Nam Cao là cây bút tiêu biểu trong trào lưu văn học hiện thực phê phán ở nước ta trong thời kỳ phát triển cuối cùng. Các tác phẩm của nhà văn đã đánh dấu một bước phát triển mới của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam, hình thành trong vòng hơn nửa thế kỷ nhưng đang hiện đại hóa với tốc độ nhanh chóng. Tư tưởng của nhà văn Nam Cao được thể hiện qua tác phẩm đó là niềm khát khao cháy bỏng được yêu mến và trân trọng con người, dẫn đến nỗi đau đớn khôn nguôi trước tình trạng con người bị xúc phạm về nhân phẩm, bị hủy hoại về nhân tính. Điều này được thể hiện rõ nhất qua các tình huống tiêu biểu trong các trang viết của Nam Cao. 1. Tình huống con người bị lăng nhục Tình huống này thường được dựng nên trong quan hệ đối lập giữa những nhân vật giàu và nhân vật nghèo. Về điểm này trong những truyện ngắn Nam Cao thường "bố trí" cho hai loại người giàu và nghèo, từ hai thế giới vốn xa lạ, tiếp xúc với nhau, để kẻ giàu có dịp giễu cợt và hạ nhục người nghèo một cách tàn ác. Các truyện ngắn thường được xây dựng theo tình huống này là: Lang Rận, Đón khách, Quên điều độ, Truyện tình, Đòn chồng.. 2. Tình huống "áo cơm ghì sát đất" khiến nhân tính bị xói mòn. Tình huống này thường thấy ở những truyện viết về người trí thức tiểu tư sản nghèo. Ở những truyện thuộc tình huống này, nhân vật trí thức tiểu tư sản thường được đặt trong hai quan hệ: Quan hệ đời tư hay quan hệ gia đình (với tư cách người chồng hoặc người cha). Quan hệ xã hội - với tư cách một viên chức, một nhà giáo hoặc một nhà văn nghèo). Bị đặt vào tình huống "áo cơm ghì sát đất", nhân vật của Nam Cao trong quan hệ thứ nhất (quan hệ đời tư hay quan hệ gia đình), từ chỗ là một người chồng, một người cha rất tốt trở thành một kẻ tàn nhẫn, thô lỗ, ích kỷ, tệ bạc. Cũng trong tình huống ấy, nhưng quan hệ thứ hai, anh ta từ chỗ là một người có lương tâm, có trách nhiệm, đầy tâm huyết, có lý tưởng cao cả trở thành kẻ bất lương, hèn nhát, vô trách nhiệm, thậm chí Đời thừa. Thuộc loại tình huống này có các truyện: Cười, Bài học quét nhà chủ yếu thể hiện nhân vật ở quan hệ đời tư hay quan hệ gia đình. Với các tác phẩm: Trăng sáng, Đời thừa, Nước mắt.. thể hiện nhân vật ở cả hai quan hệ: Quan hệ đời tư và quan hệ xã hội. 3. Tình huống đói khát cùng đường cùng miếng ăn trở thành miếng nhục: Tình huống này thường thấy ở những truyện viết về người nông dân nghèo: Một bữa no, Trẻ con không biết ăn thịt chó, Tư cách mõ, Chí Phèo, Đòn chồng. Ở những truyện này, cái đói đã đẩy con người đến chỗ vì miếng ăn không biết nhục nhã, liêm sỉ là gì. 4. Tình huống ở hiền không bao giờ gặp lành: Thể hiện tình nhân đạo, Nam Cao luôn luôn có ý thức đứng về phía những người nghèo khổ bị lép vế. Triết lý "Ở hiền gặp lành" mà đạo đức và tôn giáo từng đề cao, ở truyện Nam Cao bị tác giả phủ định gay gắt. Thật chua chát và tàn nhẫn biết bao, nếu hiểu rằng ép buộc hoặc dụ dỗ con người phải tuyệt đối sống theo triết lý đó là một hình thức tước đoạt hết ở họ mọi khả năng tự vệ, là đẩy họ vào chỗ chết, khi xã hội còn đầy rẫy những bất công, khi các nguyên tắc sống nhân đạo chưa có đủ cơ sở vật chất để thiết lập trên mảnh đất hiện tại. Thật khó để đưa ra một cách phân loại nào ứng với các dạng tình huống trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Tuy nhiên tựu trung lại có thể thấy tư tưởng nhân đạo của nhà văn lồng ghép trong những đứa con tinh thần của mình.