Truyện Ngắn Những Ngôi Sao Nhỏ - Mèo Tai Cụp

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Mèo Tai Cụp, 20 Tháng mười hai 2021.

  1. Mèo Tai Cụp

    Bài viết:
    201
    Những Ngôi Sao Nhỏ

    (Bài dự thi Miss VNO 2021 )

    Tác giả: Mèo Tai Cụp

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    An chợt bừng tỉnh bởi tiếng thổi cơm của mẹ sau nhà. Làn khói mờ mờ bốc lên khỏi đám lửa than đang rực cháy như màu của ánh mặt trời vừa nhô lên khỏi làn sương sớm buổi sáng. Hai mẹ con An ngồi trước hiên nhà vừa ăn khoai lang luộc vừa ngắm bình minh. Hơi nóng tỏa ra từ củ khoai như xoa dịu đi cái lạnh lẽo nơi vùng cao gần biên giới. Vẫn như mọi hôm, An vẫy tay chào mẹ rồi một mình rẽ trái bước đi trên con đường mòn dẫn đến trường. Còn mẹ thì rẽ phải băng qua con suối bước đến một đồi chè xanh mướt ngập tràn sức sống.

    An vừa đi vừa nhún nhảy hát rêu rao theo tiếng hót của những chú chim. Những bông hoa dâm bụt nở rộ nổi bật trải dài bên đường tỏa sắc hương sau trận mưa dài đêm qua như đang nở nụ cười thân yêu theo chân An đi đến trường.

    Ngôi trường đối với An và người dân nơi đây là một căn nhà lợp mái tôn gỉ sét được bảo vệ bởi những thanh gỗ dài chắn phía dưới, ba vách tường làm từ những thanh gỗ dài xếp sát vào nhau. Ánh sáng có thể dễ dàng lọt qua các khe hở của thanh gỗ để đón lấy ánh nắng tự nhiên và gió trời man mát, vách còn lại kế cửa ra vào thì được gắn một tấm bảng đen vừa phải, bên trong được kê mười chiếc bàn gỗ mộc gắn liền với ghế. Nhưng nổi bật hơn đó là khắp nơi đều được trang trí rất rực rỡ từ những người giáo viên tình nguyện khi đến vùng miền này.

    An vừa bước tới cửa lớp đã nghe âm thanh chí chóe của cả Na và Sa. Chuyện thường ngày ấy mà! An lắc đầu cười ngao ngán bước vào chỗ ngồi.

    "Cô giáo tới.. Cả lớp nghiêm!" – Thằng Ka đứng thẳng mình dõng dạc nói khiến cả lớp không khỏi ngạc nhiên. Bởi chỉ mới hôm qua khi Ka được cô bầu lớp trưởng còn rụt rè, ngại ngùng không dám, mà hôm nay bằng sức mạnh nào đó mà Ka có thể dũng mãnh đến như vậy. Cô giáo nhìn Ka mỉm cười hãnh diện rồi mời cả lớp ngồi xuống bắt đầu tiết học.

    "Cô chào các em. Nào, bây giờ chúng ta sẽ vào bài học mới nha! Hôm nay cô sẽ dạy các em về phép tính nhân.." Lớp học chỉ vỏn vẹn gần chục đứa ngồi thẳng lưng khoanh tay, tập trung nhìn bảng và răm rắp đọc theo lời giảng của cô.

    Hường là giáo viên tình nguyện ở thành phố mới về buôn làng dạy học cách đây một tuần. Quyết định lần này của Hường đã làm bạn bè, người thân của cô không khỏi bất ngờ.

    Từng là một giáo viên dạy ở cả trường công và ổn định ở trường tư, sao lại tới chốn đó nhỉ?

    Mày bị điên rồi à?

    Có chắc không vậy? Tao cá là mày không chịu nổi đâu!

    Muốn sung sướng không chịu? Lại chọn cực khổ!

    Đó là một trong số ít hàng chục câu hỏi được đặt ra cho Hường. Nhưng cô chọn cách im lặng, chỉ mỉm cười không nói gì. Một buổi chiều ngồi nhâm nhi ly cà phê, qua khung cửa sổ, tiếng bọn trẻ em chơi đùa cười tít cả mắt đưa Hường về những ngày thơ ấu ngây ngô, không lo, không nghĩ. Và cứ thế, Hường bừng tỉnh với chiếc hồ sơ đăng ký làm giáo viên tình nguyện trên tay.

    "Rồi hôm nay đến đây thôi nhé!" Cô giáo nói với cả lớp. Thông thường thì các em sẽ học đến ba giờ chiều và ở lại buổi trưa để ăn cơm cùng cô giáo. Hôm nay là cuối tuần, những đứa trẻ được về sớm và tiết học kết thúc lúc mười giờ sáng. Cả lớp khoanh tay cúi chào cô theo lệnh của lớp trưởng mới nhận chức hôm qua. Song, cô đi lại xoa đầu Ka nói: "Em làm tốt lắm!" khiến Tèo ngại ngùng đưa tay gãi đầu khôn xiết.

