Truyện Ngắn Những Câu Chuyện Nhỏ - Thùy Minh

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Thùy Minh, 4 Tháng ba 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Tập truyện ngắn: Những câu chuyện nhỏ

    Tác giả: Thùy Minh


    [Thảo luận - Góp ý] - Tác phẩm của Thùy Minh

    [​IMG]


    Giữa nhịp sống bon chen, hối hả thường nhật, có khi nào bạn dừng lại một chút để quan sát, lắng nghe những sắc màu, thanh âm của vạn vật?

    Giữa bộn bề lo toan cơm áo, gạo tiền, có khi nào bạn lắng lòng một chút để suy ngẫm, chiêm nghiệm những gì đang xảy ra xung quanh mình?

    Một ngày nào đó, những câu hỏi như vậy đã đến với tôi, thôi thúc tôi quan sát, lắng nghe, suy ngẫm và chiêm nghiệm - về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, của tôi, của những người xung quanh tôi. Tôi đã viết, đã hóa thân vào nhiều nhân vật "tôi" khác để kể cho mọi người nghe về những chuyện rất đời, những điều rất thực ấy.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Hạnh phúc ngọt ngào khi em đến bên anh.

    Bấm để xem
    Đóng lại

    Vân Thư ho sặc sụa, từ trong bếp chạy ra, hai mắt đỏ hoe vì khói, gọi tôi như cứu tinh:
    - Anh Hưng, bếp tắt nữa rồi, nhanh qua đây giúp em! – không biết lần thứ mấy em gọi tôi từ lúc bắc bếp đến giờ.
    Tôi đang chẻ củi gần đó, chạy lại, thổi phù phù, ngọn lửa nhanh chóng bùng lên.
    - Anh bảo rồi, em không quen việc này đâu, cứ để đó lát chẻ củi xong anh trông cho.
    - Anh giỏi quá, Thư xuýt xoa, em thổi nãy giờ cay xè mắt mà lửa không bén.
    - Ngốc ạ, đun bếp cũng là cả một nghệ thuật đấy. Tôi cốc vào trán Thư một cái.
    - Ui da, nghệ thuật gì chứ, chỉ hết nồi bánh chưng này là em thạo ngay mà. Anh thổi lửa xong rồi thì đi chẻ củi tiếp đi, việc giữ lửa cứ để em. Nói xong, cô bé nháy mắt một cái đầy tinh nghịch rồi kéo tôi ra ngoài.
    Thấm thoắt, chúng tôi quen nhau đã hơn ba năm, thời gian đủ để chúng tôi trở nên thân thiết, đủ để cô nàng "bám càng" chị em tôi về quê tôi chơi mấy hôm mà bố mẹ cô ấy không phải lo lắng gì cả.

    Thư đang học năm cuối Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Còn tôi vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, đang trong thời gian thử việc ba tháng tại một công ty thiết kế xây dựng. Hai trường dù sát vách nhưng nếu không hữu duyên, chắc chúng tôi cũng chẳng thể kết thân với nhau giữa đất đô thị hàng triệu người đông đúc này.

    Lần đầu tôi gặp em là khi tôi học năm hai. Một chiều nọ, tôi đang vội vã chạy đến nhà thi đấu trong khu kí túc của trường để kịp trận giao hữu cầu lông với nhóm bạn thì cú ngã sõng soài trên vũng nước mưa đọng đêm hôm trước khiến tôi ướt nhẹp, còn cô gái đi bên lề đường thì hét toáng lên khi bị nước bẩn bắn lên làm lấm lem chiếc váy trắng muốt. Cô gái nhìn tôi lóp ngóp đứng dậy, cười đau khổ:
    - Thôi xong, cuộc hẹn hò đầu tiên của em đấy anh ạ!

    Tôi vì vội, nên chỉ ngượng nghịu xin lỗi rồi chạy vọt đi. Thế mà chưa yên, chuông điện thoại réo, một giọng nữ đầu dây bên kia:
    - Alo, anh có phải anh Hưng, em chị Hà không?
    - Đúng rồi, ai vậy ạ?
    - Anh có bưu phẩm, shipper váy trắng xinh đẹp đợi anh ở cổng kí túc nhé!

    Vì chạy chưa được bao xa nên tôi quay lại cổng kí túc. Bưu phẩm? – chắc chị Hà gửi. Váy trắng? - tôi đảo mắt tìm, chỉ có mình em, cô gái bị tôi té bẩn lúc nãy.
    - Là em sao?
    - Là anh à? – chúng tôi gần như đồng thanh.
    - Em là shipper xinh đẹp, điệu đà nhất mà anh từng gặp đấy! – tôi hi vọng lời khen này sẽ khiến em quên đi cảm giác ấm ức ban nãy.
    - Nhìn em giống shipper thật ạ? Em đùa thôi, chị Hà gửi anh này, hôm qua em về thăm nhà, chị bận nên nhờ em chuyển cho anh. Nhà em sát vách nhà chị Hà đấy!
    - Ồ thế sao? Cảm ơn em nhé, nhưng anh đang vội, khi khác gặp, nhất định sẽ mời em cà phê! Mà em cũng bận đến cuộc hẹn hò đầu tiên phải không? Chúc em có một cuộc hẹn vui vẻ! Anh đi trước nhé! Nói rồi, tôi nhận gói đồ em đưa, chỉ chờ em nói câu "Vâng ạ!" là chạy mất dạng.

    Nhà tôi thì nghèo, để tôi được đi học đại học, bố mẹ tôi phải chật vật ngược xuôi, mưu sinh đủ nghề. Tôi cũng biết phận, nên không dám chi tiêu hoang phí. Tôi chọn ở kí túc thay vì trọ ngoài. Được ở trong kí túc diện ưu tiên là một may mắn cho tôi khi tiền trọ bên ngoài cao gấp nhiều lần trong này.

    Tám đứa cùng phòng gần như cùng cảnh ngộ, nên sống cũng giản dị và hiểu chuyện. Để bớt gánh nặng cho gia đình, chúng tôi đều phải đi làm thêm, đứa mở lớp vẽ online, đứa kèm vẽ tại nhà học trò, đứa tập tành thiết kế kiến trúc nội thất, xây dựng...Tôi thì đam mê vẽ tranh trên sỏi. Tôi nhận hình mẫu của khách trên các nhóm facebook handmade, rồi vẽ lại trên sỏi, giao cho khách. Tiền kiếm không nhiều, nhưng cũng bớt gánh nặng phần nào cho bố mẹ.

    Hai chị gái tôi đều đã lập gia đình, chị Hà lấy chồng ngoại thành Hà Nội, gần nhà Thư, mỗi khi Thư về qua nhà, kiểu gì chị cũng gửi cho tôi ít đồ gì đó, vì chị sợ tôi thiếu thốn, khi bố mẹ mỗi tháng chỉ gửi tôi cho tôi số tiền khiêm tốn trong khả năng của mình. Thế là tôi và Thư quen nhau.
    - Hôm nay, em chỉ làm shipper thôi à? Không hẹn hò gì sao? Bạn trai em cũng học cùng trường anh nhỉ? – có lần, tôi hỏi em thế, khi hai đứa ngồi trà đá vỉa hè.
    - Sao anh biết em không hẹn hò?
    - Vì anh thấy em không diện váy vóc điệu đà như lần đầu tiên anh gặp em! Mặc dù hôm nay em mặc jeans và áo phông cũng rất xinh đẹp.
    - Em nghĩ, em ăn vận như vậy cho hợp hoàn cảnh anh à!
    - Hay em sợ ai đó lại té nước bẩn hết váy như hôm ấy? Tôi cười, em cũng cười.

    Mỗi lần gặp nhau không lâu, nhưng tôi thấy vô cùng quý mến cô bạn vẫn cứ nhận mình là shipper này. Thư mạnh mẽ, năng động, cá tính. Tôi thì trầm tĩnh, hướng nội hơn, nên sự vui vẻ, lanh lợi của em làm tôi thích thú. Có lúc, tôi như thấy xao xuyến trước ánh nhìn tự tin, nụ cười tỏa nắng và cách nói chuyện mộc mạc mà đầy cuốn hút của em.

    Càng ngày, tôi càng mong gặp em, thậm chí còn nhắn, gọi cho em, hỏi khi nào em về nhà để gửi đồ cho bé Xuka, con chị Hà. Tôi kiếm cớ nhiều hơn để được gặp em. Và lâu không gặp là nhơ nhớ lạ. Nếu em chưa có người yêu, biết đâu... Nếu gia cảnh nhà tôi không nghèo, biết đâu ... Nếu tôi đã có một công việc ổn định, biết đâu... tôi sẽ tỏ tình với em!

    Suy nghĩ của tôi là suy nghĩ tự ti của một chàng trai nông thôn nghèo khó, còn em lại là con gái thành phố nhà giàu. Nếu tôi không có ít nhất một công việc tử tế, thì làm sao tôi đủ can đảm bộc lộ lòng mình. Và nếu có bộc lộ, rồi em nhận lời, thì khi biết gia cảnh nhà tôi, em có bỏ rơi tôi không? Những suy nghĩ ấy, khiến tôi giữ chặt cảm tình của mình dành cho em trong lòng, lặng lẽ đi bên cạnh em, như một người bạn.

    Một lần, mở túi đồ của chị gửi, tôi thấy mẩu giấy nhắn nho nhỏ, của Thư. Nét chữ ngay ngắn, tròn trịa: "Chị dặn anh ăn uống đầy đủ, không được bỏ bữa. Chị còn bảo: - Hai đứa mà yêu nhau là chị mừng lắm đấy!". Lúc đó, tôi còn ngốc nghếch không biết, chính là em mượn lời chị Hà để bật đèn xanh cho tôi, lại cứ tưởng em thích đùa, nên ôm mối chộn rộn trong lòng mà ngẩn ngơ mơ ước xa xôi, nhưng rồi không dám động tĩnh chi hết.

    Lại có lần, em bảo tôi vẽ tặng em mấy bức tranh sỏi, em rất thích những tranh sỏi mà tôi vẽ cho bé Xuka, nhưng xin kiểu gì con bé cũng không chịu cho. Tôi đùa:
    - Tranh đó, anh chỉ vẽ tặng người anh yêu thôi, còn em, là phải mua giá gấp đôi nhé!
    Em không nói là sẽ mua với bất cứ giá nào như tôi nghĩ, mà lém lỉnh đáp lại:
    - Vậy bây giờ, em làm người yêu anh được không?
    Nghĩ em đùa vui như mọi lần thôi, tôi cười:
    - Lo học đi, yêu anh để mà gặm sỏi sống qua ngày à?
    Em xịu mặt:
    - Nhưng em thích!
    Không biết em thích tôi, hay thích tranh của tôi, nhưng em khiến trái tim tôi thêm lần nữa ngơ ngẩn.

    Ra trường, trong số những nơi tôi dự kiến đến phỏng vấn xin việc, Thư lưu ý tôi nhất định phải đến công ty thiết kế xây dựng Tân Thành CDC, em nói, đây là công ty lớn, chắc chắn tôi sẽ có cơ hội phát triển bản thân. Thì cứ mạo hiểm thôi, không ngờ, mọi chuyện diễn ra khá thuận lợi, tôi làm thử việc ở đây đã được gần ba tháng, những mẫu thiết kế của tôi tiếp cận khách hàng ngày càng nhiều lên. Tôi đang dần khẳng định vị trí của mình trong công ty, và chỉ chờ hết ba tháng, tôi sẽ chính thức được nhận làm với mức lương đáng mơ ước. Lúc đó, tôi sẽ tự tin bộc lộ tình cảm của mình với em, mà không phải đắn đo gì hết.

    Hai tám Tết, chị Hà dặn tôi chuẩn bị đồ để taxi qua đón về quê. Vừa mở cửa xe, đã thấy Thư toét miệng cười:
    - Chị Hà rủ em về trải nghiệm Tết quê ý, anh có thấy phiền không?
    Tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng:
    - Anh vui lắm, nhưng...
    - Nhưng gì chứ, yên tâm, em sẽ ngoan mà...
    Trong đầu tôi thoáng hiện lên hình ảnh căn nhà nhỏ xíu, chật chội, những bức tường loang lổ ẩm mốc, bộ bàn ghế cũ kĩ và gần như chẳng có đồ đạc gì giá trị... tôi chạnh lòng.

