Tháng 7 âm lịch hay được gọi là tháng cô hồn, tháng của ma quỷ, thường được nhắc đến là một trong những khoảng thời gian xui xẻo nhất trong năm. Trong thời gian này, người ta thường kiêng kỵ và tránh thực hiện các công việc hệ trọng để tránh mọi rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, mọi thứ có thật đúng như dân gian thường truyền miệng? Qua bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết về tháng cô hồn nhé. Cô hồn là gì? Cô hồn là một từ rất phổ dụng trong dân gian. Khi gặp ai đó không tốt, gặp sự việc không hài lòng, nhiều người còn đem nó như lời nói treo nơi cửa miệng. Nhưng ý nghĩa thật sự của từ này có bao nhiêu người hiểu? Theo tín ngưỡng của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, con người có hai phần: Phần xác và phần hồn. Khi sống hồn và xác hòa hợp làm một, nhưng khi chết đi hồn lìa khỏi xác, xác bị phân hủy còn hồn sẽ tiếp tục tồn tại. Tuy theo nghiệp ăn ở khi còn sống mà hồn có thể được về trời, đầu thai sống ở kiếp khác hoặc bị đày xuống địa ngục. Nếu một người bị chết oan hoặc do tác động của những nghiệp xấu, hồn không hoặc chưa được cõi nào tiếp nhận, hồn phiêu dạt không nơi nương tựa, không người thờ cúng, phải lang thang, chịu đói rét, hoặc quấy rối người sống. Những linh hồn này được gọi là cô hồn. Vì sao gọi là tháng cô hồn? Tên gọi tháng cô hồn này được bắt nguồn từ Đạo giáo của người Trung Quốc. Họ tin rằng từ ngày mồng 2 tháng7 âm lịch cho đến ngày 14 tháng 7 hàng năm, Diêm Vương sẽ mở Quỷ môn quan để ma quỷ được trở về nhân gian, những vong linh cõi âm này sẽ tự do lang bạt khắp nơi có thể mang đến nhiều điều xui xẻo, rắc rối. Vì vậy, dân gian quan niệm trong tháng 7 âm lịch, chúng ta không nên tiến hành những việc đại sự của bản thân và gia đình để tránh những điều không hay. Đồng thời, mọi người nên làm nhiều việc thiện, cúng cô hồn.. để cho ma quỷ không quấy nhiễu cuộc sống hàng ngày, cũng như công việc làm ăn, buôn bán. Đây cũng là khởi nguồn của tục Cúng cô hồn – một trong những tín ngưỡng tâm linh truyền thống lâu đời. Trong quan niệm của Phật giáo cũng có 2 truyền thuyết kể về sự tích tháng cô hồn. Chuyện kể rằng ngày trước, quỷ thường hay quấy phá, làm hại người, khiến họ không thể yên ổn làm ăn, khổ quá bèn kêu lên Phật. Đức Phật giúp con người trục quỷ, đày chúng xuống địa ngục. Thế nhưng vì lượng cả từ bi, ngài cho phép chúng trở lại dương gian mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng 7. Một chuyện khác kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con Ngạ quỷ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: "Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ". A Nan Đà sau đó đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để thêm phước. Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn. Nhắc đến Ngạ quỷ các thuyết Phật giáo cũng có giải thích rằng, Ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng ta sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng ta sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ. Do đó, vào tháng 7 âm lịch, người ta cho rằng ở trần gian có rất nhiều vong hồn, ma, quỷ đói.. Cúng cô hồn. Cúng cô hồn được xem là một hoạt động tâm linh và văn hóa của dân gian đối với những người đã chết. Cúng cô hồn mang những ý nghĩa an ủi phần nào cho các linh hồn khốn khổ của những người chết oan, sống lang thang không nơi để nương tựa, không người để thờ phụng. Để họ được hưởng hương hoa, đồ thờ cúng khi còn ở trần gian. Bên cạnh đó nghi thức khi cúng cô hồn còn nhằm xua đi những vận hạn, đẩy những điều xui xẻo, mang về bình an về cho bản thân và gia đình gia chủ. Cúng cô hồn thường diễn ra nhiều lần trong năm thường vào các ngày 2 và 16 âm lịch mỗi tháng, nhưng những lễ này thường những người kinh doanh sẽ cúng chứ không áp dụng cho đại đa số gia đình. Tuy nhiên, rằm tháng 7 được coi là lễ cô hồn lớn nhất trong năm, và thường nhà nào cũng làm lễ cúng. Giật cô hồn. Trước khi buổi lễ cúng cô hồn kết thúc, gia chủ sẽ bê mâm lễ gồm có tiền lẻ, bỏng ngô, khoai luộc, bánh, kẹo, mía.. ra ngoài đường để trẻ con tranh cướp nhau. Trước kia, việc "giật cô hồn" thường là trò chơi của những đứa trẻ bởi người xưa tin rằng các cô hồn rất yêu trẻ con nên sẽ không tức giận khi thấy chúng vui vẻ, hào hứng. Việc mâm đồ cúng bị trẻ con tranh giành sạch sẽ được coi như điều may mắn cho gia chủ vì điều này sẽ làm các cô hồn hài lòng. Nhiều người còn cho rằng, cho trẻ nhỏ ăn đồ cúng sẽ giúp chúng được phù hộ, khỏe mạnh. Những điều cấm kỵ không nên làm trong tháng cô hồn. Người xưa quan niệm, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", dân gian thường lưu truyền những điều cấm kỵ, không nên làm trong tháng cô hồn để tránh xui xẻo, cầu bình an và may mắn như sau: - Không đi chơi đêm. Vào tháng này, người ta quan niệm rằng ma quỷ đi lang thang rất nhiều cho nên bạn hạn chế đi vào đêm muộn để tránh những điều không hay xảy ra. - Không ăn vụng đồ cúng Đồ cúng được quan niệm là của thiên, của địa. Do đó ăn vụng trong lúc cúng được xem là một sự xúc phạm, tự rước họa vào thân. - Không nên phơi quần áo vào ban đêm Theo quan niệm dân gian, ban đêm là thời gian hoạt động của thế giới khác. Việc bạn phơi quần áo nhiều vào ban đêm sẽ được cho là cơ hội để ma quỷ 'ám' vào những bộ quần áo này. - Không nên ở nhà một mình. Ma quỷ luôn hạn chế xuất hiện ở những nơi đông người, chính vì thế nếu bạn ở nhà một mình thì ma quỷ sẽ có cơ hội xâm nhập và ám ảnh bạn. Chúng sẽ quấy rối trong căn nhà bạn và khiến bạn cảm thấy bất an, không ngủ yên được. - Đi qua nơi vắng vẻ không được quay đầu lại Ở những nơi vắng vẻ bạn thường hay lo lắng, nhưng tuyệt đối chỉ đi về phía trước không được quay đầu vì sẽ luôn có cảm giác có ai đó đang dõi theo mình. Đây là cơ hội để ma quỷ trêu chọc và khiến bạn có cảm giác bất an. - Không cắm đũa lên bát cơm Trong quan niệm của người Việt, việc cắm đũa lên bát cơm giống như bạn đang cúng người đã mất. Điều này sẽ khiến ma đánh hơi thấy và dùng cơm chung, mang âm khí vào nhà bạn. - Không để mũi giày hướng về phía giường Để mũi giày hướng về phía giường sẽ khiến ma quỷ sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường, chúng sẽ leo lên giường và ngủ chung với bạn. - Không réo tên nhau trong ban đêm Việc réo tên nhau trong ban đêm sẽ khiến cho ma quỷ nhớ đến tên của người đó. Chính vì thế hành động này được cho bạn đang rước họa vào thân. - Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã Việc đốt giấy, vàng mã trong thời gian này một cách tuỳ tiện được cho rằng giống như bạn đang kêu gọi linh hồn của những con quỷ, mang đến xui xẻo và không may. - Không nên mặc đồ trắng Trong những ngày tháng cô hồn, bạn không nên mặc áo màu trắng. Đặc biệt, quần áo không nên in những hình thù đáng sợ. - Không nhặt tiền rơi ngoài đường Trong tháng này, không nên nhặt những đồng tiền bị rơi, vãi trên đường vì có thể đó là tiền cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu phạm kỵ sẽ gặp xui xẻo. - Không chụp ảnh vào ban đêm Không chụp ảnh lúc ban đêm vào tháng cô hồn, ma quỷ luôn lảng vảng xung quanh sẽ "vô hình" vào ảnh chung với người sống, đó là điều cấm kỵ. - Không nên thề thốt, hứa suông Trong tháng cô hồn, đặc biệt là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 12 giờ 45 phút trưa hoặc từ 18 giờ chiều cho đến rạng sáng, không được thề thốt hay nói bậy bạ bất cứ điều gì kẻo rước họa vào thân. - Không nhổ lông chân Không nên nhổ lông chân trong tháng cô hồn. Theo quan niệm dân gian, thì "một sợi lông chân quản 3 con quỷ" nên nếu nhổ lông chân trong tháng cô hồn thì người đó rất dễ gặp phải chuyện xui xẻo trong cuộc sống. - Không treo chuông gió ở đầu giường Vì dân gian cho rằng tiếng chuông gió dễ thu hút ma quỷ, nên rất dễ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, có thể dễ bị ma quỷ quấy phá. - Không hù dọa người khác Bạn không được hù dọa người khác vào những ngày này. Vì dễ khiến người khác bị "hồn bay phách lạc", dễ bị ma quỷ xâm nhập lúc nào không hay. - Không cắt tóc Cắt tóc vào tháng này dễ khiến cho âm khí xâm nhập để rồi hay gặp tai họa, đau ốm bệnh tật. Do vậy nên kiêng cắt tóc trong tháng cô hồn. - Không cúng đồ mặn Khi cúng cô hồn, tuyệt đối không nên cúng đồ mặn. Nó có nghĩa là khơi dậy "tham, sân, si" có thể khiến âm phần ma quỷ trở nên dữ tợn hơn. - Hạn chế làm chuyện đại sự Tháng cô hồn hạn chế làm những chuyện đại sự như ký hợp đồng làm ăn, cưới hỏi, chuyển nhà.. nếu bất khả kháng tuyệt đối bạn phải xem kỹ ngày. - Ngoài ra, tháng cô hồn nên kiêng kị mua xe vào những ngày sát chủ, ngày kỵ thiên can – địa chi tương khắc.. Trên đây là những thông tin về tháng cô hồn và những điều cấm kỵ cần biết. Vui lòng lưu ý rằng những chia sẻ trên đây được Kiwu Cute tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và chỉ mang tính chất tham khảo và hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin tín ngưỡng trong lòng mỗi người.