Những Tác Phẩm Văn Học Hay Của Nam Cao

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Vân Mây, 1 Tháng tám 2018.

  1. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Một Chuyện Xúvơnia
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hàn là chàng trai 18 tuổi, sống bằng những cuốn tiểu thuyết lãng mạn và ao ước một tình yêu mơ mộng. Rồi hắn ấp ủ những dự định táo bạo để được sống với người yêu. Chỉ đến khi nhìn thấy cảnh háu đói của những cô thôn nữ thiếu ăn và được biết người mình yêu đã bán cả chiếc khăn kỷ niệm có lẽ cũng chỉ để ăn quà, Hàn mới vỡ mộng.

    Những quân cướp, mỗi khi muốn ăn cướp một nhà nào, bao giờ cũng phải thăm đất trước. Hàn cũng vậy, hắn sắp làm một việc tương tự như ăn cướp. Vậy phải đi xem kỹ tình hình đã.

    Thoạt tiên, hắn hãy dắt cái xe đạp, vòng qua chỗ cửa đình. Ðây là chỗ quan viên. Họ trải chiếu ngồi ngay xuống đất, vào một góc sân. Ông bố đẻ Tơ có đây rồi. Ông bố chồng cũng ngồi kia. Cả người anh chồng nữa. Ðược rồi! Hàn không thèm nhìn những ông kia. Hắn vờ xem thuyền giấy, voi, ngựa giấy bầy giữa sân. Rồi hắn dắt cái xe đạp, thủng thỉnh đi ra phía ruộng. Ðây là chỗ thả diều. Bọn trai làng thường tụ tập ở đây. Những người cầm đầu, những người cầm dây, những người cuộn dây đang rối rít cả lên. Áo cánh, quần ống thấp ống cao, đầu không khăn hay là cái khăn xổ ra trật xuống vai, mặt đỏ bừng, mồ hôi đổ ướt đầm, họ chạy ngược, chạy xuôi, múa chân tay, gân cổ lên gọi nhau, mắng nhau, văng tục với nhau, giẫm cả lên chân người ta để chạy diều, làm ầm ĩ, chẳng kém gì bọn phu trên một quãng đê vừa sạt. Những người xem chỉnh tề hơn. Họ khăn áo hẳn hoi, tay quạt, tay ô, đứng nấp vào những bóng tre nhìn lên trời, bàn tán với nhau. Trời xanh ngắt, nắng chang chang. Họ phải che quạt hoặc bàn tay lên mắt cho đỡ chói. Những chiếc diều toàn trắng hoặc có một vệt đỏ to ở giữa, lên cao tít đến nỗi phải cố nhìn mới thấy. Những cái diều đứng không động đậy, như chiếc lá nằm trên mặt hồ vào lúc gió yên. Những cái khác lượn lờ ít chút thôi. Nhưng cũng có một vài cái nghịch, chao bên nọ bên kia một cách rất hăng, và chốc chốc lại toan bổ xuống. Những cái ấy không đời nào ăn giải được. Ðấy là diều của mấy kẻ xấu chơi. Chúng tức vì năm ngoái các cụ định giải bất công, nên năm nay cố ý buộc lèo cho diều của chúng đảo đồng để troán vào dây diều khác. Thỉnh thoảng một chiếc diều đứt dây. Người ta hò nhau đuổi như đuổi trộm… Sao lại có những kẻ làm tội cái xác mình quá vậy? Hàn nghĩ thế. Những kẻ đi thi diều cũng như những người đi xem thi diều đều dại như vích cả. Thằng thì chạy gần hộc máu mồm ra để tranh một cái giải chẳng thấm tháp vào đâu với số tiền bỏ ra để làm diều, để mua dây. Thằng thì phơi ra nắng những cái mặt nhăn nhó như mặt khỉ để xem những cái diều chẳng ai còn lạ. Ðể mà làm gì vậy? Giá mà hắn, thì nắng nôi thế này, hắn nằm khểnh ở nhà cho mát. Phải nợ gì mà xem với xét cho nhọc xác! Sở dĩ hắn chịu nhọc xác thế này chẳng phải để xem gì cả, ấy là vì Tơ.

    Tơ là người yêu cũ của Hàn. Vào kỳ nghỉ hè năm ngoái có một hôm Tơ đến nhà Hàn để mua dâu. Sự ấy thường: Tơ vẫn mua dâu của nhà Hàn. Và sự này cũng lại thường: hôm ấy cả nhà Hàn đi vắng, người đi chợ, người đi làm đồng, chỉ có mình Hàn nằm gác chân lên cột xem tiểu thuyết. Những tiểu thuyết hồi ấy đua nhau tả những cuộc tình duyên của trai thành thị với gái đồng quê. Vai chủ động đàn bà trong các chuyện ấy đều là những cô thôn nữ rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ. Họ khiến Hàn ước ao như ước ao một mớ rau tươi. Bởi vậy, khi Hàn ra đánh chó cho Tơ, hắn đã nhìn Tơ rất kỹ. Tình cờ thế nào Tơ là một cô gái xinh xinh. Thị có đôi mắt bồ câu, cái miệng rất tươi, và đôi má hây hây. Thị bẽn lẽn chào Hàn với một vẻ e lệ đáng yêu. Hàn có cảm giác như hắn đột nhiên đổi khác đi. Hắn tự bảo: “Cuốn tiểu thuyết của đời ta đã bắt đầu… ”. Và hắn cố tìm một câu rất văn hoa để nói, nhưng đã quên mất cả. Hắn chỉ lắp bắp miệng ra dáng chào Tơ. Thành ra, lại chính Tơ là người khơi chuyện trước:

    Thưa cậu, bà Cửu có nhà không ạ?

    Thưa cô… Vâng! Mẹ tôi có nhà. Mời cô vào chơi.

    Hàn nói dối rất trơn tru sau một thoáng ngập ngừng. Bởi vì hắn tính lại rồi. Khi cái lưỡi cứng đờ của ta đã bật ra được một câu không đến nỗi ngẩn ngơ thì nó trở nên dẻo dang. Hàn nhớ ra rằng: hắn là con nhà danh giá ở làng này; hắn đi học, ở tỉnh về; quần áo hắn giặt là và chân hắn dận giày tây; đầu hắn đẫm chất nhờn ở phía ngoài và văn chương ở phía trong… Nói tóm lại, hắn có đủ điều kiện để tất cả các cô gái làng này phải ước mơ. Hắn không có lý do gì để mà rụt rè quá thế. Bây giờ thì hắn nói hoạt bát lắm, tuy có hơi to quá sự thường một chút, như một anh chàng chếnh choáng say…

    Mời cô cứ vào, tôi đánh chó… Mời cô đi trước, kẻo chó cắn.

    Cháu vô phép cậu…

    Vâng ạ, mời cô cứ đi.

    Tơ vén áo, khép nép đi lên trước. Hàn mỉm cười nhìn cái cử chỉ hay hay ấy. Rồi hắn đi sau cô gái, vuốt ve bằng mắt cái cổ nây nây của thị. Vào đến sân, Tơ đứng lại đằng hắng. Những mành mành cửa buồng kín mít: thị làm thế để bà Cửu trong nhà lên tiếng trước. Hàn hiểu ý. Hàn vờ nói vọng vào nhà:

    – Thưa mẹ, có khách.

    Cố nhiên là chẳng có mẹ nào đáp lại.

    Hàn bảo Tơ:

    Chắc mẹ tôi ra ao. Cô vào ngồi chơi một lát. Tôi đi gọi. Tơ vội bảo:

    Thôi ạ, chả dám phiền cậu… Bà còn ở ngoài ao, vậy cháu cứ đi hái dâu trước đã. Lúc nào bà về, cháu hãy thưa chuyện với bà.

    Hàn mừng quá…

    Vâng! Thế thì cũng được… Vậy ra cô mua dâu?

    Vâng ạ.

    Thế thì mời cô ra vườn hái. Tôi đánh chó.

    Dạ… thôi ạ. Ðã vào nhà rồi chắc chó không cắn nữa.

    Ðược, cô cứ đi… để tôi trông chó. Phải một con hư lắm, nó hay cắn trộm.

    Thế ạ. Thưa cậu, cô Hán đi đâu ạ.

    Hàn hiểu ý Tơ ngỏ một cách kín đáo, muốn để em gái hắn ra đánh chó.

    Hàn vội bảo:

    Thưa cô, em nó ra ruộng ạ.

    À vâng! Hèn nào mà không nghe thấy tiếng.

    Vâng! Nó ở nhà thì liến láu, mồm năm miệng mười luôn. Tôi mắng nó luôn về cái tội lắm điều mà cũng không chừa.

    Hai người đến rặng dâu. Tơ đặt cái thúng không xuống đất, nhìn chung quanh rồi bảo:

    Chó không có đây, mời cậu về nhà cho mát.

    Cô cứ để mặc tôi. Tôi đứng xem cô hái dâu để học hái. Cô dạy tôi hái nhé.

    Cháu không dám ạ. Cháu hái chậm lắm, có thành thạo gì đâu? Vả lại hái dâu thì ai chả hái được, có cần gì phải học?

    Cô nói vậy, chứ thực ra thì cần học lắm. Ðã đành cứ rứt liều thì ai mà không rứt được? Nhưng có biết hái thì trông mới đẹp. Cô hái đẹp lắm.

    Tơ đưa chít dâu lên che miệng, cười tít mắt. Má thị càng đỏ thêm, giọng thị càng thân mật hơn một chút:

    Rõ cậu chỉ khéo vẽ! Hàn cũng cười và bảo:
    Thật! Cô hái dâu tay mềm mại lắm. Trông cô hái tôi chỉ muốn làm cây dâu để…

    Hàn ngừng lại; Hàn thấy Tơ đột nhiên nghiêm mặt. Thị giả tảng như không nghe thấy, và nói lảng:

    – Lứa dâu này để quá có mấy ngày mà rậm quá.

    Hàn im lặng. Sự ngượng nghịu hiện ra trên nét mặt. Có lẽ Tơ nhận thấy và thương hại. Thị lại gợi cho

    Hàn nói:

    Cậu không hái dùm cho cháu đi, cho nó chóng. Mình cháu hái thì đến trưa chửa hết. Hàn mừng rỡ:

    À, quên đấy nhỉ! Nhưng tôi hái cho cô thì cô cũng phải nghĩ thế nào chứ… nhỉ?

    Cháu trả công.

    Không. Tôi chả lấy công đâu. Nhưng cô không được xưng bằng cháu với tôi thế, tôi thẹn chết! Tôi

    với cô chỉ bằng tuổi nhau thôi. Năm nay cô bao nhiêu tuổi nhỉ?

    Cháu…

    Không có lệ xưng cháu.

    Tơ gục mặt xuống cánh tay để giấu miệng đi, cười, nũng nịu.

    Thế xưng bằng gì được?

    Bằng tôi, hay là em thì càng… thú.

    Hàn nói buông miệng, cười khanh khách để khỏi thẹn. Tơ đỏ mặt, nhưng cũng cười, không cự lại. Hắn biết là cắn lắm. Hắn can đảm thêm chút nữa.

    Cô bao nhiêu tuổi nhỉ?

    Cậu đoán độ bao nhiêu?

    Mười tám phải không?

    Mười bảy.

    Thế thì tốt quá. Tôi mười tám. Gái hơn hai, trai hơn một, cô nhỉ! Hàn lại cười khanh khách. Tơ lườm:

    Rõ cậu!…

    Nhưng thị không nghiêm trang được. Thị bật cười. Ấy thế là câu chuyện cứ dần dần đi đến sát nách, chẳng còn cần bóng gió, xa xôi nữa. Nó đã tận cùng bằng một câu thế này của Tơ:

    – Cái ấy còn phải tùy thầy mẹ em. Em biết đâu mà trả lời cậu?

    Thế nghĩa là: em bằng lòng mê đi rồi. Hàn chẳng ngu ngốc gì mà không hiểu. Và giá Hàn bảo phắt mẹ hỏi Tơ cho mình, thì có lẽ họ đã thành chồng, thành vợ. Nhưng Hàn thẹn. Vả lại Hàn chưa đọc một cuốn tiểu thuyết nào kết thúc một cách giản dị theo kiểu ấy. Cần gì phải nghĩ đến hôn nhân? Hàn chỉ xin mẹ cho tiền mua một cái ống xì đồng. Hàn lấy đất sét viên những viên đạn con con, rồi phơi, rồi nung, rồi nhét đầy túi, vác ống xì đồng đi suốt ngày để thổi chim. Hàn hay đến thổi chim ở sau chùa. Chẳng ai ngờ, bởi vì sau chùa rất lắm chim. Nhưng cạnh chùa lại có một ruộng dâu rất tốt mà cứ bốn năm ngày Tơ đến hái. Thành thử cuốn tiểu thuyết của Hàn cứ thêm trang mãi. Và khi những tháng hè đã hết, nó đã đến chỗ Hàn xúvơnia cho Tơ một cái mùi xoa thơm lựng bằng lụa nõn, viền tím và thêu cành hoa con bướm với hai chữ HT gài với nhau. Ấy là một cái khăn tay Hàn đã đặt làm ngoài tỉnh, rưới vào mấy giọt nước hoa rồi gói vào một mảnh giấy bóng, đem về tặng Tơ… nhà quê, người ta tin rằng: những cặp trai gái chưa chi đã thề bồi với nhau, chẳng bao giờ lấy được nhau. Ðiều ấy đúng chăng? Tháng hai vừa rồi, Hàn được tin người yêu đi lấy chồng. Tơ lấy con trai ông nhì Gia, đỗ nhị trường. Nhà ông nhì Gia nghèo rớt mùng tơi! Thằng con ông mười lăm, nhưng chỉ bằng mười ba; nó cọc người. Mặt nó nhăn nhăn! Mặt dơi chẳng ra mặt dơi, mặt chuột chẳng ra mặt chuột. Nói tóm lại, chẳng có mẽ gì. Nó lấy Tơ, thật đúng là con cú đậu cành mai. Hàn tức lắm. Và chẳng cần phải hỏi Tơ, Hàn cũng biết Tơ bị cha mẹ ép. Quả nhiên, ít lâu sau Hàn được tin Tơ chê chồng bỏ nhà đi. Người ta bắt được Tơ. Ông bố đẻ xoắn tóc Tơ vào gốc cau đánh giập mấy cái roi mây, rồi cạo trọc đầu Tơ, lấy vôi bôi, dọa sai mõ dong đi khắp làng cho dơ mặt, nếu Tơ nhất định không về nhà chồng. Cái kế này diệu thật. Nhưng Tơ khóc gớm lắm. Hàn thương quá. Hàn mong cho có dịp gì được nghỉ về quê bàn với mẹ trả của cho Tơ để lấy Tơ. Nhưng mẹ Hàn nghe Hàn nói thì trố mắt lên, sợ hãi. Con gái làng này đã hết đâu mà phải lấy tranh vợ người ta thế? Hàn năn nỉ. Hàn dọa sẽ đem Tơ đi trốn. Bà trả lời lại bằng cách cưới vợ luôn cho Hàn.

    Bài thuốc ấy có thể công hiệu, nếu người vợ cưới về đẹp và ngoan ngoãn. Một người đàn bà rất dễ làm ta quên một người đàn bà khác. Nhưng vợ Hàn rộng miệng và hôi nách. Bởi thế cho nên Hàn uất ức. Hàn không thèm nói nữa. Hàn lẳng lặng ra tỉnh, như yên phận. Nhưng từ đấy, Hàn nghiền ngẫm một cái chương trình rất hăng…

    Hàn đã trông thấy cái thằng chồng của Tơ rồi. Nó đứng kia, loắt choắt như con chuột lắt. Nó đứng xem hàng kẹo kéo. Mặt nó hếch lên, nhìn mồm anh kẹo kéo hát những vần vèo mà cười bằng cả một cái mồm há hốc. Hàn nhìn nó, một cái nhìn khinh bỉ. Mẹ kiếp! Thằng nào chứ thằng này, hắn chỉ đá một cái là chết nghéo. Hắn dắt cái xe đạp, đi lên đường. Hắn dắt vòng lên chỗ gốc đa. Hắn tựa cái xe đạp vào gốc đa, rồi đứng nghỉ, lấy vạt áo trắng dài làm quạt, quạt. Người ta tưởng hắn đứng đấy cho mát. Thật ra thì hắn nhìn những đàn bà, con gái đương ăn quà.

    Họ khá đông. Những bà mẹ xồ xề với đứa con đầu mới cạo, nhẵn thín như quả bưởi. Những bà già mặc áo mớ, to sù người. Những cô con gái lẫng cẫng và gọn ghẽ. Tất cả đứng tụm năm tụm ba, chuyện trò ríu rít, hoặc ngồi xổm trước những hàng bún, hàng bánh đúc gục đầu xuống ăn. Trông họ ăn mà ái ngại. Bởi họ ăn ngon lành quá, hăm hở quá, mắt hùm hụp nhìn xuống bát, nhìn xuống chỗ bánh của mình, nhìn chỗ bánh của người khác, của nhà hàng… Hình như họ tính thầm rằng mình ăn hết chỗ này cũng chưa no… người kia ăn sung sướng hơn mình… giá không tiếc tiền thì mình phải ăn thêm cái tấm kia, tấm kia… của bà hàng nữa… Chỗ bánh vơi dần. Họ ăn chậm chạp hơn, như kiểu ăn dè. Và đến lúc chỉ còn trơ cái lá không, họ đã buông đũa xuống rồi, còn nghĩ tiếc rẻ thế nào, bê bát nước riêu thừa lên húp một vài húp nữa, rồi mới chống tay vào đầu gối để đứng lên, sau khi đã nhìn cái mẹt của bà hàng với vẻ luyến tiếc… Hàn đứng nhìn họ ăn hàng giờ như thế. Hắn quên cả cái mục đích của hắn khi đến đứng chỗ này. Bởi vì hắn đến chỗ này có phải để nhìn thiên hạ ăn đâu? Hắn có ý tìm Tơ, hắn sẽ theo Tơ đến một quãng đường vắng nào. Hắn sẽ nói điều dự định của mình ra. Và nếu Tơ vẫn còn yêu mến, Tơ vẫn còn can đảm để yêu, hắn sẽ rước Tơ đi. Chúng tự do lập gia đình, sống với nhau rồi mặc kệ! Cái dự định ấy, Hàn nghiền ngẫm đã ba tháng trời nay. Hàn quả quyết thêm. Và tới lúc trông thấy cái mặt nghiêm trang của cha mình và cái mặt đáng ghét của cha Tơ, hắn quả quyết thêm. Và đến lúc trông thấy cái mặt khá bỉ của chồng Tơ, Hàn lại càng quả quyết. Hàn tưởng sự quả quyết của hắn không còn thể nào lay chuyển được. Nhưng bây giờ…

    Ôi chao! Nếu Tơ của Hàn có đi xem, tất thị cũng ngồi sụp xuống trước một hàng bánh đúc kia. Thị sẽ bảo bà hàng thái cho ba xu bánh đúc và múc một xu riêu. Thị sẽ và, sẽ húp kêu soàn soạt. Và đôi môi thị, đôi môi tròn và đỏ tựa san hô sẽ sườn sượt, nước riêu cá diếc nó chảy xuống cả cái cằm xinh xinh của thị, khiến thị phải lấy ống tay áo quệt… Hỡi ôi! Có cái gì là đẹp quá như Hàn vẫn tưởng đâu? Hắn tự nhiên thấy mỏi mệt vô cùng. Hắn ngồi phệt xuống gốc đa. Hắn buồn nôn. Lúc bấy giờ tâm trạng hắn ra sao, hắn không biết nữa. Ðó là một cảm giác hỗn độn, nó sửa đường cho một cuộc đổi thay. Rất nhiều mộng mơ tan. Một chút thẹn thùng. Một chút lòng thương. Nhưng tình yêu thì nhất định không còn nữa. Mong manh thay tình yêu bồng bột của tuổi hai mươi! Người ta tưởng có thể chết vì một người, rồi đột nhiên người ta thấy chẳng có nghĩa lý gì đối với lòng mình nữa. Hắn uể oải đứng lên, toan về.

    Bỗng Hàn để ý đến mấy cô gái đứng gần Hàn vừa nghe nói đến tên Tơ. Hắn nhìn xem. Một cô đang giơ ra một cái khăn tay. Họ vừa xem vừa bàn tán với nhau:

    Cái Tơ cũng nhặt được ở đâu đấy, chứ về nhà ấy làm gì dám mua những của này?

    Chắc thế.

    Mấy hào đấy?

    Có hai hào.

    Rẻ đấy.

    Rẻ thì rẻ thật, nhưng giá tôi thì tôi cũng chả mua đâu. Hạng chúng mình mua khăn tay thêu làm khỉ gì chứ?…

    Thì đã hẳn… Nhưng thấy rẻ, tôi tiếc nên máy tay mua đấy. Tôi chả sợ. Thế nào tôi cũng gạ cô Luyến, bán cho cô ấy, để cô ấy hầu bóng. Cứ gọi là ba hào là rẻ. Mình được lãi một hào ăn bánh đúc.

    Ăn bánh đúc! Lại ăn bánh đúc!… Chao ôi! Thì ra những cô gái quê rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ kia phần nhiều chỉ nghĩ đến ăn. Họ là những kẻ không mấy ngày được thỏa cơm. Ðối với họ, cái ăn có lẽ còn cần hơn cả tình yêu. Tơ đã bán cái xúvơnia của Hàn đi để ăn bánh đúc chăng?… Hàn đỏ mặt lên, hắn thấy hắn đã làm một việc quá buồn cười. Nhưng mà hắn chẳng giận Tơ đâu. Hắn cũng không khinh. Hắn chỉ sáng mắt ra thôi. Ðiên rồ thay là cái dự định dắt Tơ đi! Bọn trẻ con tưởng rằng, người ta có thể sống bằng tình yêu mà chẳng cần ăn. Hỡi những cô gái quê rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm kia! Các cô đã dạy khôn Hàn. Bây giờ Hàn mới biết rằng, trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ.

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 465, hè 1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  2. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Tư Cách Mõ
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bây giờ thì hắn đã thành mõ hẳn rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém cạnh những anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn. Hơi thấy nhà nào lách cách mâm bát là hắn đến ngay. Hắn ngồi tít ngoài xa, ngay chỗ cổng vào. Người ta bưng cho một mình hắn một mâm. Hắn trơ tráo ngồi ăn. Ăn xong, còn thừa bao nhiêu, hộn tất cả vào, lấy lá đùm thành một đùm to bằng cái vế đùi, để đem về cho vợ, cho con. Có khi hắn còn xán đến những chỗ người ta thái thịt, dỡ xôi, lấy cắp hoặc xin thêm một đùm to nữa. Hắn bỏ cả cái đùm vào cái tay nải rất to, lần đi ăn cỗ nào hắn cũng đem theo. Thế rồi một tay xách tay nải, một tay chống ba toong, hắn ra về, mặt đỏ gay vì rượu và trầu, đầy vẻ phè phỡn và hể hả….Mùa đến, hắn vác một cái đòn càn có quấn mấy sợi thừng ở một đầu, đi hết ruộng nọ đến ruộng kia:

    Mùa màng, anh em đến xin cụ lượm lúa… Mùa màng, anh em đến xin ông lượm lúa…Đến xin bà, hay thầy, hay cô lượm lúa…

    Mồm hắn nói, tay hắn lượm. Hắn cứ chọn những gồi nào to nhất, mẩy nhất thì lượm. Cụ, hay ông, hay bà, thầy, cô tiếc. Hạt thóc quý như hạt ngọc. Nhưng tiếc cũng chẳng làm sao được. Ai nấy đều im như thóc cả. Người ta đã nói: tham như mõ. Nếu nó không tham, sao nó làm mõ? Còn mình, không lẽ mình lại keo với cả thằng mõ trở đi?… Hà hà! Cứ vậy mà ăn câu đấy. Hắn biết thóp người ta như vậy, nên hắn lại càng làm dữ. Hết mùa rồi đến tết. Trước tết, hắn xách ba toong đi trước, vợ thì đội một cái thúng cái đi sau. Chúng đến từng nhà, xin mỗi nhà bát gạo. Mùng một tết, bố con hắn xách một bao chè với năm quả cau, đến mừng tuổi các ông quan viên để kiếm cỗ ăn và kiếm tiền phong bao. Bao chè với cau của hắn, hắn đem đến rồi lại đem về: có ông nào ngu đến nỗi lấy cau, chè của hắn? Người ta thừa biết hắn chỉ có độc trọi một bao chè ấy, đem đi hết nhà này sang nhà nọ, xong mấy ngày tết lại đem bán lại…Thế rồi độ mùng năm, mùng sáu, vợ chồng hắn lại đi tua lần nữa, để xin bánh chưng thừa…

    Cứ thế, hắn ỷ vào cái địa vị hèn hạ của mình để nhiễu người ta và lấy sự nhiễu được người ta làm khoái lắm. Nhiều người phải bực mình. Họ lại còn bực mình về cái cách hắn tưng nịnh những người rộng rãi và tỏ vẻ xấc láo, bủng phỉu đối với những kẻ không lấy gì mà rộng rãi hắn được. Thật hắn đã vô liêm sỉ quá. Mỗi lần hắn đi khỏi, những người đàn bà nguýt theo, chủm mỏ ra và lẩm bẩm.

