NHỮNG NỖI BUỒN MANG TÊN NGƯỜI TRẺ Không chỉ với người trẻ, mọi người đều mong muốn có một lời giải đáp riêng cho câu hỏi cuộc đời mình, người trẻ có buồn không? Những năm tháng tuổi trẻ, họ có lẽ sẽ lầm tưởng rằng tuổi trẻ chỉ có những phút giây vui vẻ và hồn nhiên, nỗi buồn chỉ là thoáng qua thôi. Ở tuổi 17 hay 20 là khoảng thời gian không sao diễn tả hết được bằng lời, những khó khăn, nhiệt huyết, những sai lầm dại dột đưa con người ta tới tận cùng rồi một tia sáng không biết ở đâu vụt tới và mọi việc được giải quyết. Có những khoảng lặng chúng ta chỉ muốn một mình. Và những người trẻ cũng không ngoại lệ, họ đang trong một giai đoạn biến đổi của bản thân, những sự thay đổi mà ngay chính bản thân họ cũng không thể nào hiểu hết được. Họ lao vào những chuyến đi, sống bức phá như thể ngày mai ngủ dậy là không còn thời gian nữa, họ thử làm những trò điên dại nhất mà từ trước chưa hề làm, xem nếu không làm sẽ chẳng còn cơ hội. Họ xông pha với cuộc đời bằng con mắt trẻ trung và nhiệt huyết, con mắt ngây thơ và hi vọng rằng mình sẽ thành công. Thế nhưng, người trẻ lại là người dễ thất bại nhất trong hành trình của cuộc sống, trong cuộc đời mỗi con người, họ quá năng nổ thành ra thiếu tính kiên trì, họ sẵn sàng xông pha nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Thế nên, họ dễ rơi vào thất bại và những câu chuyện ngang trái sau cánh cửa học đường cũng đã ngốn một khoảng thời gian lớn của tuổi trẻ. Một số người trẻ, tìm đến bia rượu như một giải pháp cứu cánh cho nỗi buồn và sự tuyệt vọng, như một bằng chứng cho sự trưởng thành. Khi còn nhỏ chẳng phải chúng ta cũng hay thắc mắc rằng sao khi buồn người lớn hay uống bia rượu, cái thứ nước đắng ngắt ghê sợ, cái mùi kinh khủng mỗi khi ba lê lết từ bàn nhậu về nhà. Người trẻ cũng muốn thử cảm giác ấy, lần đầu tiên đắng, nhưng cộng với nổi buồn, nó chẳng là cái gì cả. Rồi họ hò hét, kể lể và về nhà lăn lên giường khi đã tối mịt, để rồi trưa hôm sau tỉnh dậy, thấy mọi thứ đã quên hết, đầu óc trống rỗng và miệng thì đắng chát và rùng mình khi nghĩ đến bia. Đó là một cách để giải tỏa nổi buồn mà hình như lại là cách thịnh hành nhất khi đa số người trẻ, nhất là thanh niên hiện nay vẫn hay áp dụng, xem đó là chuyện bình thường để vơi đi nổi buồn. Nó có thể làm ta quên đi nỗi buồn nhưng lại là liều thuốc độc hại đối với sức khỏe, nếu như một tháng một lần thì còn được, còn giả sử một tuần hơn một lần thì quả là nguy hại. Một lần say là một lần dường như đánh mất chính mình. Người trẻ khi mới bước vào đời, đối diện với sai lầm của mình thường tự ti và né tránh. Chẳng hạn một học sinh giỏi, một sinh viên xuất sắc khi ra trường đi làm trong một công ty lớn lại bị cấp trên khiển trách, cái tôi của họ đâu dễ gì để yên. Một học sinh trường chuyên và luôn đứng đầu, đạt nhiều giải cao trong các kì thi, vào đại học lọt xuống tốp cuối, chỉ còn là cái bóng nhạt nhòa, làm sao tránh khỏi sự bế tắc và tự hỏi cuộc đời, ta nên làm gì? Một số tìm bạn bè, kể cho họ nghe những vấn đề đang gặp