    Trong khi em ríu rít đủ chuyện với bé Xuka, thì tôi trầm ngâm, yên lặng. Tôi sợ lời yêu chưa kịp ngỏ, em đã sẵn câu chối từ khi thấy gia cảnh nhà tôi. Tôi còn chưa kịp làm gì, chưa kịp nhận tháng lương mơ ước đầu tiên, chưa kịp sửa sang chút ít cho căn nhà của bố mẹ, đã bị em đẩy vào tình huống oái oăm này. Thôi kệ, cứ coi như đây là một cơ hội để tôi hiểu thêm về em, em biết thêm về tôi. Nghĩ vậy, tôi cố gắng bình thường trở lại, và cũng đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Tôi nửa đùa, nửa thật:
    - Nhà anh thì nghèo, sợ em không chịu ở nổi hết ngày đâu.
    Em dướn khuôn mặt diễm lệ đầy kiêu hãnh:
    - Anh nghĩ em là ai chứ? Em chỉ xin mẹ chơi được đến ngày mai, chứ nếu không, em nằm vùng hết Tết xem anh còn coi thường em không
    Rồi quay sang chị Hà, em tếu táo:
    - Em phải thích nghi dần, chị nhở, sau có về làm dâu, khỏi bỡ ngỡ.
    Chị Hà cười lớn:
    - Hai đứa biến đùa làm thật luôn đi cho chị mừng.
    Cái cô gái bạo miệng này, cứ thi thoảng, lại làm lòng tôi bối rối, tim tôi loạn nhịp.

    Về tới nhà, tôi cố gắng để ý biểu cảm của em, nhưng em không bộc lộ một chút gì tỏ vẻ sự thất vọng của mình về gia cảnh nhà tôi. Ngược lại, em còn làm tôi vô cùng ngạc nhiên vì sẵn sàng phụ giúp chị Hà dọn nhà, giúp bố tôi rửa lá, gói bánh, và bây giờ thì đang cặm cụi trong bếp canh nồi bánh chưng, như một nàng dâu đảm đang chính hiệu. Tôi thở phào, trong lòng như trút được gánh nặng từ lâu đeo bám, quyết tâm tỏ lời yêu thương càng thêm thôi thúc.

    Nồi bánh phải canh đến 12 giờ đêm mới đủ chín rền, tôi nói với em như vậy và nhắc em đi ngủ trước. Nhưng em khăng khăng đòi thức cùng tôi chất bánh. Em nói, chưa bao giờ có được trải nghiệm mới mẻ này, em nhất định phải chờ đến lúc vớt bánh.

    Nếu ở Hà Nội, tầm 11- 12 giờ đêm, mọi hoạt động còn náo nhiệt lắm, nhưng ở quê, thì tất cả đã chìm trong yên tĩnh. Đêm tối bao trùm lên căn bếp ọp ẹp, tiếng dế kêu u u ngoài đồng ruộng vọng vào. Giữa cái se se lạnh của đêm cuối đông, hai đứa lặng lẽ ngồi cạnh nhau, thi thoảng thì thầm những lời khe khẽ, căn bếp nhỏ giáp nhà trên, mọi người thì đang ngủ, nên chúng tôi không dám chuyện trò nhiều.

    Tôi thích không gian yên tĩnh lúc này, tất cả như ngưng đọng lại để tôi cảm nhận rõ lòng mình đang dâng lên những xúc cảm yêu thương vô hạn đối với người con gái cạnh bên. Em bên tôi gần, thật gần, khiến tôi không khỏi ao ước được chạm nhẹ lên gò má đang ửng hồng vì lửa bếp, được nhìn sâu vào đôi mắt lấp lánh phản chiếu những tia sáng bập bùng... Nhưng rút cục, tôi cũng chỉ dám thu hết can đảm để hỏi em một câu đầy ẩn ý:
    - Em có sợ khi phải làm dâu một gia đình nghèo không?
    Em thoáng chút ngạc nhiên trước câu hỏi ấy, nhưng rồi rất bình tĩnh, em hỏi lại:
    -Vì sao anh lại hỏi em như vậy, anh có điều gì muốn nói với em phải không?

    Tôi đã định nói với em tình yêu tôi thầm kín giữ trong lòng bấy lâu nay, nhưng đã kịp ngăn mình lại. Em sẽ nghĩ sao khi nhận lời tỏ tình trong một căn bếp ọp ẹp, đầy tro bụi và ngai ngái mùi rơm rạ, khói bếp, lại không hoa, không nến, không có một chút gì được gọi là lãng mạn, ngọt ngào?
    - Anh có rất nhiều điều muốn nói, nhưng chưa phải lúc này! Em chờ anh được không?
    Em e lệ gật đầu:
    - Nhưng đừng để em đợi lâu quá đấy!

    Nhận được tháng lương chính thức đầu tiên, tôi vui mừng nhắn cho em: "Anh vừa nhận lương tháng đầu, tối anh qua đón em đi cà phê nhé!". Dĩ nhiên là em nhận lời. Đúng giờ hẹn, tôi chờ em trước cổng căn nhà trọ của em, em bước xuống, chân đi giầy cao gót kiêu sa, thân hình gọn gàng trong chiếc váy trắng tinh khôi, sau phút ngơ ngẩn vì vẻ xinh đẹp, rạng rỡ và phong cách không giống mọi ngày của em, tôi nhận ra ngay chiếc váy em mặc trong lần đầu gặp tôi. Tôi đùa:
    - Em mặc đồ bền quá ha, và giữ dáng rất chuẩn nữa, hơn ba năm rồi, chiếc váy vẫn vừa như in này?
    Em cười:
    - Anh vẫn còn nhận ra nó sao?

    Nơi chúng tôi đến là một quán cà phê vườn yên tĩnh, mỗi bàn ngăn cách nhau bởi một dãy tường vi, một bên là lối đi với thảm cỏ mềm mại, một bên là hồ nước phẳng lặng phản quang những tia sáng đủ sắc màu, ánh đèn đủ tạo nên một không gian mờ ảo, điệu nhạc đủ du dương khơi gợi những cảm xúc bồi hồi - một nơi đủ lãng mạn để tôi nói với em những điều cất giữ trong lòng.
    - Hôm nay em như công chúa ấy, Thư ạ! nhưng tại sao đến hôm nay em mới mặc lại chiếc váy xinh đẹp này? – tôi thắc mắc.
    - Em có thể mặc chiếc váy lộng lẫy, sang trọng này sao, khi lần đầu tiên gặp anh, em thấy anh đi đôi giầy Thượng Đình hết sức bình thường?
    - Vậy ra, em thay đổi cách ăn mặc, là vì anh? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
    - Không vì anh, thì vì ai chứ?
    - Vậy lần hẹn hò đầu tiên của em...
    - Là với anh đấy! Em biết anh, từ khi chưa gặp anh kia. Mỗi khi sang nhà chị Hà, em ngắm rất lâu những bức vẽ của anh, ngưỡng mộ anh. Khi nghe chị Hà kể về anh, về những giải thưởng anh đạt được, những cuộc thi anh tham gia, những cách anh kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ bằng cây cọ của mình, thì em chỉ mong gặp anh, giống như mong gặp thần tượng ấy. Vậy mà thần tượng của em ạ, anh chưa vẽ tặng em một bức nào đâu đấy nhé!

    Thì ra, gia cảnh nghèo khó của tôi, em đã tỏ từ lâu, thì ra, em thay đổi cách ăn mặc, là để hợp với hoàn cảnh với tôi, thì ra em mến thương tôi, ngay từ khi tôi còn chưa biết gì về em... Cái cô gái này, luôn làm tôi chộn rộn và đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
    - Anh vẽ cho em nhiều lắm, vẽ mỗi khi nhớ em, và khi nhớ nhiều quá, vẽ không kịp, anh đành vẽ vào đây này – tôi nắm tay em – đặt lên ngực của mình. Anh yêu em!
    Không kịp để tôi có động thái gì khác, em ôm choàng lấy tôi, khuôn mặt thiếu nữ xinh đẹp nép sát vào ngực tôi, khiến tim tôi rung lên những nhịp bồi hồi.

    Tôi tặng em tất cả số tranh tôi vẽ cho em, từ bức chân dung trên toan lụa em mặc chiếc váy trắng, đến những bức tranh sỏi mà em rất thích, em cười dịu dàng:
    - Em không nghĩ là anh lại nhớ em nhiều đến thế, vậy mà bây giờ mới chịu nói cho em biết, giận anh ghê!
    Em nũng nịu dụi đầu vào ngực tôi, không biết em có cảm nhận thấy trái tim tôi đang loạn nhịp vì hạnh phúc ngọt ngào?
    Lúi húi lấy xe ra về, một bàn tay vỗ nhẹ vào vai tôi từ phía sau:
    - Chăm sóc tốt cho em gái của anh nha! Một cô gái tuyệt đấy!
    - Ơ, anh Thành em chào anh, anh cũng đến đây à? Thư là em gái anh sao? Tôi ngạc nhiên vì gặp sếp của mình ở đây, càng ngạc nhiên hơn khi biết anh ấy và Thư có quan hệ gần gũi.
    - Ừ, ba Thư anh gọi là chú đấy! Nói rồi sếp tôi quay sang phía Thư:
    - Em có con mắt nhìn người chuẩn lắm nhé, cậu ấy tốt tính và rất có triển vọng, cảm ơn em gái giới thiệu nhân tài cho anh nha!

    Tôi lại lần nữa tròn mắt ngạc nhiên, bảo sao, em cứ nhất quyết đốc thúc tôi đến Tân Thành CDC phỏng vấn. Thì ra, em đều phía sau giúp tôi cả. Người con gái này, nhất định tôi phải trân trọng, nhất định không để em thất vọng về tôi, nhất định không để em vì tôi mà phải gấp gọn chiếc váy mà em yêu thích nơi góc tủ nữa. Tôi vừa cài quai mũ cho em, vừa nói:
    - Sau này, em cứ mặc chiếc váy mà em thích nhất nhé!
    Em cười tươi:
    - Dĩ nhiên rồi!

    - Hết-
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2021
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Em không muốn chỉ làm em gái

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - A lo!
    - Anh Quân, em đang ở Big C, anh có rảnh qua đây chút, hai năm không gặp anh, em đã nhớ anh lắm đấy, anh trai!
    - Em đang ở Hà Nội sao?
    - Sắp tới em sẽ "nằm vùng" ở đây hai năm, em học tiếp lên Đại học anh à!
    - Với em, anh luôn là địa chủ thời gian mà, chờ anh chút nhé!

    Giao việc cho mấy đàn em ở trung tâm thiết kế xây dựng xong, Quân lập tức lái xe đến chỗ Liên. Lòng anh tràn ngập một cảm xúc hân hoan. Anh và cô vẫn thường xuyên liên lạc, nhưng hai năm nay, chưa có dịp gặp. Những ấn tượng về Liên suốt hai năm qua, Quân vẫn không thể quên. Không ngày nào online Facebook mà anh không lặng lẽ vào tường của cô, dõi theo cô, nhớ cô. Chỉ buồn một nỗi, mỗi khi anh định bộc bạch lòng mình, cô lại như con nhím xù lông, sẵn sàng tung gai nhọn...

    Lần này cô lên đây, hai năm, anh phải tận dụng cơ hội này để tiếp tục thực hiện chiến lược "lừa bắt" cô gái của lòng mình. Anh hoàn toàn tự tin về hình ảnh của bản thân trong hiện tại, nhưng... còn chàng trai trong quá khứ của em , Quân có chút hoang mang. "Không, mình không thể thua một người ngay cả đến dáng hình cũng không còn tồn tại" – Quân nghĩ.

    Dòng suy nghĩ miên man đưa Quân trở về với kỉ niệm đẹp đẽ của những ngày mới quen Liên – cái "thuở ban đầu" đầy lưu luyến mà anh không bao giờ quên được.
    Ngày ấy...

    Trong căn phòng trọ chật chội, ngột ngạt, Quân đang mải miết hoàn thiện những trang cuối cùng của đồ án tốt nghiệp. Ngoài kia, nắng đổ loang loáng trên tán cây thưa thớt, nắng rân rân từng đợt sóng trên mặt sân hẹp. Ngọn cây đứng bóng, khẽ xào xạc một vài đợt gió cô đơn. Giữa cái nắng ba bốn chục độ, ngồi trong phòng cũng thấy khó chịu. Quân mong cho chóng xong công việc đầy áp lực này để anh trở lại với nhịp sống sôi động, tươi mát ngoài kia.

    - A lô, em chào anh! Anh là anh Quân ạ? Anh có một bưu phẩm từ Shopee, anh có thể nhận hàng lúc này không để em giao tới ạ!
    - Anh là địa chủ thời gian mà, lúc nào cũng có thể nhận em ạ, em mang luôn nhé, anh đang cần. Lúc nào tới alo anh!
    -Dạ!

    Trời! Giọng nói trong veo, ngọt lịm và tiếng "dạ" vô cùng dễ thương của cô gái giao hàng không khỏi khiến Quân tò mò, mong được diện kiến. Chứ nếu là mấy bác, mấy chú giao hàng như mọi lần thì Quân chắc không tò mò vậy. Dù sao, hắn cũng là gã trai "thẳng" một cách chính hiệu.

    Mười lăm phút sau, điện thoại lại đổ chuông:
    - A lo, anh Quân ra ngõ nhận hàng giúp em ạ!

