Những Tác Phẩm Văn Học Hay Của Nam Cao

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Vân Mây, 1 Tháng tám 2018.

  1. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Cái Mặt Không Chơi Được

    Tác giả: Nam Cao

    Nguồn: Sách vui

    * * *

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sáng hôm nay đang ngồi viết với nhau, chẳng biết cái ý nghĩ lan man nào đã xui anh Sen đột ngột bảo tôi:

    – Này! Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thực không chơi được!

    Tôi ngửng đầu lên. Anh đang cười mỉm nhìn tôi. Tôi cười gượng. Và tự nhiên tôi buồn. Tôi nhớ đến cái lần đầu tiên tôi được gặp anh Đa. Sen giới thiệu chúng tôi, chúng tôi bắt tay nhau. Câu chuyện rất chóng trở nên thân mật. Bởi anh Đa và tôi là người đồng quận. Nhất là tôi đã được xem những bức vẽ của anh ngay từ hồi tôi chưa ra khỏi trường.

    Tôi mến anh ngay. Anh nói chuyện rất có duyên. Cũng như tất cả những người đã chịu nhiều đau khổ quá, anh có tài làm cho người nghe chuyện của anh phải cười. Cười không nhịn được. Nhưng cười rồi mà ngao ngán lòng. Chẳng biết những người khác được nghe chuyện anh Đa có thế không! Tôi thì tôi đã thấy buồn. Tôi cứ nghĩ đến ba cái buồn của đời anh, cái buồn thứ nhất, làm thế nào mà nói được ra đây? Mà có nói sợ người ta cũng chỉ cười anh Đa, hoặc cười tôi là thích làm bộ điệu. Cái buồn thứ hai dễ nói hơn bởi người ta hiểu được hơn: Ấy là cái buồn cảnh nhà nghèo. Cái buồn thứ ba khi nhàm tai, ấy là một cái buồn mà người ta phải nghe nói đến đã nhiều quá mất rồi: Cái buồn nhân tình đi lấy chồng! Tôi đã cười và có lẽ bây giờ tôi cũng còn cười, nếu anh Đa, nếu chỉ là một cậu học trò mới lớn lên. Đằng này anh đã ngoài tam tuần. Mà không vợ không con. Chao ôi! Có thể rằng cái buồn kia âm ỷ trong lòng anh những từ ngày anh chưa hai mươi tuổi. Một cái buồn dằng dặc. Và tôi thấy tôi thương lắm, thương anh, thương tôi, thương cho đời hai ta. Tôi lại càng mến anh thêm nữa. Mến như một tâm hồn khao khát gặp một tâm hồn khao khát. Nhưng có bao giờ anh hiểu như thế, hỡi anh Đa mà đời có những ba mối buồn!

    Anh không hiểu thật. Cách đây hơi lâu, một hôm đi chơi phố về anh Sen bảo tôi:

    Tôi vừa gặp anh Đa. Tôi rủ anh Đa đến chơi với anh. Nhưng Đa từ chối. Anh ấy bảo: Anh ấy sợ Tri lắm. Trông cái mặt Tri.. không chơi được. Đa hỏi tôi mãi: Tri làm sao thế? Hay là Tri không thích đùa? Mặt hắn có một cái gì khó tả!

    Khó tả? Đó là một cách nói. Tôi thì tôi hiểu rồi. Tôi hiểu anh muốn bảo: Cái mặt tôi lạnh như nước đá và ngượng nghịu và vô duyên, và lố bịch và đủ hết. Tôi cười gượng và tôi buồn.. chao ôi là buồn!

    Hỡi thượng đế mà người ta đồn là rất công bình và chỉ làm toàn những điều nhân, sao Người lại cho tôi một cái mặt tai hại cho tôi đến thế? Một cái mặt.. nó thế nào! Ai chỉ gặp tôi có một lần cũng phải có một cảm tưởng khó chịu về tôi, mặc dù tôi gặp ai cũng cố làm mình không đến nỗi là một thằng đáng ghét. Tôi lễ phép, tôi nhã nhặn, hay thân mật tùy từng trường hợp. Tôi lựa ý mỗi người để chiều người. Thật công toi! Bởi rồi người ta cứ phải ghét tôi, ghét tôi tuy không có cớ để mà ghét mới khổ cho tôi chứ. Tôi khinh khỉnh ư? Tôi ngạo nghễ ư? Tôi lèo lá quá ư? Hay trái lại tôi khúm núm, tôi đê tiện quá. Hay là tôi thô tục. Không, không, họ không nói thế. Họ biết tôi không có một tí gì như thế. Nhưng cái mặt tôi.. trông làm sao ấy. Chao ôi, chao ôi thế thì tôi còn biết làm sao bây giờ! Sinh ra cái mặt tôi là giời..

    Hồi còn nhỏ tôi phải xa nhà từ khi mới bảy tám tuổi đầu. Tôi ra tỉnh học. Tôi trọ tại một nhà bà dì. Cả một căn gác mênh mông chỉ có tôi và Đức – người con trai của dì tôi. Đức xấp xỉ tuổi tôi và học cùng trường với tôi. Anh thích đi sớm hơn hoặc muộn hơn. Và bao giờ anh cũng đi với Kình, con ông đội Thảo bên hàng xóm. Dì tôi thấy tôi cứ lủi thủi một mình, ý chừng nghĩ cũng thương. Một hôm dì gọi Đức vào mắng Đức:

    Mày hư quá! Sao đi học không bảo em đi với? Nhà có hai anh em cũng đứa đi trước đứa đi sau. Từ mai còn thế rồi tao bảo! Rồi dì tôi dịu dàng bảo tôi:

    Cháu cứ đi với nó. Nếu nó không chịu đi với cháu hay bắt nạt cháu thì cháu cứ bảo dì. Dì trị cho nó biết.

    Tôi cúi đầu. Tuy còn bé tôi đã hiểu rằng: Dì tôi làm thế chẳng ích gì. Mà lại có hại cho tôi là khác nữa. Sự yêu hay ghét cũng như những ý nghĩ của người ta không thể dùng quyền mà ép buộc. Không thích đi với tôi thế nào Đức chẳng sinh hờn oán tôi. Nghĩ thế nên khi chỉ có một mình tôi với Đức, tôi phải bảo:

    Dì nói thế nhưng nếu anh không muốn đi với tôi thì cứ đi một mình. Dì chẳng biết đâu mà sợ. Không biết nghĩ thế nào mà Đức bảo:

    Sợ thì tao không sợ. Nhưng từ mai tao cứ đi với mày cũng được. Chúng ta gọi thằng Kình nữa, cả ba thằng cùng đi.

    Tôi rất mừng. Tôi mua kẹo về đãi Đức. Chúng tôi vừa nhai kẹo vừa cười cười nói nói, vui như ngày Tết mặc cái áo kép mới và cái quần trúc bâu còn sột soạt chạy thi nhau trên đường để đến mừng tuổi ấy.

    Sáng hôm sau chúng tôi dồn sách vở của cả hai vào một cái cặp. Đức đi trước, tôi cắp cặp theo sau. Chúng tôi đi từ nhà trong ra. Dì tôi trông chúng tôi mỉm cười. Mặt tôi hớn hở! Nhưng thú thật cũng có hơi ngường ngượng – Thì cũng giống như một cô con gái mặc cái áo mới mình chưa quen. Chúng tôi sang nhà bên cạnh gọi Kình. Kình còn đang ăn xôi, miệng phúm phím chạy ra. Chúng tôi mỉm cười và gật đầu chào nhau, Kình hỏi:

    – Cả Tri cũng đi đấy à?

    Đức gật đầu. Kình có vẻ nghĩ ngợi một loáng. Rồi anh bảo:

    Thôi hai đứa chúng mày đi trước. Tớ ăn rồi đi sau. Tôi vội bảo:

    Anh cứ ăn, chúng tôi đứng đợi.

    Anh xua tay và lắc đầu lia lịa:

    Không, không. Tớ ăn còn lâu lắm. Chúng mày cứ đi. Cứ đi đi nhé. Kình chạy tọt vào nhà trong, Đức bảo tôi:

    – Mày đứng đợi đây một tí. Tao vào nhà xem sao.

    Anh vào nhà. Hai anh nói chuyện với nhau đến hơn mười phút. Rồi Đức chạy ra kéo tôi đi.

    Thôi kệ nó, chúng mình đi đi.

    Anh ấy chưa ăn xong kia à?

    Xong rồi. Có một nắm xôi vừa bằng quả sung..

    Thế thì ta đợi anh ấy một lát.

    Không đợi. Nó bảo: Chúng mình đi trước.

    Đi được một quãng, Đức buột miệng bảo tôi:

    Nó không thích đi với mày. Tôi sửng sốt:

    Vì sao vậy? Tôi xấu chơi đến thế?

    Không phải – không phải.

    Hay là tôi vô ý mếch lòng anh ấy điều gì?

    Cũng không phải nốt. Nhưng nó bảo trông mày.. làm sao ấy. Nó không thích mày.

    Một chục năm sau. Chỉ còn vài ba năm nữa là tôi đã hai mươi – Đức cũng thế – Tôi thấy chúng tôi thay đổi. Tiếng nói khác đi. Mặt hơi trứng cá. Đức thích lăng quăng đi chơi phố. Còn tôi đột nhiên sinh đãng trí và rất lắm lúc thành vẩn vơ. Một người nữa cũng thay đổi như Đức và tôi ấy là cô Nhung. Nhung con bà Thụy Thành, bạn của dì tôi. Nhà Nhung ở liền bên. Trước kia những ngày nghỉ Nhung vẫn thương hay sang nhà dì tôi đánh rải gianh với Đức. Tôi không được rủ chơi bao giờ cả. Tôi chỉ lẳng lặng đứng nhìn họ chơi. Bây giờ Nhung cũng nhớn vọt lên. Tóc bỏ rơi óng ánh như tơ và đã khá dài. Mắt long lanh. Má ửng hồng. Tiếng nói mềm hơn cũng như quần áo đã sửa sang hơn trước. Tuy vậy Nhung vẫn qua lại nhà dì tôi một cách tự nhiên như thường. Nhung qua lại để nhờ Đức giảng cho một cái tính khó, hay giúp cho một vài ý để làm một bài luận văn Nhung nghĩ hàng buổi chưa ra câu nào. Tôi ngấm ngầm ghen với Đức. Và tôi thầm mong cho có khi nào Nhung đem sách sang mà không gặp Đức để tôi được giúp Nhung một lần. Nhưng không khi nào cả. Bởi Nhung có chắc chắn là có Đức ở nhà thì mới sang.

    May cho tôi, một lần Nhung sang thì Đức đang bận học bài thi. Tôi thì học xong rồi, đang tập vẽ. Đức bảo Nhung:

    Tôi mải quá. Chú Tri ấy rỗi. Cô đưa sách chú ấy giảng cho mà làm. Tôi thấy tim đập mau thon thót. Ấy là tôi sung sướng. Tôi cố tươi cười, ngừng bút vẽ ngẩng đầu lên ngóng đợi. Nhung ngập ngừng một chút, rồi Nhung kêu lên:

    – À, thôi em nghĩ ra được rồi. Em về làm đây.

    Tôi toan mếu, tôi đau đớn lắm. Nhưng cũng chưa đau đớn bằng hôm sau Đức vừa cười hi hí vừa khoe với tôi:

    Cô ả Nhung hôm nay phải phạt. Cái tính đố hôm qua chưa làm. Lúc bấy giờ kêu nghĩ ra rồi. Kỳ tình thì cô ả có nghĩ ra được cái năm kia. Nó oán tôi ghê lắm nhé..

    Tôi sầm mặt. Tôi còn đang tìm một cái gì để nói lảng đi cho đỡ ngượng thì Đức bảo:

    Cho đáng kiếp. Ai bảo hỏi Tri không chịu hỏi. Rồi anh nhìn tôi nói tiếp:

    Này Tri ạ. Không hiểu sao Nhung nó sợ Tri lắm nhé. Nó bảo nó không dám hỏi Tri. Trông Tri.. thế nào!

    Vâng, vâng! Tôi biết rồi!..

    Năm sau tôi đỗ bằng tốt nghiệp thành chung. Nhà nghèo như nhà tôi mà được học hành đến bậc ấy cũng là may lắm. Kể tốn kém có đến quá nửa cơ nghiệp rồi. Tôi bỏ học. Tôi nghĩ đến Nhung, trái tim rơm rớm máu. Tôi nghĩ đến những thiếu nữ khác đẹp hay xấu mà tôi đã gặp. Tôi nghĩ đến sự ơ hờ của bao người. Lòng tôi buồn như một con chim lạc vào cái lúc chiều thẫm cho đất trời thành mênh mông.

    Nhưng ở những người trẻ tuổi nhà nghèo những cái buồn thường phải sớm nhường chỗ cho những cái lo. Toàn là những cái lo tầm thường mà đến làm ta bực mình. Ấy là cái lo không có gạo ăn, không có tiền mua thuốc cho một người mẹ ốm hay mua bát canh để cúng cha, không có áo cho thằng em trai vào vụ rét sắp tới này, hay không tìm được chỗ gả chồng cho một đứa em gái nhan sắc kém lại không có vốn. Những cái lo nhỏ nhặt, tủn mủn hơn thế nữa nhưng vẫn là phải lo.

    Một hôm tôi xách một va ly nhỏ và cũ kỹ đáp xe lửa một mình vào Nam. Lần đầu tiên tôi được đi xe. Lòng tôi phấp phới bao nhiêu là hy vọng. Tôi hy vọng kiếm được cơm ăn và kiếm được nhiều tiền. Tôi hy vọng được nhìn rộng, biết xa. Hy vọng có thể mua sách để học thêm, đọc báo chí cho thỏa thích, cọ sát cái trí óc thô sơ của tôi với óc người thiên hạ. Cũng có cả hy vọng gặp mặt một người đàn bà không thờ ơ với tôi. Người ta bảo, vào Nam Kỳ, là đất bị ảnh hưởng nhiều của Tây Phương. Tình cảm đấy bồng bột, những cử chỉ bề ngoài ít khép nép rụt rè; đàn ông đàn bà giao thiệp tự do hơn; những tâm hồn không thiếu sự nồng nàn cũng như trời có nhiều màu rực rỡ. Như thế thì những cuộc trao duyên phải dễ dàng. Lo gì tôi không tìm được bạn?

    Tôi sa vào một hiệu thợ may. Công việc của tôi rất linh tinh. Tôi giữ sổ sách và viết thư từ. Tôi cắp cặp đến những nhà người Pháp, đến các trại lính, các tàu binh để nhận hàng và giới thiệu hàng. Tôi lại đạp máy hoặc làm khuy. Tối đến tôi dạy mấy người thợ học để kiếm thêm một tháng vài chục bạc. Hồi ấy tiền tôi không thiếu thốn quá như trước nữa, nhưng mà tình..

    Bao nhiêu lần thất bại, khiến bây giờ tôi sợ những thiếu nữ đi đường. Những nữ sinh nhí nhảnh không còn hợp với lứa tuổi tôi và nghề nghiệp của tôi. Và tôi rất trọng những tâm hồn trong sáng. Những cô bán hàng dành riêng cho những kẻ mua hàng và những cậu có nhiều thì giờ để phất phơ. Gái giang hồ thì bẩn thỉu. Tôi phải lánh xa tất cả những hạng người vừa mới kể. Tôi định tìm những người gần gũi hơn, gần gũi tôi hơn. Tôi để ý đến những cô gái làm khuy nút. Sau khi đã quan sát rõ tình hình xưởng thợ, tôi tính với tôi như thế này: Thợ gái có năm cô thì cô Tám đã có chồng. Còn lại bốn cô. Thợ trai có bảy người nhưng may mắn cho tôi là đã có đến bốn người có vợ. Nếu còn có đến bốn người chưa có vợ thì tôi đành là không có phần. Phúc là lại còn thừa một cô thợ gái, tôi sẽ cố chiếm lòng cô tư Bình.

    Giá tôi yêu tôi hơn một chút nữa thì tôi phải tả Bình với một cái dáng hình mộng mơ hơn. Nhưng tôi yêu sự thật thà. Mà muốn thật thà thì phải nói là Bình không đẹp lắm. Bảo cô xấu cũng được. Cái mũi lại to, còn cái miệng thì lại cứ dẩu ra đằng trước. Tai hại nữa là cô lại có một cái răng bọc vàng. Đã thế người trông lại thưỡn thườn thườn. Uốn éo chẳng ra uốn éo. Cứng nhắc chẳng ra cứng nhắc. Chính ra thì tôi muốn chữa cái nọ bằng cái kia. Tôi an ủi tôi bằng cách bảo tôi rằng: Bàn tay cô dáng thon thon và tiếng nói của cô nghe rất ấm. Thế là được, cần gì đẹp, miễn là có duyên. Vậy tôi nhất định cho là cô có duyên lắm lắm. Và tôi lợi dụng từng dịp để có thể ngồi gần cô, chuyện trò cùng cô. Những lúc không bận đi đâu cũng không bận coi hàng tôi thích làm khuy. Cô Bình dạy tôi làm. Tôi sướng run người mỗi khi tôi có thể chạm tay tôi vào tay cô một cái. Trời đất ơi, một cái tay đàn bà. Những buổi sáng thấy cô đến, tôi mỉm cười để chào cô. Những ngày cuối tháng được thay chủ phát lương, tôi hay bảo nhỏ với cô câu này:

    Cô Tư đấy hả? Tôi đã phải đếm sẵn để riêng cho cô trong túi tôi đây rồi.

    Dậy hả?

    Và cô nhếch mép để hở cái răng bọc vàng. Tôi phải cố bảo tôi rằng: Đấy là một nụ cười. Rồi tôi mơ màng.. Như thế được nửa năm, tôi sốt ruột. Tôi thấy cần phải nói. Nhưng nói ra thế nào? Tôi ngập

    Ngừng lâu lắm. Cứ nhất định nói rồi lại nhất định để thủng thỉnh rồi hãy nói. Rồi lại nhất định là phải nói. Mỗi lần tôi nhất định là một lần tim tôi nhảy chồm lên như một mụ đàn bà ghen tuông. Nó mệt. Nó bị đau không biết chừng. Thôi thì tôi nói đi cho nó rồi!..

    Một buổi trưa tôi nghĩ thế. Tôi hồi hộp đi vào xưởng thợ. Bọn thợ ăn cơm xong chạy sang hiệu cà phê cả. Chỉ còn vài anh ngủ mệt, không đáng ngại. Tôi rón rén lại gần cô Tư. Cô ngồi tựa lưng vào cái tủ đang cầm chiếc kéo cắt móng tay. Tôi ngồi xuống trước mặt cô. Người tôi sốt rét lên. Có lúc tôi thấy váng vất như đứng lơ lửng trên không khí. Một lúc lâu tôi mới run run gọi khẽ:

    – Cô Tư à!