    – Giống mõ có khác: không trách được người ta gọi là đồ mõ!… Trông ghét quá!…

    Người ta tưởng như ông trời đã có ý sinh hắn ra để mà làm mõ; hắn có cái cốt cách của một thằng mõ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, và là mõ ngay từ ngày mới sinh…

    Không! Lộ sinh ra là con một ông quan viên tử tế, hẳn hoi. Và mới chỉ cách đây độ ba năm, hắn vẫn còn được gọi là anh cu Lộ. Anh cu Lộ hiền như đất. Cờ bạc không, rượu chè không, anh chỉ chăm chăm, chúi chúi làm để nuôi vợ, nuôi con. Bố mẹ chết cả rồi. Chị cu thì y như con mài mại: lúc nào cũng chửa. Vừa mới dạo nào, trông bụng chị to như cái thúng, đến lúc gặp thì cái bụng chị đã mây mẩy rồi. Người đàn bà mắn quá! Vườn đất hẹp. Gia bản không có gì. Anh cu Lộ chỉ độc nai lưng ra cày thuê, cuốc mướn. Nói thế, nghĩa là nhà cũng túng. Nhưng túng thì túng thật, mà bụng dạ anh ta khá. Anh chỉ làm với ăn với nuôi vợ, nuôi con chứ không hề ăn trộm, ăn cắp của ai. Cái sự túng làm liều, anh tịnh là không có. Nhà hàng xóm có con gà, con vịt chạy sang, hoặc buồng chuối, quả mít liền kề ngay với giậu nhà anh, anh cũng mặc thây, không hề có cái tính tắt ma tắt mắt. Nói cho phải, thì anh cu Lộ ăn ở phân minh lắm. Bởi vậy kẻ trên người dưới, hàng xóm láng giềng ai cũng mến…

    Họ đạo Lưu An có tất cả chừng sáu chục suất đinh. Sáu mươi suất đinh tập họp lại với nhau, thành một làng nhỏ trong cái làng to. Trừ những việc sưu thuế, tạp dịch là những việc họ cùng chịu chung với dân lương, còn thì giáo dân nhất nhất cái gì cũng theo một ước lệ riêng. Ông trùm bên họ, cũng như người lý trưởng bên dân. Dưới ông trùm, đến ông quản giáo, trông coi việc dạy trẻ học sinh. Sau cùng đến ông sơ, tức là những ông đỗ bằng Sơ học yếu lược, và đã nộp lệ và làm rượu trình làng. Đấy là hạng quan viên. Bởi làm người đàn anh bên phía họ đạo không quá nặng nề, tốn kém như làm ông lý, ông phó bên dân lương, nên đến già nửa người trong họ là quan viên. Chỉ còn hơn vài chục trai em. Bởi vậy bọn trai em cứ phải đi phu choanh choách. Đã có quan viên, có trai em, tất cũng phải có một thằng mõ nữa cho đủ bộ. Nhưng tìm đâu ra mõ? Người bên lương, tất không ai chịu làm mõ cho bên đạo. Mà người bên đạo thì ai chịu làm mõ ngay trong họ mình? Các cụ bèn nghĩ ra một cách. Người mõ không gọi là mõ nữa. Các cụ gọi là lềnh. Lềnh chuyên việc quét dọn nhà thờ và đi mời họ mỗi khi có ăn uống hay hội họp. Đi mời từng nhà một, chứ không cần phải rao. Mỏi chân một tí nhưng không xấu hổ. Họ sẽ cắt lượt trai em ra làm lềnh mỗi người ba năm. Người lềnh được ngồi ngang với trai em khác, và hết hạn rồi, nếu có tiền hay tài cán, muốn làm quan viên, vẫn được. Như vậy thì cũng chẳng có gì là mất giá trị. Đến lần, đến lượt thì làm, ai cũng làm…

    Nhưng một năm xưa, một tên vô gia cư, chẳng biết quê quán nơi đâu, đem một con vợ theo đến trú ngụ làng này. Vợ chồng đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn. Chúng ở nhờ nhà một bà lão mù, bán thuốc cam, sài, ghẻ, lở bên cạnh chợ. Một hôm, chẳng may người vợ chết. Cả hai vợ chồng cùng chưa vào làng. Vậy có nhiên là làng không chịu chôn cho. Hàng xóm cũng nhất định không chôn. Họ còn hạch sách nọ kia, toan làm rầy rà cho người chồng. Không biết liệu ra sao, anh chồng bèn mua một chục cau đem lên kêu với họ đạo, xin họ chôn làm phúc, rồi anh ta xin nhập đạo. Họ nhận, làm ma cho người vợ. Rồi nhân tiện, muốn giúp đỡ anh chồng, họ bàn cho anh ta mấy sào đất bên cạnh nhà thờ để làm vườn, lại cho anh ta tiền để làm một cái nhà con con. Từ đấy, trai em trong họ không còn phải cắt lượt nhau làm lềnh nữa. Được bốn mươi năm như vậy. Rồi người sãi chết. Hắn không có con để mà kế nghiệp. Chân sãi khuyết. Bọn trai em quên hẳn cái lệ lềnh ngày xưa rồi, chỉ biết có sãi là một anh chàng na ná như thằng mõ, bây giờ nhất định bướng, không chịu làm việc ấy. Bàn định mãi, các cụ bỗng nghĩ đến anh cu Lộ. Nghĩ đến một cách rụt rè thôi:

    – Giá anh ta chịu cáng đáng việc này cho thì hay quá! Anh ta cẩn thận mà sạch sẽ….

    Mà nhà cũng túng. Vườn đất hẹp. Cáng đáng được thì được thêm bốn sào vườn nữa, sưu thuế không phải đóng.

    Mà mỗi kì thuế, họ lại còn cho thêm tiền..

    Kể ra thì chỉ toàn những cái lợi. Nhưng chỉ sợ anh ta còn e cái tiếng…

    Tiếng tăm gì! Quét dọn nhà thờ thì cũng là làm việc thờ phụng, ai làm không được. Còn đi mời quan viên, thì mình là người dưới, đi mời người trên một tiếng, không đáng à.

    Một cụ kêu lên thế. Cụ tiên chỉ mủm mỉm cười rồi hỏi:

    – Hay là ta cho tìm anh ấy đến, dỗ anh ấy xem sao?

    Lộ đến. Người ta kể tất cả những cái lợi ra để nhử. Rồi người ta lại cố cắt nghĩa cho anh hiểu: làm sãi chẳng có gì là nhục, cũng là làm việc họ đấy thôi; ai cũng ngại, không chịu đứng ra cáng đáng thì mình đứng ra cáng đáng giùm cho cả họ; có phải mình tham lợi, tự nhiên đem trầu cau đến xin làm đâu mà sợ tiếng?…

    Không, thế này, anh cu ạ; giá anh cầu cạnh để làm thì còn có người nói được. Đằng này anh không cầu cạnh, chúng tôi gọi anh đến, cho làm, thì việc gì anh không làm? Ấy là tất cả các cụ, cùng quan viên trên, quan viên dưới đều mến cái bụng anh hiền lành….Anh cứ làm.

    Lộ bùi tai, làm vậy. Và quả nhiên, hắn làm được ít lâu thì nhà đỡ xo dụi hơn trước thật. Bởi vì hắn chăm chỉ lắm. Mấy sào vườn họ cho, hắn cuốc xới rất kỹ càng. Hắn làm ngô, làm mía được mấy vụ tốt luôn. Tiền của họ cho, hắn bỏ ra lấy khô bã cho lợn ăn. Sưu thuế không mất một đồng trinh, làm được đồng nào, được cả. Làm gì không dễ chịu?

    Bấy giờ những anh khác trông thấy thế mới sinh ra tiếc. Họ thấy Lộ làm sãi ngon ăn quá. Họ ngấm ngầm ghen với hắn. Và chẳng người nào bảo người nào, họ vô tình về hùa với nhau để báo thù.

    Những lời tiếng mỉa mai truyền từ người nọ đến người kia. Lộ thấy những bạn bè cứ lảng dần. Những người ít tuổi hơn, nói đến hắn, cũng gọi bằng thằng. Trong những cuộc hội họp, nếu hắn có vui miệng nói chõ vào một câu, nhiều người đã ra vẻ khinh khỉnh, không thèm bắt chuyện….Hắn nhận thấy sự
    thay đổi ấy, và bắt đầu hối hận. Nhưng sự đã trót rồi, còn biết sao được nữa? Hắn tặc lưỡi, và nghĩ bụng: “Tháng ba này, thằng nào thằng ấy đến ba ngày không được một bát cơm, dãi nhỏ ra, hết còn làm bộ!… ”. Một ý phẫn khích đã bắt đầu nảy mầm trong khối óc hiền lành ấy…Một hôm, trong một đám khao, Lộ vừa chực ngồi xuống cỗ thì ba người khác đứng cả lên, Lộ người trơ lại một mình. Mặt hắn đỏ bừng lên. Hắn do dự một chút rồi cũng phải đứng lên nốt, mặt bẽn lẽn cúi gằm xuống đất. Chủ nhà hiểu ba anh kia có ý gai ngạnh không chịu ngồi chung với mõ. Ông tìm một người khác, xếp vào cho đủ cỗ, và yên ủi Lộ:

    – Chú ăn sau cũng được.

    Lộ ầm ừ cho xong chuyện, rồi nhân một lúc không ai để ý, lẻn ra về. Hắn tấm tức rất lâu. Trông thấy vợ, hắn cúi mặt không dám nhìn thị, làm như thị đã rõ cả việc nhục nhã vừa rồi. Hắn thở ngắn, thở dài, lắm lúc hắn muốn bỏ phắt việc, trả lại vườn cho họ cho đỡ tức. Nhưng nghỉ thì cũng tiếc. Hắn chăm cái vườn tốt lắm rồi. Để thằng khác ăn, nó hoài đi. Hắn lại tặc lưỡi một cái, và nghĩ bụng: “Mặc chúng nó!… ”. Hắn chỉ định từ giờ chẳng đi ăn cỗ đám nào nữa là xong chuyện….Nhưng khổ một nỗi, không đi, không được. Đám nào có ăn, tất nhiên là thằng sãi phải đi mời. Mời xong, tất nhiên chủ nhân không chịu để hắn về. Làm cỗ cho cả họ ăn còn được, có hẹp gì một cỗ cho thằng sãi? Để nó nhịn đói mà về, nó chửi thầm cho. Mà thiên hạ người ta cũng cười vào mặt, là con người bủn xỉn…ấy, người ta cứ suy hơn, tính thiệt như vậy mà nhất định giữ thằng sãi lại. Không ai chịu ngồi với hắn, thì hắn sẽ ngồi một mình một cỗ. Nếu hắn có sợ thẹn thì người ta sẽ dọn cỗ trong bếp, hay một chỗ nào kín đáo, cho hắn ngồi..

    Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào, mà chẳng có người chạy lại, chạy qua. Mỗi người qua lại hỏi hắn một câu:

    Lộ đấy à, mày? Cũng có người thêm:

    Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hóa ra lại….bở!

    À! Thế là bọn họ nói kháy anh cu Lộ vậy, Lộ cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái rồi nghĩ bụng: “Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!… ”. Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, mà mặt hắn thì bẽn lẽn. Muốn chữa thẹn, hắn cố làm ra trâng tráo. Hắn uống rượu, hắn rung đùi, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai…Sau cái bữa đầu, hắn không thấy ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn trông mà thèm. Bây giờ thì lại đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà cũng đòi một cỗ to hơn bốn người ăn!…

    – Mẹ kiếp! không trách được người ta bảo: “Tham như mõ!”.

    A! Họ bảo hắn là mõ vậy…Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!..Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu để lại ăn hai, ba ngày…Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khỏe đi!

    Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi, trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện…

    Bây giờ thì hắn mõ hơn cả những thằng mõ chính tông. Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta. Vào một nhà nào, hắn không được vừa lòng, là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng:

    Mẹ kiếp! Xử bẩn cả với thằng mõ….
    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 471, ngày 24-7-1943.
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  3. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Điếu Văn
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thế là xong. Anh chết rồi đấy nhỉ? Không lẽ tôi lại vui khi được một cái tin như thế. Nhưng thật tôi cũng không biết có nên buồn không đấy. Có người bảo: “Sống khổ đến đâu, cũng còn hơn chết”; cái tâm lý chung của người đời như vậy.

    Tuy vậy, tôi đã buồn. Buồn đến nỗi suốt một đêm không ngủ được. Thật đấy, anh Phúc ạ. Người ta thường trách tôi vô tình cảm. Nhầm. Tôi chỉ gớm ghét sự giả trá mà thôi. Mà bởi ghét giả trá quá, tôi lại thành ra giả trá. Có điều tôi giả trá theo cách khác: tôi cố ý đóng cũi sắt tình cảm tôi. Thấy người ta thương xót quá dễ dàng, tôi quá sợ lòng thương; thấy nhiều người khóc quá tài tình, tôi bỗng xấu hổ mỗi khi chực khóc. Tôi có đến đưa ma anh cũng bằng thừa. Đã có khối người tiếc thương anh. Đã có người vợ trẻ của anh quăn người lại như một chiếc vỏ bào, và khóc nỉ non như một bản âm nhạc mới. Có lẽ chỉ có hai đứa con anh là chúng không làm thảm thiết quá thôi. Chúng không gào. Chúng không lăn lộn trên đường như một con đỉa phải vôi. Chúng không chép miệng, ngoẹo đầu. Chúng ngây ngây, giương đôi mắt ngẩn ngơ. Thỉnh thoảng, nước mắt chúng mới ứa ra, thì chúng lại vội quệt ngang tay áo. Ấy thế mà chúng mới chính là những kẻ thương anh nhất. Chúng biết đời anh là đời chúng. Anh chết đi, chúng chỉ còn một cách, là đi ăn mày.

    Anh Phúc ơi! Anh đã thấy chưa? Tôi không lẫn lộn vào trong bọn người đi đưa đám ma anh, nhưng hồn tôi theo đám ma anh. Tôi giống như cô gái ngây thơ mới bắt đầu yêu. Cô vờ không để ý, khi người yêu đi ngang qua cửa nhà cô; nhưng lại len lén nhìn theo rất lâu khi chàng đi khỏi. Tôi cũng thế. Tôi cố làm thinh khi người ta khóc đưa anh. Nhưng bây giờ đây, khi mọi người đã im rồi, tôi đóng kín cửa phòng, ngồi một mình trước bàn viết của tôi, bùi ngùi đưa đám ma anh trong tâm tưởng. Cái đám ma cũng đường trường lắm. Tôi dõi theo anh, từ lúc chúng ta mới quen nhau cho đến tận lỗ huyệt người ta vừa vùi anh xuống. Như vậy họa chăng mới có thể gọi là trọn nghĩa…

    Tôi gần gũi anh, hồi còn nhỏ. Chúng ta sống cạnh nhau mấy năm trời tại nhà một bà bác tôi. Anh ở thuê. Tôi nhờ vả. Chúng ta hiểu với nhau rằng: hai chúng ta cùng khổ. Không, anh Phúc ạ! Chúng ta phải công bằng mới được. Bà bác tôi không phải là người ác nghiệt đâu. Có điều bà khổ quá nhiều rồi. Khi người ta phải rỏ từng giọt máu ra để kiếm đồng tiền, thì lẽ tự nhiên là người ta phải quý tiền ngang với máu. Chồng bà mất sớm. Đã nhiều lần, bà toan bước đi bước nữa, nhưng chỉ vì tiếc của, lại thôi. Anh thử nghĩ xem. Đối với một thiếu phụ đương xuân, còn cái gì khổ hơn sự lẻ loi. Ấy thế mà bà cam phận lẻ loi để khư khư giữ lấy tiền ở chính tay bà, không muốn để lọt tay ai. Bà mặc lòng bà héo hắt đi. Bà đày đọa thân bà. Có phải bà cay nghiệt ngay từ với chính bà mà trở đi không? Còn trách gì cái cách bà đối đãi với chúng ta! Bà keo cú và tham việc lắm… Bà có mỗi một mống con thôi. Ai chả tưởng: quí hơn vàng. Có lẽ bà cũng quí con. Nhưng không phải vì thế mà bà nới tay với con đâu. Mỗi bữa ăn bà giao hẹn với con mỗi miếng đậu kho hay mỗi con tôm phải ăn hết một bát cơm. Không đủ mặc thây. Nó cứ việc ăn cơm nhạt hoặc chan với cái thứ mắm tép mặn hơn cá muối, mà cả nhà phải ăn quanh năm, suốt tháng. Con đẻ đứt ruột ra còn thế, còn nói gì tới cháu và đứa ở! Chắc anh cực lắm đấy, anh Phúc nhỉ? Làm gì tôi chả biết…

    Hãy nói ngay rằng: bà bác tôi coi anh không bằng con trâu anh thường dắt đi chăn. Con trâu là một món tiền to. Nó làm lợi rất nhiều. Nó chết, người ta phải bỏ ngay ngót trăm đồng bạc tậu con khác về thay nó. Bởi vậy người ta cần chăm chút nó. Còn anh, anh chỉ là một thằng hèn. Anh đi còng còng như một ông lão tám mươi. Cái cổ anh thụt vào giữa hai cái vai rúm ró và xo. Đầu anh ngoẹo về một bên để cái cằm nhọn hếch lên phía bên kia. Cả một cái thân hình ọp ẹp của anh không đáng một đồng xu. Người ta có cảm tưởng như nuôi anh là một sự làm phúc đó thôi. Anh chết đi, chẳng thiếu gì đứa nhanh nhẹn, cứng cáp bằng vạn anh. Anh chỉ là đồ ăn hại…. Ôi chao! Anh ăn hại những gì? Sáng ngày ra, anh uống nước lã cầm hơi. Bữa trưa, anh được ba lùm lùm bát cơm ngô hoặc cơm khoai. Bữa tối, người ta lại cho anh vài nắm ngô rang hoặc vài củ khoai, củ ráy. Kể ra thì bữa nào cũng thòm thèm cả. Chỉ có công việc và những lời chửi rủa thì bao giờ cũng thừa bứa tứa tát. Xơi không kịp! Anh thức dậy trước gà và ngủ có lẽ còn sau bọn tuần sương. Biết mình chậm chạp vụng về, lại yếu ớt quá không thể xốc vác như người ta, anh chỉ chăm chăm chúi chúi làm suốt ngày, không một phút nào dám nghỉ ngơi. Anh làm cả về đêm. Anh mong lấy sự cố gắng của chính anh để bù lại sự kém cỏi tự trời sinh; là cốt lấy sự chăm chỉ, sự kiên nhẫn và nhẫn nại để gợi lòng thương của chủ. Khổ thân anh quá! Tôi thương anh nhất vào những lúc trở trời hay những tháng mùa đông. Bệnh hen của anh lại dấy lên. Anh thở cũng đã là một việc khó nhọc lắm rồi. Thế mà anh vẫn dậy sớm, thức khuya, làm hết việc nhà đến việc đồng, chỉ khác ngày thường một cái là thỉnh thoảng anh ngừng lại để ho sù sụ, thở rít lên như tiếng bễ, gà gà mắt ra như người say thuốc lào. Trông anh những lúc ấy chẳng khác gì một con cò chết rét. Có lần tôi ái ngại quá, bảo anh:

    Ốm quá thế thì nằm nhà đắp chiếu mà nghỉ có hơn không? Mình ốm, ai nỡ nói? Anh lắc đầu, nói như người chực khóc:

    Đã đành, ốm thì chắc người ta cũng phải lo cho mình nghỉ. Nhưng một lần, hai lần còn được, chứ nay ốm, mai ốm thì coi sao tiện? Người ta thuê mình cho mình làm chứ không phải là để cho mình đắp chiếu nằm như bố già người ta. Thiệt đến người ta thì người ta phải xót…Vả lại mình ăn cơm, lấy công của người ta, mình phải nghĩ.

    Tôi chỉ chép miệng, không còn biết nói sao. Ngừng lại một lát để thở, rồi anh lại thong thả tiếp:

    Ấy, tôi đã phải nghĩ thế mà cũng không xong đấy. Tôi có dám lười đâu? Thế mà lắm lúc bà ấy còn nói cho như móc họng, đến gần phải mửa cơm ra mà trả lại!

    Thoáng thấy bóng bà chủ, anh lại vội vàng làm rất khỏe ra bộ mình chẳng còn ốm đau gì cả.

    Mấy năm sau, tuy chẳng bàn nhau mà chúng ta bỏ nhà bà bác tôi cùng một độ. Tôi ra tỉnh học. Anh tự liệu không đủ sức để theo nghề làm ruộng, đi học nghề thợ may. Tuy chẳng còn mấy khi được gặp anh, nhưng xa xa tôi vẫn nhận được những tin tức về anh. Tôi biết đại khái tình cảnh anh cũng chẳng hơn gì trước mấy. Thôi thì cũng phải vắt mũi đút miệng, được bữa hôm lo bữa mai, nhưng cái kiếp chúng mình thì chỉ có thế thôi, mong hơn làm sao được? Một năm kia, người ta bảo tôi rằng: anh mua lại được một cái máy khâu cũ sáu mươi đồng, nhờ chút tiền dành dụm được từ khi cầm nổi cái kim và ba, bốc chục nỡ lãi hay tiền nợ non gì đấy. Cũng đáng mừng cho anh lắm! Từ đấy, hình như việc làm ăn của anh có dễ chịu hơn lớp trước. Một hôm, có chút việc phải về quê, tôi gặp anh, quấn áo trắng bong, đầu chải mượt, chân kéo lê đôi guốc sà goòng lộc cộc. Nghĩa là anh “diện” lắm. Tôi lấy làm ngạc nhiên. Tôi tỏ sự ngạc nhiên ấy với mấy người hàng xóm. Họ mỉm cười, bảo tôi:

    Ai? Phúc ấy à?… Còn phải nói! Bây giờ cậu ấy tơ tuốt ghê lắm nhé! Chết cái không tơ tuốt, lại sợ vợ nó chê, nó phải lòng thằng khác thì hỏng cả.

    Tôi sửng sốt:

    Anh ta cưới vợ rồi! Lấy ai?

    Cái Thửa, con nhà chú Thuận lùn ấy mà! . . . Con bé tình ra phết! Mà phải biết là đỏng đảnh. Lúc nào cũng cái áo cánh cát bá, cái yếm cổ xây thật trắng, cái quần lụa buông chùng xuống tận gót chân, với chùm chìa khoá lúc la lúc lắc….Nội bà lý, bà phó trong làng này cũng không ăn bận sang như nó. Cô đầu cũng không ăn đứt.

    Thế mà nó chịu lấy anh ta?

