Truyện ngắn: Anh * * * Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố mẹ giận dữ, mắng "Sanh ra.. giờ cãi lời bố mẹ.. phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út.." Anh lặng thinh không nói năng gì.. Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế! Ngày bé Út vào Đại học, phải xa nhà, lên thành phố ở trọ. Anh tự ý bán đi con bò sữa - gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, Út khóc thút thít.. Anh cười "Út ráng học ngoan.." Miệt mài 4 năm Đại học, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao.. Út hớn hở đón xe về quê.. Vừa bước chân vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của Anh trên bàn thờ nghi ngút khói.. Mẹ khóc "Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ.. lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết.." (Sưu tầm) 0O0 Truyện ngắn: Mất xe Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học. Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó. Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ "Xe mày đâu?". "Mất rồi". Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi. Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba: "Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn". Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó. (Sưu tầm) 0O0 Truyện ngắn: Mồ côi Đêm đông nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thì thầm: - Giá như mẹ đừng "đi xa", thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chỉ có hai bố con mình, ai cũng lạnh. Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói: - Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con. Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh. Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ: - Giá như đừng có dì nhỉ? Thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên. (Sưu tầm) 0O0 Truyện ngắn: Xót xa Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn: - Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu? Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra: - - Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc! Nói xong, chị Hai đứng dậy bỏ ăn, nhanh chân bước lên nhà trên. Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu: - - Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi! (Sưu tầm) 0O0 Truyện ngắn: Một buổi sáng Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn: - Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về. Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống. Tưởng bà không nghe, nó nói to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả: - Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán? Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. (Sưu tầm) 0O0 Truyện ngắn: Giỗ ông Sớm mồ côi. Từ nhỏ anh em nó sống cùng nột trên rảo đất còm của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú nó lấy lại căn chòi, "khuyên" : 14, lớn rồi - nên tự lập. Anh em dắt díu nhau tha hương. Trưa. Phụ hồ về trú ngụ - 1 góc ở dưới gầm cầu). Mệt. Đói. Giở nồi cơm: Nhão như cháo. Thằng anh mắng: Đồ hư. Con em mếu máo: Em nấu để.. giỗ ông. Ngẩn người. Chợt nhớ: Hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà! Ôm em vào lòng nó gọi trong nước mắt: Ông ơi! (Sưu tầm) 0O0 Truyện ngắn: Tô mì Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được. Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm, ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó: "Con ăn đi, ba no rồi!" Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì.. 15 năm trôi qua. Em tôi đã là một cô giáo. Hôm lãnh tháng lương đầu tiên về, nó cầm xấp tiền tần ngần hoài. Tôi hỏi: - Nhỏ định mua sắm gì đây? - Em sẽ mua tô mì thiệt ngon để cúng ba! Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe.. (Sưu tầm) (Sưu tầm) 0O0 Truyện ngắn: Lòng mẹ bao la Thanh minh. Bàn chuyện cải mộ mẹ, anh Hai nói: - Tôi góp một phần. - Tôi một phần. - Tôi cũng một phần. Thím Tư chen vào, như đùa như thật: - Chú Út hai phần mới phải. Anh Tư đâu hưởng gì đâu? Chợt nhớ lúc nhỏ, mấy anh em ngủ chung với mẹ. Đêm, muỗi vào mùng cắn mẹ. Mẹ không đập, sợ hụt, cứ để muỗi cắn mẹ no rồi sẽ không cắn các con. Ôi! Tình yêu của mẹ là thế. Có chia phần bao giờ đâu! (Sưu tầm)
Truyện ngắn: Câu hỏi Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa. Cuối buổi học. Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô. Hát đi cô. Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về". Hát theo cô nè.. Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen.. Phía cuối lớp có tiếng xì xào: Tao không có ba mẹ thì chào ai? * * * Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay. (Sưu tầm) 0O0 Truyện ngắn: Bài văn bị điểm không Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba. Tôi ngạc nhiên: "Đề bài khó lắm sao?" - Không. Cô chỉ yêu cầu "Tả bố em đang đọc báo." Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm. Tôi thở dài: - Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào? - Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: "Sao trò không chịu làm bài?". Nó cứ làm thinh, mãi sau nó mới bảo: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hi sinh từ lúc nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: "Sao mày không tả ba đứa khác?" Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má. Chuyện về cậu học sinh có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực. (Sưu tầm)