    Cô vẫn nhìn cái kéo.

    – Gì dậy anh?

    Tôi không nói nữa. Tôi nhìn cô tròng trọc. Tôi có ý dùng cái nhìn của tôi thay cho lời nói. Cô ngước mắt lên. Cô sửng sốt hiện ra nét mặt. Tôi choáng váng người khi thấy cô kêu lên rằng:

    Trời ơi! Ăn Ba ngó gì mà kỳ dậy? Chà! Coi sợ quá! Rồi cô lay Bảy Huế nằm ngủ ngay gần đấy:

    Ăn Bảy, ăn Bảy! Nè, dậy coi anh Ba Tri, ăn ngó tôi nè! Coi kỳ góa heng!

    Mặt tôi nóng rực. Tôi chạy trốn. Cô Tư cười rú lên.. Ngay chiều hôm ấy tôi đến nằm nhà một người bạn. Tôi sợ gặp cô Tư và bọn thợ nơi tôi làm quá. Có lẽ bấy giờ họ vẫn còn bàn chuyện của tôi mà cười. Tôi thẹn chết. Mười giờ khuya hôm ấy tôi về thu xếp quần áo và xin với chủ cho tôi không làm nữa. Sáng sớm hôm sau tôi khuân hòm ra đi.

    Tôi đã tưởng suốt đời tôi chẳng gặp tình. Nhưng mà tôi đã gặp. Và gặp một cách giản dị không ai ngờ.

    Tôi về Bắc. Mẹ tôi bảo tôi nên lấy vợ. Tôi lấy vợ. Vợ tôi là một cô gái nhà quê không đẹp, có lẽ xấu nhưng được cái cũng là đàn bà mà lại thuộc cái hạng đặt đâu ngồi đấy. Hình như y cũng nhận thấy cái mặt tôi làm sao ấy. Bởi mấy tháng đầu tôi thấy y buồn bã. Tôi cũng buồn. Nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được.

    Một hôm tôi thấy y nhìn tôi mỉm cười. Tôi gần ngất đi. Tôi lảo đảo. Thiếu một chút nữa tôi ngã lộn từ trên giường xuống đất. Y sợ hãi và đỡ lấy đầu tôi.

    Ô hay! Làm sao thế, làm sao thế?

    Không, không..

    Thế sao đảo đồng đảo địa? Hay say rượu? Tôi mỉm cười:

    Say em!

    Và tôi nắm lấy bàn tay y. Y vội vàng rụt bàn tay lại. Y đỏ mặt. Y đập tay vào đầu tôi bảo:

    – "Nợ" lắm!

    Tôi muốn vừa chạy vừa kêu lên như nhà bác học:

    Tôi đã thấy! Tôi đã thấy, tôi đã tìm thấy người tình của tôi đây rồi! Tiếu thuyết thứ bảy

    Số 427 – Ngày 22-8-1942
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  2. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Cái Chết Của Con Mực

    Tác giả: Nam Cao

    Nguồn: Sách vui

    * * *

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Người ta định giết Mực đã lâu rồi. Mực là con già hơn trong hai con chó của nhà. Nhưng cũng là con nhiều nết xấu. Nó tục ăn: Đó là thường. Nó nhiều vắt: Cái ấy đủ khổ cho nó. Nó cắn càn ấy là cái khổ của bọn ăn mày. Nhưng nó lại sủa như một con gà gáy: Cái này thì không thể nào tha thứ được. Thoạt tiên người ta định ngày chết cho nó vào dịp Thanh Minh. May cho nó hôm ấy bà chủ nhà bị ốm. Rồi thì là Tết tháng năm. Bỗng nhiên đứa con út của bà ươn mình: Bà phải kiêng để lấy sữa lành cho con bú. Sau cùng người ta nhất định thịt nó vào rằm tháng bảy ai ốm mặc. Nhưng lần nầy Mực vẫn còn thoát nạn là vì nhờ có Du. Người con cả xa xôi ấy vừa viết thư báo chẳng bao lâu sẽ về. Bà mẹ mừng như tìm được một vật quý bị rơi và bà nhất định lùi ngày xử con Mực lại.

    Bây giờ thì Du về rồi. Chiều hôm qua con người phóng đãng ấy đã khệ nệ xách cái vali rất nặng bước vào sân, miệng mỉm cười và mặt đỏ. Cái nhà tranh, mấy cây cau hình như vừa đứng thẳng hơn lên để chào chàng. Rồi đến lũ em ầm ỹ đẩy mành chạy òa ra, và bà mẹ mừng quá cười và khóc. Nhưng kẻ lên tiếng trước nhất là con Mực. Con chó già nua ấy rít lên cái thứ tiếng gà gáy của nó và chạy lại Du. Bà mẹ thét lên và lũ em chửi những câu thô tục. Du bỡ ngỡ nhìn mọi người.

    Hình như mẹ không được khoẻ, ồ các em đã lớn cả rồi: Thanh, Tú, đứa nào đây? À, Thảo con chuột nhắt, trông Thảo xinh quá nhỉ? À! con Mực, vẫn con chó ngày ấy đấy à? trông nó già đi tệ!..

    Con chó đã nhận ra người chủ cũ. Nó đứng lặng vẫy đuôi, đầu cúi xuống, hai mắt nhèm ươn ướt nhìn đất như tủi phận. Du thương hại: Đó là người bạn lặng lẽ thui thủi bên chàng những năm xưa khi đêm vắng, chàng ngồi nhìn trăng mà mơ mộng. Chàng muốn cúi xuống vuốt ve. Nhưng nó bẩn ghê gớm quá, lông rụng từng mảng, thịt trắng lộ ra có nơi sần mụn nữa. Dáng điệu thì già nua, có vẻ buồn và len lén như phòng bị một cách yếu ớt. Không còn những cái vẫy đuôi mạnh dạn những cái nhìn rất bạn bè và những cái hít chân vồ vập như khi một con chó đã vui và không ngờ vực. Du thấy lòng nằng nặng. Chàng đưa chân chạm khẽ vào con chó để tỏ tình thương. Con chó vẫy đuôi mạnh hơn nhưng len lén lánh ra: Dáng điệu một kẻ sợ hãi cố cười với người nó sợ. Và tức khắc nó vặn vẹo mình và rít lên một tiếng ngắn và to; đứa em tưởng anh đá hụt trả thù cho anh bằng một cái đá mạnh vào sườn con vật. Nó lấm lét lảng dần cũng không dám chạy một cách thẳng thắn để đi trốn nữa. Du trách em:

    Sao Tú ác thế?

    Cần gì, đến mai giết thịt cho anh ăn đấy. Du thấy cái vui đoàn tụ giảm hẳn đi một nửa.

    Hình ảnh con chó ghẻ với cái buồn mơ hồ cứ lảng vảng trong óc chàng mãi mãi. Sáng hôm sau lúc ăn cơm chàng thoáng thấy nó đi qua, đầu cúi mắt nhìn nghiêng như những người giả trá. Chàng muốn gọi nó vào kẹp nó vào giữa hai bàn chân và vừa ăn vừa vẩy cho nó miếng cơm chung một bát. Nhưng mà không thể được: Dịu dàng quá là yếu tâm hồn, và ai hiểu được rằng mình lại có thể yêu thương một con chó bẩn ghê gớm như thế được?

    Bữa ăn xong, con Hoa cầm bát cơm ra: Một tay nó xách cái thúng như để rồi xếp bát. Thấy được ăn, tất cả thú tính của con Mực hoàn toàn nổi dậy. Nó nhảy tới vẫy đuôi hếch mõm nhìn và đợi. Cơm vừa đổ xuống nó vội vàng chúi mõm ăn ngay. Miếng chưa qua cổ thì cái thúng đã chụp quanh trên mình. Nó rít lên, vùng mạnh; nhưng Hoa đã tì cả người lên cái thúng rồi, và con Mực bị thu gọn ở trong vừa vặn đến nỗi không còn giẫy và kêu được. Lũ trẻ con réo ầm lên. Người ta lấy sẵn dao thớt và dây để trói.

    Phần mở thúng đã đành phải về Du: Ông chủ đi vắng, cả nhà chỉ có chàng là đàn ông, mà không lẽ đi mượn hàng xóm trói giùm một con chó đã úp gọn gàng chỉ việc hơi hé cạp thúng lên, hễ chó thò đầu ra thì một đứa em đặt gậy lên cổ nó để chân chàng dận xuống. Nhưng tay chàng thấy run run. Và khi con chó vừa thò đầu ra thì nó quẫy luôn một cái mạnh, vùng ra được.

    Con Hoa tủm tỉm cười. Lũ em ngơ ngác nhìn theo con chó vừa ẳng ẳng vừa chạy ở ngoài vườn. Còn Du thì mặt đỏ như gấc chín. Chàng thấy mình yếu tay hơn cả con Hoa. Có lẽ nào chàng lại dịu lòng hơn cả một người con gái. Và tự nhiên chàng giận con Mực. Người ta còn lo con Mực sợ hãi mà đi mất. Quả nhiên suốt ngày hôm ấy nó không về. Nó vẩn vơ vườn hàng xóm, lẩn lút như một con chó trước khi hóa dại.

    Người ta tưởng đã mất toi. Nhưng tối hôm ấy nó lần vào gầm giường rồi Du lại nghe thấy cái thứ tiếng gà gáy của nó rít lên ở phía ngõ.

    Sáng hôm sau nó vẫn bỏ cơm. Trưa cũng thế. Và cứ thấy bóng người lại cúp đuôi chạy mất. Du thương hại sai người đem cơm đổ ra vườn. Một lúc sau Mực lại gần. Nó trông trước trông sau, đưa mõm rê trên những hạt cơm rồi vô giật mình chạy thẳng. Có lẽ cái kỹ niệm khủng khiếp vừa lóe ra và đập mạnh vào thần kinh nó như luồng điện. Du thấy bồn chồn và vẩn vơ: Thương, hối hận hay là thẹn.

    Sau cùng thì chàng bực mình: Chàng nhận ra rằng một con chó đã làm mất sự bình tĩnh của tâm hồn chàng. Và đột nhiên chàng muốn giết con Mực lắm. Chàng muốn có đủ can đảm để giết người. Phải dám giết mà không run tay khi cần phải giết. Còn làm được trò gì nữa nếu chỉ giết mọt con chó mà tim cũng đập?

    Sự do dự đã hết rồi. Khi có một ý định thì ý định ấy chóng thành mạnh mẽ. Du thấy lòng cứng cỏi. Ðã có lúc chàng tưởng đến cái thú dí con dao vào súc thịt giẫy lên đành đạch để máu ấm phọt vào tay. Và chiều hôm ấy khi thấy con chó ở vườn thì chàng gần như mừng rỡ. Con vật khốn nạn đói và sợ đã mệt lử đi rồi. Nó hiện ngủ bên bờ giậu. Du cầm cái gậy to rón rén lại gần. Nhưng giơ gậy lên chàng bỗng thấy tim run một cái. Chàng tưởng như ngạt thở và ngừng lại một giây để nhìn con chó. Giấc ngủ của nó có lẽ đầy ác mộng vì thỉnh thoảng khắp mình nó lại giật lên. Du thấy lòng quả quyết tiêu tán hết. Nhưng con chó bỗng giật mình. Du hoảng hốt thẳng cánh vụt mạnh trên mình nó, bụng nó thót hẳn vào rồi lại phình ra như một khối cao su. Nó rống lên gượng dậy loạng choạng mấy vòng rồi chui bừa qua giậu trong khi Du vụt cuống cuồng theo xuống đất..

    Ðêm đã khuya. Du lại nghe tiếng Mực rống lên. Chàng thấy toát mồ hôi và nhất định không giết con chó nữa.

    Nhưng trời gần sáng chàng còn đương mơ mộng, thì đã nghe tiếng Hoa gọi cuống cuồng lên. Con vật khốn nạn không biết mỏi mệt thé nào mà ngủ quên đi ngay ở giữa sân để đến nỗi bị Hoa úp được. Lần này thì người ta cẩn thận hơn. Hai ba người nắm vào hai đầu gậy tre ngáng sẵn bên cạnh thúng rồi Hoa mới hơi hé miệng thúng lên. Thấy sáng con Mực nhô ra ngoài cái mõm ướt phì phì. Hoa nhích lên tí nữa nhưng một cái gối đã tì sẵn trên thúng. Mực lách cả cái đầu ra. Cái gậy đè mạnh xuống. Con vật khốn nạn không còn kịp kêu.

    – Ðè chặt, thật chặt, đừng buông nó ra nó cắn đấy!

    Du kêu lên như thế nhưng tiếng chàng đã hơi run run. Con chó phì một cái nữa: Hơi thở mới thoát ra một nửa bị tắc. Cái gậy đè sát đất, mắt nó trợn lên. Lòng đen ươn ướt cứ đờ dần rồi ngược lên lần một nửa vào mí trên. Lòng trắng đã hơi đục. Lúc Hoa trói xong cả chân trước, chân sau và buộc mõm rồi thì con chó đã mềm ra không còn cựa quậy nữa.

    Du nghẹn ngào nén khóc..

    Xuân Du

    Hà Nội Tân Văn

    Số ra ngày 14-4-1940
     
    ChiracatTài Phạm thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  3. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Đui Mù

    Tác giả: Nam Cao

    Nguồn: Sách vui

    * * *

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vào bàn ăn, thấy chỉ có mỗi mình bạn với tôi, tôi không sao giấu nổi sự ngạc nhiên. Hùng như cũng đoán ra điều ấy, mỉm cười hỏi tôi:

    Chắc anh lấy làm lạ vì không có Nga cùng ngồi ăn với chúng ta như năm trước?

    Quả có thế. Ý hẳn chị đi chơi đâu?

    Hùng lắc đầu cười gượng:

    – Tôi bỏ Nga từ năm tháng trước kia rồi!

    Tôi sửng sốt như bị điện giật, mắt mở to, miệng há hốc. Vẫn với nụ cười chua chát, Hùng bảo tôi:

    Anh không tin? Anh không tin là phải, vì tôi yêu Nga lắm, yêu hơn tất cả những tình nhân say đắm khác trên đời. Hồi ấy giá có ai bảo tôi rằng một ngày kia có thể bỏ Nga, thì tôi đã không ngần ngại gì mà cho người ấy là loạn óc? Ấy thế mà cái việc bất ngờ ấy đã xảy ra.. xảy ra một cách đau đớn lắm.. Nhưng anh cầm đũa đi đã chứ. Ta vừa ăn vừa nói chuyện..

    Thường thường năm nào cũng vậy, mấy tháng nắng chúng tôi vẫn dọn ra "Ô Cấp" ở. Một ông bác tôi có một cái nhà ở ngoài đó bao giờ cũng sẵn lòng cho chúng tôi mượn không lấy tiền. Nhưng năm nay tôi đang soạn dở một cuốn tiểu thuyết để kịp cho đăng vào tờ tạp chí của anh Quang mới được phép ra, nên cần phải ở nán lại Sài – Gòn vài tuần nữa. Dù thế, tôi cố ép Nga đi ra "Cấp" trước, vì ở Châu thành bấy giờ nóng nực, khó chịu lắm, và nhất là vì tôi sợ bận rộn không săn sóc tới Nga luôn luôn được để Nga buồn. Mà chẳng nói tới anh cũng biết, tôi muốn Nga sung sướng luôn luôn, tôi không thể thấy nàng buồn nản, dù chỉ trong vài phút. Bởi vậy cho nên dù Nga năn nỉ đòi ở lại, đợi tôi và nói chỉ có thể sung sướng khi thấy tôi luôn luôn bên cạnh, tôi cũng nhất quyết nài Nga thu xếp ra đi. Tôi phải nói với Nga rằng tôi muốn Nga ra Cấp sửa sang chỗ ở trước, và hứa với nàng rằng sẽ ráng làm xong công việc cho mau chóng để ra với nàng ngay, nàng mới chịu nghe theo. Nhưng chúng tôi vẫn cứ còn dùng dằng mà không nỡ dứt. Nàng thì lúc chực ra đi, lúc lại đòi ở lại, có lúc hai con mắt van vỉ nhìn tôi như cầu xin, oán trách khiến tôi cảm động đến đáy lòng, và không bao giờ hiểu một cách sâu xa cái tình yêu tha thiết của nàng đối với tôi bằng lúc ấy. Nhưng rồi nàng cũng chịu ra xe. Còn tôi, sau khi đã cố gạt hết những nỗi buồn ly biệt, bèn lập tức quay vào công việc để làm khuây, và nhất là để mau hết, để có thể ra Cấp với người yêu được. Ngay chiều hôm ấy, tôi thu xếp sang Thị – Nghè: Tôi cần ở cái xóm làm nơi trú ngụ cho một phần đông dân lao động ấy ít lâu để thu cóp tài liệu cần đến trong cuốn tiểu thuyết tôi đang viết, với cái giá tiền năm đồng một tháng. Vợ một bác thợ may nấu cơm tháng cho năm, sáu người lao động, cho tôi mỗi ngày hai bữa cơm thanh đạm và một cái bàn đã mọt kê ở sát cửa sau, cạnh bức tường làm bằng ván mỏng ghép lại với nhau. Cái bàn ấy mỗi ngày hai lần dùng làm bàn ăn cho cả nhà. Ăn xong, tôi lấy giẻ lau sạch đi, giải một tờ nhật trình lên làm bàn viết. Tối đến thì cái bàn viết ấy lại trở nên một cái giường cho tôi ngủ. Ấy thế mà tôi lại còn vào hạng "đàng hoàng" kia đấy! Mấy người khác, sau khi đã vất vả suốt ngày trong xưởng thợ hay ngoài đường nắng, tối đến chỉ rải một manh chiếu xuống thềm, rồi lăn ra nằm với nhau như heo vậy. Cái cảnh khổ cực luôn luôn bày ra trước mắt tôi làm tôi thấy nỗi nhớ nhung, đau khổ trong lòng tôi là nhỏ nhặt, và tôi đã gần khuây nỗi nhớ thì một sự gặp gỡ lại làm hình ảnh Nga trở về ám ảnh tôi. Một buổi trưa nắng chang chang, tôi đang ngồi nhìn mấy người đàn bà xắn quần lên quá đầu gối đem thùng ra giếng kéo nước, bỗng có tiếng hỏi mượn cái bình pha trà. Tôi quay lại và bỗng ngạc nhiên hết sức. Người con gái đứng sau lưng tôi giống Nga như đúc: Cũng đôi mắt trong trẻo ngây thơ, cũng cái miệng nhỏ xinh xinh với làn môi hơi mỏng và nếu không có nước da hơi sạm nắng, bàn tay hơi lớn và thô, với dáng người nặng nề vì quen khó nhọc thì tôi đã tưởng đó chính là Nga, mặc bộ đồ mộc mạc ấy trở lại để làm tôi sửng sốt. Sự giống nhau ấy làm tôi có cảm tình với chị ta mà sau hỏi ra tôi mới biết là vợ một người lính ở ngay nhà bên cạnh. Tôi càng có cảm tình với chị ta khi tôi biết chị thật là cái hạnh phúc vô song của người chồng sung sướng nọ. Đã bao lần tôi nhìn qua khe những tấm ván ghép làm tường, sống cái cảnh êm đềm, vui vẻ của đôi vợ chồng trẻ quyến luyến nhau và phải mỉm cười mơ màng nhớ lại những phút say sưa của tôi với Nga trong những lúc nhìn nhau bằng con mắt đầy âu yếm. Nhưng tôi cảm động nhất khi một buổi sáng vô tình dự vào cuộc tạm biệt của đôi uyên ương ấy. Tôi nhận lại hết những dáng điệu quyến luyến, dùng dằng buồn rầu không nỡ dứt của Nga và tôi hôm nọ. Tôi rỏ nước mắt khi nghe thấy câu thiết tha đầy vẻ thành thật của người vợ trẻ:

    – Thôi mình đi đi.. em lại đành ngồi mong từng phút cho ngày chóng hết!