    Thì còn lấy chó nào được mà chả lấy? Nó đĩ bỏ cha đi ấy! Hai cái mắt thì lúc nào cũng tít đi, hai cái má thì đỏ tía ria, cái mồm thì toe toét; động ai hơi nói đùa, nói bỡn một tí đã hơ hớ cười. Nó nhân tình nhân với trăm thằng, bọn lý dịch chẳng anh nào không thậm thọt ra vào nhà nó.

    ….(đoạn này trong bản in năm 1943 bị nhòe mất mấy dòng)….

    Anh cu Phúc thì mê nó tợn, cho nó nào quần lụa, nào áo cánh xát xi, nào yếm vải phin…lại cả tiền nữa ấy! Có thế nó mới lấy cu cậu vậy, chứ không thì đời nào nó lấy. Trông anh chàng như con giun chết, không thương được. Cu cậu hỏi năm, sáu đám, có đứa nào nó chịu lấy đâu? Mà toàn những đứa xấu xí, vất bờ tre bảy ngày không ai buồn nhặt. Ấy thế mà thánh nhân đãi khù khờ, tự nhiên vớ ngay được một con thật đẹp!…

    Họ nói câu cuối với một vẻ gì mỉa mai. Tôi buồn rầu, hỏi:

    Thế từ ngày lấy nhau đến giờ, chị vợ có chịu…làm ăn đứng đắn hơn không?

    Làm? Làm gì? Nó thì chẳng bao giờ làm cả.

    Không! … Tôi nói… Nghĩa là… chị ta có tu tỉnh lại, về cái đường kia khác, hay là chứng nào tật ấy?

    À! Kể thì cũng đỡ… bởi vì anh chồng chiều tợn, nó chẳng bắt làm gì cả, chỉ nhong nhóng suốt ngày, cơm bưng nước rót đến tận mồm, lắm khi cái quần cái áo thay ra cũng anh chồng giặt hộ.

    Ôi thôi! Thế thì hỏng mất! Tôi đã gần buột miệng kêu lên thế. Bởi vì tôi vốn biết anh là một người hay gắng gượng. Anh đã gắng gượng lấy sự chăm chỉ, sự nhẫn nhục để bù lại cái sức yếu của anh để gợi lòng thương của bà chủ ngày xưa, thì bây giờ anh lại gắng gượng lấy sự nuông chiều, sự hạ mình cố bù lại sự kém cỏi về dung mạo của mình, để mong giữ được lòng yêu của cô vợ đẹp. Gợi lòng thương của một người chủ tham lam còn khó lắm thay! Còn nói gì đến sự gợi lòng yêu của một người đàn bà đẹp, lẳng lơ và nhẹ dạ? Hỡi ôi! Trời thật bất công khi dựng ra cái đẹp và cái xấu. Loài người thích đẹp, ghét xấu đã phụ họa vào sự bất công của trời! Trong lúc thương anh quá, tôi nghĩ vơ nghĩ vẩn, đến mất cả lý trí và gần thành một thằng dở hơi…

    Bẵng đi một dạo rất lâu, tôi không trở lại quê nhà, để bây giờ lại về ở hẳn đây, như một người già cả. Tôi đã gần quên hẳn anh rồi. Nào có phải tôi là người chóng nhạt tình đâu, nhưng bây giờ tôi cũng đã có vợ, có con, có cả một gia đình. Tôi có bao nhiêu cái khổ của tôi. Chúng hút tất cả ý nghĩ của tôi, khiến tôi sống như kiểu một người ích kỷ. Óc tôi chẳng còn một phút nào được rảnh rang để nhớ đến người bạn khổ sở hồi thơ ấu…

    Bỗng đùng một cái, tôi nghe tin anh chết. Mà chết như thế nào!… Anh ốm bốn tháng nay. Cái bệnh hen kinh niên lại phát ra, như thường lệ mọi năm, nhưng lần này dữ dội hơn. Anh chỉ còn làm được một việc thở mà thôi. Tiền dành dụm mòn dần, rồi hết hẳn. Rồi cái máy cũng phải bán đi. Người vợ đẹp của anh, hai con rồi mà vẫn còn trẻ mau mảu, vẫn phải ăn, phải tiêu, phải mặc áo yếm trắng bong và quần lụa chùng sát đất. Anh không thể cung cấp cho thị nữa, thì đã có một anh thợ húi đầu cung cấp. Thị bỏ anh nằm chết khô, chết nỏ đi suốt ngày đêm. Hai đứa con anh, ẻo lả như một cái lá úa và buồn như một tiếng thở dài ngồi củ rủ nhìn anh bằng đôi mắt dại đi vì đói quá. Chúng ngáp luôn luôn. Gian nhà tối ẩm, đầy mùi bệnh tật và bừa bộn rác rưởi, muỗi ruồi. Chỉ có những con ruồi là còn có vẻ sống, có vẻ hoạt động và khỏe mạnh giữa cái thế giới ốm yếu ấy, đã chìm một nửa vào cõi chết. Người ta nghe thấy những tiếng thở rốc lên, những tiếng rên và những tiếng chép miệng liên hồi. Anh nhạt miệng hay chán nản cho số kiếp? Thỉnh thoảng đôi mắt gà gà của anh lại cố mở to ra, lần lượt đưa về phía hai đứa trẻ rồi đưa ra phía cửa. Bên ngoài trời rất đẹp. Nắng tưng bừng. Một đàn sẻ chí choé cãi nhau như một lũ trẻ con tập làm người lớn: chúng xỉa xói, chúng chanh chua, chúng cướp lời nhau một cách vui vẻ và ầm ĩ. Chim đực, chim cái gọi nhau. Những con chim non cũng đua đòi. Một con ve lanh lảnh này trả lời một con ve lanh lảnh khác. Ôi chao! Đời vui quá! Muôn loài sống mạnh mẽ và sung sướng. Không gian là một đám hội xôn xao và rực rỡ. Anh nằm trong đây, như một cái xác chết trong mả lạnh, chua chát nghĩ rằng: mình không ăn nhập gì đến cảnh đùa vui của người… Đôi mắt anh chìm dần, chìm dần để mờ đi. Đôi mi tím nhạt đã căng lên. Chúng che cảnh hiện tại đi để một cảnh khác tỏa ra. Anh mơ hồ nghe tiếng trống chèo ở xa văng vẳng. Ấy là anh đang nằm nhớ lại những ngày làng vào đám. Chung quanh đình tấp nập… Người vợ anh cười cợt giữa chỗ đông đảo ấy với những anh trai làng chớt nhả và bẻm mép… Còn anh thui thủi nằm nhà để quạt cho hai con ngủ, để khàn khàn ru mỗi khi thằng bé giãy, và để thỉnh thoảng thở dài khi hơi thở nhẹ nhàng của nó lại trở nên đều đều…. Anh đã chịu đựng tất cả những nỗi đau đớn âm thầm ấy, không một lần hé răng oán thán. Nhưng lúc này, cái lúc anh gần chết mà vợ anh vẫn không đoái tưởng đến anh một chút, anh thấy nghẹn ngào, uất tức. Cổ anh tắc lại. Hơi thở bị nghẽn một lúc rồi lại bật được ra, dốc lên hơn trước. Ngực anh như có một phiến đá nặng đè lên. Chân tay anh lạnh toát đi. Người anh bộn rộn, bồi hồi. Mồ hôi lạnh dâm dấp trán. Đờm kéo lên sòng sọc trong cuống họng. Anh chết mất! Anh chết mất! Anh không còn thở được!… Đôi mắt hoảng hốt của anh chực mở ra. Nhưng mí mắt nặng lắm rồi: anh phải cố mới gạt được chúng lên. Đôi mắt mất thần cuống quít tìm hai đứa trẻ. Mồm anh ú ớ… Giữa lúc ấy thì cái phên liếp động. À! Vợ anh, người vợ đẹp của anh đã về. Anh lịm người đi, chẳng biết vì sao. Đôi mắt anh nhắm lại. Anh không muốn nhìn mặt nó? Nhưng kìa nó đã lại đầu giường anh với một vẻ buồn rầu giả dối. Cái thứ tiếng ngọt như đường của nó lại gọi anh:

    – Thầy em ơi!

    Đôi mắt anh mở từ từ. Chúng trợn ngược lên để nhả tất cả nỗi oán trách vào mắt nó. Trong lúc ấy nó nghĩ gì? Rồi không biết nó còn tìm đâu được mấy giọt nước mắt để vãi ra. Nó đặt bàn tay lên ngực anh và mếu máo:

    – Thầy em ơi! Thầy em ơi!…

    Tiếng gọi thất thanh của nó làm anh thổn thức. Anh nức nở trong ngực. Anh đã lại muốn tha thứ, tha thứ hết. Nước mắt anh ứa ra đầy mắt…

    – Thầy em ơi! Thầy em làm sao thế?

    Anh lắc đầu… Không phải là cái lắc đầu giận dỗi đâu. Đó là cái lắc đầu thất vọng. Anh biết anh không còn sống nữa. Anh tiếc vợ. Anh tiếc đời… Nhưng chút tình thương – thành thực hay giả trá – của con vợ đẹp đã làm anh sống lại. Anh lại nói được, và anh nói:

    Tôi chết mất! Thế nào tôi cũng chết… Tôi chỉ còn thèm một bát chè đỗ đen. Nếu có thì bu em cho tôi một bát để tôi ăn cho mát ruột rồi tôi chết.

    Nhà không có đường. Mà nấu cũng không kịp. Để tôi đi xem đâu có, mua cho thầy em một bát…

    Vừa nói nó vừa mải mốt đi lấy bát. Nó tong tả chạy ra khỏi cửa. Anh nghe tiếng vạt áo nó bay soàn soạt và chân nó chạy bình bịch. Chưa bao giờ nó tử tế với anh như vậy, nhưng anh đã quên tất cả, và cứ tưởng tượng suốt đời nó toàn tử tế với anh như vậy. Anh càng thêm tiếc đời….

    Chao ôi! Giá anh đã được ăn bát chè kia! Biết đâu anh đã chẳng mát lòng, mát ruột mà sống được? Nhưng vợ anh đi lâu quá. Nó đã gặp gỡ một cái gì ở trên đường làm nó lãng quên anh. Hay một kẻ nào đã ngăn cản nó làm bổn phận cuối cùng đối với một người chồng đã hết lòng với nó? Anh không còn sức đợi. Cái chết bị kìm lại trong một phút, lại bắt đầu chuyển động. Nó tiến dần, tiến dần, từ chân lần tới đùi, rồi tới bụng, rồi tới ngực… Anh lại hoảng hốt. Đôi mắt anh cố nhìn mãi… Nhưng anh đã chẳng còn nhìn rõ nữa. Ánh sáng lung linh, lung linh. Không gian bập bềnh như một cái thuyền. Mắt anh loá ra. Chúng mờ đi. Mọi vật xóa nhoà. Có lẽ nào như thế được? Anh uất ức. Anh ứ nghẹn. Anh cố kêu lên một tiếng, nhưng không được. Anh u ú ằng ặc. Đờm đã bịt chặt ống khí quản rồi. Anh ngạt thở. Anh cuống cuồng, anh sợ hãi, anh bứt rứt, anh choáng váng…. Ôi thôi! Anh chết rồi!

    Bây giờ thì sự im lặng bất tuyệt đã bịt chặt đôi tai anh, chán nghe những lời mai mỉa của đời rồi. Bóng tối phủ kín đôi mắt anh, mở thao láo nhiều đêm để nhìn trong bóng tối những cảnh nó làm anh nhục nhã. Anh đã có thể dửng dưng đối với những chuyện của loài người. Vậy thì anh Phúc ơi! Anh hãy nghỉ cho yên! Những chuyện đời này bây giờ chỉ còn là của chúng tôi. Chúng tôi, những kẻ đã đau khổ, đã uất ức, đã ước ao, đã khát thèm, đã thất vọng và vẫn hy vọng mãi và phải hy vọng mãi. Sự đời không thể cứ mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên trên nấm mồ anh và bên trên đầu hai đứa con côi anh để lại. Một bàn tay bè bạn sẽ nắm lấy bàn tay chúng và dắt chúng cùng đi tới một cuộc đời đẹp hơn.

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 476, ngày 18-8-1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  4. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Một Bữa No
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bà lão ấy hờ con suốt đêm. Bao giờ cũng vậy, cứ hết đường đất để làm ăn là bà lại hờ con. Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói. Mà cũng đúng như thế thật. Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng, buộc bụng nuôi nó từ tấm tấm, tí tí giở đi. Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà nhờ. Thế mà chưa cho mẹ nhờ được một li, nó đã lăn cổ ra nó chết. Công bà thành công toi.

    Con vợ nó không phải giống người. Nó có biết thương mẹ già đâu! Chồng chết vừa mới xong tang, nó đã phải vội vàng đi lấy chồng ngay. Nó đem đứa con gái lên năm giả lại bà. Thành thử bà đã già ngót bảy mươi, lại còn phải còm cõi, làm mà nuôi đứa con gái ấy cho chúng nó. Hết xương hết thịt vì con, vì cháu, mà nào được trông mong gì?

    Nuôi cháu bảy năm trời, mãi cho đến khi nó đã mười hai, bà cho nó đi làm con nuôi người ta lấy mười đồng. Thì cải mả cho bố nó đã mất tám đồng rồi. Còn hai đồng bà làm vốn đi buôn, kiếm mỗi ngày dăm, ba xu lãi nuôi thân. Có chạy xạc cả gấu váy, hết chợ gần đến chợ xa, thì mới kiếm nổi mỗi ngày mấy đồng xu. Sung sướng gì đâu! Ấy thế mà ông trời ông ấy cũng chưa chịu để yên. Năm ngoái đây, ông ấy còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Có đồng nào vét sạch. Rồi chết thì không chết nhưng bà lại bị mòn thêm rất nhiều sức lực. Chân tay bà bắt đầu run rẩy. Người bà thỉnh thoảng tự nhiên bủn rủn. Đang ngồi mà đứng lên, hai mắt cũng hoa ra. Đêm nằm, xương cốt đau như giần. Đi đã thấy mỏi chân. Như vậy thì còn buôn bán làm sao được? Nghĩ đến nắng gió bà đã sợ.

    Tuy vậy, bà vẫn phải ăn – Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao? Thức ăn không bao giờ tự nhiên chạy vào mồm. Có làm thì mới có. Nhưng bây giờ yếu đuối rồi, bà không còn kham được những việc nặng nề, cũng không còn chịu đựng được nắng, sương. Bà phải kiếm việc nhà, việc ở trong nhà. Ở làng này, chỉ có việc bế em, như một con bé mười một, mười hai tuổi. Mới đầu có nhiều người muốn thuê. Ai cũng nghĩ rằng: những bà già tính cẩn thận và sạch sẽ, không lơ lẻo như trẻ con; vả lại các cụ tuổi tác rồi, ăn chẳng bao nhiêu, bữa lưng bữa vực thế nào cũng đủ no; mà đã không no các cụ cũng chỉ lặng im, không ấm ức như những đồ trẻ nhãi, hơi một tí là đem chuyện nhà chủ đi kể với đủ mọi người hàng xóm…Nhưng thuê bà được ít lâu, tự nhiên người ta chán. Người ta nhận ra rằng: thuê một đứa trẻ con có phần còn thích hơn. Trẻ con cạo trọc đầu, những lúc tức lên, có muốn cốc nó dăm ba cái thì cứ cốc. Chẳng ai kêu: ác! Nhưng bà lão đầu bạc. Người ta tức bà đến gần sặc tiết ra đằng mũi cũng không thể giúi đầu bà xuống mà cốc. Cũng không thể chửi. Mắng một câu đã đủ mang tiếng là con người tệ. Mà bà thì lẩm cẩm, chậm chạp, lì rì. Bà rờ như thể xẩm rờ. Tay bà, đưa bát cơm lên miệng run run. Cơm vương vãi, tương mắm dớt ra mâm, rớt xuống yếm bà, rớt cả vào đầu tóc, mặt mũi, quần áo đứa bé nằm ở lòng bà. Rồi hơi trái gió, trở trời, bà lại đau mình. Suốt đêm bà thở dài với rên rẩm kêu trời. Có khi bà lại khóc lóc, hờ con. Nghe rợn cả người. Như vậy thì chịu làm sao được? Ấy thế là người ta phải tìm cớ tống bà đi. Bà lại phải gạ gẫm ở cho nhà khác….Không đầy một năm trời bà thay đổi đến năm, sáu chủ. Mỗi lần đổi chủ là một lần hạ giá. Thoạt tiên cơm nuôi tháng một đồng. Rồi cơm nuôi tháng năm hào. Rồi cơm nuôi một năm bốn đồng. Rồi hai đồng. Rồi chẳng có đồng nào. Đến nước ấy mà cũng chẳng ma nào chịu được. Một hôm, người chủ cuối cùng sai bà xách hai cái lọ đi kín nước. Bà bảo: bà chỉ có thể mang một lọ. Y đã lấy sự ấy làm khó chịu, nhưng cố nhịn. Nhưng một lọ không xong. Bà xách một lọ nước đầy ở dưới cầu ao bước lên bờ, chẳng biết bẩy rẩy thế nào mà ngã khuỵu xuống, vỡ tan cái lọ và què một bên tay. Nghe tiếng bà kêu, chủ nhà phải chạy ra đỡ bà về. Không có ai thừa cơm nuôi báo cô bà. Y bèn đãi bà năm hào và cho bà về hưu trí.

    Từ ngày ấy đến nay, tính ra đã hơn ba tháng rồi.

    Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu còn được ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào cũng cho như vậy? Lòng thương cũng có hạn. Mấy hôm nay bà nhịn đói. Bởi thế bà lại đem con ra hờ. Bà hờ thê thảm lắm. Bà hờ suốt đêm. Bà khóc đến gần mòn hết ra thành nước mắt. Đến gần sáng, bà không còn sức mà khóc nữa. Bà nằm ẹp bụng xuống chiếu, nghĩ ngợi. Có người nói: những lúc đó, trí người ta sáng suốt. Có lẽ đúng như thế thật. Bởi vì bà lão bỗng tìm ra một kế. Bà ra đi…..

    Cứ đi được một quãng ngắn, bà lại phải ngồi xuống nghỉ. Nghỉ một lúc lâu, trống ngực bà mới hết đánh, tai bà bớt lùng bùng, mắt bà bớt tối tăm, người tàm tạm thôi quay quắt. Bà nghỉ tất cả năm, sáu quãng. Thành thử đến tận non trưa, bà mới tới nhà mình định tới: ấy là nhà bà phó Thụ, nuôi cái đĩ. Bà quen gọi như vậy, ngay từ khi nó còn nhỏ; cái đĩ tức là đứa con của anh con trai đã cướp công bà để về với đất, yên thân và mặc tất cả những gì bà ngày nay.

    Bà nghĩ đến con, để mà ghen với nó thêm lần nữa, trong khi ngồi nghỉ ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ. Ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ, có một cây sung lớn. Bà tựa lưng vào gốc. Từ đầu ngõ vào đến nhà, còn những hai lần cổng. Có gọi thật to, ở trong nhà mới nghe tiếng. Mà bà thì còn hơi sức đâu mà gọi. Tiếng bà bải hoải. Hơi nói to một chút, nó đã ra đằng lỗ tai. Vả lại, chó nhà giàu dữ lắm. Nhà bà phó Thụ có những ba con chó đẫy đà, lực lưỡng. Lúc thiến, người ta đã rắc mảnh trai tán nhỏ vào. Vết thiến lành giúm mảnh trai ở bên trong gây cho con vật một nỗi đau ngứa ngáy, suốt đời không khỏi. Nỗi đau làm tội nó. Nó bứt rứt, khổ sở, cáu kỉnh nên bạ thấy người lạ nào cũng lăn sả vào chân, hoặp một miếng, ray thịt người ta cho hả giận. Trời ơi! Những con chó nhà bà phó Thụ, chúng ghê gớm lắm. Bà lão nghĩ đến chúng còn chết khiếp. Cái lần bà đưa cái đĩ vào, một người nhà đã phải cầm một cái gậy to tướng ra đe. Ấy thế mà cả ba con chó cùng hồng hộc chạy ra. Chúng vây lấy bà già rách rưới. Con nào cũng uốn cong cái lưng xuống, hếch cãi mõm đen thui lên, nhe ra những cái răng trắng hơn hớn và nhọn sắc. Bị cái gậy của người nhà cản lại, chúng càng tức tối. Chúng lồng lộn chung quanh, chúng nhảy chồm lên. Chúng ngoạm những cái cột giậu, kêu sồn sột. Chúng lay thật mạnh, hục hặc như muốn bẻ gãy cái cột, để lao vào đầu người ta…Bà lão với đứa cháu cứ rúm cả chân tay lại. Cháu nép vào bà, bà nép vào người bà phó Thụ. Chị người nhà thì luôn tay vụt cái gậy bên này, bên nọ, đằng sau, đằng trước và quát mắng. Ấy thế mà một con chó còn xông vào được, và chỉ một tí nữa nó đã xơi chân bà một miếng. Nhưng chị người nhà đánh kịp. Nó mới đấm được mồm vào cái bắp chân gầy đét của bà lão thôi. Hú hồn!… Bây giờ, dám gọi sao? Chó thính tai mà lại rất mau chân. Chúng xộc cả ra thì khốn. Ấy thế là bà lão đành ngồi đợi dịp. Cái đĩ bế em ra ngõ chơi chẳng hạn…Hay có người nào trong nhà đi đâu…Hay là có người đàn ông khỏe mạnh nào đến nhà bà phó Thụ, để cho bà đi ghẹ…Bà ngồi rỗi, tưởng tượng ra đủ cái may mắn tương tự thế. Chỉ có mỗi một cái mà bà chưa nghĩ đến: ấy là lúc chính bà phó Thụ đi chợ về. Mới thoạt trông thấy bà lão, bà tưởng là một con mẹ ăn mày. Bà hơi cau mặt:

    Ai kia? Ai ngồi làm gì kia? Chó nó ra, nó lôi mỡ ra cho đấy. Sao mà bạo thế? Bà lão quay lại mỉm cười móm mém:

    Bẩm bà đi chợ về!…

    Bà phó Thụ mở to đôi mắt đỏ ngầu, nhìn kỹ hơn một chút. Bà nhận ra bà cái đĩ ở. Tức thì mặt bà nguỷu

    xuống. Bà lão này còn muốn quấy quả gì nữa đây? Để vòi tiền thêm chăng? Bà lão rên một tiếng và chống tay lên đầu gối, bẩy rẩy đứng lên. Bà phó hỏi:

    – Bà đi đâu thế?

    Bà lão lại rên tiếng nữa để mở đầu câu nói. (Bà rên cũng như một vài người khác bạ lúc nào cũng thở dài. Cái ấy thành thói quen)

    Bẩm bà, con lên chơi với cháu. Lâu lắm, cháu không được về, con nhớ cháu quá!

    Úi dào ôi! Vẽ cái con chuột chết! Nó phải làm chứ có rỗi đâu mà bà chơi với nó? Nhà tôi không có cơm cho nó ăn để nó cứ nồng nỗng nó chơi. Bà muốn chơi với nó thì đem ngay nó về nhà, tìm cơm cho nó ăn, bà cháu chơi với nhau vài ba tháng cho thật chán đi, rồi hãy bảo nó lên. Tôi không giữ. Bà tưởng nó đã làm giàu, làm có cho tôi rồi đấy, hẳn?

    Bà cần phải ráo riết ngay để chặn họng, không cho bà lão mở mồm vòi vĩnh. Bà lão, bị những lời tàn nhẫn ấy hắt vào mặt, quả nhiên không còn nói sao được nữa. Bà cúi đầu, như một con mẹ ăn cắp lúa, bị tuần sương tóm được. Bà phó chiếp chiếp mồm luôn mấy cái, rồi vác mặt lên trời mà bảo:

    Chơi với bời! Cái lúc nó mới đến, trông như con giun chết, cạy gỉ mũi chưa sạch mà không thấy chơi với bời! Người ta nuôi mãi, bây giờ mới trơn lông đỏ da một tí, đã phải đến mà giở quẻ. Tưởng báu ngọc lắm đấy! Tưởng người ta đã phải giữ khư khư lắm đấy!… Úi chào! Có phải mả tổ nhà người ta đâu mà người ta giữ? Muốn bắt nó về, cho nhà nào nó nuôi làm bà cô tổ nhà nó thì cứ bắt. Ai người ta thiết? Cứ trả lại tiền người ta!

