Những cái tôi mang gương mặt đàn bà trong sóng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 13 Tháng sáu 2021.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    310
    Chia sẻ cùng các bạn bài viết sâu sắc và tinh tế của cô Trịnh Thu Tuyết- cô giáo dạy Văn mà mình cực yêu mến và ngưỡng mộ.

    NHỮNG CÁI TÔI MANG GƯƠNG MẶT ĐÀN BÀ TRONG "SÓNG"

    Không rõ tôi có bị chi phối bởi ý thức phái tính hay không, nhưng tôi luôn nhận ra những thế mạnh không thể phủ nhận của giới nữ - trong cuộc sống hàng ngày, người phụ nữ có sức chịu đựng lớn hơn vẻ yếu mềm của họ; trong công việc, dẫu bị phân tâm bởi quá nhiều gánh nặng, nhưng người phụ nữ vẫn chỉn chu, chu đáo tới tận bờ sát góc; trong văn chương, nếu những tác phẩm vĩ đại, đồ sộ nhất thuộc về phái nam (Chiến tranh và hòa bình, Tấn trò đời, Tội ác và trừng phạt) thì những tác phẩm được yêu nhất bởi sự xâm nhập tới li ti từng sợi tơ mỏng manh, tinh tế mà mãnh liệt, sâu xa trong tâm hồn con người bao nhiêu thế hệ lại thuộc về phái nữ (Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen McCullough, Jane Eyre – Charlotte Bronte, Ruồi trâu - Ethel Lilian Voynich, Cuốn theo chiều gió - Margaret Mitchell) !

    Phái tính cũng hiện rất rõ trong thơ - nếu thơ phái nam luôn cao giọng, to giọng đề cập tới những biến cố, sự kiện của quốc gia đại sự, những vấn đề lớn lao mang tầm triết học của tư tưởng.. thì thơ phái nữ thường lại như những tiếng thầm thì, thủ thỉ, chia sẻ về những gì nhỏ bé, gần gũi, bình dị và thiết thực trong cuộc sống đời thường, đặc biệt là cuộc sống tinh thần, trong đó, rất ít khi thiếu vắng tình yêu.

    Thơ Xuân Quỳnh cũng không ngoại lệ, các nhà thơ phái mạnh cùng thời, khi gằn giọng: "Giặc Mĩ mày đến đây/ Thì ta tiêu diệt ngay/ Trời xanh ta nổi lửa/ Biển xanh ta giết mày"; khi bày tỏ nồng nàn niềm xúc cảm khá xa với con người: "Hỡi cái hầm chông/Ta yêu ngươi hơn vạn đóa hoa hồng/Cái hầm chông nhọn hoắt/Xé nát thây quân giặc/Cho quạ ăn ngoài đồng"; khi người đàn ông bình thản và tự hào khẳng định sự chênh lệch có ý thức để chia tim thành ba phần tươi đỏ, trong đó, "Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ, và phần để em yêu"; hoặc thậm chí dành tình thương gần như tuyệt đối cho một người cách xa nhiều ngàn dặm: "Hỡi ôi Ông mất, đất trời có không? /Thương cha, thương mẹ, thương chồng/Thương mình thương một, thương Ông thương mười" (nhiều bạn đọc thời này không biết "Ông", đó là J. Stalin, TBT Đảng CS Liên Xô từ 1922 tới 1952), thì khi ấy, Xuân Quỳnh nghĩ về những đứa con của mình, của chồng, của tình yêu; về người mẹ đã "sinh anh để bây giờ cho em", về bàn tay gân xanh lam lũ của em và trái tim "biết yêu anh cả khi chết đi rồi"; về chiếc khuy áo anh chểnh mảng quên cài khi trở gió, về cánh chuồn chuồn trong giông bão, cánh lá vàng thưa thớt cuối thu, và về tình yêu!

