Với hơn 4000 năm lịch sử, dân tộc Việt Nam sinh ra không biết bao nhiêu người con ưu tú của đất nước trong đó phụ nữ chiếm một phần đáng kể. Nhân ngày truyền thống phụ nữ Việt Nam 20/10, Ban Biên tập website xin giới thiệu chân dung 10 gương mặt nữ đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc dựng nước, giữ nước cũng như tôn tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay. 1. Hai Bà Trưng Hai Bà Trưng là cái tên mà người Việt Nam qua nhiều thế hệ gọi tên hai người phụ nữ vốn là hai chị em ruột với niềm tự hào sâu sắc Chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị. Lịch sử và truyền thuyết kể rằng hai chị em vốn dòng dõi họ Hùng - một trong dòng họ làm Vua tổ của dân tộc Việt Nam nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Mẹ Hai Bà Trưng là bà Man Thiện sớm goá bụa song đã nuôi dạy con cái theo tinh thần thượng võ và yêu nước. Chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai một lạc tướng huyện Chu Diễn bị giặc ngoại xâm giết hại. Trước cảnh nước mất nhà tan, Trưng Trắc cùng em Trưng Nhị quyết tâm tiến hành khởi nghĩa “đền nợ nước, trả thù nhà”. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng lập đàn thờ trên cửa sông Hát truyền lệnh khởi nghĩa. Nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố nhất tề nổi dậy hưởng ứng cuộc đấu tranh giải phóng đất nước Hai Bà lập nên vương triều mới. Trưng Trắc xưng hiệu là Trưng Vương. Hai Bà đã thắp lên ngọn lửa chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Quyền tự chủ đất nước do Hai Bà mang lại dù ngắn ngủi (từ năm 40 đến 43) song Hai Bà đã khắc hoạ vào lịch sử và tâm thức người dân Việt Nam tấm gương trung nghĩa, anh hùng làm vẻ vang cho nữ giới và dân tộc. Qua hàng ngàn năm lịch sử dân tộc, Hai Bà được mọi thời đại đánh giá là tấm gương anh hùng liệt nữ, niềm tự hào của phụ nữ và đất nước. Đến nay, Hai Bà vẫn được bao phong đời đời, khói hương không dứt tại các đền thờ Hai Bà tại các di tích khởi nghĩa và liên quan đến cuộc đời Hai Bà như Hát Môn, Hạ Lôi, Đồng Nhân. Suốt gần 2000 năm qua, tấm gương của Hai Bà được truyền tụng từ em bé hơi sữa đến cụ già tóc bạc. Hai Bà đã trở thành hình tượng lịch sử, và hoá sau khi chết. Hai Bà đã không chết mà đã “hoá” bay về trời trở thành thần minh, có truyền thuyết nói Hai Bà lên núi Thường Sơn, hoá thân ở đó. Có bản nói sau khi thất trận, để khỏi rơi vào tay giặc Hai Bà nhảy xuống sông Hát tự vẫn hoá thành hai tảng đá trắng trôi về bãi Đồng Nhân (nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) đêm đêm thường phát sáng rực rỡ. Vùng Hát Môn - nơi phát tích khởi nghĩa có truyền thuyết cho rằng, khi Hai Bà rút quân về cửa Hát, trước lúc gieo mình xuống sông để giữ trọn khí tiết, mỗi Bà ăn một quả muỗm và nhả hạt mọc lên hai cây muỗm trước cửa đền Hát Môn ngày nay. Dân quen gọi là cây muỗm Hai Bà. Trong lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam, Hai Bà Trưng đã được truyền thuyết dân gian tiếp nối qua nhiều đời và là một chân lý chói ngời trong đời sống tâm linh người Việt. Khi nói đến phụ nữ Việt Nam nêu gương sáng và là niềm tự hào của đất nước, người Việt Nam không quên nhắc đến Hai Bà Trưng. 2. Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) “Muốn coi lên núi mà coi Có Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”. Khi nói đến gương anh hùng liệt nữ, đến truyền thống đấu tranh xâm lược của ngoại bang, người Việt Nam qua nhiều thời đại không quên nhắc đến cái tên Bà Triệu bên cạnh các gương liệt nữ khác như Hai Bà Trưng... Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm 226 (Bính Ngọ) tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình hào trưởng. Triệu Thị Trinh là một phụ nữ có tướng mạo kì lạ, người cao lớn vú dài năm thước. Bà là người tính tình vui vẻ, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, trí lực hơn người. Truyền thuyết kể rằng, có lần xuất hiện một coi voi trắng một ngà phá phách ruộng nương, làng xóm, làm chết người. Triệu Thị Trinh dũng cảm cầm búa nhảy lên đầu giáng xuống huyệt làm con voi lạ gục đầu xin quy thuận. Khi nhà Ngô xâm lược đất nước gây nên cảnh đau thương cho dân chúng, khoảng 19 tuổi Triệu Thị Trinh bỏ nhà vào núi xây dựng căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Khi anh trai nhắn về nhà chồng, bà đã trả lời tỏ rõ khí phách của mình: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta”. Truyền thuyết kể rằng, năm 248, khi Triệu Thị Trinh khởi nghĩa, trời đã sai đá núi loan tin tập hợp binh sĩ trong vùng. Đêm khuya từ lòng núi đá phát ra rằng: “Có Bà nữ tướng Vâng lệnh trời ra Trị voi một ngà Dựng cờ mở nước Lệnh truyền sau trước Theo gót Bà Vương”. Theo đó, dân chúng trong vùng hưởng ứng nhiệt liệt, có người mang theo cả bộ giáp vàng, khăn vàng.... dâng cho bà. Anh trai bà là Triệu Quốc Đạt được tôn làm chủ tướng. Bà Triệu là Nhuỵ Kiều tướng quân (vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa). Khi ra trận, Bà mặc áo giáp vàng, chít khăn vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi một ngà. Quân Bà đi đến đâu dân chúng hưởng ứng, quân thù khiếp sợ. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con ra quân theo Bà Vương đánh giặc. Sau hàng chục trận giao tranh với giặc, trận thứ 39, anh trai bà là Triệu Quốc Đạt tử trận. Bà Triệu lên làm chủ tướng và lập nên một cõi giang sơn riêng vùng Bồ Điền khiến quân giặc khó lòng đánh chiếm. Biết bà yêu sự sạch sẽ, ghét tính dơ bẩn, quân giặc bố trí một trận đánh từ tướng đến quân đều loã thể. Bà không chịu được chiến thuật đê hèn đó phải lui voi giao cho quân sĩ chiến đấu rồi rút về núi Tùng. Bà qùy xuống vái trời đất: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn. Sau khi bà mất dân vùng Bồ Điền, Phú Điền vẫn nghe trên không trung tiếng cồng thúc quân, voi gầm, ngựa hí. Đến nay chuyện Bà Triệu từ thế kỷ thứ II vẫn còn hằn đậm trong tâm thức mỗi người Việt Nam với lòng ngưỡng mộ và tự hào. Lăng và đền thờ Bà vẫn còn mãi với thời gian tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá là di tích lịch sử quan trọng của quốc gia, là bằng chứng về niềm tự hào một người phụ nữ liệt oanh của dân tộc Việt Nam. 3. Bùi Thị Xuân Nữ tướng Tây Sơn có tài về quân sự, lập nhiều chiến công đánh quân Nguyễn Ánh, nổi tiếng về khí tiết anh hùng bất khuất. Bà là cháu gái Bùi Đắc Tuyên, Thái sư thời Sơn Tây, vợ Trần Quang Diệu, võ tướng trụ cột của triều đình Tây Sơn, quê ở Quy Nhơn, Bình Định. Năm 1801, thừa lúc đại binh Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy đánh vây thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh bất ngờ đánh úp kinh đô Phú Xuân, Bùi Thị Xuân phò tá Quang Toản rút ra Bắc rồi cùng với vua, huy động ba vạn quân ở Hà Bắc, tổ chức cuộc phản công đánh vào phía nam sông Gianh. Lâm trận, Bùi Thị Xuân thường mặc sắc áo đỏ, cưỡi voi đốc chiến. Cuộc phản công thất bại, quân sĩ dưới quyền chỉ huy của Bùi Thị Xuân đã để lại một tấm gương chiến đấu anh dũng. Trên pháp trường, Nguyễn Ánh đã dùng mọi thủ đoạn tàn bạo để trả thù gia đình bà. Chồng bà là thiếu phó Trần Quang Diệu, bà và con gái 14 tuổi đều bị bắt, người bị chém, người bị voi dày. Trước cái chết, bà tỏ rõ khí phách hiên ngang, để lại sự kính phục, cảm mến của nhân dân qua bài vè “Bà thiếu phó”. 