phải và tìm cách giải quyết hay ít nhất là cần một bờ vai để tựa vào, một nơi để khóc thật to. Khoa học đã chứng minh rằng, nếu chúng ta có thể khóc ra được, nổi buồn có thể vơi đi nhiều lần trước đó. Người trẻ cần một người bạn để lắng nghe, chỉ cần lắng nghe và để họ có cảm giác an toàn, như vậy là đủ rồi. Không cần phải những lời an ủi ủy mị, những câu than trách ngược lại.. Có chăng cách này là cách khả thi nhất để người trẻ nói ra những điều trong lòng mình, hiểu hơn bản thân mình và nhận ra không nỗi buồn hay khó khăn nào là không qua đi, điều quan trọng nhất là ta phải đối diện với nó như thế nào. Nhưng vẫn còn một trường hợp nữa không phải là ít. Những con người không thể mở lời. Tuổi trẻ có nhiều trăn trở, một số bạn đã có những trăn trở của tuổi 30 khi chỉ mới bước sang tuổi 17 hay đã có nhưng vấn vương tuổi 50 khi chỉ mới có đôi mươi. Ở họ, họ không thỏa mãn một cuộc sống quá ư là đơn giản nhưng cuộc sống của họ lại quá bình thường khiến họ trở nên thất vọng. Họ suy nghĩ nhiều hơn người bình thường, làm việc nhiều hơn người bình thường và làm cả những thứ mọi người cho là rảnh rỗi. Nhưng họ chẳng bao giờ tìm thấy chính mình. Có những ngày mưa phùn lạnh giá, bầu trời xám xịt và mây mù, họ cảm thấy cô đơn vô ngần, thấy lòng buồn vô tận, những nổi buồn không biết từ đâu. Và rồi một ngày khi họ gặp vật cản đường, những khó khăn, họ không biết cách vượt qua. Và chịu đựng nổi đau một mình, như thể thế giới chỉ có mình họ. Tôi đã từng trải qua những cảm giác ấy, nó thật sự kinh khủng đến không tưởng tượng được là tôi đang ở thế giới loài người. Ngày tôi thi môn đầu tiên trong học kì đầu tiên ở ngôi trường đại học mà tôi mơ ước, tôi fail hoàn toàn. Không phải là do tôi không cô gắng mà tôi đã không thể may mắn đủ như người khác. Thi xong đầu óc tôi rối bời, tôi muốn khóc thét lên thật to, nhưng chẳng ai cho tôi một bờ vai lúc ấy. Trượt điện thoại của mình, cả trăm số danh bạ, may mắn có một người mà cho tôi cảm giác an toàn. Tôi nghĩ thế rồi lên xe buýt đi tìm người bạn đó, tôi đã đi đúng nơi, tìm đúng người nhưng lại không dám gọi người bạn đó ra gặp. Tôi đã không biết phải đối diện như thế nào, tôi không dám khóc, tôi muốn tỏ ra là một người mạnh mẽ trước mặt mọi người. Tôi đã từng nghĩ: Không được phép tỏ ra yếu đuối, phải mạnh mẽ ngay cả khi không đủ sức để mà mạnh mẽ. Và rồi nuốt nước mắt vào trong lẳng lặng ra về. Tôi đâu biết người bạn ấy sẽ suy nghĩ như thế nào về nỗi buồn của tôi, và rồi tôi tự cho mình khả năng suy đoán tất cả mà không có một chút căn cứ nào. Nhiều năm trở về sau, tôi vẫn còn hối hận trước quyết định của mình, rằng đã không gặp người đó, không khóc cho thật đã mà cứ cố nín nhịn. Nhiều người trẻ cũng như vậy, không phải không muốn nói ra mà là không thể nói ra, không có từ nào để diễn tả tâm trạng của mình, nhưng chí ít cũng nên khóc, khóc ra với một ai đó. "Nước mắt là ngôn từ trái tim không thể diễn tả". Người trẻ sợ khi ai đó thấy mình khóc là mình đang yếu đuối, nhưng chỉ những người