Review Sách Những Câu Chuyện Đức Hạnh Của Phụ Nữ - Thái Chấn Thân

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Hạ Quỳnh Lam, 9 Tháng mười hai 2023.

  1. Hạ Quỳnh Lam

    Bài viết:
    63
    Review sách "Những câu chuyện đức hạnh của phụ nữ" – Thái Chấn Thân.

    1. Giới thiệu chung:


    - Tên sách: Những câu chuyện đức hạnh của phụ nữ.

    - Tác giả: Thái Chấn Thân biên soạn.

    - Dịch giả: Tống Như Cường.

    - Thể loại: Văn luận, ghi chép, sưu tầm, tự sự, điển tích, lịch sử..

    - Dung lượng: 119 trang. (PDF)

    Nội dung chính: Cuốn sách sưu tầm những câu chuyện thời xưa, những tấm gương bậc nữ nhân tài đức trong thiên hạ, trọn vẹn tám đức hạnh: Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ để người đời sau học tập.

    [​IMG]

    2. Lời tựa:

    Người xưa nói rằng: "Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên" (Dựng nước quản dân, dạy học làm đầu).

    Một đất nước muốn có công dân tốt thì phải có nền giáo dục tốt, mà giáo dục gia đình là nền tảng của tất cả mọi giáo dục, cũng là sự giáo dục sơ khởi nhất.

    Đặc biệt, giáo dục của người mẹ là tối quan trọng.

    Thế nhưng, muốn có mẹ hiền thì phải có nàng dâu hiền lành, lương thiện. Nàng dâu hiền lương xuất thân từ người phụ nữ đã tiếp nhận qua giáo dục luân lý.

    Thế nên, phụ nữ là ngọn nguồn của cả thế giới. Nếu như nước đầu nguồn không bị ô nhiễm thì cả dòng nước sẽ tự nhiên thanh khiết.

    Vì vậy, người xưa cho rằng cái gốc của thiên hạ là ở quốc gia, cái gốc của quốc gia là ở gia đình, cái gốc của gia đình là ở con người. Mà người phụ nữ là cái gốc sinh ra bậc hiền tài, thế nên phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng.

    Chốn khuê môn là nơi Thánh Hiền chào đời. Sự giáo dục của người mẹ là cái gốc của thái bình trong thiên hạ.

    Thời cận đại, bậc Đại Đức trong nhà Phật là Pháp sư Ấn Quang từng nói: "Quyền trị quốc bình thiên hạ, hàng nữ nhân nắm hơn quá nửa".

    Lại nói: "Dạy con là cái gốc của bình trị thiên hạ, mà dạy con gái còn càng thiết yếu hơn. Thiên hạ sở dĩ thiếu bậc Hiền nhân là vì thế gian thiếu đi hiền mẫu. Có phụ nữ hiền đức thì mới có hiền thê, hiền mẫu. Có hiền thê, hiền mẫu mà chồng và con của họ chẳng phải là bậc Hiền nhân thì đó là điều hiếm lạ thay. Nếu muốn cứu lấy thế đạo, cải chính nhân tâm thì nên nỗ lực vào vai trò ấy".

    Vào cuối thời Thanh, đầu thời Dân Quốc, nhà giáo dục Nữ Đức, Tiên sinh Vương Phụng Nghi nói rằng: "Phụ nữ là ngọn nguồn của thế giới". Học giả nổi tiếng thời cận đại là tiên sinh Cô Hồng Minh trong chương "Phụ Nữ Trung Quốc" của sách "Tinh Thần Người Trung Quốc" cũng nói rằng: "Phụ nữ của một dân tộc chính là những đóa hoa thể hiện sự văn minh của dân tộc đó, là những bông hoa thể hiện sự văn minh của đất nước đó".

    Có thể thấy rằng đức hạnh của người phụ nữ có quan hệ vô cùng to lớn đến sự hưng suy của một xã hội.

    Cuốn sách này kể về các tấm gương bát đức: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ của các bậc nữ lưu thời xưa, là những tấm gương đức hạnh sâu dày cho phụ nữ chúng ta thời nay nghiêm túc học tập.

    3. Tóm tắt:

    Cuốn sách chia làm 8 phần, chủ đề của mỗi phần tương ứng với tám đức hạnh: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Đó là tám loại đức hạnh căn bản và quan trọng nhất với con người, đặc biệt là người phụ nữ. Ở mỗi phần này, tác giả đều biên soạn, ghi chép lại những câu chuyện về người xưa – những tấm gương đức hạnh tiêu biểu của bậc nữ tử tài đức vẹn toàn.

    Ví như chương Hiếu, viết về đức tính hiếu thảo của người phụ nữ, có kể lại câu chuyện Mộc Lan tòng quân. Khi quân Đột Quyết xâm chiếm Bắc Ngụy, triều đình chiêu mộ tráng đinh đi lính. Cha thì già yếu bệnh tật, em trai lại còn quá nhỏ. Nàng Mộc Lan vì thương cha, không muốn cha ra chiến trường nguy hiểm gian nan, đã tự mình nữ cải nam trang, ghi tên vào sổ lính. Mộc Lan ra chiến trường mười hai năm, kinh qua bao nhiêu trận chiến, cuối cùng bình an trở về, không nhận bổng lộc khen thưởng vua ban, cởi bỏ chiến giáp mặc lại váy lụa hài xanh, nàng viết một bài thơ kể về cuộc đời mình được thế gian sau này truyền tụng.

