Những câu chuyện làm bài văn NLXH thêm thuyết phục - Chủ để tu thân, tu dưỡng đạo đức

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Anhquaann, 19 Tháng sáu 2023.

  1. Anhquaann Annquo

    Bài viết:
    228
    Nghiêm Tung xuất thân tiến sĩ, không những văn hay mà còn rất giỏi thư pháp. Nhưng cha con Nghiêm Tung nắm quyền lớn suốt hai mươi năm, ông ta bài xích đồng liêu, kết bè kết đảng để củng cố quyền lực, chỉ riêng con trai nuôi đã có hơn ba mươi người, những người này khống chế các bộ trong chính quyền, giúp Nghiêm Tung độc chiếm quyền lực triều đình. Nghiêm Tung tham ô nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản của dân, làm rất nhiều điều ác. Cả đời ông ta tham quyền đoạt vị, kiêu căng hống hách, hại nước hại dân, trở thành nhân vật lịch sử khiến người ta căm phẫn, tiếng xấu ngàn đời.

    * Luôn giữ lời

    Khổng Tử tới nhà Chu, nhìn thấy bên cạnh tổ miếu có một bức tượng đồng, miệng tượng ngậm chặt, trên mặt sau bia đá có khắc chữ như sau: "Đây là đạo lí của những người ăn nói cẩn thận: Hãy thận trọng! Đừng nói nhiều, nói nhiều hỏng việc; hỏng việc nhiều ắt thành họa. Người quá thoải mái nhất định phải cảnh giác, đừng nói lời khiến bản thân hối hận, đừng tưởng rằng làm thế cũng chẳng sao, họa đang đến đấy; đừng nói làm thế không có gì nghiêm trọng, họa sẽ trở nên lớn hơn đấy; đừng nói làm thể không có gì nguy hại, họa sẽ bùng cháy như lửa lớn; đừng nói người khác không nhìn thấy, không quan tâm, thần tiên đang chăm chú nhìn xuống nhân gian. Nếu không dập tắt đốm lửa nhỏ thì nó sẽ biến thành biển lửa; nếu không lập dòng chảy nhỏ, nó sẽ biến thành một cơn lũ lớn; nếu không cắt đứt một sợi dây dài, nó sẽ biến thành một cái lưới khổng lồ; nếu nói năng không cẩn trọng, nó sẽ biến thành nguồn gốc của mọi hậu họa. Đừng tưởng rằng thế cũng chẳng sao, nó chính là cánh cửa dẫn đến tại họa.." Khổng Tử đọc xong bèn nói với các học trò đi cùng: "Các trò phải nhớ, những lời này tuy thô nhưng đều có lí, một người nếu có thể cẩn trọng trong lời nói và hành động như vậy thì còn gặp phải nhiều tai họa được sao?"

    *Lương thiện

    Vào một đêm mưa to gió lớn, một cụ già quần áo rách rưới, hành lí đơn sơ vào nghỉ trọ trong một nhà khách nọ nhưng nhà khách đã hết phòng. Một nhân viên khách sạn biết gần đây đang tổ chức một hoạt động lớn, nhà khách ở vùng này chắc đã hết phòng cả rồi, cụ già không thể tìm được chỗ nghỉ chân nên đã nhường phòng của mình cho cụ già nghỉ ngơi. Hai năm sau, người nhân viên này nhận được một bức thư, mời anh ta đến New York thăm cụ già đêm mưa gió kia. Anh ta đến New York như đã hẹn, cụ già đưa anh ta đến một tòa nhà và nói: "Anh bạn trẻ, đây là khách sạn tôi xây cho anh, mời anh làm Giám đốc". Người thanh niên này chính là George Boldt, Giám đốc khách sạn Waldorf Astoria số một New York, còn cụ già kia chính là Nam tước William Waldorf Astoria

    Có một nông dân vất vả trồng một ruộng dưa. Vào mùa dưa hấu chín, đêm đến, hai cha con lưu manh nổi tiếng trong làng lái xe hàng đến trộm dưa. Khi họ chuẩn bị chuồn đi với cả xe dưa đầy thì bánh xe lọt xuống rãnh bùn, lục sục cả đêm mà không sao lái xe đi được. Đến sáng, người nông dân tỉnh dậy, thấy thế, anh ta bước tới chào hỏi thân thiện: "Tôi biết, các anh đến mua dưa đúng không? Nào, để tôi giúp các anh đẩy xe" Hai kẻ lưu manh ngớ người ra một lát rồi lập tức hiểu ý, đáp: "Vậy anh phải bán đúng giá đấy!". Người nông dân nói: "Được!"