    Và tôi bỗng rầu rầu tưởng đến nỗi nhớ mong của Nga mỏi mắt đợi người yêu ngoài Cấp. Tôi lại vội vàng lấy bút mực cắm đầu viết cho mau xong cuốn truyện. Mới viết được chừng một trang thì tiếng cười rúc rích ở nhà bên cạnh làm tôi ngừng viết. Tôi mỉm cười, nghĩ bụng: "Chắc anh chồng ra đi một quãng, suy nghĩ thế nào lại còn muốn về hôn vợ thêm cái nữa!". Rồi tôi cúi đầu nhìn trộm qua khe ván xem điều dự đoán của mình có đúng không. Nhưng người tôi bỗng run lên một cái. Cấy viết rơi xuống đất. Tôi giụi mắt lại ba cái và bàng hoàng không tin ở mắt mình. Người thiếu phụ có con mắt ngây thơ trong trẻo kia đang nũng nịu trên giường, cánh tay trần đu lấy cổ một chàng trai trẻ mà tôi nhận ra không phải là anh lính. Mặt nàng đỏ bừng bừng, đầu hơi ngả về đằng sau, khoe cái cổ tròn trĩnh và cái ngực nở đang hồi hộp, hai làn môi đỏ ướt hé mở như chờ một cái hôn. Tôi bỗng thấy trái tim như ngừng đập, người run rẩy, cổ khô, đầu choáng váng như chính Nga đang quằn quại trên giường với người khác vậy. Nhưng tôi còn tức tối hơn nữa khi chiều hôm ấy lúc chồng về con dâm phụ lại vẫn giữ được vẻ trong trẻo, ngây thơ, vồn vã xoắn xít chồng như không có chuyện gì xảy ra..

    – Gớm! Sao mình về trễ thế. Em đợi mình từng phút.

    Ba hôm sau tôi đi Cấp, dù cuốn tiểu thuyết chưa xong một nửa. Nếu tôi có ở lại thì chắc cũng không viết được thêm một trang nào nữa. Tôi lấy cớ rằng tài liệu đã thu cóp đủ để an ủi lòng: "Đủ tài liệu rồi thì ở đâu viết mà chả được", tôi nghĩ thế rồi đáp xe đi ngay, không do dự. Tôi tới Cấp vào lúc bốn giờ sáng. Tuy đang ngái ngủ, Nga cũng tiếp tôi vồn vã vô cùng. Nhưng trái với mọi lần, hôm nay tôi thấy sự mừng rỡ xoắn xít của nàng hơi khó chịu. Có lẽ nàng cho vẻ mặt lãnh đạm của tôi lúc bấy giờ là do đi đường mệt nhọc nên không để ý. Còn tôi thấy bộ đồ ngủ quá hở của nàng và đưa mắt nhìn lên giường mền xốc xếch thì tự nhiên thấy lòng nôn nao một cách lạ thường. Nhưng một giấc ngủ êm đềm đến tận mười giờ đã làm tôi bình tĩnh lại. Nhìn Nga nhảy nhót khắp nhà như một con chim, đôi mắt ngây thơ trong trẻo như không bao giờ có điều hối hận, cái miệng xinh xinh líu lo những câu chuyện không đầu không cuối như con nít, tôi thấy lòng vui vẻ lại. Nàng nũng nịu hỏi tôi:

    Nhà thi sĩ của em có muốn làm thơ không? Tôi mỉm cười.

    – Nếu muốn thì Nga dẫn đến Thiên Thai cho mà ngâm vịnh!

    Cái thiên thai của Nga là một đám cát mấp mô đầy những tảng đá nhẵn nhụi ở dưới chân núi, liền mặt biển. Cây cối um tùm che kín khiến nó tách biệt ra như một thế giới khác. Ở ngoài sóng biển xô nhau dào dạt chảy vào và bắn tung lên thành những đám bụi trắng xóa. Tôi không để ý đến vẻ nên thơ của cảnh, mà chỉ băn khoăn nghĩ đến sự kín đáo của một nơi có thể che đậy bao nhiêu cuộc ái ân lãng mạn. Thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ tôi, tôi thấy trong tim rung lên một cái như bị một mũi dao chạm phải. Rồi luôn luôn tôi sống những ngày khổ sở, băn khoăn trong sự nghi ngờ. Và sau cùng, tôi muốn biết:

    Và tôi đã biết! Phải anh ạ, tôi đã biết!.. Trí sáng suốt, sự tò mò lòng tự ái tôi đều được thỏa.. nhưng

    Trái tim tôi thì tan nát mất rồi!.. Tôi đã nói dối Nga rằng tôi phải về Sài – Gòn có việc cần. Nhưng đi được một quãng, tôi bắt dừng xe lộn lại, và lần ra chỗ "thiên thai" nấp vào trong bụi rậm. Sự nghi ngờ của tôi không đến nỗi vô lý. Quả nhiên chiều hôm ấy tôi được thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ một chàng trai trẻ, như đã đu lấy cổ tôi cũng ở tảng đá cũ.

    – Thế rồi anh ly dị?

    Hùng không đáp. Anh ngồi cúi mặt, mắt đăm đăm nhìn xuống bàn, lộ một vẻ đau đớn lắm. Một lúc anh khẽ nói, giọng chán nản của một anh chàng bị đánh cắp ái tình:

    Tôi hối hận. Thà rằng tôi cứ ở chúi xó thôn quê ấy để thầm ca tụng lòng chung thủy của Nga, thà rằng tôi cứ đui mù như anh lính nọ lại được hoàn toàn sung sướng hơn là tìm đến sự thực để rồi thất vọng vì sự thực.

    Thúy Rư

    Tiểu thuyết thứ bẩy

    Số 160 Ngày 19-6-1937
     
    Quỳnh k, ChiracatTài Phạm thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  4. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Nghèo

    Tác giả: Nam Cao

    Nguồn: sách vui

    Bấm để xem
    Đóng lại
    – Bu ơi con đói!…

    Lần này có lẽ là lần thứ mười, thằng cu bé chạy về đòi ăn, chị đĩ Chuột đang quấy một nồi gì trong bếp, cáu tiết quay ra mắng át nó đi:

    – Đã bảo hết cơm rồi, tí nữa chè chín thì ăn chè mà!….

    Thấy mẹ gắt, thằng cu không dám đòi ăn nữa, nhưng mặt nhăn nhó bịu xịu như muốn khóc. Chị đĩ Chuột thương hại, dịu dàng bảo:

    Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về cho mà ăn…chóng ngoan rồi bu thương.

    Nhưng nó không nhúc nhích, mà nó còn nhúc nhích làm sao được: một nắm cơm nhỏ ăn từ sáng đã bị cái dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đến phèo một cái rồi, còn chi. Nó ngồi phịch xuống đất, gục đầu vào ngưỡng cửa, ngáp….

    – Sắp chín chưa, bu?

    Quay ra vẫn còn thấy con nằm phục đấy, mắt lờ đờ như sắp lả, chị Chuột chép miệng:

    Thôi đây! Chín chả chín thì đừng, bắc mẹ nó ra cho chúng mày ăn không có chúng mày làm tội cũng chết. Chốc lại nheo nhéo, chốc lại nheo nhéo….

    Chị vừa lẩm bẩm, vừa dập lửa, rồi bắc cái nồi ở trên bếp xuống, lấy một cái vỏ trai múc vào mấy cái bát sành sứt mẻ tứ tung, đặt ngay trên mặt đất. Thằng cu bé vội vàng lê xích lại gần, hai mắt lóng láng đổ dồn cả vào mấy bát “chè” màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút. Mồm nó nuốt nước bọt ừng ực, mũi nó như nở hẳn ra để hít lấy hương vị của khói chè ngon ngọt. Chị đĩ Chuột phải đưa tay cản nó lại, sợ nó sà vào mà bị bỏng. Chị bảo nó:

    Còn nóng lắm, chưa ăn được. Con ra vườn gọi chị về cho chị ăn với không thì phải tội chết, nó làm quần quật từ sáng đến giờ mà chưa được tí gì vào bụng.

    Không đợi gọi đến hai tiếng, cái Gái hớn hở chạy về, lôi thôi lếch thếch trong mấy manh dẻ rách tả tơi.

    Vừa đến bếp, nó đã reo lên:

    Sướng quá! Lại được ăn chè kia chứ, có ngọt không bu? Bu lấy đâu được mà nấu chè thế? Chị Chuột mắng yêu con:

    Úi chà! Tíu tít như con mẹ dại ấy! Tha hồ mà ăn đến chán chê, chỉ sợ không sao nuốt được thôi, con ạ.

    Rồi chị bảo thằng cu bé:

    – Bé lại đây, bu cho ăn.

    Thằng cu ngồi xổm bên mẹ, hất mặt lên, há hốc mồm như con chim non đang đợi mẹ mớm mồi. Một miếng vừa vào mồm, nó đã vội nuốt thỏm đi, khen “ngon quá”. Nhưng chưa kịp ăn miếng nữa, nó đã ọe một cái, mũi đỏ lên, nước mắt ứa ra giàn giụa.

    – Sao thế?

    Nó chỉ hụ hị nhìn mẹ mà không nói, cũng không chịu há mồm ăn nữa. Cái Gái nhìn mẹ, nhìn em, xêu một miếng chè nữa ăn thử lại:

    Nhạt quá, bu ạ. Chị Chuột mắng con:
    Làm gì có nhiều mật mà ngọt. Có mà ăn cho no bụng là phúc rồi.

    Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại ọe ra, và khóc òa lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước. Cái Gái lấy ngón tay “di” một cục chè rồi bỗng nói to lên:

    À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nấu mà bu bảo chè! Nhưng mẹ nó lại đưa mắt lườm nó, lấy ngón tay chỉ ra phía nhà ngoài nói khẽ, nhưng hơi gắt:

    Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thấy thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết.

    Rồi hai mẹ con lại lẳng lặng ăn, cố nuốt những bát cám đặc khè cho đỡ đói. Thằng cu nhất định không ăn, ngồi khóc tỉ ti đòi cơm. Chị đĩ Chuột đành dỗ nó:

    – Thôi nín ngay, bu ăn xong bu xin thầy một miếng cho mà ăn.

    Chị bế con rón rén bước vào chỗ chồng nằm. Thằng bé vẫn sụt sịt. Anh đĩ Chuột giở mình, hơi nghiêng mặt quay ra. Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại xanh thêm. Mái tóc dài quá xòa xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ đáng sợ của con ma đói. Thấy vợ con, anh nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch và vừa thở phều phào vừa hỏi bằng một thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại:

    – Nó làm sao thế?

    Chị đĩ Chuột xốc con lên một cái:

    Nó vòi đấy chứ có làm sao? Cơm gạo đỏ không chịu ăn, đòi ăn cơm trắng của thầy cơ.

    Thì lấy cho nó ăn, tôi ăn làm sao hết?

    Chị đĩ Chuột lấy liễn cơm chực moi cho con một ít, nhưng anh bảo:

    Mang cả ra cho nó ăn, tôi không ăn nữa đâu. Còn bao nhiêu vét cho cái gái với bu em ăn hết đi, để nó thiu ra đấy.

    Chị đĩ Chuột cười, bảo chồng:

    – Thằng cu nó dở người, chứ mẹ con tôi ăn cơm đỏ đã no rồi, còn ăn vào đâu được nữa?

    Anh biết vợ nói dối, chực nói, nhưng lại thôi, buồn rầu buông một tiếng thở dài. Vợ lo ngại hỏi:

    Bây giờ người thế nào, để tôi kể với ông lang, lấy thuốc?

    Tiền đâu mà thuốc thang mãi?

    Tôi vừa bán con chó mực với hai buồng chuối non được bốn hào. Chồng nhìn vợ, ngẫm nghĩ một chút rồi bảo:

    Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khỏe rồi, chỉ ăn cho nó khỏe lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo đỏ, đừng đong gạo trắng ăn nhạt lắm.

    Cũng được, nhưng đã thật khỏi chưa? Tôi trông thầy em còn mệt lắm.

    Ốm luôn sáu tháng trời mà không mệt sao được? Cứ đi đi……

    Đi ngay bây giờ à?

    Ừ, đi xuống nhà bà phó Cửu ấy, xa một tí nhưng được rẻ.

    Con ngồi đây với thầy cho bu đi đong gạo nhé? Nó không chịu, sợ sệt nhìn cha. Chị mắng:
    Con nhà vô phúc, lại sợ bố!…. Khốn nạn, tại đi về không có tiền mua bánh cho nó nên nó giận đấy mà. Phải tội chết, con ạ.

    Nhưng anh đĩ Chuột bảo:

    – Cho cả nó đi, kẻo nó khóc. Bảo cái Gái về tôi bảo.

    Người cha khốn nạn nhìn đứa con chòng chọc, thở dài. Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu. – Thầy bảo gì con ạ?

    Lúc nãy mẹ con mày ăn cám phải không? Gái gượng cười cãi:

    Ăn chè đấy chứ.

    Bố nó chép miệng:

    Khốn nạn! Chè đâu mà ăn, cơm còn không có nữa là chè! Rõ mày thì khổ từ trong bụng mẹ… Con Gái cúi đầu không nói. Anh đĩ Chuột thở dài:

    Con đi lấy cho thầy cái ghế buộc giậu, với sợi thừng ở gác bếp để thầy mắc lại cái võng, thế này cao quá.

    Con Gái lấy ghế và thừng vào. Anh đĩ bảo:

    – Để đấy cho thầy rồi ra vườn làm cỏ đi.

    Nó ra vườn, anh gượng ngồi dậy, xuống khỏi giường, mon men ra đóng chặt cửa buồng lại. Anh lấy cái thừng làm một cái tròng chắc chắn, dùng hết sức tàn còn lại, trèo lên ghế, hai chân khẳng khiu run lẩy bẩy. Anh buộc cẩn thận một đầu dây lên xà nhà, buộc xong, mệt quá, anh đu vào cái thừng, gục đầu xuống thở. Anh thấy lòng chua xót, nước mắt trào ra hai má lõm. Rồi anh quả quyết, anh đứng thẳng người lên, chui đầu vào tròng, cái thừng cứng cáp cọ vào cổ làm anh rùng mình, khóc nấc lên một tiếng. Cả cái thân hình mảnh dẻ bắt đầu chuyển động như một tầu lá rung trước gió. Bỗng anh ngừng bặt, ngây người ra nghe ngóng: có tiếng ai vừa gọi ngoài ngõ, tiếp đến cái Gái thưa và chạy ra. Tiếng người kia the thé:

    – Bu mày đâu?

    Tiếng cái Gái rụt rè đáp lại:

    Bẩm bà, bu con đi vắng.

    Đi vắng! Đi vắng mãi! Mày về bảo con mẹ mày nội ngày mai không trả tiền tao thì tao đào mả lên đấy. Cái giống chỉ biết ăn không.

    Anh đĩ Chuột rít hai hàm răng lại. Hai chân giận giữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ xương bọc trong da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn giật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng.

    Ngoài ngõ, mẹ con chị Chuột vừa kêu khóc vừa van lạy. Bà Huyện nhất định bắt mẻ gạo mới đong để trừ sáu hào nợ chị Chuột vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc….

    Thúy Rư

    Tiểu thuyết thứ bảy

    Số 158 Ngày 5-6-1937
     
    Chiracat thích bài này.
    Last edited by a moderator: 4 Tháng tám 2018
  5. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Nhỏ Nhen

    Tác giả: Nam Cao

    Nguồn: Sách vui

    * * *

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bọn họ có bốn người. Nhưng họ làm ầm ỹ bằng mười người khác. Nhờ họ, cái tiệm ăn thưa khách này có vẻ đông người. Thật ra, có tiệm ăn nào vào giờ này mà lại không thưa khách? Bữa điểm tâm đã quá rồi. Bữa ăn trưa thì chưa tới. Huống chi lại là một buổi sáng thứ Hai. Một vài người lẻ tẻ vào đây đều là những kẻ vội vàng. Họ mải mốt uống một cốc cà phê, ăn vài chiếc bánh hay một bát mì, rồi lại mải mốt ra, cái tăm ngậm trên miệng để vừa đi vừa xỉa..

    Chỉ có bốn người này là có vẻ ung dung. Họ ăn uống nghê nga, vừa ăn vừa cười đùa trò chuyện, có khi lại ngâm thơ nữa. Chỉ vì họ là những chàng trẻ tuổi thích làm ngang. Họ nằm khàn ở nhà suốt cả ngày Chủ nhật để thứ Hai mới rủ nhau đi phè phỡn. Như thế, họ cho là ngược đời, mà ngược được đời thì thích lắm. Thật ra, họ ngược đời chỉ vì không có cách mà theo dòng đời. Giang là một học sinh nghèo đến nỗi không đủ tiền để đến trường; chàng học nhờ bài của bạn và xem thêm trong thư viện. Tá suốt ngày nghiền ngẫm cái dự định mở một trường tư tốn có đến vài ba vạn bạc, để tối dẫn thân đến một nhà giàu, kèm mấy đứa trẻ học thêm, kiếm mỗi tháng vài chục trả tiền ăn, tiền giặt. Du còn đang tìm chỗ bán lấy bạc trăm những tiểu thuyết chàng còn mang ở trong đầu. Hồ sẽ mở một nhà xuất bản thật to; hiện nay, chàng hãy cặm cụi viết suốt những truyện ngắn, truyện dài, bán một giá rẻ mạt cho những nhà xuất bản buôn văn. Họ là những kẻ "đợi thời". Cả bốn đều mặc chểnh mảng như những kẻ không quan tâm đến cái đời vật chất. Họ khinh cái số đông loài người.

