Những Tác Phẩm Văn Học Hay Của Nam Cao

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Vân Mây, 1 Tháng tám 2018.

  1. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Vui Dân Công
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi đã nghe người ta ca tụng đồng bào Cao – Bắc – Lạng nhiều. Đồng bào Cao – Bắc – Lạng quả xứng đáng với những lời ca tụng.

    Khi người ta còn đang sửa soạn chiến dịch, tôi có hỏi một cán bộ Cao Bằng về việc huy động dân công. Anh trả lời tôi:

    Nhân dân Cao Bằng đã được huy động ráo riết trong sáu tháng rồi. Nhưng nhân dân Cao Bằng vẫn sốt sắng góp thêm người, thêm của. Chúng tôi cương quyết huy động được.

    Anh không nói quá. Luôn sáu tháng rồi, nhân dân Cao Bằng hết lớp nọ đến lớp kia, đi sửa đường, đắp thêm đường, tham gia công việc vận tải, tiếp tế, cứu thương. Nhưng người dân Cao Bằng không tỏ ra mệt mỏi một chút nào. Họ đi dân công vui vẻ như đi bộ đội.

    Tôi nghỉ tạm mấy ngày ở nhà một người Nùng. Chủ nhà ngoài bốn mươi tuổi mà trông đã già như quá năm mươi. Đời sống cực khổ in hằn trên nét mặt màu sốt rét. Người con trai lớn, 21 tuổi, đi Vệ quốc quân. Anh thứ nhì, 19 tuổi, tối hôm qua còn lau láu nói chuyện với chúng tôi về người Thổ, người Nùng áo ngắn áo dài, những điểm nói khác nhau… sáng hôm nay đã khăn gói lên đường đi vào địa phương quân. Còn lại hai vợ chồng và ba đứa con biết ăn nhưng chưa biết làm gì. Họ có rất ít ruộng, không có trâu, ở một cái nhà lá chật hẹp nằm ngay trên mắt đất chứ không đủ tiền làm nhà sàn như những nhà kia. Của chìm chẳng biết có những gì, nhưng của nổi là một đàn vịt hai chục con quây ngay đầu giường chúng tôi nằm. Họ ăn cháo ngô suốt nửa năm. Lũ con mặc áo không quần và người lớn thì cả quần và áo đều rách vá. Họ hà tiện từng miếng giẻ, từng hạt muối. Nhưng đối với chúng tôi – những người đi công tác, đối với kháng chiến chung, họ không hà tiện một chút nào. Họ nhường cái giường tốt nhất, cái chiếu sạch nhất cho chúng tôi nằm. Họ đi lấy củi về cho chúng tôi đun. Và một buổi chiều, thấy chúng tôi hết gạo thổi cơm, họ mời chúng tôi ăn cháo ngô với họ.

    – Không ngon đâu, ăn một bát cho đỡ đói thôi. Nhà nghèo lắm, không có gạo.

    Người con thứ nhì ra đi sáng hôm trước thì sáng hôm sau ông bố ra đi. Ông đem theo một bộ quần áo vá, một túm bột ngô với một ống muối con…

    Ông ké đi đâu?

    Đi vận tải.

    Mấy ngày?

    Mười ngày hơn.

    Ông cười gật gật, bàn tay hiền lành sờ sờ cánh tay tôi, chỉ có hai tiếng “đồng chí” thoát ra. Tôi nhớ đến ông ké Nhàn, một ông già Mán đã cho chúng tôi mượn nhà sau cuộc Pháp nhảy dù Bắc Cạn năm 1947. Cái dáng điệu chất phác, trìu mến, sao mà giống nhau đến thế. Tôi muốn ôm chặt lấy ông mà hôn ông một cái. Nhưng tôi kìm lại được, tôi chỉ nắm chặt cái bàn tay cục mịch của ông. Bà vợ nhìn tôi cười. Ông đi khỏi rồi tôi mới hỏi bà:

    Ông ké đi vận tải mấy lần rồi?

    Nhiều lần lắm, không nhớ hết

    Có xa không?

    Xa lắm đấy. Có lần đi Phú Thọ, có lần đi Thái Nguyên. Mua được cái bút máy, hồi ấy có năm chục đồng thôi, cho thằng con cả, bấy giờ nó còn làm Đoàn trưởng Thanh niên. Nó bỏ vào cái túi, đeo vào khuy áo, thỉnh thoảng lấy ra để viết. Úi già! Đẹp lắm! Nó đánh mất rồi, tiếc quá! Đi khai hội đêm về rồi mất.

    Bà tiếc cái bút máy đánh rơi. Bà không bận tâm gì đến ông ké phải bỏ công việc nhà đi vận tải. Việc ấy, bà cho là hết sức tự nhiên. Cũng như việc các con cái của bà đi bộ đội.

    Đàn ông, con trai Cao Bằng đi bộ đội, đi công tác rất nhiều. Vì vậy trong các đoàn dân công, phụ nữ đông gấp mấy đàn ông. Một buổi sáng tinh sương tôi đã gặp hàng trăm phụ nữ Mán, tụ tập ở một chân đồi, đợi lênh ra đi. Họ ngồi như họp chợ. Đã lâu lắm rồi, tôi xa những người bạn Mán. Tôi đứng lại nhìn vào đám đông tìm những bộ mặt quen. Quả nhiên có người quen. Một thân hình mảnh dẻ tách ra, thoăn thoắt đi lại phía tôi. Những tiếng tíu tít reo:

    – Đồng chí! Đồng chí!

    Noọng Liễu vẫn mảnh khảnh, vẫn gày gò như trước. Cả cái thôn nhỏ hồi ấy đã rời cái núi cũ hết màu, để đến một chỗ khác làm ăn. Họ vẫn hăng hái tham gia công tác kháng chiến như hồi ấy. Noọng Hùng đã đến tuổi đầu quân và tòng quân. Hai vợ chồng ông ké Xếch chỉ được mình nó là con. Ông ké điếc, bất cứ ai nói gì với ông, ông cũng không nghe thấy, nhưng cứ cho bừa là người ta hỏi Noọng Hùng. Ông hấp háy mắt cười móm mém vào phều phào bảo:

    – Hùng đi bộ đội lố! Đi đánh thực dân Pháp lố!…

    Liễu còn đang líu ríu kể lại cho tôi nghe những chuyện ở trên bản Mán thì có lệnh tập hợp để ra đi. Liễu chạy vào. Tôi vẫy tay chào Liễu rồi lên dốc. Đến lưng chừng đồi, tôi đứng lại một lúc để thở và để nhìn lại sợi dây chàm lượn quanh mấy quả đồi, dải một đường viền thầm ngoài rìa thảm lúa xanh rười rượi. Sương bắt đầu tan. Một chút ánh hồng ửng đỏ của không gian. Chưa bao giờ tôi thấy đời thanh xuân đến thế và không khí ngon lành đến thế.

    Có những đêm chúng tôi phải ngủ đường. Ngủ đường cũng là một cái vui. Giữa những người đồng chí không quen mà lại rất thân, ấm vô cùng. Họ bắc đá, đốt lửa, thổi cơm. Cơm ăn rồi, vẫn để lửa, vừa đỡ muỗi, vừa vui. Lửa lập lòe, một cuộc cắm trại hàng ba bốn trăm người. Nhưng thật tình những người mệt nhọc nằm ngồi lố nhố ở quanh tôi, không thấy khổ. Từng đám, từng đám một, họ cười đùa, họ nói chuyện với nhau. Họ quên đi cái hiện tại ngủ đường, có sương đêm và muỗi rừng. Họ nghĩ đến tương lai và nói chuyện nay mai. Tương lai nặng trĩu trên vai học, nặng trĩu bởi vì chứa đựng nhiều hứa hẹn. Họ mong nó đến. Mỗi ngày vất vả của họ là một ngày nó đến gần hơn. Mỗi cái dốc họ trèo lại làm họ nhớ đến Cụ Hồ. Cuộc kháng chiến càng gần thắng lợi thì càng chật vật, nhưng càng chật vật thì lại càng gần thắng lợi. Nay mai những cái họ mang nặng trên vai sẽ nổ tung. Lô cốt giặc sẽ tan tành. Những dây xích đồn giặc gãy nát, các đô thị lần lượt trở về ta. Những đất đai giải phóng, lúa sẽ mọc và nhà sẽ dựng lên, cuộc sống no ấm reo vui trong không khí hòa bình và dân chủ. Họ bàn tán về Liên Xô, về nước Trung Hoa mới, về nước Triều Tiên đang giành giải phóng khỏi ách xâm lược Mỹ. Còn cuộc chiến đấu nào chật vật hơn cuộc chiến đấu của dân tộc Trung Hoa? Nhưng kết cục lại thì nhân dân Trung Hoa đã thắng. Nước Trung Hoa mới đang kiến thiết. Thế giới dân chủ mới rộng lắm rồi, bọn đế quốc càng nổi điên thì chỉ càng chóng chết thôi. Chúng ta còn vất vả, nhưng nhất định rồi chúng ta phải thắng… Ý nghĩ tin tưởng làm thư thái những tâm hồn mệt nhọc. Họ nằm dài quanh những đồng lửa và ngủ say sưa giấc ngủ của những kẻ biết mình có quyền ngủ không thắc mắc. Công việc một ngày của họ đã đầy đủ lắm. Và ngày mai tốt đẹp.

    Nhưng thời tiết mùa này thường thường không được đẹp lắm đối với người khách đường trường. Ít khi trời được tạnh và râm. Ngày nào không nắng gắt, tất mưa trơn. Nhiều khi một cơn mưa đột ngột trút nước như thác đổ ngay giữa cơn nắng gắt. Chỗ ẩn tránh không có, người đi đường đang mồ hôi nhễ nhại, bỗng được xối nước mưa. Chỉ một lúc rét run. Rất có thể cơn sốt đến.

    Một buổi chiều nắng gắt, chúng tôi đã gặp một cơn mưa chết người như vậy. Chúng tôi chen chúc nhau trong một căn lều hẹp bên đường, dưới chân một cái đèo cao. Lều dột lung tung. Đứng chỗ nào cũng bị nước rỏ xuống đầu. Quần áo chúng tôi dần dần bị ướt đẫm. Nền nhà bị lầm lên, bẩn không kém gì chuồng lợn. Chúng tôi đứng trong đó, ướt át và nhớp nháp, mặt bi thảm và lòng bực tức. Nhưng trận mưa chưa ngớt hẳn chúng tôi đã thấy những người dân công Nùng, Thổ, Mán, đàn bà lẫn đàn ông, áo chàm đẫm nước mưa, quần xắn đến đùi, người gánh, người khiêng, xình xịch chạy qua trước cửa lều. Chúng tôi chạy ra xem một cảnh tượng rất đẹp mắt hiện ra trước chúng tôi. Hàng trăm người khiêng, gánh – nhiều như mối sau một trận mưa rào – từ trên đồi đổ xuống, tỏa ra ở trên dốc thành hai, ba dòng uốn éo. Những chiếc nón mây xinh xinh, nghiêng nghiêng trên những mái đầu. Đến chập lại nhau. Cả một thác người đổ xuống, mạnh hơn thác nước. Chúng tôi không thể nào sầu thảm nữa, cũng không thể nào đứng yên trước cửa lều. Thác vui đổ xuống đã làm trời đột nhiên như sáng bừng lên. Màu núi thêm tươi và lòng chúng tôi phấn khởi. Một người reo lên. Cả bọn reo lên. Chúng tôi hò nhau xắn quần xách dép thi nhau lên dốc. Mạnh người nào người nấy vạch cây bám đá, tìm lối mà lên, nhường lối đi chính cho các thác dân công xuống đèo. Có những lúc, dòng lên dòng xuống gần chập vào nhau, chúng tôi đứng lại để nhường đường. Chúng tôi âu yếm nhìn những người bước bành bạch sát trước mặt chúng tôi, hỏi dịu dàng:

    Các đồng chí có nặng không?

    Nắc lố[5]

    Và ông ké trả lời chúng tôi nhe những chiếc răng thưa ra cười.

    Tây chết mất!

    Tây thua lố!

    Hoan hô các đồng chí đi vận tải!

    Chào các chị!

    Các chị hăng hái quá!

    Phải hăng hái chứ!

    Tiếng cười ròn rã. Vui vẻ quá! Người lầm lì nhất trong bọn tôi cũng la hét, cũng reo cười. Ai cũng trở nên bồng bột cả. Những người từ trước đến nay hoàn toàn xa lạ, đối với nhau đột nhiên thấy gần gũi, thân mến quá.

    Một chị thấy chúng tôi dừng lại để nhường đường. Mặt chị đầy đặn, trắng hồng thùy mị một cách rất đáng yêu. Chị chào chúng tôi bằng một giọng dịu dàng, cũng rất đáng yêu.

    – Các đồng chí mà công tác? (Các đồng chí về công tác?)

    Nghe như một lời thân mến của một em gái. Chúng tôi thấy ấm lòng quá. Chưa bao giờ tôi thấy tình đồng bào, đồng chí, sự thông cảm giữa những con người cùng chiến đấu cho mục đích chung, thấm dịu lòng như lúc ấy. Gia đình thật! Đêm hôm ấy, trải bạt còn ướt nước, ngủ với nhau, anh em chúng tôi vẫn thấy lòng hả hê.

    Nửa đêm thức giấc, tôi lại thấy những đoàn dân công lườn lượt đi qua. Đoàn ngược, đoàn xuôi, bộ đội hành quân. Bộ đội và dân công trong đêm tối, đang bí mật sửa soạn một trận đánh bất ngờ vào một thị trấn vững vàng trong tay giặc.

    Bộ đội và nhân dân đã góp sức với nhau để sửa soạn chiến dịch. Bộ đội và nhân dân đã đi sát nhau trong chiến dịch. Phần góp của nhân dân thật là vĩ đại.

    Vào những bản ở phạm vi mặt trận, chúng ta phải ngạc nhiên: nhà trong các bản ấy gần như không có chủ. Người khỏe mạnh đi dân công cả rồi. Bà già, trẻ em, dắt nhau đi ở hang, ở lán. Tây bị bộ đội đánh, chỉ còn biết báo thù bằng cách cho máy bay đi khủng bố dân, không một chỗ nào có nhà mà không bị giặc đến thả bom, nã liên thanh. Nhà cửa xác xơ. Nhưng các bản lại sầm uất thêm lên, sầm uất về đêm. Nó thành những trạm nghỉ của dân công. Có chiều tối đến, từng đoàn dân công tới, vào các nhà đốt lửa thổi cơm ăn, ngủ một đêm… rồi sáng hôm sau lại ra đi. Nhà đã thành của chung của mọi người. Họ ngủ ở đấy, trong khi chính nhà họ, những đoàn dân công khác ngủ.

    Nhưng thường thường không đủ nhà để ngủ. Dân công ngủ đường, ngủ bãi, ngủ rừng. Họ đóng cọc, nhóm bếp, thổi cơm, nước sẵn suối, củi sẵn rừng. Ăn xong, nằm ngay trên cỏ ngủ, đúng như bộ đội.

    Có những đoàn dân công đi theo liền bộ đội. Cũng tổ chức thành tiểu đội, trung đội, có đội trưởng, chính trị viên. Cũng chia thành tổ ba người để săn sóc, giúp đỡ, nương tựa, thúc đẩy lẫn nhau. Họ hành quân cùng bộ đội, ở lẫn với bộ đội, đi ra mặt trận cùng bộ đội.

    Bộ đội thấy dân công tấp nập, phấn khởi hơn. Nhân dân ta hăng hái thế này thì Tây sống làm sao? Họ lo nhiệm vụ hơn: làm thế nào cho xứng với sự cố gắng của nhân dân? Nhân dân thấy bộ đội nhiều, cũng phấn khởi hơn: nhiều bộ đội, nhiều súng đạn thế này thì Tây phải chết! Nhân dân động viên bộ đội. Bộ đội động viên lại nhân dân. Bộ đội với dân công thật là quấn quýt.

    Đơn vị chúng tôi cũng có nửa tiểu đội dân công toàn phụ nữ đi theo. Một buổi chiều, gạo chưa đem tới kịp, chúng tôi bàn nhau: tất cả anh em đều nhịn, ai còn sót được một chút gạo nào, dồn cả lại, nhường cho các chị dân công. Các chị lẳng lặng lĩnh gạo đi ra suối, chẳng nói gì. Nhưng hơn một nửa giờ sau, một chị về gọi chúng tôi.

    Các anh đi ăn cháo.

    Mời các chị. Gạo về, chúng tôi sẽ ăn sau. Sao các chị không thổi cơm ăn?

    Nấu cháo thôi, nhiều lắm, các anh đến cùng ăn.

    Chúng tôi chẳng ăn đâu.

    Ăn chứ! Có cơm cùng ăn cơm, có cháo cùng ăn cháo, các anh nhịn, chúng tôi không ăn vớ!…

    Các anh ở dưới xuôi mới lên, trông thấy cái thắt lưng của các chị Thổ trên này, có thích không? Cái thắt lưng, múi trễ tràng ở đằng sau, làm tăng vẻ thắt đáy lưng ong của chị em lên. Nhưng các anh sẽ mến cái thắt lưng ong của một chị dân công dự trận Đông Khê. Người ta gọi là chị Dậu. Trong trận giải phóng Đông Khê lần thứ nhất, chị Dậu đã đi dân công và được xung vào đội tải thương. Chị ra tận mặt trận để cõng các thương binh về mặt sau, giữa những lúc đạn đôi bên bắn như mưa. Một lần, chị cõng một anh thương binh ở bả vai. Anh đau rũ rượi, nhưng không bám vào vai chị được mà chị sợ anh đau, không dám gì tay anh, thành ra người anh cứ lắc lư chực ngã về sau, chị khó đi. Chị bèn cởi thắt lưng, nhờ người quàng ra sau lưng, dưới nách anh, buộc anh áp vào lưng chị, để đi cho dễ. Chiếc thắt lưng của chị đẫm máu anh. Trận đánh xong, về nhà chị giặt sạch thắt lưng rồi lại dùng nó như thường. Ta lại đánh Đông Khê, chị Dậu lại xung phong xin đi tải thương binh. Trước khi ra đi, chị mua xà phòng, giặt thật sạch chiếc thắt lưng, để đề phòng có lúc cần dùng đến nó chăng. Lần sau, chị không phải dùng đến nó lần nào. Nhưng chị cũng đã cõng nhiều thương binh và chiếc thắt lưng của chị cũng như quần áo chị vẫn đẫm máu như lần trước. Rồi sẽ sạch, chẳng làm sao cả. Nhưng chiếc thắt lưng của chị, chị sẽ quý nó hơn. Và chúng ta thấy những chiếc thắt lưng của các chị Thổ đẹp hơn lên nhiều lắm. Có những vật trang sức giản dị nhưng rất đẹp. Một thiếu phụ có con nhỏ, con đang bú. Chị gửi con, đi dân công đã mười ngày. Không ngày nào chị không phải vắt sữa đi. Mỗi lần vú tức sữa, chị vừa đau vừa nhớ đến con, lại ứa nước mắt ra. Chị mong cho chóng hết đạn để về nhà. Nhưng hết đạn, bộ đội vẫn còn đuổi Tây, vẫn còn cần có người tải gạo cho ăn. Đoàn chị tình nguyện ở lại thêm. Chị cũng tình nguyện ở lại thêm. Chị thương con. Nhưng bộ đội đang đánh đuổi Tây bảo vệ con cho chị. Biết bao nhiêu trẻ đã bị Tây xé xác hay quật chết!