    Xuất hiện trước ngõ trọ là một cô gái chừng đôi mươi. Dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị. Cô gái giao cho Quân một gói đồ.
    - Anh được phép kiểm hàng chứ?
    - Dạ, để em gọi lại hỏi shop!

    Cô gái ấy cứ một tiếng "dạ", hai tiếng "dạ" vô cùng dễ thương. "Xinh quá!" – tiếng lòng Quân khẽ reo lên khi cô gái kéo lớp khẩu trang xuống và bắt đầu nối máy với shop bán hàng. Trong một thoáng, tâm trí và ánh mắt Quân như "bắt" đúng sóng, không sao rời được khuôn mặt xinh xắn với những đường nét vừa thanh tú vừa dịu dàng, đặc biệt là đôi mắt to tròn, đen lay láy của cô.
    - Sao trước nay không thấy em giao hàng nhỉ?
    - Dạ, em mới làm mấy bữa nay! - nói đoạn, cô gái nhanh tay lấy con dao nhỏ, mở gói đồ cho Quân kiểm hàng, thấy đống màu và cọ vẽ bên trong, cô reo lên thích thú:
    - Oa, chắc hẳn anh là họa sĩ?
    - Nhìn anh có giống họa sĩ không?
    - Dạ, giống... nếu anh đúng thiệt là họa sĩ...
    "Còn khi anh không phải là họa sĩ, thì chắc không giống rồi" – có lẽ cô gái muốn Quân tự hiểu điều đó, Quân nghĩ vậy, khẽ cười thầm, vì sự lém lỉnh của cô gái.
    - Trước kia em ở đâu, mà sao mãi bây giờ, anh mới gặp được cô giao hàng dễ thương này nhỉ? – vừa nói, Quân vừa sắp xếp lại đống màu, cọ trong gói hàng của mình.
    - Trước kia em còn đi học, còn trước nữa, thì em chưa sinh ra mà!
    - Em cẩn thận nhé, xinh đẹp, dễ thương như thế này, coi chừng bị người ta lừa bắt đó... – Quân nháy mắt một cách tinh nghịch và nở một nụ cười vô cùng thân thiện.
    - Ai mà lừa bắt em, chắc hẳn đó là kẻ bất hạnh nhất cuộc đời này, em là cô gái rắc rối đấy.
    "Cô gái rắc rối này thật thú vị" – Quân thầm nghĩ, thấy lòng bỗng dưng có chút cảm mến đối với người con gái xa lạ đứng bên.
    - Em chờ anh vào trong lấy tiền nhé!
    - Dạ!

    Lúc trở ra, Quân đưa cho cô gái chai nước suối:
    - Cho em này! – và cẩn thận đếm lại cho cô số tiền hàng.
    - Cái này có nằm trong kế hoạch lừa bắt của anh không? – cô gái lắc lắc chai nước, nhìn anh bằng ánh mắt biết cười.
    - Cái này chỉ nằm trong kế hoạch cảm ơn em thôi, còn lừa bắt em, chắc phải là một chiến lược mang tầm vĩ mô kia!
    - Dạ, vậy cảm ơn anh! Em đi nhé! Chúc anh một ngày tốt lành!

    Mươi phút gặp gỡ chóng vánh với Liên, cô gái giao hàng, khiến Quân cả ngày hôm đó, lòng vui như bất chợt gặp cơn mưa mát lành sau những ngày nắng chói chang, bỏng rát. Hơn một tháng trời bù đầu với đống đồ án tốt nghiệp, thời gian gần như chỉ còn dành cho công việc và bốn bức tường phòng trọ lặng lẽ vô tri, khiến Quân mệt rã rời. Một vài phút giao tiếp với bên thế giới bên ngoài, trượt ra khỏi trạng thái vô vị, căng thẳng thường ngày mang đến cho anh những cảm xúc tươi lạ. Trong đầu chàng trai trẻ, thấp thoáng hiện lên ánh mắt biết cười, vầng trán lấm tấm mồ hôi, đôi lông mày thanh tú và giọng nói ngọt ngào của cô gái vừa gặp ban trưa.

    Tối hôm ấy, sau khi sửa xong một loạt những chi tiết còn chưa ưng ý trong bản đồ án, Quân tự thưởng cho mình một buổi tối nghỉ ngơi sớm. "Cô gái ấy thật dễ mến" – anh nghĩ vậy khi mơ màng đặt lưng trên chiếc giường phòng trọ. Anh với tay lấy chiếc điện thoại, tìm số máy ban trưa, lưu "Em gái" và mở hộp tin nhắn.
    "Em ơi, một hộp bị sai màu!" – Quân kiếm cớ bắt quen với Liên.
    "Dạ, vậy anh phải liên hệ với bên bán hàng, em chỉ giao hàng thôi mà".
    "Anh vứt số của họ đâu mất rồi ấy, em cho anh xin lại số nhé!"
    "Dạ vâng ạ!"
    "Họ giao cho anh màu đen, làm thế nào anh vẽ được màu nâu hạt dẻ giống màu tóc dễ thương của em đây?" – Xin được số rồi, Quân vẫn cố nấn ná.
    "Là anh đang thực hiện chiến lược lừa bắt em phải không? Chẳng một người cầm cọ nào lại không biết cách pha màu cả".
    "Bị em đoán trúng rồi, vậy cho anh cơ hội cuối cùng được trò chuyện với em một chút nhé!"
    "Một cô gái dễ dàng trò chuyện với người lạ, anh mong chờ gì ở cô gái ấy?"
    ...
    Đó là ngày đầu tiên Quân gặp và quen Liên. Liên vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng mầm non TW. Thời gian chờ việc, cô làm đủ các việc lặt vặt khác để bám trụ lại đất Hà Thành. Có lẽ cô cũng như anh, vì muốn thoát ly khỏi cuộc sống lam lũ quê nhà mà mạo hiểm dấn thân bôn ba nơi phồn hoa đô hội này.

    Để rồi, qua một thời gian quen nhau, trong khi Liên vẫn lạnh lùng và xa cách, thì Quân đã tự rước vào lòng mình bao mong nhớ xa xôi.

    Đúng là cô gái rắc rối mà, sao có thể dễ thương một cách hồn nhiên thế để Quân phải ngơ ngẩn không sao dứt ra được. Anh mong mỗi tối được trò chuyện với Liên, dù chỉ là qua những dòng tin nhắn. Anh mong gặp Liên, dù mỗi lần gặp mặt, thời gian chỉ đủ để hai đứa uống một cốc trà. Và anh mong một lần được nắm tay cô, đi giữa nồng nàn hoa sữa của mùa thu Hà Nội... Bởi bên cạnh Liên, bao giờ Quân cũng thấy vui vẻ, thú vị.

    "Liên ơi! Nếu có một chàng trai thầm thương em..." – Quân gửi đi dòng tin nhắn, cùng bản scan bức tranh anh vẽ. Bức tranh một đôi nam nữ ngồi dưới tán cây tử đằng tím ngắt. Cô gái trong tranh mặc chiếc đầm màu thiên thanh – cũng là chiếc đầm mà Liên thường mặc mỗi khi ra ngoài gặp anh. Còn chàng trai, tay cầm một bó hoa lavender hướng về phía cô gái, đó cũng là loài hoa mà Liên thích nhất.
    "Đây là bản kế hoạch thứ mấy trong chiến lược của anh đó?"
    "Em đã thấy phát mệt với những kế hoạch này chưa?"
    "Nếu em nói mệt rồi, anh có dừng lại không?"
    "Vậy em đồng ý làm bạn gái anh nhé! Anh sẽ dừng lại, để chuyển sang chiến lược khác, chiến lược yêu em!".
    "Anh lại thế nữa rồi, anh trai ạ! Em ngủ đây, chúc anh ngủ ngon!"
    "Đừng mà, nói chuyện với anh thêm chút nữa đi...". Đấy, lại out rồi. Chưa bao giờ, Quân thấy làm "anh trai" lại khổ sở đến thế. Nhắn tin cho cô em ấy, mà bóng gió xa xôi, là em lập tức chào tạm biệt. Gặp cô em ấy, mà ngồi xích xích lại gần hơn, là em kiếm cớ đổi chỗ khác, nếu không sẽ khéo léo xin về. Thành ra, muốn bên em lâu một chút, chỉ còn cách ngồi xa xa. Thật là một cô gái lòng dạ còn cứng hơn cả sắt đá.

    Vậy mà chính sự sắt đá ấy, lại khiến Quân thấy tò mò, thú vị. Bởi sau khi tốt nghiệp, dù mới vào nghề, nhưng anh cũng là một kiến trúc sư triển vọng, diện mạo lại sáng sủa, tư phong đĩnh đạc... khiến không ít cô gái thầm thương trộm nhớ. Tiếc là trong số đó, lại không có cô em gái rắc rối mà anh mê đắm này. Cô gái ấy, tựa ánh nắng dịu dàng mà không thể nắm bắt, tựa cơn gió mát lành chẳng bao giờ chịu trói buộc mình. Cô gái ấy cứ dễ thương, đáng yêu một cách hồn nhiên bên cạnh anh, không biết đến những trằn trọc, những khắc khoải đêm nối đêm vì nhung nhớ của anh.

    Đêm mùa thu Hà Nội dịu dàng trong cái se sắt của hơi may. Thoang thoảng đưa trong gió mùi hương hoa sữa nồng nàn. Quán cà phê quen thuộc, giai điệu thanh âm quen thuộc ngân lên tiếng lòng của đôi lứa yêu nhau. Anh hẹn Liên đến đây không ít lần, lần nào cũng trở về trong tâm trạng của kẻ "bại trận" trước bức tường rào kiên cố nơi trái tim Liên.
    - Bữa nay, anh nhận được tháng lương chính thức đầu tiên, em đến chia vui với anh một chút nhé! – Hẹn được Liên đến đây, Quân phải có một "sự kiện" to tát như thế, một lí do đáng để đến như thế. Nếu không, bao giờ Liên cũng trả lời: "Dạ, tối nay em bận mất rồi!".
    - Hôm nay, em không muốn uống cà phê, anh gọi cho em một vài lon bia nhé! – vừa ngồi xuống ghế, Liên đã đưa ra một đề nghị vô cùng bất thường đối với một cô gái ngoan như cô.
    - Ai lại đến quán cà phê để uống bia, em kì quá, hay là hôm nay em có chuyện gì phải không? – Quân không khỏi ngạc nhiên.
    - Anh có biết, khi say, người ta có thể quên đi những điều không muốn nhớ?
    - Em có chuyện gì không muốn nhớ mà phải tìm đến say để quên chứ? Dù là chuyện gì thì đây cũng không phải là cách một cô gái nên làm. Em mà say, anh "lừa bắt" em đi thì em tính sao đây? Trong một vài tình huống, anh không giỏi kiềm chế đâu.

    Nói vậy, nhưng rút cục, Quân vẫn chiều theo ý Liên, gọi cho cô vài lon bia. Thỉnh thoảng cũng phải để bản thân trượt ra khỏi những thói quen khắc kỷ thường nhật chứ. Chúng ta vẫn luôn làm những việc phải làm, nên làm, có mấy khi được làm những việc muốn làm?
    - Có anh trai nào lại "lừa bắt" em gái chứ!
    - Nhưng hôm nay, có thể anh không muốn làm anh trai của em đâu. Nên có chuyện gì cứ nói với anh, không nhất thiết phải say, em gái ạ! Em còn có anh mà!
    - Với anh, hôm nay là ngày anh nhận tháng lương đầu tiên, còn với em, lại là một ngày thật buồn - Vừa nói, Liên vừa bật nắp lon bia, chỉ một tích tắc, cô đã dốc cạn.

    Quân cũng với tay, lấy một lon trên bàn:
    - Nếu điều này có thể giúp em vui hơn, anh sẽ uống với em.
    - Chúc mừng anh nhận tháng lương đầu tiên! – Liên dâng lon bia, cụng vào lon trên tay Quân.
    - Anh không biết là em cũng có lúc "hư hỏng" thế này đấy!
    - Anh "vỡ mộng" rồi phải không?

    Đến khi, Quân cố gắng gỡ ngón tay cô khỏi lon bia cô vừa định cầm lên uống tiếp, "Dừng lại thôi em, em say mất!", thì bất chợt Liên òa khóc nức nở:
    - Sao em ... không thể quên, sao tim em vẫn đau thế này, không, em phải uống...phải uống cho thật say! Say thì có thể quên, phải không anh?– Liên như không nói nên lời. Cô đưa tay ôm lấy khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt, cả thân hình mảnh mai rung lên theo từng tiếng nấc.