    Tội gì đi chơi vào những lúc phố đông người? Họ, họ cố tránh cái bọn người tầm thường đi đi lại lại như mắc cửi. Mà nếu gặp không tránh được, thì họ sẽ ném ra trước mặt bọn ấy cái vẻ đẹp ngạo nghễ của một cái đầu xén hơi ngắn và không cần mượt, của một bộ quần áo giản dị mà có lẽ đã nhàu, của một cái ngực không ca-vát phanh ra đón gió, nhất là của một cái mặt không phì nộn, không trắng trẻo, nhưng khinh khỉnh, mỉa mai và chế nhạo. Thì có thể cái mặt của bốn chàng trai trẻ ấy là một thứ mặt "vô cùng cà khịa".

    Như thế, họ cần gì ra phố? Khốn nỗi, họ cần gặp nhau và trò chuyện với nhau. Nhưng gặp nhau ở đâu cho tiện? Họ chỉ còn có cách là đưa nhau đi phố, và đi chán thì lại vào những tiệm ăn rẻ tiền, gọi những món ăn rẻ tiền. Không phải chỉ những món ăn đắt tiền mới có thể ngon. Thật thế. Ngon hay không là tại miệng. Mà cái miệng người đói thì ăn gì cũng ngon. À, thế thì cần gì phải ăn sang. Này, chỉ dăm ba hào chỉ, cùng lắm là đồng bạc, họ cũng có thể đãi nhau một bữa ăn ngon bằng một bữa đàng hoàng chục bạc trong một hàng cơm tây. Đã ăn, chỉ cốt ngon là được, có cần gì sang? Ngon, thì họ thấy ngon rõ ràng..

    Họ đang sung sướng lý luận với nhau như thế, thì hai người đứng tuổi – có lẽ ở nhà quê, hay ở tỉnh nhỏ về đây có việc – vừa giả tiền xong đi ra cửa, nhìn nhau mỉm cười. Giang đã khá say. Chàng gườm gườm nhìn theo hai người vừa ra và, như gây sự:

    – Các ông ấy định nhạo bọn mình hay sao?

    Cũng may, hai người đi mải quá, nên chưa nghe hết câu đã ra giữa đường rồi. Đến vệ đường bên kia, họ nhìn vội vào tiệm ăn một cái, rồi vội rẽ ra phố khác. Giang hầm hực:

    – Đó, các anh thấy chưa? Có phải đúng chúng nói định nhạo bọn mình đấy không?

    Du mỉm cười, hơi lắc đầu:

    Không phải đâu. Họ vừa được nhà hàng tính nhầm cho vài hào. Hồ bật cười:

    Quái lạ! Sao anh biết được?

    Du vẫn mỉm cười và bình tĩnh:

    Tôi biết, vì chính tôi cũng đã một vài lần, được người ta trả nhầm cho vài hào. Giá tôi là người khách ngồi quầy kia, thì chỉ trông cái mặt cố làm ra vẻ thản nhiên của người mới trả tiền, nụ cười của người ấy khi ra cửa, và cái vẻ cuống quýt cố che đậy của hắn, từ lúc mới đứng lên cho đến lúc ra đường, là tôi đã gọi giật ngay lại để đòi thêm tiền nữa.

    Tá cố cười thật lớn:

    Trời ơi, anh Du sáng suốt của tôi ơi! Anh đa nghi như một con chuột. Có anh, họa chỉ có anh mới cuống quýt lên vì một vài hào thật. Thật là đồ nhỏ nhen..

    Nhỏ nhen, thì nhỏ nhen đứt đuôi đi rồi! Nhưng tôi hỏi anh: Chính anh đã bao giờ chỉ vì vài, ba xu mà băn khoăn, tấm tức mãi không yên, thí dụ như khi đi một quãng xe điện hai xu mà anh chỉ có đồng năm xu để đưa cho người bán vé? Người bán vé không có xu trả lại, cầm lấy đồng năm xu của anh, rồi cứ việc đi, đi lại đầu toa, rồi sang toa dưới, rồi vì đông quá, anh không thấy hắn đâu nữa. Sắp tới chỗ anh phải xuống rồi. Chen hết người này người nọ để đi tìm hắn thì anh ngại: Ngại chen lấn, nhưng nhất là ngại tỏ ra anh là người chắc lép, người nhỏ nhen. Cái ý đi tìm với không đi cứ chiến đấu trong khối óc anh rất lâu, để anh phải bực mình, chỉ vì ba đồng xu mà có mất đi, anh cũng không chết gì. Và anh phải rất sung sướng như trút được một khối nặng trong lòng khi người bán vé trở lại và thản nhiên hỏi anh: "Tôi còn chịu của ông ba xu đấy nhỉ?" rồi xỉa tiền ra trả. Nếu người ấy không trở lại, anh đành xuống mà chịu mất ba xu, thì tôi chắc chỉ vì ba xu ấy anh phải tấm tức đến hàng giờ mấy, tuy – tôi nhắc lại-mất ba xu ấy, anh cũng không chết gì!

    Tá bướng bỉnh, vừa xua tay vừa cãi:

    Không đời nào. Tôi dám nói chắc: Không đời nào!

    Thế thì anh là thánh. Còn tôi, tôi thú thực với các anh, tôi nhỏ nhen hơn thế nhiều. Vâng, chính tôi, tôi đã cả gan ăn cắp, ăn cắp chỉ vì bốn đồng xu, trong lúc tôi kiếm tiền bạc trăm là thường.

    Và Du kể:

    Hồi ấy tôi còn ở Sài-Gòn. Một cái thú nhỏ nhặt của tôi là chiều chiều dạo qua chợ Bến-Thành, mua những tờ báo mới và một vài quyển sách. Mua để được mua, thế thôi, chưa chắc gì tôi đã đọc, bởi vì hồi ấy tôi có nhiều sách báo quá, đọc không hết được. Một hôm, tìm mãi không còn một quyển mới xuất bản nào tôi chưa có, tôi nhặt một quyển thơ Baudelaire in trong loại rẻ tiền.. Rồi tôi về nhà. Trong lúc tôi thay quần áo, anh Thụ vẫn ngủ cùng màn với tôi, cầm lấy cuốn thơ xem, kêu lên:

    Anh mua làm gì, cái thứ đồ cổ này? Tôi thấy nhà có Fleurs du Mal rồi kia mà?

    Có một quyển khổ to thôi. Mua thêm một quyển khổ nhỏ này để xem trong màn.. Vả lại, chỉ có một cắc, mua mà vất đi..

    Thụ không đợi tôi nói hết, trợn mắt lên:

    Anh bảo rằng một cắc?

    Tôi nói dối anh làm gì, không tin đưa tiền tôi mua giùm.

    Thế thì anh là một con bò. Loại sách này mỗi quyển giá có sáu xu, tôi vừa mua một quyển bi kịch của Musset cách đây hai hôm. Anh bị người ta bịp rồi!

    Nói xong, hắn cười ầm lên. Tiếng cười chế nhạo nghe tức đầy lên cổ. Đêm hôm ấy, tôi hậm hực rất khuya mới ngủ. Sáng hôm sau, việc thứ nhất của tôi sau khi tắm rửa, mặc quần áo, chải đầu xong là đến cái hàng sách vô lương tâm đã bịp mình bốn xu. Anh hàng sách đã quen cả mặt tôi nên mặc sức cho tôi lục, chọn. Nhân lúc anh ta mải nhận tiền của một người khách khác, tôi chuần được một quyển vào túi áo, kẹp một quyển nữa vào giữa một tờ báo gập đôi tôi cầm theo từ nhà (cái tờ tuần báo mà ngoài bìa đã đầy những chữ tôi viết lộn bậy để người ta mới trông đã biết là báo cũ), nhặt hai quyển nữa cầm ở tay, rồi quẳng cho nhà hàng đồng bạc. Tôi có tiền lẻ hẳn hoi, cứ đưa đồng bạc, để nếu việc gian bại lộ thì cũng có cách mà bênh vực cho mình. Nhưng anh bán sách chỉ nhìn qua hai cuốn sách tôi cầm rồi mở ngăn kéo trả lại tôi tám hào. Tôi nhẹ lâng cả người. Tôi nhảy lên xe về nhà. Thấy Thụ đang nhai kẹo cao su ở cửa, tôi nắm cánh tay hắn, lôi vào. Rồi bày cả bốn quyển sách mới đem về với quyển tối hôm qua, tôi đạo mạo tính cho hắn nghe như thế này:

    Một, hai, ba, bốn, năm! Năm quyển, anh có biết không? (hắn phì cười vì tưởng tôi đang làm trò quỷ thuật). Mỗi quyển sáu xu, đó là cái giá mà anh đã trả. Năm sáu ba mươi, đúng ba mươi xu hay là ba cắc. Thế mà tôi đã trả một cắc hôm qua với hai cắc hôm nay, cộng lại ắt là ba. Vậy là cân. Anh xem, thiên hạ bịp một thằng như tôi, khó lòng!

    Rồi tôi cười toáng lên. Thụ hỏi tôi đầu đuôi như thế nào. Tôi cắt nghĩa, hắn nghe. Và khi hắn đã hiểu, thì lại đến lượt hắn cười toáng lên. Hắn bảo tôi rằng:

    Anh không bị thiên hạ bịp, thì lại bị chính "thằng tôi" bịp: Vì thật ra là loại sách này mỗi quyển đúng một cắc, dầu tôi hay người khác mua thì cũng thế, chẳng ai bán sáu xu bao giờ. Anh không thấy đề giá từ bên Pháp đã 75 centimes đây à?

    Tôi ngẩn người. Rồi mặt tôi đỏ bừng lên. Nếu Thụ không phải là bạn rất thân của tôi ngay từ hồi còn ngồi bên nhau trên ghế nhà trường, và nhất là nếu hắn không khỏe hơn tôi nhiều lắm, thì tôi đã đấm vào cái mũi bành bạnh của hắn vài chục cái. Nhưng giời sinh ra hắn là bạn tôi và khỏe hơn tôi, nên tôi chỉ bảo hắn là "đồ tồi", và định rằng ngay tối ngày hôm ấy, lúc ra mua sách, tôi sẽ liệu kế trả nhầm cho anh hàng sách của tôi hai hào.

    Giang từ nãy đến giờ ngồi nghe Du chăm chú, có vẻ suy nghĩ, rồi bỗng nhiên bật cười. Chàng cười sằng sặc, tiếng cười làm nảy cả người lên. Và những người khác cười, vì thấy hai cái vai chàng cười.

    Du đắc chí lắm, vì tưởng câu chuyện của mình rất có duyên. Chàng vốn tự phụ biết cách dùng những câu chuyện chẳng có gì để nói những cái sâu sắc lắm. Nhưng chàng cụt hứng ngay. Giang cười, chỉ vì chàng nghĩ đến chuyện riêng của chàng:

    Anh Du như thế cũng còn may. Còn tôi đã có lần chỉ vì hai đồng bạc mà phải tuyệt giao với một người yêu, một người yêu..

    Ái chà!..

    Cái ngày ấy, tôi còn trọ ở nhà bà bạn mẹ tôi ở trên Yên-Phụ. Bà ta có một cô con gái cũng xinh xinh, quần lĩnh, răng đen thôi nhưng được cái chăm làm lắm. Kể lấy làm vợ thì cũng được. Chúng tôi yêu nhau, yêu nhau mà không biết, như..

    Trời ơi! Trời ơi! Anh làm ơn cắt phăng giùm chúng tôi đoạn giáo đầu ấy đi..

    Ừ, thì cắt. Vậy tôi nói: Chúng tôi yêu nhau, rồi vân vân.. Ba mẹ "nàng" cũng biết, nhưng vờ như không biết. Bà thừa hiểu rằng con gái bà cũng chỉ lấy được hạng như tôi là cùng. Mà tôi thì hồi ấy ngây thơ thành thực. Nhưng một hôm nàng hỏi vay tôi hai đồng bạc để may áo, hay sắm sanh gì đấy vụng mẹ, tôi không biết rõ. Không thể từ chối, tôi đưa hai đồng ra cho nàng nhưng tôi thú thực với nàng chỉ còn có hai đồng ấy thôi.. Chiều hôm ấy, nàng buồn bã bảo tôi: "Em đánh mất cả hai đồng rồi".

    Mất?

    Vâng, đen em quá. Em bỏ vào túi cái áo cánh, chỉ cởi ra treo ở trên bếp một lát để vào sau nhà tắm xong lại mặc ngay, thế mà lúc nãy sờ đến tiền thì đã mất..

    Rồi hạ thấp giọng, nàng bảo nhỏ tôi: "Em ngờ cho con Lương quá, anh ạ. Anh tính, nhà này thì còn có ai. Chẳng lẽ mẹ em lại lấy của em. Con ăn đứa ở thì không có. Chỉ có Lương, lúc em đang tắm, nó sang bếp hỏi mược cái siêu sắc thuốc; em đang tắm dở không ra được, nên bảo nó:" Ở gần chạn, chị vào mà lấy. Anh thử nghĩ xem: Không phải con Lương thì còn ai? Chịu, người thế mà gian tham! ". Tôi bắt đầu chán nàng ngay từ lúc nghe xong câu ấy. Chán, vì tôi nhìn rõ cái bề trong nhỏ nhen của nàng. Các anh thừa hiểu đấy: Chỉ có những kẻ có thể ăn cắp được thì mới dám mở miệng bảo bạn là người ăn cắp..

    Ồ! Nhưng nếu cô bạn ấy ăn cắp thật thì sao? Giang cười ranh mãnh:

    Không! Đừng ngờ oan cho người ta mà phải tội! Lương không thể ăn cắp hai đồng bạc ấy, tôi biết chắc.

    Lấy cớ gì mà anh biết chắc?

    Lấy cái cớ rất giản dị này: Là kẻ lấy cắp hai đồng bạc ấy chính là tôi!

    Mọi người cười ầm lên. Ai cũng tưởng Giang vừa kể một câu chuyện khôi hài, bịa đặt khéo để làm vui bạn. Chỉ có Du là có vẻ như nghĩ ngợi; chàng đợi tiếng cười đã ngớt, mới gật gật cái đầu mà bảo:

    Tôi hiểu cái cử chỉ của anh Giang lắm. Chắc sau khi anh đưa tiền cho nàng rồi, thì anh hối hận; anh cũng túng, anh còn những món cần không thể không tiêu, hai đồng bạc mà mẹ anh đã phải đổ rất nhiều mồ hôi mới làm ra được, bà đã phải thắt lưng buộc bụng, ăn đói mặc rách để cho anh, chính anh cũng đã phải nhịn đủ thứ, để không tiêu nó đi nhanh quá.. Mà nàng, nàng sẽ tiêu vào những việc chẳng cần cho lắm; một cái khăn, một đôi săng đan, hay có lẽ chỉ là một hộp phấn, hay là lọ nước hoa chưa biết chừng.. mà nàng đã tiêu đi thì cố nhiên là không bao giờ nghĩ đến cái sự trả anh, mà có nghĩ đến thì cũng không móc đâu ra tiền cả.. Anh thấy anh hy sinh vô lý, rồi thấy nàng vô lý, rồi muốn hỏi nàng mà đòi lại nhưng ngượng miệng. Anh do dự rất lâu, rồi anh quả quyết, anh xuống bếp. Giả thử anh gặp nàng ở đấy, vị tất anh đã có can đảm nói. Nhưng may cho anh, nàng đã vào nhà sau để tắm rồi. Chỉ có cái áo của nàng ở đấy. Trống ngực anh thình thịch. Anh nhìn vào cái túi. Anh nhìn vào cánh cửa. Anh nhịn thở. Anh lại gần cái áo và lấy lại số tiền của anh..

    Giang đứng phắt lên, chìa tay ra, cúi mình trước mặt Du:

    – Du khá thật, đáng là tri kỷ của" ngu đệ "vậy!

    Mọi người lại cười rộ lên. Hồ từ nãy đến giờ chỉ ngồi nghe, rụt rè đặt một câu:

    Cũng có lẽ anh Giang cũng không đến nỗi chi ly quá thế. Anh chỉ nghĩ rằng: Nếu để nàng tiêu hai đồng bạc ấy, thì ái tình sẽ mất tính cách thiêng liêng, nàng sẽ không trong trẻo, bởi vì nàng có vẻ như.. làm tiền.

    Anh quả là một nhà tiểu thuyết chân chính đấy!

    Nhưng Tá bỗng chán nản như một nhà đạo đức, nhắm chặt mắt lại, lắc lư cái đầu mà kêu:

    Thượng đế ôi! Thượng đế ôi! Sao ngài sinh ra lắm kẻ nhỏ nhen đến thế?

    Nhỏ nhen lắm, nhỏ nhen đến nỗi nói ra không ai tin là có. Nhưng có rành rành ra đấy, vẫn tự phụ là những kẻ khinh đồng tiền, thế mà có những lúc như lúc này.. Tôi có thể đoán mà không sợ là sai lắm, bây giờ đây, trong bụng anh nào chẳng hơi lo rằng mình sẽ phải bỏ tiền ra mà trả bữa ăn, và thầm mong cho người khác đứng lên trả trước. Để mình có thể hỏi vờ vịt:" Đã trả tiền rồi đấy à? Vội thế? Ừ, thế thì trả đi".

    Tá xua tay hăng hái:

    Không đời nào! Không đời nào!..

    Du mỉm cười:

    Vì thế cho nên chúng tôi nhất định nhường anh Tá rất đáng kính của chúng ta trả tiền bữa nay. Nhưng Tá vẫn xua tay, vẫn hăng hái:

    Không đời nào! Không đời nào!

    Cả bọn lại cười ồ lên. Du đứng dậy, móc ví, mỉm cười bảo:

    Vậy thì tôi trả. Thói đời vẫn thế: Khi đã công nhiên bênh vực những cái nhỏ nhen, thì lại không thể nhỏ nhen như người khác được.

    Giang nhại bạn:

    Đã trả tiền rồi đấy à? Vội thế? Ừ, thì trả đi! Tiểu thuyết thứ Bảy

    Số 430, ngày 12-9-1942
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  6. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Con Mèo
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đầu đuôi tại con mèo. Nhưng cũng tại trời bức nữa. Bức không chịu được.

