đó hay giải quyết được điều gì đó. Sở dĩ từ này hay bị dùng sai là do bị viết sai chính tả quá nhiều lần.


    • "Khinh dể" và "khinh dễ"

    Để chỉ việc coi rẻ, coi nhẹ, không coi ai ra gì, người ta sẽ dùng từ "khinh dể" hoặc "khi dể".

    "Khinh" là nhẹ, lấy làm nhẹ. Bạn cũng thường thấy chữ này xuất hiện trong cụm "khinh khí cầu", tức vật thể có dạng hình cầu và chứa khí nhẹ, có thể bay lên. Chữ "khi" cũng có nét nghĩa tương tự nên bạn cũng sẽ thấy chúng đi đôi và bổ trợ nhau trong từ "khinh khi", cũng có nghĩa là coi nhẹ ai hoặc việc gì.

    "Dể" là khi bạc, không coi ra cái gì. Hai chữ này kết hợp tạo ra nét nghĩa như trên.

    Và, chắc chắn trăm phần ngàn rằng "khinh dễ" là từ ngữ dùng sai, không có trong từ điển. Có thể là do mọi người đã dùng sai quá nhiều lần nên khó có thể nhận ra.
     
    Khanhnguyen32, myhanh305Linh tiểu thư thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng tư 2020
  5. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Yếu điểm" và "điểm yếu"

    Bạn nghĩ rằng hai từ này là một? Nếu vậy thì xin chúc mừng, bạn đã hoàn toàn sai rồi. "Yếu điểm" và "điểm yếu" là hai từ hoàn toàn khác nhau.

    Từ quen thuộc với mọi người là "điểm yếu", đối lập với nó là "điểm mạnh". "Điểm yếu" tức sự thiếu sót, non nớt, điểm yếu ớt, chưa hoàn thiện của một ai hoặc của vấn đề nào đó. Chữ "yếu" xuất phát từ "ấu (幼)", chỉ sự non nớt, yếu ớt, nhỏ bé, trẻ con như thường thấy trong ấu thơ, ấu trùng, ấu trĩ.. Như vậy, "điểm yếu" đồng nghĩa với nhược điểm, sở đoản thường gặp.

    Trường hợp "yếu điểm" lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác. "Yếu điểm" là từ Hán Việt, có nghĩa là điều chính yếu, điều quan trọng của một vấn đề hoặc của một người nào đó. Chữ "yếu" ở đây hoàn toàn khác, chữ Hán viết là 要, có nghĩa là quan trọng, cần kíp, thường gặp như trong yếu tố, chủ yếu, yếu lược, tất yếu, thiết yếu..

    Đó là sự khác biệt trong cách dùng của hai từ này ở tiếng Việt. Rất nhiều người không biết đến sự khác nhau này nên thường xuyên dùng sai mà không hề nhận ra.


    • "Bêu riếu", "biêu riếu" và "bêu rếu"

    Để diễn tả hành động bày ra, đưa ra chuyện gì đó cho bàn dân thiên hạ đều biết với mục đích là cùng thấy và cùng cười cợt, chế nhạo được gọi là "bêu riếu". Đương nhiên "biêu riếu" hay "bêu rếu" đều là từ sai.

    "Bêu" là nêu lên, bày ra cho mọi người đều trông thấy, "riếu" là cười cợt, chế nhạo. Chữ "riếu" là âm Hán Việt và có một âm đọc khác là "riễu", âm đọc quen với chúng ta hơn là "giễu" trong giễu nhại.

    Một điều thú vị nữa, "bêu riếu" là từ ghép, do vậy đừng biến nó thành "biêu riếu" hay "bêu rếu" nhé.
     
    Admin, huykienanKhanhnguyen32 thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng tư 2020
  6. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Sáo rỗng" và "xáo rỗng"

    Để chỉ cái gì chỉ có vẻ bề ngoài mà không có nội dung, ý nghĩa bên trong, người ta sẽ dùng từ "sáo rỗng".

    "Sáo" là từ Hán Việt, viết là 套, nghĩa là cái bao, cái vỏ, cái khoác bên ngoài một cái khác; ví dụ thủ sáo là bao tay, găng tay. "Sáo" còn có nghĩa khác là khuôn mẫu, thường thấy trong khuôn sáo hay khách sáo (mang tính chất xã giao, lịch sự, không thật lòng).

