Những điều ta đã quên - Nguyễn Lê Đan Tiên - Đó là một buổi chiều cuối năm, cả nhà ngồi cùng nhau nhâm nhi tách trà quanh bộ ghế salon, có ngọn gió khô và lạnh thổi vào vương vấn trên bộ lư đồng lúc xế ba với má vừa đánh. Nhấp nháp từng ngụm nhỏ nhìn màu nắng đang nhạt dần, cảm xúc dâng trào theo một bài hát cũ: "Em có nghe trời vào xuân chưa, bên song từng gọt nắng vàng lưa thưa.." Rồi lại Tết! Lòng tôi bỗng chợt buồn vì một điều gì đó chẳng thể gọi thành tên. Có lẽ, vì cảm nhận được thời gian trôi nhanh quá. Những ngày xưa tươi đẹp đã qua đi, và tôi biết mình sẽ chẳng thể quay về nữa. Chẳng thể quay về nữa, nhưng đừng ngăn cản tôi nhớ nhung. Tôi nhớ những ngày hè cùng mấy đứa bạn hàng xóm rủ nhau chơi ô ăn quan hoặc thả diều ở ngoài ruộng. Tôi không hiểu sao ngày xưa chúng tôi có thể thả diều với nhau cả mùa hè và chơi ô ăn quan từ sáng đến lúc trăng lên. Nhưng những ngày hè sao có thể vui bằng ngày tết ở quê? Những ngày trước tết, bọn trẻ ranh chúng tôi rủ nhau lên quả đồi phía sau trường học chặt cây thông non về trang trí. Hôm đó, thằng Tủn, _mối tình thơ bé của tôi, tham chọn cây nhiều cành sum suê nên lúc về không vác nổi, phải mượn mấy đứa đỡ cùng. Để lấy lòng nó tôi bỏ luôn cái cây của mình, chỉ lo việc ôm cái cây thông lắm cành cùng nó tận nhà. Ngày mùng Một, tôi chạy qua nhà nó chơi, thấy cây thông nhà nó được tramg trí đèn nhấp nháy đỏ vàng, bong bóng hình hoa mai mà nhà mình chẳng có gì, lòng lại tiếc hùi hụi.. Thật mất mát khi không được lớn lên ở miền quê, tôi nghĩ thế. Nhưng rồi những đứa trẻ sinh ra từ làng như tôi cũng lớn lên, cũng đi học, phần đông tìm đến những thành phố rồi không bao giờ quay lại hoặc đến khi trở lại thì đã không còn con đường đầy rơm rạ quen thuộc của cái xóm cũ ngày xưa. Tôi có quen đứa bạn ở Sài Gòn cứ gọi hỏi "Tết ở quê thế nào?". Bạn nói "chán Sài Gòn lắm rồi. Tết này chẳng vui như tết xưa, trời ơi thèm được ngồi giữa rơm rạ quê nhà nấu bánh chưng đón giao thừa lắm, nhớ bé Chín con ông Hải Rẫy lắm. Muốn gặp ồn bà nội lắm. Thế mà khi nghe hỏi" nhớ sao không về ". Bạn ậm ự, về sao được, mùng Năm phải đi học rồi. Có lẽ bạn cũng như những người lớn lên từ làng và sống ở thành phố lúc về quên ít khi vì vui thích nhớ nhung nên về, người ta về vì một đám giỗ của người thân, một đám cưới của họ hàng, một dịp lễ tết, quấy quá một hai ngày rồi vội vã tìm về nơi có khói bụi thành phố. Vì họ bận hay vì ở nhà ba gian gió lùa bất tiện hơn nhà khép kín và bạn của tôi không về dù miệng vẫn bảo nhớ Tết quê là vì phải bận học để bắt đầu cuộc chiến trường chuyên lớp chọn hay vì ở quê không có wifi? Trong những ngày gần đây, câu mà tôi thường nghe nhiều nhất từ miệng người khác chắc có lẽ là" Sao Tết này chẳng vui như Tết xưa? ". Phải chăng có điều gì đó người ta đã lỡ mất? Khi chúng ta nói" Tết này chẳng vui như Tết xưa", chúng ta đã quên mất điều này, tuy ngày xưa có được dăm ba ngày Tết vui, nhưng lại có tới hơn ba trăm ngày trong năm tảo tần lam lũ! Có thể Tết này không vui như Tết xưa thật, nhưng sự đủ đầy của hôm nay đã cho ta vô số những ngày yên vui còn lại. Khi người ta nói thèm cái cảm giác được luộc bánh chưng, nướng khoai lang trong bếp củi rơm, người ta đã quên đi mất căn bếp dột nát khói cay chảy nước mắt, quên những nồi sắn độn cơm thỉnh thoảng vẫn lác đác bụi tro rơi. Tôi vẫn còn nhớ sự chật vật của bà tôi vào những ngày mưa làm rơm ướt chảy, vì không thể nhóm lửa mà cả ngày hôm đó tôi phải nhịn ăn. Khi tôi nói nhớ những đêm trải chiếu nằm ngoài sân ngắm sao cùng bà, tôi đã quên mất đi vì sương xuống lạnh mà mình sốt cả đêm. Khi tôi nói tôi nhớ không khí Tết ở căn nhà nhỏ ngày xưa, tôi đã quên những ngày tháng mười mưa bão nước từ trên mái dột xuống giường, quên cái lạnh cắt da cắt thịt của những đợt gió bấc mà căn nhà ba gian phải hứng chịu. Và tôi chắc rằng, cả bạn, cả tôi sẽ không đổi căn hộ ba tầng để lấy ngôi nhà cũ. Chúng ta vẫn luôn nhớ về quá khứ bằng cách phóng đại những kỷ niệm đẹp để so sánh với với hiện tại. Chúng ta nói Tết ta không vui, vậy có bao giờ ta thử làm cho mình vui chưa? Chúng ta nói tết thiếu tình người, thế tình người là lỗi của tết hay của người? Người ta chỉ nhớ về Hà Nội như nhớ về những gì đẹp đẽ trong tranh về những con đường phố cổ với những hàng hoa. Họ nói, nếu thiếu vắng những gánh hàng hoa, Hà Nội không phải là Hà Nội. Nhưng những người bán hoa đâu phải để làm cảnh cho Bùi Xuân Phái vẽ tranh cho mọi người thưởng thức. Khi mà mọi người đang đi xe máy, đang ngồi an yên trong chiếc ô tô sang trọng kia, có mấy ai để ý đến sự tồn tại của những cô gái gánh hoa đạp xe rong ruổi qua từng ngách phố! Có chăng chỉ là một quý bà sang trọng mở cửa bước xuống xe, kì kèo ép giá từng đồng và rồi mãn nguyện vì đã mua được một bó hoa rẻ, còn cô gái đành ngậm ngùi chịu đựng vì vội về để kịp đón giao thừa cùng gia đình. Phải chăng vì những mưu cầu vật chất mà lòng cứ ngày càng hẹp dần, tủn mủn và nát vụn nên tết này mới chẳng vui như tết xưa? Cơn gió tết miên man thổi cuối năm có chút gì man mác buồn như nuối tiếc thời gian và tình người đã qua. Nhìn những cánh hoa đào, người ta sẽ thấy mùa xuân, còn tôi thấy cánh hoa mong manh như nước mắt của cô gái hàng rong nọ. Khi tờ lịch cuối cùng của một năm sắp bóc, chút buồn thương cho những điều ta đã quên!