    Bà lão rưng rưng nước mắt. Khốn nạn, bà có ý quắt quéo thế đâu? Bà mếu máo:

    Bẩm bà, bà dạy thế thật oan con quá. Trời để con sống bằng này tuổi đầu, con còn dám lừa lọc hay sao? Thật có trời trên kia làm chứng, nếu con quả định đến đây để dỗ dành cháu về để đem cho người khác thì trời cứ vật con chết đi! Con chỉ xin bà cho được trông thấy cháu, bà cháu chơi với nhau một lúc. Cũng chẳng còn mấy chốc nữa mà con chết, con cũng tưởng đi chơi dối già một bận….

    Nó không được rỗi mà chơi với bà. Chẳng chơi bời gì cả! Bà đã trót lên thì vào đây, tôi cho một bữa cơm. Bận sau đừng vẽ cái con khỉ nữa. Nhà tôi không có thời phép cho chúng nó như thế được. Con tôi đi học tận Hà Nội, dễ tôi cũng phải nay ra chơi, mai ra chơi với nó đấy! Đã đi ở mà còn không biết phận….Chơi với bời!…

    Môi bà lại chiệp chiệp và xìa ra…

    Cái đĩ trông thấy bà, mừng rối rít. Nó cười rồi nó khóc chẳng biết vì sao cả. Nhưng đôi mắt khoằm khoặm của bà phó Thụ dội nước vào lòng nó. Nó tự nhiên ngượng nghịu, nó không dám xoắn xuýt bà nó nữa. Nó cúi đầu, khẽ hỏi:

    Bà đi đâu đấy?

    Bà đến xin bà phó Thụ một bữa cơm ăn đây! Bà đói lắm.

    Câu nói rất thật thà ấy, bà lão dùng giọng đùa mà nói. Như thế người ta gọi là nửa đùa nửa thật. Một cách lấp liếm cái ý định của mình bằng cách nói toạc nó ra. Cái đĩ bế em, dắt bà ra đầu chái, để không ai nhìn nữa…

    Bà lên làm gì thế?

    Đã bảo lên kiếm cơm ăn mà lại!

    Cái đĩ không tin thế. Nhưng nó cũng không hỏi nữa. Nó nhìn bà một lúc…

    Da bà xấu quá! Sao bà gầy thế?

    Chỉ đói đấy thôi cháu ạ. Chẳng sao hết

    Lớp này bà ở cho nhà ai?

    Chẳng ở với nhà ai.

    Thế lại đi buôn à?

    Vốn đâu mà đi buôn. Với lại có vốn cũng không đi được. Người nhọc lắm.

    Thế thì lấy gì mà ăn?

    Chỉ nhịn đói thôi chứ lấy gì mà ăn!

    Bà cháu mới kịp trao đổi với nhau ngần ấy câu thì bà phó đã the thé hỏi:

    – Nó bế em đi đâu rồi?

    Ấy là dấu hiệu bà sắp gọi. Cái đĩ vội đặt em xuống đất, bảo:

    – Bà giữ nó hộ con một tý.

    Nó cởi dải yếm lấy ra một cái túi rút con con. Trong túi xóc xách mấy đồng trinh. Nó rút ra, đếm lấy hai xu, giúi cho bà…

    Con biếu bà để bà ăn bánh đúc. Bà về đi! Tiếng bà phó giục:

    Cái đĩ đâu rồi? Đem em về đây rồi quét nhà, dọn cơm.

    Vâng!

    Nó tất tưởi bế em chạy về. Bà lão hãi chó, lẽo đẽo đi theo cháu. Bà phó trông thấy mà lộn ruột! Bà xa xả:

    Bà đừng theo đít nó thế. Bà cứ ngồi một chỗ rồi mà ăn cơm. Khiếp thật thôi!

    Vơ ơ ơng!…

    Bà lão “vâng” thành một tiếng rên. Bà vào nhà, ngồi xón vén vào một xó; ngay xuống đất. Bà phó cất lấy con. Cái đĩ lụt cụt chạy xuống nhà dưới. Một lát sau, tiếng đũa bát bắt đầu lạch cạch….Bà phó bảo:

    – Bà xuống dưới này mà ăn cơm.

    Bà bế con ra. Bà lão theo sau. Tiếng khung cửi đã ngừng. Mấy cô dệt cửi đều là con gái hoặc con nuôi bà Thụ, đang tới tấp, cô xới cơm, cô bỏ rau, cô sẻ mắm, chung quanh cái mâm gỗ đặt ngay trên mặt đất. Cả nhà quây quần vào, chỉ ngồi có một mâm. Bà lão chẳng đợi ai phải bảo, ngồi ngay xuống cạnh cháu, tay run run so đũa. Trông bà so đũa mà ngứa mắt! Bà phó Thụ muốn giật xoét lấy, làm thật nhanh cho đỡ bực. Nhưng bà nhịn được, bà chỉ chép miệng và lừ lừ đôi mắt, tỏ ý khó chịu. Cái đĩ hiểu nên chỉ nhìn xuống đất. Nó giận bà nó lắm. Nó đã bảo bà nó về đi mà bà nó không chịu về…

    Bà phó chẳng nói nửa lời, bê lấy cái bát cơm ăn. Mặt bà vẫn hầm hầm. Lũ con gái, con nuôi, con ở biết hiệu, vội vàng cũng làm theo. Chậm một tý, bà chửi cho phải biết! Có khi bà hắt cả bát cơm vào mặt. Bà lão nhìn vòng quanh một lượt, rồi cũng cất bát cơm lên:

    – Mời bà phó…

    Nhưng bà vừa mới há mồm ra thì bà phó đã cau mặt, quát:

    – Thôi, bà ăn đi! Đừng mời!

    Bà lão vội vàng ăn ngay. Nhưng họ ăn nhanh quá. Mọi người đều lặng lẽ, cắm cúi, mải mốt. Đôi đũa này lên lại đôi khác xuống. Liên tiếp luôn như vậy. Cứ tăm tắp tăm tắp. Tay bà lão lờ rờ, không biết lợi dụng lúc nào để gắp rau vào bát mắm. Lập cập quá, bà lão đánh rớt cả mắm ra ngoài bát. Bà phó lại cau mặt, gắt:

    – Xẻ riêng cho bà ấy một bát mắm, để ra cạnh mâm cho bà ấy.

    Một cô vội làm ngay. Từ đấy, bà lão dễ xoay xở hơn một chút. Nhưng bà lão mới ăn được hết hai lượt cơm thì bà phó đã quăng bát đũa xuống đất. Chỉ một thoáng sau, mọi người khác cũng thôi. Họ thôi gần đều một lượt. In như bà mẹ ra hiệu cho họ vậy. Thật ra thì lệ mỗi người chỉ được ăn có ba vực cơm thôi. Mà phải ăn nhanh để còn làm. Nhưng bà lão nhà nghèo đã quen sống vô tổ chức, làm gì hiểu trong những nhà thừa thóc, thừa tiền, lại có cái sự hạn chế miệng ăn như vậy? Bà đoán rằng họ khảnh ăn. No dồn, đói góp. Người đói mãi, vớ được một bữa, người ta có cần ăn nhiều lắm đâu. Vậy thì bà cứ ăn đi. Ăn đến kì no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật. Cái đĩ ngượng quá, duỗi cổ ra, trợn mắt, nuốt vội mấy miếng cơn còn lại như một con gà nuốt nhái. Rồi nó buông bát đũa. Bà bảo cháu:

    Ăn nữa đi, con ạ. Nồi cơm còn đấy. Đưa bát bà xới cho. Nó chưa kịp trả lời thì bà phó đã mắng át đi:

    – Mặc nó! Nó không ăn nữa! Bà ăn bằng nào cho đủ thì cứ ăn!

    À! Bây giờ thì bà đã hiểu. Người ta đứng lên tất cả rồi. Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì tiếc. Vả lại đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no thì cơm vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc. Bà kéo cái nồi vào lòng, nhìn và bảo con bé cháu:

    Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi kẻo hoài, đĩ nhé?

    Khô mặc kệ nó! Bà có ăn hết được thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó không ăn vào đâu được nữa. Ăn cho nứt bụng ra thì ăn làm gì?

    Bà phó vội gắt gỏng bảo thế. Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn mắm. Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thỏa thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm, ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần nhọc hơn là chưa ăn. Ối chào!…

    Xế chiều hôm ấy, bà lão mới ra về được. Bà bảo: về muộn cho đỡ nắng. Thật ra thì bà tức bụng, không đi nổi. Mà bà uống nhiều nước quá. Uống bằng nào cũng không đỡ khát. Bà chỉ càng thêm tức bụng. Đêm hôm ấy, bà lăn lóc rất lâu không ngủ được. Bà vần cái bụng, bà quay vào lại quay ra. Bụng bà kêu ong óc như một cái lọ nước. Nó thẳng căng. Bà thở ì ạch. Vào khoảng nửa đêm, bà hơi thấy đau bụng. Cơn đau cứ rõ thêm, cứ tăng dần. Chỉ một lúc sau bà đã thấy đâu quắn quéo, đau cuống cuồng. Rồi bà thổ. Rồi bà tả. Ôi chao! Ăn thật không bõ mửa. Bà tối tăm mặt mũi. Đến khi bệnh tả dứt thì bà lại sinh chứng đi lỵ. Ruột bà đau quằn quặn. Ăn một tí gì vào cũng đau không chịu được. Luôn nửa tháng trời như vậy, rồi bà chết. Bà phó Thụ nghe tin ấy, bảo: “Bà chết no”. Và bà dùng ngay cái chết ấy làm bài học để dạy lũ con gái, con nuôi:

    Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!….

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 430, ngày 25-9-1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  5. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Ở Hiền
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhu ở hiền ngay từ ngày còn bé. Khi chưa đẻ nó, mẹ nó đã có một đứa con trai được hai năm. Thằng bé anh này đã được khá nhiều răng và biết ăn cơm. Nhưng nó còn quấy suốt ngày, chẳng mấy lúc chịu để mẹ rời ra. Mà dù nó đã ăn cơm no đến căng bụng mặc lòng, lúc trông thấy mẹ vẫn còn đòi bú; không cho nó bú nó lăn ra đất, giãy giụa, xé quần, xé áo, cào mặt ra mà khóc; chẳng khác gì người ăn vạ. Đêm đến, nó mới lại càng làm khổ. Nó nhất định cứ phải nằm bên mẹ suốt đêm, ngoài mẹ ra, không chịu ngủ với ai. Nó bám lấy mẹ chằng chằng. Thức giấc dậy lúc nào là nó lại vơ lấy ngay cái vú ấn vào mồm, dù chẳng còn một giọt sữa nào. Không còn sữa nó cũng day. Nó day cái vú beo như một con chó day bối ghẻ. Rứt bú ra là nó khóc…Vì vậy cho nên lúc chửa Nhu thì mẹ Nhu lo lắm. Bà sẽ liệu thế nào với hai đứa trẻ, nếu cả hai cùng đòi mẹ? Nếu đứa sau cũng bẳn tính như đứa trước thì có lẽ chúng làm tội bà đến chết…

    Nhưng ở cữ mấy hôm, bà mẹ Nhu mừng lắm. Bởi vì Nhu không dữ. Nhu hiền. Trời phú tính cho Nhu rất hiền. Cho bú no rồi thì muốn đặt Nhu nằm đâu cũng được, trao cho ai cũng được. Cả ngày không nghe thấy tiếng Nhu khóc. Người vô ý vào nhà, không biết nhà có trẻ. Duy có thằng cu anh thì vẫn cáu kỉnh, vẫn tai ngược, vẫn hay khóc, hay vòi không kém trước; có lẽ còn hơn trước. Nó vẫn đòi bú như thường, và có khi bú hết cả phần Nhu. Mà nó không chịu để cho Nhu bú chung đâu. Nó giữ lấy mẹ một mình. Nếu đang lúc nó bú vú này mà Nhu bú vú kia, thế nào nó cũng nhả vú ra, hùng hổ véo má Nhu mà kéo Nhu ra, hay cùi tay lại chực đấm Nhu rồi khóc thét lên khi mẹ giơ tay đỡ cho em bé. Thấy mẹ bế em, nó cũng ghen. Thành thử mẹ Nhu chỉ dám ẵm Nhu lén lút mà thôi, và cho Nhu bú những khi không có thằng anh ở đấy. Ban đêm, Nhu ngủ với con ở, nhường mẹ cho thằng anh không bao giờ nhượng bộ. Một đôi khi, bà mẹ thấy con bé hiền cũng thương. Nhưng chẳng biết làm sao, bà đành tặc lưỡi, tự bảo mình: “Thôi cũng được! Miễn là nó chịu!… ”. Chịu thì cái gì Nhu cũng chịu…

    Khi đã biết, tính nết Nhu vẫn vậy. Nhu thật là một đứa trẻ ngoan. Không bao giờ người ta thấy Nhu đòi một cái gì, phản đối một cái gì. Cho Nhu ăn thức gì thì Nhu ăn thức ấy thôi. Nếu Nhu không muốn ăn thì Nhu bảo: không ăn. Nhu không hề đòi một thức khác ngon hơn hay tính Nhu thích ăn hơn. Lúc đói, mặt Nhu kém tươi hơn; Nhu tìm một chỗ ngồi; rất lì xì, con ruồi bay qua chẳng buồn xua; nhưng Nhu chỉ lặng im, nếu không ai hỏi đến thì chẳng bao giờ Nhu dám nói ra; khi Nhu đã bắt đầu ngáp vặt luôn, mũi đỏ lên, nước ứa ra, ấy là Nhu đã đến lúc không còn chịu được….Mỗi lần có bánh quà gì, thế nào thằng anh Nhu cũng tranh lấy phần hơn. Bà mẹ bảo Nhu: “Nó là anh, con phải nhường cho nó”. Nhu cho là phải lắm. Nhưng mấy năm sau, Nhu đã có em thì mẹ Nhu lại bảo Nhu rằng: “Nó là em, chấp với nó làm gì?”. Nhu cũng lại cho là phải lắm….Các em Nhu cũng như thằng anh Nhu, chẳng đứa nào giống tính Nhu. Đứa nào cũng ương ngạnh, bướng bỉnh, tham ăn, chẳng đứa nào chịu kém đứa nào. Bà mẹ đi chợ mới về đến đầu sân, chúng nó đã mải mốt chạy ra, nhao nhao ở xung quanh. Chúng vây chặt lấy bà, đứa nó huých đứa kia, quát lẫn nhau. Và khi bà mẹ vừa gạt chúng ra, đặt được cái thúng xuống hè, chúng đã lăn xả vào, cướp bánh như ở sân đình. Bà mẹ phải vừa gào, vừa thét, vừa giằng nhau với những đồ quỷ sống kia để cướp lại cho Nhu củ khoai bé nhất hay miếng bánh đa sống nhất. Nhưng tí xương xẩu ấy, nhiều khi Nhu cũng lại không được ăn vào miệng. Những đứa kia, ngồm ngoàm ăn thật nhanh hết phần của chúng rồi xúm lại xin Nhu. Nếu Nhu không cho thì chúng ăn cướp của Nhu. Cũng có khi thì trước khi ăn, đứa này nhận ra phần của đứa kia to hơn phần của nó nhiều; chúng tị nhau; rồi đứa bị phần kém dỗi; vất phần của mình đi; nhè mồm ra khóc. Ấy thế là Nhu lại phải bỏ phần của Nhu ra, bù cho nó, để nó lặng. Nếu Nhu kệ nó thì nó còn khóc mãi. Bà mẹ giậm chân bành bạch, gầm lên.

    Thằng lớn gân cổ, the thé cãi lại bà. Nhà cửa om sòm, Nhu nuốt chẳng trôi. Mà kết cục thì thế nào bà mẹ cũng gọi Nhu lại, bảo: “Thôi, con ạ! Con chẳng ăn làm gì một tí…Chẳng no béo gì đâu, con ạ!…

    Con thí cho thằng mõ ấy, kẻo nó khóc điếc tai không chịu được…Những thằng mõ, con mõ đấy! Chúng nó ăn tham rồi chỉ đến làm mõ mà thôi!… ”

    Bây giờ, mỗi lần nhớ lại những lời nói trên đây của mẹ, Nhu không thể không mỉm cười chua chát. Không phải là Nhu có ý ghen gì với anh hoặc các em. Có ai điên đến nỗi chỉ cầu cho anh, em mình làm mõ? Nhu thấy anh, em khá tất cũng phải mừng và muốn cho họ khá hơn bây giờ nữa. Nhưng Nhu cấm làm sao được Nhu tự hỏi rằng: “Tại sao trên đời này lại có nhiều sự bất công đến thế? Tại sao ở hiền không phải bao giờ cũng gặp lành? Tại sao những kẻ hay nhịn, hay nhường thì thường lại chẳng được ai nhịn, nhường mình; còn những kẻ thành công thì hầu hết lại là những người rất tham lam, chẳng biết nhịn nhường ai, nhiều khi lại xảo trá, lọc lừa và tàn nhẫn, nhất là tàn nhẫn?… ”

    Năm mười bảy, mười tám tuổi, Nhu là một cô gái rất nhu mì. Cô hiền như một ngụm nước mưa. Không bao giờ cô to tiếng với ai, mà ai hơi to tiếng với cô là cô nhịn không nói nữa. Nhượng là em gái Nhu, đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn nhắc đến chuyện đã làm nó buồn cười. Một hôm, mẹ giao cho hai chị em làm cỏ chung một mảnh vườn, đến trưa phải làm xong. Biết tính Nhượng hay chơi, Nhu chép miệng phàn nàn:

    Làm chung với ai chứ làm chung với mày thì chết tao thôi! Sau mày cũng lại nghênh trời, nghênh đết, đến trưa việc không xong, mẹ chẳng biết là đâu, cứ tao là chị mà chửi!…

    Nhượng tớn môi lên, bảo:

    Chị cứ lo phần chị! Nếu chị sợ phải mắng lây thì cứ chia ra, mỗi người một nửa vườn, của ai người ấy làm.

    Hai chị em chia. Chia xong, Nhu làm nửa của Nhu. Nhượng bỏ đi chơi. Nhu hơi giục là Nhượng mắng, bởi ai đã có phần người ấy. Không việc gì mà lo hộ! Đến nữa buổi, Nhượng vẫn trèo hết cây nọ đến cây kia xót quả ăn, chẳng chịu làm. Nhu làm hết phần của mình rồi, phải bảo em:

    Thôi chị lạy em! Em chịu khó làm đi kẻo mẹ về mẹ chửi; chị làm xong phần chị, chị làm giúp em một nửa.

    Nhượng bật cười:

    Thật nhá! Vậy chị làm xong đấy thì làm thêm chỗ này hộ tôi…Tôi chạy ra ngoài đường một lát rồi về làm với chị. Chị đừng lo! Thế nào cũng kịp. Tôi về ngay đấy!

    Ừ! Mày phải về ngay đấy! Nếu không về, tao mặc kệ!

    Được rồi! Tôi về ngay đấy mà!

    Nhượng đi. Nhu lại cặm cụi làm. Nhu làm nốt phần mình, làm xong cả một nửa phần em. Nhượng vẫn không về. Mặt trời đã lên cao. Nhu thì bởi làm luôn tay từ sáng đến giờ, vừa đau lưng vừa mờ cả mắt. Thế mà nếu Nhượng không về thì có lẽ vẫn không kịp mất! Nhu gọi Nhượng. Chẳng thấy Nhượng thưa!

    Nhu cực quá, nghẹn ngào mà ứa nước mắt ra. Nhu vẫn phải cố làm nốt cho xong. Đến lúc Nhượng về, nó thấy chị đang hu hu khóc, mà khu vườn thì đã gần hết cỏ. Nhu chẳng dám mắng Nhượng nửa lời, chỉ khóc to hơn. Ấy thế mà Nhượng vênh hẳn mặt lên xa xả:

    Thối chị lắm! Ai khiến chị lanh chanh đấy? Không xong, mặc kệ tôi! Việc gì đến chị mà chị na mô hớt?…

    Con bé Nhượng vốn ghê gớm thế. Hơi một tí là nó trợn mắt lên, nói chan chát như băm, như bổ vào mặt người ta. Nó chẳng chịu kém cạnh ai. Ai giở mặt gì là nó giở mặt ấy ngay được. Trong khi Nhu chỉ biết chăm chăm, chúi chúi làm, bán được một trinh rau cũng đem về nộp mẹ cả một trinh. Nhượng luôn luôn kiếm từng dịp để ăn bớt, ăn xén, lấy vụng, lấy trộm, bòn rút tiền của mẹ để gây một số vốn riêng cho nó. Bà mẹ làm gì không biết thế? Bởi vậy bà tin Nhu chứ không tin Nhượng. Nhu thật thà…

    Mới đầu bà cũng tưởng Nhu thật thà, thì bà có thể trao tay hòm chìa khóa cho Nhu. Nhu trông coi việc chợ, việc nhà, giữ thóc, giữ tiền, lo tính việc ăn tiêu. Nhưng chẳng bao lâu bà nhận ra rằng: để cho Nhu làm việc ấy, thật là tai hại. Bởi vì Nhu hiền quá! Anh túng tiền để chơi bời, Nhu chỉ im dấm dúi cho. Em xúc trộm thóc đem đi gửi, Nhu biết nhưng nể em, không giữ, cũng không mách mẹ. Người làm, đầy tớ có ăn quá lệ thường Nhu cũng ngơ đi. Chúng thấy Nhu dễ dãi, nên cơm thường thường cứ ăn thừa, mà thức ăn thì ăn đủ từ đầu đến cuối bữa, chứ chẳng chịu ăn tương ăn mắm. Thế rồi bán thì Nhu chẳng bán được đắt bao giờ. Đến chợ, có khi nào Nhu tranh được chỗ ngồi tốt đâu! Nhiều khi Nhu đặt đội hàng của Nhu xuống rồi, tự nhiên có đứa vô ý hay ngạo ngược cũng đặt đội hàng ngay trước đội hàng của Nhu, Nhu cũng không dám xốc quần lên, đạp giúi đầu nó xuống hay nhắc đội hàng của nó mà đổ té ngay xuống đất. Bọn con buôn chỉ trông mặt Nhu cũng biết ngay Nhu là một món bở rồi. Chúng bâu lấy Nhu như một lũ nhặng xanh: đứa mặc cả món này, đứa mặt cả món kia, nhặt lên, vất xuống, co đi, kéo lại, rối rít tang bồng. Nhu không có đủ mắt, miệng, chân, tay đâu mà địch lại. Ấy thế là chúng vừa mua, vừa ăn cướp. Của đáng mười thì Nhu chỉ bán được năm. Có khi chẳng lấy được đồng tiền nào là khác nữa…Bán thì rẻ, mà mua thì lại thường phải đắt. Chỉ vì Nhu không đanh đá được như người: Nhu không thể nhẩy cẫng lên, vỗ đùi đen đét, xỉa xói vào mặt những đứa xấu thói đang thấy Nhu mặc cả một thức gì cũng chõ vào mặc cả…

    Bà mẹ lắc đầu bảo: “Con này hỏng! Nó lành quá nên người ta bắt nạt…Không được sắc sảo như con Nhượng..”. Và bà trao lại việc chợ búa ăn tiêu cho Nhượng. Nhượng chanh chua được, cay nghiệt được, tàn nhẫn được. Nó thật là đáo để! Nó giữ quyền thu, quyền bổ trong nhà thì thằng anh đừng hòng lấy cắp một đồng xu; thằng ở thổi quá một bát gạo là được vỡ mặt ngay; người làm có lệ chỉ có một đĩa nhộng, hay một đĩa tép kho, ăn hết thì cứ mắm tép mà ăn, không ăn thì ăn nhạt!… Ra đến chợ, đứa nào trêu máu Nhượng thì liệu đấy! Nhượng có thể xoắn lấy tóc nó níu xuống mà tát cho sưng dơn má; Nhượng có thể xé quần, xé áo người ta ra…Vài bận như thế, tự nhiên chẳng ai bảo ai, người ta đều kiềng mặt nó. Người ta liệt nó vào hạng còn ít tuổi nhưng đã thừa sành sỏi. Nó biết mua, biết bán, biết chăn ba, nhặt nhạnh, mà lại đủ sừng, đủ mỏ. Biết rằng nó được tay hòm chìa khóa thì nó ăn cắp tợn. Nhưng chỗ nó ăn cắp, chưa thấm vào đâu với chỗ nó làm lợi. Vả lại con ăn cắp có đi đâu mà thiệt?…

    Ấy thế là Nhượng, tuy là em, nhưng được cất lên làm chị. Quyền hành trong tay nó cả. Nhu chỉ biết cúi đầu, cúi cổ làm, nai lưng ra làm…

    Nhu không có một đồng vốn riêng nào. Nhượng, trái lại, chẳng bao lâu có bạc trăm. Nhượng sắm quần nọ, áo kia, khuyên vàng, xà tích. Những ngày rước sách, hội hè, Nhượng thắng bộ vào, trông nổi đình đám lắm. Các cậu trai làng trông thấy đều tít mắt lại. Các bà mẹ sắp hỏi vợ cho con cũng để ý nhiều.

