Theo huyền sử, khoảng năm ngàn năm trước đây, dân Lạc Việt, giống Bách Việt, tổ tiên chúng ta, đã khởi nghiệp tại vùng hồ Động Đình (thuộc lưu vực miền nam sông Dương Tử) ; rồi sau hàng ngàn năm tranh đấu quyết liệt đã vượt thoát được bao cuộc xâm lăng diệt chủng ghê gớm của Hoa tộc mà lui dần xuống phương nam, lập được một vương quốc trên đồng bằng sông Hồng, lấy tên nước là Văn Lang (có nghĩa là nước của những làng có văn hóa) do các vua Hùng, họ Hồng Bàng trị vì. Tiếp nối các đời vua Hùng là triều đại nhà Thục, rồi nhà Triệu. Từ năm 111 trước TL, nhà Đông Hán đem quân sang xâm chiếm nước ta. Trong lúc toàn dân đang tuyệt vọng và đau khổ dưới ách thống trị của người Trung Hoa thì ở huyện Mê Linh, hai chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị nổi lên đánh đuổi đạo quân tham tàn của thái thú Tô Định, giành lại được độc lập, tự do cho nước nhà (năm 40 của thế kỷ thứ nhất). Kể từ khi các vua Hùng lập quốc, từ khi lịch sử được ghi chép thành văn đến nay thì cuộc khởi nghĩa của hai vua Bà họ Trưng đã mở đầu cho những trang sử vàng son của dân tộc. Chiến công hiển hách của Hai Bà đã hòa đồng cùng khí thiêng sông núi và tạo thành một truyền thống hào hùng bất khuất của con dân đất Việt. Sau đó, Biết bao anh hùng hào kiệt như Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Quang Trung.. đã nối chí Hai Bà, không nề gian khổ hiểm nguy, kiên quyết tranh đấu đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ đất đai và chủ quyền cho quốc gia dân tộc. Riêng nữ giới cũng có lắm bậc anh thư cân quốc, noi gương Hai Bà lập được nhiều sự nghiệp vẻ vang về văn cũng như về võ. Về võ, ta có một Lê Chân, một Bát Nàn, hai vị võ tướng kiệt liệt đã giúp Hai Bà đoạt được nhiều thành trì trong tay giặc Hán; một Bà Vương Triệu Thị Trinh muốn 'đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi', đã làm cho quân Đông Ngô phải run sợ; một đô đốc Bùi Thị Xuân, vị nữ tướng lừng danh chiến đấu anh dũng của nhà Tây Sơn; một Cô Giang, một Cô Bắc từng gây nhiều trở ngại cho quân xâm lược Pháp.. đã phản ảnh khí phách hào hùng và nêu cao truyền thống 'giặc đến nhà, đàn bà phải đánh' của gái Việt. Về văn, ta có một Đoàn Thị Điểm tài hoa, lịch duyệt; một Bà Huyện Thanh Quan cổ kính, trang đài; một Hồ Xuân Hương phóng túng, dí dỏm; một Ngọc Hân công chúa lâm li, não nuột v. V.. đã vun bồi cho vườn hoa văn học nước nhà thêm bao hương sắc. Nhưng ngoài những vị anh thư, kỳ nữ nổi bật đó, còn biết bao người phụ nữ Việt Nam khác chỉ sống âm thầm nơi xóm làng, an vui với bổn phận tề gia, nội trợ của người vợ đảm, mẹ hiền.. Vậy muốn tìm hiểu trung thực hình ảnh và đời sống tâm tình của người phụ nữ VN nói chung này, chúng ta nên đi sâu vào nếp sống bình thường của họ, mà từ ngàn xưa đã được người bình dân truyền tụng qua ca dao, qua câu hát, tiếng hò. Chúng ta đều biết, ca dao, dân ca chủ về trữ tình nên những bài nói về nữ giới có rất nhiều; tuy vậy, chúng chỉ là những câu ca ngắn ngủi, ý tứ rất tản mạn. Thế nên, sau khi thu thập tài liệu, chúng tôi đã cố gắng dựa theo tình ý của lời ca, câu hát, mà tạo dựng nên những cảnh ngộ, sắp xếp theo từng lớp lang, diễn tiến sao cho hợp tình hợp lý. Những mong, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra được những nét đẹp từ vật chất đến tinh thần của người phụ nữ Việt Namxưa, qua hai giai đoạn quan trọng của cuộc đời: - Khi còn con gái. - Và khi đã lập gia đình. A. Nhan sắc Khi còn con gái, người thiếu nữ Việt Nam sống êm đềm dưới gối cha mẹ để chờ ngày xuất giá vu quy. Đây là thời kỳ thơ mộng nhất, nàng được cha mẹ yêu thương rất mực và dạy bảo, khuyên răn đủ điều về nữ công, nữ hạnh để trở