    Không có sự nổi loạn phá phách "xiên ngang mặt đất/ đâm toạc chân mây" như nữ sĩ họ Hồ tự đêm trường trung cổ, cũng không chắp nối những mảnh ý thức - vô thức - mộng mị hỗn độn hằn lên sắc nhục cảm, thể hiện trong những hình thức dị biệt lộn xộn, cắt xé đứt gẫy cùng những con chữ nhẫy nhượt gồ ghề ẩm ướt không xa xôi khơi thức mà trần trụi phơi bày.. như một số tiếng thơ nữ bây giờ, thơ Xuân Quỳnh dịu dàng và mãnh liệt, xưa cũ và mới mẻ, trăn trở giữa những cái tôi của người đàn bà yêu!

    Nhiều khi tôi cứ nghĩ, không rõ cách nghĩ có bị ám bởi góc nhìn tự kì thị, miệt thị, khinh thị.. bởi tôn ti ngàn năm hay không, rằng, nếu một số (tôi in đậm hai chữ "một số", sr) tác giả nam đủ sức, đủ tầm, đủ khả năng trá hình, đóng thế, đặng tách được khỏi cái tôi oặt oẹo, dặt dẹo, không ít nhỏ nhen, thật nhiều hèn đớn.. của mình để suy ngẫm và thể hiện những vấn đề vĩ mô tầm vũ trụ, thì với tác giả nữ, viết gì chăng nữa cũng chỉ là quá trình "tự ăn mình", tự vắt kiệt cùng cả niềm yêu, nỗi đau trong lòng mình; thêm nữa, nếu người đàn ông có thể khai thác vô biên thế giới bên ngoài mình bởi anh ta vốn giỏi hóa thân, biến hình, không bận tâm tới cái bếp từ vừa hỏng hay thùng gạo sắp hết khi còn mải bận tâm toàn thế giới, thì người đàn bà thu cả thế giới vào sau cánh cửa nhà mình, sống trọn vẹn, duy nhất, hết mình trong một thân phận để sau khi "ăn mình" cạn kiệt với một tác phẩm "mình" nhất, thì hầu như hết vốn! Nghĩ vậy, thấy thế giới của người đàn bà chật quá, hẹp quá, đắm say quá, chân thành quá, và.. thương quá!

    Hãy cùng quan sát một giọt nước trong đại dương "chật hẹp" mà sâu thẳm, vô biên của tình yêu người đàn bà qua một thi phẩm nhỏ của Xuân Quỳnh, bài thơ Sóng, tác phẩm được tuyển chọn vào chương trình Ngữ văn lớp 12 từ nhiều năm nay.

    Trong 38 câu thơ ngũ ngôn, Xuân Quỳnh cũng chỉ nói những điều cũ hơn cả hồng hoang của trái đất, tự thuở xa lơ lắc của những A Đam và Eva, đó là tình yêu trong vô hạn những cung bậc xúc cảm, những "cái tôi" khao khát và lo âu, ngờ vực và tin tưởng, sâu sắc và ngây thơ, dại khờ và thông tuệ, những "cái tôi" giăng mắc, đan xen, nhòa lẫn với nhau trong từng nhịp thở hồi hộp, đắm đuối của ngôn từ.

    Trước hết là cái tôi với những nỗi khao khát tới khô khát trong tâm hồn người đàn bà yêu!

    Bài thơ Sóng thể hiện cái tôi khao khát được thấu hiểu bởi tri kỉ tri âm, khao khát bỏng cháy và quyết liệt – hai câu thơ "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể" chính là tuyên ngôn mang phái tính quyết liệt đã xuất hiện trong tính cách những nàng Aksinia của Sholokhov, Giamilia của Aitmatov, Anna Karenina của L. Tolstoy, những người phụ nữ có thể từ bỏ tất cả, sự bình yên, ổn định, những hạnh phúc giả tạo, những qui ước nghiệt ngã và tẻ nhạt, những mặc định về phẩm hạnh, tìm tới sự đồng cảm, tri âm, sự lớn lao, cao cả – hành trình "tìm ra tận bể" nhọc nhằn biết bao cho người đàn bà yêu khi họ phải "tìm" những điều có thể tồn tại đâu đó, ẩn hiện mà khuất lấp trong dòng đời; phải thoát "ra" khỏi mọi qui ước của đời, thậm chí của chính lòng mình; phải xác định con đường xa tới "tận" cùng, cái tận cùng có khi không bao giờ có điểm cuối! Bởi, như Tagore cũng từng trăn trở: "Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em/Anh không giấu em một điều gì/Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh", nên nếu hành trình của "Sóng tìm ra tận bể" là vô tận thì hành trình tìm kiếm sự đồng cảm và thấu hiểu trong tình yêu cũng không có điểm dừng – đó cũng là điều khiến ông hoàng của thơ tình buồn bã: "Em là em, anh vẫn cứ là anh/Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành/Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật".