    Dù chưa hiểu điều gì xảy ra, nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt đẫm nước mắt của Liên, Quân thấy xót xa quá, anh chỉ muốn ôm cô vào lòng thật chặt. Song anh không dám, anh sợ Liên lại kiếm cớ bỏ về. Có chuyện gì khủng khiếp đã xảy ra với Liên mà khiến em đau khổ vậy? Quân thực lòng muốn biết, và muốn giúp cô:
    - Anh có thể ôm em một chút không? Như một người anh trai!
    - Anh vẫn là ... anh trai trong lòng em mà! Có người anh trai nào muốn ôm em gái của mình... lại phải chờ em gái đồng ý chứ?

    Quân không thể ngờ, trong tình huống trớ trêu này, Liên lại có thể mở lòng với anh như thế. Anh choàng tay ôm lấy vai cô, nhẹ nhàng kéo đầu cô dựa vào bờ vai của mình. Trong khoảng cách thật gần ấy, anh xót xa cảm nhận nơi cô từng nhịp thở khó nhọc bởi những tiếng nấc cứ dội lên từng hồi, không dứt...Bình thường, Liên đâu có vậy.

    Chưa bao giờ anh tò mò về bí mật của một ai đó, nhưng lần này anh nôn nóng muốn biết ngay tức khắc những uẩn khúc trong lòng cô. Cô gái xinh đẹp, dịu dàng với vẻ ngoài bình thản kia không lẽ lại giấu sâu bên trong một tâm hồn đầy bão tố?
    - Hãy nói cho anh biết, có chuyện gì đã xảy đến với em? Anh có thể giúp gì được em?

    Mấy lon bia xem chừng đã ngấm, ngữ điệu trong lời nói của Liên không còn là ngữ điệu của một người tỉnh táo, cô nói với anh từng câu đứt đoạn:
    - Làm thế nào anh có thể giúp được em?. làm thế nào anh có thể xóa khỏi tâm trí em những kí ức đau lòng ấy?. làm thế nào để anh ấy trở về?
    - Anh không chắc có thể giúp được em, nhưng anh có thể lắng nghe em...
    - Anh ấy... anh ấy ...đã vì em mà phải chết, vì em... sự ích kỷ của em, đã giết chết anh ấy!
    - Anh ấy là ai?
    - Anh ấy đã yêu em như thế, vậy mà chỉ vì muốn anh ấy có mặt trong buổi sinh nhật của bạn mình, em nằng nặc đòi... đòi anh ấy phải đến với em. Vậy mà em còn trách anh ấy...trách anh ấy có mươi cây số mà cũng không đến được, để em chờ cả buổi. Em đâu biết anh ấy đã chẳng bao giờ có thể đến... anh ấy đã chết, chết trước đầu xe tải... Anh nói xem, có phải chính em ...chính em đã... giết chết anh ấy...

    Khi những lời cuối cùng trong câu chuyện em kể lạc đi lẫn trong tiếng khóc nấc, cũng là lúc Quân cảm nhận được vị mặn chát nơi đầu môi. Mắt anh đã nhòe mờ đi từ lúc nào không biết. Thì ra bấy lâu, em phải sống với nỗi đau khổ, dằn vặt kinh khủng như thế.
    - Không, em, không phải lỗi do em, đó là số mệnh của anh ấy... – Quân nhất thời chưa biết phải an ủi Liên thế nào để cô ấy nguôi bớt.
    - Giá như em không nhất quyết đòi anh ấy phải đến, giá như em đừng ích kỉ thế...
    - Anh ấy yêu em, sẽ không trách em đâu!
    - Có đấy, mấy đêm nay,... đêm nào em cũng mơ về anh ấy. Hôm qua, trong giấc mơ anh ấy hỏi em: "Chậu cây xương rồng anh tặng đã trổ hoa chưa?", lần nào trong mơ em cũng cầu xin anh ấy tha thứ: "Anh hãy tha lỗi cho em!", nhưng anh ấy chưa bao giờ nói tha thứ cho em,... chưa bao giờ, chỉ nói: "Khi nào xương rồng trổ hoa" rồi chập chờn tan biến... Ba năm nay, cái cây ấy vẫn trơ trụi ... anh ấy vẫn chưa tha thứ cho em...
    - Sao em lại có thể để giấc mơ ám ảnh mình như thế, nó không có thực, anh ấy chắc chắn không trách em đâu...em hãy cố quên đi...

    Khi Quân đưa Liên về đến khu trọ của cô, tâm trạng cô đã khá hơn nhiều. Nói ra được những nỗi niềm chất chứa, có lẽ lòng sẽ vơi vợi niềm đau.
    - Em định đi đâu à? – Quân nhìn mấy vali hành lý trong góc phòng, ngạc nhiên hỏi cô.
    - Đã đến lúc em phải rời khỏi đây. Nơi đây có quá nhiều nỗi buồn đau. Em không thể sống mãi với chúng... Em phải dần quên đi.
    - Em định đi đâu?
    - Em về quê, em đã có quyết định công tác ở quê! Hôm nay, em đã đến thắp nhang cho anh ấy, mong anh ấy tha thứ cho em, để em rời đi được thanh thản.
    - Sáng mai anh sẽ đưa em ra bến xe!
    - Em cảm ơn anh! Em đã hẹn taxi rồi!

    Sáng hôm sau, khi Quân đến, Liên đã dời đi từ sớm. Anh đã không kịp nói với cô lời tạm biệt.
    "Không biết sau này còn có thể gặp lại cô gái ấy không?" – một chút buồn, một chút tiếc nuối, một chút day dứt... ùa đến trong tâm trí của Quân.

    ***

    Liên về quê đã hai năm, nhưng Quân biết, mình còn nhớ cô rất nhiều. Đôi lúc, anh nghĩ đến sự vô vọng trong tình yêu đơn phương của mình, một tình yêu chưa từng có lời hẹn ước, lòng định buông. Nhưng trái tim lại cứ ngóng vọng về cô, dõi theo cô từng ngày. Bây giờ, cô bỗng dưng xuất hiện, tất cả những yêu dấu trong lòng anh bỗng dưng lại ùa về, vẹn nguyên, ăm ắp.

    Như hơn hai năm về trước, họ đã bên nhau những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp. Những con đường anh đi, từ ấy có thêm bước chân cô. Những góc phố anh qua, từ ấy có thêm dáng hình cô. Những quán trà quen thuộc, từ ấy anh có thêm cô đồng hành...

    Nhưng, anh vẫn chưa có được trái tim của cô. Vào cái ngày kinh hoàng trong quá khứ, cô vẫn gục đầu vào ngực anh nức nở khóc. Và anh vẫn chỉ biết vỗ về an ủi, anh vẫn chờ, vẫn chờ một phép màu...

    Rồi một hôm, anh không giấu nổi niềm vui sướng khi gọi cho cô:
    - Tối nay, anh sẽ cho em biết một bí mật ...
    - Bí mật? Chà chà, em tò mò quá!
    - Em nhớ đến nhé!
    - Nhất định rồi, em cũng sắp phải xa Hà Nội, nhanh quá, đã sắp hai năm...

    Quân đón cô ở cửa với một nụ cười thật tươi.

    - Em nóng lòng muốn biết bí mật của anh quá, đó là cái gì thế?
    - Anh đã tự tay nấu bữa tối để mời em!
    - Ôi, xúc động quá... thì ra, đó là bí mật của anh? Chưa một người con trai nào vào bếp vì em! – cô rưng rưng.

    Họ đã ăn tối vui vẻ bên nhau trong căn hộ chung cư mới tinh mà anh vừa chuyển đến.
    Lấy hết dũng khí, anh nắm tay Liên:
    - Anh muốn em đến xem căn phòng này!
    - Căn phòng vẫn đóng cửa kia ạ? Liên chỉ về căn phòng im ỉm đóng. - Anh âm mưu gì phải không? Em có nên cảnh giác không?
    - Không cần cảnh giác! Em gái đâu phải cảnh giác với anh trai chứ?
    - Vậy trong phòng có gì thế?

    Quân mở cửa, gió từ ô cửa sổ ùa vào bên trong mát rượi. Mùi hoa lavender thoang thoảng đâu dây, hòa lẫn cái mùi rất đặc trưng của một căn phòng hội họa.
    Nhìn khắp căn phòng một lượt, trái tim Liên bỗng dưng loạn nhịp, đâu đâu cũng là hình ảnh của cô. Tranh treo trên tường, tranh đang vẽ trên giá, tranh phối cảnh, tranh chân dung... không biết anh đã vẽ trong bao lâu số tranh ấy.
    - Hơn ba năm, anh đã vẽ chúng từ ngày anh quen em, từ ngày ấy, trái tim anh chỉ có em! Em không thể sống mãi, không thể đau mãi với quá khứ, em nên sống cho hiện tại. Hiện tại là anh, anh vẫn đang chờ em, và sẽ chờ em...
    - Anh!.. Liên nghẹn lại, không giấu nổi niềm xúc động đang dâng lên trong lòng.
    - Đây nữa – Quân dắt cô đến gần cửa sổ hơn, vén tấm màn gió. Một chậu xương rồng lộ ra, trên đó là những bông hoa đỏ thắm, đang khoe sắc rực rỡ... – em có nhớ chậu xương rồng này không? Anh đã tìm thấy nó khi em rời đi... Xương rồng đã trổ hoa rồi đấy! Và nó sẽ còn trổ hoa mãi...

    Liên lặng người. Thì ra, anh đã đến, và mang chậu xương rồng ấy đi. Chỉ vì chậu cây ấy, mà cô lỡ đến mấy chuyến xe về quê. Đi tới bến xe, cô còn hốt hoảng quay trở lại. Tìm quanh, hỏi khắp, mà không thấy. Mấy năm nay, cô không nguôi trách mình chỉ vì đãng trí mà bỏ quên nó. Cô không thể ngờ, Quân đã chăm sóc chậu cây ấy, và chờ nó nở hoa, để nói với cô những lời này.

    Thực ra, tấm chân tình của Quân, cô không phải ngu ngơ không biết, và lòng cô, cũng không hoàn toàn là sắt đá. Chỉ có điều, cô chưa sẵn sàng đón nhận. Nhìn chậu cây đang bung sắc rực rỡ, lòng cô không khỏi nghẹn ngào. Cô tiến đến gần Quân, ngước đôi mắt sâu thẳm nhìn anh:
    - Em có thể ôm anh chứ?
    - Có người em gái nào muốn ôm anh trai mình mà phải chờ anh trai đồng ý chứ! – vừa nói Quân vừa dang rộng vòng tay chờ đón.
    - Em cần phải được sự đồng ý của anh, vì từ nay, em không muốn làm em gái anh nữa! - Liên vòng tay ôm lấy Quân, dụi đầu vào khuôn ngực lớn rộng của anh! Lần này, cô không còn khóc nữa.
    Và những bông xương rồng đỏ thắm, cũng như đang mỉm cười với cô.
    - Hết -

     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Vấp ngã

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi là một đứa con gái có niềm đam mê với tiền một cách, theo người khác gọi là hơi thái quá. Tôi thấy, cái niềm đam mê này không có gì là xấu xa cả, bởi tôi đâu có vì tiền mà vi phạm pháp lí hay đạo lí. Ngay từ nhỏ, cứ việc gì kiếm ra tiền là tôi lao vào làm một cách hăm hở, tận tâm, thậm chí sẵn sàng hi sinh cả hình ảnh mà tôi tự đánh giá là không mấy đẹp đẽ của mình. Con nhà bần nông, học hành làng nhàng, nhan sắc hạng trung thôi mà. Bé thì nhặt ve chai, bán rau bán kẹo, lớn hơn thì tập tành buôn bán online, tiền kiếm không nhiều nhưng cũng rủng rỉnh hơn bọn bạn chăm ngoan, học giỏi suốt ngày chỉ biết đến sách vở, học hành. Và tôi lấy làm kiêu hãnh vô cùng khi thỉnh thoảng có thể sẵn sàng vung tay đãi chúng nó cây kem hay cốc trà sữa. Để thi thoảng nhòm bài chúng nó trong giờ kiểm tra mà không phải áy náy về cái chuyện cho với nhận mà những người hay triết lí vẫn thích phổ đạo.

    Nhưng chính niềm đam mê đến mụ mẫm này đã khiến tôi vấp phải cú ngã đầu đời đau điếng. Cũng may, bên cạnh niềm đam mê tiền, tôi là đứa khá mạnh mẽ, có thể đứng dậy, làm lại mọi thứ. Chứ giá thử, tôi mà mảnh mai yếu đuối thì đời tôi lúc này không biết đã trôi dạt về đâu.

    Ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán, lẽ ra chúng tôi phải tiếp tục đến trường theo quy định. Nhưng vì dịch Covid, nên cả trường được nghỉ học thêm hai tuần nữa. Hai tuần - đó là một cám dỗ vô cùng lớn đối với tôi. Không phải để mặc sức ăn chơi, đấy, tôi đâu có lười biếng chỉ nghĩ đến chơi bời. Phàm những đứa nông cạn, thậm chí hư hỏng mới dành thời gian để chơi. Tôi kiêu hãnh tự nhủ rằng mình đã trưởng thành với suy nghĩ hai tuần nghỉ học mình có thể kiếm việc gì đó ra tiền. Tôi vẫn nhìn tiền với đôi mắt trìu mến, đáng yêu và thủy chung như thế.

