Những Nữ Thi Sĩ Trong Văn Học Trung Đại Việt Nam

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Diệp Minh Châu, 19 Tháng mười một 2021.

  1. Diệp Minh Châu

    Bài viết:
    115
    1. "Bà Chúa Thơ Nôm" – Thi sĩ. Hồ Xuân Hương

    upload_2021-11-19_10-43-7.png

    - Vài nét về tiểu sử: Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh những vấn đề về tiểu sử của Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, trong cuốn"Giai nhân dị mặc" của Nguyễn Hữu Tiến đã chép rằng: Bà sinh năm 1772 tại Thăng Long, nguyên danh là Hồ Phi Mai, là con gái của sinh đồ Hồ Phi Diễn, quê ở Nghệ An.

    + Bà là một người con gái tài năng nhưng lại trải qua cuộc đời bi thương với hai đời chồng không trọn vẹn. Cuộc hôn nhân đầu tiên, bà làm lẽ cho Tổng Cóc – một cường hào ngày ngày chỉ biết ăn chơi tiều xài phung phí đến mức tán gia bại sản. Đặc biệt bà còn phải chịu sự ghen tuông, nghị kỵ của người vợ cả vì ông Tổng mến mộ tài năng của bà. Bà đã dứt áo bỏ đi. Thấu hiểu những nỗi uất ức, đau khổ của người làm lẽ, bà đã lên tiếng bênh vực cho người phụ nữ:

    "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

    Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.

    Năm chừng mười họa hay chăng chớ,

    Một tháng đôi lần có cũng không.

    Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,

    Cầm bằng làm mướn mướn không công.

    Nỗi này ví biết dường này nhỉ,

    Thời trước thôi đành ở vậy xong."

    (Lấy chồng chung)

    + Sau này bà tiến đến với ông Phủ Vĩnh Tường, tức là Tú tài Phạm Viết Ngạn và sinh cho ông một đứa con tên Phạm Viết Thiệu, thế nhưng hơn hai năm sau thì người chồng này của bà cũng tạ thế.

    - Hồ Xuân Hương là một trong những gương mặt tiêu biểu trong văn học trung đại nói riêng cũng như văn đàn Việt Nam nói chung. Với tư tưởng mới mẻ và lối làm thơ phá cách, bà đã đem lại nhiều tác phẩm độc đáo, có giá trị riêng cho nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của bà có cả chữ Hán và Nôm nhưng chủ yếu vẫn là chữ Nôm. Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ: Bánh trôi nước, tự tình, vịnh cái quạt, vấn nguyệt, động Hương Tích.. Với những đóng góp đó, bà đã được nhà thơ Xuân Diệu suy tôn là "Bà chúa thơ Nôm".

    "Thân em vừa trắng lại vừa tròn

    Bảy nổi ba chìm với nước non

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son."

    (Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)

    + Bài thơ "Lỡm học trò"

    "Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

    Lại đây cho chị dạy làm thơ

    Ong non ngứa nọc châm hoa rữa

    Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa"

    2. "Hồng Hà nữ sĩ" – Đoàn Thị Điểm

    Link

    - Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, con gái của Đoàn Doãn Nghi, từng đỗ Hương cống, được xem là người khai khoa cho dòng họ. Sau này ông từ quan về mở trường dạy học và bốc thuốc, không mang tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn phổ biến trong xã hội phong kiến, ông cho cả con trai con gái học chữ, học võ.

    - Năm 16 tuổi, Đoàn Thị Điểm được quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, đưa về Kinh thành Thăng Long. Đây là thời gian Bà đọc được rất nhiều sách quý trong kho sách của quan Thượng Thư nên vốn kiến thức được mở rộng, thấy con gái nuôi thông minh lỗi lạc, vị Thượng Thư có ý định dạy dỗ những điều cần thiết để tiến cử vào cung, nhưng bà kiên quyết từ chối.

    - Đoàn Thị Điểm là một người giỏi chữ nghĩa, sống nhân nghĩa. Do cha và anh trai lần lượt qua đời vì mắc bạo bệnh, buộc bà phải trở thành trụ cột trong gia đình. Bởi vậy, tuổi xuân của bà để giành gồng gánh mưu sinh nuôi sống mẹ già, người chị dâu đau yếu cùng hai cháu nhỏ.

    - Bà vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh, những lúc rảnh rỗi lại say sưa với bút nghiên, văn chương, thơ phú. Bà nổi tiếng là người có tài ứng đối, giai thoại kể lại như sau:

    Năm ấy, được tin sứ nhà Thanh khét tiếng hống hách sắp sang nước ta, vua Lê, chúa Trịnh tỏ ý lo ngại. Tin vào tài ứng đối của Quỳnh, triều thần giao cho trạng giữ việc tiếp sứ. Trạng cho dựng một ngôi quán nhỏ bên bờ sông Cái, xin vua triệu bà Điểm ra đó ngồi bán hàng. Còn mình tự quản một chiếc đò, nhận đón chở sứ bộ qua sông.