    Bao nhiêu là ruộng lúa đã bị Tây phá phách. Lúa đã sắp chín rồi, vụ gặt đến nơi, phải rứt ra khỏi ruộng đất để đi dân công cũng là một việc rất khổ tâm. Nhưng người ta vẫn lũ lượt ra đi. Không đánh chúng nó trước đi thì thế nào thu đông này cũng bị chúng nó tấn công. Chúng nó sẽ thả lừa ngựa, cho xe tăng quần nát hết lúa thôi. Bộ đội mở chiến dịch để giữ thóc lúa, giải phóng ruộng đất cho dân. Dân phải hăng hái đi vận tải, tiếp tế, cứu thương, giúp đỡ cho bộ đội. Mỗi người đều hiểu thế.

    Chính vì các cán bộ đã kiên nhẫn giải thích được cho mọi người đều hiểu thế, đã chịu khó đến từng xóm, từng nhà, cho nên họ đã huy động được toàn thể nhân dân phục vụ cho chiến dịch. Cuộc huy động thật lớn lao. Cao Bằng có 18 vạn dân: ba vạn đã vào bộ đội hoặc đi làm cán bộ rồi. Trừ người già, trẻ con, phụ nữ có mang hoặc chưa thể rời con, những người ốm yếu… chỉ còn 6 vạn nhân công, 5 vạn 6000 người đã tham gia chiến dịch này và đã góp hơn một triệu ngày công vào đấy. Tôi chưa kịp hỏi rõ những con số của Lạng Sơn. Một anh quê ở Bắc Sơn cùng đi với tôi trên một con đường mới đắp vào khoảng giữa Đông Khê với Thất Khê đã bảo tôi: “Khi tôi đến đây con đường này chưa có, những cánh đồng ruộng này vừa mới cấy. Bây giờ lúa đã vàng. Tôi vẫn chưa về. Đợi bộ đội đánh xong Thất Khê đã vớ!”.

    Cao Bằng và Lạng Sơn góp nhiều nhân công hơn cả, nhưng không phải chỉ riêng Cao – Lạng góp, Bắc Cạn cũng góp phần. Có những đoàn vận tải từ Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh… lên. Có những đội thanh niên xung kích tình nguyện đi theo chiến dịch. Chỗ nào cũng có dân công. Trà trộn đủ hạng tuổi, đủ giống người, đủ các giới. Một hình ảnh toàn dân kháng chiến, toàn dân đoàn kết bày ra trong chiến dịch này. Bộ đội với nhân dân. Nhân dân địa phương này với nhân dân địa phương kia. Thổ, Mán, Nùng, Kinh… sát cánh nhau. Nắng, mưa, sương, gió, đói khát, mệt nhọc, ốm đau cùng nhau nếm đủ mùi. Vất vả gian nan thì quả thực là rất mực vất vả gian nan. Nhưng ồ ạt, tấp nập cũng vui. Vui nhất là lúc thị trấn vừa mới trở lại tay ta, được trông thấy Tây chết, xác ngổn ngang, chiến lợi phẩm nhiều. Có người xung sướng quá, kêu lên như một người điên: “Các ông các bà trông kìa! Các ông các bà ơi! Thế này thì có hả không? Tôi muốn đi dân công mãi, đi cho đến tận ngày cả nước ta hoàn toàn giải phóng”…

    1950

    Chọn Tập
     
  2. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Trần Cừ
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người đại đội trưởng da ngăm ngăm đen ấy, có đôi mắt sắc và nụ cười rất yêu đời. Anh dễ cười đùa.

    Cũng như anh dễ giơ tay xin nhận lấy những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm một cách tự nhiên, giản dị.

    Anh thường bảo.

    “Khó đến đâu, người cộng sản cũng tin rằng mình làm được. Và làm cha kỳ được.”

    Mỗi lần trao nhiệm vụ cho anh, cấp trên rất vững tâm. Anh tin chắc ở đơn vị của anh. Anh tin chắc ở chính anh. Những phương tiện cho anh có thể đến mức nào, anh không đòi hỏi quá. hội nghị phổ biến kế hoạch đánh Đông Khê đi ra, một người bạn vỗ vai anh, khẽ bảo: – Phen này gay lắm đấy! Chắc chắn là phải hy sinh lớn. Tao sợ mày ngoẻo mất.

    Cừ cười.

    – Ngoẻo thì ngoẻo, cần gì? Chúng mình không sợ chết vì nhiệm vụ. Chỉ sợ không làm tròn nhiệm vụ.

    Một chút băn khoăn thoáng qua đôi mắt sắc. Anh lượng biết tất cả những khó khăn của trận này. Công sự địch tăng cường. Lực lượng địch tăng cường. So với trận Đông Khê trước, khó gấp trăm, mà cũng do trận Đông Khê trước, địch phòng bị ngày đêm, không xao nhãng một phút nào. Chúng có giữ đến cùng. Ta nhất định phải diệt cho bằng được, không có quyền được rút…

    Nhưng mắt Cừ trong trẻo, bình tĩnh lại ngay. Anh ngẩng mặt, nhìn xa, miệng nở cười…

    Tớ có ngoẻo cũng nhất định ngoẻo ở trong đồn, không chịu ngoẻo ở vòng ngoài. Ngoẻo cũng phải làm xong nhiệm vụ rồi mới ngoẻo.

    Chiều 15, trước khi từ bàn đạp ra trận địa, Cừ nói trước đội tiêm đao:

    … Nếu không xong nhiệm vụ tôi quyết không còn làm đội trưởng đội tiêm đao, mà các anh cũng không xứng đáng là đội viên đội tiêm đao nữa.

    Đoàn xung kích đi bố trí, tập công kiên luôn mấy tháng nay rồi. Anh nào cũng mong được đi đánh thật một trận để kiểm tra xem kỹ thuật của mình đã tiến đến mức nào. Lúc thử đã đến đây! Mỗi người thấy náo nức trong lòng nhưng đồng thời cũng thấy một chút gì như hồi hộp nữa. Trận đầu… Trận quy mô lớn đầu tiên từ khi vào bộ đội đến nay… Phải tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch mới thôi… Nếu không giải quyết nhanh được, có thể trận đánh sẽ kéo dài, sẽ thêm nhiều cái khó khăn… Địch có thể tiếp viện rất nhanh, chúng nó sẽ nhảy dù ngay trên lưng mình. Chắc chắn là máy bay của chúng sẽ quần khỏe lắm, bắn và trút bom dữ lắm… Ta đã có những cách đối phó sẵn sàng. Nhưng vẫn có thể có nhiều cái mới không thể lường trước được. Phải đánh rồi mới biết!… Những vừng trán dầu dãi nặng trĩu những dự tính, những lo toan. Những bộ mặt sém nắng lầm lì. Những con người đi vào cuộc chiến đấu suy nghĩ rất nhiều, dùng đến sức óc rất nhiều. Họ không sợ chết, nhưng không coi cuộc chiến đấu như một trò đùa. Một viên đạn còn phải tính, sao lại có thể đi đến cuộc vật lộn gay go với giặc như đi dự một trò chơi ngồ ngộ?…

    Chiếm lĩnh trận địa xong, họ lập tức đào công sự. Pháo binh chưa tới kịp. Cứ một lát lại có điện thoại của ban chỉ huy gọi, hỏi. Ông T chạy lên chạy xuống rất băn khoăn. Ông vốn nhiều râu. Lúc ấy, trông như râu tua tủa mọc ra thêm. Chốc chốc ông lại xem giờ. Điện thoại của ban chỉ huy gọi dồn thêm…

    – A-lô! A-lô! Pháo binh đã tới chưa!… Đến đâu rồi?… Sao thế?…

    Liên lạc này đi rồi liên lạc khác đi. Đường xóc quá, khó đi quá. Có anh giập chân rồi. Anh em bật cả máu vai. Họ vẫn cố đi, cốt tới kịp giờ. Nhưng cố gắng thế nào mỗi giờ cũng chỉ đi được bốn năm trăm thước…

    Ông T bực bội:

    Tính giờ sát quá! Không căn cứ tỉ mỉ vào tình hình, từng quãng đường, chỗ khó, chỗ bằng, chỗ dốc, chỗ núi đá, chỗ núi đất, chỗ đường to, đường nhỏ thế nào. Chỉ căn cứ vào những con số ở bản đồ. Nguy hại thật!…

    Ông vò đầu, vò tai khổ sở. Cũng may mà liên lạc về báo: một toán sắp tới rồi. Ông T nhẹ hẳn người đi. Anh em xung kích đào công sự đã xong. Mấy bát cháo loãng lúc chiều đã hết veo rồi. Người mệt. Bụng đói meo. Nhưng nghe tin pháo binh đã tới, họ mừng. Họ biết anh em pháo binh đi chật vật như vậy, đến nơi thế nào chắc cũng mệt nhoài. Họ bảo nhau, một số đi đào công sự, dọn chỗ sẵn để cho anh em pháo binh đến, chỉ việc đặt súng xong rồi nghỉ cho lại sức. Các cán bộ xung kích cũng đi tìm chỗ đặt súng cho những khẩu đến sau, đỡ cho các cán bộ pháo binh, trong khi các cán bộ pháo binh còn bận chỉ huy toán trước…

    Kế hoạch đổi. Mặc dầu ở mạn Bắc, ta đã nổi súng, mạn Nam vẫn chưa thể đánh vào sáng ngày 16. Một ngày chờ đợi, sốt ruột và xót ruột. Hỏa lực địch dồn cả lên mạn Bắc. Chừng hơn một giờ sau, có tiếng động cơ. Tàu bay địch lượn rất lâu, trút liên thanh? Nhảy dù chăng? Có giỏi thì cứ nhảy dù đi. Có những người đang đợi. Nhưng cả ngày hôm ấy không có nhảy dù. Chỉ thấy thả bom và bắn.

    Năm giờ chiều, lệnh tiến. Một giờ, tất cả các vị trí trao cho phải chiếm, đều đã chiếm xong tất cả. Điện thoại cho biết phía Bắc đồn to, ta chiếm được rồi. Quân ta đang tung hoành ở trong đồn. Lệnh cho tiến vào nhà thương và đồn to. Nhưng tiến vào, thấy địch ở phía Nam đồn vẫn bắn rất hăng. Tìm địch không ra. Chúng nó chui hết cả vào các lô cốt, các hầm. Chỉ huy xung kích báo cáo tình hình lên. Yêu cầu cho pháo binh bắn vào phía Nam đồn. Xung kích vừa tiến vừa liên lạc bằng dây nói với pháo binh…

    A-lô! Hụt rồi. Chỉnh lại hỏa lực đi! Lên mười thước nữa… A-lô! Chệch về bên phải mất năm thước… A-lô!… Xa quá, lùi lại năm thước nhé!…

    Nhờ vậy pháo binh bắn rất hay. Nhưng gần sáng địch phản công. Nhờ có công sự kiên cố và ngoắt ngoéo, chúng chưa bị tiêu diệt bao nhiêu. Trời sáng, chúng trông rõ ta hơn. Chúng hy vọng có tiếp viện, có máy bay… Tình thế không có lợi cho ta. Lệnh cho tạm rút ra ngoài, vây chặt đồn…

    Đoàn trưởng Huyền bước lại gần một người đang ngồi tì tay lên má:

    – Ai đấy?

    Trần Cừ ngoảnh mặt lại. Huyền thấy một đôi mắt đỏ hoe, mòng mọng nước. Anh cau mặt:

    – Hừ! Trần Cừ đấy à? Anh khóc chắc…

    Cừ ngước đôi mắt sắc nhưng lúc ấy rơm rớm nước nhìn Huyền. Huyền cười gằn:

    – Cán bộ gì mà xoàng thế?

    Từ ngày Cừ vào bộ đội, chưa có ai bảo Cừ là xoàng cả. Anh đã vào sinh ra tử rất nhiều, ngay đêm vừa qua, anh đã xông xáo rất ghê. Đạn như mưa. Những lúc quyết liệt nhất, anh vẫn xông lên trước, dẫn đầu đơn vị… Cừ nghẹn ngào không nói được. Nhưng đôi mắt cương quyết của anh trả lời người Đoàn trưởng. Huyền hơi dịu giọng:

    Đánh nhau thì phải có thương vong. Anh đã biết trước trận đánh này có thể phải hy sinh lớn. Chịu hy sinh lớn để làm xong nhiệm vụ. Sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn chiến dịch. Càng không sợ hy sinh, càng làm giảm bớt số hy sinh. Anh hiểu cả đấy. Cán bộ không bình tĩnh, quyết tâm, giữ làm sao được tinh thần đội viên. Ủy mị thì lạ thật!…

    Cừ không ủy mị. Anh đang kiểm tra lại trận đánh đêm qua. Xung kích rất gan dạ. Trợ chiến tỉnh táo, đi rất sát, yểm hộ cho xung kích tiến. Có những anh kề súng máy vào tận lỗ châu mai, bắn. Bắn hết đạn, anh chưa kịp rút ra, thì đã bị địch bắn lại, trúng anh. Anh đổ xuống. Anh khác tiến lên ngay, người đến sau kề ngay súng lên xác người vừa tử trận, để lia vào địch. Rồi mìn. Rồi lựu đạn. Địch đến không còn ngóc được đầu lên. Lắm lúc tưởng như địch đã chết hết cả rồi. Nhưng chúng vẫn còn! Thế có uất người không? Chúng rút xuống hầm. Ta chỉ xông xáo ở trên. Không biết sục xuống hầm, không biết chặn chúng lại, chặt chúng ra từng khúc, bao vây chúng, tiêu diệt hẳn từng bộ phận, không cho chúng rút. Lối đánh của ta hỏng, nên có anh dũng mà vẫn chưa làm xong nhiệm vụ… Cừ bực lắm…

    Cừ thấy như mình có lỗi. Tại sao không nghĩ ra điều ấy ngay lúc vào vị trí? Muốn giải quyết được chiến trường phải tiêu diệt được sinh lực địch. Tiêu diệt sinh lực địch là điều chính cốt. Có lẽ ngay các đơn vị bạn cũng quên điều ấy! Báo cáo không đầy đủ. Chỉ nói đã chiếm được đồn mà không nói đến số địch chết bao nhiêu, bị bắt bao nhiêu. Vì thế mà ban chỉ huy không nắm rõ được tình hình. Mãi đến sáng, thấy hỏa lực địch còn mạnh, mới có lệnh rút lui. Thiệt hại nhiều chính vào lúc rút.

    Cừ thấy thương các bạn chiến đấu của anh. Trông những cái cáng rời mặt trận… Những chị dân công mắt đỏ hoe, vừa gạt nước mắt vừa đi… Nghĩ đến những đồng chí bị thương không kịp cõng còn nằm lại trong đồn… Các đồng chí rút về, mặt hậm hực lầm lì… Làm sao không uất được? Nhưng uất nhất là chưa xong nhiệm vụ. Mà có lẽ có thể xong ngay đêm qua rồi!…

    Cừ muốn nói ra cả những điều ấy với Huyền. Nhưng Huyền bảo Cừ hãy theo anh đi, đi gặp các anh kia. Các cán bộ họp, rút kinh nghiệm với nhau, rồi phổ biến kinh nghiệm cho các đội viên.

    Một điều khiến họ băn khoăn: đơn vị đã bị tổn thương. Rất có thể ban chỉ huy sẽ cho họ rút về làm hậu bị, điều một đơn vị khác lên thay. Tất cả các cán bộ nhìn Huyền, nhưng Huyền ngẩng mặt lên cương quyết.

    Không! Chúng mình sẽ đề nghị với ban chỉ huy đừng thay thế. Đơn vị đánh xung kích đêm qua rất có tinh thần, chỉ vì ta đánh phố lần đầu, chưa có kinh nghiệm, nên chưa làm xong nhiệm vụ. Qua đêm đầu, có kinh nghiệm rồi, lại thuộc địa hình địa vật hơn. Nó đang muốn trả thù. Cứ bổ sung cho nó, rồi cho nó trả thù, làm xong nhiệm vụ của nó chưa làm xong đêm trước. Không nên thay thế.

    Mọi người đều phấn khởi. Cừ vui vẻ lại gần đội viên tiêm đao:

    Chúng ta sẽ làm xong nhiệm vụ nội đêm nay. Nhiệm vụ chưa xong, nhất định chúng ta không chịu ra khỏi đồn.

    Những bộ mặt tươi lên. Những con mắt lóe ánh sáng…

    Ba giờ chiều, lệnh của ban chỉ huy cho chuẩn bị, năm giờ rưỡi, từ chỗ nghỉ tiến lên. Có kinh nghiệm đêm trước rồi, nên họ tiến bình tĩnh, chắc chắn, vừa tiến vừa quan sát tình hình. Chín giờ mở đột phá khẩu tiến vào. Sau một giờ kịch chiến, một bộ phận chiếm xong trường học, tiến ra nhà cũ, thấy đơn vị bạn đã ở đó rồi. Nhiệm vụ xong! Nhưng lệnh của ban chỉ huy lại giao thêm, đánh vào phía Tây Nam đồn to, hợp sức với đơn vị bạn đã đánh vào mạn Bắc. Trần Cừ xông lên:

    – Các anh em! Báo thù cho các đồng chí của chúng ta!

    Một chú liên lạc chạy trước anh, tay chú cầm lựu đạn lăm lăm. Chú rướn mãi người lên, chực “cả cái” vào một lỗ châu mai. Nhưng chú thấp quá, không với tới. Trần Cừ bước lên, bảo:

    – Chú đưa anh!

    Tiếng lựu đạn nổ vang. Nhưng đồng thời một băng đạn súng máy lia trúng Trần Cừ. Cừ lảo đảo hô:

    – Hồ chủ tịch muôn năm!

    Anh gục xuống, lấp một lỗ châu mai…

    – Anh Cừ!…

    Mấy đội viên xồng xộc chạy đến. Liên thanh, lựu đạn, mìn. Khóc bốc mù. Gạch đá lung tung lên. Những bóng người thoăn thoắt xông vào đám khói…

    – Đánh sập hầm xuống! Chặn chúng nó lại!…

    Đột nhiên Thân, một anh tiểu đội trưởng bị thương nằm ở gần đấy từ đêm qua, bỗng vùng lên:

    – Thích quá! Cho tôi đánh với, các anh ơi!…

    Và trước một lô cốt khác, Xuân Minh ôm bụng. Anh vừa trúng đạn. Anh đã hơi lảo đảo, nhưng vẫn chỉ huy, đôn đốc anh em. Một tiếng nổ vang trời. Lô cốt bị phá tung. Đội phó Minh thét anh em.

    – Đánh vào lô cốt thứ hai đi!

    Anh chực ngã. Một đội viên vội đỡ anh…

    Để tôi cõng anh ra. Minh đẩy anh đội viên ra.
    Tiến lên đi!

    Và thấy anh đội viên do dự, anh hơi gắt.

    Mặc kệ tôi. Tôi còn đi được! Anh một mình lủi về mặt sau…

    Đoàn trưởng Huyền đang cầm ống điện thoại, liên lạc với đoàn phó ở mặt trận.

    A lô! Bằng! A lô! Bằng! Bằng đâu?

    Trận đánh đang xô xát. Súng đang ầm ầm. Những tia lửa phùn phụt, chi chít, liên hồi. Thỉnh thoảng một tiếng nổ to chớp lòe… Tiếng đoàn trưởng lạc hẳn giọng đi.

    – A lô! Bằng! A lô! Bằng!…

    Mãi mãi mới có trả lời, Huyền mừng rỡ, nói như reo:

    À, Bằng đấy à? Thế nào? Giữ liên lạc với Huyền luôn luôn nhé! A lô! Huyền lắng tai nghe. Anh bỗng sửng sốt.

    Cái gì? A lô!… Trần Cừ? Trần Cừ bị rồi à?