    Đang giãn cách xã hội, nhưng tôi vẫn liều mình nhảy lên chuyến xe dù đưa tôi lên Hà thành. Kiếm tiền đôi khi phải xông pha, phải lăn lộn chứ! Việc đi lại này đối với tôi mà nói, là chuyện hết sức bình thường, tôi lên đây mỗi dịp hè, hay mỗi dịp được nghỉ dài dài, và ở lại nhà cậu, là em của mẹ tôi. Mục đích để kiếm tiền.

    Nhưng lần này không may cho tôi, cửa hàng quần áo vốn rất đông khách của cậu, cũng chỉ vì dịch, mà phải tạm thời đóng cửa. Không thể giúp cậu phụ bán hàng, lẽ ra, tôi phải trở về quê, và giá thử tôi trở về, thì đời tôi đã không lắm nỗi chùng chình như thế.

    Tôi quyết trụ lại ở đây, tìm mọi cách để kiếm tiền. Với cái đầu nhảy số cực bén, tôi nắm bắt ngay tình hình thực tế và tìm được công việc đang cần nhiều nhân công trong mùa dịch, là phụ làm trong một xưởng may khẩu trang, quần áo bảo hộ. Ngoài thù lao chính cho công việc hàng ngày, tôi còn lấy hàng về bán thêm, với giá gấp ba, gấp bốn giá tôi nhập. Hàng bán rất chạy, cứ xem cái cách người người, nhà nhà xếp hàng rồng rắn chờ mua khẩu trang là đủ biết. Tôi kiếm bộn tiền, chưa bao giờ tôi kiếm được nhiều như thế.

    Hai tuần nghỉ sắp qua, tôi mừng như bắt được vàng khi nhận được thông báo nghỉ thêm một tuần, rồi một tuần nữa... Và đồng tiền đã kéo tôi vào vòng xoáy nghiệt ngã của nó lúc nào không hay. Tôi thiết nghĩ, 17 tuổi, mình có thể tự lập kiếm được nhiều tiền như thế này, cần gì phải lao vào học hành, lấy bằng cấp để có khi lại vứt một xó như bao kẻ khác. Tôi do dự, không biết có nên học tiếp hay đi làm.

    Sau một thời gian dài nghỉ dịch, tôi nhận cuộc gọi của mẹ báo về đi học. Vẫn còn toan tính thiệt hơn, tôi bắt đầu kiếm lí do để lần lữa việc trở về. Đang làm ăn được, về lúc này thật quá tiếc. Một kẻ ham tiền như tôi, cái sự tiếc nó phải gấp nhiều lần người thường. Bố mẹ tôi sau mấy ngày tôi chưa về, liên tục gọi điện giục giã, bắt cả cậu tôi đi tìm để đưa về. Sở dĩ cậu tôi phải tìm là vì để tiện việc, tôi thuê trọ giá rẻ ở ngoài. Cậu yên tâm về sự khôn ranh của tôi, nên không sao sát lắm, chỗ làm, chỗ ở của tôi, cậu cũng không rành.

    Khi đã có câu trả lời rõ ràng cho quyết định của mình, tôi gọi điện cho bố mẹ, thông báo rằng mình sẽ nghỉ học để đi làm. Tôi trình bày rất rành mạch, rất bài bản, đúng như kế hoạch. Nhưng chẳng một ông bố bà mẹ khôn ngoan, trải đời nào lại đồng tình dễ dàng với một quyết định, đối với họ được coi là động trời như thế.

    Tôi cũng biết điều này, nên ngay sau đó, tôi cắt mọi liên lạc, mọi đường dẫn có thể khiến người nhà tìm thấy tôi, với hi vọng rằng thời gian qua đi, cùng với những thứ mà tôi khẳng định được, thì họ sẽ phải chấp nhận. Và là một đứa con không đến nỗi tệ, nên thi thoảng tôi lại mua một cái sim rác, nhắn tin về cho bố mẹ chỉ để thông báo rằng tôi vẫn ổn.

    Tôi không biết rằng bố mẹ đã vật vã tìm tôi khổ sở như thế nào. Đó là việc bất cứ ông bố bà mẹ mẫu mực nào cũng phải làm trong tình huống như thế. Chỉ biết rằng, hơn một tháng kể từ khi quyết định nghỉ học, tôi kiếm được kha khá.

    Nhưng rồi mọi thứ không dễ dàng như trong suy nghĩ của tôi. Khi dịch đã yên, khi người ta đã không còn săn lùng khẩu trang như săn tìm bùa hộ mệnh nữa, thì xưởng tôi làm cũng bắt đầu cắt giảm nhân công, và thứ tôi bán cũng không còn chạy vèo vèo như trước. Tôi phải lăn lộn tìm việc khác. Nhưng có lẽ, vận may không phải lúc nào cũng đến, tôi thử qua nhiều việc mà cuối cùng không ra đâu vào đâu, nơi thì đòi bằng cấp, hay ngoại ngữ giỏi, nơi thì đòi kinh nghiệm, nơi thì lại đòi sự xinh đẹp... những thứ mà tôi không may mắn có, cũng có nơi không đòi gì, chỉ cần sự chăm chỉ - thứ tôi có thừa thì công cán bèo bọt. Tiền kiếm không ra, nhưng tiền tiêu cho nhà trọ, điện nước, ăn uống... thì không thể không dùng. Thành ra số tiền tôi tưởng lớn lao mà tôi vừa kiếm được khi không biết sinh nở thêm thì nó cũng nhỏ bé biết bao, nhất là khi phải bám trụ lại chốn phồn hoa này.

    Không còn cách nào khác, tôi phải trở về trong sự thất bại chán chường. Để rồi khi nhận ra rằng, mọi thứ không hề dễ dàng nếu như bản thân không tích lũy đủ kiến thức, khinh nghiệm, kĩ năng sống... thì đã muộn. Mẹ tôi đến trường xin cho tôi đi học tiếp, nhưng tôi đã nghỉ quá số ngày cho phép, nên đành phải bảo lưu kết quả để năm sau học lại.

    Đành chấp nhận chứ biết sao đây. Chỉ vì ham tiền mà tôi bỏ lỡ mất một năm học hành đèn sách. Sau cú ngã này, tôi đã nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, và nhìn nhận lại cả cái đam mê khiến tôi điêu đứng, để rồi đi đến quyết định, sẽ phải tự học trong thời gian chờ đợi để bù lấp những kiến thức đã mất. Riêng tiếng Anh, tôi sẽ đầu tư thêm cả về thời gian và tiền bạc vì tôi biết rằng, ngoại ngữ là rất quan trọng. Tôi chăm chỉ đến trung tâm, chăm chỉ tìm các nhóm tự học và tương tác trên mạng để nâng cao khả năng giao tiếp. Tôi hi vọng rằng với những gì tôi tích lũy được, tôi của sau này sẽ tự tin kiếm tiền mà không phải phụ thuộc vào vận may nữa.

    Ai trong cuộc đời cũng từng một lần vấp ngã, tôi cũng vậy.Vấp ngã là điều bình thường trong cuộc sống. Chỉ những người không biết đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại. Ngã đau rồi vẫn có thể mạnh mẽ đứng lên, thông suốt hơn, quyết tâm hơn... nhất định có ngày thành công sẽ mỉm cười với ta.

    Mạnh mẽ lên nào cô gái của hôm qua
    Lau nước mắt thôi để đứng lên bước tiếp
    Đừng mãi nghĩ suy về những gì đã mất
    Sống trọn hôm nay chẳng nuối tiếc ngày sau.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2021
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Sợi tóc

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chắc hẳn, ai trong mỗi chúng ta cũng đã từng một vài lần nhổ tóc cho bà, cho mẹ những ngày còn bé dại. Tôi cũng thế. Nhổ tóc bạc cho mẹ là một việc mà tôi vô cùng thích thú. Bởi tôi được mẹ trả "thù lao" khá hậu hĩnh. Hậu hĩnh với suy nghĩ của một đứa trẻ bảy, tám tuổi – cái tuổi chưa thể kiếm ra tiền.

    Mỗi lần nhổ tóc cho mẹ xong, tôi có đủ tiền để chạy ù sang hàng tạp hóa cạnh nhà, và trở về với cây kem trên tay, vừa đung đưa chiếc xích đu vừa tận hưởng nó như thể không còn điều gì trên đời hạnh phúc hơn thế. Hạnh phúc đối với trẻ con, chỉ đơn giản vậy thôi.

    Muốn ăn nhiều kem, tôi phải nhổ được nhiều tóc. Nên cả những khi mẹ chưa kịp gọi nhờ, tôi đã lân la gợi ý. Tôi còn cố căng mắt tìm thật kĩ, bới thật lâu mớ tóc trên đầu mẹ và thầm ước: "Sao tóc mẹ không bạc nhiều hơn chút nữa! Nhiều như tóc bà thì thật tốt biết bao!"

    Qua một năm, hai năm, rồi nhiều năm sau, tôi vẫn nhổ tóc bạc cho mẹ, vẫn vui mừng khi mẹ cho tiền mua kem, vẫn ngồi trên chiếc xích đu quen thuộc và tận hưởng niềm hạnh phúc của mình. Tôi còn thấy khoái chí, vì tóc mẹ dần dà không cần phải tìm kĩ, cũng có thể dễ dàng nhổ được rất nhiều.

    Cho đến một hôm, tôi ngây ngô hỏi:

    - Mẹ ơi! Vì sao tóc lại bạc?

    - Vì tuổi già con ạ! Khi già đi, tóc ai cũng sẽ bạc như thế! – mẹ nói.

    Câu nói ấy của mẹ khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến người bà vừa mới mất mà tôi vô cùng yêu quý. Bà mất vì tuổi già, khi bà mất, tóc bà bạc trắng cả đầu. Lúc mất, bà tám mươi tuổi. Còn mẹ năm nay bao nhiêu nhỉ? Tôi chợt thấy mình sao mà vô tâm thế, chẳng nhớ mẹ đã bao nhiêu tuổi rồi.

    Cũng từ ấy, tôi không còn vui mừng khi nhổ tóc bạc cho mẹ nữa. Mặc dù, tóc mẹ bạc nhiều hơn, dù mỗi lần nhổ tóc, tôi có tiền để mua hơn một cây kem. Mẹ tôi cũng đang già đi, còn tôi lại không mong điều đó.

    Tôi càng không muốn mẹ biết tóc mẹ đã bạc hơn nhiều lắm, nên tôi chỉ nhổ những sợi bạc ở những nơi mẹ có thể soi gương tới. Và dù mẹ dạy phải luôn thật thà, nhưng tôi không thể không nói dối mẹ:

    - Hết rồi mẹ ơi! Chẳng còn sợi bạc nào nữa!

    Hôm nay, chị tôi cùng anh rể và các cháu về qua nhà. Tôi nghe nói, anh chị sẽ ở lại nhà chơi hết dịp lễ 30 tháng Tư. Đã lâu anh chị và các cháu chưa về, nên nghe tin, mẹ tôi mừng lắm. Biết tính chị tôi sạch sẽ, gọn gàng, nên dù nhà cửa vốn đã rất ngăn nắp rồi, mẹ vẫn dọn dẹp lại thật kĩ tất cả, nhất là căn phòng của chị trên lầu hai. Lâu chị không về tới, nên căn phòng ấy có chút bụi bặm. Tôi và mẹ loay hoay dọn dẹp hết nửa ngày trời, cuối cùng cũng sạch bóng.

    Rồi gia đình anh chị cũng về tới. Thấy anh chị và cháu gái vừa vào tới ngõ, mẹ tôi đã đon đả chạy ra đón, tất bật xách đồ chuyển vào nhà.

    - Cứ để đồ đó, lát mẹ mang lên lầu cho, ngồi xuống đây cho cho đỡ mệt, bé Bông có say xe không?

    Mẹ ân cần lau mồ hôi trên trán con bé, bế nó lên hỏi han đủ chuyện.

    - Bà ơi, con khát nước! - Bé Bông nũng nịu gọi bà.

    - Ừ, con cứ ngồi đó, chờ bà đi lấy nước cho con!

    Rồi mẹ lật đật đi rót nước cho Bông. Con bé ngoan ngoan ngoãn xin bà rồi đón lấy. Nhưng khi nó vừa đưa cốc nước lên miệng thì chị tôi vội giằng lại:

    - Khoan đã!

    - Sao thế? - mẹ có chút ngạc nhiên!

    Chị tôi nhón tay vào cốc nước, lôi ra một sợi tóc, cố tình giơ cao về phía mẹ để mẹ nhìn thấy:

    - Mẹ này! Mất vệ sinh quá!