    Chị cu vừa ở trên khung cửi xuống. Anh cu vừa ở ruộng về. Hai người cùng mỏi mệt. Hai người cùng bứt rứt. Một người ngồi quạt phành phạch. Một người ngồi gãi cái đầu tổ quạ đến mấy tháng nay chưa gội. Chẳng ai buồn ăn cơm. Nhưng cái Viển thì lại muốn chóng xong việc để còn đi tắm. Nó lừa thằng cu ngủ. Nó bưng mâm cơm ra hè, đặt đấy. Rồi nó chạy vào mắc, rút một cái quần, một cái yếm, vắt lên vai, mải mốt đi ra ngoài cầu ao. Nồng nực thế này thì ăn không bằng tắm. Cứ để cho vợ chồng người ta ăn trước. Tí nữa về, có còn thì nó ăn, hết thì thôi. Cái bữa tối họa hoằn mới có. Ấy là khi nào cơm trưa chưa ăn hết, còn thừa lại. Đủ chia, thì mỗi người làm một vực. Chẳng đủ chia thì nhịn, cũng chẳng chết gì.

    Lúc ấy chú mèo mới ở đâu lò dò đến. Chú lại gần mâm. Chú kêu meo meo. Chú lượn vòng quanh mâm một lát. Rồi chú trèo lên mâm. Anh cu trông thấy quát:

    – Mèo! Đuổi nó đi! Con mèo!

    Anh vừa quát vừa vỗ tay xuống hè bèn bẹt. Thằng cu giật mình, thét lên. Chị cu bực mình quá, quay ra trị chồng:

    Gớm mồm với miệng gì mà toang toang như ngỗng đực. Làm thằng bé dậy.

    Không thế để nó ăn hết, hả?

    Có mốc gì mà nó ăn? Không trách được!…

    Chị chạy vào rước thằng cu dậy. Trong nhà nực quá, chị ẵm nó ra ngoài hè. Nó chúi đầu vào ngực, mấp lấy đầu vú, day. Day mãi. Trời này mà cứ phải ôm lấy nó thì có bực mình không chứ? Chị thấy ngứa lung tung, khắp người. Chị lẩm bẩm trách chồng:

    Cái giống người gì hơi một tí là oang oang như mõ ấy! Thằng bé đang ngủ mệt mà cũng làm nó dậy. Chỉ chết người ta thôi.

    Anh tức lắm. Chỉ có thế mà chị lỉa rỉa đay nghiến anh mãi được. Có thứ người gì ấy lại lắm điều đến thế? Cái đầu anh càng ngứa dữ. Anh rứt từng mảng tóc đi…Giữa lúc ấy thì chú mèo thấy tình hình như đã yên ổn lại, lại lò dò đến, trèo lên mâm. Anh cu cười đắc chí, anh bảo vợ:

    Kia kìa! Nó lại trèo lên “đầu lâu” kia kìa….Không muốn đuổi nó đi thì cứ để cho nó ăn cả đầu lâu, hoa cái nhà mày đi.

    Chị cu to tiếng:

    Ăn nói như cái đồ lục súc. Được rồi, không khiến đuổi. Để xem nó ăn gì nào?

    Thì để đấy.

    Anh nhìn con mèo, đợi. Nhưng cáu thật, con mèo không ăn gì thật. Thì có gì mà nó ăn? Cả mâm có một bát muối vừng. Nó ngửi một chút rồi lại lảng. Mèo không ưa muối vừng. Anh thầm mong cho nó đút đầu vào nồi cơm nguội. Nhưng niêu cơm nguội còn đậy vung. Mèo thất vọng, meo meo một lúc rồi buồn rầu lảng đi…Anh bẽ lắm. Anh nhìn trộm vợ. Chị không thèm nói nữa, nhưng vác cái mặt lên khinh bỉ chồng. Trông đã ghét, anh muốn tát vào cái mặt cong cớn của vợ anh vài cái. Nhưng lấy cớ gì mà tát nó? Nó đã câm họng rồi. Anh quả quyết lại mâm cơm. Anh hất con mèo một cái, nẩy ra tận đằng xa. Rồi anh xúc cơm, rắc muối vừng ăn. Anh cúi đầu ăn, mặt hầm hầm. Bởi vì anh còn tức lắm. Nhưng càng tức càng ăn khỏe. Tính anh thế. Không ăn, lấy sức đâu mà tức được? Đã tức thì phải ăn. Anh ăn ngoàm ngoàm. Trông thô bỉ quá. Rõ thật là cái vẻ của một người cục súc. Chị cu làm như không thèm nhìn đến, nhưng trông thấy tất cả. Chị lộn máu lên. Chị giận chồng chị quá. Cái anh chồng động lòng hả hê. Đích là nó cố ý trêu tức chị. Chị uất người, cổ chị có cái gì lấp hẳn. Thật ra thì nó chẳng động chạm gì đến thị. Nó đi ăn cơm kia mà!…. Chị trút giận vào đàn muỗi. Chị vừa chửi vừa phát vào bắp chân đen đét. Chị trút giận vào thằng cu…

    Thằng cu lại ngủ rồi. Chị đem nó lừa vào võng. Cái Viển cũng tắm xong rồi nữa. Nó đang phơi quần. Anh cu thì quẳng cái bát, đôi đũa xuống mâm từ lúc nãy kia rồi. Bây giờ anh đang ngồi bắt tréo kheo, hất hàm lên, nghênh trời.

    Chị cu lại lên mâm. Chị nhắc cái niêu nhẹ nhõm. Chị nghiêng nó ra ánh trăng, nhìn. Còn ba hột cơm ranh! Ăn chẳng bõ dính răng. Chị nguây nguẩy đứng lên, bảo Viển:

    – Viển! Mày vét nốt mà ăn đi.

    Viển tưởng chị nhường cho nó. Nó là con ở nhưng cũng ra phết lắm, không tẹp nhẹp, nhất là cái miếng ăn, miếng uống, dù trong bụng đói đến chết, ngoài mặt nó cũng làm ra không cần. Nó bảo:

    Chị ăn đi. Tôi không đói.

    Mày ăn đi.

    Tôi không ăn ạ.

    Không ăn thì đem trút xuống ao cho cá!

    Anh cu biết ngay là vợ dỗi. Anh cười gằn, hỏi:

    – Nào, có đứa nào ăn không nào?

    Chị cu không thèm đáp. Cái Viển đoán là chị giận, vội lại vét nốt cơm ra bát…

    Mời chị lại xơi nốt… Chị gắt:

    Đổ té nó đi! Tao đã bảo…

    Thì “choang” một cái, anh cu đã hất cái mâm ra ngoài giữa sân. Chị cu gào thật to:

    Trời ơi là trời!…. Mày phá tao thế à? Từ sáng đến giờ, tao ngồi trầy trầy trên khung cửi, mới được chừng một đồng hào, mà mày phá tao một lúc một cái niêu, bốn năm cái bát…

    Thằng cu trong nhà lại thét lên. Viền chạy vào, “rước” nó. Chị cu thì vừa nhảy loi choi, vừa vỗ tay đen đét, xỉa xói vào mặt chồng mà kể lể. Nhưng chị bỗng nhiên ngừng bặt…Có tiếng đấm đá nhau huỳnh huỵch. Rồi tiếng người đàn bà gào to hơn:

    – Mày cứ đánh chết bà đi! Mày đánh chết bà xem nào! Mày không đánh chết được bà thì…

    Anh cu đuổi. Chị vừa chạy quanh vườn, vừa kêu. Anh không đuổi nữa, chị cứ đứng ngoài vườn mà nhiếc mãi. Đến lúc mỏi miệng, không buồn nói nữa, chị về sân, thì chồng chị đã lăn ra hè, ngủ như chết từ bao giờ rồi, Viển và thằng cu cũng ngủ. Chị đi vào giường.

    Đêm hôm ấy, trời nổi gió, rồi nổi mưa. Mãi đến lúc thấy nước hắt vào người, anh cu mới thức giấc. Anh vội vàng nhổm dậy, anh giụi mắt. Anh vào nhà. Một cái chớp lóe lên. Anh thoáng thấy cái Viển ôm con anh ngủ trên cái võng. Anh đưa võng cho con một cái. Viển ngủ mệt, không biết gì. Anh đứng tần ngần một lúc. Rồi anh rón rén đi lại giường…

    …Sáng hôm sau, tiếng người láo quáo bên hàng xóm, làm chị cu giật mình, mở mắt ra. Chị hơi sửng sốt, trong nhà đã sáng. Chị ngóc đầu nhìn lại võng. Viển ôm con chị, miệng vẫn còn há hốc, xem chừng ngủ mệt. Chị lay đầu chồng, khẽ gọi:

    Phải gió! Dậy đi!… Sáng rồi. Anh cu mở mắt ra. Chị giục:
    Kìa, dậy đi!

    Tạnh mưa rồi à?

    Tạnh rồi! Dậy đi!

    Yên đã nào!…

    Dậy đi! Ra chõng kia mà nằm.

    Anh mỉm cười. Chị hơi lẽn bẽn vừa phát khẽ vào lưng anh, vừa bảo:

    Nỡm lắm! Có ra chõng mà nằm không? Cái Vển nó biết nó lại cười cho là trò trẻ. Mới giận nhau chập tối, nửa đêm đã lành…

    Anh vẫn nằm, không nhúc nhích. Chị đành bước qua anh, ra chõng. Chị vừa vấn khăn vừa gọi:

    Viển ơi! Viển! Không dậy à? Con gái gì mà ngủ trương lên đến tận nửa buổi chưa chán mắt. Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 431, ngày 19-9-1942
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  7. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Những Chuyện Không Muốn Viết
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong số bạn thân của tôi, thế nào chẳng có người đã trách tôi:

    – Lớp này hắn đổ đốn hay sao mà lại đem chuyện hắn ra viết thế? Dơ dáng quá!

    Vâng, dơ dáng thật. Chính tôi cũng đang trách tôi sự ấy. Nhưng biết làm sao được? Tôi đã hứa với tôi: chẳng bao giờ viết truyện mình. Tôi sẽ chẳng bao giờ thèm đả động đên cái tôi – cái tôi là đáng ghét. Vẫn biết nhiều bạn đồng nghiệp khả kính của tôi không nghĩ thế. Suốt đời họ. Mà họ làm thế nhất định không phải là vô ích. Nhưng họ khác, mà tôi khác. Cái nghề văn, kỵ nhất cái lối thấy người khác ăn khoai cũng vác mai đi đào. Khi người ta nói đến mình, là nhận ra mình có một cái gì đáng nói. Còn tôi chẳng có gì. Mà đời tôi thì không có chuyện. Cái tôi của tôi rất xoàng. Bởi tôi rất xoàng.

    Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến những cái to tát làm sao được? Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong gạo, mua nước mắm vào mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang lùn về cho con. Không có mộng. Nói vậy sợ hơi quá quắt. Thật ra tôi cũng có chút mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi..khỉ khỉ. Tôi cứ muốn vừa có thể phụng sự nghệ thuật, lại vừa có thể kiếm tiền về nuôi cả nhà. Nghĩa là tôi ham viết lắm. Nhưng giả thử viết mà không được một đồng xu nhỏ thì có lẽ tôi cũng ham vừa vừa thôi. Cái tôi của tôi sự thật là nó bỉ ổi như thế đấy. Tôi còn nói đến tôi làm gì? Tôi tìm những cái khác để mà nói vậy.

    Thoạt tiên tôi viết truyện một người đàn ông có vợ rồi. Đó chỉ là một người đàn ông rất vô danh. Hắn có thể là tôi, là anh, hay bất cứ một anh nào có vợ. Nhưng một ông bạn tôi vơ chẳng ngay lấy. Ông ta bảo tôi định nói ông. Ông hục hặc với tôi. Ông khuyên tôi chớ đem in. Đem in thì vỡ mặt. Tôi trót dại, chưa học võ. Thôi thì đành chiều ông.

    Tôi viết truyện một con chó mực. Tôi thề rằng: quả thực đó là chuyện một con chó mực. Nhưng chuyện vừa in ra thì tôi gặp một thằng say. Hắn trợn mắt lên. Mắt hắn đỏ ngầu ngầu. Hắn lè nhè hỏi tôi: sao lại bảo hắn là con chó? Rồi hắn chửi cho tôi một mẻ, vuốt mặt không kịp. Tôi ức quá, nhưng rồi tôi lại cười. Tôi lẳng lặng về nhà, lấy giấy bút viết truyện một thằng say rượu.

    Thằng say này say lắm. Nó uống rượu vào rồi nó chửi. Chửi lung tung cả. Thằng say nào chẳng vậy? Ấy thế mà có một bọn người rất tỉnh kêu bù lu bù loa lên rằng: tôi mượn rượu để chửi cả làng nhà họ. Và họ dọa tôi đủ thứ. Trời đất ơi!…

    Vậy thì tôi biết viết cái gì? Một anh bạn tôi khuyên tôi đừng đả động đến một người nào. Cứ viết truyện buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn, con lợn. Nhưng biết đâu đấy? Tôi vẫn sợ. Tôi sợ có người nào lại nhận mình là buồng cau, cây chuối, cục đất, buổi hoàng hôn, hay là con lợn để mà không bằng lòng. Bởi thế, tuy chẳng muốn, tôi đành lại lấy tôi ra mà viết để cho yên chuyện.

    Vậy thì tôi viết truyện tôi, đó chỉ là những chuyện mà thật ra tôi không muốn viết. Bởi chuyện tôi thì bao giờ nghe cũng buồn.

    Các bạn tính: thế này thì tôi không buồn làm sao được? Tôi ở Hà Nội về quê. Tôi nhớ vợ con. Tôi đang ao ước được trông thấy vợ con cho thỏa cái lòng một chút. Tôi vừa đi vừa tưởng tượng: “Mười lăm phút nữa, tôi tới ngõ. Con tôi nhận ra tiếng bố, mừng rỡ reo lên. Vợ tôi tươi cười ra ngõ đón…”

    Vợ tôi ra đón thật. Nhưng y không tươi cười. Mặt y nhăn như mặt hổ phù. Cái mũi phình ra, nó chứa đầy khí giận. Đôi mắt thì long sòng sọc, chúng toan nhảy vọt ra. Ghê gớm quá! Lại nghiến răng ken két nữa. Tôi toát mồ hôi trán. Mắt tôi nhìn xuống mũi, mũi tôi nhìn xuống miệng, còn miệng tôi thì bịu ra. Cái thằng tôi nó hèn thế đấy. Chẳng bao giờ nó dám nhìn nỗi nguy vào tận mắt. Nó chỉ nhìn xuống đất, để xem có cái lỗ nào thì chui tọt vào. Nó cứ tưởng nó là con giun.

    Cố nhiên là không có lỗ. Mà có lỗ thì cũng không chui lọt. Tôi đành đứng ỳ ra đấy. Vợ tôi càng ngứa mắt. Y gầm lên. Y xốc váy lên trên đầu gối. Y giậm chân bồ bồ. Rồi y lại buông váy xuống. Y vừa nhảy cẫng lên như một con gà chọi, vừa vỗ tay đen đét mà xỉa xói vào mặt tôi:

    Đi chết đâu mà đi mãi thế? Sao không chết giấm chết giúi ở đâu đi cho rồi? Còn về đây làm gì? Còn vác mặt về đây làm gì ì i?…

    Thôi chết, chắc là y biết tôi lên Hà Nội có đi hát cô đầu rồi. Không biết đứa nào ghét tôi đã mách với y chóng thế? Cái quân ác thật. Nó giết người không gươm. Khốn nạn cho cái thân tôi quá! Nào phải tôi có đắm say gì cho cam? Tôi thề rằng, từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi có biết cái xóm cô đầu nó ở chỗ nào thì tôi chỉ chết. Tôi mới đi lần này là một. Mà cũng chẳng phải vì cao hứng. Chẳng qua là để chiều ý một ông bạn đọc quá hào phóng mà thôi. Nguyên hôm ấy tôi có chút việc đến chơi nhà xuất bản. Ông V. đưa cho tôi một tấm danh thiếp mang một cái tên với tôi hoàn toàn lạ…

    – Ông này muốn gặp ông có một việc gì cần lắm.

    Tôi quay dây nói nhờ cho gọi cái số có biên trên tấm thiếp. Ở đầu kia, tiếng oanh thỏ thẻ:

    Ông chủ tôi hiện lúc này mắc bận…Ông chủ tôi rất mong được tiếp ông vào bảy giờ chiều hôm nay…Việc cần ạ, vâng, ông chủ bảo cần…

    Bảy giờ chiều, tôi đến. Tôi và anh Sen nữa, để phòng có biến. Thì cái việc cần đại khái như thế này: ông H. đọc sách của tôi. Ông thấy văn tôi, đoán tôi là một thằng…kháu lắm. Ông muốn gặp, gặp để cho biết. Còn bây giờ, thì cái việc cần là đưa nhau xuống Khâm Thiên để nói chuyện văn chương cho thỏa lòng. Chao ôi! Một chút tình tri kỷ ấy, dẫu tan xương nát thịt để mà đền đáp chưa chắc gì đã đủ. Huống chi là phụ vợ trong vài ba giờ đồng hồ thôi? Tôi nhận lời ông H. Tối hôm ấy, anh Sen rất ngây thơ của tôi và tôi đã được lạc vào động tiên. Nhưng có ông H. làm chứng đấy! Chúng tôi ngồi trong nhà hát không quá mười lăm phút. Trống không biết đánh. Hạt dưa không biết cắn. Cốt – nhắc không biết uống. Mà bọn cô đầu thì ác quá. Họ cậy họ có quần áo đẹp, tóc uốn quăn, họ cứ nhìn cái đầu thợ nhà quê xén vụng của tôi mà cười. Mặt tôi đỏ nhừ. Huống chi lại còn có bao nhiêu khách của ông H nữa. Toàn những phú thương cả. Họ nhìn chúng tôi tròng trọc như cố nhớ xem có phải chúng tôi đã có lần rụt rè đến nhà họ xin một chân đánh máy hoặc bán hàng hay không? Mặt chúng tôi rồm rộm. Người chúng tôi ngay đờ, cứng nhắc. Bởi thế, khi bắt đầu tiệc rượu, chúng tôi đứng lên xin kiếu và anh em dắt nhau ra về. Tôi thề đã kịp chấm đến một cô em nào thì giời cứ làm cụt tay!… Ấy thế mà cái đứa nào ác nghiệt đã phải vội đem chuyện về cho vợ tôi nó biết. Tôi cãi làm sao bây giờ? Tôi cứ ngây mặt ra như cán tàn. Y lại chỉ vào mặt tôi và bảo:

    – Hôm nọ thì còn mải đi chết đây, chết đó. Hôm nay mới lù lù vác xác về. Còn về làm gì nữa. Cả nhà có mỗi một cái vé sợi nó nuốt trôi mất rồi.

