Những màn đấu đá tàn khốc chốn hậu cung của các phi tần việt xưa

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi thanhminhthuy, 23 Tháng hai 2022.

  1. thanhminhthuy Văn học là nhân học

    Bài viết:
    18
    1. Nguyên phi Ỷ Lan

    Ỷ Lan vốn là một cô thôn nữ, sau một lần gặp gỡ mà bén duyên với Lý Thánh Tông, sinh được Thái tử, được phong làm Nguyên phi, đứng thứ hai trong hậu cung. Vua mất, Thái tử lên ngôi nhưng vì còn nhỏ nên cần người nhiếp chính (tức buông rèm ngồi đằng sau nghe các quan tâu bày khi vua thiết triều, nói cách khác là nhân danh nhà vua trị vì đất nước, nắm thực quyền trong tay).

    Hậu cung lâu nay vẫn hòa thuận, nhưng đã dính tới quyền lực thì làm sao yên bình được nữa. Triều đình chia làm 2 phe, một bên ủng hộ Thái hậu Thượng Dương do là chính thất của tiên đế, còn lại quyết đòi bằng được quyền cho Thái phi Ỷ Lan vì bà vừa là mẹ đẻ ra vua, vừa có tài, từng thay mặt Thánh Tông trị nước khi ông đi dẹp giặc.

    Cuối cùng phe Thái hậu thắng, Thái hậu Thượng Dương lên nắm quyền trị nước giúp vua mới. Vì vua vẫn còn là đứa trẻ nên vẫn cần mẹ chăm sóc, Thái phi hàng ngày tiếp xúc với vua, ra than vào thở là bị bất công: "Mẹ già khó nhọc nuôi con mới có ngày hôm nay, giờ được hưởng vinh hoa mà bị người khác lấy mất. Con định đặt mẹ già vào chỗ nào?".

    Vua nghe nhiều thành quen. Kết quả là, lệnh từ trong cung truyền ra, ép Thái hậu Thượng Dượng cùng 72 thị nữ phải chết theo tiên đế, còn Thái sư Lý Đạo Thành, người đứng đầu phe ủng hộ Thái hậu, bị biếm vào Nghệ An.

    Ỷ Lan vốn là người nhân từ, có tài có đức, là một trong những người kiệt xuất mà chúng ta vẫn thường nhắc đến trong những ngày tôn vinh phụ nữ. Nhưng có lẽ trong một khoảng mờ mắt trước quyền lực, bà đã gây ra cái chết oan cho mấy chục con người, trở thành vết nhơ trong cuộc đời bà. Về sau, do ân hận mà bà đã xây rất nhiều đền chùa khắp cả nước, coi như một cách tạ tội với cố nhân.

    2. Lệ chi viên

    Vua Lê Thái Tông có 6 bà vợ, và các bà đấu đá nhau tàn khốc, dẫn đến những vụ vu oan giá họa, phế làm thứ dân.. Có thể nói hậu cung của Lê Thái Tông ngập tràn những drama kinh hãi bậc nhất sử Việt.

    Trong đó nổi bật là bà Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao. Căng hơn nữa là hai bà này đều có con trai.

    Khi ấy, Nguyễn Trãi đang là một đại thần trong triều, có đưa người thiếp là Nguyễn Thị Lộ vào cung để chuyên dạy học cho các cung nhân. Do hậu cung đấu đá quá dữ dội, hai vợ chồng ông đã giúp Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao lánh ra chùa Huy Văn và sinh Lê Tư Thành (sau này là Lê Thánh Tông) ở đấy. Việc vợ chồng Nguyễn Trãi tiếp tay cho đối thủ khiến bà Nguyễn Thị Anh vô cùng tức giận, quyết "ghim" đến cùng.

    Sau, trong một lần vua Thái Tông đi công tác và nghỉ lại ở Lệ chi viên, có đem Nguyễn Thị Lộ theo cùng. Đêm hôm ấy, vua băng. Triều đình cho điệu Nguyễn Thị Lộ về, không điều tra kĩ càng mà kết luận luôn tội khi quân, đánh đập tra tấn bắt bà phải nhận.

    Nguyễn Thị Lộ có lẽ do quá đau mà đành nhận liều, dẫn đến vụ tru di tam tộc nhà Nguyễn Trãi, được mệnh danh là án oan thảm khốc nhất lịch sử Việt Nam.