    Anh nghe thêm một tí nữa rồi phũ phàng buông mạnh ống điện thoại xuống, ngẩn mặt ra. Anh nuốt nghẹn. Chính anh cũng khóc. Nhưng chỉ trong một phút anh lại vồ lấy máy…

    A lô! Bằng!… Có thể về thay mình cho mình lên một lúc không?… Không được à? Ừ! Thế nào? Địch bắn rát lắm à?… Không sao cả. Cứ tiến lên! Phải giải quyết trong nội đêm nay, Bằng nghe không? Nội đêm nay. Giải quyết cho xong nội đêm nay. Giải quyết cho bằng được… Đạn à? Có rồi đấy! Anh em văn phòng cũng xung phong đi tải đạn với dân công đấy. Quyết tâm đấy nhé! Giải quyết trong nội đêm nay. Không lùi một bước. Lệnh của ban chỉ huy như vậy… Được rồi, Bằng đi đi! Báo thù cho Trần Cừ!…

    đầu dây kia, đoàn phó Bằng trao máy cho người khác chuyển theo anh. Anh xông lên, thét lớn: – Báo thù cho Trần Cừ! Tiến lên!

    Hết đêm hôm ấy, địch chúi ở dưới hầm phải ra hàng. Đông Khê giải phóng.

    1950

    In trong tập Truyện Biên giới
     
  3. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Vài Nét Ghi Qua Vùng Vừa Giải Phóng
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi cùng đi với một anh người tỉnh Cao Bằng. Vừa được tin quân Pháp rút khỏi thị xã Cao Bằng, anh tất tưởi đi ngay. Mặc dầu mâm bát đã bưng lên, anh không thể nào nán lại độ mười phút để ăn cơm. Anh còn biết đói là gì? Anh lên dốc băng băng. Anh xuống dốc vèo vèo. Anh nhảy qua hố, rành như một con dê. Tôi đuổi theo anh mà thở gần hết cả hơi. Anh luôn luôn quay lại, khuyến khích tôi: “Cố đi! Cố đi! May ra kịp ô tô!”. Tôi chợt nhận thấy mặt anh như đổi khác hẳn đi: da hồng hào, mắt long lanh, mũi hếch lên, phớn phở lạ thường. Tôi mỉm cười, đoán trước xem khi đến cầu sông Bằng, anh sẽ làm gì? Ôm gì lấy một thanh sắt, rít lên, hay lao người qua cầu, chạy thẳng vào phố, kêu la ầm ĩ như một người hóa dại?

    Anh có thể làm như thế lắm. Con người mọi ngày vốn lầm lì, hôm nay đột nhiên trở nên bồng bột hơn tất cả mọi người. Qua một cánh bãi có nhiều đám dân công đang bắc bếp thổi cơm, anh quay vào phía họ, reo to.

    – Anh em ơi, Cao Bằng giải phóng rồi!

    Những cái đầu đang thổi bếp, quay lại ngơ ngác trong một phút, nhìn anh. Anh vẫn bước phăng phăng, vung tay, nhắc lại tin vui.

    – Cao Bằng giải phóng rồi. Tây rút khỏi thị xã Cao Bằng vớ!

    Từ đám dân công vọt lên hai tiếng “hoan hô”. Đám người nhốn nháo lên. Tiếng reo. Tiếng vỗ tay. Những chị má vụt đỏ ửng, bám lấy vai nhau, xô đẩy nhau, hay vỗ lưng nhau bồm bộp, cười to. Những anh thanh niên nhảy cẫng lên. Những bộ mặt già, dãn hẳn những nếp nhăn…

    A lúi! Cao Bằng giải phóng!

    Sung sướng vớ!

    Sung sướng nhiều lắm vớ!

    Tôi đi khỏi, tiếng reo cười ở sau lưng tôi vẫn kéo dài. Đằng trước tôi, anh bạn Cao Bằng vẫn bước phăng phăng, mỗi lúc một nhanh hơn, và vẫn vung tay, giọng đắc thắng báo tin vui:

    – Pi-noọng à! Cao Bằng giải phóng. Tây rút khỏi thị xã Cao Bằng. Sung sướng vớ? Về ăn mừng đi vớ!

    Và những tiếng reo cười hoan lạc lại nổi lên. Lại dân công! Dân công nghỉ ở hai bên đường họp thành những rừng người lồng vào những rừng cây. Trời tối hẳn. Những đám lửa phập phồng chống lại bóng đêm dày đặc chực bóp nghẹt tất cả ánh sáng đi. Những bóng người lung linh lẫn với những bóng núi, bóng cây. Đường núi gập ghềnh, tuy có bóng lửa hắt lên, nhưng là thứ ánh lửa lập lòe, nên rất khó đi. Tôi không tài nào còn theo kịp anh bạn Cao Bằng. Anh bỏ tôi xa. Nhưng một quãng dài, tôi vẫn còn nghe vọng hai tiếng vang vang như kèn chiến thắng của anh. Và làn song reo cười chưa kịp tắt hẳn ở sau lưng tôi thì một đợt mới lại nổi lên ở phía trước mặt tôi. Vẫn dân công! Chỗ nào cũng gặp dân công. Như vậy suốt từ ngay lúc tôi bắt đầu lên mạn trên này, nghĩa là hai, ba tháng trước trận Đông

    Khê. Các bản không đủ chỗ nằm, ban đêm họ toàn ngủ đường, ngủ bãi thế thôi. Tạnh hay mưa, cảnh màn trời chiếu đất vẫn chung cho cả bộ đội với nhân dân tham dự chiến dịch này. Họ bảo nhau: “Mưa chịu, tạnh được nhờ”. Tạnh hay mưa là việc của trời. Giải phóng quê hương là việc của bộ đội với nhân dân. Luôn mấy tháng, nhân dân mạn trên này chuẩn bị gạo, muối, bò, lợn, đắp đường, tải vũ khí, sửa soạn cho bộ đội đánh Tây. Cuộc chuẩn bị lặng lẽ, bí mật, ở xa không ngờ, nhưng lớn lao, vất vả, tốn kém, công phu ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Ta chiếm lại Đông Khê, Tây rút lui khỏi thị xã Cao Bằng. Toàn tỉnh Cao Bằng giải phóng rồi! Sung sướng vớ! Sung sướng nhiều lắm vớ!…

    Lần mò ra mấy quãng rừng xen lẫn với những cánh đồng, tôi đi đến đường vào cái lúc đã khá khuya và vào cái quán đầu tiên ở ven đường. Không có anh bạn Cao Bằng nghỉ ở đấy. Không hiểu nỗi vui đã đẩy chân anh bạn đi đến tận đâu. Tôi lấy làm may gặp được một cái quán còn đèn để có thể vào trút ba lô xuống, hỏi mua một tí gì ăn và điều đình một chỗ nằm để nghỉ.

    Nhà chật quá. Nứa tươi, rạ mới cho tôi biết rằng nhà làm được độ mấy ngày thôi. Tây là Tây báo thù trận thua đau ở Đông Khê. Chúng cho tàu bay đi nã liên thanh và trút bom bừa bãi vào nhà của thường dân. Không còn một phố nhỏ nào chưa bị quấy rầy. Các phố tập trung phải phân tán thật rải rác ra… Chủ cái quán này có lẽ cũng vừa mất gần hết cái cơ nghiệp ở Trùng Khánh hay Quảng Uyên, chạy đến đây, làm lại ngôi hàng không còn biết là thứ mấy từ ngày phải tản cư, để lại kiên nhẫn làm ăn. Người ta đã sinh lì.

    Cái tinh thần bền bỉ ấy như toát ra từ bộ mặt nhẫn nại của người đàn bà Nùng vừa mới dừng tay kim, chậm rãi ngước nhìn tôi. Chị ngồi khâu ở cạnh giường. Cây đèn dầu trẩu đặt ngay ở trên giường, soi tỏ ba cái đầu trẻ con đã ngủ say, thò ra khỏi cái khăn cũ chỉ còn trơ lại cái mền bông đen bẩn, đã rách bươm, lần vải bọc có lẽ đã phá ra may áo từ lâu. Cái cảnh trông vừa đầm ấm lại vừa rất ngậm ngùi, cũng như mặt người đàn bà rất bình tĩnh, rất hiền từ nhưng vẫn phảng một nỗi gì u uất.

    – Không còn gì đâu, đồng chí ạ!

    Tôi cứ đặt ba lô xuống rồi nhìn qua cái chõng hàng, nhìn vào bếp, hỏi.

    Còn bánh chưng không?

    Hết rồi.

    Phở vậy?

    Không có phở.

    Nồi gì kia?

    Bánh chưng ấy, nhưng chưa chin.

    Sắp chín chưa?

    Còn lâu, gần sáng kia!

    Tôi thất vọng. Hàng quán hồi này như vậy đó: khi họ không sẵn thức ăn thì ta chỉ còn một cách là nhịn

    đói, đừng mong họ nghĩ ra một thứ gì cho ta ăn tạm. Tôi đành bảo:

    Không có gì ăn thì nhịn vậy. Nhưng tôi mệt lắm rồi, chị làm ơn cho tôi ngủ nhờ ở đây.

    Nhà chật lắm. Không có giường đâu.

    Tôi nằm đất… à đây! Tôi kê hai chiếc ghế sát nhau nằm cũng được.

    Chị nhìn hai chiếc ghế rồi lại cúi xuống khâu không nói gì. Tôi bắt đầu loay hoay thu xếp. Kê chỗ nằm, trải bạt, giũ chăn xong, tôi mới lại bếp, xin nước uống. Tôi uống nhiều nước quá. Có lẽ chị nhận thấy và biết rằng tôi mệt lắm và đói lắm. Tôi thấy chị lại ngừng tay, ngước nhìn tôi một lúc rồi bỏ cái áo đang vá dở, đứng lên. Chị lại góc trong cùng nhà, lục lọi một lúc, rồi đem ra một bát cơm nếp, đưa cho tôi.

    Cơm nếp, đồng chí có ăn không?

    Còn gì bằng nữa? Có cơm nếp mà sao tôi không biết chứ!

    Nấu nhà ăn thôi, không bán. Trẻ con ăn còn thừa.

    Như sợ tôi phật ý, chị bảo them.

    Nhà còn gạo, đồng chí muốn ăn cơm cũng được, nhưng không có rau gì cả. Tôi bảo:

    Không cần, tôi ăn đây đủ rồi.

    Tôi vừa ăn vừa gợi chuyện. Tôi hỏi đến chồng chị. Chị ngập ngừng một chút rồi khẽ bảo:

    Xa cách nhau lâu rồi. Tôi hỏi:

    Anh đi bộ đội?

    Chị càng lúng túng. Mãi một lúc, mới cười ngượng nghịu và nói như thú tội.

    – Cách xa nhau mãi, không gặp được nhau nữa đấy. Khác nhau về tư tưởng.

    Tôi ngạc nhiên hết sức. Phụ nữ thôn quê, phụ nữ miền núi nói danh từ, bây giờ không phải là một điều gì lạ lắm. Nhưng quả thật tôi cũng chưa từng nghe một người thất học nào nói đến mấy chữ “khác nhau về tư tưởng”. Chị muốn cho tôi hiểu ra sao đây? Chắc chắn là chị dùng sai chữ. Ý chừng đây lại chỉ là một chuyện trái duyên lỡ kiếp hay cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt gì đó thôi. Nhưng không!… Dần dần chị tỉ tê kể cho tôi nghe chuyện anh chồng. Tấn thảm kịch bắt đầu từ hồi quân Quốc dân đảng Trung Hoa mượn danh nghĩa là Đồng minh sang chiếm đóng ở miền Bắc nước ta. Một trong những việc phá rối của chúng là tung đặc vụ, gây phong trào Hoa kiều hóa, dụ dỗ một số người dại dột.

    Chồng chị cũng bị dử vào tròng. Đến khi chúng rút về, anh cũng trốn sang bên kia, bắt cả vợ con theo. Chị cố can nhưng anh chẳng chịu nghe. Anh theo đuổi bọn phản động, làm thổ phỉ. Chị không biết làm sao được, một đêm liền đem con trốn về Việt Nam. Bố mẹ đẻ chị theo cách mạng từ lâu, em trai chị đi Vệ quốc quân. Chị không thể nào ở với chồng làm bậy. Vợ chồng xa cách nhau từ đó… Rồi giặc chiếm Cao Bằng. Ông bố đẻ chết ở thị xã vào lúc chúng nhảy dù. Bà mẹ chạy được ra ngoài, nhưng ít lâu sau cũng chết theo. Một mình chị buôn bán nuôi ba đứa con thơ, chẳng khác gì người góa bụa…

    Tôi hỏi chị

    Tây rút khỏi thị xã Cao Bằng rồi, chị biết chưa?

    Cũng vừa mới được nghe người ta nói lúc nãy thôi.

    Chị có định về thăm thị xã không?

    Cũng muốn về, nhưng không được rồi.

    Chị ngồi im một lúc. Đôi mắt chị nhìn xuống đất, trông rất âu sầu. Đột nhiên chị thở dài, nói nghẹn ngào.

    – Thấy nói anh ta đã trở về Cao Bằng, theo Tây. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, chưa muốn về.

    Đường đi tới thị xã Cao Bằng tấp nập những người. Mặt người nào cũng hớn hở, tươi cười. Bấy giờ mới giữa trưa. Tối hẳn công an mới cho vào. Người nào cũng biết thế đấy, nhưng người nào cũng bước mỗi bước bằng bốn bước thường ngày và thỉnh thoảng lại hò nhau chạy một quãng chơi. Các chị, má đỏ như uống rượu, mắt long lanh, động một tí lại cười. Các anh, đòn gánh vác chổng ngược lên trời, vừa đi bình bịch vừa lố lố nói rất to. Các cụ già cũng đi khỏe, nói khỏe ra tuồng.

    Có những người là dân ở thị xã trước kia, nóng ruột muốn về xem nhà cửa ra sao. Nhưng cũng nhiều người chỉ là dân ở các làng. Chẳng có nhà cửa gì ở thị xã để thăm nom nhưng họ cũng nô nức lắm. Họ đem theo quang gánh, tình nguyện ra nhập các đoàn vận tải chiến lợi phẩm, để vào xem thị xã.

    Tới một con suối lớn, cầu đã bị ta phá từ lâu. Ở đầu suối bên kia, ngay ở đầu đường là một cái ụ gác của địch trước đây. Nước suối chảy ào ào qua một thân cây lớn chặn ngang dòng suối để làm cầu. Trèo lên đó mà nước chảy xiết còn ngập đến đùi, nước xô trượt chân người lần từng bước trên cây gỗ trơn rêu. Những người mang nặng có ý ngại ngùng. Lập tức mấy thanh niên khỏe mạnh đi người không, xông xuống trước. Các anh chống đòn gánh, sang để dò đường. Biết rõ chỗ sâu, nông rồi, các anh chia nhau đứng từng chặng, dang tay chống đòn gánh cho tất cả mọi người bám mà đi. Rồi các anh lại mang đỡ xe đạp, ba lô cho những người nặng quá.

    Qua suối được tất cả rồi, mọi người hô nhau chạy. Một mình tôi đứng lại, tần ngần nhìn cái ụ gác của Tây. Ụ đắp bằng những bao cát lẫn với những hòn đá tảng to, để hở những lỗ sung để bắn ra. Bên trong có hầm sâu, kê gỗ ván để nằm… Tôi đang lẳng lặng nhìn, bỗng nghe tiếng lội suối uồm uồm. Quay lại thì ra một ông già quần xắn lên đến hang, dáng xồng xộc lội bừa sang. Nước ngập đến hang, rồi đến thắt lưng, tóe lên chiếc áo cộc nhuộm chàm! Mặc! Ông già cứ lội bừa.

    Ông sang đến bờ, giậm chân bèn bẹt rồi ngửa đầu lên, toan chạy qua cái dốc lên đường, bấy giờ mới thấy tôi.

    Chào đồng chí!

    Chào cụ! Cụ đi đâu thế?

    Đi về thị xã.

    Cụ có nhà ở thị xã không?

    Có. Có ba cái đấy.

    Có còn cả không?

    Không biết. Tôi tản cư mấy năm nay. Tản cư suốt từ ngày Tây nhảy dù đấy vớ!

    Cụ tản cư đi tận đâu?

    Xa lắm vớ! Cách đây ba ngày đường. Tôi đi làm thuê. Tôi làm cho sở thuộc da. Tôi biết làm da. Tay tôi đây này: thuốc nó ăn két lại, rửa không sạch nữa, như đã chín đấy.

    Cụ giơ cho tôi xem hai bàn tay to lớn, tím thẫm màu da thuộc, rồi cười và sừng sộ bảo:

    Tôi làm suốt từ hồi ấy. Gần ba năm rồi vớ. Không đâu, không xin nghỉ ngày nào, cứ làm thôi. Mãi đến bây giờ giải phóng Cao Bằng, tôi mới xin nghỉ sáu ngày về thăm nhà cửa. Đốc công không cho nghỉ bảo: phải tìm người thay. Tôi bảo: vợ tôi thay. Đốc công bảo: Đàn bà không thay được – Tại sao không thay được? Vợ tôi nó làm phụ với tôi. Tôi dạy nó biết làm tất cả rồi. Tôi chỉ xin đi đúng có sáu ngày: ba ngày đi, ba ngày về, không ở ngày nào. Thế mà đốc công vẫn không bằng long cho đi, sợ tôi bỏ việc. Bỏ việc thế nào? Vợ, con tôi còn ở đấy, tôi chỉ đi một mình, có đem cả gia đình đâu? Với lại bỏ việc làm gì? Kháng chiến ai cũng phải làm, biết nghề gì làm nghề ấy. Tôi biết làm da, tôi làm da. Tôi đã cần về thị xã đâu? Tôi chỉ thăm nhà xong tôi lại về làm cho sở. Sao không bằng lòng cho tôi nghỉ? Không bằng lòng, mặc kệ! Tôi bực mình, không xin về phép nữa. Cứ đi! Đi sáu ngày thôi. Hết sáu ngày, tôi lại về. Đốc công cho tôi làm nữa thì làm, không bằng lòng cho làm nữa thì thôi! Tôi cảm ơn đốc công rồi tôi đi. Tôi có ruộng ở gần thị xã, tôi về làm ruộng. Tôi không cần.

    Cụ vừa nói vừa làm nhiều điệu bộ hùng hổ bằng đầu, mặt, chân, tay. Cứ như là cụ cự tôi, chứ không phải là phân bua với tôi về việc đi vô kỷ luật của cụ. Tôi mỉm cười, bảo cụ:

    Cụ ướt hết cả rồi! Cứ thong thả, không cần vội đâu, cụ ạ. Còn sớm, công an không cho vào. Cụ trợn mắt, vung tay dữ dội.

    Mặc kệ! Tôi cứ vào. Công an giữ tôi lại, không cho vào, cũng phải cho tôi đến đầu cầu. Tôi chỉ đến đầu cầu thôi chứ có vào đâu mà cấm tôi? Nhất định công an phải cho tôi đến đầu cầu. Tôi chỉ cần đến đầu cầu, đứng đấy, nhìn vào phố, thấy cái nóc nhà tôi một tí, rồi quay ra ngay lập tức. Tôi phải đi đêm về sở, cho đúng hết sáu ngày là lại về đến sở… Chào anh! Tôi phải đi nhanh mới được.

    Cụ lại hung hăng bước, những bàn chân vững chãi nện xuống đường bình bịch. Sáu mươi tuổi rồi còn khỏe mạnh quá! Cụ vừa đi vung vẩy vừa oang oang nói lớn như say rượu.

