Những dấu hiệu cho thấy bạn nên nghỉ việc

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Sai Nguyen, 5 Tháng một 2021.

  1. Sai Nguyen

    Bài viết:
    177
    Tháng 3 năm 2020, virus corona bùng phát trên toàn thế giới làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến ở nhiều quốc gia.

    Tuy nhiên, thực trạng các bạn trẻ mới chập chững đi làm gặp phải vô số khó khăn không phải là một vấn đề mới. Khó khăn đầu tiên chính là xin việc, làm sao để khiến hồ sơ của mình nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng. Khi đã xin được việc rồi, sự thật xô bồ chốn công sở lại khiến các bạn tự đặt câu hỏi liệu sự lựa chọn của mình có đúng đắn hay không? Tại sao mình bỏ ra nhiều tâm huyết như vậy mà cấp trên không nhìn nhận, thậm chí không lắng nghe ý kiến xây dựng của mình. Liệu mình có nên nghỉ việc để tìm tới một công ty khác hay không?

    Là một người đã đi làm hơn mười năm ở ba quốc gia khác nhau, Việt Nam, Anh và Tây Ban Nha, mình nhận thấy tất cả những trở ngại tâm lý của người trẻ chính là vì suy nghĩ của người làm công thường khác với suy nghĩ của người làm chủ. Người làm công thường có suy nghĩ muốn sự ổn định, công việc ít biết động, đến kỳ nhận lương để tận hưởng cuộc sống của mình. Người làm chủ thì khác, mối lo lắng của họ chính là phải làm gì để tăng doanh thu bán hàng, tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, làm cách nào để có thể cạnh tranh được với các công ty khác, tăng thị phần của doanh nghiệp. Chính vì khác nhau về mục đích làm việc mà giữa người làm chủ và người làm công rất thường hay bất đồng quan điểm dẫn đến việc công ty sa thải nhân viên hoặc nhân viên tự bỏ việc.

    [​IMG]

    Đứng trên tư cách là một người làm công, sức lao động và thời gian của bạn cũng chính là dịch vụ mà bạn bán ra cho các nhà tuyển dụng, trong mệnh đề này, bạn là ông chủ của chính bạn, bạn có quyền quyết định bạn sẽ bán thời gian và công sức của mình với mức giá bao nhiêu. Vì thế mục đích cuối cùng của người đi làm công chính là tối ưu hóa sản chất lượng dịch vụ của mình, trước khi quyết định xin việc, chuyển đổi chuyên môn công việc hay nghỉ việc, bạn rất nên đánh giá lại khách quan một vài điểm.

    1. Điểm mạnh và điểm yếu của bản thân bạn là gì? Với điểm mạnh điểm yếu như vậy, loại công việc nào sẽ phù hợp với bạn?

    Hiểu biết bản thân mình chính là chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công của một cá nhân cả trong công việc lẫn trong đời thường. Có khá nhiều cách để bạn đánh giá bản thân, phổ biến nhất là mô hình SWOT (Strength, weakness, opportunity, threat) trong kinh tế học. Khi đã có một góc nhìn về bản thân, bạn có thể lựa chọn công việc phù hợp thông qua phương pháp TOWS tức là tập trung vào các lựa chọn mà bạn có thế mạnh cạnh tranh và tránh các lựa chọn có thể khiến bạn bộc lộ điểm yếu của bản thân.

    [​IMG]

    2. Bạn có tâm huyết với sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty mà bạn hướng tới hay không?

    Điều này rất đơn giản, mọi công ty sống sót đều dựa vào doanh thu bán hàng, dù bạn làm việc cho bộ phận nào thì mục đích cuối cùng cũng là để bán được sản phẩm hoặc dịch vụ ấy. Nếu bạn không có tâm huyết với sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty, bạn sẽ không bao giờ có thể làm việc với 100% khả năng. Công việc vì thế cũng trở thành gánh nặng và nhàm chán.

    3. Bạn có học hỏi được gì để phát triển bản thân từ công việc hiện tại hay không?

    Với các bạn trẻ ở lứa tuổi trước 30, điều quan trọng nhất là xây dựng cho bản thân một chuyên môn vững chắc và lựa chọn được một ngành nghề phù hợp, bạn chỉ có thể có được điều đó khi bạn để bản thân trải nghiệp và va chạm thật nhiều trong công việc, tập thể mà bạn đang cộng tác tạo điều kiện cho bạn phát triển tư duy của bản thân, người hướng dẫn hoặc quản lý trực tiếp giúp bạn đưa ra các nhận xét khách quan có tính xây dựng.

    Lưu ý rằng, việc trong một buổi brainstorm, mọi người thường đ ưa ra hàng trăm ý tưởng khác nhau nhưng chỉ có một ý tưởng duy nhất được chọn là chuyện thường. Thay vì cảm thấy buồn, bạn có thể hỏi thẳng sếp là "Anh có thể cho em biết các ý kiến em đưa ra có hạn chế hay thiếu sót gì?" Đây là phương pháp tích cực để tạo một mối quan hệ thân thiết và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc,

    4. Công việc hiện tại có tạo cơ hội rõ ràng cho bạn thăng tiến hay không?

    [​IMG]

    Với những người lựa chọn tương lai của bản thân là công việc đi làm cho người khác chứ không phải làm chủ việc kinh doanh của mình. Sự thăng tiến trong công việc được ghi lại bằng việc bạn có cơ hội đều đặn thử sức ở một vị trí cao hơn trong công ty với nhiều trọng trách hơn hay không? Ví dụ bạn có thể ra nhập công ty với vị trí trợ lý bán hàng, nhưng bạn có cơ hội được thăng tiến thành nhân viên chính thức, trưởng nhóm bán hàng, trưởng phòng bán hàng..

    Dấu hiệu của sự chững lại trong công việc chính là bạn đã chôn chân ở một vị trí quá lâu hoặc khi bạn trao đổi trực tiếp với quản lý của mình, anh/chị ta thay vì thăng chức cho bạn thì lại giao cho bạn nhiều trọng trách hơn nhưng chức danh thì vẫn như cũ. Ví dụ, sau ba năm bạn đã lên tới chức trưởng phòng bán hàng và bạn thấy mình đủ khả năng đảm nhận vị trí phó giám đốc, tuy nhiên giám đốc lại giao thêm cho bạn việc chăm sóc nhà cung cấp nhưng không hề đổi chức danh cho bạn.

    Đây có thể là thời điểm phù hợp để bạn thay đổi công việc bởi bạn hoàn toàn có thể xin công việc với chức danh tương đương ở một công ty lớn hơn và phần kinh nghiệm tích lũy từ những nhiệm vụ không thuộc chức trách mà bạn đã làm ở công ty cũ sẽ trở thành điểm cộng khi cạnh tranh với các ứng viên khác cho công việc mới.

    5. Công việc hiện tại có cung cấp đủ nguồn tài chính cho cuộc sống của bạn hay không?

    Câu hỏi này có lẽ là quan trọng nhất với rất nhiều người, nhưng theo mình thì nó chỉ xứng đáng xếp cuối cùng. Bởi lẽ số tiền bạn kiếm được không bao giờ là một con số nhất định, nó sẽ thăng tiến theo thời gian cùng với từng chặng đường bạn thăng tiến trong công việc. Nếu như bạn có một định hướng rõ ràng về công việc, dù bạn xuất phát điểm từ con số không thì sau vài năm kiên trì, bạn sẽ kiếm được số tiền tương ứng với công sức bạn đã bỏ ra. Dù xuất phát điểm của bạn không cao, hãy nhớ rằng tất cả những gì bạn đã học hỏi và trải qua trong những năm đầu tiên chính là nguồn đầu tư mà bạn bỏ ra cho thành công sau này.

    Để kết lại chủ đề, mình mong rằng các bạn trẻ nên mạnh dạn thử sức với thật nhiều công việc và thật nhiều lĩnh vực, trong môi trường xin việc khắc nghiệt hiện tại, thứ lợi thế mà các bạn có chính là tuổi trẻ và thời gian. Bạn còn trẻ, bạn còn được phép sai, mỗi lần đứng lên sau vấp ngã sẽ tạo ra một nguồn sức mạnh mới để bạn tiếp tục phấn đấu sau này. Có thể sao khi tự đánh giá bản thân, bạn sẽ nhận thấy mình không phù hợp với công việc mà mình mơ ước, đừng nản chí, hãy bắt đầu sự nghiệp với thế mạnh sẵn có và tiếp tục học hỏi, cơ hội công việc yêu thích rồi sẽ tới với bạn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng mười 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...