Những tháng năm dấu yêu Tác giả: Trầm Mặc Lại một mùa thu nữa sắp qua rồi, tôi cứ bước đi vô thức trên con phố dài thân quen. Làn gió heo may cuối mùa khẽ lướt qua làm cho bờ vai tôi run rẩy, tôi rảo bước nhanh hơn khiến cho đám lá vàng dưới chân bay tứ tung. Tôi tự hỏi nếu đám lá kia biết nói thì liệu chúng có mắng cho tôi một trận không nhỉ? Giá những chiếc lá kia biết giận hờn mà mắng cho tôi một trận nên thân thì tốt biết bao. Giá như chúng nổi điên mà mắng mỏ tôi giống như mẹ tôi ngày trước thì hạnh phúc đến nhường nào.. Tôi lặng lẽ mỉm cười gượng gạo giữa trời gió lạnh, ký ức tìm về những năm tháng yêu dấu.. Thu dậy rửa bát! Suốt ngày ngủ, mày ngủ mãi mà không biết chán hả? Thu dậy học bài đi con! Sắp thi đến nơi rồi đấy! Những thanh âm xưa cũ cứ thế ùa về trong tiềm thức tôi như một cơn lũ, không cách nào có thể kìm nén! Gần như bấn loạn tôi đưa chân đá vào đám lá vàng phía dưới làm chúng điên đảo, cảm xúc trong tôi như một quả bóng bị bơm căng, đến nay vỡ òa thành từng mảnh lay lắt. Khoảnh không gian quanh tôi cứ vô thức lịm dần đi, đến cuối cùng tôi chỉ còn cảm nhận được tiếng gió khẽ rên rỉ bên tai như đang ai oán cho một kiếp đời lênh đênh, vô định. Góc phố, hàng cây, những ánh đèn lấp lánh.. tất cả đều nhòa đi trước mắt tôi. Tôi luống cuống lau đi những lệ còn vương trên mi, rồi vội vã nhặt tập bản thảo tôi đã lỡ buông trong cơn mê mải. Có những ánh mắt nhìn tôi tò mò, cũng có những tia nhìn tỏ vẻ thương hại. Tôi hơi bối rối nhưng với tôi họ chỉ những người xa lạ, nếu họ có nghĩ tôi bị điên đi chăng nữa tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi xếp tập bản thảo gọn gàng trên tay rồi ngẩng cao đầu bước tiếp, dù cho có tuyệt vọng, dù cho có bất lực đến nhường nào tôi cũng phải bước tiếp, tuyệt đối không thể gục ngã, không thể để bản thân bị coi thường được! Trên đời này chỉ có tôi mới được phép coi thường chính tôi mà thôi. Đi gần hết đường Tôn Đức Thắng tôi rẽ vào ngõ Văn Chương, con ngõ nhỏ vắng vẻ, u ám không làm tôi thấy sợ hãi mà ngược lại nó cho tôi một cảm giác bình yên đến lạ lùng. Rời xa được dòng xe cộ ồn ào tấp nập, trốn được khỏi những ánh đèn hào nhoáng kia đối với tôi đó là bình yên rồi. Tôi đứng trước cửa nhà, căn nhà hai tầng nhỏ xíu, nhuộm màu của tháng năm mà tôi may mắn đã được cụ Hậu cho thuê từ hai năm trước. Tôi lấy chìa khóa mở cửa, tiếng cửa sắt hoen ghỉ kêu rít lên làm trong tôi nhen nhói lên một tia thích thú. Ở giữa khu phố cổ đang dần tàn phai những nét cổ kính, hoang sơ tôi tự nhiên thấy yêu tất cả những điều bình dị còn xót lại nơi đây như khi tôi yêu vài mảnh ký ức thời ấu thơ còn vấn vương trong tiềm thức. * * * Trước ánh đèn nê-ông vàng vọt gian phòng tĩnh mịch dường như thêm phần lãnh đạm, điểm tô thêm nơi tâm hồn tôi một gam màu u ám đến thê lương. Tôi