    – Công an đuổi tôi cũng không chịu. Tôi không vào. Tôi chỉ cần đến đầu cầu thôi…

    Với những con người đầu óc đang “bốc” lên như vậy, công an cũng thật khó xử. Thị xã giải phóng rồi. Dân chúng tôi mừng rỡ quá. Họ như điên. Họ đòi được vào để thăm nhà. Đến lúc được vào trông thấy nhà, nhiều người che mặt rưng rức khóc. Bao nhiêu ngày mong mỏi! Bao nhiêu ngày cực khổ, nhà mất của mất, có khi người chết nữa. Bây giờ lại thấy nhà: cố nhiên mừng mà khóc, nhưng cũng khóc vì nhớ lại những lúc cực khổ, những người đã mất mát rồi. Đây là nơi vợ chồng yên ấm khi xưa… Đây là nơi đứa bé đầu long… Trước cửa nhà, trước đây có một cây to, chiều chiều bà ngoại lại đem cái chõng nhỏ ra ngồi tựa gốc cây, chơi với cháu yêu… Bao nhiêu đổi thay rồi! Cái cây đã mất lúc nào, bà mẹ già bị Tây bắn chết trong một trận chúng đi càn quét. Đứa con chết vì sốt rét lúc tản cư. Nhà bị phá phách, đào xé lung tung, tường long lở, đục lỗ châu mai, cánh cửa bị tháo ra, lát ụ ở ngoài đường. Đồ đạc mất hết, có những cái cửa bị chúng nó xây bịt kín đi một cách rất thô kệch bằng cách xếp gạch rồi trát đất… Trông không còn ra nhà nữa! Rồi lô cốt ở đằng sau. Dây thép gai. Ống bơ rỉ, vỏ đồ hộp chất đống với rác rưởi ngập ngụa và bẩn thỉu… Có những người dừng bước trước cửa nhà mình, che mặt rưng rức khóc. Những người khác thì cười thì chửi, chạy xăng vào nhà nọ nhà kia, đá cái này, quăng cái nọ, đập phá lung tung cho hả. Rồi lại có những kẻ tham vặt, nhặt nhạnh cái cốc, cái chén, cái nồi, cái chảo linh tinh. Những kẻ không có ý thức trọng của công cho rằng của Tây, của Việt gian, ai muốn lấy thì lấy, nên xông xáo lấy bừa bãi. Bọn tay sai của giặc, bọn cầu gió bẻ măng, phao đi những tin láo, làm cho dân chúng tưởng rằng có thể vào thị xã mà lấy của tự do. Vì vậy cảnh dân chúng kéo vào thị xã có hơi mất trật tự lúc đầu. Nhưng cán bộ kịp thời giải thích ngay. Trật tự trở lại rất nhanh. Dân chúng tự động trao trả lại các nhà chức trách những thức đã lấy về.

    Chung quanh thị xã Cao Bằng, nhan nhản những lô cốt, những đồn. Đồn và lô cốt trấn ngự những đỉnh đồi cao, có thể kiểm soát tất cả những lối vào, lại có thể tưới đạn vào thị xã, khi cần. Trừ lối đường số 4 là lối ta khó dùng để tấn công vào, hai lối chính vào thị xã đều phải qua cầu, tất cả các lối khác, phải vượt sông. Cầu có đồn canh ở bên ngoài, lại có bốt gác ở bên trong. Đồn bốt đều là những công sự kiên cố, những ổ súng nguy hiểm cả. Dọc bờ sông là những lô cốt chìm dưới đất, chỉ nhô một tí đầu lên, vừa đủ để hé cái miệng lỗ châu mai để có thể phun đạn súng máy là là mặt đất, mặt sông. Ngay trong long thị xã, bóp canh, ụ súng, lô cốt nổi hay chìm… cũng nhan nhản ở khắp nơi. Nhà ở cũng biến thành công sự: cửa xây bịt kín bớt đi, tường đục lỗ châu mai. Các giao thông hào, các đường hầm chặt chặt, nối khu nọ với khu kia, lô cốt này với lô cốt khác.

    Đánh vào thị xã Cao Bằng, còn khó gấp vạn lần vào hang cọp. Hang cọp chỉ có một lối thôi. Cái hang khổng lồ bọn giặc tạo ra ở thị xã Cao Bằng thì nhiều ngách lắm. Đứng chỗ nào chúng ta cũng ở ngay trước miệng súng liên thanh của giặc. Chỗ nào cũng có công sự cho giặc nấp để bắn ta. Chỗ nào cũng có hầm hố cho giặc tiến, lui. Giặc có thể tiến sát đến ta mà ta vẫn không ngờ. Ta khó biết chỗ nào có, chỗ nào không có chúng.

    Không! Giặc không còn cố dám giữ thị xã Cao Bằng mặc dầu từ trước đến nay chúng vẫn chủ trương phải giữ đến cùng theo kế hoạch Rơ-ve do phản động Mỹ đọc cho.

    Những tiếng nổ ở Đông Khê đã rung chuyển cả những công sự kiên cố của giặc ở Cao Bằng, ở Thất Khê, ở Nà Sầm, ở Đồng Đăng, ở Lạng Sơn. Giặc không còn dám tin vào công sự.

    Tôi đã gặp ở thị xã Cao Bằng một người phu, một ngụy binh, một người Pháp. Cả ba cùng trốn ra khỏi thị xã Cao Bằng, tìm liên lạc với các nhà chức trách địa phương, sau ngày ta tiêu diệt Đông Khê và trước khi Pháp rút khỏi Cao Bằng. Nhờ họ, tôi biết rõ hơn tình hình thị xã trong thời kì giặc chiếm và vào những ngày chúng sắp rút đi.

    Người Pháp đã đem súng ra hàng, cùng với một người bạn đồng ngũ, cũng người Pháp, anh này hiện còn đang ốm, nên tôi không tiện gặp. Chính anh tôi gặp cũng vừa mới ốm dậy. Trông anh còn thảm lắm: da vàng khè, bàn tay to xương nổi gân xanh, mặt nhăn nhó, bộ điệu mệt mỏi, già nua tuy mới hai mươi tám tuổi. Anh phàn nàn với tôi rằng anh sang Đông Dương được hơn hai tháng thì bị sốt ngay, từ bấy đến giờ, cứ sốt đi sốt lại mãi, có khi sốt liên mien, ký ninh uống cũng như tiêm mãi đến phát sợ rồi mà bệnh thì không khỏi. Từ ngày chạy sang hàng ngũ ta, anh cũng chưa được việc gì, chỉ toàn dưỡng bệnh… Thật ra thì anh cũng đã giúp chúng ta nhiều trong việc tìm ra những bẫy mìn và những kho quân nhu, vũ khí địch để phân tán và giấu kín.

    Theo anh thì sau khi ta giải phóng Đông Khê, bọn chỉ huy Pháp ở Cao Bằng vẫn nói cứng như thường. “Việt Minh biết Cao Bằng là miếng khó nhai… Tập trung tất cả những lực lượng có thể huy động ở Đông Bắc, Việt Minh cũng chỉ đủ lực lượng để đánh Cao Bằng… Sau Đông Khê, bị cản trở vì thiệt hại nhiều, Việt Minh không dám đánh Cao Bằng, hay có định đánh nữa thì chương trình ít ra cũng chậm hơn…”. Chính tôi có đọc một bài truyền đơn, chúng nó thách bộ đội ta: “Các anh đã luyện tập kỹ. Các anh đã được cấp đầy đủ khí giới tốt, tại sao các anh vẫn chưa đánh Cao Bằng? Các anh sợ mìn chúng tôi sẽ làm tan xác các anh chăng? Hay các anh sợ dưới làn đạn súng máy của chúng tôi, hàng nghìn xác các anh sẽ để lại cầu sông Bằng, sông Hiến?”. Chúng nó vẫn làm bộ không nao núng như vậy đó. Nhưng cái đuôi run run vẫn thò ra, chúng ra lệnh thiết quân luật, chúng định hiệu báo động, chúng đặt kế hoạch chống giữ khi bị đánh, chúng bắt chuẩn bị sẵn sàng chỗ bí mật để cất giấu tài liệu khi không kịp đem đi, chúng thu xếp cho vợ con về Hà Nội… Tất cả những hành động cuống cuồng ấy khiến bọn lính biết chắc chắn rằng thế nào ta cũng đánh Cao Bằng, mà ta đánh Cao Bằng thì mạng chúng khó mà còn. Những quán rượu đắt hàng hơn. Những anh chàng Lê dương mặt tối sầm, ngồi lặng hàng giờ, nốc rượu mạnh hết chai nọ đến chai kia. Chúng thì thầm với nhau chuyện Đông Khê, chuyện ta sắp đánh Cao Bằng. Tin chán nản từ quán rượu truyền đi. Bọn Việt gian, bọn ngụy binh phờ phạc, lo âu. Vợ con chúng xôn xao. Đêm đêm tiếng loa địch vẫn vọng vào. Một hôm, giữa ban ngày, một cái bè chuối cắm cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ lừng lững trôi trên sông Hiến. Có những lính Âu và ngụy binh trốn đi, đem cả súng đi theo. Bọn chỉ huy sợ những lúc quyết liệt, những người chúng đi càn bắt được, ép về thị xã sẽ bỏ chúng hoặc quay súng bắn vào đầu chúng. Chúng cho tàu bay trở hết đàn bà, con gái, trẻ con, cha mẹ, vợ con những người ở trong tay chúng đi, để bắt buộc họ phải trung thành. Đó là cái lệnh cho dân thị xã Cao Bằng tạm tránh đi, để tránh “Việt Minh khủng bố!”. Dân đây chỉ bị những người bị chúng bắt được trong các cuộc đi càn quét đem về để làm phu sân bay. Chính những người ở thị xã Cao Bằng trước trận nhảy dù năm 1947 đã thoát ra ngoài, một số còn vướng lại, bị giặc tra tấn hay giết chết.

    Người phu trốn được ra là một người thanh niên quê ở Hà Đông. Anh bị giặc bắt được ở làng anh, và cho đi máy bay lên đây cùng với bọn da đen vào những ngày bọn Pháp ở đấy đã sửa soạn để bỏ Cao Bằng. Ở trên máy bay bước xuống, anh nhìn thấy những người đàn bà ôm con lên chiếc máy bay tới trước, mặt mếu máo, nước mắt ròng ròng. Bọn kiểm soát chỉ cho họ mang theo rất ít đồ. Quần áo, đồ đạc thừa của họ bị chúng giật lấy một cách rất thô bỉ, quăng xuống đất. Dưới sân bay, những đám người khách lếch thếch đi, lính quát tháo, thúc bách ở đằng sau. Lính tới từng nhà, điểm mặt, gọi đi.

    Đàn ông khỏe mạnh phải ở lại, không được cùng đi với vợ con; học sinh đi cùng lính sau, để làm phu. Tôi đã thấy ở sân bay những cốc chén, quần áo, đồ đạc của thường dân vứt bừa bãi. Tôi thấy cả những hòm sổ sách, giấy má, tài liệu không quan trọng của Pháp, bên cạnh những đống tro tàn giâys…

    Mặc dầu có đủ thì giờ để chuẩn bị, địch đã rút một cách hấp tấp, vội vàng. Chúng nơm nớp lo đã lâu rồi. Vì vậy nhận được lệnh cho rút là mải mốt rút ngay. Vào thị xã ngay sau khi chúng rút, người ta nhận thấy điều ấy rất rõ ràng: trong nhiều nhà, đồ đạc bị xô lệch, tỏ sự hoảng hốt, cuống cuồng. Bàn ăn hay mâm cơm đang ăn dở với những đĩa đồ ăn chưa ăn hết, những hộp mới mở chưa kịp ăn, chai rượu uống nửa chừng, cốc rượu chưa cạn hẳn, hoặc nồi cơm bắc lên chưa kịp xới, rau đổ bừa ra nhà để lấy nồi… Tất cả những thứ ấy cho ta biết từ bọn võ quan đến những người phu, nhiều người chưa kịp ăn hay chưa ăn xong cũng phải lập tức bỏ cả đấy mà đi; cái kim của một chiếc máy khâu còn cắm trên đường chỉ mới chạy đến nửa chừng của một cái áo đang khâu, quần áo, giày dép, bít tất, mũ, mề đay, các đồ dùng lặt vặt cho đến cả sổ tay, tập ảnh, ví đựng tiền và giấy má… vương vãi ở trong nhà, ở trước cửa, ở ngoài đường, các kho quân nhu võ khí còn nguyên: ba khẩu đại bác mới chỉ kịp phá qua loa, máy điện chữa lại được ngay, chiếc máy chiếu bóng vẫn còn nguyên, cuộn phim còn lắp nguyên trong máy…

    Tôi đã xem xét kỹ các phố. Tôi đã xem xét kỹ các nhà. Tôi đã nhìn tỉ mỉ từng cái giường, cái bàn, cái ghế trong tất cả các hạng nhà, từ nhà bọn võ quan cao cấp, bọn Việt gian to đầu đến nhà lính, nhà phu, mấy quán rượu, mấy hiệu buôn… Tất cả lộ một sự thiếu tin tưởng, một lối sống tạm bợ, cái tâm lý ăn xổi ở thì. Nhà nát không buồn chữa, tường bẩn không muốn quét vôi, cửa long lấy một sợi dây thép buộc qua loa. Chân giường gẫy thay bằng mấy hòn gạch xếp bên nhau. Đồ đạc toàn là đồ đạc của của đồng bào thị xã tản cư để lại. Những thứ tốt, bọn võ quan Pháp, Việt gian đầu sỏ lấy về chỗ chúng ở để dùng. Còn lại là những thứ mối mọt lòng gãy, ọp ẹp chẳng ra hồn. Những đồ đạc mới rất ít, có nữa chỉ là những thứ xấu xa bằng gỗ tạp. Buôn bán gồm mấy hàng tạp hóa, mấy quán rượu, mấy hiệu ăn. Anh ngụy binh ra hàng cho biết rằng: hồi Pháp còn đóng nhiều vị trí, kiểm soát được một số dân không thể bỏ ruộng đất mà đi, những người dân bắt buộc phải giả vờ theo chúng nó, cứ đúng kỳ hạn phải đến trình giấy, nên thị xã còn có người lui tới. Bấy giờ chúng bày ra những trò bán vải, mở sòng bạc ngay giữa chợ, để dử một số dân đi chợ. Nhưng từ ngày chúng bị ta vây chặt, thị xã đứt hẳn mọi liên lạc với ngoài, buôn bán rút lại chỉ còn một số nhỏ người quẩn quanh mua, bán lẫn của nhau. Một vài kẻ sừng sỏ, dùng tiền hay gái, dựa vào thế lực mấy thằng quan, được chúng nó cho về Hà Nội buôn hàng Tây lên bán cho Tây: mấy đứa con buôn vô liêm sỉ ấy làm giàu. Mấy thằng nửa ma cô nửa bồi tiêm, mấy con mẹ tứ chiếng giang hồ mở quán rượu, tiệm hút, nhà thổ hay cả ba thứ ấy hỗn hợp với nhau kiếm ăn về bọn lê dương. Vợ ngụy binh, chị nào được chồng khéo xoay thì sống dựa vào chồng, chị nào phải chồng vụng xoay thì vừa sống dựa vào chồng vừa sống dựa vào các thứ Tây trắng, Tây đen hay ngụy binh không phải là chồng. Những chị hiền lành buôn bán cò con hoặc làm phu sân bay hay tất cả những người nghèo đói khác bị Tây đi càn quét bắt về. Cuộc sống ô nhục, bứt rứt và tẻ nhạt. Thức ăn thường ngày của Tây là đồ hộp: các thứ cá hộp, thịt bò hộp, bắp cải hộp… anh em dân công ta mới vào thì tưởng là quý hóa, nhưng phải ăn tạm mấy hôm đã chán kinh, phát ốm rồi. Gạo phát cho ngụy binh và phu là gạo tải từ Sài Gòn ra, trông thì trắng lắm, nhưng ăn thì nhạt nhẽo là khét lẹt vì là gạo máy và cũ quá, thường thường là đã mục. Tôi có cảm tưởng như chưa một bức tường nào được quét vôi lại một lần nào. Chúng mới chỉ phá được một ít nhà để lấy gạch bịt cửa những cái nhà khách cho lính của chúng nằm. Chúng đắp những ụ súng, đào những đường hầm. Chúng treo được rất nhiều dây thép gai để treo những chiếc ống bơ gỉ lên. Nghĩa là biến cả một cái thị trấn xinh xinh thành một chốn ẩn nấp rất bẩn thỉu để chui, hàng ngày ăn đồ hộp và gạo mục, nơm nớp đợi ta tấn công vào! Ngoài những thức ấy ra, chúng mới chỉ làm được một cái nghĩa địa ngót ba trăm mộ.

    Chỉ có ngót ba trăm mộ thôi ư? Hơn một nghìn ngày, chạm phải hàng mấy trăm cuộc phục kích, đột kích, chống càn quét của bộ đội và du kích ta, là còn sốt rét, đi tả, thương hàn với trăm thứ khác nữa, chúng phải chết đến mấy nghìn. Mấy nghìn mạng con người mà chỉ còn giữ được có ngót ba trăm xác! Ngay cái nghĩa địa cũng không xứng đáng. Tôi nhìn kỹ từng ngôi mộ. Mỗi mộ một con số, một tên người. Tôi nhận ra mấy tên võ quan Pháp, chết ngay trong trận nhảy dù xuống Cao Bằng. Đây là những mộ người Âu, phân biệt bằng những hình thập tự. Đây là những mộ lính da đen, có hình mặt trăng vẽ trên mộ chí, đếm thấy nhiều hơn. Nhiều hơn cả là những mộ ngụy binh, chúng đề là “Partisan”.

    Tôi đọc những dòng chữ: “Chết cho nước Pháp”… “Chết vinh quang”… rất mỉa mai.

    Chết cho nước Pháp! Chết vinh quang! Mẹ già, vợ dại có lẽ khóc đến giờ vẫn chưa nguôi.

    Bọn buôn máu và mồ hôi đã biến những chữ thiêng liêng thành tờ giấy bạc giả đổi lấy tính mạng những người khờ dại…

    Chung quanh thị xã Cao Bằng, cỏ gianh phồn thịnh lắm. Có những con đường hoàn toàn bị vùi dưới cỏ gianh. Những con đường khác chỉ còn được một tí mặt đường, hai bên là cỏ gianh dày và ngập đầu người. Người ta không còn nhận ra những nền nhà ở cạnh đường, cỏ gianh đã mọc rậm như rừng. Cỏ gianh chờm lên tận mái một ngôi đền, chỉ còn thò một tí nóc đen ra. Cây hoang cỏ dại mọc um tùm che kín những bản thôn lẻ tẻ, bị đốt phá dở dang, chỉ còn sót lại một đôi nhà, cửa vách trống hoang không còn một tí đồ đạc nào ở bên trong, dường như không có người nào ở, nhưng thật ra vẫn có dăm, ba người ở. Những ông già lẩn lút ở lại, chăm nom những mảnh ruộng khuất, trong khi vợ con tản cư đi làm ăn chỗ khác.

    Tôi vào nhà cụ già đã ở lại làng suốt trong thời kì tạm chiếm. Cụ đã bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn khỏe lắm. Cụ bảo: “Tôi như con ngựa của thằng Tây: cả ngày không ngủ, cứ ăn cơm tối xong mới đi nằm, ngủ một giấc cho đến sáng”. Một mình cụ làm ba mẫu ruộng, thóc ăn không hết, giấu giếm một ít gần làng, còn bao nhiêu con về gánh ra ngoài. Mắt còn sáng, xỏ kim lấy được. Nghe động, chạy nhanh như con cầy, con cáo, lẩn cũng tài như con cầy, con cáo; nhưng hôm nào chúng nó đến tận nơi mới biết, không kịp chạy, cụ làm ra bộ già yếu lắm, lưng còng xuống, mắt hấp hem, vừa thở vừa ho sù sụ, nói bải hoải tai nghiêng nghiêng ghé ghé, mặt ngẩn ngơ như người điếc đặc. Chúng nó chửi, cụ gật đầu, móm mém cười đần độn. Thỉnh thoảng lại thở dài, chán nản: “Con theo Việt Minh đi đâu mất rồi, không biết. Cụ già lắm, đi tản cư không làm gì nên ăn, ở nhà giồng bẹ thôi”. Một lần một thằng Tây lại quát vào tai cụ hỏi: “Có thấy Việt Minh không?”. Cụ chắp tay khúm núm, cười cười bảo: “Vợ chết rồi. Vợ chết rồi. Vợ chết lâu lắm rồi…”.