4. Bà chúa thơ Nôm (Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương (cuối XVIII - đầu XIX) của Việt Nam) Nói đến Hồ Xuân Hương, người dân Việt Nam thường nghĩ đến một cá tính độc đáo, một bản lĩnh khác thường mà nhà thơ Xuân Diệu gọi là “kì nữ”. ở cái thời mà “giang sơn” của người đàn bà Việt Nam chỉ quẩn quanh nơi buồng the, bếp núc thì Xuân Hương lại muốn là con người của trời đất bốn phương, gót lãng du thường lui tới đề thơ ở biết bao thắng cảnh nổi tiếng trên miền Bắc Việt Nam. Đến nay, theo các nguồn tư liệu được minh định kĩ lưỡng nhất, Hồ Xuân Hương sống khoảng cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, là con ông đồ nghèo Hồ Phi Diên, quê gốc ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và bà mẹ họ Hà, người xứ Kinh Bắc xưa. Bà là người thông minh, ham thích giao lưu bạn bè, song đường tình duyên gặp nhiều éo le, ngang trái: hai lần lấy chồng thì cả hai đều phải làm lẽ và chịu cảnh góa bụa. Với nhiều tác phẩm thơ Nôm, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã được bình chọn là Bà Chúa Thơ Nôm trong nền văn học Việt Nam. Thế giới nội tâm trong thơ nữ sĩ khởi nguồn từ thân phận người phụ nữ: những nỗi buồn đơn côi và tấn bi kịch, những khát khao không được thoả nguyện, những cảnh ngộ trớ trêu, thậm chí đắng cay chua chát. Hồ Xuân Hương là một nhà thơ đầy cá tính, khẳng định mạnh mẽ cái “tôi”, đồng thời dám bộc lộc cảnh ngộ riêng và thái độ ứng xử của chính bản thân mình. Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói khinh thị, thách thức ngạo đời, tiếng nói chiến đấu, đồng thời còn tiềm ẩn nỗi khát khao giao cảm với đời, mong cầu những điều tốt đẹp ở con người. Thơ Hồ Xuân Hương biểu hiện sinh lực của cả một dân tộc bị dồn nén, ức chế lâu ngày trong nền luân lí trái tự nhiên, giả đạo đức, phi nhân văn, đã tìm cách bật trở lại, chống trả lại một cách quyết liệt. Thơ của bà còn cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của những người đàn bà phải lấy lẽ, phải chịu cảnh goá bụa, cô đơn. Cũng vì lẽ đó, Xuân Hương quyết đứng ra minh oan chiêu tuyết cho những cô giá “không chồng mà có chửa”, đồng thời lên án nghiêm khắc những kẻ bạc tình, những tên sở khanh, những hạng vũ phu thô bỉ. Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thơ Hồ Xuân Hương không những được đặt ngang hàng mà đặt lên trên cả đấng mày râu. Thơ Hồ Xuân Hương là một tiếng sấm giữa bầu trời chế độ phong kiến đang thời kì mục ruỗng, là tiếng nói bệnh vực mọi tầng lấp phụ nữ cùng khổ. Chính vì lẽ đó, Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Nữ Chúa Thơ Nôm Việt Nam cùng với bao kì tích, huyền thoại, trong đó có một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và tồn tại đến ngày nay đó là việc nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng cải trang giả dạng làm trai để được dự thi, trái với quy định của triều đại phong kiến là không cho các nữ sĩ đng đàn dự các kỳ thi tuyển. Song việc không thành, bà đành cam phận trở về với các áng thơ Nôm mang đậm tính đả kích của mình. 5. Bà Huyện Thanh Quan Nổi tiếng là nhà thơ hoài cổ, có nghệ thuật thơ điêu luyện, trang nhã với tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận trên bờ Hồ Tây, Hà Nội bây giờ. Chồng bà là Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyện A’ng, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội, từng làm tri huyện Thanh Quan. Có lẽ thế, mọi người quen gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Sáng tác của bà là những bài thơ nôm theo thể Đường luật, được truyền tụng nhiều là những bài “Qua đèo Ngang”, “Thăng Long thành hoài cổ”, “Chiều hôm nhớ nhà”, “Chùa Trấn Quốc”... tả cảnh thiên nhiên, có những nét chấm phá như tranh thuỷ mặc và có tính ước lệ, nhưng thường được gửi gắm tình cảm gợi lên được cái cảm giác nhớ thương lưu