    Ô…ra thế…Tôi hoàn hôi, tôi lau mồ hôi trán, thư thới hỏi:

    Vé sợi nào? Người ta chẳng biết đầu đuôi xuôi ngược thế nào thì đã làm sôi sì cả lên. Vợ tôi cười gằn, bảo:

    Vé sợi khai hồi năm ngoái, chứ còn vé sợi nào? Nhà mình ở đấy nhưng nó lại bảo là tên nó thì làm gì nó tốt? Mình là thằng Cao, nó cũng là thằng Cao.

    Tôi ngẩn người. Tôi giận cha tôi quá. Sao người chẳng đặt cho tôi một cái tên gì hiểm hóc để chẳng trùng tên ai? Nhưng sự đã trót, còn biết sao? Tôi tặc lưỡi bảo vợ:

    Thôi! Đứa nào nuốt được thì cứ nuốt. Cả năm ngoái, mình không có vé sợi, khung cửi để mốc meo cũng không chết mà….Chúng nó ăn lắm thì phình bụng ra.

    Vợ tôi không thèm đáp lại, Y sỳ môi và nguýt tôi. Tôi cười. Bởi tôi cũng biết nói thế là nói bướng. Nghe sao lọt? Ai chẳng biết: không có vé sợi cũng không chết đói? Phải, chết thì không chết, nhưng mà gầy. Sự thật thì cả nhà gầy. Tôi, cái ấy đã dĩ nhiên, tôi vẫn gầy. Con tôi thì cũng vậy: bởi nó giống tôi. Nhưng vợ tôi, vẫn có tiếng là phì nộn, lớp này xem ra cũng khô hạc lắm. Ăn đói luôn, còn gì? Tôi nhìn vợ tôi mà thương hại. Tôi an ủi y thế này:

    Thôi, mình ạ. Ta không có sợi thì đi dệt thuê cũng được. Chẳng được cơm thì được cháo. Còn tôi cố cắm đầu viết suốt ngày. Mấy trăm bạc nợ lãi trả hết rồi, chỉ còn xoay gạo ăn thôi thì đỡ lo.

    Vợ tôi lại bĩu môi ra, nghiêng nghiêng cái mặt:

    Hừ! Coi thế mà buồn!…. Có đến đời sang tiểu sành thì hết nợ! Tôi dịu dàng:

    Trả mãi cũng phải hết. Đừng lo.

    Ấy là nói thế, chứ tôi lo làm sao được. Tôi chỉ mặc, không có tiền thì con đói. Tôi đói đã quen đi rồi.

    Được được, mình mặc tôi.

    Chỉ được cái nói là ra bộ lắm!

    Y không buồn nói nữa. Y vùng vằng chạy sang hàng xóm. Vùng vằng thế đấy, nhưng bụng y tốt lắm. Bởi y đi vay gạo. Y biết tôi đã đói. Tôi cảm động. Tôi càng náo nức muốn làm để kiếm tiền trả nợ. Tôi tháo giày, cởi áo ngoài rồi ngồi vào bàn viết. Không nên để phí một tí thì giờ nào cả. Từ giờ đến lúc được ăn cơm, may ra được vài, ba chục đồng…

    Tôi gọi cảm hứng về. Ngoại vật mờ mờ. Tư tưởng đến như một đàn ong, mới đầu còn lẻ tẻ, rồi đông hơn, rồi xôn xao. Chúng ngùn ngụt trong đầu tôi như một thứ rượu mới lên men. Bộn rộn và rối rắm biết bao. Tôi sắp sửa khơi nguồn cho những ý nghĩ có đường thoát ra đầu ngọn bút….Thì tiếng vợ tôi the thé:

    Giời ơi là giời! Có chồng con nhà nào như thế không? Chỉ vác cái mặt lên như một con trâu nghênh suốt ngày. Chẳng nhìn rõ đến cái gì. Để cho con ăn đất ngoài sân kia kìa!…

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 432, ngày 26-9-1942
     
    Chiracat thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  8. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Nhìn Người Ta Sung Sướng
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngạn đã cố không nghĩ nữa. Nhưng ý nghĩ cứ tự nhiên trở lại. Nó trở lại với Ngạn khi Ngạn không còn phải chen chúc trên xe lửa. Ngạn đã ngồi thư thái trên một chiếc xe kéo bon bon về làng.

    Cảnh rất tươi vui. Ngạn cũng ép lòng mà nghĩ thế. Bởi trời rất xanh, không khí trong suốt. Cánh đồng gió lộng phập phồng như cái ngực xốn xao của bể. Lại có nắng, có chim, có tiếng xe bò nghiến những hòn đá vụn nghe lắc rắc và tiếng cười tiếng nói….Nhưng thực ra thì cái cảnh vô tri làm sao nó biết,
    mà những người lồng trong cảnh thì ai biết đâu được lòng họ đấy? Ai biết họ vui hay buồn? Thí dụ ngay bọn người đang nhoai lưng đẩy cái xe tải nặng nề kia. Họ đang nói nói cười cười. Họ đang chế nhạo cô tân thời mặc phong phanh vừa mới đạp xe đạp vượt lên. Thế là mấy chị đẩy xe bò gạo the thé cười. Họ làm như được một dịp cười sướng lắm. Tiếng cười nảy lên đành đạch. Nhưng (có thể có thể như thế lắm) có thể là họ cười ầm ĩ như thế chỉ là để đẩy bớt chất cay ra khỏi lòng:

    Chà, cũng một đời con gái!… Một chị kêu lên thế. Đời của cô gái an nhàn kia hay là đời của chị? Chị ghê tởm người hay là ghen với người?..Có lẽ tiếng cười của bọn phu phen chua chát thật. Cũng có lẽ họ chỉ cười thẳng thắn thật mà Ngạn là một người bi quan. Nhưng dù sao thì Ngạn cũng phải nghĩ đến Trinh rồi. Bởi Trinh cũng thích đi xe đạp. Trinh cũng hay mặc những quần áo phong phanh, và cũng có lần gió với nắng rất lẳng lơ khiến Ngạn phạm tội bằng con mắt và trong tâm hồn.

    Ngạn biết Trinh đã ba năm. Trinh đến Hà Nội để kiếm việc làm và kiếm tự do. Nhất là kiếm tự do. Bởi việc làm của Trinh chẳng cung cấp đủ cho Trinh. Tháng tháng Trinh vẫn phải xin thêm tiền của mẹ. Thân mẫu Trinh là một bà góa giàu ở vùng quê. Bà rất tin con. Bởi bà dốt nát mà con bà thì thông thái. Trinh học giỏi. Trinh đỗ cái bằng mà con trai cả tổng không ai đỗ. Trinh nói tiếng tây y như đầm…Ở Hà Nội, Trinh bán hàng cho một hiệu thuốc tây. Ngạn làm cho một công ty bảo hiểm trụ sở gần ngay đấy. Sự tình cờ khiến hai người thuê cùng một căn nhà. Trinh ở trên gác có lối đi riêng. Ngạn ở dưới nhà. Họ làm quen với nhau rất chóng bởi Trinh là gái mới lớn, còn Ngạn thì chẳng biết có óc mới hay không, nhưng nghĩ bụng rằng: có làm quen với Trinh cũng không thiệt gì. Thế rồi Ngạn yêu Trinh. Rất thẳng thắn và giản dị, một buổi tối, Trinh vắng khách, Ngạn đã tỏ tình yêu của Ngạn cho Trinh biết. Và cũng rất thẳng thắn và giản dị, Ngạn ngỏ ý muốn thu xếp mà cưới Trinh. Trinh không sửng sốt, không e lệ nhìn xuống đất, không nổi giận, Trinh mỉm cười. Trong khi Ngạn tái người đi cảm động. Rất bình tĩnh, Trinh mỉm cười rồi Trinh trả lời Ngạn như thế này:

    Em cám ơn anh lắm. Nhưng…thật là khó nói! Anh ạ, anh là một người xứng đáng nhưng từ trước đến nay em chỉ coi anh là bạn. Còn về sau thì chẳng biết. Em thành thực mong em sẽ yêu anh. Nhưng hiện nay, giá anh vui lòng đợi….

    Được rồi! Ngạn sẽ vui lòng đợi. Ngạn đợi ba năm dài dằng dặc. Trinh vẫn thân mật với Ngạn và với nhiều người khác. Rồi đùng một cái, Trinh lấy một người ngoại quốc nhiều tiền và nhiều tuổi mới gặp Trinh vài lần. Chẳng thiếu gì người đau đó ư, nhưng lẽ dĩ nhiên, Ngạn là người đau đớn nhất, Ngạn nhớ đến lời của Trinh:

    Em sung sướng lắm! Anh yêu em chắc cũng muốn em sung sướng. Hạnh phúc của người anh yêu… Giả dối ôi là giả dối! Cũng như những người tình nhân trong tiểu thuyết khóc sướt mướt và bảo người tình nhân kiết xác:

    – Em phải đi lấy chồng anh ạ! Nhưng cái tâm hồn em là của anh.

    Cái ý nghĩ hài hước ấy làm cho Ngạn nhếch môi cười một chút. Nhưng cái cười rất nhiều chua chát. Ngạn dần thấy cổ ứ nghẹn và máu trong người sôi lên. Ngạn ghét Trinh hết sức và anh ghét lây một số đông gái mới yêu kiểu cách và lãng mạn, óc đầm đìa thuốc phiện của những nhà tiểu thuyết suốt đời nhìn trăng.

    Qua một cái ngõ chữ chi, Ngạn bước vào sân. Cái sân vắng như một ngôi nhà hoang. Không có thằng em út. Ngạn vừa cười khanh khách vừa quần nhau với con chó mực. Im lặng quá. Mấy cây cau vàng lá đứng ủ rũ như cái chết đã lên đến ngọn.

    Bỗng con mực đang mơ mơ màng màng trong cũi ngóc đầu lên sủa vài tiếng ngắn, rồi nó vẫy đuôi mừng. Mẹ Ngạn ở trong bếp chạy ra, tóc bết mồ hôi, tay còn cầm đôi đũa. Bà lắc đầu ra hiệu cho Ngạn đừng nói vội và chỉ tay vào nhà trên. Y hiểu ngay, y biết trước thế nào khi bước chân qua ngưỡng cửa y cũng được nghe bà ngoại rên. Y lắc đầu chán nản. Chẳng mấy lần về đến cửa là y không phải nghe bà ngoại rên. Bà ốm kinh niên, một bệnh không thuốc nào chữa được, bệnh rất hay phải lại ấy là bệnh ghét con gái bà.

    Bà là một người khổ từ trong trứng khổ ra. Bố chết từ lúc mẹ mới có thai. Lên năm tuổi thì mẹ bước đi bước nữa. Các ông chú, bà bác chia tay nhau nuôi đứa cháu côi, kẻ dăm bảy tháng, người một vài năm. Rồi sau cùng không ai thừa cơm gạo mà nuôi nó nữa thì người ta bán nó cho một nhà giàu làm con nuôi. Nhà giàu nuôi và đánh chửi nó cho đến năm mười bảy tuổi, rồi chuyển tay nó cho bà mẹ chồng vừa nuôi vừa đánh chửi, nhất là đánh chửi. Đến năm hăm mốt tuổi, sau năm lần toan nhảy xuống sông, người thiếu phụ khốn nạn sinh được một đứa con: vừa ốm yếu, vừa con dữ không làm gì được nữa, nên được mẹ chồng buông tha cho đi làm ăn riêng với chồng. Bây giờ mới đến lượt chồng hành hạ. Y đánh bạc, y uống rượu, y ăn cắp tiền của vợ. Gia đình quanh năm lục đục. Vợ đay nghiến chồng. Chồng chửi và đánh vợ, con chốc lở, khóc nhanh nhách suốt ngày đêm. Sau cùng thì anh chồng thua bạc một canh to bỏ làng đi để lại cho vợ và con thơ bao nhiêu nợ. Mỗi ngày có đến ba bốn chủ nợ đến tận nhà chửi mắng vào dọa nạt. Thế là chồng chưa chết mà người vợ trẻ bỗng nhiên sinh ra góa chồng….Bởi suốt một đời khổ sở nên bà ngoại Ngạn không thấy một người nào thật khổ. Trong nhà bà toàn những người sướng quá. Từ con bé ở trở lên. Bà bảo nó như thế còn là thần tiên đấy!… Nhất là vợ chồng con gái. Trời ơi! Chúng nó suốt đời trẻ như măng, chẳng phải lo nghĩ gì, chẳng phải bao giờ đánh chửi nhau…Mà con vợ chiều chồng quá, nó mua rượu cho chồng uống, chồng uống rượu vào rồi vuốt má vợ. Chúng nhăn nhở cười với nhau y như là con trẻ…Thế mà chúng đã ngoài bốn mươi tuổi rồi. Chao ôi, chao ôi, bà khổ suốt cuộc đời ki cóp từng đồng trinh một để bây giờ chúng nó sung sướng. Chúng sướng quá. Chúng không biết rằng mẹ chúng đã khổ suốt một đời hay sao. Thuốc độc cứ thấm dần, thấm dần. Trước còn ngấm ngầm, nhưng sau càng ngấm mạnh. Và đến lúc, cái bệnh ghét phá tung ra ngoài…

    Ngạn lại gần giường. Bà cụ rên hừ hừ giả tảng như không trông thấy Ngạn. Ngạn phải lên tiếng trước:

    – Bà lại làm sao thế?

    Bà ngoảnh mặt nhìn ra rên rẩm

    – Cháu đấy à, bà chết mất!…

    Bà nức nở và nắm lấy bàn tay Ngạn. Ngày xưa gặp cảnh ấy, thế nào y cũng sa nước mắt. Nhưng bây giờ thì y khó chịu: y đã thấy nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần rồi. Y cố nén giận cho giọng nói không gay gắt vào bảo:

    Thì bà còn nghĩ đến thầy bu con làm gì?

    Khốn nạn, con ơi!… Con phải biết rằng người ta thì còn có năm có bảy, mất con nọ còn con kia. Bà thì mẹ có một con, con có một mẹ. Mà bà thì bù đắp cho thầy bu con đến thế, thế mà bây giờ nó bạc, nó chẳng biết thương lấy bà một tí. Chúng nó chỉ nghĩ sao cho sướng thân chúng nó, còn mẹ có chết khô chết nỏ cũng không buồn nhìn nhõi. Thầy con thì rượu chè lu bù, ba chén dấn vào thì nói khoác, một tấc lên đến trời, thật là một đứa ăn càn nói bậy. Bà nghĩ mà xấu hổ với người ta quá. Bảo mãi mẹ nó phải can nó dần dần, nhưng mẹ con thì can đã không can lại mua thật nhiều về cho nó uống. Suốt đời không dám nói động đến cái chân lông nó, chỉ sợ nó đi. Tao thì chồng tao đi từ năm tao mới hăm ba tuổi, tao cũng không chết đói, tao cũng nuôi nấng, gây dựng được cho bu mày…

    Ngạn đờ mắt và thở dài. Lúc nào bà y cũng còn nghĩ đến người chồng bạc bẽo và lấy làm đau xót vì có những người chồng không bạc bẽo bằng chồng bà.

    Câu chuyện đổi chiều, bà cụ đã được khỏe và được Ngạn kiếm lời an ủi nên lòng đã nhẹ. Bà lại nghĩ đến cái việc tạo hạnh phúc cho cháu bà:

    Ngạn ơi! Con nên thương lấy bà một tí. Bà bây giờ già yếu, nay ốm mai đau. Thầy bu con thì đã không cho bà cậy được rồi. Chỉ còn con, mà con thì đi vắng luôn luôn.

    Hay là con đưa bà lên Hà Nội?

    Ừ, nhưng con cũng phải lấy vợ đi đã chứ?… Con nên nghe lời bà. Con bé ngoan đáo để, được người được nết…

    Giá phải lần khác thì Ngạn đã gạt đi. Nhưng lần này y nghĩ ngợi. Con bé ấy là Duyên. Một cô gái mồ côi. Nhà Duyên ở cạnh nhà y. Khi bố Duyên còn sống, hai nhà đã gắn bó với nhau. Nhưng Ngạn chẳng gần Duyên. Ra tỉnh ngay từ thủa còn thơ, y chưa lúc nào nghĩ rằng y lại có thể lập gia đình với một cô gái quê như Duyên được. Duyên đâu có hiểu. Duyên vẫn đi lại nhà Ngạn mãi. Duyên làm thân cùng bà cụ. Bà cụ thương Duyên cùng một cảnh như bà hồi trẻ. Bà yêu Duyên lắm. Bà đã bao nhiêu lần ép cháu bà lấy Duyên.

    Con nên thương bà mà thương nó. Những lúc con đi vắng, khi bà váng mình sốt mẩy, chỉ có một mình nó chăm sóc trông nom…Mấy đứa biết quý người như thế ấy. Nó tử tế với con thì con cũng nên lấy sự tử tế mà đền bù lại. Nó nhắc đến con luôn. Con thử nghĩ…Nó trông đợi con bao nhiêu năm rồi…

    Ngạn hơi buồn. Y nghĩ đến Trinh, y cũng đã kiên nhẫn đợi và mong mỏi…Y bỗng thấy lòng thương Duyên. Duyên yêu giản dị và mộc mạc, không nghệ thuật, không triết lý. Yêu bởi…trời sinh ra thế. Ngạn đã chán thứ tình yêu của hạng người cứ luôn luôn triết lý với tình yêu lắm rồi! Tại sao y lại không thể lập gia đình với Duyên?

    Biết là cháu đã xiêu lòng, bà cụ bảo:

    – Con bằng lòng nhé, con bằng lòng đi để bà nói với nó cho nó mừng.

    Ngạn sẽ gật đầu một cái và thở dài theo luôn. Sao lại thế? Y không hiểu nữa. Hình như y nhận lời miễn cưỡng. Hình như y buồn. Y mơ hồ thấy là y sẽ khổ và y sẽ làm người khác khổ, điều ấy còn khổ hơn. Tình yêu, cái tình yêu của loài người hiện tại là một cái gì buồn mênh mông…

    Duyên bỏ tiền dành dụm của Duyên mua những quả na thật đẹp, hạng na nhất chợ, Duyên đem sang cho bà Ngạn. Bà Ngạn mỉm cười. Bà nhớ lại trong một giây cái lúc tình yêu chớm nở trong lòng. Một giây thôi. Rồi khóe miệng bà nghệch xuống thành hình dấu mũ. Chua chát đã tiết ra trong máu. Bà bửa một quả na ăn. Bà chọn một quả thật ngon đưa cho Ngạn:

    – Nừ rồi đấy, ăn đang vừa.