    Cụ kể với tôi những chuyện như vậy và cười khoái chí. Cụ bảo tôi: “Sao nó hỏi ngu thế nhỉ? Có thấy Việt Minh không? Việt Minh đây chứ Việt Minh đâu! (chỉ chỉ vào ngực cụ…). Rồi nó lại nói: có thấy bộ đội không? Sao không thấy, nhưng ai bảo nó? Tôi vẫn dẫn đường cho bộ đội, cho du kích. Bộ đội, du kích vẫn ăn cơm nhà tôi luôn. Hôm nào có anh em, tôi ra tận đường canh gác, nhỡ có chúng đến thì báo hiệu cho anh em biết…”

    Thấy tôi mở bản đồ ra xem, cụ cũng ghé lại xem. Cụ bảo tôi.

    Bản đồ gì đây?

    Bắc Bộ.

    Có tỉnh Phú Thọ không?

    Có đấy. Phú Thọ đây.

    Tôi chỉ một cái khoanh tròn nhỏ tí. Cụ thích lắm, hỏi them.

    – Yên Bái chỗ nào?

    Thấy Yên Bái rồi, lại hỏi:

    – Sơn La?

    Tôi chỉ Sơn La. Cụ hỏi:

    Ở Tây Bắc có phải không?

    Vâng, Tây Bắc.

    Chuyến này có đánh trận nào không?

    Đánh Pa Kha, chỗ này đây.

    Tôi chỉ trên bản đồ và thuật lại cho cụ nghe những trận đầu tiên của bộ đội và nhân dân Tây Bắc đánh để phối hợp với bên này.

    Cụ lại càng thích lắm. Cụ bảo tôi.

    Con thứ hai ở mặt trận Tây Bắc đấy. Trước làm trung đoàn trưởng V… Đồng chí có biết không? Cụ kể chuyện anh.

    Nó hoạt động lâu rồi, từ hồi Nhật chưa sang. Nó được sang Trung Quốc học. Ngày ấy, tôi sợ Tây bắt nó nên bảo nó: “Con đi theo cách mạng, đánh Tây, cứu nước, thầy cũng biết là phải lắm. Thầy cũng muốn đánh Tây, cứu nước, nhưng không thấy con có một khẩu súng, viên đạn nào, mà Tây thì có nhiều súng đạn, thì con đánh nó làm sao được?”. Nó bảo: “Thầy đừng lo! Rồi bao nhiêu súng đạn của chúng nó sẽ thành của ta cả đấy”. Tôi nghe nó nói vậy cũng biết vậy, nhưng không hiểu ra sao. Bây giờ thành ra thật: của cải của Tây ở Đông Khê, ở Cao Bằng, thành của ta rồi nhỉ? Lấy được bao nhiêu súng đạn thế, tha hồ đánh. Đánh được chúng nó, lại được thêm súng đạn…

    Tôi từ nhà ké, quay trở về thị xã. Mưa vừa mới tạnh. Chiều rồi. Trời ảm đạm. Mây vướng trên các đỉnh đồi. Người đợi vào thị xã tránh mưa cả trên đường sá vắng ngắt. Nước sông Hiến trôi không tiếng động. Chiếc cầu đen thủi vương qua sông không một bóng người. Thành phố im lìm. Trông từ đằng xa nó giống như một mảnh đồ chơi cũ kỹ của một thằng bé đã chết, lâu ngày bị bỏ quên giữa những đồi trọc bãi hoang. Bên trên cái bãi hoang lạnh của đồi, bãi mênh mông là cái hoang lạnh mênh mông của trời chiều. Đã có biết bao nhiêu buổi chiều ảm đạm như thế rồi? Những cái lô cốt chót vót, cô lẻ giữa cảnh đất trời hoang vu và bát ngát. Người lính Pháp xa quê hương, nghĩ ngợi gì, khi đứng trên những lô cốt trơ vơ giữa không gian lạnh lẽo kia, những chiều buồn? Anh tình báo của bộ đội ta một mình vào vùng địch, nằm ở cái nhà nát của ông ké, trong một ngõ xác xơ, thấy ấm lòng và vững dạ biết bao? Không cái gì có thể thay thế được lòng người. Tên lính Pháp đứng gác trên lô cốt, mặc dầu có công sự chắc chắn và vũ khí lợi hại trong tay vẫn thấy mình lạnh lẽo, cô độc và nhỏ yếu.

    Tôi đã vào một quán rượu, trước đây bọn chúng hay đến nhất. Đó là một cái nhà ọp ẹp, một tầng mà cũng vẻn vẹn có một căn. Hai bộ bàn ghế lùn bằng gỗ tạp, một cái quầy còn lổng chổng những chai cốc, sặc sụa mùi rượu mạnh, đồ đạc không có gì đáng chú ý, ngoài vẻ tồi tàn. Thềm nhà tiết ra hơi ẩm. Ba bức tường có vẽ.

    Bức tường bên phải vẽ một cảnh phố như ở Pari. Phố rất đông người nhưng làm sao trông rất quạnh hiu? Những cặp trai gái khoác tay nhau, đi vật vờ như đi trong cõi hoang lạnh của mình. Một anh đi đường mặt chưa già nhưng dáng người lụ khụ, mặt húp híp, bì bì trên đôi vai cụp xuống, bên cạnh một chị người xộc xệch, mặt phờ phạc, đầu ngoẹo xuống vai và hai mắt nhìn xuống đất. Bức tường bên trái vẽ một cảnh loạn xạ hơn, một cảnh đua ngựa, một cảnh đánh bài, một anh chàng lảo đảo, ngước cổ dốc ngược một cốc rượu vào mồm bằng một tay và tay kia cầm sẵn cái chai để rót thêm, một lão già híp mắt nhìn thân hình con gái lõa lồ, những cặp khiêu vũ nhảy như điên, tất cả cái ấy quay cuồng chung quanh cái tháp Ephen nghiêng ngả, có chăng cờ của Pháp, Mỹ, Anh cùng với cờ của Giáo hoàng, và bên trái nữa, ở chỗ sát mây, một cái biển viết một dòng chữ Pháp: “Septième ciel à louer – Tầng trời thứ bảy cho thuê!…”. Bức thứ ba, vẽ ở góc bên phải bức tường trông ra cửa, giản dị hơn. Đây chỉ là một cảnh quen thuộc với đội quân viễn chinh Pháp ở đây: một gã lê dương cao lớn, một tay xách tai một con lợn, khiêng nó với một gã lê dương khác, tay kia giơ cao lá cờ ba sắc, mặt hớn hở, mồm há hốc như hô to một khẩu hiệu lớn lao nào đó, sau lưng là một chú ngụy binh xun xoe, đê tiện, tay cầm gà…

    Tôi rời thị xã Cao Bằng để đi về phía Lạng Sơn, bấy giờ cánh quân vừa bỏ thị xã Cao Bằng cũng như những cánh quân đi đón nó, đi cứu nó – chín tiểu đoàn vào hạng tinh nhuệ và gan góc bậc nhất của Pháp – tất cả đã tiêu tan. Hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng. Biên giới không còn bị khóa. Một số đường giao thông cần thiết trở về ta. Đồng bào Cao – Lạng cày cấy lại được những ruộng đất bị bỏ hoang. Đồng bào toàn quốc vui mừng. Thế giới dân chủ vỗ tay, hoan nghênh trận chiến thắng lớn của Việt Nam. Nỗi vui chiến thắng, chan hòa ở trong lòng mọi người, như chiếu rọi cả ra ngoài, rung lên thành ánh sáng trong nắng óng ả mùa thu. Con đường rậm rịt đang được những con người ca hát sửa sang. Giặc đã bị đánh lui, cái hoang vu cũng bị đánh lùi theo. Người tấp nập trở về. Những người lẩn lút trước đây, bắt đầu sống ngang nhiên. Nhà nát chữa lại, nhà mới dựng thêm. Lối đi được phát quang. Qua các bản, các thôn, đã nghe tiếng gà lợn, tiếng gà con. Từng cánh ruộng cỏ gianh đốt, thơm mùi cỏ mật. Nay mai lại mắc máng dẫn nước vào, lại cày lên. Lúa thuần thục trở về, thay thế loài cỏ dại…

    Tôi đọc thấy những lời cáo thị của ủy ban kháng chiến hành chính địa phương, kêu gọi những đồng bào đã lầm đường hoặc bị ép đi theo giặc, còn tản mát ở các nơi, hãy trở về. Và tôi gặp họ trở về. Chính họ ngạc nhiên: Pháp vẫn dọa họ rằng Việt Minh sẽ báo thù, họ cũng có nghi ngại một đôi phần, họ không ngờ việc trở lại của họ lại gọn ghẽ, dễ dàng đến thế. Bộ đội ta cho họ nhập vào các đội dân công. Khi hết nhiệm vụ rồi, họ được về nguyên quán.

    Một bọn vào ngủ nhờ cùng với chúng tôi, trong một cái quán của một chị Thổ vừa dựng ở ven đường. Họ tự xưng là những người buôn bán ở Cao Bằng, bị Pháp bắt đi. Chị Thổ nhìn họ chăm chăm, rồi quay vào, nói nhỏ với tôi:

    Không phải người buôn bán đâu, anh ạ! Tôi hỏi:

    Sao chị biết?

    Em nhận được mặt một người. Người đứng tuổi, mặc áo tây đen, đứng mãi ở bên kia đường, anh có thấy không? Nó làm việc với Tây đấy. Nó là Páctidăng già, chứ buôn bán gì!

    Sao chị biết?

    Em vẫn ở đây, em lại gì? Em nấp trong bụi, trông thấy nó luôn. Có lần nó đứng trên kia, sai lính xuống vườn nhà em, cắt quả bí. Em giận lắm. Trông thấy cái mặt nó, ghét, cũng chẳng muốn cho uống nước nữa. Nhưng nghĩ cho cùng thì Chính phủ tha cho người ta còn được nữa là mình… Tay cũng có ngón dài, ngón ngắn, phải không anh? Người cũng có người khôn, người dại.

    Tôi tán thành ý kiến chị. Chị quay ra đổ nước thêm, mời mấy người đang uống, rồi gọi với sang người mặc áo tây đen, ngồi mãi vệ đường bên kia.

    – Mời bác sang đây xơi nước. Có nước nóng.

    Người kia do dự một tí rồi mới sang – có lẽ vì cũng biết mặt chị hàng. Anh ta có vẻ hơi ngượng. Nhưng chị đổ nước cho anh ta một cách rất tự nhiên và hỏi chuyện anh ta vui vẻ… Tôi nghĩ đến chị Nùng có chồng theo quân của Tưởng Giới Thạch rồi theo Pháp. Nếu anh ta còn sống, vẫn có thể trở về với vợ con. Chính phủ khoan hồng. Đồng bào rộng lượng. Nhưng liệu anh ta có còn sống nổi không, hay là đã tan xác trong khi bị đẩy ra đỡ đạn cho Tây ở Cốc Xá, Khâu Luông hay nơi nào rồi?

    Tôi gặp ở Đông Khê một đội tân binh gồm toàn những người ngụy binh mới ra hàng ta trong trận vừa rồi. Khi thấy Tây bị ta chặn đánh, họ đã quay sang bắn lại Tây rồi chạy sang với bộ đội ta. Cảm kích về cách đối đãi thân ái của bộ đội ta, họ không muốn về quê, họ xin tòng ngũ để đi đánh giặc lập công, chuộc những lỗi lầm trước. Tôi đến vào lúc họ đang học hát. Bây giờ họ mới biết được những buổi tối sinh hoạt của anh em Vệ quốc quân. Họ thấy khác xa với cái đời làm lính cho đế quốc trước đây. Họ có cảm giác như người vừa sống lại.

    Không phải chỉ những ngụy binh mới cảm thấy nỗi sung sướng được thoát khỏi tay đế quốc. Lính Âu, lính Phi cũng đều cảm thấy. Tôi gặp trên đường nhiều tù binh hoặc da trắng, hoặc da đen. Họ không có vẻ là những người bị bắt mà lại có vẻ những người mới thoát tù. Họ cười đùa. Một anh hút cái tẩu vừa lắc lư cái đầu một cách hài lòng, bảo:

    – Thế là tổng phản công rồi!

    Ông giáo đang nói chuyện với anh, lắc đầu bảo:

    Chưa phải là tổng phản công. Anh ngạc nhiên:

    Tại sao chưa?

    Chúng tôi còn phải đánh nhiều trận to hơn nữa.

    Vậy thì các anh đánh luôn đi! Tôi nóng lòng về nước lắm…

    Có những anh đáng lẽ chỉ còn mấy ngày nữa là đến hạn được hồi hương. Một anh bảo:

    – Tôi viết thư báo cho vợ tôi biết tôi sắp được về. Được tin này chắc nó lại tha hồ mà khóc!

    Anh ngẩn mặt ra một lúc rồi anh nhổ bọt và chửi tục. Tự nhiên một anh bật lên, giơ nắm tay, phùng má, trợn mắt hô:

    – Treo cổ Sác-tông lên!

    Tôi còn gặp nhiều toán đồng bào, phần đông là phụ nữ bị địch bắt lên máy bay tải từ Cao Bằng về Lạng Sơn được bộ đội ta giải phóng, lũ lượt kéo nhau trở lại Cao Bằng. Chồng con bị Tây bắt đi cùng với chúng, chẳng biết sống chết ra sao, lạc lõng ở đâu. Họ bị bọn lính Pháp lục soát, có vòng, nhẫn, tiền hay vật gì đáng giá, tước hết cả rồi. Sau khi đã để mặc cho bọn lính làm cái việc ăn cướp trâng tráo ấy, bọn chỉ huy còn bảo họ: “Các quan đi ít lâu rồi lại trở lại đây. Ai đi được thì đi. Ai không đi được thì ở lại. Nhưng ở lại thì coi chừng Việt Minh nó vào nó cắt đầu cả lũ!”. Có những người ngờ nghệch, vẫn còn tin lời chúng. Họ đi theo. Bị ta đuổi riết, chúng thúc đi nhanh. Những người còn phải mang con nhỏ, không đi nhanh được, chúng bắt đặt con xuống đường, bỏ đấy mà đi. Chúng đi rồi, đồng bào ở ven đường thấy có trẻ con bỏ đường ẵm về nuôi. Người ta kể chuyện rằng: vợ một tên Việt gian, không đi theo kịp, thấy chồng đi mất rồi, bơ vơ với một đứa con bế ngửa, sợ quay về cũng bị ta giết, liều lĩnh ném đứa con xuống sông rồi nhảy theo. Những người trông thấy, cũng đang lo sợ, nên chỉ ngồi xúm lại với nhau mà khóc lóc, chẳng ai can. Trông họ đi lếch thếch mà ái ngại! Những người mẹ mắt đỏ hoe giàn giụa nước, gánh những đứa con mặt nhếch nhác, ngẩn ngơ. Những đứa trẻ mặt buồn thỉu hay nhăn nhó, chân quấn giẻ để đi trên đá cho đỡ đau, không còn muốn bước. Những ông già mặt phờ phạc, ngồi xuống vệ đường để rên và thở. Họ bị lừa dối quá lâu, sự thật ở ngoài vùng tự do bị lũ giặc che đậy, bưng bít, xuyên tạc hết. Cuộc giải phóng đột nhiên mở toang các thị trấn, làm họ tiếp xúc lại được với đồng bào ở bên ngoài, với cuộc sống ở bên ngoài. Họ ngạc nhiên khi qua Thất Khê san sát những cờ đỏ sao vàng vẫn thấy rất đông những người Pháp đi đứng rất ung dung. Trong một thị trấn đã về ta, đã đầy những bộ đội chiến thắng của ta, vẫn còn những người Pháp cười nói, đi bách bộ trong vườn hay ngồi hút thuốc lá một cách yên hàn, bình tĩnh thế kia ư? Lại có cả tàu bay Pháp ở sân bay nữa! Thế là nghĩa làm sao? Một người đàn bà tức quá, không chịu được. Chị đặt cái gánh trẻ con xuống, hỏi một anh bộ đội đi qua.

    – Đồng chí ơi, có phải ta với Pháp đình chiến rồi không?

    Anh bộ đội ngạc nhiên, nhìn chị từ đầu đến chân, rồi nghiêm khắc hỏi.

    Ai bảo chị?

    Không. Nhưng em thấy người Tây ngồi nhan nhản cả kia? Anh bộ đội bật cười.

    Đó là những tù binh, lính Pháp ta bắt được.

    Thế chiếc tàu bay kia?

    Ta cho chúng nó đem tàu bay đến để tải một số xác chết và một hố Pháp bị thương về Hà Nội. Cái này hỏng máy, không có người chữa, chưa đi được. Ta cho gửi…

    Sao lại thế? Họ đã thấy mỗi lần Pháp bắt được ta, bất kể là bộ đội du kích hay có khi chỉ là những dân thường bị tình nghi, chúng tra tấn dã man, rồi chúng cắt tiết hay chặt đầu đem bêu ra phố cho mọi người trông thấy. Họ không ngờ cách ta đối đãi lại với chúng nó lại dễ dãi, khoan hồng đến thế…

    Tôi trở về hậu phương. Luôn mấy tháng nay, các vùng hậu phương ở đây cũng vắng hẳn người như ở Cao Bằng, dân đi phục vụ tiền tuyến cả. Nhưng bây giờ thì đồng bào đi phục vụ tiền tuyến đã về. Lập tức họ đổ xô ra đồng, gặt hái ngay. Các cán bộ họp để rút kinh nghiệm về việc huy động dân công phục vụ chiến dịch vừa qua mới được giải phóng, đề ra bao nhiêu việc phải làm, tổ chức các việc tăng gia sản xuất, giáo dục nhân dân, phát triển dân quân du kích… Phải cung cấp thêm cán bộ các ngành cho các vùng ấy, để trong một thời gian ngắn, hết sạch những ruộng hoang, những khối óc mù mịt, do lũ giặc đã gây ra trong mấy năm chiếm đóng… Những đồng bào tản cư nhộn nhịp trở về với ruộng đất cũ của mình. Họ bỏ nghề buôn bán tạm bợ để quay lại với công việc sản xuất vững chắc hơn. Mấy phố buôn bán vãn hẳn những tiệm cà phê, những hàng quà. Hàng giảm giá, gạo rẻ hơn: một phần vì người ta nóng nảy muốn về ngay, bán rẻ cho chóng hết nhưng một phần cũng vì chiến dịch thắng lợi mở cho người ta nhiều triển vọng…

    Tôi về thị xã. Gặt hái vừa xong. Nhà nào cũng làm bún, bánh giầy, giết gà, vịt ăn Tết tháng Mười. Vẫn là theo cái tục hàng năm. Nhưng Tết cơm năm nay có ý vị riêng, đồng bào vừa ăn Tết, vừa ăn mừng chiến thắng. Họ băn khoăn một điều, không hiểu bộ đội có được nghỉ ngơi, ăn mừng chiến thắng không? Họ đã được trông thấy bộ đội đánh giặc cực kỳ vất vả, đánh luôn mấy ngày liền, bỏ cả ăn để đánh, ăn bí xanh để đánh, bởi còn chạy đuổi giặc, cấp dưỡng không đuổi kịp. Ăn hạt gạo mới nhớ đến công lao cày cấy, chăm bón suốt một mùa, nhưng cũng nhớ đến người chiến sĩ đuổi giặc, giữ gìn thóc lúa cho dân. Xã này cũng như tất cả các xã khác đều có nuôi sẵn bò, lợn để bộ đội ăn mừng chiến thắng: chưa thấy người về lấy.