    "Rỗng" tức không có gì bên trong. "Sáo rỗng" ý chỉ cái bao bên ngoài mà không chứa đựng cái gì/điều gì bên trong. Thường gặp như lời nói sáo rỗng, văn chương sáo rỗng, tư duy sáo rỗng..

    Và dĩ nhiên, "xáo rỗng" là từ dùng sai.


    • "Liêm sỉ" và "liêm sĩ"

    Chắc chắn rồi, từ dùng đúng là "liêm sỉ".

    "Liêm" là ngay thẳng, trong sạch. "Sỉ" là xấu hổ, lấy làm hổ thẹn. "Liêm sỉ" là lòng dạ ngay thẳng, trong sạch, biết đâu là điều đáng hổ thẹn. Nếu biết "liêm sỉ" thì đừng dùng "liêm sĩ" nhé.
     
    AdminKhanhnguyen32 thích bài này.
  7. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Lảng tai" và "lãng tai"

    Từ nào thì đúng? Xin thưa rằng "lảng tai" mới là từ đúng, còn từ "lãng tai" chưa hề được ghi nhận trong từ điển.

    TrongĐại Nam quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của có nhắc "lảng tai" là nghe không rõ, nghe không thiệt. Chữ "lảng" có hai nghĩa:

    Lảng (động từ) : Bỏ đi, tránh đi, chuyển sang chuyện khác. Thường gặp trong lảng tránh, nói lảng..

    Lảng (tính từ) :(tai) nghễnh ngãng như trong trường hợp "lảng tai".


    • "Suy suyển" và "suy suyễn"

    Nhiều người phân vân không biết dùng từ nào thì đúng. Ngay cả các công cụ tìm kiếm cũng trả lời tạp nham. Nếu bạn đang không biết từ nào dùng đúng thì câu trả lời cho bạn nằm ở đây. "Suy suyển" mới là từ dùng đúng nhé.

    "Suy suyển" là từ có nguồn gốc từ "suy chuyển", ý chỉ việc dời đổi, thay đổi. Cách nói trại này khiến "suy chuyển" đang là từ ghép lại bị biến thành từ láy. Và nếu dùng "suy suyển" như từ láy thì nhớ đặt dấu hỏi chứ không phải dấu ngã.

    Một mẹo để dùng dấu câu đối với các từ láy là:


    Chị Huyền mang Nặng Ngã đau

    Hỏi Không Sắc thuốc lấy đâu mà lành.


    Tức là đối với từ láy, Huyền Ngã Nặng đi chung với nhau, thanh Ngang (không dấu) Sắc Hỏi đi chung thành một nhóm. Quy tắc này đúng với hầu hết từ láy, trừ một vài trường hợp ngoại lệ.
     
    AdminKhanhnguyen32 thích bài này.
  8. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Dấu" và "giấu"

    Hai chữ này khác nhau như thế nào? Tại sao lúc lại dùng "dấu", lúc khác lại dùng "giấu"? Dùng chữ nào trong trường hợp nào?

    "Dấu" và "giấu" là hai chữ có nghĩa hoàn toàn khác nhau, do đó được sử dụng trong những trường hợp khác nhau.

    "Dấu" mang nhiều nét nghĩa:

    - "Dấu" là từ cổ, có nghĩa như yêu . Thường gặp trong các từ như yêu dấu, dấu yêu. Thơ Hồ Xuân Hương có câu: Chúa dấu vua yêu một cái này.

    - "Dấu" còn có nghĩa là biểu hiện của sự vật, sự việc nào đó. Thường thấy trong con dấu, dấu vết, dấu ấn..

    Còn chữ "giấu" chỉ có một nghĩa là hành động cất kín, che đậy một cái gì hoặc việc gì. Thường dùng trong che giấu, giấu giếm..

    Nhờ sự phân biệt rạch ròi này nên khi dùng tiếng Việt, bạn nên chú ý để không mắc những lỗi ngớ ngẩn này nhé.


    • "Rãnh" và "rảnh"

    Hiểu sai nghĩa của từ dẫn đến những lỗi sai không thể chấp nhận được. Trường hợp "rảnh" và "rãnh" là một minh chứng.

