Những điểm tích cực trong thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu đất đai của nhà nước

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Gió Cuốn đi, 1 Tháng năm 2021.

  1. Gió Cuốn đi

    Bài viết:
    24
    Những điểm tích cực trong thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu đất đai của nhà nước

    Với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước đã có nhiều quyết định, chính sách pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh trong các quan hệ đất đai. Cụ thể:

    Thứ nhất, Nhà nước quy định cụ thể cũng như không ngừng mở rộng các quyền cho người sử dụng đất: Không chỉ được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, để thừa kế, tặng cho mà còn có thể đem thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được quyền tự chủ trên mảnh đất mà họ được giao. Đây là bước đột phá về nhận thức trong bảo vệ quyền của người sử dụng đất, giúp người dân được tự do, bình đẳng hơn trong tiếp cận đất đai, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, góp phần làm tăng nguồn thu từ đất đai cho ngân sách nhà nước.

    Thứ hai, Nhà nước đã cụ thể hóa các căn cứ và nội dung cho việc lập quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của từng cấp, từ đó xác định rõ trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

    Thứ ba, việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đạt được những kết quả nhất định: Cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cơ cấu đất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất quy mô lớn; Quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, phát triển đô thị.. được mở rộng, diện tích chưa sử dụng cơ bản đã được đưa vào sử dụng.

    Cụ thể, diện tích nhóm đất chưa sử dụng là 2.060.393 ha (chiếm 6.22%) – theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và môi trường năm 2018[1], giảm 4% so với số liệu năm 2010, điều này cho thấy việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vào các mục đích khác nhau đã và đang được đẩy mạnh.

    Theo báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối 2019 cả nước có 330 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 96, 5 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65, 9 nghìn ha. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn cũng đã bắt đầu tham gia vào xây dựng các khu công nghiệp, ví dụ như Vinhomes với Dự án KCN Thủy Nguyên (Hải Phòng) với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng và Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía nam sông Lục Lâm (Quảng Ninh) với vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng; Becamex Bình Dương đầu tư Dự án KCN Becamex Bình Định trên diện tích 1.000 ha, vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng..

    Thứ tư, Nhà nước đã bổ sung các quy định để kiểm soát chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất, cho phép việc chuyển mục đích sử dụng đất sử dụng đất, đảm bảo đất đai được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, đồng thời bảo vệ môi trường.

    Thứ năm, các quy định pháp luật được mở rộng, không chỉ giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và người sử dụng đất mà còn giữa những người sử dụng đất với nhau.

    Thứ sáu, Nhà nước đã đa dạng hóa các biện pháp quản lý đất đai, không chỉ bằng biện pháp hành chính mà còn bằng biện pháp kinh tế (đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất).

    Thứ bảy, Nhà nước đã tạo sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thị trường bất động sản cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Luật Đất đai năm 2013 lần đầu tiên quy định hình thức nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ Nhà nước của doanh nghiệp có vốn ĐTNN bằng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở nhằm mục đích để bán hoặc kết hợp bán và cho thuê. Những hình thức nhận QSDĐ từ thị trường của doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng được Luật Đất đai năm 2013 quy định mở rộng và thông thoáng hơn so với các Luật Đất đai trước đó.

    Thứ tám, chính sách tài chính đất đai đã góp phần phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế, xã hội.

    Theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2019, số thu từ tiền sử dụng đất năm 2019 ước đạt 90 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2011; số thu từ tiền thuê đất năm 2019 ước đạt 27, 3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2011; Chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại Việt Nam đã cho phép huy động nguồn lực tài chính cho NSNN bình quân khoảng 1.680 tỷ đồng mỗi năm từ năm 2016 - 2019 và tốc độ tăng bình quân hằng năm là 1, 3%. Tỷ trọng thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt khoảng 0, 12% so với tổng thu NSNN và khoảng 0, 15% so với tổng thu từ thuế, phí và lệ phí trong năm 2016 - 2019.

    Thứ chín, hệ thống pháp luật hoàn thiện và việc cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả khiến các giao dịch đất đai chính thức tăng lên rõ rệt.

    [1] Quyết định phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018 của Bộ trưởng bộ tài nguyên và môi trường số 2908/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 11 năm 2019
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...