    Thật ra thì các bà chẳng ưa gì những cô làm đỏm thế đâu. Nhưng muốn làm đỏm phải có tiền. Khuyên vàng xà tích là tiền. Quần áo cũng là tiền. Khi nó về nhà mình thì nó đem theo cả những thức ấy về. Của nó cũng như là của con mình. Mà tiền của thì chẳng bao giờ nên chê cả! Huống hồ Nhượng lại có tiếng là gái đảm và nhiều vốn liếng. Chỉ phải cái hơi cứng cổ. Nhưng khi con dâu làm ăn, lo liệu được đâu có đấy, thì mình còn phải nói động đến nó làm gì? Mà khi mình đã không nói động đến cái chân lông nó, thì dẫu nó có cứng cổ cũng chẳng làm gì mình được!… Người ta cân nhắc Nhượng như thế ấy. Người ta thấy lấy Nhượng thì nhiều hơn hại. Bởi thế nên những đám ngấp nghé Nhượng thì nhiều lắm!… Còn Nhu? Nhu thích sự khiêm nhường. Nhu có biết diện là gì đâu! Và nếu Nhu có muốn diện, cũng không có tiền mà diện. Bà mẹ chỉ thích tiêu ít được chừng nào hay chừng ấy. Bà chỉ may cho con những quần áo thường, đủ mặc thôi. Còn đứa nào muốn hoa hòe hoa sói, cứ bỏ tiền túi ra mà hoa hòe hoa sói. Bà không cấm!…. Chắc trong bụng bà nghĩ thế. Và chắc trong bụng bà cũng đinh ninh rằng: con gái, dại đến đâu mà chả biết ăn cắp tiền của mẹ! Nếu Nhu không may mặc, có lẽ chỉ vì Nhu sẻn… Thành thử Nhu có ra đường cũng chẳng ai nhìn thấy. Vả lại Nhu cũng ít khi ra. Nhu chỉ lủi thủi ở nhà. Nhu nhịn mọi cái đã quen rồi, rất có thể nhịn các đình đám hội hè, nhận lấy phần coi nhà để các em đi tung tẩy…

    Thế rồi một hôm có người hỏi Nhượng. Bà mẹ Nhu không muốn cảnh em trước chị sau. Bà đợi gả chồng cho Nhu đã. Nhưng mãi mãi cũng không có người hỏi đến Nhu, mà Nhượng thì đã phải từ chối luôn đến bốn, năm đám hỏi. Con gái có thì. Nhu đã hăm sáu tuổi rồi. Nhượng cũng đã hăm bốn tuổi. Ở làng này như thế là muộn lắm. Bà ta bắt đầu sốt ruột. Cả Nhượng nữa. Nhượng thấy mình bị hãm lại một cách vô lý lắm. Nhu tủi phận. Mỗi khi có ai hỏi Nhượng, Nhu lại khóc thầm khóc vụng. Nhu lờ mờ nhận ra rằng: cái nết hiền của Nhu chưa hẳn người ta đã chuộng đâu! Những lúc quá bực mình, mẹ Nhu hoặc em Nhu đã một đôi lần bảo Nhu đần, và Nhu lại càng khóc tợn. Sau cùng người ta đành gả chồng cho Nhượng trước, bởi vì lại còn những em của Nhượng: chúng mười tám, đôi mươi cả rồi, còn bé bỏng gì? Không lẽ vì một đứa mà cả mấy đứa cùng ế muộn. Rồi lần lượt người ta gả chồng nốt cho hai đứa nữa bên dưới Nhượng. Thế nghĩa là Nhu đã đành ở vậy. Nhu đã sắp ba mươi tuổi. Nhu không muốn nghĩ đến chuyện chồng con làm gì nữa. Nhu sẽ ở nhà với mẹ, hầu hạ mẹ, rồi đến khi mẹ chết thì Nhu sẽ ở với anh chị, trông coi các cháu. Nhu sẽ yêu thương chúng như chính con Nhu. Nhu sẽ lặng lẽ sống nốt cuộc đời lặng lẽ như một người tu trong nhà mình.

    Nhưng đến tận lúc ấy – lúc Nhu đã không còn nghĩ đến chuyện chồng con – thì bỗng lại có người muốn lấy Nhu. Anh chàng ta là con một nhà danh giá ở trong làng, nhưng thất thế đã từ lâu. Bố mẹ chết cả rồi. Anh em chẳng còn ai. Không còn biết vớ víu vào đâu, hắn bỏ làng đi làm ăn xa một hồi lâu, nhưng chừng số chẳng ra gì, lúc đi tay không thì lúc về cũng lại tay không, chẳng có tiền nong gì cả. Nói trắng ra rằng: hắn không đến nỗi là con nhà hèn hạ, nhưng hiện nay thì nghèo xác. Và hắn định lấy Nhu, chắc cũng đã suy nghĩ chán. Nhu đúng ba mươi tuổi mà hắn mới hăm nhăm. Nghĩa là Nhu sẽ già hơn hắn rất nhiều. Song những người bằng tuổi hắn, hoặc kém tuổi hắn, mà lại là con nhà khá giả như Nhu, thì cố nhiên là chẳng ai lấy hắn. Nhu có ế, bà mẹ Nhu mới gả. Hắn tay không, lại không còn ai là người thân thuộc ở làng, cũng phải kiếm chỗ có thể nương nhờ chứ? Bà mẹ Nhu chỉ còn mình Nhu là con gái, thế nào bà chẳng đắp điếm cho chút ít? Hắn cần sự ấy hơn người vợ trẻ…Người anh Nhu thì nghĩ rằng: giá có cách tống khứ được đứa em đi vẫn hơn là để nó làm bà cô tổ ở nhà; vẫn biết nó hiền lành, có ở nhà cũng chẳng hại ai; nhưng gây dựng được cho nó thì cũng đỡ mang một cái tiếng với làng, với nước. Còn bà mẹ nào không muốn cho con gái có chồng? Bà cứ nghĩ đã nát ruột về Nhu. Bà thừa hiểu rằng cái cảnh gái già chẳng sung sướng gì đâu! Bây giờ còn mẹ nên Nhu chưa thấy khổ, nhưng một mai bà trăm tuổi về già, bấy giờ Nhu phải ở với chị dâu, rồi mới biết. Bởi vậy, cho nên đối với việc người

    ta hỏi Nhu, bà tỏ ý lạc quan. Đã đành anh chàng cũng có ý bòn của đây, nhưng cái sự tham thì ở đời ai mà chẳng tham? Nếu nhà nó giàu, nó đã chả chịu lấy Nhu là đứa đã hơn nó những năm, sáu tuổi. Nó nghèo thì mình cho nó nhờ vả ít nhiều. Nó nhờ vả mình thì phải nể con mình. Nó có nể con mình thì con mình mới khỏi khổ, chứ cái bộ Nhu hiền như đất nặn thế nếu lấy phải thằng chồng vũ phu, cậy của cậy tài, hay còn bố mẹ chồng thích hạnh họe con dâu, thì chỉ đến khóc lắm, sưng mắt lên rồi chết….Duy có Nhu thì không thuận lắm. Nhưng Nhu cũng chẳng làm gì, chẳng ngỏ ý kiến gì để mà chống lại. Bao giờ Nhu chẳng dễ bảo như một con chó xiếc? Ấy thế là Nhu đi lấy chồng!…

    Câu chuyện còn khá dài dòng. Nhưng kéo dài ra để làm gì? Có kể tường tận cuộc đời làm vợ của Nhu thì cũng chỉ có thế mà thôi. Người thì ở chỗ nào chẳng là người? Mà cuộc đời thì ở bất cứ cảnh nào cũng chảy trôi theo những định luật chưa bao giờ lay chuyển được…

    Hãy nói ra rằng: Nhu sung sướng được mấy năm đầu. Đó là nhờ những tiền của của bà mẹ Nhu bỏ ra để Nhu tạo một cơ nghiệp cho chồng. Nhưng giống người vốn là một giống mau quên. Chẳng bao lâu, người chồng Nhu nghĩ ra rằng: hắn lấy phải vợ già là một sự thiệt thòi, tất cả cũng phải dùng tiền của vợ, chơi bời cho thỏa để bù lại. Hắn chơi bời thả cửa Nhu có thể ngăn cấm lắm. Nhu có quyền bảo vệ tài sản và hạnh phúc của gia đình mình lắm. Nhưng không! Nhu chẳng làm gì cả…Nhu chẳng hé răng nói một lời nào cả! Nhu nhịn. Nhu nhịn cả những khi thấy Nhu khóc, hắn gắt gỏng với Nhu để khỏi phải nghe những lời tiếng ngấm ngầm nhưng khó chịu của lòng hối hận. Nhu nhịn và Nhu đầy đọa cái thân Nhu để Nhu càng thêm già và xấu đi….Rồi chồng Nhu có vợ hai. Một người vợ hai trẻ hơn Nhu những mười năm và giảo hoạt hơn Nhu đến mười lần. Nhu có thể không công nhận cho chồng lấy vợ hai, nhưng Nhu chẳng làm gì, chẳng hé răng nói một lời gì! Nhu ngoan ngoãn in ngón tay Nhu vào tờ giấy hôn thú. Nhu bằng lòng cho đem vợ lẽ về nhà. Nhu lẳng lặng quay mặt đi mỗi lần chúng đùa với nhau ngay trước mặt Nhu. Và ban đêm Nhu khóc – chao ôi là Nhu khóc! Nhu khóc đến mòn tất cả người ta thành nước mắt, trong khi chúng gối đầu tay cho nhau mà ngủ…

    Thế rồi sự phải xảy ra đã xảy ra: con vợ lẽ lăng loan, lấn át cả quyền Nhu. Nó làm chủ trong nhà. Nó lấy sự làm nhục Nhu như là một trò chơi. Nó bắt khoan, bắt chẹt Nhu. Nó đánh chửi Nhu. Sau cùng, Nhu không còn chịu được, đến phải bỏ nhà chồng mà về nhà mẹ…Mẹ Nhu tức uất người. Anh Nhu còn uất người hơn. Các em Nhu, hay tin, cũng đều giận vô cùng. Họ xúm lại mắng Nhu. Rồi họ nhất định bắt Nhu kiện chồng tình phụ…Kiện? Nhu đi kiện chồng? Ôi chao! Mới nghe Nhu đã hoảng sợ rồi! Nhu thà chịu thiệt thòi. Nhu không thể hiểu rằng: người ta cần kiện nhau để bắt nhau yêu…Vả lại người như Nhu, chỉ chửi một câu đã ngượng lời rồi, bây giờ đứng ra kiện, để hạch tội một người chồng mà chưa bao giờ Nhu dám nói nửa lời chống cưỡng!… Không! Không đời nào! Nhu không nói một lời phản đối lại ý anh và mẹ. Nhưng Nhu ngồi thừ mặt ra, ai bảo sao cũng không đáp lại. Và họ hiểu. Họ hiểu Nhu không đời nào dám kiện, không đời nào ưng đi kiện. Họ lại xúm lại mắng Nhu thêm chập nữa. Người anh, giận quá, nhất định không nhìn mặt đứa em ngu dại ấy. Nếu Nhu không đi kiện, thì người anh sẽ đuổi Nhu ra khỏi cửa. Nhu không thể do dự nữa: một là Nhu phải giật lại chỗ của mồ hôi nước mắt của mẹ mình để sống; hai là Nhu đi ăn mày, nếu Nhu còn cố thương hại chồng!…

    Nhu đã nghe những lời như đinh đóng cột của ông anh. Nhu lại thừ mặt ra một lúc lâu. Nhu khóc như mưa….Rồi Nhu đã làm gì? Hỡi ôi! Nhu đã vâng theo cái bản tính của Nhu rất hiền lành: Nhu đã trở về với chồng, với vợ hai, và sống như một con vú trong nhà chúng, trong cái cơ nghiệp chính tay Nhu đã dùng tiền của mẹ mình mà tạo ra….

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 483, ngày 16-10-1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  6. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Lão Hạc
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lão Hạc thổi cái mồi rơm, châm đóm. Tôi đã thông điếu và bỏ thuốc rồi. Tôi mời lão hút trước.

    Nhưng lão không nghe…

    Ông giáo hút trước đi. Lão đưa đóm cho tôi…
    Tôi xin cụ.

    Và tôi cầm lấy đóm, vo viên một điếu. Tôi rít một hơi xong, thông điếu rồi mới đặt vào lòng lão. Lão bỏ thuốc, nhưng chưa hút vội. Lão cầm lấy đóm, gạt tàn, và bảo:

    – Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!

    Lão đặt xe điếu, hút. Tôi vừa thở khói, vừa gà gà đôi mắt của người say, nhìn lão, nhìn để làm ra vẻ chú ý đến câu nói của lão đó thôi. Thật ra thì trong lòng tôi rất dửng dưng. Tôi nghe câu ấy đã nhàm rồi. Tôi lại biết rằng: lão nói là nói để có đấy thôi; chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật nữa thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế!…

    Lão hút xong, đặt xe điếu xuống, quay ra ngoài, thở khói. Sau một điếu thuốc lào, óc người ta tê dại đi trong một nỗi đê mê nhẹ nhõm. Lão Hạc ngồi lặng lẽ, hưởng chút khoái lạc con con ấy. Tôi cũng ngồi lặng lẽ. Tôi nghĩ đến mấy quyển sách quý của tôi. Hồi bị ốm nặng ở Sài Gòn, tôi bán gần hết cả áo quần, nhưng vẫn không chịu bán cho ai một quyển. Ốm dậy, tôi về quê, hành lý chỉ vẻn vẹn có một cái va-ly đựng toàn những sách. Ôi những quyển sách rất nâng niu! Tôi đã nguyện giữ chúng suốt đời, để lưu lại cái kỷ niệm một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng: mỗi lần mở một quyển ra, chưa kịp đọc dòng nào, tôi đã thấy bừng lên trong lòng tôi như một rạng đông, cái hình ảnh tuổi hai mươi trong trẻo, biết yêu và biết ghét… Nhưng đời người ta không chỉ khổ một lần. Mỗi lần cùng đường đất sinh nhai, và bán hết mọi thức rồi, tôi lại phải bán đi một ít sách của tôi. Sau cùng chỉ còn có năm quyển, tôi nhất định, dù có phải chết cũng không chịu bán. Ấy thế mà tôi cũng bán! Mới cách đây có hơn một tháng thôi, đứa con nhỏ của tôi bị chứng lỵ gần kiệt sức… Không! Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tý gì đâu? Lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi…

    Tôi nghĩ thầm trong bụng thế. Còn Lão Hạc, lão nghĩ gì? Ðột nhiên lão bảo tôi:

    – Này! Thằng cháu nhà tôi, đến một năm nay, chẳng có giấy má gì đấy, ông giáo ạ!

    À! Thì ra lão đang nghĩ đến thằng con lão. Nó đi cao su năm sáu năm rồi. Hồi tôi mới về, nó đã hết một hạn công-ta. Lão Hạc, đem thư của nó sang, mượn tôi xem. Nhưng nó xin đăng thêm một hạn nữa…

    Lão vội cắt nghĩa cho tôi hiểu tại sao lão đang nói chuyện con chó, lại nhảy vọt sang chuyện thằng con như vậy:

    – Con chó là của cháu nó mua đấy chứ!… Nó mua về nuôi, định để đến lúc cưới vợ thì giết thịt…

    Ấy! Sự đời lại cứ thường như vậy đấy. Người ta đã định rồi chẳng bao giờ người ta làm được. Hai đứa mê nhau lắm. Bố mẹ đứa con gái biết vậy, nên cũng bằng lòng gả. Nhưng họ thách nặng quá: nguyên tiền mặt phải một trăm đồng bạc, lại còn cau, còn rượu… cả cưới nữa thì mất đến cứng hai trăm bạc. Lão Hạc không lo được. Ý thằng con lão, thì nó muốn bán vườn, cố lo cho bằng được. Nhưng lão không cho bán. Ai lại bán vườn đi mà lấy vợ? Vả lại bán vườn đi, thì cưới vợ về, ở đâu? Với lại, nói cho cùng nữa, nếu đằng nhà gái họ cứ khăng khăng đòi như vậy, thì dẫu có bán vườn đi cũng không đủ cưới. Lão Hạc biết vậy đấy, nhưng cũng không dám xẵng. Lão tìm lời lẽ giảng giải cho con trai hiểu. Lão khuyên nó hãy dằn lòng bỏ đám này, để rồi gắng lại ít lâu, xem có đám nào khá mà nhẹ tiền hơn sẽ liệu; chẳng lấy đứa này thì lấy đứa khác; làng này đã chết hết con gái đâu mà sợ?… Lạy trời lạy đất! Nó cũng là thằng khá, nó thấy bố nói thế thì nó thôi ngay, nó không đả động đến việc cưới xin gì nữa. Nhưng nó có vẻ buồn. Và lão biết nó vẫn theo đuổi con kia mãi. Lão thương con lắm. Nhưng biết làm sao được?… Tháng mười năm ấy, con kia đi lấy chồng; nó lấy con trai một ông phó lý, nhà có của. Thằng con lão sinh phẫn chí. Ngay mấy hôm sau, nó ra tỉnh đến sở mộ phu, đưa thẻ, ký giấy xin đi làm đồn điền cao su…

    Lão rân rấn nước mắt, bảo tôi:

    Trước khi đi, nó còn cho tôi ba đồng bạc, ông giáo ạ! Chả biết nó gửi thẻ xong, vay trước được mấy đồng, mà đưa về cho tôi ba đồng. Nó đưa cho tôi ba đồng mà bảo: “Con biếu thầy ba đồng để thỉnh thoảng thầy ăn quà; xưa nay con ở nhà mãi cũng chẳng nuôi được bữa nào, thì con đi cũng chẳng phải lo; thầy bòn vườn đất với làm thuê làm mướn thêm cho người ta thế nào cũng đủ ăn; con đi chuyến này cố chí làm ăn, bao giờ có bạc trăm con mới về, không có tiền, sống khổ sống sở ở cái làng này, nhục lắm!… ”. Tôi chỉ còn biết khóc, chứ còn biết làm sao được nữa? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi?…

    Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó vàng của lão. Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cung như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút. Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối, khi lão uống rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó. Lão bảo nó thế này:

    Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về. Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy… Hơn ba năm… Có đến ngót bốn năm… Không biết cuối năm nay bố cậu có về không? Nó mà về, nó cưới vợ, thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy!

    Con chó vẫn hếch mồm lên nhìn chẳng lộ một vẻ gì; lão lừ mắt nhìn trừng trừng vào mắt nó, to tiếng doạ:

    – Nó giết mày đấy! Mày có biết không? Ông cho thì bỏ bố!

    Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng, để lấy lại lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa.

    – Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết!

    Thấy lão sừng sộ quá, con chó vừa vẫy đuôi, vừa chực lảng. Nhưng lão vội nắm lấy nó, ôm đầu nó, đập nhè nhẹ vào lưng nó và dấu dí:

    À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!… Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết… Ông để cậu Vàng ông nuôi…

    Lão buông nó ra để nhấc chén, ghé lên môi uống. Lão ngẩn mặt ra một chút, rồi bỗng nhiên thở dài.

    Rồi lão lẩm bẩm tính. Ðấy là lão tính tiền bòn vườn của con…

    Sau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng: “Cái vườn đó của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả… Của mẹ nó tậu, thì nó hưởng. Lớp trước nó đòi bán, ta không cho bán là ta có ý giữ cho nó, chứ có phải giữ để ta ăn đâu? Nó không có tiền cưới vợ, phẫn chí bước ra đi, thì đến lúc có tiền để lấy vợ mới chịu về. Ta bòn vườn của nó, cũng nên để ra cho nó; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào với nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm ăn… ”. Lão tự bảo lão như thế, và lão làm đúng như thế. Lão làm thuê để kiếm ăn. Hoa lợi của khu vườn được bao nhiêu, lão để riêng ra. Lão chắc mẩm thế nào đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc…

    Lão lắc đầu chán nản, bảo tôi:

    Ấy thế mà bây giờ hết nhẵn, ông giáo ạ! Tôi chỉ ốm có một trận đấy thôi. Một trận đúng hai tháng, mười tám ngày, ông giáo ạ! Hai tháng mười tám ngày đã không làm ra được một xu, lại còn thuốc, lại còn ăn… Ông thử tính ra xem bao nhiêu tiền vào đấy?…

    Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm. Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất vé sợi, nghề vải đành phải bỏ. Ðàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào, họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão. Hoa mầu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có một tí gì bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày ba hào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt…

    Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khỏe hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy già đi, bán hụt tiền, có phải hoài không? Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người ta cũng thích…

    Lão ngắt lại một phút, rồi tắc lưỡi:

    Thôi thì bán phắt đi! Ðỡ được đồng nào, hay đồng ấy. Bây giờ tiêu xu cũng là tiêu vào tiền của cháu. Tiêu lắm chỉ chết nó. Tôi bây giờ có làm gì được đâu!

    Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão bảo ngay:

    Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

    Cụ bán rồi?

    – Bán rồi! Họ vừa bắt xong.

    Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc.

    Tôi hỏi cho có chuyện:

    – Thế nó cho bắt à?

    Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…

    Khốn nạn… Ông giáo ơi!… Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!… Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

    Tôi an ủi lão:

    Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.

    Lão chua chát bảo:

    Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… Kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…

    Tôi bùi ngùi nhìn lão, bảo:

    Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?

    Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng? Lão cười và ho sòng sọc. Tôi nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:

    Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào… Thế là sướng.

    Vâng! Ông giáo dạy phải! Ðối với chúng mình thì thế là sung sướng.

    Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Tôi vui vẻ bảo:

    Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, tôi đi luộc khoai, nấu nước.

    Nói đùa thế, chứ ông giáo cho để khi khác…

    Việc gì còn phải chờ khi khác?… Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại. Cụ cứ ngồi xuống đây! Tôi làm nhanh lắm…

    Ðã biết, nhưng tôi còn muốn nhờ ông một việc…

    Mặt lão nghiêm trang lại…

    Việc gì thế, cụ?

    Ông giáo để tôi nói… Nó hơi dài dòng một tí.

    Vâng, cụ nói.

    Nó thế này, ông giáo ạ!

    Và lão kể. Lão kể nhỏ nhẹ và dài dòng thật. Nhưng đại khái có thể rút vào hai việc. Việc thứ nhất: Lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng còn dại lắm, nếu không có người trông nom cho thì khó mà giữ được vườn đất để làm ăn ở làng này. Tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ tôi cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho tôi để không ai còn tơ tưởng dòm ngó đến; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên tôi cũng được, để thế để tôi trông coi cho nó… Việc thứ hai: Lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào: con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt: lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi tôi để lỡ có chết thì tôi đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả…

    Tôi bật cười bảo lão:

    Sao cụ lo xa quá thế? Cụ còn khoẻ lắm, chưa chết đâu mà sợ! Cụ cứ để tiền ấy mà ăn, lúc chết hãy hay! Tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại?

