Những cuộc chiến không được sách giáo khoa nhắc đến Nhắc đến chiến tranh trong lịch sử phong kiến Việt Nam người ta thường chỉ nhớ đến kháng chiến chống lại các triều đại Trung Hoa. Thực tế thì nước Việt đã từng chiến với kẻ địch ở khắp mọi phương, từ Bắc đến Nam, cả vệ quốc và "mang gươm đi mở cõi" . Một số cuộc chiến tiêu biểu gồm: 1. Chiến tranh Đại Cồ Việt – Đại Lý (1014) : Khi Nhất Dương Chỉ hết phép Người hâm mộ truyện kiếm hiệp Kim Dung chắc chắn đã từng nghe qua vương quốc Đại Lý của gia tộc Đoàn thị với tuyệt chiêu Nhất Dương Chỉ. Đại Lý là một quốc gia có thật nằm ở tây nam Trung Quốc ngày nay, nước này đã từng đọ sức với triều Lý dưới thời vua Lý Thái Tổ và kết quả là bị đánh thua liểng xiểng đến mức "tẩu hỏa nhập ma". Chiến tranh giữa hai nước bắt đầu từ việc tranh chấp ảnh hưởng tại tây bắc Việt Nam ngày nay. Lúc ấy vùng đất này trên danh nghĩa là thuộc Đại Cồ Việt nhưng dân cư cùng sắc tộc với người Đại Lý. Từ mâu thuẫn xung quan việc tranh chấp buôn bán ngựa, các tù trưởng/ tộc trưởng nơi đây bộc lộ rõ dã tâm muốn ly khai về với Đại Lý. Năm 1014, quân Đại Lý (20 vạn theo sử Việt, 5 vạn theo sử Trung Quốc) kéo sang xâm lấn biên giới nước ta. Quân Việt dưới sự lãnh đạo của con trai vua Lý Thái Tổ là Dực Thánh Vương chiến đấu chống lại quân xâm lược. Kết quả là các cao thủ Đại Lý không thể thi triển võ công tuyệt diệu và bị lính Việt đánh tan. Vùng tây bắc sau này hoàn toàn chịu ảnh hưởng của nước Việt, Đại Lý chuyển sang thế phòng thủ chứ không còn dám hung hăng, còn Tống khi được nước ta báo tin thì vừa phục vừa ái ngại (hoặc sợ). 2. Chiến tranh Lý – Chân Lạp: Ảo tưởng sức mạnh và cái kết Vào đầu thế kỷ XII thì Chân Lạp, còn gọi là Đế chế Khmer hay Angkor, dưới sự cai trị của vua Suryavarman II là một thế lực hùng mạnh. Angkor Wat huyền thoại do ông cho xây dựng. Tài năng và tham vọng bành trướng của ông vua này khiến lãnh thổ Chân Lạp rộng gấp 10 lần so với Đại Việt. Thế mà vẫn chưa thỏa mãn, ông này còn kéo quân sang xâm lược Đại Việt. Từ năm 1128 đến năm 1150 Suryavarman II đã 5 lần xâm lược nước ta. Mỉa mai thay, mang tiếng là đi xâm lược mà quân Chân Lạp còn ít hơn quân ta, lần xâm lược đầu tiên chỉ vỏn vẹn có.. 2 vạn quân. Đại Việt thể hiện sự khinh bỉ bằng cách không thèm điều toàn quân đi đánh mà chỉ sử dụng lính địa phương với một số quân triều đình, thế mà lần nào Chân Lạp cũng bị đánh bại. Buồn cười hơn là đánh một mình Đại Việt đã không xong, Suryavarman II về sau còn chơi ngông đánh Champa và Đại Việt cùng một lúc, kết quả là còn thê thảm gấp đôi. Các triều đại Trung Hoa dù hùng mạnh nhưng thường chỉ xâm lược nước Việt 1-2 lần, thế mà Chân Lạp tiềm lực không bằng lại chơi dại hơn. Cuối cùng, cái gì đến cũng phải đến, như câu nói nổi tiếng: "Cố quá thành quá cố". Trong cuộc chiến cuối cùng vào năm 1150, toàn quân Suryavarman II bị dịch bệnh giết gần hết, bản thân vị vua hiếu chiến này bỏ xác đâu đó tại Hà Tĩnh hoặc Nghệ An ngày nay. 3. Chiến tranh Đại Việt - Lan Xang (1478-1480) : Cuộc Tây tiến đầu tiên Mâu thuẫn giữa Đại Việt và Lan Xang đã âm ỉ từ lâu nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến tranh hai nước lại rất buồn cười. Vua Lan Xang bắt được một con voi trắng (được xem là điềm may), vua Lê Thánh Tông biết tin viết thư xin lông đuôi voi, thái tử Lan Xang vốn ghét Đại Việt liền gửi một rương.. phân voi cho vua ta. Những gì diễn ra sau đó không hề buồn cười chút nào. Lấy cớ trừng phạt Lan Xang vô lễ, vua Lê Thánh Tông cho 55 vạn quân (số liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư nhưng số thực chắc chỉ khoảng phân nửa) sang chinh phạt Lan Xang và đồng minh Bồn Man. Cuộc chiến diễn ra khá