thành một người thiếu nữ hoàn toàn: Phận gái tứ đức vẹn tuyền Công dung ngôn hạnh là tiên phàm trần! Lại nhờ có nhan sắc, nàng được nhiều chàng thanh niên để ý săn đón, yêu thương: Vì cam cho quít đèo bồng Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương Hay tiến xa hơn nữa: Vào vườn hái quả cau non Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên. Mỗi người thiếu nữ đều có một cái duyên, một sự hấp dẫn riêng để làm say đắm lòng người khác pháị Nhưng tựu trung, nhan sắc của các nàng cũng không ngoài những điều đã được ca dao truyền tụng: Có nàng đẹp nhờ mái tóc rậm dài bồng bềnh, và đôi chân mày cong vòng như viền trăng non: Chân mày vòng nguyệt có duyên Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng. Hay có cặp lông mày thanh mướt như lá liễu và khuôn mắt thuôn dài như dáng lá rau răm: Những người con mắt lá răm Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền. Có nàng đẹp nhờ hai con mắt to tròn đen láy, trông hiền lành, ngây thơ như mắt chim bồ câu: Cổ tay em trắng như thể gương tàu Đôi mắt bồ câu làm cho phải khổ. Hay sáng ngời, lấp lánh như ánh sao khuya: Nhấp nhánh là nhấp nhánh ơi Mắt người lấp lánh như sao trên trời Nhớ người lắm lắm người ơi! Có nàng lại đẹp nhờ hai má có hai lúm đồng tiền, mỗi khi nói nói, cười cười tạo nên một cái duyên hấp dẫn là thường: Hai má có hai đồng tiền Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa. Hay vì có nước da trắng nõn, đôi gò má đỏ au, đôi môi hồng đào, khiến nét mặt trở nên tươi thắm vô ngần, nhiều cậu vừa thoáng thấy đã phải chú ý rồi đem lòng trộm dấu, thầm yêu: Ai xui má đỏ, môi hồng Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu. Và: Nước trong ai chẳng rửa chân Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn. Tuy nhiên nụ cười vẫn là vẻ đẹp quyến rũ nhất của người thiếu nữ, một nụ cười tươi gây nên bao nỗi nhớ, niềm thương : Mình về mình nhớ ta chăng Ta về ta nhớ hàm răng mình cười, Trăm quan mua lấy miệng cười Nghìn quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen. Sau hết phải kể tới vóc dáng. Người con gái đẹp là người có thân hình thỏn thả, thanh tú: Người thanh tiếng nói cũng thanh Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu. Người thanh tất nhiên không phải là người béo, cũng không phải là người gầy, vì người đẹp phải là người có da, có thịt, cổ tay phải tròn lẳn, mềm mại kia: Cổ tay em trắng lại tròn * * * Gối chăn gối chiếc không êm Gối lụa không mềm bằng gối tay em. Đã thế, người đẹp còn phải có eo thon, tạo nên sự cân đối và làm nổi bật được những đường nét yêu kiều cho vóc dáng: Những người thắt đáy lưng ong Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con. Tóm lại, người thiếu nữ Việt Nam xưa được kể là đẹp phải thuộc vào hạng những người có nước da trắng trẻo hồng hào, mái tóc rậm dài tha thướt, nét mặt tươi thắm hồn nhiên, dáng vóc thanh tú cân đối mềm mại. Người đẹp như thế thì đứng đâu mà chả đẹp: Trúc xinh trúc mọc đầu đình Em xinh em đứng một mình cũng xinh. Trúc xinh trúc mọc bờ ao Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh. Đã vậy, theo bản tính tự nhiên, người thiếu nữ Việt Nam xưa cũng biết cách làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của mình. Nàng được bác mẹ dạy 'cái răng cái tóc, một góc con người' nên hằng cố gắng trau chuốt. Nàng còn biết 'Đàn bà tốt tóc thì sang', mà muốn: Tốt tóc thì cỏ mần trầu Sạch ghét sạch gầu bồ kết với chanh. Áp dụng những chất liệu đó, nàng đã tạo được cho mình một mái tóc rậm, dài tha thướt, làm cho bao chàng phải trầm trồ: Anh đi khắp bốn phương trời Chẳng đâu lịch sự bằng người ở đậy Gặp em má đỏ hây hây Răng đen nhưng nhức, tóc