    Không, ông giáo ạ! Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu[1]?

    Ðã đành rằng thế, nhưng tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao?…

    Tôi cắn rơm, cắn cỏ tôi lạy ông giáo! Ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì ông giáo cứ cho tôi gửi.

    Thấy lão nằn nì mãi, tôi đành nhận vậy. Lúc lão ra về, tôi còn hỏi:

    – Có đồng nào, cụ nhặt nhạnh đưa cho tôi cả thì cụ lấy gì mà ăn?

    Lão cười nhạt bảo:

    – Ðược ạ! Tôi đã liệu đâu vào đấy… Thế nào rồi cũng xong.

    Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi:

    Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…

    Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… Toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất. Tôi biết vây, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.

    Tôi giấu giếm vợ tôi, thỉnh thoảng giúp ngấm ngầm lão Hạc. Nhưng hình như lão cũng biết vợ tôi không ưng giúp lão. Lão cứ chối tất cả những cái gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch. Và lão cứ xa tôi dần dần…

    Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dư tủi thân nên rất hay chạnh lòng. Ta khó mà ở cho vừa ý họ… Một hôm, tôi phàn nàn về việc ấy với binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:

    Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó…

    Tôi trố to đôi mắt, ngạc nhiên. Hắn thì thầm:

    Lão bảo có con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão… Lão định cho nó xơi một bữa. Nếu trúng, lão với tôi uống rượu.

    Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết… Một người như thế ấy!… Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!… Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên luỵ đến hàng xóm, láng giềng.. Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn…

    Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Tôi ở nhà binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội.

    Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với binh Tư hiểu. Nhưng nói ra làm gì nữa! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Ðến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Ðây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào… ”.

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 484, ngày 23-10-1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  7. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Rửa Hờn
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mối hiềm bắt đầu từ một cái trần ngôn. Ông lý Nhưng ngờ cho ông khóa Mẫn làm. Ông khóa Mẫn thì chưa chắc đã làm: lời lẽ trong cái trần ngôn không phải là lời lẽ của một nhà nho đã đọc sách thánh hiền, nhưng cái tin kia đến tai ông, thì ông lại cười mà bảo rằng: cái thằng nào nó làm cái trần ngôn ấy, cũng không nên trách nó, ăn bẩn, nó chửi cho là phải…

    Nguyên có vợ chồng nhà kia, lúc lấy nhau, bởi quá nghèo nên chẳng cưới cheo gì. Họ ăn ở với nhau theo kiểu vợ chồng theo. Mới đây chị vợ để được một đứa con. Ông lý nhà ta biết thóp anh chồng non mặt, nên đến lòe anh ta đủ thứ. Ông nhất định bảo rằng: đứa con của anh ta không thể khai sinh, bởi vì vợ chồng anh chưa làm giấy giá thú: mà anh có làm giấy giá thú cũng không thể được bởi vì người đàn bà có con ra rồi; không những thế, nếu việc phát giác ra, anh có lỗi…Kết cục thì anh chồng đành chạy ngược chạy xuôn biện cho ông lý hai chục bạc để ông làm ngơ cho việc ấy: rồi ngày một, ngày hai, khi nào xoay được vài, ba chục bạc nữa lại đến ông, ông sẽ liệu cách vào giá thú cho vợ chồng anh và khai sinh cho đứa con anh giúp. Để khỏi lo hậu hoạn.

    Ông lý bóp được hai chục bạc, bỏ ra mấy đồng giết một con chó, mua mấy chai rượu, mời các cụ đến chè chén với nhau. Câu chuyện ấy bay đi, dân làng bàn tán rất nhiều. Ai cũng cho là ông lý Nhưng tệ quá: vợ nó đẻ, cơm đã chẳng có mà ăn, da trông mấm ra nước được; chồng thì cái khố chẳng có mà đeo; thế mà ông nỡ xoay của nó, thì còn gì là nhân đức nữa. Ấy là nhà ông còn thừa tiền, thừa thóc đấy! Giá mà ông phải đói như nhà người ta thì không biết còn bóp nặn dân làng đến đâu?… Nhưng nói lắm rồi người ta cũng thôi. Còn số tiền hai chục bạc thì có lẽ ông lý ăn vào đã lại nhả ra cho con chó nhà ông thừa lộc chủ rồi. Trời móc ra được nữa! Ai cũng tưởng thế là xong chuyện. Thì bỗng một buổi sáng người ta thấy một mảnh giấy con con dán ở cửa đình. Mới trông, người ta tưởng là một bản yết thị. Việc gì đây? À! Trần ngôn! Lại trần ngôn! Và người ta đọc được thấy mấy câu như sau này:

    Trời ơi có thấu tình chăng?

    Một con mẹ đẻ, mấy thằng ăn no!

    Ai về tôi gửi cái mo

    Lý Nhưng có thiếu thì cho mà dùng.

    Lý Nhưng ơi hỡi lý Nhưng!

    Tưởng là ông hóa ra thằng ăn dơ!

    Đứa nào lật cái giấy này đi cả nhà nó chết.

    Chỉ ba, bốn hôm sau là bài vè trên đây đã được truyền khẩu lan đi khắp cả làng. Lý Nhưng xám mặt. Ông nghĩ ngay đến ông khóa Mẫn…

    Việc này không thằng Mẫn, cứ cổ ông mà chặt!… Ông đã biết ngay từ cái hôm ấy kia mà! Mình chỉ quên có một tí, quên không cho mời nó, ấy thế mà nó để ý thù mình được!… Cái quân nó sấp mặt! Cứ việc gì có nó thì nó im thin thít, động việc gì nó không được chấm mút gì vào đấy, là nó quay đầu lại cắn. Giống mõ! Đểu! Ba que! Xỏ lá!… Đồ lục súc!…

    Chửi như thế ông vẫn chưa hả giận. Ông cười khểnh:

    Hứ! Tưởng tức người ta thì làm được cái thá gì! Cái trò ném đá giấu tay ấy, ông chỉ vo viên, ông bỏ xuống dưới chiếu, ông ngồi….Không biết xấu! Cũng đòi là người chữ nghĩa!… Chữ nghĩa để làm những trò ăn mày ấy thì chữ nghĩa cũng vất xuống sông! Chữ nghĩa! Úi dà, chữ nghĩa! Sao cũng có bữa ông cho xích cổ lại, ông đập ghế vào mặt cho mà biết…

    Bởi tức quá, nên bất cứ ngồi chỗ nào, ông cũng mạt sát ông khóa Mẫn. Hết mạt sát rồi lại dọa. Ông bảo: ông khóa Mẫn có lý sự mấy đi nữa, ông cũng không cần sợ; ông móc chỗ nào ra cũng được ngay một lúc dăm trăm bạc; ông khóa Mẫn đi ở tù!… Ông tuyên bố với nhiều người như thế. Cố nhiên là ông khóa Mẫn không thể không biết chuyện. Nhưng ông thâm lắm. Ông không làm om sòm, ngậu xị lên như kẻ địch. Ông chỉ cười nhạt và thủng tha thủng thẳng:

    Nào ai biết được rằng: các ông ấy kiếm ăn cả ở chỗ vợ người ta đẻ! Ai rỗi hơi mà bới móc? Đứa nào nó chửi ông ấy, ông ấy không làm gì được nó, ông ấy cứ người ta ông ấy húc! Húc đâu chứ húc đây thì chỉ tổ biêu đầu mà thôi!

    Nói của đáng tội, cái trần ngôn thì ông khóa Mẫn không làm. Nhưng ông cũng không thèm đến nhà ông lý Nhưng để phân trần ra trắng, ra đen, ông dấm dẳn nói thế thôi. Rồi ông tặc lưỡi, bảo thêm:

    Với lại, nghĩ cho kỹ thì cái thằng nào nó làm cái trần ngôn, cũng không nên trách nó. Ăn bẩn, nó chửi cho là phải!…

    Ấy thế là hai người bất hòa với nhau!….

    Ông lý khai chiến trước. Ông chọc tức ông Khóa mẫn như thế này: Ông khóa Mẫn có một người họ hàng xa có cái mũi đỏ và sần sùi như một cái vỏ cam sành. Nhiều người bảo: chứng phong…Ông lý bèn làm giấy khám nghiệm. Nếu quả thật có bệnh tật, tất người ta tống ông vào trại hủi. Ông này sợ lắm. Ông biện chè đến van lạy ông lý. Ông lý nhất định không chịu nhận. Khấn bằng nào, ông cũng gạt ra mà bảo:

    Những như ông thì tôi không nỡ. Ông xem đấy: tôi làm ngơ cho ông mãi. Nhưng khóa Mẫn nó sang mồm lắm! Nó khinh tôi như rác. Tôi không làm một cái, nó tưởng tôi sợ nó…

    Giận cá, chém thớt là như vậy. Chỉ khổ ông mũi đỏ! Ông bị giải và lo xám người. Bà vợ ông vốn không phải tay vừa. Vợ chồng nhà bà xưa nay chỉ cặm cụi làm ăn, có trêu ghẹo ai đâu? Trâu bò chọi nhau thì mặc kệ trâu bò! Chết ruồi muỗi là chết làm sao được?… Bà ức lắm. Bà hầm hầm chạy một mạch đến nhà ông khóa Mẫn. Vừa đến ngõ, bà đã xốc váy lên đầu gối, giậm chân bèn bẹt và gào thật to:

    Ới ông khóa ơi là ông khóa ơi! Vợ chồng nhà tôi làm gì ông mà ông làm khổ vợ chồng nhà tôi thế này!…

    Ông khóa Mẫn ngạc nhiên. Ông hỏi đầu đuôi. Và khi ông đã thông tỏ đầu đuôi, ông tím mặt, ngồi ngẫm nghĩ một lúc, rồi bảo bà kia:

    – Bà cứ về đi! Để mặc tôi….

    Người ta đã biết tính ông: ông không thích nói nhiều. Nếu bà kia hỏi một câu nữa, thế nào ông cũng mắng. Bởi vậy bà không hỏi. Bà cởi ruột tượng lần ra một cuộn giấy bạc, đếm đưa cho ông khóa hai chục cái, tay đưa miệng mếu:

    Tôi gửi ông chỗ này để ông xe pháo, đò giang…Trăm sự nhờ ông..

    Được rồi! Bà cứ yên lòng về…Tôi chịu nó, thà tôi làm giống chó!…

    Lập tức ông đội khăn, mặc áo, đi ra tỉnh…Mấy hôm sau, ông mũi đỏ có họ với ông được về. Thế nghĩa là cái đấm của lý Nhưng không chạm được đến người ông. Nhưng ông vẫn còn căm. Bởi vì ông mới chỉ đỡ mà thôi. Ông chưa đánh. Có giả miếng được thì mới giỏi…Nửa tháng sau, ông giả miếng: ông phát đơn kiện lý trưởng tất cả mười tám khoản; ngót một trăm người kí, phần nhiều là học trò ông, cha chú học trò ông, và một số đàn em trong làng. Mấy khoản nặng nhất là: bao chiếm công điền, tự tiện bán thứ vị để lấy tiền bỏ túi, ăn bớt gạch ngói xây trường học đem về xây nhà cho vợ lẽ…

    Vụ kiện giằng dai lắm. Việc trước chưa xong thì việc sau đã tòi ra. Cứ ông khóa Mẫn kiện ông lý Nhưng, rồi ông lý Nhưng lại kiện ông khóa Mẫn. Rồi vây cánh của hai người kiện lẫn nhau. Việc nọ dính líu đến việc kia, chằng chịt lẫn nhau, không sao gỡ ra được nữa. Cả hai bên cùng hại của. Ông lý Nhưng bán đi năm mẫu ruộng. Ông khóa Mẫn thì chẳng có gì để bán, nhưng bà con, anh em cũng phải bỏ ra cho cũng khá nhiều. Sát khí bừng bừng. Họ đã đe giết lẫn nhau. Mà sự thật thì cả hai ông, mỗi lần ra khỏi nhà, đều phải có người đi hộ vệ…

    Kết cục thì ông lý Nhưng thua, thua một cách khá sâu cay. Ba tháng tù án treo; chân lý trưởng thì bị cách. Người ta nói: ông tức quá, thổ ra hàng bát máu…

    Thật ra thì không phải thế. Chỉ tại dân làng ghét ông nên họ nói thế. Họ rủa mát ông chơi đó! Nhờ trời, ông được cái tạng người cũng khỏe. Ông không đến nỗi uất máu lên mà chết. Có điều ông cũng tức. Và cũng xấu hổ với làng nước nữa. Ông không dám ló mặt ra khỏi nhà…

    Nhưng đã bảo rằng: ông khóa Mẫn là người rất mực thâm. Có đời nào ông lại để cho kẻ địch của mình yên? Tuy ông được kiện, nhưng ông vẫn còn căm lắm, bởi hắn đã làm ông hại của. Nhân lúc thừa thế, ông bèn vận động cho một người cháu ra làm lý trưởng…Hôm làm khao, ông nghĩ ra một kế ác vô cùng: ông sai người đem cau đến mời ông lý cựu. Cố nhiên là ông cựu hiểu. Ông đỏ bừng mặt mũi. Ông nghẹn cổ không nói được. Mãi đến lúc tên người nhà nhà ông khóa Mẫn ra rồi, ông mới bật ra một tiếng. Ông chửi tục. Ông nghiến răng lại mà chửi tục. Mắt ông nảy lửa. Mép ông xùi bọt. Người ông run lên vì giận. Ông đổ xuống cái giường như một cây gỗ đổ. Ông hậm hực. Đôi mắt ông ầng ậng nước. Ông nghĩ đến một con dao…Ông nghĩ đến một cái búa đinh…Ông nghĩ đến một cái chai…Ông nghĩ đến cả một mâm rượu hắt cả vào mặt ông khóa Mẫn…

    Bỗng ông đập tay xuống giường thật mạnh, bật người lên. Ông hầm hầm ra khỏi nhà, nắm chặt hai tay, bước thật nhanh những bước nghe chắc nịch. Bà vợ ông hoảng hốt:

    – Ông đi đâu đấy? Ông đi đâu đấy?

    Ông không đáp, vẫn cắm đầu đi như chạy. Bà vợ cố chạy theo ông, níu lấy ông, chắp hai tay lạy:

    – Tôi lạy ông! Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy ông! Ông mặc người ta!…. Ông đừng lôi thôi nữa…

    Ông hắt tay bà ra, quoắt mắt nhìn bà một cách tức tối và khinh bỉ. Ông đưa nắm tay vào ngực bà, dúi mạnh một cái gần ngã ngửa:

    – Về ngay! Còn đi theo ông, ông đấm chết ngay lập tức!

    Rồi ông lại hầm hầm bước. Ông bước mỗi bước bằng bốn bước. Ông đi nhanh lắm. Bà không theo kịp. Bà tất tưởi trở lại để nhờ người khác đi theo ông giúp. Ông lại càng rảo bước…Chỉ một thoáng ông đã ra tới ruộng. Rồi thì tới bãi tha ma. Bấy giờ đang giữa trưa nên cả cánh đồng chẳng có ai. Một dịp tốt vô cùng! Ông nhìn trước, nhìn sau. Không một bóng người. Những nấm mồ nhấp nhô. Ông đưa mắt nhìn hết nấm nọ đến nấm kia. A! Ông đã nhận ra rồi! Chính nấm này đây!…. Ông lại nhìn trước, nhìn sau. Rồi ông nhảy vọt sang. Ông cẩn thận nhìn thêm một lúc nữa. Không sai được! Chính là mộ bố ông khóa Mẫn…Ông lại nhìn trước, nhìn sau lần nữa. Lần này kĩ càng hơn. Rồi cả quyết, ông vén một ống quần lên. Rồi rất sung sướng, rất hể hả, cũng hồi hộp nữa, ông làm cái việc giải thoát cho bong bóng….

    Xong đâu đấy, ông mỉm cười đắc chí. Ông đi về.

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 485, ngày 30-10-1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  8. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Rình Trộm
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Anh Tẻ cầm cái chai cho vợ, gật gật đầu. Chị vợ trông thấy thừa rồi, nhưng chị tảng lờ. Đàn bà họ có những cách tảng lờ hay lắm! Nhưng tảng lờ cũng không xong. Anh vẫn chìa, vẫn gật, một thứ gật có thể nói là khẩn khoản. Bởi vì anh gật cả bằng môi, bằng mắt. A, như thế thì phải nói là anh nháy. Hơn nữa, anh còn gọi:

    – Bu mày! Bu mày!… Nhoanh!…

    Tiếng gọi nhỏ nhẹ và nũng nịu – Anh Tẻ làm nũng vợ thì tài nhất! – Chị vợ giả vờ khoặm mặt lại. Chị gắt lên:

    – Cái gì?

    Anh bẹp mồm cười và gật gật. Như thế thì ai mà giận được? Chị toét môi cười, nguýt anh:

    – Nợ lắm!

    Chị giật phắt lấy cái chai. Nhưng làm cái bộ vùng vằng ấy để chữa thẹn đấy thôi. Thật ra thì cô ả thấy buồn cười. Cái vẻ phụng phịu của cô là cái vẻ phụng phịu của một cô gái mười sáu, khi có người vuốt má, trêu: Chồng nhé!… Anh Tẻ cười. Anh sờ cái cằm chị vợ:

    – Chóng ngoan!… Rồi tôi thương!

    Chị Tẻ hất mạnh bàn tay chồng một cái. Chị quắc mắt và chúm mỏ. Làm như thị thích đùa cợt thế!…

    Nhưng anh Tẻ đâu còn lạ? Cái môi rung rung của thị lại sắp sửa cười rồi đấy! Cười! Cười nào! Cười đi!… Và quả nhiên chị cười. Chị cười và mắng chồng:

    – Trẻ con!

    Rồi chị quát lên mà hỏi:

    Mua mấy hào? Anh tắc lưỡi:

    Mấy hào thì mấy…Độ nửa chai thôi mà. Chị ngửa cổ, cười hơ hớ:

    Mới có nửa chai thôi mà?

    Mua cả nửa chai cho nó tiện. Uống không hết thì còn đấy, mất đi đâu mà sợ? Chị dí một ngón tay vào má anh:

    Uống không hết! Đã không hết đấy! Cái hũ giột này thì biết mấy nửa chai cho vừa? Một nửa chai mà còn?….

    Anh nhe răng ra, khì khì….Chị đi…

    Ấy là một gia đình mà chúng ta, những người đã ba con, trông thấy phải thèm. Chồng hăm hai. Vợ hai mươi. Nhà không giàu nhưng cũng chẳng nghèo: không dám nói đến chuyện có tiền nghìn bỏ ra sinh lợi rồi ngồi đấy ăn; nhưng nếu chịu làm, đừng cờ bạc, rượu chè thì miếng cơm tẻ, không mấy khi phải đói. Ở nhà quê, được như thế, đã là hạng phong lưu đấy.

    Chị Tẻ còn sướng được điều này: không phải ở với mẹ chồng. Ông thân sinh ra anh Tẻ là một ông già khá lạ đời – lạ đời đối với những người ở làng này. Ông nghĩ rằng: sống mỗi người một nhà, già mỗi người một mồ thì không hay rắc rối; mỗi tuổi một tính; đụng chạm với nhau lắm, những sự bất hợp trồi ra, và những kẻ đáng nhẽ phải yêu nhau lại thành ra những kẻ làm khổ nhau…Vì vậy, nội con ông, bất cứ anh nào, ông mua sẵn cho năm sào vườn, làm cho một cái nhà tre, rồi mới cưới vợ cho. Cưới hôm trước là hôm sau đôi vợ chồng đã ra ở riêng. Làm lấy mà ăn! Anh nào cũng có chân, cũng có tay. Vốn liếng có tí chút đấy rồi. Vợ chồng bảo nhau, không sống dại chết. Khổ thì cố mà chịu vậy. Mỗi kẻ có thân phải liệu cách mà cư xử lấy. Con trai có vợ rồi, đâu phải còn là con nít? Họ có quyền tự lập, tự do và tránh sự ỷ lại vào cha mẹ….

    Vậy vợ chồng anh Tẻ chỉ có hai người. Họ chửa có con. Tuy vậy họ vẫn bắt chước người ta, gọi nhau bằng “thầy nó”, “bu mày”, cho nó ngộ chơi. Mới đầu là sự nhại đùa. Mãi mãi thành quen. Bây giờ muốn bỏ không bỏ được. Vả lại bỏ, thì gọi nhau bằng gì được? Ở nhà quê, vợ chồng chưa có con, khó có tiếng mà gọi nhau lắm nhé. Cậu cậu, mợ mợ…thì ra lối tỉnh. Mặc màn tà lồng ộp nghĩa là cái váy mà gọi nhau thế thì người ta cười đến chết! Mình mình, tôi tôi là lối Sài Gòn, mấy thằng cha đi cao su về, cố nhập cảng, nhưng chẳng ai theo. Còn anh ơi! Với em ơi! Thì chỉ khi nào hờ nhau người ta mới dùng đến cho văn vẻ. Vậy thì gọi nhau bằng gì được? Hạng mày mày, tao tao là nhiều nhất; nhưng đó là những cặp vợ chồng ngày nào cũng phải chửi nhau một lần…

    Vợ chồng Tẻ, trái lại, rất quý nhau. Chồng hiền, vợ cũng hiền. Cả hai đều chăm chỉ làm ăn. Vợ sẻn so. Chồng không đánh bạc, không nghiện ngập, không hay họp hành, đánh bạc. Nói cho thật, thì một đôi khi anh Tẻ cũng thèm uống rượu. Uống rượu rồi nói khoác là thú nhất. Còn gì khoái cho bằng giết con gà nấu cháo rồi mua độ nửa cây Văn-Điển? Cháo được rồi, gà gỡ ra bỏ vào một cái đĩa tây to. Rót rượu ra! Múc cháo ra. Bê cái mâm hẳn lên giường. Chồng ngồi xếp bằng, uống rượu, rung đùi. Vợ ngồi tiếp một bên. Uống được độ ba chén rồi bắt đầu vừa uống vừa nói chuyện cổ kim để vợ nghe. Vợ nghe và tủm tỉm cười. Lúc bấy giờ thì…ôi thôi! Ông tiên chỉ là ta! Ông trời cũng là ta! Đứa nào bảo một miếng giữa làng, bằng một sáng xó bếp, dốt như bò. Vất ra ba trăm đồng bạc làm một ông quan viên, thà để mua một trăm rưởi con gà. Tiên chỉ mình, rồi thứ chỉ vợ mình; việc gì đem tiền cho chúng nó ăn? Nghĩa là anh Tẻ đá lắm, đá ghê gớm lắm, và khôn róc, sống theo cái kiểu cơm nhà ma vợ. Còn chị vợ thì chỉ biết phục và chiều chồng thôi….

    Vì thế chị đem về đủ nửa chai. Lại còn kèm thêm một cái đùi gà. Anh chồng sướng quá, reo lên:

    – Ái chà! Thế này thì nhất bu mày! Nhất vợ nhì giời!

    Anh co chân nhảy tót lên giường, ngồi chồm chỗm như một anh cóc rình mồi. Chị Tẻ tủm tỉm cười đặt rượu và cái đùi gà trước mặt chồng. Rồi chị đi lấy mâm bát dọn cơm. Anh Tẻ rót rượu uống ngay. Bởi vậy khi chị rềnh rang đem được nồi cơm lên, thì mắt anh đã lừ đừ. Anh vừa ngồm ngoàm nhai một miếng thịt gà, vừa giơ cái xương còn lại lên, chỉ vào mặt vợ, lè nhè:

    Tôi bảo thật! Đêm nay thì có thằng chết với tôi. Mẹ kiếp! Lại chuột gặm chân mèo à? Mình đã không trêu chúng nó thì thôi; chúng nó lại dám trêu mình à?…

    Chị vợ bĩu môi ra:

    Ối chào! Ông tướng vừa vừa chứ! Nếu nó sợ nó đã không dám lấy. Anh trợn mắt lên:

    Ừ! Không sợ? Không sợ! Thế nào tôi cũng đánh què cẳng nó.