    Nàng Mộc Lan thân là nữ tử sinh vào thời loạn lạc, lại vì thương cha già yếu mà không màng thân phận an nguy tòng quân ra chiến trường. Chữ Hiếu vẹn tròn như vậy thời nào cũng vô cùng đáng quý. Đức hạnh của nàng là không phải nghĩ bàn!

    Các chương còn lại cũng ghi chép những câu chuyện tương tự, có thể là truyền kì, lịch sử, điển tích hay dã sử dân gian lưu về cách sống, hành vi, công lao của người nữ tử thể hiện phẩm hạnh sâu dày. Một số câu chuyện còn đi kèm với lời bình giải ý nghĩa.

    4. Cảm nhận:

    Đây là một cuốn sách có giá trị tư tưởng và giáo dục sâu sắc.

    Bàn về giáo dục, có thể nói dù là thời đại nào, giáo dục đức hạnh cũng là vô cùng quan trọng, có thể xem là cốt lõi trọng yếu của sự giáo dục. Mà ở đây nói đến, chính là đức hạnh của người phụ nữ.

    Những câu chuyện được viết chủ yếu là kể về bậc nữ nhân xưa, trong quan niệm chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Nho giáo, những khuôn thước trói buộc người phụ nữ, ở góc nhìn của con người hiện đại sẽ khiến một số người cảm thấy không quá phù hợp. Song những giá tri căn cốt mà cuốn sách đề ra thì hoàn toàn thuyết phục. Bởi dù là ai, thời đại nào, hoàn cảnh xã hội có thay đổi ra sao thì những đức hạnh: Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ vẫn là yếu tố đạo đức căn bản của con người. Người thời nay không tham đọc sách Thánh Hiền, không mấy ai để ý đến những giáo dục đức hạnh ấy nữa. Nhưng bởi đó là những giá trị người chính đáng và cần thiết với mọi thời, nên tôi cho rằng cuốn sách này có giá trị sâu sắc cho phụ nữ hiện đại học hỏi. Dù có nhiều điểm khác biệt về tư tưởng, hình mẫu người phụ nữ thời nay đã thay đổi rất nhiều, không gò bó trong khuôn thước hiền lương thục đức như xưa nữa, nhưng những tinh hoa của cổ nhân vẫn đáng tiếp thu, đặc biệt là những giá trị đạo đức đúng đắn với mọi thời văn minh như vậy.

    Do những câu chuyện của cuốn sách là sưu tầm và biên soạn lại nên tôi không đi sâu vào đánh giá nội dung. Chỉ khái quát rằng những tấm gương được viết trong cuốn sách đều thể hiện sâu sắc các giá trị đạo đức tốt đẹp, là minh chứng cho việc những con người tài đức vẹn toàn sẽ được hưởng tiếng thơm lưu danh muôn đời, khiến người người cảm động. Cuốn sách có rất nhiều câu chuyện, mỗi câu chuyện không quá dài, số lượng khá phong phú. Tính giáo dục của cuốn sách không ở những lời luận bàn, giảng giải, động viên. Mà chỉ đơn thuần là kể chuyện, và qua những tấm gương đó người đọc tự nhận thức được những giá trị phẩm hạnh tốt đẹp và học hỏi theo.

    Nội dung phong phú, lời đề hàm súc, cách trình bày rõ ràng và mạch lạc. Cuốn sách không chỉ cho người đọc hiểu biết về các tấm gương hiền nữ thời xưa, sáng ngời đức hạnh, mà còn thể hiện một phần văn hóa trong quan niệm, lối sống, cách đối nhân xử thế của người xưa.

    Với nội dung như vậy, cuốn sách không có những yếu tố kịch tính hay lãng mạn, nội dung đơn giản nhưng giá trị giáo dục đức hạnh được đề cao và gợi nhớ. Sách hay, đọc để biết, để hiểu, để tự sửa mình và có cái nhìn sâu sắc hơn trong vấn đề giáo dục phẩm chất cùng văn hóa của con người.

    Với cá nhân thì mình khá thích tìm hiểu loại sách này, cảm thấy rất tâm đắc với những tấm gương đức hạnh sâu dày mà cuốn sách ghi chép từ cổ nhân. Người sống có đức, dù thời đại nào cũng đáng được coi trọng và tán thưởng.

    Dù sinh ra trong thời đại khác nhau, có nhiều quan điểm của chúng ta ngày nay đã không còn giống thời xưa nữa. Người phụ nữ trong xã hội hiện đại không còn bị trói buộc trong khuôn thước ước lệ hiền lương thục đức, trung trinh liệt tiết, tam tòng tứ đức. Song vẫn nên đọc thử loại sách này, bởi những giá trị tinh hoa mà người xưa để lại vẫn còn phù hợp. Chúng ta vẫn cần thiết trau dồi đức hạnh, sống vẹn tròn chữ hiếu chữ nhân, học đối nhân xử thế lễ độ tinh tế, trung nghĩa đủ đầy. Điều gì là khắt khe và hạn chế, nên bỏ thì bỏ, nhưng điều gì là tinh hoa và chuẩn mực, căn cốt đúng đắn, cần học thì phải học. Bởi vậy những cuốn sách như loại này vẫn mang ý nghĩa sâu sắc và đáng đọc.

    (Cảm ơn vì đã ghé qua ^-^)
     
    Last edited by a moderator: 9 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...