mây rườm rà. Nàng cũng biết giắt hoa trên đầu để ướp hương cho tóc và làm cho suối tóc thêm vẻ mỹ miều: Tóc em dài em cài bông hoa lý Miệng em cười có ý anh thương. Có nàng thả suối tóc buông lơi trước gió khiến lắm chàng trai phải xao xuyến, đê mê: Tóc đến lưng vừa chừng em búi Để chi dài bối rối dạ anh. Còn đây là nụ cười, ai cũng biết nụ cười, khóe mắt là hai yếu tố tạo nên vẻ linh động, duyên dáng nhất trên khuôn mặt người đàn bà. Và nụ cười chính là lợi khí đầu tiên của người thiếu nữ để chinh phục tha nhân. Thế nên, ngay khi vừa mới dậy thì, người thiếu nữ đã sớm biết tạo cho mình một cái duyên bằng nụ cười: Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng Thương ai chúm chím cười duyên một mình. Và lạ chưa, vừa nhìn qua nụ cười, người ta đã đoán ngay nàng là gái chưa chồng: Răng đen nhưng nhức hạt dưa Miệng cười tủm tỉm như chưa có chồng. Vì ý thức được rằng, người chung quanh sẽ đánh giá sự giáo dục gia đình, và đoán biết được tình ý của mình qua nụ cười nên nàng rất giữ ý tứ. Người con gái có ý tứ không được cười toét miệng hoặc cười thành tiếng, mà chỉ cười nụ, chúm chím đầu môi như nụ hoa ngâu nhỏ xíu, khum khum hàm tiếu: Nụ cười như thể hoa ngâu Cái khăn đội đầu như thể hoa sen. Nụ cười có ý tứ ấy, chẳng những dễ dàng gây được thiện cảm với các chàng trai ngay trong buổi đầu gặp gỡ, mà còn có khả năng lưu lại tình quyến luyến lâu dài trong ký ức của họ: Nhớ khi khăn mở trầu trao Miệng thì cười nụ biết bao nhiêu tình. Nếu không chúm chím thì đôi môi cũng chỉ được hé mở, đủ lộ hai hàm răng đen nhánh, tạo cho người con gái một vẻ đẹp tươi tắn, rực rỡ: Ngó lên lỗ miệng em cười Như búp hoa nở, như mặt trời mới lên. Nụ cười tươi với hàm răng đen nhánh ấy đã gây được bao nhiêu thi hứng trong ca dạo Biết bao chàng trai đã vì chúng, sau cuộc vui ra về còn ôm mãi mối tương tư: Mình về mình nhớ ta chăng Ta về ta nhớ hàm răng mình cườị Răng đen ai khéo nhuộm cho cô mình Để duyên cô mình đẹp Cho cái tình chúng anh yêu. Nàng còn biết làm đỏm thêm bằng miếng trầu cho đỏ cặp môi, bằng hớp rượu cho hồng đôi má: Có trầu cho miệng đỏ môi Có rượu cho chén thêm tươi má hồng. Và cuối cùng là con mắt, người đông phương chúng ta không cần phải đọc sách Tây phương mới biết 'con mắt là cửa sổ của linh hồn'. Chẳng thế, các cụ ta xưa đã biết nhìn vào mắt nhau để đoán biết tình ý. Sau giây phút thăm dò 'Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa', khi đã chịu ai rồi thì từ đấy người con trai mới bắt đầu mơ mộng, thôi thì thương ai từ cái tóc thương đi: Một thương tóc bỏ đuôi gà Hai thương ăn nói mặn mà có duyên Ba thương má lúm đồng tiền Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua Năm thương cổ yếm đeo bùa Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng Bẩy thương nết ở khôn ngoan Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh. Chàng thương hơn nữa vì nàng còn sống độc thân, chàng mới được phép ước ao, hy vọng. Nhưng còn một điểm tối hậu, quyết định cả số mệnh cuộc tình của chàng? Thì đây, chàng đã bắt được tín hiệu 'con mắt có tình', ngầm cho phép tiến tới của nàng. Ôi! Thương biết mấy 'con mắt có tình với ai' kia: Chín thương cô ở một mình Mười thương con mắt có tình với ai. Ngay cả trường hợp có nàng chưa hề biết tình ý của đối phương, nhưng trong cuộc gặp gỡ, một khi nàng đã chịu ai rồi, đã nhắm ai rồi thì liền biết lợi dụng đôi mắt đẹp của mình đẻ tấn công. Đôi mắt nhấp nháy, lóng lánh, đong đưa chiếu vào mắt ai như mời gọi, hứa hẹn.. khiến đối phương như bị ma lực hớp hồn, khó lòng mà tránh khỏi cạm bẫy của tình trường: Hoa thơm hoa ở trên cây Mắt em lúng liếng Dạ anh say lừ đừ. B. Y trang Bên