luyến đối với quá khứ. Có kiến thức rộng, bà đã từng được vua Minh Mệnh mời vào cung dạy học cho cung phi, công chúa. Ở trong cung, bà có dịp xướng hoạ thơ và bình văn với các vua nhà Nguyễn. Bà Huyện Thanh Quan là một nữ sĩ có tiếng tăm trên lĩnh vực văn học dân tộc ta ở nửa đầu thế kỉ XIX. 6. Võ Thị Sáu (1937-1953) Quê ở tỉnh Và Rịa, chị được gọi là “Người con gái đất đỏ” Khi giặc Pháp tràn đến quê hương, Võ Thị Sáu mới 12 tuổi, đã ném lựu đạn giết chết ba tên chỉ huy Pháp. Chị nổi tiếng về tài tình báo, biệt động và giao liên đặc biệt, ám sát hụt tên việt gian Đốc phủ Tòng. Võ Thị Sáu bị Pháp bắt năm 15 tuổi, trong tù chị vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 12 năm 1952, Pháp đem chị ra Côn Đảo giam ở nhà lao “Đá trắng”. Vốn thích múa hát từ nhỏ, khám tử hình không làm cho chị thôi hát. Khi giặc xử bắn chị, đưa một cố đạo đến rửa tội, chị mắng “Tao là người yêu nước, tao không có tội, chỉ có chúng mày là quân cướp nước tao, giết dân tao mới là kẻ có tội”. Trước khi chết, chị hô vang: “Việt Nam muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Võ Thị Sáu hi sinh khi chưa đầy 17 tuổi. 7. Nguyễn Thị Út (1920-1969) Bí danh Út Tịch, Anh hùng quân đội thời chống Mỹ, là người mẹ của sáu đứa con, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, đánh giặc rất hăng hái, có nhiều mưu mẹo tài tình, khi có thai 8 tháng vẫn chỉ huy du kích hạ hai đồn giặc. Chị sinh năm 1920, ở Cầu Kè, huyện Bến Cát tỉnh Trà Vinh. Ngay từ nhỏ, chị đi ở đợ cho địa chủ, khi lấy chồng, hai vợ chồng đều đi bộ đội cho tới ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Làm tải thương, trinh sát, chị cùng bộ đội tham gia nhiều trận đánh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Một lần phát hiện thấy một đại đội địch đi càn, chị chạy tắt đường về tiểu đội du kích bày kết hoạch đánh địch. Bố trí trận xong, chị chạy về cho con nhỏ bú và dắt con lớn xuống hầm ẩn nấp, rồi lại trở ra trận địa, chờ quân địch vào gần, chị nổ súng tiêu diệt gọn. Câu nói nổi tiếng của chị “đánh giặc còn cái lai quần cũng đánh” thể hiện ý chí kiên cường giữ nước, giữ nhà của chị. Khi hoạn nạn, lúc khó khn, chị vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, tận tình giúp đỡ, thương yêu đồng đội nên được mọi người tin yêu, đùm bọc. 8. Sự tích về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận phường Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc có tổng diện tích 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lăn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải vượt qua ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc được coi như cổ họng, vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào nam. Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược nên trong chiến tranh phá hoại kẻ địch âm mưu ném bom huỷ diệt nhằm chặn đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968 không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Hồi 17h ngày 24/7/1968, tiểu đội 4 thanh niên xung phong được lệnh trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lập hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Tiểu đội 4 hôm ấy có 10 cô gái trẻ: 1. Võ Thị Tần, 22 tuổi, tiểu đội trưởng 2. Hồ Thị Cúc, 21 tuổi, tiểu đội phó 3. Võ Thị Hợi, 20 tuổi, chiến sĩ 4. Nguyễn Thị Xuân, 20 tuổi, chiến sĩ 5. Dương Thị Xuân, 19 tuổi, chiến sĩ 6. Trần Thị Rạng, 19 tuổi, chiến sĩ 7. Hà Thị Xanh, 18 tuổi, chiến sĩ 8. Nguyễn Thị Nhỏ, 19 tuổi, chiến sĩ 9. Võ Thị Hạ, 19 tuổi, chiến sĩ 10. Trần Thị Hường, 17 tuổi, chiến sĩ. Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với cả niềm vui được gửi gắm trên từng chiếc xe qua nên các cô không hề sợ hãi. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói, vừa ý ới gọi nhau. Bỗng một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Tất cả các cô nhanh chóng nằm rạp xuống đường. Hết tiếng máy bay các cô lại chồm dậy làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại bay từ trong ra thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô gái. Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau chồm lên gào thét, nhân dân xóm Bãi Dĩa quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người. Khi đến nơi quả bom vừa nổ chỉ thấy một hố bom sâu hoắm, một vài chiếc xẻng, cuốc văng ra nhưng không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người. Cả 10 cô gái trẻ ấy đã hi sinh. Để ghi sâu tội ác và ghi lại chiến tích của 10 cô gái tại trọng điểm lịch sử này Quốc hội và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu anh hùng cho 10 cô gái hi sinh tại ngã ba Đồng Lộc. 9. Nguyễn Thị Định (1920-1992) Nguyễn Thị Định quê Lương Hoà, Giồng Trôm, Bến Tre. Tham gia cách mạng năm 1936, ăm 1940 - 1943 bị địch bắt giam tại Trạm giam Bà Rá, năm 1945 tham gia lãnh đạo chính quyền tỉnh Bến Tre, năm 1960 là Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre, năm 1965 nhập ngũ, năm 1974 được phong quân hàm Thiếu tướng, năm 1980 là Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá VI, VII, VIII, năm 1987-1992 trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Nguyễn Thị Định sinh ra trong một gia đình nông dân giầu truyền thống yêu nước, là người phụ nữ thông minh, đôn hậu, khiêm nhường và ccó sức thuyết phục đối với mọi tầng lớp phụ nữ và nhân dân trong nước và quốc tế. Ngay từ những năm 1946, đất nước bị chia cắt hai miền, Nguyễn Thị Định đã là một phái viên của Nam Bộ bất chấp hiểu nguy trước phong ba bão tố và sự vây hãm của kẻ thù, bí mật vượt trên 3000km đường biển ra Hà Nội nhận chỉ thị của Trung ương và chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường. Trên đường về, Nguyễn Thị Định đã hình thành được đưòng dây vận tải từ Bắc vào Nam. Chuyến vượt biển mở đường của Nguyễn Thị Định đã trở thành bài học kinh nghiệm hoạt động của phong trào chiến tranh du kích Việt Nam. Tháng 9/1972, chuyến hàng chi viện đầu tiên của Trung ương đến miền Nam đã mở ra “Con đường Hồ Chí Minh trên biển” và đoàn vận tải mang biển số “962” đã trở thành đơn vị vận tải anh hùng trên chiến trường ven biển Nam Bộ. Năm 1959, Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng, ngụy quyền tay sai đế quốc với luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam để khủng bố phong trào cách mạng. Nguyễn Thị Định là người khởi xướng và lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng khởi ở Mỏ Cày, Bến Tre, mở đầu phong trào Đồng khởi trong toàn tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Từ phong trào Đồng khởi xuất hiện cái tên “Đội quân tóc dài” là những phụ nữ thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi không một tấc sắt trong tay song lại có sức mạnh phi thường đã phá vỡ nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch. Thắng lợi của “đội quân tóc dài” đã hình thành phương châm “Hai chân, ba mũi giáp công” của đường lối chiến tranh nhân dân ở Việt nam. Đội quân tóc dài niềm tự hào của dân tộc nỗi khiếp sợ của kẻ thù đã ghi lại dấu ấn một thời kì lịch sử oanh liệt của dân tộc. Từ 1976, đất nước thống nhất, Nguyễn Thị Định từ một nữ tướng kiên cường mưu lược trong chỉ huy chiến đấu đã trở thành nhà quản lý lãnh đạo đất nước trung thực và liêm khiết chăm lo đến đời sống của những người dân nghèo khổ trong hoà bình xây dựng. Bà đã dành nhiều tâm lực ở cuối đời vào ý tưởng nhân văn cao đẹp như đỡ đầu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, một công trình văn hoá có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với phụ nữ và nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thị Định đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Giải thưởng hoà bình Quốc tế Lê Nin. Giáo sư sử học Christine Whate Trường Đại học Tổng hợp Hawai Mỹ đã viết thư gửi Nguyễn Thị Định bằng tiếng Việt: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi viết thư này gửi thăm Bà - một người phụ nữ nổi tiếng và có một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới, một tấm gương của người phụ nữ chân chính. Tôi rất sung sướng khi sử dụng cuốn hồi ký của Bà để dạy cho sinh viên nước mình về truyền thống Cách mạng Việt Nam”. Năm 1992, Nguyễn Thị Định qua đời sau một cơn đau tim đột ngột. Hầu hết các tỉnh, thành, Hội phụ nữ trong cả nước đều lập bàn thờ để tưởng nhớ đến bà theo triết lí dân gian: “Sống làm tướng chết thành thần”. Nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây nơi thờ Hai Bà Trưng đã rước bát hương thờ bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai Bà như một vị nhân thần mới. Nhiều địa phương đã đặt tên trường học Nguyễn Thị Định, quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học mang tên Nguyễn Thị Định.... Hình ảnh Nguyễn Thị Định đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. 10. Nguyễn Thị Bình Bà Nguyễn Thị Bình sinh năm 1927 tại Sa-đéc, tỉnh Đồng Tháp, cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh, nhà chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX. Kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, bà sớm tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của đất nước (1945). Bà là một trong những người lãnh đạo phong trào Phụ nữ cứu quốc Sài Gòn - Chợ Lớn; tham gia lãnh đạo phong trào học sinh sinh viên, phong trào phụ nữ cấp tiến với cái tên “Yến Sa”, “Yến đẹp”; tham gia tích cực phong trào đấu tranh bảo vệ hoà bình của giới trí thức; bị bắt và bị tù giam tại khám Chí Hoà 1951 – 1953; là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam (1966), rồi Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Trưởng phái đoàn đàm phán tại Hội nghị quốc tế Pa-ri về Việt Nam, là một trong bốn bên ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam năm 1973; Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ CHXHCN Việt Nam 1976-1987; từ năm 1992 là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, được giác ngộ và trưởng thành trong phong trào cách mạng của quần chúng, Nguyễn Thị Bình là người phụ nữ thông minh, duyên dáng, khiêm nhường và có tài thuyết phục. Trong hoạt động ngoại giao khi tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia, với các chính khách cũng như đông đảo nhân dân khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ la-tinh..., bà đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Đặc biệt ở thời điểm 1969-1975, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Nguyễn Thị Bình đã đi tham nhiều nước trên thế giới để tuyên truyền, vận động các nước ủng hộ cuộc đấu tranh đòi hòa bình, giành độc lập và thống nhất tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Bà đã góp phần xứng đáng làm sáng tỏ sự nghiệp chính nghĩa của một dân tộc “thà hi sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Cho đến nay, nhân dân Việt Nam và nhân dân nhiều nước đều đánh giá phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh xâm lược trong những năm 60, đầu những năm 70 mạnh mẽ, sâu rộng chưa từng có trong lịch sử. Vai trò và sự đóng góp của vị “sứ giả hoà bình” Nguyễn Thị Bình là một biểu tượng sáng giá của Việt Nam ở những năm cuối thế kỉ XX. (st)