    Chị tôi còn thuyết giảng thêm một hồi nữa về vệ sinh thực phẩm, về hậu quả của ăn uống mất vệ sinh. Hệt như một nhà hùng biện chính hiệu.

    Để đánh lạc hướng câu chuyện đang đi đến hồi thiên về lí thuyết uyên thâm, tôi nhanh nhảu:

    - Dì đi lấy cho con đi lấy cho con cốc nước khác nhé Bông! Chị ơi, con Rex nhà mình đẻ tám con cún con đó!

    Nói rồi, tôi đi lấy cốc nước khác cho cháu gái. Mẹ tôi ý chừng cũng không muốn nghe "chỉnh đốn" nữa, nên mượn cớ xuống bếp chuẩn bị bữa tối. Nhân lúc mẹ tôi đi xuống bếp sắp sửa đồ ăn, tôi cầm sợi tóc của mẹ đưa cho chị và nói:

    - Chị có thấy sợi tóc này khác không?

    Chị tôi giơ sợi tóc lên săm soi:

    - Tào lao, khác là khác cái gì, tóc nào mà chả là tóc!

    Tôi bảo chị:

    - Chị không thấy sợi tóc này đã bạc quá nửa rồi à?

    Nói rồi, tôi cũng bỏ xuống bếp phụ mẹ nấu cơm. Còn chị tôi vẫn ngồi trơ ra ở phòng khách, tay cầm mãi sợi tóc của mẹ. Lúc sau, tôi thấy chị lặng lẽ quay mặt đi, tay lén gạt nước mắt.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng tám 2021
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Khu vườn của mẹ
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Mẹ tôi có một khu vườn nhỏ sau nhà. Mỗi ngày, mẹ tôi đều dành thời gian rảnh rỗi để chăm sóc cho khu vườn của mình. Khi thì gieo hạt, khi cuốc đất, dọn cỏ. Dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, khu vườn lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ và xanh mướt những luống rau. Ai đến chơi nhà cũng mê tít khu vườn xinh xắn ấy.
    Có lần, tôi hỏi mẹ:
    - Sáng nào mẹ cũng đi chợ, sao mẹ không mua rau luôn cho nhanh còn vất vả trồng làm gì thế?

    Mẹ cười, bảo:
    - Mẹ thích công việc này, được làm việc mà mình yêu thích sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái. Hơn nữa mỗi ngày đều có rau sạch cho bữa cơm của cả nhà, mẹ còn thấy vui lắm đấy! Việc gì cũng vậy, dù lớn lao hay nhỏ bé, nếu mang lại hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh, thì đều nên làm con ạ!

    Chín, mười tuổi, tôi đã đủ lớn để hiểu những lời của mẹ. Và tôi hiểu tại sao, mẹ luôn để chúng tôi làm những việc mà mình yêu thích, dù có không ít việc thật ngốc nghếch và chẳng có kết quả. Như việc hai chị em tô trát gần hết hộp phấn trang điểm của mẹ lên mặt chỉ để cho xinh hơn, nhưng thực chất chẳng khác gì "ma nữ". Hay việc dùng đến cả xấp giấy in của mẹ chỉ để vẽ chiếc đầu Doraemon cho thật tròn mà méo vẫn hoàn méo. Vậy mà mẹ còn cho thêm chúng tôi thật nhiều giấy để vẽ bông hướng dương cho thật đẹp hưởng ứng chương trình ủng hộ bệnh nhi ung thư trên mạng xã hội...

    Vườn mẹ trồng đủ các loại rau, mùa nào rau ấy, quanh năm. Rau nhà ăn không hết, mẹ thường gói ghém cho chị em chúng tôi mang biếu ông bà, các bác. Mẹ bảo:

    - Nhà mình trồng được rau sạch, nên chia sẻ cho mọi người.

    Hai đứa tôi thích lắm, vì được làm shipper cho mẹ. Và vì một lí do khác nữa, là mỗi lần mang biếu rau, ông bà và các bác, các thím đều cho lại cái kẹo hay phong bánh. Trẻ con mà, chỉ thế là vui rồi. Càng lớn lên, tôi càng thấm thía câu nói của mẹ: "Khi các con cho đi lòng thơm thảo và sự quan tâm, các con sẽ nhận về những điều đó từ mọi người!".

    Và mẹ đã rất vui, khi bình thường, chúng tôi chắt chiu từng đồng lẻ để nuôi lợn, nhưng khi xem những hình ảnh về đồng bào miền Trung đau thương trong cơn lũ cuốn, thì chúng tôi lại sẵn sàng mổ lợn để góp những đồng bạc lẻ ấy ủng hộ cho đồng bào. Mẹ còn giúp chúng tôi soạn sắp lại những bộ quần áo đã chật để chúng tôi háo hức mang tất cả ra nhà văn hóa gửi lên chuyến xe chuẩn bị đi vào cứu trợ miền Trung.

    Những khi rảnh rỗi, chị em tôi thường ra vườn giúp mẹ tưới nước, nhặt cỏ. Bắng nhắng, lăng xăng, có lần dẫm cả lên rau rồi lấm lét chờ mẹ mắng. Nhưng mẹ chả bao giờ mắng, kể cả khi tôi ngốc nghếch hỏi:
    - Ơ, thế mẹ không mắng à? - mẹ vẫn rất dịu dàng:
    - Các con biết lao động, biết làm việc giúp mẹ là mẹ vui rồi, kẻ lười biếng không chịu làm việc mới đáng trách mắng. Còn khi đã biết làm việc, sai ở đâu thì sửa ở đó! Mấy cây rau hỏng này, giờ làm thế nào nhỉ?

    Tôi hiểu ý:
    - Để con trồng cây khác thế vào. Và thế là chị em tôi đi tỉa những cây mới trồng lên đó. Dĩ nhiên, cũng sẽ cẩn thận hơn để không dẫm lên rau nữa.

    Cuối vườn, mẹ trồng một khóm bí. Từ lúc nào, khóm bí ấy đã lên xanh mơn mởn và trổ bao nhiêu là hoa, những bông hoa vàng ươm và mịn màng lụa phấn. Đứa em tôi thích quá, lại gần, ngắm nghía. Nó vạch đám lá mướt xanh và reo lên:
    - A, mẹ ơi, bao nhiêu là quả này! Một, hai, ba, bốn.. - Nó đếm đi đếm lại mà không biết chính xác là có bao nhiêu quả nữa.

    Nó hỏi mẹ:
    - Mẹ ơi! Những trái bí này đã được sinh ra như thế nào?
    Mẹ chỉ cho chúng tôi những bông hoa bí vàng ươm, nói:
    - Mấy đứa có nhìn thấy những bông hoa đực và những bông hoa cái kia không? Chúng thụ phấn cho nhau để sinh ra những trái bí.
    Tôi thắc mắc:
    - Nhưng chúng cách xa nhau như vậy thì làm sao có thể thụ phấn cho nhau hả mẹ?
    - Nhờ những con ong con ạ! Chúng bay qua bay lại để hút mật, chân của chúng mang phấn từ hoa này đến hoa kia, và trái bí đã được sinh ra như thế.

    Tôi reo lên:
    - Thật tuyệt vời, con ong chỉ làm việc hút mật của mình mà lại có thể giúp cây ra trái.

    Mẹ ôn tồn nói:
    - Đúng thế, con người cũng giống như loài ong vậy, chỉ cần mỗi người làm thật tốt công việc của mình là đã giúp mang đến những điều tốt đẹp cho mọi người, cho xã hội. Mẹ mong là sau này lớn lên, con cũng sẽ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình.

    Mẹ tôi là thế, thật giản đơn nhưng cũng thật sâu sắc. Từ vườn cây của mẹ, tôi đã học được biết bao bài học cuộc sống bổ ích. Cảm ơn mẹ, vì tất cả những hành trang mẹ tỉ mỉ gói ghém chuẩn bị cho chúng tôi bước vào đời.

    -Hết-

     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2021
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Tôi là một gã trai khá lười biếng và sống tùy tiện. Với suy nghĩ của tuổi mười tám, tôi tự ngụy biện rằng đó là một cách để hưởng thụ cuộc sống. Chả nhớ tôi nghe ở đâu hai câu thơ mà tôi vô cùng tâm đắc, và thuộc đến tận bây giờ, mặc dù tôi không hề yêu thích thơ văn cũng như bất cứ một môn học nào:

    Nhân sinh bất hành lạc
    Thiên tuế diệc vi thương

    (Sống mà không biết hưởng lạc thú/ thì sống đến ngàn năm cũng chỉ là kẻ đáng thương).

    Chả ai muốn mình là kẻ đáng thương cả, nên tôi coi hưởng lạc là phương châm sống của mình.

    Còn gì vui thích hơn được nằm dài cả buổi để cày hết từ Clash of Clans, Clash Royale đến Liên minh huyền thoại? Còn gì vui thích hơn được rong ruổi khắp nơi, lê la khắp các quán xá với lũ bạn cùng chí hướng?

    Đời người mấy nỗi, sự sống vô thường, nay sống mai chết ai lường trước được, nên cứ là phải vui hết mình, chơi tới bến. Chỉ những kẻ ngốc mới vùi mình vào sách vở, công việc, rồi sống một kiếp sống vô vị, sống mà không biết mình sống.

    Cha mẹ tôi rầu rĩ vì tôi như bất cứ những đấng sinh thành mẫu mực nào luôn mong muốn con mình ngoan ngoãn, vâng lời mà đứa con thì ngang tàng, ngỗ ngược. Bé thì họ dùng roi vọt, và dù lươn lằn dọc ngang trên cơ thể, họ cũng không lấy được của tôi một giọt nước mắt. Tôi đã nổi tiếng lì lợm từ nhỏ.

    Thấy mấy ngón võ đòn này không mấy hiệu quả, họ chuyển sang dùng võ mồm. Họ mắng, họ quát, họ chửi bới... bằng thứ ngôn ngữ gần như không bao giờ tìm thấy trong bất cứ một cuốn từ điển nào.

    Nhưng cũng chả thay đổi được tôi, mà chỉ làm điếc tai mấy bác hàng xóm. Thành thử nhà tôi – ngày nào cũng như ngày nào, thật là ầm ĩ.

    Điều kì lạ là năm nào cũng thấy bác trưởng thôn mang giấy chứng nhận gia đình văn hóa đến trịnh trọng trao tận nhà. Và họa chăng, chỉ có duy nhất ngày hôm đó, dàn giao hưởng mắng, quát, chửi... mới tạm thời lắng xuống những nốt trầm nhất. Họ vẫn mắng, vẫn quát, và vẫn chửi bới, nhưng volum đã được vặn xuống cái mức đủ chỉ để tôi nghe, và đủ để không phải bẽ mặt với hàng xóm láng giềng sau khi vừa mới được dập mác "văn hóa".

    Bằng mọi thứ mánh khóe, cơ hội, nên dù thành tích học tập, rèn luyện vô cùng bất hảo, tôi cũng trúng tuyển và học được lên tới cấp ba. Cha mẹ tôi không bao giờ tin rằng tôi có thể thi đỗ, họ thường ca bài ca muôn thuở: "Mày mà thi đỗ vào cấp ba thì có mà mặt trời mọc đằng tây". Cầm phiếu báo điểm về đưa cho bố mẹ, tôi vênh vênh tự đắc:

    - Đấy, bố xem mặt trời có mọc đằng Tây không?

    Đó là lời cảnh tỉnh cho những ai vẫn coi tôi chỉ là một kẻ hư hỏng, bất tài vô dụng, trong khi tôi đã làm được cái việc mà không một ai tin tôi có thể làm được. Đẳng cấp của tôi là đẳng cấp của một người không cần tuân theo những trật tự thông thường mà vẫn làm nên chuyện.

    Từ ngày vào cấp ba, cha mẹ tôi đến mắng chửi cũng không thèm, chứ nói gì đến chuyện động thủ. Vì nghĩ đến sĩ diện của tôi chăng? hay sĩ diện của họ? Ồ, không! Càng không phải vì tôi đã thay đổi, mà vì họ bất lực thì đúng hơn.

    Khi người ta không thể làm được cái điều mà người ta muốn, thì chỉ còn cách là buông xuôi, mặc cho nó đến đâu thì đến. Trong mắt họ tôi đã trở thành đứa con hư hỏng chính hiệu, hư hỏng và vô phương cứu chữa.

    Không chỉ bố mẹ, mà mọi người xung quanh đều không còn chút hi vọng gì vào sự thay đổi của tôi. Một kẻ chỉ biết học hành là phụ, hưởng thụ là mục tiêu, ăn chơi tỏ mọi điều, chỉ biết điều là thiếu như tôi thì ai còn tin có ngày sẽ đổi khác?