    Nếu muốn rủ một cô gái đi chơi, đừng bao giờ hỏi: "Em có rãnh không?" Ôi, thật là một sự sỉ nhục tiếng Việt ghê gớm. Cùng xem sự khác nhau giữa "rãnh" và "rảnh" nào.

    "Rãnh" là danh từ, chỉ đường hẹp và lõm xuống trên bề mặt một số vật. "Rãnh" hay thường được gọi như khe, thay vì nói rãnh thoát nước, có thể dùng khe thoát nước..

    "Rảnh" là tính từ, chỉ trạng thái nhàn rỗi, không bận bịu, không có công việc cấp bách cần làm ngay. Thường thấy trong các trường hợp rảnh rang, rảnh rỗi, rảnh tay..

    Nếu đã hiểu vấn đề thì bạn đã biết câu "Em có rãnh không?" mang nghĩa gì rồi đấy.
     
    AdminKhanhnguyen32 thích bài này.
  9. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Dành" và "giành"

    Lại là một cặp đôi đứng đầu trong danh sách dùng sai. Thật sự "dành" và "giành" có nghĩa hoàn toàn khác nhau và cũng không quá khó để phân biệt.

    "Dành" ý chỉ hành động để riêng cho ai hoặc cho việc gì với mục đích rõ ràng. Thường gặp như dành dụm, để dành phần, lớp học dành riêng cho trẻ em..

    "Giành" khi là động từ chỉ hành động dùng sức lực để đạt được điều gì (thường là cho bản thân). "Giành" có nghĩa tương đồng với tranh, đoạt.. Thường thấy trong giành giựt, giành phần hơn, giành giải nhất, đấu tranh giành độc lập..

    Với cương vị danh từ, "giành" là một vật dụng trong đời sống. "Giành" là đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, (cái "giành" còn gọi là cái trác ). "Giành" có đáy phẳng, thành cao, dùng để đựng nông sản, thường gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ. Từng có câu: Quang không lành, mắng giành không trơn.


    • "Mãi" và "mải"

    Lại là một cặp bài trùng nữa đây. "Mãi" và "mải" có ý nghĩa và cách dùng khác nhau nhé.

    "Mãi" là phụ từ, chỉ trạng thái liên tục, kéo dài không ngừng. Đây là từ quen thuộc và được sử dụng hằng ngày, thường gặp như mãi mãi, nói hoài nói mãi, trời cứ mưa mãi..

    "Mải" lại là một trường hợp khác. "Mải" với cương vị là động từ, chỉ hành động tập trung vào một việc gì đó đến nỗi không quan tâm đến xung quanh. Thường thấy như mải miết, mải chơi, mê mải, mải nghĩ..
     
    AdminKhanhnguyen32 thích bài này.
  10. Vương Tâm Nguyên Tâm Nguyên

    Bài viết:
    69
    • "Chỉn chu" và "chỉnh chu"

    Đây là cặp từ mình thấy rất nhiều người dùng sai. Bạn hay dùng từ nào? "Chỉn chu" hay "chỉnh chu"?

    Để chỉ một sự việc, một vấn đề nào đó được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chu đáo, cẩn thận.. người ta sẽ sử dụng từ "chỉn chu".

    Nếu bạn thường dùng "chỉnh chu" thì xin chúc mừng, bạn đã nằm trong số đông sai trầm trọng.

    Một số câu thường gặp cho bạn như: "Anh ấy là người chỉn chu", "mặc quần áo chỉn chu"..

    • "Súc tích" và "xúc tích"

    Để chỉ tính chất ngắn gọn, cô đọng và hàm súc ở một bài viết hay bài nói, người ta sẽ dùng từ "súc tích" chứ không phải "xúc tích".

    "Súc" chính là trữ, chứa; "tích" mang nghĩa tích tụ, gom góp. Như vậy, "súc tích" có nghĩa là tích trữ, chứa đựng nhiều ý nghĩa.

    Phần lớn mọi người thường nhầm lẫn sang thành "xúc tích" vì nghĩ rằng "xúc" là cảm xúc nhưng thực chất "xúc tích" lại là trường hợp không có nghĩa, chưa được ghi nhận trong tiếng Việt.
     
    Admin thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...