    Ngạn cầm lấy. Duyên hơi đỏ mặt, nhìn trộm y sung sướng và bẽn lẽn. Ôi! Duyên đẹp quá! Cái tình yêu của Duyên đẹp quá! Ngạn ăn rất thong thả, quả na ngọt lự và thơm thoang thoảng. Mặt y sáng sủa và như có một ngọn lửa ở bên trong chiếu dọi. Y mỉm cười nhìn Duyên.

    Duyên càng bẽn lẽn, càng đỏ má. Duyên cúi mặt, tay mân mê đầu cái dây lưng đũi của bà cụ rồi Duyên cười ngượng nghịu:

    Bà ạ, hôm nay gạo kém quá, một đồng không được mười một đấu con.

    Chết nhỉ?

    Nhà con đã phải trộn thêm ngô rồi.

    Ngạn nhìn Duyên thương hại. Nhưng bà cụ bảo:

    Chà. Con ạ, con trẻ ăn cơm ngô càng chắc dạ. Bà thì ngày xưa cơm ngô cũng chẳng có mà ăn đâu. Cứ phải ăn cháo rau má trừ cơm là thường.

    *****

    Em gái Ngạn cầm vào nhà một phong thư. Bà cụ hỏi:

    Thư của ai đấy cháu?

    Thư của anh Ngạn.

    Bóc ra xem. Không biết lại sao đây. Nó mới đi vừa chủ nhật.. Cô cháu bóc, cô vừa nhẩm đọc và cười tủm tỉm…

    Gì thế cháu?

    Thư cho chị Duyên bà ạ. Anh ấy bảo anh ấy đang thu xếp tiền cưới chị ấy. Cưới xong sẽ đưa chị lên Hà Nội ngay.

    Bà cụ sầm ngay mặt lại. Môi bà hơi bĩu ra một chút. Bà bảo cô cháu đọc. Cô đọc hơi ngượng nghịu, bởi toàn những lời tình tứ cả. Anh anh, em em, anh hứa với em sẽ hết sức làm cho em sung sướng, anh đang lo tiền cưới. Anh sẽ đem em lên Hà Nội để chúng ta được gần nhau luôn…

    Gần nhau luôn!… Bà cụ thấy ngực nóng ran lên như lửa đốt. Bà giận cháu bà lắm. Cháu bà thế mà cũng hỏng. Chưa chi đã chiều vợ thế. Sau nó cũng lại xỏ chân lỗ mũi! Anh hứa với em sẽ hết sức làm cho em sung sướng. Quả ra con Duyên là…! Anh sẽ đem em lên Hà Nội. Ngữ ấy lên Hà Nội….! Hứ! Có đời nhà nào như vậy? Có đời nhà nào như vậy?

    Bà hằn học chửi:

    Hừ, chắc đã ton hót gì với thằng ấy hẳn. Muốn lên Hà Nội lắm. Bà thì nói thật, cưới rồi bà còn bắt ở nhà hầu bà đủ mười bốn năm…

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 434, ngày 10-10-1942
     
    ChiracatTài Phạm thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  9. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Đòn Chồng
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khôn đòn quan, gái ngoan đòn chồng

    Việc ấy đã xảy ra giữa chợ, có bao nhiêu người biết. Bao nhiêu người ấy là đàn bà cả. Bà thì lắc đầu, bà thì chép miệng. Có những bà cẩn thận với tai tiếng quá, rụt cổ lại, làm cái điệu bộ của một người khi rùng mình; Ấy là các bà ghê tởm quá. Còn những người chừng mực thì bình tĩnh hơn một chút: họ chỉ vác cái mặt lên cười bằng mũi, và đưa cái môi dưới ra như cái thìa. Ai cũng bảo: “Ầy, tôi thì tôi chịu đấy; có đói cho chết thì cũng chỉ riết chặt thắt lưng vào mà nhịn, chứ làm thế thì bố tôi có sống lại mà bảo tôi, tôi cũng không dám làm….”. Ai cũng bảo. Kể cả chị Cu với chị Bẻm vẫn lấy trộm mít nhà hàng xóm đem ra chợ bán với chị Thung toét mắt vẫn giả tảng thong manh để câu trộm gà. Ai cũng bảo, và ai cũng thấy như là hả dạ. Kể thì cũng phải. Cái xấu của người khác bao giờ chẳng làm ta sung sướng? Ta thấy ta còn tốt hơn chán người!

    Cố nhiên là câu chuyện đồn đi. Thoạt tiên là các bà vợ về kể lại với chồng. Rồi các ông chồng đem kể lại với nhau. Bây giờ thì cả làng ai cũng biết. Ai cũng biết: con vợ thằng Lùng, mặt mũi như thế ấy, mà gian vô cùng. Chẳng gian mà lại làm cái trò nhập nhòa như thế này…Chẳng biết y xin ai hay là nhặt ở đâu được có mỗi một đồng xu. Nếu không xin, không nhặt được thì hẳn là ăn cắp. Bởi y làm gì mà có xu! Vườn có ba sào, chồng thua bạc cố rồi. Đồ bòn, thức bán không. Đi dệt cửi thuê cho người ta ngày được một hào thì chồng lấy cả một hào, thiếu một đồng xèng nó đánh cho gãy gối. Vả nó chẳng đánh thì cũng không dám thiếu: thiếu lấy gì mà đổ vào mồm? Gạo nước năm nay…Có một hào mà những hai cái miệng ăn, mà lại còn chực thiếu nữa thì có lẽ đến phải đếm mà chia nhau từng hạt. Bởi vì hai vợ chồng chỉ trông vào tiền của vợ để mà ăn gạo. Chồng chẳng chịu bỏ ra một đồng trinh. Hắn dận trai mỗi ngày cũng được vài hào. Có ngày bốn năm hào. Nhưng bốn năm hào thì cũng hết. Tiền hắn làm, uống rượu chưa chắc đủ. Huống chi lại còn đánh bạc.

    Vậy đồng xu của vợ Lúng, không nhặt được hay ăn cắp, thì chắc là y xin. Y buộc vào dải yếm, trông chặt lắm. Lại hàng bánh dày, y hí hoáy cởi một lúc lâu mới được. Hay là y giả đận làm như thế thì chẳng biết. Làm thế, để đợi lúc có thật nhiều người ăn. Bởi vì lúc y ngồi xuống thì đã có bốn năm bà đang ăn rồi. Chị hàng bánh tới ta tới tấp. Vợ Lúng mân mê một lát, rồi nhặt lấy một tấm bánh dầy đậu, đưa lên ngoạm một miếng hết già nửa tấm. Còn non nửa tấm. Còn non nửa tấm nữa, y ném tọt vào miệng nốt. Y đưa đồng xu ra, chị hàng bánh dầy trợn mắt:

    Sao lại có một xu?

    Tôi ăn một tấm.

    Thế là chẳng nói thêm một tiếng, chị hàng bánh nhảy ra bóp cổ y. Y giãy giụa, nhưng cái cổ y ngẳng quá, chỉ vừa một chét. Y lại mếu. Mà con mẹ hàng bánh sao mà khỏe thế. Nó dúi đầu y xuống, mắt y trợn ngược. Y kêu ằng ặc. Miệng y há hốc. Miếng bánh dầy nhả ra. Bây giờ chị hàng bánh mới chịu buông cổ y, và reo lên:

    – Xem nào!

    Một tay chị vẫn xoắn lấy áo y, một tay chị cúi xuống nhặt miếng bánh đầm đìa dãi nhớt. Chị tách miếng bánh làm hai và đưa cho những bà đứng đấy xem và phân bua.

    Các ông, các bà trông giùm tôi xem chị ấy ăn một tấm hay là hai tấm, này! Một tấm mà lại tách ra được thế này! Tôi có mù đâu? Mắt tôi vẫn phải trông đấy chứ!..Bán hàng mà không mắt năm mắt mười thì mấy chốc cởi váy mà bán đi? Tôi biết chị ta chập hai tấm vào làm một, nhưng tôi lờ đi, để rồi xem chị ta làm ăn thế nào. Ấy thế mà chị ấy nhất định cãi là một tấm. Các ông các bà thử trông giúp tôi xem một tấm hay hai tấm mà nó lại như thế này?

    Bao nhiêu người xúm lại, đứng vây thành cái cũi. Chị hàng bánh biết y không còn chạy được, mới chịu buông áo y ra; chị chỉ vào mặt y the thé:

    – Cái mặt nhà chị! Chị thử mở mắt ra trông một tấm hay là hai tấm, nào!

    Cái mặt bủng beo của y xám như chàm. Nó không còn đỏ được, bởi y làm gì có máu. Cái miệng y há ra như chực nói, nhưng nói thế nào? Chứng cớ trờ trờ ra đấy. Y cứng hàm. Những tiếng ấp úng trong cổ họng, một lúc lâu mới bật ra thành lời được:

    – Thì tôi giả…., tôi giả hai xu….

    Nhưng y làm gì còn xu! Y cúi mặt, nước mắt ra ròng ròng. Chị hàng bánh lộn tiết lên. Chị xỉa tay vào tận mặt y:

    Thôi! Tôi cũng thí cho nhà chị. Tôi chỉ lu loa lên thế để cho cả chợ người ta biết; rồi giờ người ta vạch vôi lấy mặt chị, để thấy cái mặt nhà chị ở đâu thì người ta kiềng nó ra.

    Câu chuyện đến tai Lúng. Lúng thâm tím mặt. Giá lúc ấy vợ hắn có nhà thì có lẽ hắn đã đâm chết vợ. Nhưng vợ hắn còn đi dệt cửi. Hắn đành nén giận, để đi làm trai đã. Hôm ấy hắn dận được nhiều trai lắm. Toàn những con to cả. Trai, chỉ ăn thua cái vỏ, bán cho người ta làm cúc hay khảm xà cừ chẳng hiểu. Chỉ biết người ta mua nhiều lắm. Lần này, tính nguyên vỏ đã được năm, sau hào. Ruột chỉ được hơn hào chỉ. Hắn không thèm bán nữa. Hắn đem nấu một nồi cháo ăn.

    Cháo bắc lên bếp rồi, hắn chạy đi mua rượu. Cả chai. Với một cái đùi vịt hai hào nữa. Phải uống thật say mới được! Rượu có rồi. Cái nhắm có rồi. Nồi cháo đã gầy mấy cái nhẵng tre thật chắc, chỉ lát nữa sẽ sôi lúc búc. Nhưng hắn chưa uống vội. Hắn đi chặt một đoạn mây to. Một đầu khoanh lại thành cái vòng để xỏ tay vào, cầm cho dễ. Vả lại, kiểu roi mây phải thế. Hắn vụt thử lên không khí kêu vun vút. À! Tốt tệ! Hắn nhếch môi cười một tiếng ngắn. Còn phải đi tìm cái đòn gánh và sợi dây thừng nữa. Có cả rồi. Hắn xếp cả lên cái giường độc nhất trong nhà hắn. Hắn xếp cả hắn lên đấy nữa. Hắn ngồi xếp bằng, hai tay hắn chống xuống hai đùi. Hai đui hắn rung rung. Hắn nhìn chằm chặp vào cái đùi vịt và chai rượu. Nước dãi hắn chảy ra. Hắn thèm uống lắm, nhưng chưa uống vội. Còn đợi vợ.

    Đây! Y đã về. Nhẹ và mạnh như con báo, hắn nhảy vọt từ trên giường xuống đất, chưa kịp trông rõ hắn, y đã bị tay hắn chộp. Y kinh ngạc:

    Ô hay!

    Mày lại đây!

    Hắn nắm cổ y, đẩy vào chỗ cột nhà. Y không kháng cự. Bởi kháng cự thật là vô ích. Hắn cởi cái thắt lưng của y: trói ngang lưng vào cái cột. Như thế đã tha hồ vững chãi. Nhưng hắn còn muốn vững chãi thêm nhiều nữa. Hắn đặt ngay cái đòn gánh ở bên ngoài cột, dang hai tay vợ dang ra, lấy sợi dây thừng quấn. Hắn quấn cánh tay vợ vào đòn gánh. Được rồi. Hắn trở lại giường, rót rượu ra chén, uống. Vợ hắn hu hu khóc. Còn khóc nữa! Oan lắm đấy! Hắn khà một cái, cầm cái đùi vịt, chấm một tí muối, cắn, nhai nhồm nhoàm. Hắn vừa nhai vừa kể lại tội y cho y biết. Bao nhiêu là tội! Hắn cứ uống một ngụm rượu thì một tội lại bật ra. Toàn những tội ăn vụng, ăn trộm, ăn cắp, ăn mày, ănh nhặt! Chao ôi! Vợ hắn bêu hắn quá! Vợ hắn làm hắn nhuốc nhơ với làng với xóm. Sao vợ hắn lại vẫn cứ sống mà làm tội hắn? Sao vợ hắn chẳng chết đi cho rồi?… Không chết hắn sẽ đánh cho mà chết. Trăm nết mất cả trăm, còn sống làm gì nữa? Sống làm gì cho nhục nhã? Hắn bỗng nhiên vùng dậy, cầm cái roi mây chạy lại, nghiến răng vụt đen đét vào mông y. Y đau quắn đít. Y nhăn mặt lại. Y van lạy. Y gào. Trời ơi! Y gào!…

    Hắn vụt xong một chập rồi, nghỉ tay. Lại uống, lại nhồm nhoàm vừa nhai vừa kể tội. Kể tội xong lại đánh. Đánh một chập rồi lại uống. Uống rồi lại đánh, cứ như thế mãi. Đến nỗi vợ hắn tê mông, không còn thấy đau.

    Bấy giờ hắn mới thôi. Thôi bởi vì hắn líu lưỡi lại rồi. Mắt trông cái gì cũng chập chờn, cũng quay quay. Chân nọ cứ vướng vào chân kia, không đứng lên được nữa. Hắn lăn khoèo ra giường, mồm ú ớ. Rồi hắn ngủ. Hắn ngáy thật to, nghe khò khò…

    Một người hàng xóm thấy im ắng rồi mới dám sang. Y rón rén vào nhà. Lúng vẫn ngủ mê, ngủ mệt. Có mà vần xuống sông cũng được! Người hàng xóm lại gần cột, cởi trói cho vợ hắn.

    Vợ Lúng thấy người đau ê ẩm. Hai cánh tay dừng máu tím bầm. Mông xót như mất hẩn một lần da. Y khệnh khạng đi xuống bếp. Nồi cháo sôi lúc búc. Úi chà! Thơm quá! Mà đặc sệt rồi. Giá y không xuống thì khê mất. Y tra muối. Y múc một bát ăn. Ôi chao ôi! Cái cháo trai sao mà ngon đến thế. Y làm luôn bát nữa, rồi bát nữa, rồi bát nữa… Nồi cháo cạn. Chó! Cứ ăn hết đi cũng được. Không cho thằng quan ôn vật ấy ăn nữa. Tài đánh lắm! Vả lại nó cũng uống bao nhiêu rượu. Ăn một mình cả một cái đùi vịt. Ăn lắm, uống lắm rồi. Thì bây giờ đừng ăn… Y vét nồi sồn sột. Chị hàng xóm bảo:

    Khe khẽ chứ!… Anh ấy dậy bây giờ thì được chết.

    Cho chết! Đói bỏ cha đi ấy, hãy ăn cho sướng đã.

    Nói xong, y nghiêng cái nồi ra ánh sáng. Còn cái gì đây nữa? Ô! Miếng trai! Còn sót một miếng trai trong góc nồi. Làm nốt đi!

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 437, ngày 30-10-1942
     
    ChiracatTài Phạm thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
  10. Vân Mây Người từ trên trời rơi xuống

    Bài viết:
    206
    Truyện ngắn: Giăng Sáng
    Tác giả: Nam Cao
    Nguồn: sách vui
    ___
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ðiền có bốn cái ghế mây. Tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ có bốn cái ghế mây này là có giá. Không phải Ðiền mua. Tính Ðiền rất ghét mua. Từ ngày ra ở riêng đến giờ, Ðiền mới mua có một lần: ấy là một cái giường bằng gỗ bưởi của một người cô nghèo khó. Người cô cần tiền để lấy thuốc ngã nước cho chồng. Còn Ðiền thấy cũng cần một cái giường. Tháng ba vừa rồi vợ Ðiền mới sinh một con trai.

    Nghĩa là bây giờ Ðiền có những hai con. Cả nhà đúng bốn người, bốn người chất cả vào một cái giường! Giá mùa rét thì cũng được, chen chúc nhau một tý càng ấm áp. Nhưng mùa nực, còn gì là vệ sinh?

    Năm chừng mười họa, Ðiền cũng còn nghĩ rằng: nên theo phép vệ sinh. Bởi Ðiền là người có học hẳn hoi. Ðiền đã có lần làm một ông giáo trường tư trong ngót ba năm, mà Ðiền có bốn cái ghế mây vừa mới nói. Năm ngoái đây, cái trường vẫn thuê Ðiền dạy lớp nhất, lấy hai chục bạc lương một tháng, đột nhiên phải dẹp. Dẹp để nhường lại mấy căn nhà cho người ta dùng vào việc khác, cần cho lúc này hơn. Ông hiệu trưởng còn chịu của Ðiền nửa tháng lương. Tiền học tháng cuối cùng thì chưa thu được. Chỗ anh em biết tính thế nào cho tiện? Giá ông xoay được, thì ông trả phắt Ðiền chục bạc, cho đẹp mặt cả đôi bên. Nhưng ông không xoay được. Mà chẳng lẽ Ðiền phải thiệt? Thôi thì… thôi thì… – biết nói ra sao bây giờ? – Ông cười một cách ngượng nghịu bảo Ðiền:

    Thôi! Thế này này, ông Ðiền ạ! Giá ông không ngại, thì ông đem bộ ghế mây về quê mà dùng. Lão hàng phở nó trả có bảy hào một cái. Hôm nọ, chỉ căng mây lại cho hai cái cũng đã mất một đồng. Bán cho lão thì phí đi. Mà ở nhà ông chưa có ghế…

    Lúc ấy, Ðiền phải cố giữ, cái mặt mới không xị xuống. Thật ra thì Ðiền chán lắm. Ðiền chẳng muốn lấy bốn cái ghế tý nào. Chao ôi! Cũng mang tiếng là ghế mây!… Cái thì xộc xệch, cái thì bốn chân rúm lại, và chẳng cái nào là nước sơn không róc cả ra như là da thằng hủi. Trông đủ thảm. Ðiền phải bỏ ra bảy hào chịu lấy một cái vé tàu hỏa để tải mình về quê đã đủ xót ruột lắm rồi, còn phải nợ mà bỏ tiền ra tải bốn cái ghế già nua ấy nữa. Nhưng từ chối thì không tiện. Ra sự rằng mình dỗi. Có lẽ tủi lòng ông hiệu trưởng. Ấy là một điều mà Ðiền chẳng muốn, bởi ông với Ðiền là chỗ bạn nghèo với nhau. Họ bị tủi vì người ngoài đã lắm. Chẳng nên để người nọ bị tủi vì người kia… Ðiền đang nghĩ một cớ gì để thoái thác. Thì ông lại bảo:

    Ông nên đi tàu thủy. Có đắt mới đến năm hào. Năm hào với năm xu màn là năm hào rưỡi. Vậy cho rằng có phải trả tiền cước bốn cái ghế, thì cũng chỉ bằng tiền tàu hỏa thôi. Mà rộng rãi. Ông để hai cái ghế ra, một cái để ngồi, một cái gác chân, ung dung như ngồi nhà ông vậy. Tội gì đi tàu hỏa mà chen chúc.