    Biết đứa nào mà đánh?

    Sao chả biết? Làng này có những thằng nào đi ăn trộm, còn ai mà chả biết? Tôi cứ vác gậy ra nằm dưới vệ đê, chỗ chúng nó hay qua lại. Vô phúc thằng nào gặp tôi….

    Chị vợ không nói nữa. Nhưng chị có vẻ không tin anh lắm. Bởi thế cho nên anh vẫn còn hục hặc, hục hặc rất vu vơ như thế. Nhưng cái gì đã làm anh hậm hực uống rượu để tức chứ không phải để vui vẻ như mọi bận? Có gì đâu, đêm qua chẳng biết thằng trộm nào xẻo mất của anh ba buồng chuối tiêu.

    Rượu xong, cơm xong, anh Tẻ vẫn lải nhải nói mãi. Chị vợ nghe đã chán tai, vả đêm đã khá khuya rồi, nên đứng dậy đi nằm. Anh ngồi một mình, nói cho cái cột nghe. Chị vợ mặc chồng. Chị đoán rằng anh nói mỏi miệng rồi tất cũng phải đi nằm. Nhưng anh lại không nằm, anh vác gậy ra đi. Chị ngủ mệt rồi, nên không biết để can. Anh lùi lũi ra đường cái. Anh nhất định xuống vệ tre ngồi. Anh nhất định rình ở đấy suốt đêm. Anh định thấy thằng trộm nào khệ nệ gánh chuối hay gánh tay nải đi qua là đánh.

    Nhưng chẳng có ma nào! Làng xóm ngủ im lìm. Cả đến những con chó cũng im. Không có lẽ bọn trộm khiếp vía anh mà đêm nay không thằng nào dám bước chân ra khỏi ngõ? Không có lẽ! Cứ ngồi gan, thế nào rồi cũng gặp. Anh cố ngồi. Ngồi lắm mỏi lưng. Anh nghĩ rằng: có tìm một chỗ sạch sẽ mà nằm thì cũng chẳng sao. Đã gọi là thằng kẻ trộm, thằng nào đi chẳng vội vàng. Nó lại mang những thức nặng nề. Cố nhiên là nó không thể kiễng gót chân, nín thở mà đi. Nó đi bình bịch ở trên đường, thì dẫu anh có nằm, nhưng nằm ngay ở vệ đường, tất lúc nó đến gần phải biết. Biết là nhỏm dậy. Cái gậy sẵn sàng bên cạnh đó, anh cầm lấy. Đợi nó đến tận nơi, anh nhảy bổ lên, chặn lại. Cứ vậy, có thằng lại không van bằng cốc! Ba buồng chuối của anh đêm qua, mửa ra mà trả. Rồi kiềng cái mặt anh ra, từ đây đừng có dại, trêu vào mà được chết. Tử tế thì như vậy. Và nếu bướng thì…a-lê! Cái gậy phang vào đầu!…

    Anh vừa nghĩ thế, vừa men ra một chỗ phẳng phiu toàn cỏ. Đưa tay ra là qua một lượt để chắc chắn không có gai hay thức gì bẩn thỉu rồi, anh ngả lưng nằm xuống. Anh nằm ngửa, hai bàn tay chít lại ở dưới đầu; một chân co lại, chống lên; một chân gác lên đầu gối chân kia. Cứ vậy, anh nhìn trời…Trời lấp lánh những sao. Kia là mũ Thần Nông…Kia là con vịt. Kia là cái đó…Chà! Mà nằm ngủ ở vệ đường mát thật!… Anh ngáp…Rồi ngáp…Rồi lại ngáp… “Kia là sao cái đó…Kia là sao cái đó..”. Anh nhắc thầm trong trí như vậy. Sao cái đó cứ mờ rồi lại sáng, rồi lại mờ, lại sáng…và mờ nữa. Anh ngáp…rồi lại ngáp…rồi lại ngáp…Chỉ một lúc sau, anh đã không còn biết có anh trên đời nữa; bởi vì anh đã ngủ say như chết rồi…

    Sáng hôm sau, một người đi qua đã giật mình: họ tưởng anh là một cái xác chết đường. Họ lay anh. Anh choàng dậy và bẽn lẽn…

    À, anh Tẻ…Sao nằm đấy?

    ..Cho mát! Với lại…

    Anh ấp úng. Người kia cũng chẳng cần nói cho biết nữa. Hắn đoán anh câu trộm ở ao một nhà nào gần đây.

    Anh mải mốt xách gậy, đi về nhà. Vừa về đến đầu ngõ, đã thấy vợ tất tưởi chạy ra. Mặt chị tái mét. Chị như người hốt hoảng. Chị suýt húc đầu vào ngực anh.

    – Gì thế?

    Anh Tẻ trố mắt lên, và hỏi. Chị Tẻ líu lưỡi, không đáp được. Chị chỉ quay ngoắt lại, lụt cụt chạy trước chồng. Anh Tẻ chạy theo. Vợ trước chồng sau, họ chạy về phía sau nhà. Bấy giờ vợ mới run run, bảo chồng:

    – Kia kìa!

    Chị nghẹn lời. Anh cũng nghẹn lời. Vợ nhìn chồng và chồng nhìn trân trân vào một cách lỗ ngạch to đến một con bò chui lọt. Anh đỏ bừng mặt mũi. Mồ hôi trán toát ra. Họ ngây người như tượng gỗ…

    Một lúc như thế. Rồi bỗng anh chồng hùng hổ cởi áo ra. Anh bện quần lên cho đến tận mông. Anh chửi lầm bầm chui qua lỗ ngạch vào buồng. Chị nghe tiếng anh rít lên ở trong buồng:

    – Mất sạch rồi! Mất sạch rồi! Chó! Chó! Chó!…

    Rồi anh lại chui ra. Mặt mũi, mình mẩy lấm lem, anh lại chui ra. Rồi anh lại chui vào. Chị vợ điếng người đi cũng phải bật cười:

    – Ô hay, điên đấy à?

    Nhưng anh nghiến răng, trợn mắt lên:

    Điên! Điên à? Chẳng điên cuồng gì cả! đêm nay tôi sẽ đào ngạch chui vào buồng nhà nó, có cái gì lấy tất. Một cái chổi cùn tôi cũng không để nhé!…. À! Láo thật! Chuột lại cứ đòi gậm chân mèo à?

    Anh lại chui vào buồng.

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 487, ngày 13-11-1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  9. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Đời Thừa
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ ngẩng mặt lên nhìn Hộ ba lần. Ba lần, Từ muốn nói nhưng lại không dám nói. Hắn đang đọc chăm chú quá. Ðôi lông mày rậm của hắn châu đầu lại với nhau và hơi xếch lên một chút. Ðôi mắt sáng quắc có vẻ lồi ra. Cái trán rộng hơi nhăn. Ðôi lưỡng quyền đứng sừng sững trên bờ hai cái hố sâu của má thì bóng nhẫy. Cả cái mũi cao và thẳng tắp cũng bóng lên như vậy. Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn. Từ thấy sợ…

    Từ yêu chồng bằng một thứ tình yêu rất gần với tình của một con chó đối với người nuôi. Từ bản tính rất dịu dàng, rất tận tâm. Vả lại Hộ, đối với Từ, còn là một ân nhân nữa. Hộ đã cúi xuống nỗi đau khổ của Từ. Hộ đã cúi xuống và đã đưa một bàn tay cầm lấy cái bàn tay mềm yếu của Từ, giữa lúc Từ đau đớn không bờ bến: Từ bị tình nhân bỏ với một đứa con vừa mới đẻ. Gã tình nhân vô liêm sỉ ấy, Từ đã yêu hắn bằng cả tấm lòng yêu lúc ban đầu. Từ đã tin như người ta tin một vị thần. Từ đã hiến mình một cách dè dặt tâm hồn và xác thịt. Và khi biết mình sắp có một đứa con, Từ không hề hối hận một mảy may: Từ rất bằng lòng. Ấy thế mà hắn đã phụ từ, phụ một cách hèn nhát và khốn nạn, ngay chính vào lúc Từ cần đến hắn để bảo tồn sự sống và danh dự, lúc đứa con ra đời. Từ sửng sốt vô cùng. Từ không tin ở sự thật rành rành. Rồi khi sự sửng sốt qua thì Từ khóc. Từ khóc như mưa, khóc tưởng chẳng bao giờ còn lặng được. Từ khóc, và ôm con ngồi nhịn đói, bởi vì Từ chẳng còn biết trông cậy vào ai, trừ bà mẹ già mù và quanh năm nay ốm, mai đau, mà Từ vẫn phải nuôi. Bà mẹ già biết làm sao? Bà chỉ còn một cách là còn được ít nước mắt nào thì rỏ cả ra mà khóc với con, và cả mẹ lẫn con chỉ có một cách là khóc cho đến khi nào bao nhiêu xương thịt đều chảy ra thành nước mắt hết, để rồi cùng chết cả. Giữa lúc ấy thì Hộ mở rộng đôi cánh tay, đón lấy Từ. Hộ nuôi Từ, nuôi mẹ già, con dại cho Từ. Hộ nhận làm bố cho đứa con thơ. Vì muốn yên ủi Từ và cứu lấy danh dự của Từ, Hộ đã chính thức nhận Từ làm vợ. Rồi Hộ đứng ra làm ma cho bà mẹ Từ, khi bà cụ mất. Biết bao nhiêu là ân nghĩa! Từ có yêu Hộ đến đâu, có chịu khó đến đâu, có làm nô lệ cho Hộ suốt đời Từ nữa, thì cũng chưa đủ để mà đền ơn. Bởi thế, nên luôn mấy năm trời, Hộ thấy Từ là một người vợ rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm. Và đáng lẽ thì Hộ phải sung sướng lắm.

    Nhưng Hộ chỉ sung sướng được ít lâu thôi. Sau cái hành vi đẹp của hắn, và cái hành vi ấy được trả công bằng một tình yêu rất êm đềm, hắn chỉ còn nghĩ đến gia đình, chỉ cốt làm sao nuôi được gia đình. Hộ vốn nghèo. Hắn là một nhà văn, trước kia, với cách viết thận trọng của hắn, hắn chỉ kiếm được vừa đủ để một mình hắn sống một cách eo hẹp, có thể nói là cực khổ. Nhưng bấy giờ hắn chỉ có một mình. Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày mỗi ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Ðối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời… Thế rồi, khi đã ghép đời Từ vào cuộc đời của hắn, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền; hắn hiểu những nỗi đau khổ của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lý, nhưng không thể không nghĩ tới, ngốn một phần lớn thì giờ của hắn. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách hay một đoạn văn ký tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn… Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.

    Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có… Hắn nghĩ thế và buồn lắm, buồn lắm! Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt? Hắn để mặc vợ con khổ sở ư? Hắn bỏ liều, hắn ruồng rẫy chúng, hắn hy sinh như người ta vẫn nói ư? Ðã một vài lần hắn thấy ý nghĩ trên đây thoáng qua đầu. Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỷ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. Và lại hèn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ, con thì còn mong làm nên trò gì nữa?… Hắn tự bảo: “Ta đành phí đi một vài năm để kiếm tiền. Khi Từ đã có một số vốn con để làm ăn! Sự sinh hoạt lúc này chẳng dễ dàng đâu!”. Từ khi đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra, mà đứa con nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc. Từ săn sóc chúng đã đủ ốm người rồi, chẳng còn có thể làm thêm một việc khác nữa. Hộ điên người lên vì phải xoay tiền. Hắn còn điên lên vì con khóc, nhà không lúc nào được yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách. Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá. Hắn trở nên cau có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình. Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn. Hắn đi lang thang, không chủ đích gì. Rồi khi gió mát ở bên ngoài đã làm cái trán nóng bừng nguội bớt đi và lòng trút nhẹ được ít nhiều uất giận, hắn tạt vào một tiệm giải khát nào mà uống một cốc bia hay cốc nước chanh. Hắn tìm một người bạn thân nào để nói chuyện văn chương, ngỏ ý kiến về một vài quyển sách mới ra, một vài tên ký mới trên các báo, phác họa một cái chương trình mà hắn biết ngay khi nói là chẳng bao giờ hắn có thể thực hành, rồi lặng lẽ nghĩ đến cái tác phẩm dự định từ mấy năm nay để mà chán ngán. Hắn thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Hắn cũng nhớ nhung một cái gì rất xa xôi… những mộng đẹp ngày xưa… một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa. Hắn lắc đầu tự bảo: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi”. Và hắn nghĩ đến cái tên hắn đang mờ dần đằng sau những tên khác mới trồi ra, rực rỡ hơn… Rồi hắn ra về, thờ thẫn. Những sự bực tức đã chìm đi. Lòng hắn không còn sôi nổi nữa, nhưng rũ buồn…

    Ít lâu nay, mỗi lần ra đi, Hộ không chỉ trở về buồn bã mà thôi. Hắn say mềm. Thường thường hắn đã ngủ một nửa ngay từ khi còn ở dọc đường; và vừa về đến nhà, chưa kịp thay quần áo, tháo giày, đã đổ như một khúc gỗ xuống bất cứ cái giường nào, ngủ say như chết. Từ phải chờ khi con ngủ mê, rón rén lừa con, dậy lại tháo giày, cởi quần tây cho hắn, luồn một cái gối xuống gáy hắn, và cố nhấc chân, nhấc tay hắn, đặt cho hắn nằm ngay ngắn lại… Nhưng cũng có đêm hắn chưa ngủ vội. Hắn lảo đảo bước vào nhà, mắt gườm gườm, đôi môi mím chặt. Hắn đi thẳng lại trước mặt Từ. Hắn cúi xuống, quắc mắt nhìn Từ, gõ gõ một ngón tay trỏ vào trán Từ và dọa như người ta dọa trẻ con:

    – Ngày mai… mình có biết không?… Chỉ ngày mai thôi! Là tôi đuổi tất cả mấy mẹ con mình ra khỏi cái nhà này… Tôi đuổi tất, không chừa một đứa nào, kể cả con bé Thảo là con ngoan nhất… Mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn với hét! Cả con mẹ nữa, con mẹ là mình ấy… cũng đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn rồi ngồi ôm con như nhện ôm khư khư bọc trứng, không chịu làm thêm việc gì cho có tiền. Chỉ khổ thằng này thôi!

    Hắn rít lên như vậy. Rồi hắn mím chặt môi, đôi mắt ngầu ngầu nhìn vào tận mắt Từ. Từ chẳng dám cãi nửa lời, chỉ lẳng lặng cúi mặt nhìn xuống, như một đứa trẻ con biết mình có lỗi khi nghe người ta quở phạt. Bởi vậy hắn trừng trộ một lúc rồi quay ra, loạng choạng cởi quần, cởi áo, hắn vất bừa bộn xuống giường. Rồi hắn tháo giày, quăng từng chiếc một vào một xó nhà. Có khi máy tay, hắn quăng cả những vật gì thấy trên bàn, rồi lải nhải mắng Từ về tội không biết thu dọn nhà cho gọn ghẽ. Hắn nói chán rồi đi ngủ. Bấy giờ Từ mới dám đứng lên, treo quần áo cho hắn lên mắc và thu dọn tất cả những thức hắn đã vứt lổng chổng ra đầy nhà.

    Lần đầu, Từ sửng sốt. Từ chẳng hiểu ra sao. Từ đoán chồng nghe ai nói nên ghen bóng, ghen gió chi đây. Từ khóc suốt đêm và dự định sẵn những câu để sáng hôm sau nói. Nhưng sáng hôm sau, hắn không để cho Từ phải nói. Hắn bẽn lẽn kêu mình đã quá chén hôm qua, hỏi Từ về những thủ đoạn vũ phu của mình rất buồn cười, rồi xin lỗi Từ, hôn hít các con như một người cha tốt. Hắn tuyên bố từ giờ chừa rượu và giữ được khá lâu, nhưng rồi lại uống và say như lần trước để làm những trò vừa buồn cười, vừa đáng sợ như lần trước. Cứ thế mãi, Từ quen đi, không giận nữa. Nhưng Từ lờ mờ hiểu nỗi đau khổ mà có lẽ chính Từ đã gây ra cho chồng. Từ hiểu và Từ buồn lắm, buồn lắm lắm. Còn gì buồn cho bằng mình biết mình làm khổ cho người mà mình yêu? Nhưng Từ biết làm sao được? Ðã nhiều lần Từ muốn ẵm con đi. Ðã nhiều lần, Từ muốn bỏ liều con để đi làm, Từ muốn hy sinh. Nhưng lòng Từ mềm yếu biết bao! Từ là vợ! Từ là mẹ. Từ sống với những tình cảm thông thường của đàn bà. Từ rất yêu chồng và thường nhận ra rằng chồng Từ cũng yêu Từ, cũng muốn có Từ. Những khi Từ ốm đau chẳng hạn. Hộ lo xanh mắt và thức suốt đêm để trông coi thuốc thang cho vợ. Ðối với các con cũng vậy. Chỉ xa chúng mấy ngày, Hộ đã nhớ và lúc về thấy các con chạy ra reo mừng và nắm lấy áo mình, thường thường Hộ cảm động đến ứa nước mắt. Hắn hôn hít chúng vồ vập lắm… Biết đâu hắn sẽ sung sướng khi không con, không vợ? Từ nghĩ về hắn: nghĩ thế nhưng Từ cũng chẳng dám tìm cách mà xa hắn. Mới nghĩ đến sự xa hắn, Từ đã phải thổn thức đến bật tiếng khóc ra được rồi… Từ đành chỉ cố ngoan ngoãn hơn, đáng yêu hơn. Từ nhịn mặc, nhịn ăn để bớt những món tiêu. Từ thu xếp cửa nhà ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng. Nhất là Từ hết sức ngăn những tiếng khóc, tiếng nô đùa của lũ con. Từ sợ cả nói với chồng. Bởi vậy ba lần nhìn chồng để toan nói, Từ thấy chồng đang đọc sách chăm chú quá, không dám nói lại cúi mặt xuống nhìn đứa con đang nằm trong lòng Từ.

    Nhưng Hộ bỗng ngoảnh mặt lên. Hắn vừa gặp được một đoạn hay lắm nên ngừng đọc, ngẫm nghĩ và để cho cái khoái cảm ngân ra trong lòng. Ðôi mắt hắn, tuy mới rời trang sách đã nhìn ngay lại phía Từ. Hắn mỉm cười, Từ cũng mỉm cười. Hắn bảo:

    Này, Từ ạ… Nghĩ cho kỹ, đời tôi không đáng khổ mà hóa khổ, chính tôi làm cái thân tôi khổ, tôi mê văn quá nên mới khổ. Ấy thế, mà tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi. Tôi cho rằng: những khi được đọc một đoạn văn như đoạn này, mà lại hiểu được tất cả cái hay, thì dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng. Sướng lắm! Sao thiên hạ lại có người tài đến thế? Mình tính: người ta tả cái cảnh một người nhớ quê hương chỉ mất có ba câu, đúng ba câu!… Mình có hiểu không? Ba câu giản dị một cách không ngờ mà hay được đến như thế này…

    Hắn đọc lại đoạn văn. Hắn dịnh nghĩa để Từ nghe. Hắn giảng giải cho Từ. Tuy Từ chẳng hiểu được bao nhiêu, nhưng cũng tin lời hắn lắm. Từ giữ mãi nụ cười hiền dịu trong khi nghe hắn nói. Khi hắn ngừng nói đã được một lúc khá lâu, Từ mới làm như chợt nhớ ra:

    Có lẽ hôm nay đã là mồng hai, mồng ba tây rồi, mình nhỉ?

    À phải! Hôm nay mồng ba… Giá mình không hỏi tôi thì tôi quên… Tôi phải đi xuống phố. Từ nhắc khéo:

    Hèn nào mà em thấy người thu tiền nhà sáng nay đã đến… Hộ sầm mặt lại:

    Tiền nhà… tiền giặt… tiền thuốc… tiền nước mắm… Còn chịu tất! Tháng vừa rồi tiêu tốn quá, mới mồng mười đã hết tiền. May mà còn có đất mua chịu được.

    Hắn nghĩ đến món tiền hắn đã tiêu phí mấy hôm đầu tháng. Mỗi lần hắn bực tức hay chán nản, hắn lại đi uống rượu, thành thử hết tiền sớm. Từ không hé môi phàn nàn nửa tiếng, nhưng cả tháng Từ ăn và bắt các con ăn kham khổ, thường thường đói nữa! Quà sáng thì bỏ hẳn, có khi bữa tối cũng chịu nhịn cơm, ăn cháo. Hộ trông thấy thế, thương vợ, thương con quá, và ân hận vì mình đã tiêu quá trớn. Bởi vậy suốt từ mồng mười đến hết tháng, hắn không ra khỏi nhà để chẳng phải tiêu thêm tí gì…

    Hắn vừa mặc quần áo, vừa nhắc thầm trong trí:

    Nhất định hôm nay không đi đâu cả… Lấy tiền xong là về ngay…

    Nhưng Từ bảo:

    Mình đi phố thì đi ăn nhé. Còn có ít gạo chỉ đủ cho lũ trẻ. Em chả đong thêm nữa, để mai trả tiền rồi lấy thêm luôn một thể… Em không để cơm mình đâu đấy… Nhà chẳng còn gì ăn…

    Hộ hơi cau mày. Bởi vì hắn sợ bước vào tiệm ăn lắm. Hắn có thể gặp ở đấy một vài người bạn… và khi ấy thì… ôi thôi! Mặc kệ gia đình và những cái gì còn lại!… Hắn sẽ uống rất khỏe, nói toàn những chuyện vá trời lấp biển, rồi đi la cà đến hết đêm mới về. Hắn nghĩ ngợi một chút rồi hắn bảo:

    Ðược! Tôi sẽ mua cái gì về để cả nhà cùng ăn.

    Ðừng phiền nữa! Em cứ cho chúng nó ăn cơm trước rồi đi ngủ.

    Ðừng ăn trước… Ðợi tôi đem thức ăn về, ăn một thể. Tôi về sớm. Cả tháng chúng nó đói khát, khổ sở, hôm nay có tiền cũng nên cho chúng nó một bữa ăn ra hồn.

    Vẽ chuyện!

    Hắn mỉm cười, đáp lại. Hắn lại gần Từ, cúi xuống nắm lấy tay đứa bé và gọi nó. Mặt hắn và mặt Từ ghé sát. Hắn cố ý khẽ chạm môi mình vào má Từ một cái. Từ vờ giũ mấy cái bụi ở tay áo hắn. Vợ chồng nhìn nhau âu yếm. Hắn vuốt má Từ một cái rồi ra đi. tòa báo ra, Hộ đi thẳng tới một hiệu thịt quay. Hắn định mua mấy hào thịt, vài cái bánh tây, gói đem về. Lòng hắn sáng bừng. Hắn tưởng tượng ra cái cảnh lũ con háu ăn và đói khát, rón thịt bằng tay và ăn những miếng bánh thật to, miệng phụng phịu và môi bóng nhờn những mỡ. Cái cảnh thô tục và cảm động! Hắn sẽ cười thỏa thích. Còn Từ sẽ ngồi bên hắn mà nhìn chúng, đôi mắt sung sướng và thương hại loang loáng ướt… Ðến trước cửa hiệu thịt quay, Hộ dừng lại. Hắn cẩn thận nhìn trước, nhìn sau, trước khi vào. Một người quen có thể đi qua, và nếu họ bắt gặp hắn đang cố nhét một gói thịt vào túi áo!… Không! Không có gì đáng ngại, ngoài đường phố… Nhưng trong hiệu, một thiếu nữ đẹp đang mặc cả… Hắn đành đợi vậy. Trong khi đợi, hai tay chắp sau lưng, hắn làm ra vẻ đợi một người bạn vừa vào một nhà nào gần đấy. Bỗng một bàn tay đập vào vai khiến hắn giật mình quay lại. Trung nhếch cười lặng lẽ và Mão cười ầm ĩ, cùng đưa tay cho hắn bắt:

    Mải ngắm nàng thơ nào mà ngây người ra thế? Hộ ấp úng:

    À! Các anh!…

    Không theo gót sen nào đấy chứ?