    Tôi rất cảm phục cái tinh thần giác ngộ của những người nông dân miền núi còn rất chất phác này. Bây giờ nhiều người khi ốm thích tiêm thuốc hơn là mổ gà, mổ lợn cúng ma. Đó chỉ là một hiện tượng mới thấy chừng hơn một năm nay. Nhưng từ hơn một chục năm trước, đã rất nhiều người tin cách mạng rồi. Các nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn… là những người được đồng bào ở đây nhắc đến nhiều, bằng giọng nói và lời lẽ rất cảm phục, rất mến yêu, trong những câu chuyện nói với chúng tôi vào những buổi tối ngồi nướng sắn quanh bếp lửa. Từ hơn một

    chục năm trước, ở đây đã nổ ra những cuộc chống đi phu, chống nộp thuế cho đế quốc. Đế quốc đã bắt bớ, chiếm giết, tù đày rất nhiều người. Chúng nó đã đốt làng, dồn làng, bắt dân ở tập trung cả một chỗ, ngày đêm canh gác. Nhưng cách mạng vẫn âm ỉ như thường để những cuộc tranh đấu thỉnh thoảng lại bùng ra. Bị dập ở chỗ này, cách mạng lại lan ra chỗ khác. Nó len cả vào những xã tập trung, có lính canh gác ngày đêm – lính canh gác, gần gũi những người dân cách mạng, dần dần cũng theo cách mạng. Bọn thực dân dùng trăm hình, trăm cách cũng không làm tắt nổi phong trào. Năm 1940, nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Cái mầm võ trang tranh đấu được Đảng cộng sản Đông Dương săn sóc, chăm nuôi. Nó lớn lên. Nó lan xuống Đình Cả, Võ Nhai rồi tỏa ra cả Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang. Nó nối liền với phong trào Bắc Cạn, Cao Bằng. Từ chiến khu Cao – Bắc – Lạng, cuộc tranh đấu tiến xuống phía Nam, bao trùm cả Việt Bắc, rồi toàn quốc, rồi Tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn đất nước.

    Người Bắc Sơn nhắc lại bước đường trước ấy vào dịp giải phóng Cao – Lạng này.

    Chúng tôi được tin giặc phải rút khỏi Lào Cai, Hòa Bình. Bộ đội liên khu III diệt hai mươi vị trí địch, bức chúng rút ba mươi vị trí. Chắc chắn rằng ở Trung Bộ, ở Nam Bộ, giặc cũng bị thiệt hại nhiều trong những trận bộ đội ta ở những nơi ấy đánh để phối hợp với Cao – Lạng vừa rồi. Chúng nó đang kêu gào Mỹ giúp thêm. Chúng nó cho tàu bay đi bắn phá bừa bãi các chợ, các phố, các làng, bắn cả đến đàn trâu dưới ruộng, tốp người lẻ tẻ bên đường. Chúng nó đang bắt người, cướp thóc ở các vùng tạm chiếm để lập ngụy quân; cũng có nơi chúng nó lại lùng giết hết những thanh niên nam nữ chỉ để lại những người già, yếu… Ta thắng lợi thì địch tất phải đối phó mạnh hơn. Chúng ta còn phải vượt nhiều dốc lắm. Có điều chúng ta không sợ dốc…

    Đồng bào ở xã tôi tạm trú cũng tin như vậy. Mặc dù địch xa, họ không coi thường địch. Họ cất giấu thóc lúa, đào hầm để tránh máy bay khủng bố. Họ thảo luận chương trình, tăng gia sản xuất mùa chiêm. Họ tăng cường du kích, dân quân. Nhiều người đi lên tỉnh đầu quân. Cái đà mạnh đã có rồi, phải nhân đó mà đẩy cho cuộc chuẩn bị tổng phản công thật mạnh, thật nhanh. Địch đã bị một vết thương đau. Phải đánh cho chúng túi bụi, không thể nào gượng lại được nữa. Cao – Lạng đã giải phóng nhưng toàn quốc chưa giải phóng thì Cao –Lạng vẫn chưa yên ổn. Nhân dân Cao – Lạng vẫn sẵn sàng đi dự các chiến dịch khác, cũng như đồng bào ở Trung du, ở đường số 5 đã gửi những đoàn vận tải lên Cao – Lạng.

    Cao Bằng 7-10-1950

    Bắc Sơn 24-10-1950

    (Tạp chí Văn nghệ số đặc biệt mừng chiến thắng Cao – Lạng)
     
  4. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Hội Nghị Nói Thẳng
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    Bấm để xem
    Đóng lại
    “… Tập luyện kỹ. Trang bị đủ. Tất cả những điều kiện vật chất chuẩn bị đủ cả rồi. Nhiệm vụ cũng đã hiểu rõ lắm rồi. Nhưng nếu trong bộ đội còn có người thắc mắc, buồn bực, chán nản trong lòng, sức chiến đấu chung sẽ giảm đi. Phải cho họ trút tất cả những cái gì bấn vương đầu óc họ ra. Có điều gì canh cánh trong lòng, nói ra cho bằng hết. Muốn nói gì thì nói: phê bình cách đối xử của cán bộ từ cấp dưới đến cấp cao nhất, phê bình Cục, phê bình Bộ, phê bình Chính phủ… cứ việc phê bình; rồi chuyện nhà cửa, vợ con… cho nói tất. Nói để tìm cách giải quyết cho họ hả. Có vậy họ mới có thể nhẹ lòng thênh thênh đi ra trận, để hết tâm trí vào chiến đấu…”.

    Câu chuyện vừa đến đây, anh chính trị viên dừng lại. Chúng tôi đã đến trước một cái nhà sàn lớn. Dưới gầm sàn sạch sẽ, các đội viên đang tới tấp lĩnh quần áo, giầy, bạt, bình toong. Họ ướm thử. Họ hỏi nhau. Họ cười nhau… Anh chính trị viên đứng ngoài bóng tối với tôi nhìn. Ánh lửa hắt ra soi rõ trên mặt anh một nụ cười sung sướng.

    Chúng tôi lên sàn. Các khẩu hiệu viết trên giấy màu sặc sỡ cả chung quanh. Những khẩu hiệu rất vui “Nói hết! – Nói toạc móng heo – Người nói không e ngại, người nghe không giận – Yêu nhau mới nói thẳng với nhau – Không nói thẳng là không đoàn kết…”.

    Mất phút sau, các cán bộ lên, rồi cả trung đội lên. Hội nghị cử chủ tịch, thư ký rất nhanh. Rồi bắt đầu nói thẳng.

    Chủ tịch đứng lên.

    Các đồng chí chú ý! Tôi đề nghị tiểu đội 1 nói trước. Chúng ta lần lượt phê bình các cán bộ, từ tiểu đội lên đến trung đoàn, sau đấy có những vấn đề gì thắc mắc trong bộ đội, nói hết ra. Rồi những điều thắc mắc ngoài bộ đội. Bắt đầu, ta phê bình anh tiểu đội trưởng. Mời anh tiểu đội trưởng lên.

    Một thanh niên chừng độ hai mươi tuổi đứng phắt dậy giữa đám đông lố nhố, anh sấn sổ bước lên phía bên phải chủ tịch và thư ký. Anh ta ngồi xệp xuống, xếp bằng tròn, tì cổ tay lên đùi và cầm sẵn bút chì, ưỡn thẳng cái đầu lên toét miệng cười và dặng hắng. Một thứ tiếng mạnh bạo bật ra.

    – Yêu cầu các đồng chí kể tội tôi. Tôi thì nhiều tội lắm!

    Một người dặng tiếng thật to đáp lời anh. Mọi người cười. Chủ tịch mới cười được một nửa, sực nhớ ra, cố làm nghiêm và trịnh trọng:

    Yêu cầu im lặng! Các tổ đã hội ý với nhau trước cả rồi, phải không? Yêu cầu nói. Một cánh tay vung lên khỏi những cái đầu san sát.

    Tôi xin nói.

    Nhiều cái đầu động đậy, quay mặt nhìn vào phía người xung phong nói. Anh ta nói:

    Tôi có ý kiến là anh hay gắt lắm. Anh em tập hơi luống cuống một tý là quát ngậu lên. Anh Thản mới nhập ngũ, cố nhiên còn chậm chạp. Thế mà hơi chậm một tí là anh tiểu đội trưởng gắt: “Tay hậu đậu, gờ guộng như con khẹc!”.

    Anh tiểu đội trưởng xích cái đùi lại bên đèn, ngoẹo đầu, xếch một bên mép lên, hí hoáy ghi. Chủ tịch chắp hai tay dưới cằm, nghếch mặt nhìn bao quát mọi người.

    Thế nào? Các đồng chí khác thấy có đúng không?

    Đúng ạ!

    Đúng thế nào?

    Thế ấy ạ! Anh ấy hay nhiếc anh em.

    Đồng chí đã bị nhiếc lần nào chưa?

    Có ạ! Có một lần tôi ốm, không đi vào rừng lấy vỏ cây vê đan lưới được, anh ấy nhiếc tôi. “Cơm thì nồi lớn, nồi bé, bằng nào cũng hết. Chỉ biết ăn phưỡn bụng ra như cái ró mẹ ấy rồi đủng đà đủng đỉnh kêu nhức đầu, sốt rét”. Chúng tôi vào bộ đội mục đích để cứu nước, chứ có phải để kiếm cơm đâu?
    Cơm là cơm Chính phủ, chúng tôi ăn chúng tôi khắc phải nghĩ, chúng tôi có lỗi thì phê bình, cảnh cáo, việc gì phải nhiếc móc như chủ nhà với thằng ở vậy?

    Chủ tịch đưa bàn tay úp sấp ra phía trước, gật đầu:

    – Được rồi! Các đồng chí khác?

    Các đội viên tranh nhau kể. Đại khái toàn là những câu hỏi nặng, những cử chỉ cục cằn. Chủ tịch hỏi:

    Anh em đồng ý là anh tiểu đội trưởng hay gắt gỏng có phải không?

    Đồng ý.

    Còn gì nữa?

    Im lặng, người nọ ngoái nhìn người kia. Chủ tịch nhắc lại.

    Ngoài tính hay gắt, anh tiểu đội trưởng còn có tính xấu nào nữa không? Hai ba tiếng cùng kêu

    Hết.

    Bây giờ tiểu đội trưởng cố cười, rồi anh cất giọng trả lời:

    Tôi xin nhận là tôi có nóng tính. Lúc tức lên thì nói năng không được ôn tồn. Nhưng xin anh em cũng xét cho rằng thật ra trong anh em cũng có đôi, ba người không tích cực. Mà tôi thì sốt ruột, muốn anh

    em thật hăng hái cho học tập chóng kết quả, công tác chạy, đơn vị ta tiến thật lực để thi đua với các đơn vị khác, chóng giết được giặc cho thật hả. Cơm gạo của Chính phủ chứ có phải cơm gạo của tôi đâu, cho nên tôi nói thế không có ý gì xỉ vả anh em. Nhưng dẫu sao cũng có lỗi, tôi xin nhận và hứa cố gắng sửa chữa. Tôi xin lỗi tất cả những anh em đã bị tôi nói những lời quá đáng…

    Anh ngây mặt ra một lúc, như quên mất những lời định nói. Rồi đột ngột.

    Tôi nói hết.

    Hoan hô!

    Tiếng vỗ tay đôm đốp. Đám đông nhốn nháo, tiếng cười nói trào lên. Chủ tịch đứng lên.

    – Yêu cầu im lặng. Mời anh tiểu đội trưởng về. Bây giờ đến lượt anh tiểu đội phó, mời anh lên.

    Anh tiểu đội phó bẽn lẽn lên. Anh là người Thổ. Anh lẳng lặng ngồi xuống, nhìn vào đám đông, ngập ngừng không nói. Có tiếng cười nho nhỏ ở phía dưới. Chủ tịch muốn lấp đi.

    Yêu cầu các đồng chí phê bình.

    Tôi xung phong nói trước.

    Đồng chí nói.

    Anh tiểu đội phó lì xì quá.

    Chủ tịch ngẫm nghĩ một giây rồi bảo:

    Đồng chí tiểu đội phó lì xì có lẽ chỉ hại cho công tác của đồng chí ấy. Thiếu tư thế quân nhân, cử chỉ nói năng không mạnh dạn. Phê bình vào một cuộc hội nghị bình cán thì đúng. Nhưng ở đây chỉ nói đến cái gì đụng chạm đến quyền lợi của anh em, tôi tưởng không cần đưa điểm lì xì.

    Có ạ.

    Có thế nào?

    Có hại cho anh em ạ! Thí dụ khi đi lĩnh quần áo cho anh em, anh ấy không tranh đấu cứ để các đơn vị khác chọn, lấy hết những cái tốt, đơn vị mình chỉ còn toàn những cái xấu.

    Thế chưa chắc… À! Nhưng mà thôi, để các đồng chí nhận xét thêm.

    Chủ tịch nhận ra mình cứ đối đáp anh em chan chát có thể làm những người không quen nói, rụt rè không nói nữa. Anh nhắc lại.

    Các đồng chí nhận xét thêm.

    Anh tiểu đội phó còn kém thân mật với anh em, cả ngày không nói, không biết là anh giận hay không giận, thành thử có muốn nói chuyện với anh cũng không dám nói…

    Còn nữa. Người ta còn trách anh tham vặt: mượn một cái bát ăn cơm của nhà chủ, lờ đi không trả, người ta kêu cũng không chịu nhận, làm người ta không biết ai lấy đành chịu mất.

    Anh tiểu đội phó phân trần: điểm thứ nhất, vì anh không bản vị, cùng là anh em cả, tranh nhau làm gì? Điểm thứ hai: tính anh ít nói, không phải kiêu ngạo hay quan liêu, lên mặt. Điểm thứ ba: không phải anh tham vặt, chỉ tại anh mất ca, lấy một cái bát của nhà chủ, ăn xong để ở nhà đi tập, về thấy mất, đến lúc nhà chủ kêu, vì không lấy gì mà đền, nên đành ngồi im, không nhận là mình mượn, làm cả anh em mang tiếng, không nhận là mình tham…

    Cuộc phê bình cứ tiếp tục như vậy mãi. Các cán bộ có khuyết điểm đều được chỉ vạch rõ ràng. Anh này có lỗi phạt bắt đứng nghiêm, bắt bò, bắt đứng chuồng trâu, anh em cho thế là làm nhục đội viên, là bắt chước cách thi hành kỷ luật của bọn đế quốc, không biết rằng kỷ luật của quân đội dân chủ nhân dân phải dựa vào tinh thần tự giác của quân nhân. Anh kia chỉ đứng khoanh tay coi anh em chặt tre hoặc cuốc vườn: như vậy là coi thường lao động, là không gương mẫu. Anh có chăn đắp một mình, mặc người bên cạnh nằm trơ, ích kỷ, không thương xót đội viên. Anh thích đội viên gọi bằng “ông”, thích ở riêng, thích bàn giấy thật oai. “rớt” quan lieu. Anh dùng giấy chung viết thư riêng, ăn bớt của công, không liêm khiết… anh em nghĩ thế nào, nói tất, không nể nang, che đậy. Các cán bộ trả lời thẳng thắn và hòa nhã. Điều gì có, nhận là có và xin sữa chữa. Điều gì không, bày tỏ là không, để mọi người nhận xét chung. Nhiều người thấy anh em không vạch lỗi nào, lại tự mình vạch những khuyết điểm của mình, để anh em biết mà giúp mình sữa chữa. Mọi người vui vẻ cả…

    Bây giờ đến lượt những thắc mắc riêng của từng người…

    Tôi!

    Người hăm hở xin nói ấy kể một việc làm nhiều người sửng sốt.

    Hồi tôi mới vào bộ đội, tôi ở đại đội ông C. Một hôm anh ruột tôi đến thăm tôi, cho tôi một nghìn đồng. Ông C biết. Anh tôi về rồi, ông gọi tôi lên, bảo: phải đưa tiền gửi ông, khi nào tiêu sẽ lấy. Tôi mới vào, không hiểu ra sao, nên đưa cả một nghìn đồng gửi ông. Ít lâu sau, tôi muốn mua vải may áo, đến xin ông, ông bảo: để lúc khác. Lúc khác tôi đến, ông cũng không chịu giả. Mấy lần đều như vậy.
    Tôi hỏi anh em. Anh em bảo: không có lệ nào phải gửi. Tôi lại đến đòi ông. Ông gắt với tôi. Tôi sợ phải đi ra. Thế rồi ít lâu sau, ông có giấy gọi lên trung đoàn, rồi đổi đi đâu mất. Ông khác về thay, tôi không biết đòi đâu được nữa.

    Cả phòng im lặng. Không ai ngờ lại có một việc quá ư vô lý thế. Đại diện trung đoàn bộ đứng lên, nghiêm nghị hỏi:

    Ngay sau khi ấy, đồng chí có báo cáo với tiểu đoàn không?

    Không, vì tôi không biết ông ấy phải đổi đi.

    Không cần biết đến công việc ông ấy bị đổi đi. Nguyên một việc ông ấy đã không trả tiền đồng chí, còn quăng súng ra dọa nạt, đáng lẽ đồng chí phải báo cáo cho cấp trên biết chứ?

    Tôi không dám báo cáo. Bấy giờ tôi còn ở dưới quyền ông ấy. Tôi sợ ông ấy thù. Đại diện trung đoàn lắc đầu, cười nhạt.

    Các đồng chí đã thấy chưa? Khi thấy sự trái, phải có can đảm nói. Thù oán cũng không cần. Trông bộ đội ta, đôi khi cũng có người xấu, nhưng bộ đội ta là bộ đội cách mạng, quyết không dung túng những thủ đoạn cai, đội của quân đế quốc. Trung đoàn cũng đã chú ý đến tư cách không xứng đáng của ông C. Vì thế, ông C đã bị gọi về. Không phải đổi đi nơi khác, mà để đưa đi huấn luyện: ông C cần phải có một thời kì kiểm thảo lại tư tưởng của ông, nhìn rõ những vết tích nhơ nhớp, xấu xa để tẩy rửa sạch những tính xấu đi. Bao giờ sửa đổi được, sẽ trở về công tác. Nhờ cuộc hội nghị này, biết thêm được một việc về ông C. Trung đoàn sẽ hỏi ông C. Nếu điều tra ra việc đồng chí gửi tiền là có thật, ông C sẽ phải trả lại tiền đồng chí. Ông C sẽ bị thi hành kỷ luật.

    Việc ấy xong, một đội viên khác giơ tay.

    Tôi cấy rẽ ruộng. Chính phủ đã ra sắc lệnh giảm tô. Khi tôi còn ở nhà, chủ ruộng đã hứa với tôi: mùa sau sẽ giảm. Mùa sau, tức là mùa năm ngoái. Thế mà tôi vừa nhận được thư của vợ tôi, nói rằng: chủ ruộng cứ bắt nộp nguyên như cũ, nếu không thì lấy ruộng về, vì tôi đi vắng, vợ tôi không có quyền giữ ruộng.

    Chị ấy có làm ruộng lấy không?

    Vợ tôi vẫn làm. Chỉ phải thuê người một ít thôi.

    Thuê cũng chẳng sao, chỉ trừ chị ấy nhận ruộng rồi lại cho người khác làm lại. Anh sẽ làm một lá đơn, kể rõ đầu đuôi. Trung đoàn sẽ can thiệp để giữ ruộng cho chị ấy làm ăn, nuôi các cháu. Anh hài lòng chứ?

    Anh nhe răng ra cười… Một anh khác phàn nàn: anh đi bộ đội, mà Ủy ban xã cũng coi như những người đi vắng khác, truất phần công điền của anh đi.

    Chủ tịch hỏi:

    Các nơi khác, có thế không? Tiếng trả lời ran:

    Không ạ!