    Trong nhóm tôi có một gã trai nhà giàu, tên Hiếu. Tên này vốn dĩ là thằng học cực giỏi, con nhà có điều kiện nên được chăm bẵm, đầu tư từ trong trứng mà. Và trước khi sa ngã, thì nó cũng ngoan ngoãn, hiền lành như bất cứ một kẻ con nhà có nề nếp nào.

    Tiếc thay, nề nếp của cái nhà ấy, lại không đủ vững chãi để đảm bảo cho sự chăm ngoan của nó phát triển đến kì bình ổn. Lẽ ra, bố mẹ nó phải đợi được đến lúc tâm sinh lí nó tới kì bình ổn, mới lôi nhau ra tòa. Đằng này, họ lại phạm sai lầm nghiêm trọng ấy đúng vào cái tuổi chông chênh nhất của cuộc đời thằng con họ.

    Nhưng tôi không muốn nói thêm lời nào về sai lầm của họ, mà tôi muốn nói về thằng Hiếu như một kẻ mà tôi mỗi lần nghĩ đến là không khỏi ân hận sâu sắc tận đáy lòng bởi những gì mà tôi gây ra cho cuộc đời khốn khổ của nó.

    Giá thử xa xôi đã đành, đằng này, mỗi ngày, tôi vẫn phải giáp mặt nó ngày hai buổi đi học. Cái chân thấp thểnh, mái tóc để dài phủ kín một bên tai nhắc nhớ tôi những điều tồi tệ mà tôi đã làm trong cái tuổi bồng bột nhất của cuộc đời mình.

    Với con mắt trải đời vô cùng nhạy bén, lũ chúng tôi nhận ra ngay những tín hiệu của đồng bọn khi thấy thằng Hiếu học hành bỗng chốc tụt dốc không phanh, và tỏ ra vô cùng bàng quan trước mọi sự việc xảy ra xung quanh nó.

    Nó bỏ học nhiều hơn, nợ bài nhiều hơn, lì lượm khó bảo hơn, và hầu như cả buổi học nó hoặc cúi gục, hoặc chúi mặt vào chiệc điện thoại chẳng thèm bắt chuyện với ai,... Tóm lại là những biểu hiện chưa hề thấy ở nó trước khi xảy ra biến cố gia đình.

    Thế là chúng tôi tận dụng cơ hội này để biến nó từ một tên sắp hư hỏng thành một kẻ hư hỏng thật sự.

    Chúng tôi lôi kéo nó vào những cuộc chơi vô bổ của nhóm, phần vì muốn làm hùng hậu thêm đội quân vốn dĩ đã đông đảo khiến bất cứ một kẻ máu mặt trong trường nào cũng phải kiêng nể, phần vì muốn có thêm một thằng sẵn sàng rút tiền ra thanh toán cho cái sự ăn uống chơi bời của cả lũ.

    Và sự thật thì giữ được bản tính thiện lương của một người mới khó, chứ biến một người thiện lương thành một kẻ lưu manh thì chả mất nhiều công sức cho lắm. Giống như việc xây một ngôi nhà đẹp đẽ có khi mất đến cả năm, nhưng để biến nó thành đống gạch vụn thì không cần đến một giờ đồng hồ.

    Vậy là chỉ sau mấy lần nhập bọn, chúng tôi đã thành công rực rỡ trong kế hoạch đào tạo "đàn em", một thằng có IQ cao nhất lớp nhưng cũng không đủ thông minh để miễn dịch với những con vi rút hư hỏng.

    Và tôi tưởng chừng như nó còn biết ơn chúng tôi lắm lắm vì đã cho nó tận hưởng những điều vui thú mới mẻ mà bất cứ thằng học sinh chăm ngoan nào cũng không hề biết đến.

    Biến cố xảy ra vào đúng ngày sinh nhật một thằng trong bọn. Với bản tính thích thể hiện của những thanh niên mới lớn, chúng tôi tụ tập ở quán rượu ốc quen thuộc.

    Lời chúc, tiếng "dô" cứ gọi là vang banh nóc. "Dô" xong rồi uống, uống xong lại "dô", thật là một cảnh tượng vui vẻ và đoàn kết hết mức, cảnh tượng mà khiến ai nhìn vào cũng phải phát ghen tị lên.

    Tàn cuộc, cả lũ chập choạng ra về. Tôi chở thằng Hiếu về nhà nó sau con chiến hữu lụa. Chúng tôi lướt êm êm trên cung đường vắng. Gió mát, trăng thanh, tôi mơ màng tưởng mình đang đi trên thảm đỏ của sàn catwalk, giữa biết bao nhiêu những ánh mắt tán dương, ngưỡng mộ. Đôi tay vươn ra ôm lấy bó hoa mà một em xinh tươi trao tặng... Tôi vẫn ấp ủ giấc mơ sau này thành nhà thiết kế thời trang cơ mà.

    Bỗng "rầm", tôi choàng tỉnh, cơn đau tê dại bên sườn cho tôi biết mình vừa tông xe vào dải phân cách. Tôi nằm cạnh ngay chiếc xe, còn thằng Hiếu? Thằng Hiếu đâu, tôi hốt hoảng đảo mắt tìm. Nó kia, nằm bất động bên kia dải phân cách. Cố trườn qua, tôi lay nó, nó vẫn nằm im. Nó chết rồi sao?

    Tôi sợ hãi, hoảng loạn, đầu không còn nghĩ được gì, chỉ biết lấy điện thoại ra, gọi. Không một thằng đồng bọn nào bắt máy, thành ra người đến cứu chúng tôi, rút cục lại là bố mẹ tôi.

    Chúng tôi được đưa vào bệnh viện ngay sau đó. Hú vía, không đứa nào mất mạng, cái thằng tôi thì gãy hai rẻ xương sườn, mặt sứt sẹo. Còn thằng Hiếu bị dải phân cách bén sắc gọt mất mảng gót chân và một miếng nhỏ bên tai trái, đầu đập xuống đất, nhưng may chưa đi luôn hộp sọ.

    Giá thử nó mà chết thì không biết tôi sẽ ân hận đến bao giờ. Và giá thử, tôi là thằng chết thì ngay cả cái cảm giác ân hận cuối cùng tôi cũng không còn được trải qua.

    Tôi rùng mình khi nghĩ đến cái chết vì tai nạn giao thông của bạn học cùng trường cách đây không lâu. Chưa bao giờ tôi thấy sự sống lại mong manh đến thế.

    Đôi khi phải đánh đổi một thứ gì đó, ta mới có thể nhận thức được những gì mà ta đã làm.

    Gần tháng trời đau đớn nằm viện, không một thằng chiến hữu nào đến thăm tôi, để tôi hiểu rằng chúng nó "tốt" với tôi cỡ nào, tình bạn thực sự là như thế nào.

    Gần tháng trời nằm viện, chỉ có bố mẹ chạy đôn chạy đáo lo lắng cho tôi, để tôi hiểu rằng, những người thân yêu nhất mới là những người không bao giờ bỏ rơi mình lúc hoạn nạn.

    Và cũng ngần ấy thời gian, đủ để tôi hiểu rằng, sự sống là vô thường, nếu không trân quý nó, thì một sự vô lí tình cờ hay một tai họa bất ngờ ập đến có thể sẽ khiến ta vĩnh viễn không còn được thấy mặt trời nữa.

    Trải nghiệm không mấy "êm ái" của lần này khiến tôi vỡ lẽ ra nhiều điều ... Có lẽ rằng tôi sẽ phải thay đổi, chín chắn hơn, kỉ luật hơn, bớt ngông cuồng hơn, trân trọng cuộc sống và những người xung quanh hơn... Tôi sẽ xây dựng một hình ảnh khác về bản thân mình.

    Bởi, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu...

    -Hết-

     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2021
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024

    Chuyện nhà hàng xóm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi là cây cột điện. Có gì lạ đâu, cột điện ấy mà, chỉ cần ra ngõ là gặp. Và tôi cũng chỉ định "sống" hết phận mình trong yên bình, lặng lẽ. Nhưng những gì mà tôi chứng kiến khiến tôi không muốn yên lặng nữa rồi. Các bạn mong tôi kể gì? Một câu chuyện tình lãng mạn đâm hoa kết trái dưới chân cột điện hay một vụ án bí hiểm mà chỉ có tôi là nhân chứng... Rất tiếc, tôi không có hứng thú với dăm ba câu chuyện quanh mấy chủ đề hót hít mà các bạn có thể tìm thấy nhan nhản trên báo mạng nhờ những cái tít giật gân nhất, thời thượng nhất. Tôi kể câu chuyện về hai "hàng xóm" của tôi. Gọi là hàng xóm cho thân mật chứ thực chất, họ ghét tôi cay đắng.
    Ban đầu, trước thái độ của họ, tôi cũng ngỡ ngàng lắm. Tôi mang điện đến cho họ mà. Có điện, đèn mới sáng. Có điện, quạt mới quay. Có điện, điều hòa mới chạy... vân vân và vân vân .Thử mất điện mươi phút đồng hồ giữa trưa nắng bốn chục độ xem người người, nhà nhà có "giãy nảy" lên không. Thật là ăn không ngon, ngủ không yên ấy chứ. Ấy thế mà, không chỉ hai hàng xóm của tôi, có lẽ mọi người ai cũng vậy. Họ chỉ cần điện, không cần tôi. Tôi cay đắng nhận ra số phận tôi thật bạc bẽo. Ngậm ngùi gặm nhấm nỗi buồn sâu sắc của cuộc đời mình, tôi mơ màng ước kiếp sau mình đổi kiếp thành loài cây khác, cây ATM chẳng hạn!

    Chuyện là, ngày dựng cột, nâng cấp đường dây, tôi được đưa đến khu nhà hai hàng xóm đáng mến. Với trí tưởng tượng ngây thơ, non nớt, tôi cứ ngỡ họ sẽ hân hoan chào đón tôi, không thì chí ít cũng bình thản tiếp nhận. Ai ngờ, ngay từ khi xe chuyên dụng mang tôi đến, họ đã ùa cả ra, nhìn tôi bằng ánh mắt cực kì khó ưa. Tôi không biết tôi đã làm sai điều gì, chỉ đến khi họ gần như cùng lúc gào cái mồm lên:

    - Sao các anh không mang ra khu đất trống mà dựng, dựng cột ở đây thật là chướng mắt, mở cửa ra là đụng ngay cái cột điện.

    - Lại còn mưa gió bão bùng, nó đổ vào nhà thì các anh có chịu trách nhiệm được không?

    ...

    Mấy anh thợ điện ra sức trấn an:

    - Các bác yên tâm, bọn em làm quen rồi, phải đảm bảo an toàn chứ.

    - Bọn em được lệnh thi công ở đây, chỗ này mới đảm bảo nâng đỡ đường dây tốt nhất.

    - Mong các bác tạo điều kiện để bọn em nhanh chóng dựng cột không lại ách tắc giao thông.

    Lời qua tiếng lại một hồi vẫn chưa ngã ngũ, chỉ khi chủ tịch xã xuống phân bua, họ mới miễn cưỡng chấp nhận.

    Đến lúc đánh dấu chỗ chôn cột, họ lại lần nữa giãy nảy lên như đỉa phải vôi:

    - Chôn nhích sang bên kia, chứ thế này thì vào giữa nhà tôi rồi còn gì.

    - Không được, phải chôn sang bên kia, bên này cũng vào giữa cửa nhà tôi mất.

    Tôi thầm nghĩ, chắc ngày xưa họ học môn toán hình kém lắm, chứ tôi chả học hành gì mà còn nhìn thấy cách đến mấy mét nữa mới gọi là vào giữa nhà. Thế mà ai cũng khăng khăng là vào giữa nhà họ. Rồi họ quay ra cãi nhau. Láng giềng được bữa điếc tai, toán thợ phải phen hú vía. Lẽ ra cần chôn cột điện thì họ lại làm nhiệm vụ của an ninh xã, can hai người hàng xóm của tôi lúc nào cũng chực xông vào nhau như hai con gà chọi có mối thù truyền kiếp.

    Cuối cùng, họ phải canh chính giữa khu đất của hai nhà để chôn cột, chỉ thiếu nước mang thước ra mà đo cho thật là chuẩn, giá thử có sẵn thước thì họ cũng đo thật. Nhưng thiết nghĩ, thước ấy chưa chắc chính xác bằng ánh mắt chuẩn đến từng li của hai bác hàng xóm tôi. Tôi đã quá sai khi nghĩ họ học dốt môn hình.

    Chuyện không có gì đáng kể nếu chính giữa hai nhà không có cái rãnh thoát nước. Vì muốn hòa bình cho những hàng xóm đáng kính, tôi được chôn giữa rãnh nước. Tôi muốn khóc lắm, cả đời đứng chôn chân nơi hôi hám đó, ai mà không ấm ức. Có điều tôi chẳng thể khóc được, tôi chỉ là cây cột điện.