    Cái ấy không quan hệ! Thi sĩ là người giữ được mình trẻ mãi và đến muôn năm cũng vẫn còn trinh bạch.

    Cũng may tôi lại cũng không là thi sĩ nốt.

    Nghĩa là chẳng theo nàng nào cả?

    Chẳng theo nàng nào cả!

    Thế thì đi theo hai thằng này!

    Hộ nhìn Trung và Mão một thoáng rồi mới hỏi:

    Làm chi?

    Chẳng làm chi cả!

    Thế thì đệ kiếu. Ðệ phải về kẻo hết tàu điện.

    Trung cau mày nhìn Hộ một cách kinh ngạc và khinh bỉ:

    Sao lại có người điên đến thế? Về giữa lúc chiều thì đẹp mà phố thì vui thế này! Hộ trở nên đứng đắn:

    Không đùa nữa… Thật ra thì tôi có việc phải về, thế thôi.

    Ờ! Nói vậy còn dễ nghe… Thôi thế anh về nhé!… Nhưng mà… này! Anh đã biết gì chưa?

    Hộ đã toan đi, quay đầu lại nhìn Trung…

    “Ðường về” sắp được dịch ra tiếng Anh đấy nhé! Bản quyền tác giả ba nghìn đồng. Hộ trợn mắt lên. Người hắn bổi hổi. Một lúc lâu hắn mới hỏi được Trung:

    Có đích không?

    Ðích xác rồi. Chính Quyền đưa cái thư điều đình cho chúng tôi xem.

    Hộ có vẻ hoài nghi:

    – Không mà lại!… Tôi biết lắm… Nhưng lại đằng này đã, về làm gì vội? Chúng mình làm cốc bia…

    Hộ đã quên hẳn vợ con. Hắn chỉ còn háo hức muốn biết thêm về việc quyển “Ðường về” của Quyền được dịch ra tiếng Anh. Hắn bám lấy Mão và Trung. Ba người vào một tiệm giải khát ở Bờ Hồ. Và chỉ độ nửa giờ sau, Mão và Trung đã thấy Hộ đỏ tai, giộng một cái vỏ chai bia xuống mặt bàn:

    Cuốn “Ðường về” chỉ có giá trị địa phương thôi, các anh có hiểu không? Người ta dịch nó vì muốn biết phong tục của mọi nơi. Nó chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội. Tôi cho là xoàng lắm! Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem… Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu!

    Trung gật gù cười, vẫn cái cười lặng lẽ của y. Mão thì cười hô hố. Hộ không cười, mặt căng lên vì hứng khởi. Hắn nói say sưa lắm. Và đến lúc đèn phố bật, Trung và Mão muốn về, Hộ bảo luôn:

    – Thong thả đã! Ði đâu mà vội? Chúng mình đi uống rượu… Tôi có tiền…

    Sáng hôm sau. Hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn. Hắn thấy mình mẩy đau như dần, đầu nặng, miệng khô và đắng. Cổ thì ráo và rát cháy. Hắn đưa tay với ấm nước ở trên bàn để uống. Ấm nước đầy và nước hãy còn ấm. Ðó là sự ý tứ của Từ. Hộ hiểu thế, và lòng buồn nao nao. Bởi hắn lờ mờ nhớ ra rằng: hình như đêm qua hắn say rượu, đi la cà chán rồi về, lại gây sự với Từ; hình như hắn lại đánh cả Từ, đuổi Từ đi, rồi mới đóng cửa lại và đi ngủ… Hắn đột nhiên hoảng sợ, nhổm dậy, mắt nhớn nhác tìm Từ. Nhưng không! Từ vẫn còn nhà… Chắc hẳn trong lúc quá say, hắn gài cửa nhưng chưa gài được, thành thử khi thấy hắn ngủ mệt rồi, Từ lại bế con vào. Bây giờ Từ đang thiếp đi trên võng, đứa con nhỏ nằm bên. Từ vốn dậy sớm quen. Sáng nay, chắc Từ mệt quá, vừa mới lịm đi, nên mới ngủ trưa như thế. Ðầu Từ ngoẹo về một bên. Một tay Từ trật ra ngoài mép võng, sã xuống, cái bàn tay hơi xòe ra lỏng lẻo. Dáng nằm thật là khó nhọc và khổ não. Hắn bùi ngùi. Chao ôi! Trông Từ nằm thật đáng thương! Hèn chi mà Từ khổ cả một đời người! Cái tướng vất vả lộ ra cả đến trong giấc ngủ. Hộ nhớ ra rằng: một đôi lúc, nếu nhìn kỹ thì Từ khó mặt lắm. Ðột nhiên Hộ nảy ra ý muốn lại gần Từ, nhìn kỹ xem mặt Từ lúc bây giờ ra sao? Hắn rón rén, đi chân không lại. Hắn ngồi xổm ngay xuống đất, bên cạnh võng và cố thở cho thật khẽ. Hắn ngắm nghía mặt Từ lâu lắm. Da mặt Từ xanh nhợt; môi nhợt nhạt; mi mắt hơi tim tím và chung quanh mắt có quầng, đôi má đã hơi hóp lại khiến mặt hơi có cạnh. Hộ khẽ thở dài và lắc đầu ái ngại. Hắn dịu dàng nắm lấy tay sã xuống của Từ. Cái bàn tay lủng củng rặt những xương! Trên mu bàn tay, những đường gân xanh bóng ra, làn da mỏng và xanh trong, xanh lọc. Cái cổ tay mỏng manh. Tất cả lộ một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả, cần được hắn che chở và bênh vực… một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ và chật vật, cần được hắn vỗ về an ủi… Thế mà hắn đã làm gì để cho đời Từ đỡ khổ hơn? Hắn đã làm gì để cho Từ khỏi khổ?

    Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc… Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc. Từ thức dậy, Từ hiểu ngay, không cần hỏi một câu nào cũng hiểu. Và Từ cảm động. Mắt Từ giàn giụa nước. Từ khẽ rút tay ra, vòng lên cổ chồng, nhẹ nhàng níu hắn vào, để hắn gục đầu lên cạnh ngực Từ. Hắn lại càng khóc to hơn và cố nói qua tiếng khóc:

    Anh… anh… chỉ là… một thằng… khốn nạn!…

    Không!… Anh chỉ là một người khổ sở!… Chính vì em mà anh khổ…

    Từ bảo thế. Tay Từ níu mạnh hơn một chút. Ngực Từ thổn thức. Từ chực ngả đầu sát vào vai Hộ. Nhưng đứa con, bị giằng, khóc thét lên. Từ vội buông chồng ra để vỗ con. Tiếng vẫn còn ướt lệ, Từ dỗ nó:

    A! Mợ đây! Mợ đây mà! Ôi chao! Con tôi nó giật mình… Mợ thương…

    Hộ đã tránh chỗ để Từ đưa võng… Từ vừa đưa vừa hát. “Ai làm cho gió lên giời.

    Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly Ai làm cho Nam, Bắc phân kỳ.

    Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân… ”
    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 490, ngày 4-12-1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  10. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Sao Lại Thế Này
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bẩm ông…

    Hiệp ngoái đầu ra. Đó là thằng Bản, đầy tớ nhà bà Hưng Phú. Nó chắp tay, đứng tận gần chỗ cửa…

    Gì thế, anh?

    Bẩm ông, ông con bảo con lên xem ông dậy chưa, mời ông xuống phòng khách xơi nước ạ!

    Ông về bao giờ thế?

    Hiệp cố lộ vẻ sửng sốt trong đôi mắt và trong giọng nói.

    Bẩm ông, ông con về từ lúc mười hai giờ kia ạ. Ông con tắm xong, định lên chào ông nhưng bà con bảo: Ông còn ngủ ạ.

    Hiệp ngấm ngầm hổ thẹn. Hắn thấy mình không thiệp. Đáng lẽ hắn phải xuống chào ông Hưng Phú trước. Nhưng hắn lại giả vờ ngủ mệt, không thèm xuống. Tính hắn như vậy: hắn sợ nhất sự khúm núm, xu nịnh người trên hoặc người giàu. Lễ phép vì lễ phép thôi, thì chẳng có một người giáo dục nào có thể bỏ qua. Nhưng cái sự lễ phép ấy phải đặt những người hèn ngang hàng với những người sang. Hiệp đã nhiều lần được trông thấy người ta cất mũ chào một cái xe tang. Ấy là một cử chỉ đáng khen. Nếu tay chẳng bận ôm xách gì thì hắn cũng làm theo. Nhưng hắn để ý, đến sự này hơn: hắn cố nhịn cả triệu ruồi nhặng bám, hắn kính cẩn cúi đầu hay nhắc mũ. Người ta có thể gàn muôn vạn cách. Hắn thích gàn kiểu ấy và cắt nghĩa: “Đối với một người nghèo, mình có lễ phép quá sự thường một chút, hẳn cũng không có ai có thể bảo, và không ai nỡ bảo: mình xu nịnh, đối với một anh giàu không thể, anh ta, và thiên hạ, rất dễ ngờ mình cầu cạnh. Vậy thì với hạng sau, chỉ lễ phép vừa vặn, đừng bao giờ quá. Ông Hưng Phú là một nhà thầu khoán kiêm lái gỗ. Ông có xe hơi, có nhà lầu, có đồn điền, lại có cả trại ở nhà quê. Vậy thì chính là một người giàu đứt đi rồi. Tuy Hiệp chưa biết mặt ông (trong khi điều đình để đến dạy mấy đứa trẻ nhà ông trong vụ nghỉ hè, hắn chỉ giao thiệp bằng thư và sau cùng thì được gặp người thư ký thay mặt ông Hưng Phú luôn luôn đi vắng), hắn cũng hình dung ra một người to béo, quần áo sang, cái mặt phinh phính vênh lên và đôi mắt híp nhìn người ta một cách bề trên lắm. Bởi vậy hắn coi là một cái nhục, cái việc tất tưởi chạy xuống đón ông Hưng Phú, cùng với vợ, con ông và bọn con hầu đầy tớ nhà ông, để kính cẩn cúi đầu chào khi ông bệ vệ từ trên cái xe hơi bước xuống, mắt nheo nheo vì khói một điếu xì gà lớn. Ờ! Mà nghĩ cho kĩ thì cũng chẳng cần gì phải hạ mình như thế thật. Hắn không phải là cậu giáo nhà ông. Hắn là đốc học một trường tư. Tuy cái trường tư ấy rất mèng nhưng ai biết đấy là đâu. Hắn dạy mấy đứa trẻ nhà ông tại cái nhà nghỉ mát của ông, chính để tiện việc đi nghỉ mát. Hắn đã bày tỏ với người thư ký nhà ông thế. Mà có lẽ sự thật là thế đấy. Bởi vì giả sử hắn không đi, cứ ở nhà, trông coi một lớp nghỉ hè, thì số tiền thu về có phần lớn hơn. Hắn có chết gì đâu? Hắn đi, chỉ vì sự nghỉ ngơi, không phải vì cơm áo. Vậy thì hãy liệu mà đối đãi! Tử tế thì hắn ở, không tử tế thì hắn tếch. Mà hắn không chỉ tếch thôi đâu. Hắn sẽ cho một bài học để mà sáng mắt ra. Cái bọn ngu dốt mà giàu đáng ghét vô cùng. Chúng chỉ biết có tiền, và coi người như rác, như rơm. Bỏ ra độ ba chục đồng để nuôi một cậu giáo cho con, chúng tưởng đã là nhiều, và cái kẻ lĩnh mỗi tháng ba mươi đồng bạc để mở mắt cho lũ con cháu chúng kia, chỉ đáng cho chúng coi hơn những thằng nhỏ, con sen một chút. Hiệp không đời nào chịu thế. Nếu hắn chịu khổ sở với cái nghề dạy học tư, có phải vì hắn học hành dở dang đâu? Chỉ vì hắn quá yêu mình, quá trọng mình, và trọng tự do. Vậy thì cần gì mà nịnh nọt ai, dẫu ai đó có là ông Hưng Phú! Đã đành Hưng Phú biết người, biết của. Bà quý Hiệp. Hắn được coi như khách. Mình hắn được một căn phòng riêng đồ đạc rất sang. Cơm nước hẳn hoi. Bọn đầy tớ hầu hạ và nói năng lễ phép. Những đứa trẻ rất ngoan. Bà chủ nhã nhặn và ý tứ. Bà có tư cách của một người quý phái, giao thiệp khéo. Dù ở cùng một nhà, nhưng gặp hắn ở trong vườn hay đi chơi về, hoặc đi ra… bao giờ bà cũng cúi chào. Mỗi sáng bà sai đem lên phòng hắn một bó hoa tươi cùng với bữa điểm tâm. Và mỗi trưa, khi hắn ngủ dậy, bà cho mời hắn xuống căn phòng khách mát rượi hương sen để uống bia, uống nước chanh, uống trà do chính bà pha, hoặc ăn một món ăn mát do bà làm lấy. Hai người nói chuyện. Bà lễ phép hỏi về sức học từng đứa cháu, hoặc trao đổi với hắn ít nhiều ý kiến về thời tiết, về thời sự, về những cảnh đẹp ở vùng này, về cuộc sống của dân quê ở chung quanh, về tất cả….Cái tài nói chuyện của bà thật hiếm có. Bà biết vui mà không lơi lả, đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm. Cách trang điểm của bà cũng vậy: đẹp, nhưng nhũn nhặn. Thật là một người đàn bà kiểu mẫu. Và Hiệp mỉm cười khi nhớ lại cái ý nghĩ điên rồ của hắn hôm mới trông thấy bà…

    Hồi mười tám, đôi mươi, Hiệp đã cưới một người vợ nhà quê. Để chiều ý mẹ mà thôi. Hắn cũng chẳng ưng. Bởi thời ấy, đầu hắn còn nhiều thơ mộng lắm. Hắn để ý đến những mớ tóc uốn quăn, những tà áo xanh, áo đỏ hơn. Khi người ta ra tỉnh học từ thủa chửa lên mười, thì làm thế nào mà thích được một cô vợ đặc nhà quê, quần nái áo nâu, đi chân không, da xám nắng và bàn tay đen thui? Vợ Hiệp lại cứng như một cái đanh, bẩn thỉu và cục mịch. Hắn sợ thị đến nỗi nghỉ hè cũng không dám về quê. Mỗi lần, vì một sự bắt buộc gì phải về nhà, hắn lại phải thấy một đứa con gái đét đóng, gầy guộc, đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, mặt ngơ ngác, da xanh búng, cả ngày chả nói một câu, mà ăn thì thô tục, mà cắm cúi mặt chẳng lúc nào rời cái bát. Mới chỉ trông đã ghét! Đã vậy, mà lại còn mất nết, tuy mẹ hắn cố tình giấu giếm, nhưng hắn cũng biết rằng vợ mình rất hư. Bởi vì bà mẹ chỉ giấu con, chứ không giấu người ngoài. Cả làng chẳng ai còn không biết con dâu bà đủ mọi tật: đã vụng, đã lười, đã ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, lại còn có tính gian: thị chúa đời là hay ăn cắp và ăn vụng. Mà ăn vụng như thế nào? Thị bốc trộm gạo sống cho vào túi để ăn dần. Thị hớt cơm chó thật nhiều rồi bớt lại, giấu đi, để ăn cơm với cả nhà rồi lại lấy ra ăn. Thậm chí đến đổ cám cho lợn ăn mà thị cũng ăn vụng vài bát ngay ngoài chuồng lợn mới được. Ghê tởm quá! Hiệp không thể tưởng tượng trên đời này lại có những hạng đàn bà như thế ấy. Hắn chưa bao giờ phải đói. Hắn chưa bao giờ phải thèm cơm. Hắn không biết rằng mẹ hắn, và vợ hắn, và các em hắn ở nhà phải nhịn để lấy tiền cho hắn học hành: mỗi ngày chỉ ăn một bữa thôi, mà mỗi bữa, lệ của mỗi người hai lùm lùm bát. No dồn, đói góp. Hiệp đã từng biết cái nông nỗi ấy ở đâu? Bởi vậy hắn cho một người ăn vụng là quái vật. Chưa lần nào hắn dám ngủ chung một giường với vợ. Và hắn vẫn định, sau kì thi tốt nghiệp, được rảnh rang rồi, hắn sẽ bỏ vợ thẳng tay. Nếu mẹ không chịu, thì hắn sẽ đi. Không thể sống với một người đàn bà như thế được!… May cho hắn: một hôm vợ hắn trốn nhà đi. Chẳng biết đi đâu. Hình như do một trận đòn. Bà mẹ chồng bắt được nàng dâu trong lúc ghế cơm, xúc một ít cơm mới chương lên đổ vào miệng. Bà chạy vội vào, bóp chặt cổ con dâu rồi lu loa cho hàng xóm đến xem. Đứa con dâu phải nhả cơm ra, nước mắt chứa chan. Người ta chép miệng lắc đầu. Người ta bàn tán xôn xao. Có lẽ vì xấu hổ, nên thị chẳng còn mặt mũi nào ở nhà để trông thấy người ta nữa. Thị đi mất tích. Hiệp lấy làm may lắm. Và suốt từ ngày ấy đến hôm nay, hắn sống một thân một mình…

    Hôm ấy mới đến trại bà Hưng Phú, Hiệp ngạc nhiên vì nhận thấy một lúc kia, bà Hưng Phú đã có một lối nhìn xuống từa tựa như người vợ bỏ nhà ra đi của hắn. Và vốn giàu óc tưởng tượng, hắn phác ngay ra một câu chuyện ly kì: người vợ của hắn xưa kia, qua nhiều cuộc đổi thay đã trở nên bà Hưng Phú bây giờ, giàu có và sang trọng…Tưởng tượng điên rồ quá! Bởi càng ngày hắn càng nhận thấy ở bà Hưng Phú một người đàn bà có giáo dục, có tư cách, có tâm hồn… nói tóm lại là một người đàn bà thượng lưu. Hiệp sinh lòng kính trọng. Người ta tử tế thì mình cũng nên lấy sự tử tế mà đối lại. Cho nên khi nghe thấy tiếng còi xe hơi của ông Hưng Phú, Hiệp đã nghĩ đến việc xuống chào ông một tiếng. Nhưng rồi hắn lại không muốn xuống. Bởi vì rất có thể người chồng không giống vợ. Nếu người vợ khinh khỉnh chẳng hóa mình dại sao?…

    Bây giờ Hiệp lại tự trách mình đã không lịch thiệp bởi thấy ông Hưng Phú tỏ ra người lịch thiệp: ông muốn lên chào hắn. Ông làm cho hắn thẹn. Hắn vội vàng nhỏm dậy, đi rửa mặt, chải đầu, thay quần áo để xuống nhà chào ông…

    ***

    Hai người gặp nhau ở chân thang. Bởi vì ông Hưng Phú toan lên. Hiệp kính cẩn chào. Ông Hưng Phú cũng cúi chào. Hai người nắm tay nhau. Nhưng giữa lúc ấy thì ông Hưng Phú kêu lên:

    – Ồ!… Anh Hiệp!

    Hiệp giật mình, sửng sốt. Sao ông Hưng Phú lại biết tên thật hắn? Trong thư hắn viết cho ông, và lúc giáp mặt người thư ký, hắn không hề nói rõ tên mà chỉ xưng mình là hiệu trưởng trường Học – Hải. Hắn nhìn kỹ ông Hưng Phú. Quen lắm thật. Nhưng lòng hắn đang bối rối nên vẫn chưa nhớ ra được là ai. Ông vỗ vai hắn và vui vẻ:

    Anh quên tôi hả? Rự, Rự chánh quay phim đây mà!

    À, anh Rự, tôi nhớ rồi!

    Cả hai cùng cười lớn. Ông Hưng Phú cười thẳng thắn. Hiệp cười kém thẳng thắn hơn một tí. Bởi vì ít có người một gặp lại một người bạn cũ trong một trường hợp tương tự thế. Nhưng ông Hưng Phú không để cho bạn có thì giờ ngượng nghịu. Ông kéo bừa hắn đi vào, toang toang bảo:

    Thế này thì hả thật! Tôi nhớ anh ghê lắm… Có đến quá mười năm nay chúng mình chẳng gặp nhau… Tôi sướng quá! Anh ạ, chúng mình có tuổi một tí rồi mới hiểu: không có gì quý bằng tình bạn… Đã thế mai tôi chưa đi vội. Tôi ở lại đây với anh ba bốn hôm để nói chuyện cho thật hả. Mặc cha công việc!…

    Gần đến cửa phòng khách, ông đã gọi vợ:

    Mình đáng đánh đòn! Bạn cũ đến nhà mà không biết! Mình có biết ai đây không? Người thiếu phụ chúm chím cười, ngước đôi mắt nhung nhìn Hiệp. Người chồng bảo:
    Anh Hiệp đấy!…

    Hiệp?…

    Ừ, anh Hiệp… Mình làm sao vậy?

    Bởi vì tiếng kêu khàn khàn trong cổ họng, người đàn bà giương đôi mắt thật to nhìn Hiệp. Rồi mặt bà biến sắc. Đôi mắt luống cuống như muốn tìm đường lẩn trốn, chớp luôn mấy cái rồi nhìn xuống đất. Hiệp thấy mặt mình như lóe lên một cái. Đôi mắt nhìn xuống kia chính là đôi mắt người vợ cũ. Hắn đột nhiên bối rối… Ông Hưng Phú nhìn vợ rồi nhìn bạn. Ông không phải là người ngốc. Ông hỏi vợ:

    Chắc mình cũng có quen anh Hiệp? Bây giờ mới nhớ, phải không?

    Không! Không! Sao mình nói thế?

    Ông Hưng Phú cười, nửa chua chát, nửa như chế nhạo:

    Mình khỉ lắm!… Tại sao tôi lại không nói thế? Mà tại sao mình phải chối? Quen anh Hiệp không phải là một tội.

    Bà toan cãi. Nhưng ông ra hiệu không được nói và nói lấp đi.

    Mình là vợ, anh Hiệp đây là bạn. Còn tôi thì rất may mắn, không có những thành kiến ngu ngốc như kẻ khác. Nếu tôi giống những người đàn ông khác thì tôi đã không dám lấy mình làm vợ. Trước khi lấy mình, tôi đã biết mình qua tay nhiều kẻ, đã lăn hết phòng ngủ này đến phòng ngủ khác…

    Ông quay về phía bạn…

    Có phải không, anh Hiệp? Khi người ta đã phải bán những cái vuốt ve để sống?… Tôi có lạ gì chuyện ấy? Nhưng tôi thích lấy thì cứ lấy. Cái quá khứ của y, chỉ mình y mới có quyền quan tâm đến. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là một cô gái giang hồ với một người đàn bà lương thiện không khác nhau là mấy. Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh đổi, rất có thể là người đổi, tâm tính đổi. Tôi đã tính không sai mấy. Bởi tôi có thể nói mà không phải ngượng: từ ngày lấy tôi, vợ tôi thật là một người đàn bà không thể trách. Tôi sung sướng lắm. Có phải thế không, anh Hiệp?

    Vâng, phải lắm.

    Hiệp gật đầu, đáp lại. Và hắn chua chát nghĩ: cả một người vợ hư với một người vợ không hư cũng thế, họ gần nhau lắm lắm!… Và hắn chợt thấy trong óc một chân trời vừa hé mở. Một quan niệm mới về người, về cuộc sống. Những ý nghĩ rất lan man về đời…

    Bà Hưng Phú lợi dụng yên lặng ấy để mà cắt nghĩa:

    Tôi với bác Hiệp đây là người đồng hương. Hèn chi mà hôm bác mới đến đây, tôi ngờ ngợ mãi. Trông nhang nhác… Nhưng lâu năm quá không được gặp, nên trông khác quá. Ngày xưa bác ấy còn trẻ lắm, mà mặc quần áo ta…

    Tiểu thuyết thứ Bảy

    Số 457, Ngày 26-6-1943
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...