    Chủ tịch:

    Tay Ủy ban ở xã đồng chí kém, không chú trọng quyền lợi của chiến sĩ. Chúng tôi ghi, để nhờ trung đoàn can thiệp.

    Một anh khác phàn nàn:

    – Ủy ban và các đoàn thể ở xã tôi cũng kém. Tôi thấy ở các xã khác, thì nhận được công văn báo có

    người thuộc xã bị hy sinh ngoài mặt trận, bao giờ xã cũng tổ chức lễ truy điệu, cử người đến an ủi gia đình. Tôi có ba anh em, đi bộ đội cả ba. Năm ngoái em tôi tử trận, ngay cả ở xã đơn vị em tôi đóng, đồng bào còn biết làm truy điệu. Mà ở xã tôi, Ủy ban không làm gì.

    Có anh lo:

    Không biết đoàn thể phụ nữ xã có chú ý giác ngộ, giáo dục vợ tôi để nó hiểu tôi đi vì nhiệm vụ, mà vui vẻ làm ăn, coi sóc gia đình tôi không?

    Còn nhiều nữa. Bao nhiêu là thắc mắc, nhiều khi khá rắc rối, lôi thôi, anh em phơi bày ra hết cả. Rồi cán bộ, đội viên bàn cách giải quyết lẫn cho nhau. Cuối cùng, anh chính trị viên kết luận:

    Các đồng chí đã nói rất thẳng. Thế là can đảm, có tinh thần đoàn kết. Có như vậy, cán bộ mới biết lỗi mình mà sửa chữa, hay điều gì đó bị hiểu lầm thì phân trần cho anh em khỏi giận oan. Cán bộ, đội viên sẽ hiểu nhau thêm, thân mến nhau thêm.

    Quyền lợi của anh em bộ đội, là những người vất vả nhất, hy sinh nhất trong kháng chiến. Chính phủ chú ý lắm. Nhưng có khi vì nước còn nghèo, mà không giải quyết được, đó là một điều mà Chính phủ rất lấy làm khổ tâm. Có khi vì chính sách Chính phủ đề ra, một số ủy ban địa phương không hiểu hay không tích cực thi hành, ta sẽ đề nghị Chính phủ trừng phạt những kẻ không tốt ấy. Nhưng cũng có những việc chưa giải quyết được, thí dụ như những anh em ở những làng còn ở trong tay giặc, giặc khuyến khích bọn tay sai cướp nhà cướp ruộng của chúng ta. Như vậy chỉ còn một cách là đánh khỏe. Đánh khỏe giặc chết hết, nước độc lập sẽ tiến rất mau, chẳng vấn đề gì không giải quyết được. Các đồng chí có đồng ý với tôi không?

    Đồng ý.

    Còn thắc mắc gì nữa không?

    Hết.

    Hả rồi!

    Có người khẽ nói:

    Chưa.

    Gì nữa?

    Cho đánh Cao Bằng!

    Mọi người cười. Anh chính trị viên tủm tỉm.

    Đánh thì sẽ được đánh nay mai. Nhưng đánh đâu, còn tùy trên quyết định.

    Đánh đâu cũng được.

    Hoan hô! Và vỗ tay…
     
  5. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Định Mức [6]
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hội nghị thảo luận đến mục gay go nhất, định mức tạm vay cho các xã. Hầu hết các xã đều xôn xao trước con số phác định trong dự án.

    Bí thư xã Tam Vịnh.

    Vụ chiêm vừa qua Tam Vịnh chỉ cấy được 51 mẫu ba sào. Cánh ven sông ba mươi mẫu, chìm nghỉm mất rồi. Chỉ còn 21 mẫu 3 sào. Ruộng xấu. Chưa có kinh nghiệm làm chiêm. Mỗi mẫu chỉ thu được 3 tạ là nhiều. Tất cả có tính già dặn lắm, mới được 63 tạ 9 cân. Thế mà huyện đặt mức sáu tấn.

    Bí thư xã Sơn Hòa:

    Quá nửa chiêm của Sơn Hòa cũng bị ngập nước như ở Tam Vịnh, 32 mẫu còn lại bị mưa đá, còn tệ hơn ở Tam Vịnh. Lại toàn là ruộng lẻ tẻ. Chỗ năm sào, cho nên chỉ béo ri sẻ, chứ người thì chưa chắc có gì mà gặt. Thành thử có mảnh chưa chín hẳn, dân đã vặt về ăn. Chẳng còn được mấy tí đâu. Tức 8 tấn huyện định, Sơn Hòa xin cho nghĩ lại.

    Bí thư Yên Ninh.

    Yên Ninh đã mất mùa hơn hai năm. Hai năm nay có mấy tí thóc đâu? Chỉ sống bằng ngô, có thế nhiều. Cho nên cái mức huyện đặt cho, không có nghĩa lý gì đối với chúng tôi. Chúng tôi có thể vay gấp 4. Nhưng mức thóc mặc dầu chỉ có 2 tấn rưỡi cũng không thể nào đạt được, không biết trông vào đâu mà vay được. Có chiêm, nhưng chiêm năm nay mới là vụ đầu tiên. Khuyến khích mãi người ta mới chịu làm. Có tính cách làm thử, nên mỗi người chỉ có mấy sào thôi. Không may gặp mưa đá, sâu ăn. Đang lo người ta chán, sang năm khó mà có thể vận động cấy chiêm khổ sở ấy nữa, thì thật khó cho chúng tôi sau này nhiều lắm.

    Bí thư xã Chu Cầu

    Đồng chí Trúc về đã biết. Chu Cầu thật là cạn ao, bèo đến đất. Năm ngoái mất mùa, tỉnh đã phải đề nghị Chính phủ miễn thuế cho. Năm nay cũng mong được đóng góp nhiều hơn các xã khác, để bù vào những lúc không đóng góp được tí nào. Nhưng hiện bây giờ, thóc mùa nhẵn củ tỏi rồi. Chiêm không có, tứ thì không được gặt. Chỉ có một ít lúa nương, phần nhiều là của mấy gia đình Mán, ân nhân của cách mạng. Ngô cũng ít. Sắn, đến tháng 8 mới ăn được. Khoai mới bằng cái ngón tay. Thành thử muốn thì thật muốn, nhưng vẫn chưa biết lấy đâu ra cho đủ mức.

    Rồi Hoài Thanh. Rồi Xuân Trạch, rồi Vân Lộc… Xã nào cũng vất phải những khó khăn đại khái như thế cả. Chiêm ít, thời tiết xấu. Dân bán thóc non hay nợ những người đặt đỗi, gặt về, trang trải xong chẳng còn được bao nhiêu. Cho nên nhiệm vụ giao cho xã nào cũng hứa: sẽ cố gắng làm; nhưng liệu có đạt mức huyện ấn định không? Đa số các xã đều cho rằng: khó lắm!

    Đồng chí bí thư huyện đen sạm mặt, đứng lên:

    – Khó thì nhất định là khó lắm. Nhưng khó thì đành phải chịu hay sao? Chúng ta phải có kế hoạch giải quyết cho bằng được.

    Cả phòng nín lặng. Những con mắt căng ra. Gân góc cũng căng ra. Mười cái đầu nghiêng xuống, trán tì lên cái bàn tay nổi cục, mắt đọc những con số trên bản dự án in đá, phát cho mỗi đại biểu một bản ngay từ đầu hội nghị. Ở đầu hàng ghế thứ ba, một anh tuổi xấp xỉ bốn mươi, nhưng không có một tí râu nào, hếch cái mặt gồ ghề, cầng cậc như một hòn đá ráp, đôi mắt sâu hoắm nhìn lên mái hội trường, một bên quai hàm vênh vênh về phía ánh sáng, nổi bật lên. Anh ngồi bên cạnh mím môi, cúi mặt, bực tức lăn đi lăn lại ngón tay trỏ và ngón tay cái của một cái bàn tay gân guốc…

    Đồng chí bí thư huyện nhìn khắp các cán bộ một lượt rồi cao giọng, nhưng thân ái hỏi:

    – Thế nào? Các đồng chí có đồng ý thế không?

    Vẫn câm như thóc cả. Cái mặt gồ ghề, cầng cậc ở đầu hàng ghế thứ ba, vẫn vênh vênh một bên quai hàm nổi bật, soi ra ánh sáng. Dưới đôi lông mày rậm, đôi mắt hoắm cứ nửa phút lại chớp một cái, đều đặn như những giọt mái nhà. Cái mặt bên cạnh vẫn cắm xuống bàn. Hai ngón tay lăn cái bút máy một cách bực dọc hơn. Thêm mấy cái mặt nữa cúi xuống, soi mói những con số trong dự án. Đôi vai béo lẳn của một chị cán bộ phụ nữ xo lên một cái, như người ngồi lâu mỏi đít và như phụng phịu…

    Bí thư Vân Phúc nẩy người lên như bị một con ruồi ve đốt. Anh vùng tay giận dữ.

    Từ nãy đến giờ, Vân Phúc vẫn ngồi im. Vì sao? Vì Vân Phúc biết rằng: Mặc dầu các xã đều gánh nhẹ hơn Vân Phúc, nhưng với khả năng ít ỏi của các xã bạn, thì gánh nhẹ như vậy đã đủ rồi. Vân Phúc không muốn tị nạnh với ai. Cái lối đánh bùn sang ao không giải quyết được gì. Sẩy vai chị đến vai em. Mà chị đã nặng rồi, em cũng nặng rồi. Vậy thì chỉ còn một cách là cùng nặng.

    Anh nói đâu ra đấy lắm. Tình hình ruộng đất, tình hình dân chúng ở xã anh nhìn cho rõ thì quả là tiếng cả nhà thanh. Hơn 200 mẫu chiêm nhưng ngót một nửa chìm dưới nước rồi. Có vài chủ ruộng thu hoạch nhiều, nhưng họ lại ở ấp của họ, thuộc địa hạt xã khác kia. Còn thì ruộng cũng xé lẻ, linh tinh. Dân cũng ăn chịu, ăn nợ như các xã xung quanh. Huyện đã xuống tận nơi để điều tra, hiểu rõ Vân Phúc chỉ giàu có cái vỏ thôi, nên đặt mức có 36 tấn. Hôm nay, thấy Yên Ninh, Chu Cầu kêu ca mãi, chính Vân Phúc đã tự nhận thêm 4 tấn nữa, để gánh đỡ cho hai xã bạn. Dám nhận 4 tấn, là Vân Phúc đã cố gắng lắm rồi.

    Anh nói xong, ngồi mạnh xuống. Chủ tịch – tức anh bí thư huyện – nét mặt nghiêm nghị vì lo lắng, cất giọng trầm trầm đề nghị.

    Khoan đã! Các đồng chí hãy ngồi yên. Đồng chí thuyết trình viên sẽ trình bày lại một lần nữa, cặn kẽ hơn, những nhận định của huyện ủy về khả năng và những khó khăn của từng xã một để các đồng chí hiểu cho rằng: khi định mức huyện ủy đã đắn đo, cân nhắc rất kỹ càng. Sau đó nếu các đồng chí thấy quyết định của huyện ủy có chỗ nào sai, các đồng chí sẽ cho ý kiến.

    Hội nghị trở lại im phăng phắc. Những bộ mặt trang nghiêm lại và những con mắt nhìn lên bàn chủ tịch đoàn. Thuyết trình viên ngồi bên cạnh chủ tịch, lật đám giấy đặt lên bàn và đứng dậy. Anh người Thổ còn trẻ lắm. Bản tính chất phác của người miền núi đã được những kinh nghiệm đấu tranh mài giũa cho sắc sảo thêm, nên anh có được một cái cốt cách vừa vững chắc vừa nhanh. Ngay cái thể chất của anh cũng đã lộ ra một vẻ người như vậy. Mặt vuông, vai, ngực rộng. Lưng rất thẳng, bắp tay chắc nịch, da mái mái, đôi mắt to, nhìn thẳng những chuyển động luôn luôn. Nói sấn sổ, mạch lạc, kèm những điệu tay dứt khoát. Lời nói mà làm nổi từng dấu phẩy, dấu chấm câu.

    Tiếp theo lời đồng chí bí thư, tôi xin vạch rõ cho các đồng chí thấy: huyện ủy đã căn cứ vào những khả năng và những khó khăn của từng xã thế nào, trong khi đặt mức cho từng xã, như trong dự án. Bắt đầu là xã Vân Phúc…

    Thuyết trình viên tỏ ra hiểu rất sát tình hình các xã. Về mỗi xã, anh có thể nói thật rõ: diện tích cấy chiêm của nó, vụ mùa này được bao nhiêu, bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào bị ngập mất hẳn rồi, bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào còn vớt vát được nhiều ít thế nào, bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào có thể thu được nhiều, dân số bao nhiêu, trong số ấy nhà no, nhà đói, nhà còn thóc mùa, nhà đã thiếu ăn, nhà có thể trông vào sắn, vào ngô, thôn có thể cho vay nhiều, thôn có thể cho vay ít ra sao… Và sau cùng, tính phác cho người ta thấy tại sao có thể thực hiện được những con số định mức cho xã ghi trong dự án…

    Trình bày xong về mỗi xã, anh ngừng lại, mời hội nghị cho ý kiến. Hội nghị suy nghĩ mức định sát lắm rồi.

    Thuyết trình viên ngồi xuống. Bí thư huyện đứng lên. Anh cất giọng nghiêm trang, nhỏ nhẹ lúc đầu nhưng càng nói càng thiết tha khẩn khoản.

    Các đồng chí đã nghe rõ cả rồi. Các đồng chí không có ý kiến gì. Thật ra xã nào cũng cần cố gắng. Đang có thể tiến, không có lý gì lùi, nhiệm vụ tiền phong bắt buộc chúng ta phải lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi trở lực tiến lên. Nhu cầu của tiền tuyến nhất định phải giải quyết xong. Vậy thì căn cứ vào tình hình cụ thể của xã mình, đề nghị các đồng chí tính cho thật cụ thể. Xã nào xét có thể thực hiện được mức, thì xung phong nhận. Còn xã nào quả thật là không nhận được, ta sẽ xét sau. Tôi đề nghị các đại biểu từng xã hội ý với nhau trong khi hội nghị tạm nghỉ 15 phút.

    Hết 15 phút. Chủ tịch lớn tiếng mời các đại biểu vào họp lại. Anh nhắc lại lời kêu gọi của anh lúc nãy.

    Người có cái mặt gồ ghề và đôi mắt sâu hoắm đứng lên trước nhất.

    Tôi xin xung phong nhận mức. Bí thư huyện mừng ra mặt:

    Vân Lộc, hoan hô!

    Hội nghị vỗ tay, reo. Có đà rồi. Một người vừa đứng lên. Rồi người nữa. Rồi người nữa. Rồi hai, ba người cùng dồn dập. Mắt, mũi, môi bí thư huyện mỗi lúc một nở ra. Cứ mỗi người đứng lên, tay anh lại khệnh ra thêm một chút, đầu anh cất cao lên một chút. Miệng anh tươi cười như hoa, đọc lên một cái tên. Thuyết trình viên cắm cúi tìm trong dự án, điểm một cái gạc chữ thập chéo với cái tên vừa nghe đọc. Không khí nhẹ hẳn đi. Nhiều bộ mặt phởn phơ. Chị cán bộ phụ nữ cười tít mắt, đôi má non ướt như má trẻ con đã lún xuống đôi lỗ đồng tiền thật là xinh. Riêng cái mặt đá ráp của người xung phong trước nhất vẫn không nhúc nhích. Nó trơ trơ như đá giữa những tiếng vỗ tay mỗi lúc một thêm vang dội. Chủ tịch mải theo dõi những người đứng lên sau, không để ý. Mãi đến hết người xung phong, ngớt tiếng vỗ tay, thuyết trình viên đọc lại tên những xã đã bằng lòng nhận mức rồi, cái mặt đá ráp mới vênh lên:

    – Tôi xin nói.

    Chủ tịch có một cái nhích mặt gần như sửng sốt. Bí thư Vân Lộc nói:

    Việc tạm vay ở huyện ta là một việc hết sức khó khăn. Cứ gọi là chúng mình cứ việc trầy máu mắt ra cũng chưa vị tất đã làm xong cái nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Nhưng bàn cãi mãi cũng thế thôi. Việc phải làm nhận định mức cứ phải làm. Vất cho ai? Vì vậy, chúng tôi xin nhận mức ngay đi, để đỡ mất thì giờ cho hội nghị, nhưng chúng tôi xin nói trước điều này. Muốn làm xong việc này, nhất định phải cương quyết, mạnh tay. Không có mệnh lệnh của chính quyền, nhất định không xong. Không những thế, nếu chúng tôi có đề nghị một vài phương sách đặc biệt, huyện ủy của phải cố chuẩn y cho chúng tôi, chúng tôi mới có thể làm được việc.

    Nét mặt chủ tịch trở nên lo lắng. Tiếng anh nghiêm khắc bảo:

    Coi chừng đấy, chúng mình hay mắc phải cái lối bất cứ việc gì cũng dùng mệnh lệnh xao nhãng việc giải thích, thuyết phục, vận động dân hiểu chính sách mà vui vẻ, tự nguyện, hăng hái thi hành. Đồng chí tưởng chính quyền cũng phải vận động dân, giải thích thuyết phục phải đi đôi với mệnh lệnh, phải nặng hơn mệnh lệnh. Bởi vì chính quyền của chúng ta là chính quyền cách mạng, là chính quyền của nhân dân, phục vụ quyền lợi của nhân dân. Chính quyền của ta là do dân bầu ra để làm việc cho dân, mưu lợi ích cho dân, thì tại sao lại không thể giải thích cho dân hiểu những chính sách hoàn toàn vì lợi ích cho do Chính phủ đề ra, để dân thi hành một cách sốt sắng, vui vẻ, không ca than?

    Bí thư Vân Lộc đáp:

    Chúng tôi hiểu thế. Nhưng riêng trong trường hợp này, trong hoàn cảnh của huyện ta, giải thích, thuyết phục không là chưa đủ. Cần mệnh lệnh. Tôi thí dụ, vụ chiêm này, ta để cho dân trả nợ thì có cõng thánh về đây cũng không thực hiện nổi mức tạm vay. Dân trong làng từ hạt muối, bánh thuốc lào đều mua chịu, đợi trong vào hạt thóc. Công nợ cũng trông vào hạt thóc. Bây giờ thóc chưa về, nhưng chủ nợ, con buôn, những người đi đặt đỗi đã nhăm nhăm quang gánh, chỉ có đợi thóc về để quẩy đi. Để cho họ quẩy đi, tức là thóc bị phân tán đi hết. Có còn lại tí nào cũng chỉ đủ thóc giống, thêm một chút ít để độn với ngô khoai. Còn thóc đâu mà vay nữa? Cho nên chúng tôi đề nghị: chính quyền ra lệnh hoãn nợ lại, cấm đòi nợ, cấm trả nợ, cấm đem thóc ra khỏi xã.

    Anh nói xong, ngồi xuống, lập tức cái mặt gồ ghề lại hếch lên giời và cái quai hàm nổi bật lên lại vênh ra phía ánh sáng. Ý kiến mới làm xôn xao cả hội trường. Người kêu “Đúng đấy!”, người thì quầy quậy lắc đầu. Những đám tranh luận nho nhỏ ở chỗ này, ở chỗ kia. Chủ tịch cắn môi suy nghĩ, mặt sầm tối lại. Anh quên cả nhiệm vụ giữ trật tự để hội nghị sắp ồn ồn như chợ. Nhưng từ hàng ghế cuối cùng, một người đứng phắt lên, anh làm dữ dội như một cơn going. Nắm tay đấm xuống bàn để bắt mọi người im, anh hét.