    Nhưng có lẽ, kẻ đáng khóc hơn là hai hàng xóm tôi. Bởi chôn cột giữa rãnh nước, nên cái lỗ nhỏ để thoát nước đã bị cái chân to uỵch của tôi vít mất. Đến khi mưa to, nước không thoát đi đâu được, tràn vào ngõ, vào vườn nhà hai bác hàng xóm, đi lại thật bất tiện, vườn cây ngâm nước mấy ngày cũng chết trơ cành. Nhưng biết làm sao được, không lẽ lại đào tôi lên chôn lại? Chôn về phía nhà nào? Hơn nữa để đảm bảo an toàn, công nhân đã chôn chân tôi thật sâu, thật chắc chắn rồi. Nan giải quá đi. Mỗi lúc mưa gió, thấy hai bác than vãn, tôi thầm nghĩ:

    Con người thật kì lạ, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, mà không nghĩ đến cái hại lâu dài.

    Đến khi nhận ra điều ấy, thì đã muộn rồi.

    Rồi một ngày, công nhân bên điện lực lại lắp trên thân tôi một bóng đèn cao áp. Họ thương cho cuộc đời u ám của tôi chăng? Có lẽ vậy.

    Từ khi lắp bóng đèn, hai bác hàng xóm đỡ kì thị tôi hơn. Một tối nọ, bác bên này ngước nhìn tôi bằng ánh mắt tiếc nuối, than thở: "Giá như ngày trước dựng cột nhích về phía nhà mình thì bây giờ sân đã sáng, không bị khuất bóng cây, không bị lụt lội".

    Và một tối khác, bác bên kia cũng nhìn tôi cảm thán: "Giá như ngày trước dựng cột lui về phía nhà mình thì không những không lụt ngập mà sân nhà cũng sáng sủa".

    Nghe họ nói vậy, tôi cũng muốn thốt lên:

    Con người thật kì lạ, chỉ nhìn thấy cái bất lợi trước mắt mà không thấy cái lợi lâu dài.

    - Hết -

     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2021
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Mong manh

    [​IMG]


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sáng chủ nhật, nó uể oải vươn mình chui ra từ chăn ấm. Nếu cái bụng không réo rắt những âm thanh đặc trưng và nếu mùi nấu nướng từ căn bếp hàng xóm không trêu đùa khứu giác của nó thì chưa chắc nó đã muốn dậy. Mỗi chủ nhật nó đều cho mình cái đặc ân mà nó gọi đó là quyền của một công dân chân chính – quyền được lười biếng sau một tuần học tập vất vả.

    Mang nỗi ưu tư sâu sắc tự đáy lòng, nó buồn bã buông một tiếng thở dài - cái việc mà ngày nào nó cũng làm như một thói quen. Buồn, đáng buồn lắm chứ, trong khi bạn bè của nó, chỉ mong chờ ngày chủ nhật để đi chơi cùng người yêu, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để khám phá ẩm thực đường phố và để khám phá lẫn nhau, thì nó vẫn cô đơn.

    Chưa vội bước khỏi giường, bao giờ cũng thế, việc đầu tiên của nó là ôm lấy cái điện thoại. Lướt facebook là trò tiêu khiển của nó những lúc buồn chán và cả những lúc không được gọi là buồn chán. Vào giây phút hiếm hoi khi suy ngẫm về cuộc đời, nó đã nghĩ đến việc "cai" facebook để chuyên tâm chuyện học hành, nhưng quyết tâm nhất thời ấy chưa từng cao hơn ngọn cỏ.

    "Bây giờ tôi mới đau khổ nhận ra một sự thật là có những người chỉ có thể ở trong tim ta chứ không bao giờ có thể bước cùng ta đi đến cuối cuộc đời".

    Dòng status dưới cái tên Minh Khôi xa lạ ấy lay động trong nó kí ức của một thời... Nó cũng từng yêu đơn phương một anh chàng cùng lớp, để rồi đau khổ khóc ròng cả thanh xuân khi thấy chàng kia sánh vai cùng người con gái khác. Người ta nói, đồng bệnh tương liên. Tự dưng nó muốn làm một hành động đầy nghĩa hiệp là an ủi trái tim đang rỉ máu của anh chàng tên Minh Khôi . Với một tinh thần sục sôi nhiệt huyết và một khối óc khi cần có thể sẵn sàng nảy ra những ngôn từ vô cùng hoa mĩ, nó cẩn trọng để lại một lời bình:

    Rồi thời gian sẽ nhạt dần yêu nhớ
    Và trái tim thôi se sắt niềm đau
    Chàng trai ơi chớ ôm mãi tủi sầu
    Người ấy có thương đâu mà ấp ủ.


    Khi buông ra những lời mĩ miều ấy, nó vô cùng kiêu hãnh về cái đầu nhảy số rất nhanh và trước hết là vì nó thấy nó như đang cứu rỗi một tâm hồn. Với niềm kiêu hãnh của một kẻ ban ơn, nó tự thưởng cho mình một nụ cười không thuộc về phạm trù cảm xúc nào.

    Bình luận vừa enter, nó cũng vừa kịp vào tường Minh Khôi để bắt sóng những thông tin cơ bản nhất: hắn học cùng trường, hắn trên mình một lớp, tình trạng đang cô đơn và đặc biệt là sở hữu một gương mặt khá điển trai.

    Nhấp vào thông báo mới, lập tức dòng bình luận gắn tên nó dưới mấy câu thơ nó vừa ngẫu hứng tạo tác khiến nó ngạc nhiên hơn cả phát hiện ra sao chổi giữa đêm giông:

    Cảm ơn em, người chưa từng quen biết
    Cớ sao anh thấy rất đỗi thân thương
    Phải làm sao để rõ thật tỏ tường?
    Nếu có thể xin một lần gặp gỡ!


    Vừa mới đây, nó còn vỗ ngực tự hào về dòng bình luận chất như nước cất của mình, thì bây giờ cái niềm kiêu hãnh ấy đã không cánh mà bay tựa sương khói mong manh. Anh chàng kia thật bí ẩn. Ứng phó quá nhanh, quá hiểm. Có cái gì đó thôi thúc nó muốn biết nhiều hơn về chàng trai Minh Khôi này.

    Quên cả tiếng réo rắt trong bao tử trống rỗng, quên cả mùi thức ăn đầy khiêu khích bên nhà hàng xóm, những thứ tầm thường ấy làm sao sánh được với khát vọng lớn lao là đi khám phá một con người?

    Thế là nó chăm chỉ cày từng status của Minh Khôi, chủ yếu là ở trạng thái public- bảo sao một nút like dạo của cậu bạn cùng lớp lại khiến dòng status sầu muộn kia lạc trôi đến tận bảng tin của mình? Nó cần mẫn nhấp từng mục bình luận, khám phá từng bức ảnh chụp trên tường cu cậu. Như một điệp viên chính hiệu, nó đã nắm bắt sơ sơ anh chàng này. Chí ít thì nó cũng đủ tin tưởng để đồng ý một lần giáp mặt mà không sợ bình minh thức dậy ở một nơi rất xa, với những con người rất lạ.

    Lòng nó nảy nở một ý nghĩ xa xôi. Đã đến lúc nó quên đi người cũ để bắt đầu những mối quan hệ mới. Một người trong lòng từng ấp ủ một mối tình đơn phương, chắc hẳn phải là người sống nội tâm nhiều lắm. Một người có thể lập tức lấy thơ để đáp lại thơ, ắt hẳn phải là người thông minh và sâu sắc lắm. Nó đã nghĩ về anh chàng Minh Khôi như thế.

    Một tuần sau.

    Căng tin trường là điểm hẹn đầu tiên. Chủ nhật, nhưng căng tin vẫn không bớt náo nhiệt, bởi các đội tuyển thể thao đang gấp rút luyện tập cho kì thi đấu sắp tới.

    Cô cậu nhanh chóng nhận ra nhau sau một tuần nhắn tin qua lại, cũng là một tuần lái "tàu ngầm" trên tường đối phương.

    Từ sân bóng, Minh Khôi sải từng bước dài về phía nó. Thân hình cao lớn trong bộ đồ thể thao khỏe khoắn, anh chàng khiến nó hoàn toàn bị choáng ngợp bởi vẻ ngoài đầy nam tính, thậm chí còn nam tính hơn cả mấy bức hình nó thấy trên trang cá nhân của Minh Khôi.

    Chàng gọi cà phê, lại một điểm cộng nữa cho sự đĩnh đạc, trưởng thành, khác hẳn lũ con trai lớp nó vẫn còn xòng xọc rít nước sôđa. Nó thì kêu trà sữa - để cố tỏ ra dịu dàng và nữ tính cho xứng tầm, mặc dù nó cũng là một tín đồ trung thành của món đồ uống nam tính đậm nắng gió Tây Nguyên ấy.

    Cuộc trò chuyện với thập cẩm các thể loại chủ đề chưa có dấu hiệu dừng lại, cho đến khi nó vô ý gạt đổ cốc trà làm nước lênh láng trên mặt bàn. Xấu hổ về sự vụng về của mình, nó nhanh chóng rút khăn giấy toan lau bàn. Anh chàng tên Khôi nhanh chóng giữ tay nó lại. Sự đụng chạm bất ngờ làm nó càng thêm xấu hổ. Nó nhận thấy từng mạch máu đang rần rần trên mặt, khuôn mặt phản chủ không bao giờ che giấu được cảm xúc của chủ nhân, nhất là trong những tình huống oái oăm như thế này.

    Trong khi nó còn đang mơ màng ngỡ anh chàng hào hiệp kia sẽ giúp mình lau dọn hiện trường, thì bất ngờ, hắn lớn tiếng gọi về phía chị phụ bàn đang tất tả phục vụ đồ ở gần đó:

    - Bà chị ơi, lại dọn bàn giùm cái!

    Nó toan giật tay lại, bàn tay kia vẫn giữ chặt.

    - Anh để em tự làm, việc này không có gì to tát cả, sao phải phiền người khác.

    - Mình đến đây để được phục vụ mà. Hơn nữa bàn tay xinh đẹp này mà vấy bẩn thì tiếc lắm.

    Lần này nó quyết giật mạnh tay mình ra. Câu trả lời của anh bạn kia làm nó choáng váng. Không phải nó choáng vì được khen có bàn tay đẹp, mà vì thái độ bề trên, trịch thượng mà nó vừa nhận ra ở kẻ đối diện. Trong đầu nó nảy ra ý muốn thăm dò thêm:

    - Bàn tay anh cũng chẳng khác gì tay con gái, bàn tay này mà quét dọn, nấu nướng, làm việc nhà thì tiếc lắm nhỉ?

    Anh chàng cười to:

    - Chả bao giờ anh phải làm những việc ấy, đó không phải là việc của một thằng con trai. Hơn nữa anh là con một, từ nhỏ đâu phải làm gì, mà cũng chả biết làm gì.

    Nó thật sự thất vọng trước câu trả lời ấy, nhưng vẫn thản nhiên:

    - Sao anh lại có thể sung sướng một cách đáng ghen tị thế chứ! Còn em, em cũng con một mà việc gì cũng đến tay – rồi nó buông một tiếng thở dài, hệt như một kẻ đang chán đời thực sự.

    Minh Khôi vẫn thao thao bất tuyệt, không nhận ra ánh mắt đầy vẻ thất vọng của cô bạn đối diện:

    - Thế là em dại rồi, càng chăm chỉ, ôm đồm thì càng khổ. Càng lười biếng càng nhàn nhã, thảnh thơi em ạ.

    - Nhà em chưa có điều kiện thuê người giúp việc anh ơi! Vậy mọi việc trong nhà anh, là ai làm ạ?

    - Mọi việc đã có bà già anh làm tất tật rồi. Bà ấy có nghề ngỗng gì đâu, cả ngày chỉ quanh quẩn có mấy việc đó thôi mà.

    Câu nói ấy đã chấm dứt tất cả. Chút cảm tình mong manh vừa chớm nở trong lòng cũng bị niềm thất vọng sâu sắc vùi dập tan tành. Anh ta gọi mẹ là "bà già" sao? Mấy tiếng "nghề ngỗng" không phải bao hàm trong đó sự coi thường sao? Nó đủ lí trí để hiểu rằng, anh chàng đẹp trai này có làm bạn cũng không đáng, chứ nói chi mong ước xa xôi.

    Không, dù có phải một mình trải qua bao nhiêu cái chủ nhật buồn nữa thì nó cũng nhất định không muốn quen một người như thế.

    Nó lấy điện thoại trong túi ra, mở máy vờ xem, rồi vờ giật mình:

    - Chết rồi, em phải về ngay đây, mẹ em nhắn ở nhà có việc. Anh về sau nhé!

    Không đợi anh chàng phản ứng, nó qua quầy thanh toán, trả tiền cho cốc trà sữa của mình, rồi lướt nhanh như một cơn lốc. Mưa lạnh thốc vào mặt, nó vẫn cứ băng băng bước đi, không ngoảnh lại.

    - Hết -
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng tám 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...