ác liệt: Xứ Bồn Man trước chiến tranh có khoảng 90 000 hộ dân (hộ dân chứ không phải người nhé) nhưng sau chiến tranh chỉ khoảng 2000 người còn sống. Sử Việt ghi rằng quân ta chỉ đánh nhau với Lan Xang và Bồn Man nhưng các nguồn nước ngoài cho rằng quân Việt còn chạm trán với một hoặc một vài tiểu quốc thuộc Thái Lan ngày nay. Kết quả là Lan Xang thua nặng, Bồn Man được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt như là một vùng tự trị và đổi tên thành Trấn Ninh. Gần 400 năm sau, Trấn Ninh sẽ được kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai cắt cho Vạn Tượng, một quốc gia kế tục của Lan Xang. Minh Mạng sau đó chiếm lại, cuối cùng vùng đất này lại bị thực dân Pháp cắt một phần cho Lào. 4. Chiến tranh Đại Nam - Xiêm (1833-1834 và 1841-1845) : Từ bạn thành thù Dưới thời Gia Long quan hệ hai nước Việt – Xiêm rất tốt đẹp (nguyên nhân do đâu thì không tiện nói ra). Nhưng sau khi hai nước đều có tân vương thì mâu thuẫn hai nước dần tăng cao. Năm 1833 Xiêm nhân nước ta có loạn Lê Văn Khôi liền kéo quân xâm chiếm Cao Miên rồi cho 5 cánh quân xâm lược nước ta. Trong đó 2 cánh quân trọng tâm đánh vào Nam Bộ, còn 3 cánh quân nghi binh đánh vào miền Trung. Quân Đại Nam phản công đánh bật quân Xiêm và luôn tiện "giải phóng" Cao Miên. Trải qua sự tàn bạo của quân Xiêm, Cao Miên chấp nhận nằm dưới sự bảo hộ của Đại Nam. Uy tín của nước ta sau cuộc chiến này dâng cao. Thế nhưng chỉ vài năm sau, vua Minh Mạng sát nhập luôn Cao Miên vào lãnh thổ Đại Nam thành Trấn Tây Thành. Quan Việt sang đó cai trị quá độc ác làm dân Cao Miên oán hận và nổi loạn. Cuối cùng không giữ nổi, vào năm 1841 vua Thiệu Trị mới lên ngôi cho bỏ Trấn Tây Thành đem quân về nước. Nhân cơ hội này, quân Xiêm lại chiếm Cao Miên và mở cuộc xâm lược thứ hai vào Nam Bộ nhằm phục thù. Kết quả vẫn như cũ: Quân Xiêm bị đánh bật khỏi Nam Bộ, dân Cao Miên chán ghét Xiêm lại quay sang Việt Nam. Cuối cùng Cao Miên chấp nhận sự bảo hộ của cả hai nước Việt – Xiêm như trước năm 1833, còn Xiêm và Cao Miên chính thức công nhận Nam Bộ thuộc chủ quyền Đại Nam. Đây là lần cuối cùng triều Nguyễn giữ nước thành công. 5. Chiến tranh Việt - Champa: Ngàn năm ân oán Va chạm đầu tiên giữa hai oan gia có lẽ bắt đầu vào năm 979 khi vua Champa nhân lúc Đinh Tiên Hoàng vừa chết, nhà Đinh suy yếu mà kéo quân theo đường biển vào xâm lược nước ta. Lúc này thực lực Champa hơn hẳn nước Việt về nhiều mặt, vận mệnh nước ta vô cùng nguy cấp. Nhưng "người tính không bằng trời tính", đoàn thuyền chở quân gặp bão tan vỡ gần hết, nước Việt thoát nạn. Đến năm 982, vị vua anh hùng Lê Hoàn kéo quân hỏi tội Champa, bắt giết được vua, tàn phá hoàn toàn kinh đô nước này, thay đổi hẳn cán cân lực lượng hai nước. Từ đây cho đến thời vua Lê Thánh Tông, nước Việt nhiều lần gây chiến với Champa, kết quả thường là Champa thua trận, vua bị bắt, đất nước bị tàn phá nặng nề, lãnh thổ dần dần bị cắt cho nước ta. Vị vua anh hùng Chế Bồng Nga đã có lúc thay đổi điều này, lấy lại lãnh thổ đã mất và dồn Đại Việt vào thế yếu. Nhưng ngay cả một nước Việt suy yếu vẫn đủ sức lấy mạng Chế Bồng Nga và tái lập lại tình trạng "Việt trên - Chăm dưới" sau đó. Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông mở một cuộc chinh phạt Champa cực lớn, vừa chiếm đất vừa chia rẽ nước này. Kết quả là Champa bị suy yếu đến mức không bao giờ gượng lại được, trở ngại lớn nhất trên con đường Nam tiến của người Việt bị xóa bỏ vĩnh viễn. Từ đó Champa bị các chúa Nguyễn xà xẻo lãnh thổ dần dần, từ một nước độc lập thành một vùng tự trị. Vào năm 1833, vua Minh Mạng xóa bỏ luôn danh xưng Champa và bắt đầu chính sách đồng hóa khắc nghiệt với người Chăm.