    Không thể được! Đảng chủ trương đoàn kết toàn dân. Chúng ta phải nắm vững chủ trương đoàn kết. Phải giữ gìn khối đoàn kết hơn giữ gìn con mắt của chúng ta…

    Người đang nói chỉ còn một mắt. Hai mí mắt bên liền tịt. Một đồng chí muốn kháy anh ta, hỏi một câu:

    – Chắc đồng chí có nhiều kinh nghiệm đoàn kết với bọn cho vay nợ lãi rồi?

    Anh nổi giận. Con mắt độc nhất của anh long lên sòng sọc. Giọng anh càng bão táp:

    Đồng chí muốn nói: tôi đã mất một con mắt vì bọn cho vay nợ lãi chứ gì? Vậy đó, đã làm sao. Bọn chủ nợ cay nghiệt nó có thể làm hỏng một mắt tôi. Nhưng đế quốc có thể móc cả hai mắt của chúng ta, chủ nợ cũng như con nợ. Vả lại ngày trước khác, bây giờ khác. Những món nợ mà các đồng chí định bắt người ta phải hoãn đây là những món nợ thế nào? Phần nhiều là nợ của bà con vay giật lẫn nhau. Nợ giữa bần nông với trung nông, trung nông với trung nông, có tính cách giúp đỡ nhau nhiều hơn là bóc lột nhau. Hay là nợ của người trong làng ấy chịu cân muối, bánh thuốc lào của mấy người tản cư buôn bán nhỏ, đòn gánh chủi vai, ngày ngày kiếm bữa gạo nuôi con. Vậy thì chính quyền can thiệp vào đó làm gì? Bắt người ta giữ thóc lại, không được trả nợ tức là gây lục đục giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với đồng minh rất gần gũi của họ – và cũng là của chúng ta – là những người nghèo thành thị, những người buôn bán nhỏ. Là làm cho bần nông từ nay trở đi không còn vay nợ được mỗi khi túng thiếu. Bao vây, không cho thóc ra khỏi xã, lại càng nguy hiểm. Thật sự những kẻ ngoan cố vẫn có cách lén lút phân tán thóc đi. Những người hiền lành oán chúng ta. Dân hoang mang, bọn đầu cơ tích thóc. Thị trường khan gạo, giá sinh hoạt cao lên. Việc tạm vay có khó khăn, bất quá chỉ khó khăn trong một huyện mình thôi. Nhiều lắm là trong một số địa phương đặc biệt ít chiêm. Thế mà ta chỉ biết nhìn vào một huyện ta, quyết định những kế hoạch quá mạnh tay như vậy, sao khỏi làm hại lây đến bao nhiêu huyện khác? Bất cứ một lời nói, một cử chỉ nào có hại cho đoàn kết, tôi phản đối.

    Anh ngồi xuống. Những cái mặt vừa cười cợt, đỏ bừng hay tái mét đi. Những con mắt nhìn xuống hoàn toàn nhận lỗi. Cái mặt gồ ghề vẫn không nhúc nhích. Nhưng đôi mắt sâu hoắm đờ ra một lúc. Chị cán bộ phụ nữ ngoái lại nhìn trộm anh đồng chí chột một cái thật nhanh rồi lại quay lên, ngồi lệch hẳn người, ngoẹo cái đầu về một bên, cúi mặt xuống bàn, cái miệng nhỏ bụm lại nhưng phụng phịu. Hội nghị im phăng phắc. Chủ tịch dặng hắng cho thông cổ họng, rồi lên tiếng:

    Huyện ủy hoàn toàn tán thành những ý kiến của đồng chí bí thư Hạ Liễu và huyện ủy nhắc lại với các đồng chí mấy phương châm đã ghi trong dự án: phải nặng về giải thích, thuyết phục, vận động hơn là về mệnh lệnh – mệnh lệnh chỉ dùng đối với những kẻ đặc biệt ngoan cố, những kẻ cố tình ngang ngạnh, cố tình phá hoại. Tóm lại, phải giữ sao cho trong ấm ngoài êm, trên thuận, dưới hòa mà vẫn vay được thóc đủ cung cấp cho tiền tuyến.

    Thế mới thật là khó đấy!

    Người vừa nói câu ấy một cách thủng thà thủng thẳng là anh Mán Cao Lan, mặt nhợt nhạt, môi anh nhợt nhạt, đến đôi mắt cũng lờ đờ nhợt nhạt. Anh giơ tay, không đứng lên, mắt cũng không nhìn chủ tịch đoàn, cứ ngồi nguyên, uể oải nói như nói một mình:

    Ở đây chúng tôi lại còn cái này: đồng bào thiểu số chỉ có lúa cụm thôi. Lúa gặt về để cả cụm, gác lên gác bếp, không vò, đập. Bây giờ vay thế nào. Biết đằng nào mà tính? Bao nhiêu cụm là một tạ?

    Chủ tịch vội gạt đi

    – Khoan đã, vấn đề lúa cụm cũng khá rắc rối đấy…

    Có người cãi:

    Dễ lắm, rắc rối gì! Chủ tịch ra hiệu tay:
    Được rồi. Nhưng tôi cắt. Hội nghị sẽ bàn sau. Bây giờ tiếp tục thảo luận về vấn đề nhận mức đi. Im lặng một lúc. Rồi…

    Khó lắm!

    Chủ tịch cười, hỏi ôn tồn:

    – Khó mà chúng mình chịu hay sao? Đồng chí Hạ Liễu có ý kiến gì hay không?

    Anh đứng lên. Anh không vũ bão như lúc nãy mà ung dung, như chơi. Con mắt độc nhất lấp lánh cười. Miệng anh cũng tươi cười. Mặt anh phẳng phiu, bình thản, mát mẻ như trời buổi sáng. Anh bí thư Trung Lý, áo cánh đũi thùng thình, xoay hẳn người lại, khuỳnh cánh tay phải lên trên cái bàn dưới, gần ngay trước mắt chị cán bộ phụ nữ chống thẳng tay kia lên ghế anh ngồi, hếch mắt nhìn anh chột, gật gù nói bâng quơ.

    – Nói thế ấy mà khối cô gái trẻ hơn hớn mê như điếu đổ, cũng phải.

    Chị cán bộ phụ nữ lừ đôi mắt lá dăm một cái, miệng bùm bụm càng thêm phụng phịu. Anh chột trợn mắt dọa anh chàng đĩ tính, rồi mỉm cười đưa ý kiến.

    Theo ý kiến tôi thì những nguyên tắc huyện ủy đề ra, chúng mình nhất định phải theo. Cụ thể ra thì phải thế này, vẫn cứ phải để cho dân giả nợ. Bà con vay giật tạm của nhau. Bận này còn bận khác. Con nợ, chủ nợ ở đây na ná như nhau cả. Có tính cách đồng lần thôi. Nếu không giả cho người ta, chính người ta cũng đói… Nhưng chủ nợ nhà giàu thì sao? Theo nguyên tắc vẫn là phải giả. Nhưng ban vận động vay thóc sẽ đến tận nhà họ để điều đình. Họ thu được nợ về, sẽ cho Chính phủ vay. Hay là họ thỏa thuận hoãn nợ cho con nợ, để con nợ cho Chính phủ vay cũng được. Đến vụ mùa, thuế nông nghiệp tính sau sẽ đâu có đấy.

    Chủ tịch gật đầu:

    Nghe ổn đấy! Các đồng chí thấy thế nào? Một ý kiến hoài nghi

    Chỉ sợ nói thì nghe ổn, nhưng đến lúc làm tới thì lại chẳng ổn tí nào. Người nghèo thường hăng hái xung phong, nhưng để họ xung phong mãi thì đến thóc giống của họ cũng không còn. Người giàu hay tiếc của, để cho họ đem quang gánh tới đòi nợ, xúc hết thóc của nhà nghèo, rồi họ tẩu tán, giấu giếm đi, còn có thóc đâu mà vay nữa?

    Con mắt độc nhất của anh chột lại long lên sòng sọc. Anh nổi giận.

    Đừng đánh giá quá thấp sức hy sinh của nhân dân. Kháng chiến đã năm, sáu năm rồi. Đã bao giờ dân phải để Chính phủ thúc bách mới chịu đóng góp chưa? Dân hiểu nhiệm vụ của họ lắm, chỗ nào dân không hiểu là vì cán bộ tồi. Dân ỳ là vì cán bộ ỳ. Cán bộ biết vận động dân không bao giờ ỳ cả. Các đồng chí của chúng ta để làm gì? Chi bộ để làm gì? Hồi bí mật, người nào giúp cách mạng, đế quốc cắt gân. Làng nào giúp cách mạng, đế quốc triệt hạ cả làng. Ta chẳng đã thấy đồng bào Mán ở huyện ta ăn cám để nhường gạo cho Giải phóng quân đấy à?

    Anh cán bộ Mán vẫn ngồi y nguyên, buông một câu thủng thà thủng thẳng.

    Ngày trước họ hăng hái thế. Bây giờ vận động họ, họ lại bảo: “Chúng tôi được cấp giấy ân nhân cách mạng mà cũng phải đóng thuế à?”.

    Anh chột cười, dịu lời hơn.

    Thì ta giải thích với họ thế này: các cụ cày bừa rồi gieo mạ rồi, cấy lúa rồi. Lúa lên tốt lắm rồi. Bây giờ phải làm cỏ, bón phân đi. Tận đến lúc được ăn cũng còn gặt hái về. Gặt xong lại phải làm vụ khác. Cách mạng là như thế, cách mạng là ruộng nương của các cụ, các cụ phải săn sóc, chăm chút nó mỗi ngày một hơn lên, để nó càng ngày càng đem lại nhiều hoa lợi cho các cụ.

    Anh bí thư huyện phát triển ý kiến thêm. Anh nhắc lại những thắng lợi mỗi ngày một lớn hơn của dân ta. Thắng lợi quân sự, thắng lợi ngoại giao, chiến thắng Cao – Lạng, chiến thắng Trung du, chiến thắng đường số 18, chiến thắng Ninh Bình… Bộ đội lớn khỏe lên là được nhờ thóc gạo của dân. Bộ đội lớn khỏe lên đánh chết được nhiều Tây. Muốn đánh chết được nhiều Tây thì dân phải lo tìm thóc gạo thật nhiều để nuôi cho bộ đội lớn, khỏe… Anh nhắc lại câu chuyện đồng bào Mán ăn cám để nhường gạo cho Giải phóng quân ăn, rồi bảo:

    Giác ngộ được nhân dân, thì tinh thần của nhân dân lên cao như thế đó. Tinh thần của nhân dân bây giờ càng có điều kiện lên cao. Vả, huyện ta dù có thiếu gạo, vẫn có thể trông vào ngô, đỗ, sắn, khoai. Cho nên tôi nghĩ rằng, từ sáng đến giờ, chúng ta quá lo xa. Thật ra thì khéo vận động, việc tạm vay không đến nỗi như ta tưởng. Các đồng chí nghĩ thế nào?

    Có những nụ cười đồng ý nhưng chưa ai đáp thẳng. Cái mặt đá ráp quay lại, nhìn khắp phòng một lượt – vẫn gồ ghề, cầng cậc, lạnh như tiền. Rồi quay lên, vẫn khắc khổ, lạnh lẽo thế thôi. Chỉ có đôi mắt sâu hoắm ngước lên nhìn chủ tịch, chớp nhanh một cái, đồng thời với một cái gật đầu rất khẽ và đôi mắt nhúc nhích

    – Vay được.

    Chủ tịch bật cười. Mọi người cười theo. Cùng lúc tiếng vỗ tay đồm độp nổi lên. Chị cán bộ nữ được dịp rung rình cả đôi vai, rùng rình cả cái lưng, và ngoái ngác cười tít mắt. Chỗ anh chột bàn tán xôn xao, nhao nhác. Riêng anh chàng có cái mặt gồ ghề vẫn trơ trơ. Anh lại hếch mặt lên nhìn mái, vẫn cái quay hàm nổi bật ra ánh sáng, như lúc nãy. Nhưng bỗng nhiên anh đứng lên, rồi đột ngột.

    Tôi có ý kiến. Chính Ủy ban huyện phải phối hợp với Liên Việt huyện mời các thân hào đến để điều đình.

    Anh bí thư huyện tán thành.

    Không những thế, huyện ủy sẽ phân phối tất cả các cán bộ xuống giúp đỡ cho các xã. Chính huyện ủy cũng xuống một xã thực hành và chỉ đạo riêng. Các đồng chí với chúng tôi liên lạc chặt chẽ với nhau, báo cáo thật đều, để gặp khó khăn, kịp thời giải quyết. Các đồng chí đồng ý chứ?

    Đồng ý lắm!

    Lại vỗ tay, nhốn nháo. Chủ tịch tuyên bố: hội nghị tạm nghỉ mười lăm phút…

    Thật ra thì họ nghỉ đến nửa giờ. Bởi vì ra khỏi hội nghị, từng tốp, từng tốp một, tụm năm, tụm ba, tiếp tục bàn cãi rất hăng. Anh bí thư huyện ủy lảng vảng lại gần tốp này mấy phút, rồi ghé vào tốp kia mấy phút, nghe ngóng ý kiến và góp chuyện. Nói chung, ổn lắm rồi. Anh nào cũng nhận là khó nhưng đa số tin rằng làm được. Anh chột có vẻ rất phởn, chạy lăng xăng từ đám này qua đám khác. Ai kêu ca, anh cũng múa tay lên bảo:

    Nói cho thật các đồng chí đều quá ư dè dặt cả. Ước lượng ăn chắc quá. Chiêm xấu? Ừ thì xấu! Nhưng xấu mỗi mẫu cũng phải được dư ba tạ. Còn thóc cũ? Chỉ còn rất ít thôi? Nhưng ít cũng phải tính chứ. Năng nhặt không chặt bị đấy à? Góp cây thành rừng chứ!…

    Riêng anh bí thư xã Chu Cầu với anh bí thư xã Yên Ninh vẫn lầm bầm tính nhỏ với nhau. Mặt nhăn nhăn nhó nhó. Có vẻ lo lắng lắm. Anh bí thư huyện lại nói chuyện riêng với họ.

    Thế nào? Liệu có trôi không? Bí thư Yên Ninh cười gượng
    Không trôi cũng phải cố nuốt chứ biết sao? Bí thư Chu Cầu ngoẹo cổ:

    Hai anh em chúng tôi khổ tâm hết sức. Hai xã nhẹ nhất rồi, còn kêu ca mãi các đồng chí cho là tiêu cực. Mà nhận bừa, chỉ sợ không làm nổi thôi.

    Các đồng chí đề nghị thế nào?

    Chúng tôi cũng chẳng dám đề nghị nữa. Chỉ xin hứa: sẽ hết sức. Được đủ mức, càng hay. Nhưng nếu có khó khăn quá, bị thiếu chút ít, xin huyện ủy cũng hiểu rõ tình cảnh cho.

    Hiểu thì hiểu rõ lắm rồi. Chúng tôi vừa gạt nước mắt vừa chất lên vai các đồng chí đó thôi. Biết trước rằng dân có thể đói. Mà đói trước tiên là các đồng chí chúng mình. Đa số nghèo, bận công tác luôn. Lại động có việc gì cũng xung phong. Việc này, gay go thế, tất nhiên họ lại phải xung phong để làm gương.

    Đúng như lời đồng chí đấy. Anh bí thư huyện đờ mặt ra một phút. Mắt anh thờ thẫn, rồi bằng một giọng rất băn khoăn, anh nói:

    Ăn ngô, khoai thì nhất định không tránh được rồi. Nhưng liệu dân có chết đói được không? Anh bí thư Yên Ninh cười nhạt:

    Chết đói thì không đến nỗi. Đói thôi.

    Để lát nữa vào ta tính lại. Không được để cho dân đói. Đói qua quýt, đói vài bữa, đói ít ngày, còn được. Đói quá, đói lâu thì không được.

    Phải cổ động cho những người sung túc cũng trồng ngô, trồng sắn. Ăn độn thêm vào. Người giàu phải gánh đỡ người nghèo, đồng cam cộng khổ với nhau. Anh nghèo đói quá, không tham gia sản xuất được nữa, anh giàu cũng chết.

    Cần xét lại!…

    Mặt anh bí thư huyện lại đờ ra, suy nghĩ. Hai người đồng chí xã nhìn anh, ái ngại. Trông gần, họ thấy rõ hai quầng mắt của anh. Gò má anh đã nhô ra. Má hóp vào. Bốn năm trước đây khi mới tới huyện này, người thanh niên Hà Nội còn trẻ măng, trắng đỏ, rất đẹp trai. Bây giờ da anh đã tai tái, vàng vàng. Lúc suy nghĩ, mặt trông già. Hai anh chàng nông dân miền núi tự nhiên chép miệng.

    Kháng chiến thì phải khổ. Đồng chí còn chịu khổ được, dân chịu được.

    Hạ Liễu xin gánh thêm hai tấn nữa, đỡ cho hai xã bạn.

    Hoan hô!

    Tiếng vỗ tay vang nhà. Chủ tịch có một thoáng ngần ngại trong đôi mắt. Anh quay sang, nói nhỏ với thuyết trình viên. Thuyết trình viên ngẫm nghĩ trên bản dự án trước mặt anh rồi đứng lên.

    Trước hết tôi xin thay mặt huyện ủy, hoan hô tinh thần của đồng chí bí thư Hạ Liễu. Tôi mời hội nghị vỗ tay hoan hô đồng chí bí thư Hạ Liễu một lần nữa, mặc dầu hội nghị đã hoan hô vỗ tay rồi.

    Lại vỗ tay và hoan hô vang nhà. Thuyết trình viên mỉm cười. Khi phòng họp im lặng, anh nói tiếp.

    Nhưng huyện ủy nhận thấy rằng Hạ Liễu gánh vác vừa phải rồi, chứ chẳng còn phải nhẹ nhõm đâu. Vậy Hạ Liễu cần đắn đo một chút. Nhận rồi không làm nổi, là hỏng việc. Cố làm cho bằng được nhưng dân oán, càng có hại. Đồng chí bí thư Hạ Liễu cần cân nhắc kỹ.

    Anh bí thư Hạ Liễu mỉm cười.

    Huyện ủy nhìn thật là thấu suốt. Kể Hạ Liễu gánh 34 tấn cũng đã khướt rồi, chứ chẳng còn vừa phải như đồng chí thuyết trình viên vừa nói đâu. Có điều, nếu cần cố gắng thêm, thì Hạ Liễu vẫn có khả năng hơn Yên Ninh, Chu Cầu.

    Anh bí thư Vân Lộc cũng đứng lên, cái mặt cầng cậc, vẫn trơ trơ như hòn đá ráp. Giọng anh cũng lạnh lùng như vẻ mặt.

    Vân Lộc xin gánh một tấn đỡ cho Hạ Liễu Bí thư huyện reo lên và vỗ tay thật khỏe.

    Hoan hô Vân Lộc!

    Hoan hô! Hoan hô!…

    Tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay kéo dài, trong khi anh bí thư huyện đứng lên vung mạnh hay tay mở rộng như một con chim đập cánh, miệng cười ngoác ra đến mang tai, người ngất nghểu, ngả nghiêng lảo đảo, không khác gì muốn chồm qua các bàn để sà xuống ôm lấy anh bí thư Vân Lộc. Anh này lại hếch cái mặt gồ ghề, nhìn lên mái nhà.

    Mất 3 dòng, vì bản thảo của tác giả để lại bị mối cắn (lời Nhà xuất bản)

    Xuân Diệu: ngọn quốc kỳ

    Quốc dân đảng Trung Hoa

    Bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng PhạmVăn Đồng ngày trước, quãng năm 1940-1941 ở khu giải phóng.

    Nặng đấy

    Sáng tác cuối cùng của Nam Cao về vấn đề tạm vay. Truyện ngắn viết sau khi Nam Cao đi dự hội nghị tạm vay ở Liên khu Việt Bắc về vào giữa mùa hè năm 1951.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...