    Mấy tên trong sứ bộ Tàu vừa đến nước ta, qua ngôi quán bà Điểm, nhác trông cô hàng nước xinh tươi óng ả, liền thả lời bỡn cợt. Một tên líu lớ đọc bâng quơ:

    - Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh. (tức là một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày. Ý mỉa mai người đàn bà này lẳng lơ)

    Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:

    - Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất. (Nghĩa là bọn quan to, ông lớn phương Bắc đều chui ra từ chỗ ấy cả).

    Câu đối lọt vào tai bọn sứ bộ, chúng giật mình, câm họng. Ngờ đâu chị hàng bán nước mà tài học cũng siêu việt đến thế!

    - Một lần nữa, khi đang dạy học cho học trò, tới đoạn: Đằng là nước nhỏ lại nằm giữa hai nước Tề, Sở nên việc ngoại giao giữa hai nước rất khó khăn. Ngay lúc đó, ông hàng xóm có hai bà vợ đang gây lộn cãi nhau om sòm. Bà tức cười, liền cho học trò lấy đề nước Đằng bỡn ông hai vợ. Có nhiều học trò làm bài, nhưng bài của Đoàn Lệnh Khương (con trai Đoàn Doãn Luân) là hay hơn cả, được bà chỉnh ý lại như sau:

    "Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhen

    Lại thêm Tề, Sở ép hai bên

    Quay đầu với Sở, e Tề giận

    Ngoảnh lại sang Tề, sợ Sở ghen."

    (Vịnh nước Đằng bỡn ông hai vợ)

    - Bà nên duyên cùng tiến sĩ Nguyễn Kiều, họ trở thành người một nhà, tâm đầu ý hợp khiến cuộc sống hôn nhân trở nên viên mãn. Tuy nhiên, hạnh phúc lứa đôi thật ngắn ngủi, thành hôn chưa đầy một tháng, chồng bà – Nguyễn Kiều phải đi sứ phương Bắc, bà lại phải ở nhà chờ chồng ròng rã 3 năm. Nghĩ đến cảnh sương gió đường xa, nỗi chia ly cách biệt giữa hai tâm hồn đồng điệu khiến bà rơi vào trạng thái cô đơn. Trong khoảng thời gian này, thi sĩ Đặng Trần Côn ghé chơi, đã tặng bà tác phẩm "Chinh phụ ngâm" được viết bằng Hán tự, như đất khô cạn gặp được cơn mưa rào, tác phẩm này không chỉ nói lên nỗi lòng riêng của Đoàn Thị Điểm mà còn là tâm sự chung của bao người phụ nữ. Thấu hiểu điều đó cũng như giá trị của tác phẩm, bà đã quyết tâm dịch nó sang chữ Nôm để chúng ta có đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" được học trong chương trình Ngữ Văn lớp 10 trong bậc THPT. Trích đoạn như sau:

    "Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

    Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

    Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

    Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

    Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

    Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

    Buồn rầu nói chẳng nên lời,

    Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

    Gà eo óc gáy sương năm trống,

    Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.

    Khắc giờ đằng đẵng như niên,

    Mối sầu dằng dặc tụa miền biển xa.

    Hương gượng đốt đà mê mải,

    Gương gượng soi lệ lại châu chan.

    Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

    Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.

    Lòng này gửi gió đông có tiện?

    Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

    Non Yên dù chẳng tới miền,

    Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

    Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

    Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

    Cảnh buồn người thiết tha lòng,

    Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun."

    Link

    - Đoàn Thị Điểm là một tác giả lớn của nền văn học trung đại Việt Nam, với bút pháp đa dạng, vừa giỏi văn Hán, vừa giỏi thơ Nôm. Bà sáng tác nhiều nhưng chủ yếu là tản văn. Ngoài bản dịch Chinh Phụ Ngâm Bà còn là tác giả tập truyện Ký, Truyền Kỳ Tân Phả và một ít thơ văn câu đối chữ Hán, chữ Nôm được lưu giữ trong Hồng Hà phu nhân di văn. Tuy nhiên, thể loại và số lượng tác phẩm chưa nói lên được tất cả, đóng góp của Bà Đoàn Thị Điểm chính là ở những giá trị nhân văn cao cả, những tư tưởng lớn lao vì dân vì nước và những đặc sắc về nghệ thuật mà Bà đã gửi gắm và đạt được trong các tác phẩm của mình. "Bà là ngôi sao sáng trong hàng ngũ những nữ sĩ Việt Nam, một nhà giáo, một lương y tài đức vẹn toàn"
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...