Đào Duy Từ (1572–1634) là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chỉ vỏn vẹn 8 năm phò Chúa Sãi từ 1627 đến 1634 nhưng Đào Duy Từ đã khắc họa hình ảnh đặc dị một người thầy của Chúa Sãi, một kiệt tướng, một chính trị gia, một chiến lược gia, một kiến trúc gia, một kỹ thuật gia, một nghệ sư tài hoa, một học giả, cũng như là người góp phần quan trọng định hình được nhà nước, địa lý và bản sắc Đàng Trong. Nhà Nguyễn công nhận ông là đệ nhất khai quốc công thần và thờ ông ở Thái miếu. Những công tích tiêu biểu của Đào Duy Từ: - Năm 1593, đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 21 tuổi. Đến kỳ thi Hội ông bị đánh rớt vì dùng tên giả, lý do vì xuất thân là con cái kép hát, không được phép dự thi, không được làm quan. Bộ Lễ đã đưa chứng cứ và truyền lệnh xóa tên, đánh tuột á nguyên, lột mũ áo vì tội đổi họ, man khai lý lịch, bị gạch tên và đuổi về quê. Mẹ ông hay tin tự vẫn, ông hay tin đau buồn lâm bệnh nặng, nằm lại tại nhà. - Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa về Đông Đô bàn việc, đến nhà đồng liêu nghe sự việc của Đào Duy Từ liền hiếu kỳ tìm đọc bài thi của Đào Duy Từ. Sau khi đọc bài thi của Duy Từ, Nguyễn Hoàng biết đây là nhân tài có thể thu dụng nên âm thầm giúp đỡ tài chính chạy chữa cho Đào Duy Từ. Đào Duy Từ khỏi bệnh, Nguyễn Hoàng đến thăm, Đào Duy Từ ngầm chấp nhận Nguyễn Hoàng là người mình phò tá và đưa ra sách lược quân sự tương lai cho Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng hiểu ý và muốn Đào Duy Từ tìm cơ hội vào Nam, đồng thời dặn dò nếu mình mất thì mong Đào Duy Từ phò tá con mình. - Năm 1625, Đào Duy Từ đến Nam Hà năm 53 tuổi. Ông đến nương náu và làm thư đồng cho một bá hộ trong vùng. Nhân dịp thích hợp ông bại lộ tài năng của mình, bá hộ liền tiến cử với Hoài Nhơn Khám lý Trần Đức Hòa là người có mưu trí được chúa Nguyễn tin dùng. Trần Đức Hòa thấy Duy Từ có tài học rộng, ông mời về dạy học rồi gả con gái Trần Kim Nương cho. Sau khi được đọc tập Ngọa Long Cương Vãn của Đào Duy Từ, thấy được tầm nhìn và ý chí của ông, Trần Đức Hòa đã tiến cử Đào Duy Từ với chúa Sãi. Chúa Sãi nhận ra đây là người có chí lớn liền cho gọi ông đến. Trong lần gặp gỡ này, Đào Duy Từ cao đàm hùng luận, tỏ ra rất am hiểu việc đời, thời thế. Chúa mừng lắm, phong cho ông làm Nha úy Nội tán, trông coi việc quân cơ, tham lý quốc chính. - Đào Duy Từ soạn ra "Hổ trướng khu cơ" để dạy các tướng sĩ của xứ Nam Hà. Khác hẳn với nhiều cuốn binh pháp, hổ trướng khu cơ được biên soạn thiên về mặt thực hành hơn là mặt lý luận quân sự và được viết theo quan điểm cổ truyền của thuyết Tam Tài "Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa" gồm Tập thiên, Tập địa, Tập nhân. Chủ yếu trình bày về phương pháp, kỹ chiến thuật đánh trận và kỹ thuật chế tạo binh khí, phản ánh nhiều vấn đề cơ bản của truyền thống quân sự Việt Nam. - Năm 1627, Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh, đồng thời hiến kế cho chúa Sãi không thực hiện cho con ra Bắc chầu, nộp cống 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh, rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp hệ thống lũy Trường Dục để phòng thủ. - Năm 1630, Đào Duy Từ thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ mới dâng kế với Chúa Sãi trả lại sắc phong cho nhà Lê – Trịnh, rồi cử sứ giả mang ra Thăng Long, để tạ ơn vua Lê, chúa Trịnh. Sau khi dò la biết được Đào Duy Từ bày mưu cho chúa Nguyễn, chúa Trịnh tiếc người tài, tìm cách lôi kéo ông theo về với triều đình Lê - Trịnh, nhưng Đào Duy Từ đã từ chối. Khi Đào Duy Từ đang cho quân đắp lũy Trường Dục thì quân Lê - Trịnh tiến đánh. Quân Nguyễn chiến đấu anh dũng, đánh bại binh lính Trịnh. - Năm 1631, Đào Duy Từ đề nghị Chúa Sãi tiếp tục đắp thêm lũy Thầy. Tháng 9, ông hiến kế đưa quân tiến công vào châu Nam Bố Chánh và giành được thắng lợi. Đào Duy Từ tiến cử các danh tướng Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật cho Chúa Sãi. Năm 1634, Đào Duy Từ mất.