    Ngày đầu mới tới đây đối với Hường như một thách thức lớn. Tất cả mọi thứ đều phải thích nghi từ những điều nhỏ nhặt nhất. Nhưng nhờ sự thân thiện của dân làng nơi đây, Hường cảm thấy như có gì đó rất thân thuộc và níu kéo cô ở lại đây.

    Như những buổi sớm thường ngày, ánh nắng vàng ươm xuyên qua kẻ lá thoang thoảng chút gió lạnh đầu mùa. Hường bước vào lớp học với một nụ cười thật tươi đón chào ngày mới.

    "Dạ con chào cô ạ!" An đứng lên nói cùng hai bạn khác.

    "Sao chỉ có mỗi các em thế này? Các bạn kia đâu hết rồi?" Cô giáo nhíu mày hỏi. Cả ba đứa hướng mắt nhìn nhau bàn tán. Khung cảnh lớp học lúc này vắng vẻ lạ thường khiến cô không khỏi thắc mắc.

    "Dạ, con.. chắc các bạn bận cả rồi cô ạ!" An giơ tay phát biểu.

    Hường cúi đầu thở dài lẩm bẩm "Lớp chúng ta như thế thì..". Hường đưa mắt hướng về phía tấm màn cửa sổ đang phấp phới rồi bất chợt nảy ra một ý tưởng.

    "Nào các em, hôm nay là một ngày đẹp trời, chúng ta cùng nhau ra ngoài chơi nhé!" Ánh mắt của ba đứa trẻ lúc này tròn xoe mắt nhìn lên cô giáo rồi reo lên vui sướng.

    Một buổi sớm mai mát mẻ, đám học trò dắt tay cô giáo băng qua con đường gập ghềnh sau trận mưa giòn giã đêm qua. Những bước chân trong đôi ủng bị lấp đầy bởi bùn đất nặng nề hơn bao giờ hết. Thắm thoát ấy mà đã một tuần trôi qua kể từ khi Hường rời xa phố thị xa hoa để đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số sát biên giới dạy học. Đó có thể là một hành trình đầy gian nan, cô đã nghe nói rằng, chẳng có giáo viên nào có thể ở lại đây quá một tháng cả, cũng bởi vì thời tiết khắc nghiệt cộng thêm sự trở ngại về việc đi lại như lúc này đây, đã khiến con người ta dần dần nản chí. Và cũng có người đã cá cược với nhau rằng, rồi cô Hường cũng sẽ lại giống như bao giáo viên khác mà thôi.

    "Cô có muốn đến nhà các bạn đó thử không ạ!" Đi được một đoạn, bỗng nhiên An dừng lại rồi ngước lên nhìn cô. "Ở phía trước kìa cô!" Hường bước một bước hai bị An lôi chạy thẳng tọt vào trước một ngôi nhà có mái tranh đơn sơ với những giọt nước đọng lại rồi rơi xuống lã chã. Từng sợi tơ tầm được cô bé mặc trang phục dân tộc thêu dệt một cách đầy tập trung và chậm rãi.

    "A, cô giáo!" Nó mở tròn xoe mắt thốt lên, ngừng thao tác đang làm chuyển qua khoanh tay chào cô.

    "Em đang làm gì vậy Sa?"

    "Dạ trên tỉnh người ta đặt hàng nhiều lắm nên em ở nhà giúp bà ạ!" Sa chỉ qua một đống sợi tơ đang được thêu dở nửa chừng. Cùng lúc đó, một bà cụ bước ra trước hiên nhà. "Trên đó người ta thích sợi tơ của bà em làm lắm đấy ạ." Sa cười tươi hãnh diện.

    "A, cháu chào bà ạ!" Đám học trò nói cúi chào cùng cô giáo.

    Những sợi tơ tằm được thêu dệt rất tỉ mỉ từ đôi tay nhanh nhạy của người bà có con trai và con dâu đi vượt biên suốt bao năm nay chưa về, để lại cho bà đứa cháu với những khúc hát ru về cha mẹ của nó hằng đêm.

    Hường và ba đứa nhỏ tạm biệt hai bà cháu rồi băng qua con suối đi đến một dãy ruộng bậc thang đều tăm tắp. Ở đó, Hường bắt gặp một hàng người đang hăng say hái chè.

    "Cô ơi! Bạn ấy kìa cô!" Theo hướng tay của An, một cô bé chỉ tầm mười tuổi với đôi tay nhỏ nhắn đang cặm cụi hái từng lá chè cho chiếc gùi vác theo sau lưng cùng với những người phụ nữ khác.

    Na, cô bé với gương mặt lắm tắm mồ hôi dưới cái nắng của mặt trời, ngoái đầu thấy các bạn và cô giáo liền lễ phép khoanh tay cúi đầu chào hỏi.

    "Con nghe nói mẹ bạn ấy có việc nên bạn ấy hái thay mẹ ạ!" Cô chưa kịp hỏi thì An đã nhanh nhảu trả lời. Câu nói tưởng chừng như đó là điều hiển nhiên xảy ra thường ngày đã làm cho Hường cảm thấy có chút nghẹn.

