Những nhận định văn học của nhà văn Nam Cao

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng bảy 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    NHỮNG NHẬN ĐỊNH VĂN HỌC TIÊU BIỂU CỦA NHÀ VĂN NAM CAO

    Nam Cao (1915 – 1951) là một trong số những nhà văn lớn nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Sáng tác của ông đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách lại càng ngời sáng. Thời gian càng lùi xa, những tác phẩm của ông càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao về văn học, về cuộc sống, con người.. có khi được phát biểu trực tiếp, có khi được thể hiện gián tiếp qua lời của các nhân vật trong tác phẩm. Sau đây là một số nhận định văn học của Nam Cao:

    1, "Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi.. toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương.."

    (Trích tác phẩm: Lão Hạc )

    Ý nghĩa nhận định: Nhận định trên thể hiện quan điểm về cách nhìn nhận đánh giá con người của nhà văn Nam cao: Để có thể nhìn nhận, đánh giá một người thì ta cần phải hiểu thật kĩ về họ và nhìn bằng con mắt của sự cảm thông, trân trọng.

    2, "Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ. Và nước mắt là tấm kính làm biến hình vũ trụ."

    (Trích tác phẩm: Đôi mắt )

    Ý nghĩa nhận định: Con người luôn có mặt tốt, mặt xấu, thẳm sâu bên trong họ vẫn là tâm hồn lương thiện. Những người có con mắt ích kỉ, vô tình sẽ không nhận thấy bản chất tốt đẹp ấy mà chỉ nhìn thấy sự xấu xa, hư hỏng. Vế thứ nhất của nhận định cho thấy nhận thức hạn chế của con người khi không có sự vị tha, bao dung trong cách nhìn nhận, đánh giá người khác. Vế thứ hai của nhận định, nhà văn cho rằng nước mắt là một tín hiệu nghệ thuật để "biến hình vũ trụ", từ bề ngoài tưởng chừng như xấu xa để đi vào khám phá bản chất lương thiện.

    3, Sự thật ở bên ngoài to lớn quá, mạnh mẽ quá, ăn hiếp cuộc đời tưởng tượng, hiện hình bằng giấy trắng mực đen.

    (Trích: Sống mòn)

    Ý nghĩa nhận định: Nhấn mạnh sự phong phú, bộn bề của hiện thực cuộc sống. Hiện thực cuộc sống bao giờ cũng lớn rộng hơn hiện thực trong trang sách.

    4, Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong nghề văn thì thật là đê tiện.

    (Trích: Đời thừa )

    Ý nghĩa nhận định: Nhận định của Nam Cao đặt ra yêu cầu đối với người cầm bút là phải có lương tâm, có trách nhiệm, không thể cẩu thả, dễ dãi trong suy nghĩ và sáng tạo. Bởi thiên chức của văn học là cao cả, đòi hỏi của văn học là sáng tạo.. nếu cẩu thả, là một hành vi xấu xa, đê tiện.

    [​IMG]

    5, Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than.

    (Trích: Giăng sáng )

    Ý nghĩa nhận định: Nhận định trên nhấn mạnh đặc trưng của văn học: Tác phẩm phải có tính hiện thực, sáng tạo của nhà văn trong tác phẩm phải dựa trên cốt lõi hiện thực cuộc sống. Nghệ thuật không thể là thứ ánh trăng đẹp đẽ, bao phủ lên tất cả, làm đẹp tất cả bằng những lời văn hoa mĩ, những chất liệu xa rời cuộc sống.

    6, Đau đớn thay những kiếp sống muốn cất cánh bay cao, nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất.

    (Trích: Sống mòn )

    Ý nghĩa nhận định: Nhận định trên phần nào thể hiện được bi kịch của tầng lớp tiểu tư sản nói chung, những văn sĩ như Nam Cao nói riêng trong xã hội thực dân nửa phong kiến: Họ là nhứng người có ước mơ, có hoài bão, khao khát sống một cuộc sống có ích nhưng lại bị gánh nặng áo cơm ghì xuống, khiến cho ước mơ của họ chẳng thể thành hiện thực.

    7, Trước khi nghĩ đặt nụ hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào cái đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ cho những cái gì quá thơ.

    (Trích: Một chuyện xú-vơ-nia )

    Ý nghĩa nhận định: Cũng giống như nhận định 6, nhận định trên đề cập đến hiện thực nghiệt ngã của lớp thanh niên tiểu tư sản, họ bị gánh nặng cơm áo đè bẹp, cuộc sống chật vật, vất vả. Tình yêu của họ cũng bị chi phối bởi miếng cơm, manh áo. Họ chỉ có thể có được tình yêu đẹp khi đáp ứng được nhu cầu thiết yếu: Ăn.

    8, Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình.

    (Trích: Đời thừa )

    Ý nghĩa nhận định: Đề cao sức mạnh của lòng thương người, tình bác ái. Người có lòng thương, tình thương mới là người mạnh.

    9, Tao không cần tiền, tao muốn lương thiện, ai cho tao lương thiện.

    (Trích Chí phèo )

    Ý nghĩa nhận định: Nhấn mạnh bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, khẳng định khao khát được làm người lương thiện của Chí, thể hiện niềm tin của nhà văn vào nhân phẩm tốt đẹp của con người cũng như bản lĩnh nghệ thuật của tác giả.

    10, Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu. Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỉ che lấp mất.

    (Trích: Lão hạc )

    Ý nghĩa nhận định: Nhận định trên nói lên một sự thật, con người nhiều khi chỉ nghĩ đến nỗi đau của bản thân mà không nhìn thấy nỗi đau của người khác. Nói lên sự thật này là một cách tác giả nhắn nhủ mỗi người hãy tạm quên đi nỗi đau của mình, nhìn rộng, nhìn xa hơn để thấy cuộc đời còn nhiều người bất hạnh hơn ta, hãy yêu thương họ và trân trọng những gì mà bản thân có.
     
    Admin thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng chín 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...