    3. Lý triều- Trần triều

    Bắt đầu là vụ việc Lý Hạo Sảm (sau là Lý Huệ Tông) lánh nạn nương nhờ họ Trần và thành hôn với Trần Thị Dung, sau khi về kinh phong cho làm Nguyên phi. Đàm thái hậu vô cùng xung khắc với con dâu, thường mắng là giặc và bắt vua đuổi đi. Sau, biết vua quá yêu Nguyên phi nên bà tìm đủ cách để hại con dâu, cốt làm sao lôi được vua khỏi sự mê muội, diệt hậu họa cho nhà Lý vì khi đó, phe cánh của nhà Trần trong triều đã quá mạnh. Bà làm gắt đến độ vua còn phải sai Nguyên phi luôn ở cạnh hầu hạ, thức ăn cũng phải chia sẻ, không dám cho đi đâu.

    Nhưng sau cùng, vì sự bạc nhược của Lý Huệ Tông, sự bản lĩnh của Trần Thị Dung cùng sự khôn khéo của Trần Thủ Độ, bà không những không làm gì được con dâu mà còn bất lực để cháu mình nhường ngôi cho chồng, chấm dứt sự cai trị của nhà Lý. Kết cục của Đàm thái hậu sau này không rõ.

    4. Hậu cung của vua Gia Long

    Trích đoạn tự thuật của một vị quan người Pháp dưới trướng Gia Long:

    Ngày kia, vào buổi bệ kiến riêng sau một hội nghị quan trọng, vua nói: "Khanh hãy tưởng tượng nhiệm vụ của trẫm hoàn thành khi ngẫu nhiên chúng ta làm chóng những công việc chính trị và hành chính hàng ngày rồi trẫm tìm sự nghỉ ngơi trong nội điện của trẫm ư? Hãy giác tỉnh lại. Khanh sẽ không ngờ rằng, cái gì đợi trẫm ở kia (ngài chỉ về phía hậu cung của ngài) khi trẫm rời khỏi nơi đây. Ở đây, trẫm rất thoải mái vì được nói chuyện với những người xứng đáng; họ lắng nghe trẫm, họ hiểu trẫm và khi cần, họ vâng lệnh trẫm răm rắp.

    Còn ở đằng kia, trẫm gặp phải một lũ quỷ sứ thật sự. Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó, tất cả chạy đến cầu xin trẫm phân xử. Nếu làm đúng, trẫm sẽ luôn luôn khiển trách tất cả. Trẫm không biết ai chịu nhường nhịn ai trong cơn giận dữ".

    "Chốc nữa trẫm sẽ ở giữa một đám yêu phụ làm trẫm điếc tai nhức óc" (vừa giả giọng và điệu bộ của một người đàn bà trong cơ giận dữ, ngài vừa thét) : "Muôn tâu bệ hạ, bà đã sỉ nhục thần thiếp; người ta ngược đãi thần thiếp; thần thiếp xin phân xử", chừng 12 bà khác lại bổ đến, sau khi đã tâu với trẫm chát cả tai: "Muôn tâu bệ hạ, hoàng hậu ghét bỏ thần thiếp.. Bà đã làm vui lòng bệ hạ.. Đến lượt thần thiếp xin phân xử".

    Trước câu chuyện của vua Gia Long, vị quan người Pháp bày tỏ sự cảm thông: "Việc đó rất dễ, hoàng thượng sẽ có thể giảm mối sầu khổ của họ bằng cách hạn chế số cung phi". Nhà vua ngắt lời "Suỵt! Hãy nói khẽ! Nói khẽ!"

    Ngài cho những tên lính lệ và những hộ vệ quân lui ra và nói tiếp: "Ngài không biết rằng các cung phi hầu hết là con gái của các quan ư? Này, mặc dù số tuổi của trẫm đã đáng kể, nhưng không bao lâu nữa, một vị quan sẽ dâng hiến con gái của ông ta cho trẫm; trẫm không thể từ được. Vì như thế, trẫm sẽ làm ông ta đau đớn. Ở đây chính là một vinh dự và một sự đắc ý đối với trẫm, đó là một sự đảm bảo chắc chắn nhất về lòng trung thành của ông ta. Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ đều đáng ghê sợ hơn đàn ông"

    Tổng hợp: Việt điện u linh, Hậu cung Việt, Đại Việt Sử kí toàn thư
     
    Cuộn Lenlbk418 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...