    Kể thì cũng là một ý hay. Như thế tránh được cả cái nạn huých khuỷu tay vào ngực nhau để tranh một cái vé đi xe lửa. Tránh được cả cái nạn ngồi lên đùi người khác và để người khác ngồi lên đùi mình. Và ngửi mùi mồ hôi với mùi phân lợn của những toa tàu hạng tư… Nhưng… Ông hiệu trưởng không đợi Ðiền phải nói ra. Ông đã đoán mà hiểu trước. Nên ông bảo:

    Còn cái sự chuyển những cái ghế thì không ngại. Tôi sẽ bảo thằng nhỏ buộc hai cái làm một, dùng cái đòn gánh nước, gánh ra tàu cho ông. Còn từ bến màn về nhà ông, sẽ thuê một thằng bé nào độ năm xu, hay một hào.

    Ðiền nhẩm tính. Như vậy, tất cả có già giặn lắm mới tốn chừng đồng bạc. Nghĩa là tiêu quá đằng kia hai hào. Hai hào bốn cái ghế mây! Cho có xộc xệch nữa cũng còn rẻ chán… Ðiền ưng thuận. Thế là bốn cái ghế mây của ông hiệu trưởng mà lão hàng phở trả có bảy hào một chiếc, được đi tàu thủy về quê của Ðiền.

    Và thế là Ðiền có bốn cái ghế mây. Ðiền không biết giá. Nhưng Ðiền đoán chừng mua mới thì cũng đắt. Bây giờ, mỗi chiếc có khi tới ba bốn đồng. Ba bốn đồng một chiếc! Thế nghĩa là cả bộ đáng giá ngót hai chục bạc. Xóm Ðiền cũng chả nhà nào có những đồ đạc đắt tiền như thế. Vợ Ðiền quý lắm. Thị rất xót xa khi thấy những ông khách cục súc, sau khi đã nắc nỏm khen bộ ghế vừa đẹp vừa thanh, liền đặt cái mông đít to bành bạnh như cái vại lên mặt ghế, khiến mấy sợi mây lún xuống, rồi co cả hai chân bẩn thỉu lên, ngả cái lưng to như lưng trâu tựa vào vành ghế, khiến cái vành ghế phải oải hẳn về đằng sau. Như thế phỏng còn gì là ghế? Có mà ghế sắt cũng phải hỏng, đừng nói gì ghế mây!… Một hôm thị bàn với chồng rằng:

    Này, cậu ạ! Người nhà quê họ vô ý lắm. Mình có của thì mình phải giữ gìn. Hay là ta đem cất những cái ghế mây đi, kẻo để ai vào cũng leo lên ngồi chồm chỗm, mấy chốc mà vứt đi?

    Thoạt nghe, Ðiền phải bật cười. Ðiền nghĩ đến tính bủn xỉn của đàn bà. Họ may áo để cất đi. Và mua ghế để chẳng cho ai ngồi sốt. Ðiền đã toan phản đối. Nhưng nghĩ ngợi một giây, Ðiền lại bằng lòng. Vợ Ðiền thế nào chả hơn Ðiền trong cái môn lo liệu việc nhà? Vả bây giờ Ðiền chỉ là một kẻ ăn nhờ. Vợ Ðiền phải lo cho chồng từ năm xu húi cái đầu. Thị đã phải gánh lấy tất cả cái ách gia đình, thì cũng nên để cho thị có quyền trong gia đình một tý. Kẻo thị lại bảo: dẫu có hỏng cái gì, Ðiền cũng không phải bỏ tiền thay, nên điền không xót ruột… Từ hôm ấy, bốn cái ghế mây được treo lên bốn cái mỏ móc buộc ngoài đầu chái. Chỉ những khi có khách khứa nào sang trọng, Ðiền mới ra bê vào.

    Nhưng những buổi tối có trăng thì dù chẳng có ai, Ðiền cũng khuân đủ bốn cái ghế ra sân. Rồi Ðiền gọi vợ, con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một chiếc Ðiền dùng mà gác chân. Họ ngồi ghế, đợi trăng lên. Nếu con nhỏ không khóc, con lớn không bắt gãi thì hạnh phúc thật hoàn toàn. Gió thổi tan những lo lắng, chua cay chất ở lòng. ánh trăng êm xoa nước mát lên da. Da mềm dịu. Những nét cau có chìm đi tất cả. Trán vợ Ðiền hóa phẳng phiu, mặt thị tươi hẳn. Thị trẻ ra mười tuổi. Những phút thảnh thơi ấy, sao mà thị hiền dịu thế! Ðáng yêu đến thế! Ðiền không nhận ra một chút gì ở thị nó có dính dáng đến người đàn bà cau có vẫn ngoác mồm ra mắng con, mắng con ở, mắng mèo, mắng chó khiến nhà cứ om lên suốt ngày. Thị cúi xuống đứa con nhỏ, đồng thời ngước đôi mắt âu yếm nhìn con lớn. Ðứa con lớn cười với thị. Thị cười với nó. Thị cười với chồng. Ðiền nhìn vợ, nhìn con, lòng sung sướng. Ðiền mỉm cười với giăng.

    Ðiền rất yêu giăng. Cái ấy cũng là thường, bởi óc Ðiền đẫm văn thơ. Có đọc văn thơ, mới biết giăng là một cái đẹp và quý lắm. Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn. Trăng, ơi trăng! Cái vú mộng tròn đầy mà thi sĩ của muôn đời mon man! Ðiền không ân hận chút nào. Hai thân Ðiền bán cả ruộng, vườn đi để cho Ðiền đi học chẳng phí đâu. Ðã đành các người chỉ có cái mục đích con làm nên ông phán, ông tham để ấm thân; các người hoàn toàn thất vọng khi thấy con leo cau đến tận buồng mà lại hỏng ăn. Ðiền tạng yếu quá, không được nhận vào công sở; và các người đã vội cho là tiền con đi học thật là tiền vất xuống sông. Nhưng Ðiền tin rằng: cái học thức của Ðiền tuy chẳng giúp Ðiền kiếm nổi miếng ăn, nhưng cũng có ích cho Ðiền nhiều lắm. Chỉ nói một cái nhờ nó mà Ðiền đọc nổi văn thơ, và nhờ văn thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng. Và Ðiền rất phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như tâm hồn của vợ Ðiền. Ðối với thị, giăng chỉ là … đỡ tốn hai xu dầu! Dầu lạc lúc này mỗi chai lít hai đồng. Mới biết các nước đánh nhau cũng có thiệt cho con nhà nghèo thật. Mỗi tối, thị đốt đèn một lát. Nhưng một lát cũng đủ tốn hai xu rồi. Những tối có trăng đỡ tốn hai xu. Hai xu chẳng là bao nhưng mười cái hai xu đã được hai hào; mười cái hai hào đã được hai đồng bạc; và mười cái hai đồng bạc… chao ôi! Nếu cứ tính toán mãi thế, thì biết đến bao giờ cũng được? Sao thị lại cứ phải luôn luôn tính toán? Những kẻ chỉ suốt đời tính toán là những kẻ tự làm khổ thân suốt đời… Ðiền vẫn trách vợ Ðiền như thế đấy. Ðiền có ngờ đâu chính Ðiền cũng một tật. Và ngay lúc này đây, lúc ngồi ngắm trăng để tạm quên những cái lo nhỏ nhen của kiếp người, Ðiền cũng còn tính vẩn vơ. Ðiền thấy giời rộng quá và sao nhiều quá. Ðiền nhớ đến câu thơ của một thi sĩ Tây phương ví khoảng trời sao như một cánh đồng. Nếu trời là một cánh đồng thì cánh đồng ấy thật bao la. Và Ðiền chỉ cần được một mảnh bằng cái mảng ở sau nóc nhà Ðiền kia, cũng đủ cho Ðiền không còn phải lo sinh kế nữa. Ðiền sẽ trao cho vợ Ðiền cai quản. Còn Ðiền lúc ấy có thể rảnh rang theo đuổi cái mộng của Ðiền…

    Ðó là một cái mộng văn chương. Ðã có một thời, Ðiền chăm chỉ đọc sách, viết văn. Ðiền nao nức muốn trở nên một văn sĩ. Ðiền sẽ nguyện cam chịu tất cả những thiếu thốn, đọa đày mà văn nhân nước mình phải chịu. Ðiền vẫn thường bảo với một người bạn cùng chí hướng: Ðiền sẵn lòng từ chối một chỗ làm kiếm mỗi tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiếm được năm đồng bạc về nghề văn… Nhưng viết luôn mấy năm trời, Ðiền chẳng kiếm được đồng nào. Trong khi ấy Ðiền vẫn phải ăn. Nhà Ðiền kiết xác xơ. Các em Ðiền không được đi học. Mà cũng không được ăn no nữa. Sự túng thiếu đưa đến bao nhiêu là lục đục. Bố Ðiền bỏ nhà đi. Mẹ Ðiền gồng thuê, gánh mướn kiếm tiền nuôi hai đứa con thơ. Những đứa con lớn, đứa đi ở bế em, đứa đi ở chăn trâu, đứa đi xin những cái hoa chuối, những nắm khoai đội đi chợ xa bán để kiếm vài xu ăn cho khỏi chết. Ðiền thấy mình ích kỷ. Sự nghiệp mà làm gì nữa? Bổn phận Ðiền phải nghĩ đến gia đình. Ðiền phải gây dựng lại gia đình! Ðiền phải tạm quên cái mộng văn chương để kiếm tiền. Ðiền đi dạy học. Chao ôi! Dạy học lấy mỗi tháng có hai mươi đồng. Bà mẹ Ðiền tưởng thế đã là phong lưu lắm. Bà bắt Ðiền cưới vợ. Vợ Ðiền là một con nhà khá giả, lấy Ðiền vì Ðiền là người có học. Rồi Ðiền có con. Cái gia đình lớn của Ðiền đã chẳng được nhờ Ðiền, bây giờ lại thêm một gia đình con con nữa. Không một phút nào Ðiền không phải nghĩ đến tiền. óc Ðiền đầy những lo lắng nhỏ nhen. Một đôi khi chợt nhớ lại cái mộng xưa, Ðiền lại thở dài. Ðiền tự an ủi: Có tiền rồi sẽ viết. Nhưng Ðiền biết: chẳng bao giờ Ðiền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Ðiền cũng không có tiền…

    Tối nay lại có giăng. Nhưng Ðiền chỉ đem có hai cái ghế ra sân. Vợ Ðiền hôm nay luật quật suốt cả ngày. Con ở xin đi ăn giỗ một hôm. Thị lại phải dệt vải lấy tấm vải để mai đi bán về đưa lãi nợ. Dệt xong thị vội vàng đi đòi món tiền. Về đến nhà, con bé khóc hết hơi. Con lớn thì lem luốc, mũi dãi nguếch ngoác bôi đầy mặt. Nhà cửa còn bề bộn. Con ở vẫn chưa về. Mình thị biết xoay sở làm sao kịp? Thị thấy lòng sôi lên sùngõ sục, thị giậm chân bành bạch kêu trời. Thị đánh con lớn, chửi con nhỏ, quăng cái chổi, đá cái thúng, và càu nhàu trống không. Rồi thị bế con đi nằm sớm. Ðứa con lớn thút thít khóc chán cũng lăn ra ngủ.õ Mình Ðiền ngồi ngoài sân. Ðiền cố thản nhiên. Nhưng da mặt cứ rồm rộm; nó có vẻ dày lên và tê tê. Ðiền thấy gần như tủi cực. Vợ Ðiền có lẽ rất yêu Ðiền. Nhưng thị chỉ biết rằng người ta cần ăn cơm, mặc áo và uống thuốc khi đau ốm. Thị chỉ cố lo cho chồng ba thức ấy. Thị nhịn ăn để chồng ăn. Thị nhịn mặc cho cho chồng mặc. Thị bán đến cả yếm, áo để lo thuốc thang cho chồng. Thị tưởng thế là chồng sung sướng lắm. Nhưng không phải, Ðiền đã quen với những tình cảm nồng nàn và những lời nói vuốt ve. Nét mặt cau có, ngân ngữ cục cằn, và nhất là cái lối yêu quá đơn sơ – có thể nói thô sơ – của vợ Ðiền làm cho Ðiền khổ. Ðiền thấy cái đời tình cảm của Ðiền thiếu thốn. Ðiền không được yêu ai. Còn sống trong cái gia đình này mãi, giữa những lo lắng nhỏ nhen này mãi, lòng Ðiền sẽ cạn. Cạn luôn cả nguồn thơ quý báu, mà Ðiền vẫn ao ước có ngày lại khơi…

    Trên kia, giăng nhởn nhơ như một cô gái non vừa mới có nhân tình. Gió nhẹ nhàng đặt trên lá những bước chân vũ nữ. Những tàu lá chuối láng trăng đưa đẩy… Ðiền nghĩ đến những người đàn bà nhàn hạ, vừa tắm bằng một thứ nước thơm tho, mặc áo lụa xanh, ngả tấm thân mềm trên chiếc ghế xích đu và đưa đẩy đôi chân thưỡn thẹo…

    Tại sao Ðiền lại vụt nghĩ đến những hình ảnh lả lơi ấy? Chính Ðiền cũng không thể hiểu. Có lẽ Ðiền ước ao một cái mái tóc thơm tho, một làn da mát mịn, một bàn tay ve vuốt. Có những người đàn bà đẹp, yêu rất khéo, bởi họ được ăn ngon, mặc đẹp, chăm sóc thịt da và chẳng làm gì cả. Phải rồi, vợ Ðiền chỉ là một kẻ tục tằn. Thị chẳng đáng cho Ðiền yêu quý. Cũng chẳng đáng cho Ðiền thương hại. Ðiền phải đi. Ði để giữ cho lòng mình tươi lâu. Ðiền sẽ làm bất cứ cái gì đó để có ăn. Rồi Ðiền bình tĩnh viết. Có như vậy Ðiền viết mới ra hồn được. Lời phải đẹp. ý phải thanh cao. Ngọn bút của Ðiền mới khơi nguồn cho những tình cảm đầy thơ mộng. Nghệ thuật chính là cái ánh trăng xanh huyền ảo nó làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa…

    Ðiền lại thấy hiện ra cái bóng dáng yêu kiều của những người đàn bà nhàn nhã ngả mình trên những cái ghế xích-đu nhún nhảy… Những người ấy sẽ đọc văn Ðiền. Lòng họ đẹp thêm lên. Họ sẽ yêu Ðiền. Họ sẽ gửi cho Ðiền những bức thư xinh xinh ướp nước hoa. Tưởng tượng của Ðiền tỏa rộng ra như một ánh trăng. Ðiền nghĩ đến những cuộc tình duyên lãng mạn với những người đàn bà đẹp chỉ biết trang điểm và yêu đương. Những tiếng gắt gỏng ở trong nhà lại đưa ra. Vụt cái, trăng mất đẹp. Ðiền cúi mặt, bẽn lẽn như bị bắt gặp làm việc xấu. Ðiền lắng tai nghe. Tiếng vợ Ðiền gay gắt hỏi:

    – Làm sao thế?

    Ðứa con gái vừa mếu máo vừa đáp lại.

    Con đau bụng.

    Giời ơi là giời!

    Ấy là tiếng vợ Ðiền rên lên. Rồi thị mắng con:

    – Ăn bậy lắm! Chết là phải, còn kêu ai?

    Ðứa con không dám khóc to. Nó chỉ oằn oại và rít nho nhỏ trong cổ họng. Thỉnh thoảng nó không còn sức nén, tiếng khóc bật ra Ðiền nghe một vài tiếng nức nở như tiếng người nôn oẹ, Ðiền vẫn ngồi cúi mặt. Một nỗi chua xót gần như là thuộc về thể chất, ứ lên trong lòng Ðiền. Nó dâng lên đến cổ, xông lên óc. Nước mắt Ðiền ứa ra.

    Vợ Ðiền gượng nhẹ đặt đứa con đang ngủ mệt xuống võng. Thị cầm một con dao ra vườn moi mấy nhánh gừng về rửa sạch, giã ra. Thị vắt thêm vào đấy nửaõ quả chanh. Thứ thuốc bách bệnh của con nhà nghèo chỉ gồm có thế. Thị gạn lấy nước đem lại cho con. Con bé mới ngửi thấy hơi gừng đã sợ. Nó mím chặt môi. Dỗ thế nào nó cũng không chịu uống. Thị phải bế nó, đặt nằm ngửa trên đùi, một tay thị đỡ đầu, một tay thị kề chén nước gừng vào tận môi con. Con bé mím môi thật chặt. Bực mình thị quát:

    – Há mồm ra!

    Con bé khóc. Thế là cốc nước gừng đã dốc tuột vào mồm nó. Nó giãy lên như đỉa phải vôi. Nó phun phè phè. Nó gào lên. Bao nhiêu nước gừng bắn ra áo mẹ. Thằng cu con giật mình, khóc thét lên. Vợ Ðiền tức quá, phát đen đét vào lưng con bé ốm và quăng nó xuống giường như quăng một con mèo:

    Kệ cha mày! Cho mày chết đi! Con bé vừa gào vừa van lạy:

    Con lạy bu! Con cay lắm! Con lạy bu! Cay mồm…

    Mày câm ngay không tao tát cho vỡ mặt. Nó vẫn không chịu lặng. Thị sừng sộ, chực vồ lấy nó:

    Mày có câm không nào?

    Nó sợ quá đành phải nín. Nhưng những tiếng rên nho nhỏ vẫn còn thoát ra… Ðiền thương con lắm. Vút cái, Ðiền thấy Ðiền không thể nào đi được. Ðiền không thể sung sướng khi con Ðiền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?… Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…

    … Sáng hôm sau, Ðiền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một người láng giềng ban đêm mất gà.

    Tiểu thuyết thứ Bảy.

    Số 439, ngày 14-11-1942
     
    ChiracatTài Phạm thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tám 2018
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...