NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ NGƯỜI HƯỚNG NỘI Hiện nay, sự gia tăng của tình cảm hướng nội được các nhà tâm lý học hiện đại và các nhà lãnh đạo tư tưởng cổ vũ, ca ngợi và đánh giá cao. Hướng nội có sự khác biệt của họ, không cố định hay đóng đinh vào khuôn mẫu hướng ngoại. Việc trở thành một người hướng nội thậm chí còn trở nên hợp thời, đến nỗi ngay cả một số người hướng ngoại cũng sẽ cố gắng miêu tả mình như một người sống nội tâm chỉ để tỏ ra sắc sảo và thông minh hơn. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều những quan điểm sai lầm nghiêm trọng về người hướng nội. Và cũng thật buồn cười, khi có nhiều người lại khuyên những người hướng nội nên sống cởi mở và hoạt bát hơn. Tại sao lại như vậy? Chúng ta cùng tìm hiểu! 1. Ngại ngùng khi giao tiếp Điều đầu tiên mà các bạn thường hiểu sai, đó là nghĩ rằng một người hướng nội thường ngại ngùng khi giao tiếp. Đây có lẽ là hiểu lầm phổ biến nhất khi mọi người nhắc đến hoặc thậm chí là dùng để định nghĩa về hướng nội. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hai khái niệm này thì bạn sẽ thấy giữa chúng không hề có mối liên hệ nào. Ngại ngùng là trạng thái hay hành vi xuất phát từ sự e dè từ sự lo lắng, thậm chí là sợ hãi của một người khi tiếp xúc với người hay môi trường xã hội nào đó. Trong khi người hướng nội thì hoàn toàn có thể rất tự tin đối đáp ứng xử, giải quyết những vấn đề trước đám đông mà không có bất kỳ xáo trộn nào về mặt cảm xúc. Còn việc họ chọn ở một mình, không thích đám đông, không phải là do e dè, lo lắng hay sợ hãi nơi đông người, đơn giản là họ làm như vậy để bản thân họ cảm thấy thoải mái hơn mà thôi. Cũng có rất nhiều trường hợp các bạn hướng ngoại, khi bước lên sân khấu cũng run sợ, không dám lên. Như vậy, hướng nội và hướng ngoại thì chẳng liên quan gì đến việc ngại ngùng cả. 2. Không cần bạn bè Hiểu lầm thứ hai là mọi người nghĩ hướng nội thì không cần bạn bè. Đây cũng là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Người hướng nội thì thích dành thời gian ở một mình nhiều hơn, không có nghĩa là họ muốn cách ly với loài người. Thực tế họ vẫn thích ở bên bạn bè và người thân bình thường như bao người khác. Họ cũng sẵn lòng gặp gỡ thiết lập các mối quan hệ mới. Họ vẫn có khả năng thao thao bất tuyệt về một chủ đề họ thấy hứng thú. Tuy nhiên, với những người hướng nội, chỉ cần ít các mối quan hệ có chất lượng cần thiết là đủ. Với người hướng nội, lắng nghe cũng là một cách giao tiếp. Họ thích đến từ xa để thụ hưởng niềm vui của đám đông, chứ không cần trực tiếp tham gia mới có được niềm vui. 3. Không giỏi lãnh đạo Sai lầm thứ ba cũng nguy hiểm không kém, đó là nghĩ rằng những người hướng nội không giỏi lãnh đạo và không có khả năng trình bày trước đám đông. Đây không chỉ là những suy nghĩ sai mà thậm chí còn ngược lại. Những người hướng nội thường có suy nghĩ sâu sắc hơn về các vấn đề. Đơn giản là vì họ dành thời gian để nghe và nghĩ nhiều hơn là nói. Cho nên về logic có thể kết luận đa số họ có năng lực tư duy tốt hơn người hướng ngoại. Tất nhiên là không phải người hướng ngoại thì không giỏi, nhưng ai mà chỉ nói không biết nghĩ thì thực sự không phải đối thủ của người hướng nội. Bởi vậy người hướng nội ít nói, nhưng nói ra câu nào thì chất câu đó. Việc truyền đạt của họ có thể ngắn gọn, súc tích. Như vậy, họ hoàn toàn có thể thuyết trình hay và cuốn hút. Bên cạnh đó, những người hướng nội cũng tỏ ra nhạy cảm và tâm lý hơn. Bằng thói quen quan sát vốn có của mình, họ có thể cảm nhận được những suy nghĩ, tâm tư của một người mà không nhất thiết phải để người đó nói ra. Mà sếp nào tâm lý thì chắc chắn là nhân viên sẽ hài lòng. Vậy nên không thể nói là họ không giỏi trong việc lãnh đạo. 4. Cần hướng ngoại nhiều hơn Và sai lầm cuối cùng, sai lầm khá buồn cười đó là nghĩ rằng người hướng nội thì cần phải hướng ngoại nhiều hơn. Như giải thích trên, hướng nội không phải điều gì đó tiêu cực, cũng không phải là người hướng nội thì không tài giỏi và sống không hạnh phúc. Thế thì có lý do gì để người hướng nội phải thay đổi, trong khi cuộc sống của họ vẫn đang tốt đẹp? Với người hướng ngoại và hầu hết mọi người, người hướng nội có vẻ khác biệt? Thế nhưng đó chỉ là sự khác biệt thôi, không hề có gì xấu ở đây. Thế nên, không cần phải sống hướng ngoại, mà thật ra chắc gì hướng ngoại đã là tốt. Là một người không hướng ngoại mà cũng chẳng hướng nội, trong nhiều sự kiện, mình hòa đồng với mọi người, cười nói, nói chuyện vui vẻ. Nhưng trong nhiều hoàn cảnh khác, mình cảm thấy không cần thiết phải nói. Ngồi nghe cũng hay mà thậm chí nhiều chuyện chẳng có gì đáng để nghe. Các mối quan hệ cũng vậy, không phải cứ kết giao nhiều là tốt, mà vừa đủ là được. Đôi khi quen biết nhiều quá, tụ tập nhiều lại không có thời gian làm việc, chăm sóc cho bản thân, gia đình. Mà đôi khi nhiều người cái gì cũng biết, cái gì cũng hay, người ta còn gọi là cái loa phường. Không chỉ có vậy, nếu bạn đang sống quá vội vã, bạn đang chạy quá nhanh với dòng chảy cuộc đời, bạn đang mệt mỏi với sự hỗn loạn của các mối quan hệ, hay đang chịu áp lực của những việc lo lắng, bạn có thể nên dừng lại để cảm nhận lại cuộc sống. Rất có thể bạn sẽ thấy cuộc sống này rất khác. Trong cuốn sách "Quyền tách khỏi đám đông", tác giả sẽ cho bạn thấy góc nhìn của một người sống chậm, thì cuộc đời nó sẽ như thế nào, tại sao lại nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc hơn, mọi điều phiền muộn sẽ tan biến như mây trời. Biết đâu cuộc sống của bạn sẽ ý nghĩa và hạnh phúc hơn.