    *Nhẫn nhịn:

    Trương Đình Ngọc là người Hán nhưng lại trở thành nội các đại thần hai đời vua nhà Thanh: Khang Hy và Ung Chính. Khi ông xây phủ ở quê nhà, hàng xóm tranh giành ba tấc đất với nhà ông, còn kiện lên huyện. Tổng quản nhà họ Trương liền lập tức viết thư bảo chuyện này với ông, hi vọng ông viết thư cho quan huyện nhờ ông ta ưu tiên cho nhà mình. Trương Đình Ngọc đọc xong, viết một bài thơ lên ngay bức thư đó, gửi về quê, bài thơ viết: "Nghìn dặm xin thư vì bức tường, nhường y ba tấc đã làm sao, Vạn Li Trường Thành nay vẫn đó, nào ai được gặp Thủy Hoàng (Tần Thủy Hoàng) xưa" Tổng quản nhà họ Trương đọc thư xong, vô cùng hổ thẹn, lập tức sai người nhường ba tấc đất. Người hàng xóm kia thấy vậy, rất xấu hổ, cũng nhường ba tấc đất, thế là để ra sáu tấc đất trống, trở thành "ngõ sáu tấc" cho mọi người đi lại.

    Cuốn Cổ kim y thống - Tạp trí loại có viết: "Đầu tiên dùng một chữ" nhẫn ", sau dùng một chữ" vong "(quên), trộn đều hai chữ với nhau rồi nuốt vào bụng, phương thuốc này đầu tiên là để nhẫn nhịn, có thể tránh nóng giận nhất thời, sau là để quên, cả đời không hối tiếc".

    *Khiêm nhường:

    Benjamin Franklin, một trong những người tạo lập nên nước Mĩ, thời trẻ từng đến thăm nhà một vị trưởng bối. Khi vị trưởng bối kia đưa ông vào một căn nhà tranh thấp bé, ông ưỡn ngực ngẩng cao đầu, trông rất oai phong. Vừa vào thì trán ông va phải khung của đau điếng. Vị trưởng bối quay sang cười, nói với ông: "Đau lắm phải không? Cháu biết không, đây là thu hoạch lớn nhất của cháu trong ngày hôm nay. Một người muốn thấu hiểu thế sự, giỏi đối nhân xử thế thì phải luôn biết cúi đầu". Benjamin Franklin luôn nhớ điều đó và ông đã thành công.

    Thomas Jefferson là Tổng thống thứ ba của Mĩ, năm 1785, ông từng làm đại sứ Mĩ tại Pháp. Một hôm, ông đến thăm nhà Ngoại trưởng Pháp. Ngoại trưởng Pháp vừa biết tin ông tranh cử Tổng thống Mĩ, liền hỏi: "Ông thay thế ông Franklin à?". "Tôi tiếp quản công việc của ông ấy, không ai có thể thay thế ông Franklin." Jefferson khiêm tốn đáp. Sự khiêm tốn của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Ngoại trưởng Pháp.

    *Khoan dung

    Một hôm, sau bữa tối, mẹ và con gái cùng rửa bát trong bếp, cha và con trai cùng xem ti vi trong phòng khách. Lúc này, đột nhiên họ nghe thấy tiếng bát vỡ trong bếp, sau đó là một hồi im lặng. Con trai nói với cha: "Chắc chắn là mẹ làm vỡ bát rồi". "Sao con biết?" Người cha ngạc nhiên hỏi. "Vì mẹ không mắng chị." Người con trai đáp.

    *Biết trân trọng

    Trong đại dương xanh có một chú cá nhỏ. Lúc mệt, nó nghỉ ngơi giữa đám rong biển; lúc khỏe lại, nó và đám bạn cùng thỏa thích đùa nghịch trong làn nước. Vui vẻ tự do là nguyên tắc sống của nó. Một hôm nó gặp một con cá khác. Con cá kia nói với nó: "Tôi nghe nói có một nơi gọi là biển lớn, nơi đó có vực nước rất sâu và rộng, tôi nghĩ chắc chắn còn rất nhiều thứ thú vị". Con cá nhỏ hỏi: "Thật á?" Con cá kia đáp: "Ừ. Hay cậu đi tìm xem". Từ đó con cá nhỏ bắt đầu tìm kiếm biển lớn. Ngày nào nó cũng bơi rồi lại bơi, chẳng còn thời gian và tâm trạng đùa nghịch với các bạn nữa. Dù như vậy, con cá nhỏ này vẫn không tìm thấy biển lớn đâu cả. Một hôm, cuối cùng con cá nhỏ mệt quá rồi. Nó nhìn thấy một con cá đang nhàn nhã bơi lội, bèn tiến tới hỏi: "Bạn biết biển lớn ở đâu không?" Con cá nhàn nhã đó vừa nghe xong liền phì cười, nói: "Bây giờ bạn đang ở trong biển lớn đấy!"

    Nguồn: Sưu tầm
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...