cạnh sắc đẹp về thể chất, y trang cũng giúp nàng thêm phần lộng lẫỵ Trong bộ y phục của người phụ nữ Việt Nam xưa, cái yếm che ngực lại được để ý hơn cả. Nó được để lộ ra sau lớp áo cánh xẻ nách, có cổ thìa mổ trễ xuống gần lũng ngực và tấm áo dài không gài nút. Cả hai đều màu nhã, do đó, nàng thường cố tình chọn màu yếm cho thật nổi: Khi thì yếm trắng tinh Hỡi cô yếm trắng lòa lòa Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu Hay là lụa bạch bên Tầu Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài, Khi thì yếm đào: Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng? Khi lại yếm thắm. Và bao giờ nàng cũng thắt thêm chiếc thắt lưng khác với màu yếm, nhưng thường là màu xanh hoa lý cho tăng phần diêm dúa: Hỡi cô yếm thắm, bao xanh Có về Gia Định với anh thì về. Ngày xưa, người đàn bà bước chân ra khỏi cửa là phải mặc áo dài. Các nàng mặc áo dài tứ thân (áo phía sau nối suốt dọc sống kể là hai thân, áo phía trước có hai vạt rời dài bằng nhau, không có nút gài mà buộc chéo trước bụng rồi thả thõng xuống), Nhiều nàng vì phải gánh gồng buôn bán, vai áo chóng rách; để khỏi phải bỏ phí cả áo, người xưa nghĩ cách tiết kiệm, chỉ thay nửa thân áo trên bằng loại vải có màu xẫm hoặc lạt hơn, gọi là áo vá vai hay vá quàng: Thương em thuở áo mới may Bây giờ áo rách hai vai vá quàng. Áo vá quàng vì thêm màu sắc trông lại có duyên, nhiều nàng bắt chước, trở thành thời trang: Có chồng bớt áo thay vai Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm. Nàng là gái hàng phố nên mặc áo năm thân, còn gọi là áo năm tà. Nàng thường mặc để đi chơi hay khi phải tiếp khách (vạt trước và vạt sau đều nối dọc ở giữa thành mỗi vạt kể là hai thân, lại thêm một vạt con để cài khuy) : Vải nâu may áo, kìa áo năm tà Ai may cho cô mình mặc Xem hội cái đêm hôm rằm, rằm tháng giêng. Nàng còn biết vấn khéo vành khăn, cố tình để lộ đuôi tóc dài như đuôi gà, vắt vẻo trên đầu, lại phất phơ, đong đưa theo bước đi, trông rất gợi cảm. Lối bỏ tóc đuôi gà này cũng đã tạo nên cái mốt một thời; 'Một thương tóc bỏ đuôi gà' là vậỵ Trời lạnh, trên đầu nàng chít khăn, khăn chít khum khum, ôm lấy khuôn mặt trẻ trung mơn mởn, khác nào như cánh hoa sen: Miệng cười như thể hoa ngâu Cái khăn đội đầu như thể hoa sen. Ra đường, nàng đội thêm chiếc nón xứ Nghệ, có nơi còn gọi là nón ba tầm hay nón thượng quai thao, để làm duyên hơn là để che mưa nắng; chẳng thế mà khi đi xem hội ban đêm nàng cũng đội: Chẻ tre đán nón - Kìa nón ba tầm Anh cho em đội xem hội cái đêm hôm rằm, là rằm tháng giêng. Đây là một thứ nón mặt tròn, đường kính chừng 80cm, có bờ cao chừng 5 hay 6cm, quai nón có tua thao dài, buông thõng xuống hai bên: Cái nón ba tầm, quai thao mỏ vịt bịt bạc là nón ba tầm Để cho em đội qua rằm tháng giêng. Nếu đi nhanh, hai tua thao sẽ quất vào mặt, nên khi đội nón này, nàng bắt buộc phải từ tốn chậm bước, tạo nên vẻ yểu điệu, dịu dàng. Khi gặp chàng trai nào có vẻ theo sát tán tỉnh, nàng ngượng quá, vội nghiêng vành nón là các chàng phải khốn đốn mới nhìn được mặt người đẹp, mà cũng chỉ nhìn thoáng được thội Như thế, nón quai thao đã vô tình tạo thêm vẻ duyên dáng cho phụ nữ, khiến nhiều chàng đã phải chặc lưỡi: Ai làm cái nón có thao Để cho anh thấy cô nào cũng xinh! Tóm lại, quan niệm về dung nhan người đẹp xưa qua những câu ca dao như vừa trình bầy, chúng ta thấy không khác ngày nay bao nhiêu. Tuy nhiên, thời đại này, người ta thích răng trắng và chuộng những nàng có vóc dáng cao lớn hơn. Đặc biệt về y trang, quả đã có nhiều đổithay. Nhưng tựu trung, thời nào người phụ nữ cũng thích điểm trang và có ý ăn mặc diêm dúa đôi chút cho tôn thêm cái nhan sắc của mình.