lên phòng bật chiếc máy phát nhạc kiểu cổ điển, bản nhạc buồn vang lên lúc trầm lắng, khi lại réo rắt xé lòng mang đến cho tôi biết bao nhiêu hoài niệm. Thế mà tôi đã trải qua hai mùa thu của Hà Nội rồi đấy, mọi thứ cứ như mới hôm qua, tôi vẫn sống như một bông hoa dại giữa thế gian vội vã. Tiếng nhạc hòa cùng tiếng lòng, cứ thế miên man rồi tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay. Tích tắc, tích tắc.. đồng hồ điểm ba giờ sáng tôi thức giấc vì chiếc bụng cứ kêu réo không thôi, nhắc mới nhớ cả ngày hôm nay tôi chả có gì bỏ bụng. Tôi nghĩ về những tháng năm yêu dấu khi tôi còn bên mẹ, bên bạn bè thầy cô những tháng ngày ấy cứ như một thước phim đen trắng chiếu thật chậm trong ký ức tôi. Thước phim ấy chợt ngưng lại khi chiếu đến một cô bé còn nhỏ xíu mà đã phải lòng văn chương, còn hứa với mọi người sau này lớn lên sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng. Tôi cười đau khổ, ngày ấy tôi mạnh mẽ là thế mà sao giờ đây những suy nghĩ muốn buông bỏ chốc lát lại hiện lên trong tôi. Khi thước phim chiếu đến khoảnh khắc tôi chia tay bạn bè, thầy cô rồi đến cái câu mà tôi đã tuyên bố với mẹ trước khi ra đi "Con không cần mẹ lo cho con! Con nhất định sẽ thành công! Nếu không con sẽ không trở về nhà nữa!" thì chiếc gối tôi nằm đã ướt đẫm, tôi nhận ra mình không mạnh mẽ như bấy lâu nay tôi vẫn tưởng. Ô cửa sổ bật mở, làn gió lạnh mang theo hương hoa sữa thoang thoảng ùa vào làm tôi thấy khoan khoái. Ngày xưa tôi yêu mùa thu nơi đây là thế, vậy mà lúc này thu đến tôi chỉ thấy buồn, thu tàn tôi lại càng buồn hơn. Tôi cầm chiếc máy tính xách tay rồi mở phần mềm soạn thảo văn bản lên. Tôi muốn viết, viết ra hết những cảm xúc đang chất chứa trong lòng với hy vọng những phiền muộn trong tôi sẽ phần nào vơi đi. Tích tắc, tích tắc.. màn hình máy tính vẫn trống trơn chả có lấy nổi một chữ, tiếng kim đồng hồ vẫn cứ đều đều vang lên như hối thúc tôi. Cuối cùng chiếc máy tính cũng hết kiên nhẫn mà lặng lẽ tắt ngấm. Thế là hết, tôi chẳng còn gì nữa, ngay cả những con chữ vẫn luôn ở bên tôi đến nay cũng đã bỏ tôi mà đi mất rồi. Tôi chán nản nhìn tập bản thảo ở trên bàn, tác phẩm tôi viết trong gần một năm trời với biết bao nhiêu tâm huyết lại chẳng được nhà xuất bản nào để ý tới. Hôm nay là lần thứ mười ba tôi bị từ chối, cầm tập bản thảo trên tay tôi định thả nó trôi theo cơn gió kia, chắc chỉ có cơn gió heo may kia mới thấu được lòng tôi mà thôi. Khi "những đứa con" mà tôi vẫn hằng nâng niu sắp rời bỏ tôi thì một hồi âm báo từ chiếc máy tính kéo tôi ra khỏi những cảm xúc mơ hồ. Một dòng "mail" gửi đến cho tôi vào lúc bốn giờ sáng! "Thu xấu xí, 20 – 11 nhất định mày phải về trường đấy nhé! Anh em đều về đông đủ cả đó! – Liên xinh đẹp" trong tôi lan tỏa một niềm vui khó cưỡng, đã lâu rồi tôi không liên