    10 tuổi lúc đó mình đang làm gì nhỉ? Quan tâm đến những con búp bê công chúa trong lâu đài thu nhỏ được ba mẹ mua cho để quên đi cuộc cãi vã diễn ra thường xuyên của ba mẹ. Để rồi từ đó nhận lấy số tiền chu cấp hằng tháng từ bố và mẹ với những gia đình riêng của họ.

    Và chính câu nói ấy đã thức tỉnh cô rằng sống ở đây, mọi người đều đang nỗ lực hết sức mình để mưu sinh, để làm cuộc đời mình trở nên thú vị hơn mà không nghĩ ngợi bất kì điều gì, bởi họ tìm thấy niềm vui nơi chính họ được sinh ra và lớn lên. Ấy mà đã có khi thời tuổi trẻ ấy đã từng có đôi lần cô bất giác không muốn mình hiện hữu trên cõi đời này nữa.

    "Cô, cô!" An lay tay Hường. "Con cũng giỏi lắm đấy nhá! Tối hôm qua con đã giúp mẹ nhặt củi khô về nấu bếp đấy!"

    "Con nữa!"

    "Cả con nữa!"

    Ánh mắt ngây thơ lấp lánh của đám học trò càng làm cho cảm xúc trong Hường dâng trào. Cô đưa mắt nhìn lên khoảng xanh phía trước. Một thảm xanh với nhiều sắc độ riêng biệt ôm trọn trong đôi mắt cô. Nền trời xanh ngọc pha lẫn màu mây, sắc xanh tươi mới của những lá chè giờ đây trong mắt cô khác hẳn so với những ánh đèn lung linh, hoa lệ nơi phố thị. Một cuộc sống đơn giản nhưng bình yên mà đến giờ cô mới thấy nó đẹp đến lạ lùng.

    Chuyến đi nô đùa "hái hoa bắt bướm" của ba đứa nhỏ cùng cô giáo của chúng dừng lại ở một đồi ngô lớn nhất trong vùng.

    "Cô giáo đi đâu đấy!" Các anh bộ đội đang giúp dân làng vận chuyển ngô lên xe tải vào thành phố ngoái lại nhìn khi nghe tiếng cười rộn ràng của Hường cùng các học trò mình.

    "Dạ hôm nay trời mát mẻ nên tôi dẫn mấy đứa nhỏ đi dạo quanh đây chơi đó mà!"

    "A! Lớp trưởng kìa cô!" An reo lên chỉ tay về phía cậu bé đang cầm bao ngô trên tay.

    Khuôn mặt Ka lấm lem ngước lên nhìn, thả bao ngô xuống rồi khoanh tay chào cô giáo. Xong, cậu bé với trang phục dân tộc tiếp tục làm công việc của mình. Hường không biết nói gì hơn ngoài dành những lời khen ngợi chân thành cho những đứa học trò thân yêu của mình.

    Thấp thoáng cũng đã được ba tháng trôi qua, tiếng gà gáy đã thay cho tiếng chuông báo thức điện thoại đánh thức Hường dậy mỗi ngày. Hường cùng các bé học, ăn và chơi đùa, nó dần trở thành một phần trong cuộc sống của cô. Đặc biệt, cô đã biết thêm nhiều điều và hiểu hơn về cuộc sống cũng như được sự chỉ bảo tận tình của người dân về mọi công việc nơi đây. Những con người dân tộc Việt Nam thân thiện và đầy tình cảm.

    Những ngày cuối cùng của năm còn vươn vấn chút gió lạnh của mùa đông, cả làng đốt lửa trại mở tiệc ăn mừng và nhảy múa cùng nhau. Bên cạnh gia đình họ, bên cạnh những người thân yêu nhất. Tất cả họ còn hơn cả tình làng xóm, đó là một gia đình.

    "Cô ơi! Cô hãy ở đây thật lâu nhé!" Đôi bàn tay nhỏ bé đầy mềm mại chợt níu lấy bàn tay Hường. Cô giáo không nói gì, mỉm cười xoa đầu Chan – một học sinh trầm tính của lớp. Trong ánh mắt to tròn long lanh của cậu bé vẫn dấy lên một niềm hy vọng bất diệt, dẫu trước đây cậu cũng đã từng chứng kiến những giáo viên trước đây cứ đến rồi lại lặng lẽ đi. Song ít ra, lời nói lúc này thốt ra đối với một đứa trẻ như cậu cũng không phải dư thừa khi Hường đã có câu trả lời cho riêng mình. Nhưng có lẽ, ở bản làng nho nhỏ có muôn vàn những ngôi sao đang tỏa sáng lấp lánh này sẽ không còn phải nói lời tạm biệt với bất kì người giáo viên tình nguyện nào nữa.

    Trên chuyến xe đò trở về thăm ba mẹ nhân dịp Tết âm lịch, Hường hướng mắt ra khung cửa sổ nhìn ngôi làng dần dần xa khuất để tiến gần về phía thành phố nhộn nhịp, trên tay cầm một cuốn sổ nhỏ ghi vài dòng chữ nắn nót to tròn:​

    Nơi nào hạnh phúc, nơi đó là nhà.

    Hết​
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...