yếu đuối mới không bao giờ khóc. Nỗi buồn của tuổi trẻ như buổi chiều hoàng hôn cuối thu nhuộm màu cả vùng trời tâm trạng, đôi khi có đủ khả năng nhấn chìm họ hoàn toàn trong sự bất lực và vô vọng. Khóc không giải quyết được vấn đề, nhưng những người không thể khóc thì đau lắm, đau hơn nhiều những ngươi uống bia, họ vẫn cố tỏ ra bình thường vào ban ngày và đến đêm thì như cánh cửa đóng sập lại kết thúc vai diễn một ngày. Đa số đều lẩn tránh nỗi buồn, bằng cánh này hay cách khác, nhưng chẳng phải cứ giấu trong lòng mãi như vậy sẽ rất khó chịu sao? Người ta thường nói giọt nước tràn li, những dồn nén mãi sẽ có một ngày như ngọn núi lửa phun trào không kiểm soát. Như Henri Frederic Amiel đã nói: "Nước mắt là dấu hiệu cho sự bất lực của tâm hồn trong việc kìm nén cảm xúc và duy trì mệnh lệnh với bản thân". Mỗi khi buồn hãy khóc ra cho thật đã, cùng bạn nấu một món ăn ngon, xem một bộ phim, nằm lười nhát nghe bạn mình đọc truyện cho nghe. Phải chăng người đáng thương nhất không chỉ là người không thể khóc mà còn là người không thể tìm thấy ai đủ an toàn và tin tưởng cho mình tựa lưng vào mà khóc thật to. Bia rượu chỉ là cảm giác nhất thời, tìm đến một nơi yên tĩnh tựa vào ai đó khóc lên. Một người bạn của tôi luôn muốn khóc giữa những cơn mưa, vì như thế sẽ che đi nhưng giọt nước mắt của bạn ấy, nhưng đâu phải lúc nào mình buồn trời cũng đổ mưa. Thế tại sao phải che giấu những giọt nước mắt tuổi hai mươi. Giọt nước mắt ấy rơi xuống chính là bạn của ngày hôm nay, ngây ngô và thành thật, rồi mười năm sau, hai mươi năm sau bạn cũng sẽ nhẹ nhõm người khi nhớ lại đã có lúc yếu đuối như vậy. Vì thế đừng chịu đựng một mình lâu quá, tuổi trẻ không là siêu nhân, tuổi trẻ không phải là hoàn hảo. Chẳng có cuộc đời và sự nghiệp của ai là hoàn hảo cả, những nỗi buồn của tuổi trẻ như một cơn mưa rào, mưa đến rồi đi rất nhanh chứ đừng để có trở thành cơn mưa phùn lặng lẽ ngấm vào trái tim, vì tuổi trẻ rất cần một trái tim rạo rực để yêu thương. Và thực chất "lý do tuổi trẻ của chúng ta là một trải nghiệm đau khổ, vì nó chứa đầy những điều chúng ta không biết. Gống như khi làm bài kiểm tra, có quá nhiều chỗ trống, khiến ta không biết phải điền gì vào đó. Khi nghĩ lại quãng thời gian đó, không có đáp án chính xác nào cho những chỗ trống cả. Nhưng không biết vì sao tôi có một nỗi sợ đối với những người cầm đáp án và người chấm. Và cả nỗi sợ tôi sẽ viết đáp án khác với mọi người. Tuổi 20 của tôi luôn là một kì thi đầy căng thẳng như vậy." Vậy đó, tuổi trẻ có quá nhiều chỗ trống, nhiều điều trong tâm hồn không thể lấp đầy, vì vậy đừng ngần ngại, sự sẻ chia luôn là nơi chúng ta tìm thấy được kết quả viên mãn nhất sau mỗi kì thi, những kì thi cuộc đời mang lại cho tuổi trẻ. Đừng lặng lẽ một mình trong phòng và cũng đừng hăng say trong những quán bia, hãy đứng lên đi tìm người bạn của mình để bắt đầu lại một kì thi mới, một cuộc hành trình mới trong tâm trí của chúng ta. Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/11/2018 Trương Thương