lạc với bạn cũ vậy mà sao con Liên lớp trưởng lại lần được địa chỉ của tôi nhỉ? "Nhất định tao sẽ về!" nhất định! Tin nhắn đã gửi thành công. Tôi nhìn dòng chữ trên màn hình mà lòng nhẹ nhàng quá, cảm giác như tôi sắp được trở về những tháng năm yêu dấu ngày xưa. * * * Những cơn gió lạnh mang đông về Hà Nội tôi khoác chiếc áo phao thật dày ngắm nhìn những con phố như co ro trước cái lạnh buốt giá của mùa đông. Trời vẫn còn chưa sáng rõ tôi lắng tai nghe những thanh âm của buổi ban mai, những tiếng rao sớm hòa cùng tiếng radio tạo nên một khúc nhạc thật giản đơn nhưng lại làm lòng người mê đắm. Tôi bước lên chiếc xe sẽ đưa tôi trở về những năm tháng dấu yêu, nhìn lại một lần nữa những căn nhà cổ kính, những mái hiên siêu vẹo rồi gói gom chúng vào một góc nơi tâm trí tôi. Có lẽ tôi sẽ không trở lại nơi đây nữa, có lẽ những yêu dấu năm nào sẽ níu bước tôi và hơn cả tôi cảm giác mình sẽ không thể viết được nữa, cảm xúc trong tôi đã khô cứng tự khi nào mất rồi. Sau hơn hai giờ trên xe với những dòng cảm xúc miên man, cuối cùng ngôi trường Gia Viễn A thân yêu cũng hiện ra trước mắt tôi, ôi! Biết bao nhiêu cảm xúc ngày nào lại ùa về vẹn nguyên trong tôi như chưa bao giờ tan biến, tôi bước xuống xe lặng nhìn nơi yêu dấu ấy những vui, buồn, hạnh phúc cùng biết bao nhớ nhung như làm thời gian lắng đọng lại. Chẳng biết tôi sẽ chìm đắm đến bao giờ nếu không có một giọng nói thân quen vang lên kéo tôi ra khỏi miền ký ức. "Thu! Em đã về rồi sao? Em trưởng thành nhiều quá làm cô suýt không nhận ra!" Chẳng phải giọng cô Loan đó sao, tôi nín thở quay lại nhìn cô tôi chợt thấy sống mũi cay cay. Mới ngày nào cô vẫn còn động viên tôi hãy theo đuổi đam mê đến cùng bởi còn điều gì tuyệt vời hơn là được sống với đam mê cơ chứ? Tôi chạy đến ôm trầm lấy cô, tôi muốn kể cho cô nghe biết bao nhiêu sóng gió mà tôi đã trải qua, kể cho cô nghe để chạy theo đam mê tôi đã phải đánh đổi nhiều đến nhường nào, nói với cô rằng tôi đã mệt mỏi lắm rồi và tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng cổ họng tôi cứ nghẹn ứ lại chẳng thể nên lời. Cô Loan vẫn dịu dàng xoa lưng, giúp tôi ngăn đi những tiếc nấc nghẹn ngào, rồi biết bao thanh âm quen thuộc lại kéo đến giọng nói đầu tiên tôi nhận ra ngay của con Liên lớp trưởng. "Chúng em chào cô! Ôi Thu! Tao cứ tưởng mày phải đến cuối cùng cơ!" Tôi quay lưng lại với con bạn thân, không muốn nó nhận ra cảm xúc của mình, đến khi bình tâm tôi mới quay lại cười thật tươi đáp lời nó. "Vớ vẩn, vớ vẩn mày quên ngày trước tao làm lớp phó kỷ luật rồi hả?" Đám con trai cười ha hả khoái chí còn vẻ mặt con Liên trầm hẳn xuống, có lẽ nó đã nhận ra điều khác lạ trong tôi. Tất cả chúng tôi bắt tay nhau rồi trò chuyện rôm rả, bọn con trai lớp tôi ngày nào gầy nhẳng mà giờ đây to cao, ra dáng đàn ông gớm. Chúng tôi xúm quanh cô Loan rồi cùng nhau vào trường, mới hai năm mà trường tôi có nhiều thay đổi quá! Khang trang hơn ngày xưa rất nhiều, các em học sinh cũng rất lễ phép gặp ai cũng chào hỏi, tôi thầm nghĩ rồi mai đây những mầm non này lại giống như tôi bây giờ phải đối mặt với những chênh vênh của cuộc sống. Sau khi xem xong tiết mục văn nghệ chúng tôi đi chào hỏi các cô giáo, thấy giáo của trường tôi mừng vì thầy cô nào cũng giữ được sức khỏe tốt để có thể tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Cuối cùng tụ tập ở nhà cô Loan, mỗi người đều phải kể lại những khó khăn cũng như những thành tựu của bản thân trong hai năm qua, có đứa học đại học, có đứa thì đi làm thợ hàng tháng kiếm được cả đống tiền, đứa nào cũng đều có tương lai cả còn tôi thì.. tôi cười đau khổ, sắp đến lượt mình nên mùa đông mà mồ hôi tôi cứ vã ra như tắm, biết ăn nói thế nào đây? Tôi cứ lặng nhìn đồng hồ trôi mà nép sau bóng lưng của con Liên chỉ mong mọi người sẽ quên tôi đi nhưng giọng cô Loan nghiêm khắc như hồi còn đứng lớp vang lên làm tôi hết hy vọng. "Thu các bạn đều đã rãi bày hết tâm sự rồi, chỉ còn mình em thôi đấy!" Bốn mươi con mắt đang nhìn tôi chờ đợi cuối cùng tôi cũng phải đứng lên, tôi kể với cô giáo cùng đám bạn về cái cuộc sống của mình. Hàng ngày tôi phải đi làm ở quán cà phê để kiếm sống rồi đến đêm lại vùi đầu vào viết lách. Mọi thứ khó khăn cứ thế chất chồn lên tấm thân đã quen ăn no, mặc ấm của tôi. Niềm tin duy nhất để tôi tiếp tục bấu víu vào cuộc sống đó chính là tập tiểu thuyết đầu tay mà tôi viết bằng cả trái tim mình. Đến bây giờ thì tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng, tôi muốn buông bỏ tất cả dù cuộc sống có cuốn tôi đi về đâu, tôi cũng mặc kệ. Nói đến đây cô Loan đã đến bên mà nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, giọng cô vang lên hơi run run làm tôi ngạc nhiên giống hôm đầu tiên cô cầm cây guitar mà hát cùng chúng tôi. "Học trò ngốc của cô ơi! Ở tuổi của em ai mà lại không bấp bênh, khốn khó cơ chứ! Nói cô nghe, mỗi khi em viết được nên những cảm xúc những mơ ước của mình em có thấy hạnh phúc không?" Tôi lặng lẽ gật đầu "Nhưng em.. cảm xúc của em giờ đây khô cứng hết cả rồi cô ơi! Em không thể viết nổi nữa!" em không thể! Cô Loan nhìn thẳng vào mắt tôi, rồi cô nói với tôi vẫn bằng chất giọng thanh thanh ngày xưa. Những ngày tháng cô đã thổi bùng lên ngọt lửa văn chương, để nó cháy trong tôi thật mãnh liệt và đến giờ khi ngọt lửa ấy sắp tàn cô lại làm nó cháy thêm một lần nữa. "Em có nhớ em đã từng khẳng định với cô em sinh ra là để dành cho văn chương không Thu? Nó sẽ vĩnh viễn ở trong em, không thể nào mất đi! – Cô đặt bàn tay nơi ngực trái tôi rồi tiếp lời: Cô nghĩ em không viết được vì cuộc sống ngoài kia đã làm em áp lực, em nên đi du lịch một chuyến hay về thăm nhà nhiều hơn, cô tin những xúc cảm ngày nào sẽ sớm lại với em mà thôi!" Những lời của cô Loan thật quý giá nó tiếp thêm biết bao động lực cho tôi, sau bữa ăn vui vẻ chúng tôi chào từ biệt nhau, ai cũng buồn thầm lặng chỉ có thằng Huy là nước mắt lưng tròng giờ đang trốn ở trong nhà tắm. Thế là tôi đã tìm lại được một nửa những năm tháng yêu dấu ngày nào, còn lại một nửa nữa tôi sẽ đi gom góp nốt rồi cất thật kỹ, để chúng vĩnh viễn sẽ không thể rời bỏ tôi thêm một lần nữa. * * * Nhà tôi sau hai năm chả có gì thay đổi tôi lặng lẽ bước vào như một cơn gió, mẹ tôi đang ngồi ở trên ghế đọc báo, mới hai năm mà mẹ đã già đi nhiều quá có phải những nếp nhăn kia là do đứa con bướng bỉnh này không? Tôi cất tiếng gọi mà trong suốt hai năm qua tôi vẫn chỉ được gọi trong những cơn mê. "Mẹ ơi! Con gái đã về rồi đây!" Mẹ quay lại nhìn tôi, trong khoảnh khắc thời gian như lắng đọng làm cho tôi thấy khó thở, rồi mẹ bất ngờ ôm siết lấy tôi vào lòng như hồi còn thơ bé, tôi cũng ghì lấy bà để cảm nhận tình yêu thương bấy lâu nay vẫn trống vắng trong tôi. "Mẹ ơi! Là con hư không nghe lời mẹ! Cho con xin lỗi!" Tôi chờ đợi mẹ mắng tôi nhưng ngày nào nhưng bà vẫn lặng thinh không nói một lời. Tôi nhìn mẹ mà trong lòng nhói đau. "Mẹ! Sao mẹ không mắng con! Con bỏ nhà hai năm mà mẹ không giận con sao!" "Con gái ngoan của tôi đã về rồi.." Mẹ gần như độc thoại không quan tâm đến những lời tôi nói, tôi chỉ biết lặng nhìn mẹ nước mắt đầm đìa mà trong lòng day dứt khôn nguôi. Trong những năm tháng thanh xuân mỗi chúng ta đều có một cái tôi quá lớn, lớn đến nỗi ta vô tình để lạc mất đi những yêu thương, nhưng nhờ có thế nên thanh xuân của ta mới có được những hương vị thật khác lạ mà đến suốt cuộc đời ta sẽ mãi mãi không quên. Tôi ở nhà cùng mẹ suốt cả một tuần, kể cho mẹ nghe những điều tôi đã trải qua mẹ chẳng nói nhiều mà chỉ lặng lẽ buồn mà thôi. Rồi tôi lại thấy nhớ Hà Nội nhớ ký ức đã giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay tôi nhận ra mình phải đi, đi để được cháy với đam mê, đi để có thể tự viết nên cuộc đời của chính mình. Trước hôm tôi đi mẹ không nói lấy một lời, thậm chí mẹ còn chẳng níu giữ tôi lại. Rồi chuyến xe cũng sắp đến tôi không nén nổi tò mỏ mà hỏi mẹ có phần nũng nịu. "Mẹee! Sao mẹ không giữ con lại! Chẳng lẽ con không còn con là con gái" cưng "của mẹ nữa sao?" "Cái con này! Hai mươi tuổi đầu mà cứ như cái đứa lên ba! Nói thế nhưng mặt mẹ buồn lắm, buồn đến độ tôi phải miễn cưỡng tránh ánh mắt của bà. Cho đến khi chiếc xe đậu trước cửa nhà mẹ mới bất ngờ ôm tôi vào lòng. " Phải sống thật tốt nhé con gái! Phải nhớ về nhà thăm mẹ thường xuyên nhé con! Con gái mẹ đã lớn thật rồi!" Tôi vẫy tay chào mẹ rồi bước lên xe, chiếc xe lăn bánh rồi chìm dần trong làn sương mù của một sớm mùa đông.