    Khao khát yêu và được yêu chưa bao giờ mới với nhân loại, nhưng cũng chẳng bao giờ cũ với từng nỗi đắm say - Xuân Quỳnh nhìn thấy sự tương đồng kì lạ giữa khát vọng tình yêu của con người với những con sóng trào dâng cuồn cuộn mãnh liệt, vĩnh hằng trong lòng biển, nhìn thấy mặt biển vồng cong như lồng ngực trẻ trung, sóng biển phập phồng như nhịp thở dập dồn, xao xuyến, nhận ra còn biển thì còn sóng, còn con người thì còn tình yêu: "Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ". Victor Hugo khi đứng trước biển đêm, ông nghĩ tới những người đi biển "Thân trong nước, tên chìm trong kí ức"; một nhà thơ Việt cuối những năm 50 thế kỉ trước, trong ánh chiếu của văn học 45 – 75, ngắm nhìn bình minh trên biển và cảm nhận bức tranh tráng lệ, huy hoàng, phô bày sức mạnh của những người lao động mới xã hội chủ nghĩa: "Mặt trời đội biển nhô màu mới/Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi".. Riêng Xuân Quỳnh, khi đứng trước biển Diêm Điền, người đàn bà ấy chỉ nghĩ đến tình yêu - dẫu khi đó vẫn là những năm tháng ác liệt của chiến tranh, "những năm băng đạn vàng như lúa đồng, bát cơm mùa gặt thơm hào giao thông.."! Sự sàng lọc của thời gian trong mấy thập kỉ qua cho thấy thơ sẽ chỉ là những giá trị khi chạm tới xúc cảm chung, vĩnh hằng của loài người, và nhất là khi xúc cảm ấy chân thành, không gắng gượng, không bị đặt trong những hành lang chật hẹp hay khuôn mẫu cứng nhắc.

    Người đàn bà trong Xuân Quỳnh, và hình như người đàn bà nào cũng vậy, luôn khao khát tìm hiểu, lí giải tình yêu của mình, dẫu luôn bất lực trong khao khát ấy. Câu trả lời "Em cũng không biết nữa" như cái lắc đầu nũng nịu vừa bối rối vì sự không thể cắt nghĩa, vừa hạnh phúc vì tình yêu trong lòng nàng lớn lao, kì diệu, bí ẩn như sóng như gió, bất khả giải, bất tất giải, như các bạn trẻ thời nay hay nói: Yêu thì yêu thôi! Hạnh phúc còn vì nàng nhận ra: Khi không thể lí giải nổi vì sao ta yêu nhau, khi nào ta yêu nhau, nghĩa là khi ấy, tình yêu của họ đã vượt qua tất cả mọi lí do tầm thường nhất, hay neo bám vào những tiêu chí cụ thể, logic theo lẽ thường của cuộc đời.

    Và nỗi nhớ là gì nếu không phải là sự bộc lộ mãnh liệt nhất khao khát được gặp nhau, được có nhau, ở bên nhau, niềm khao khát len vào giấc ngủ, chập chờn trong vô thức, nóng bỏng đêm, rời rã ngày khi "Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức". Đặc biệt khổ cuối, không thể phủ nhận vẻ đẹp cao thượng trong khát vọng hi sinh và dâng hiến trong tình yêu của người đàn bà vị tha, nhân hậu: "Làm sao tan hết ra/Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ", tuy nhiên, trong tình yêu, có một sự hòa nhập, luân chuyển thật kì diệu của tâm thế, khi tận hiến cũng đồng thời là tận hưởng – bất kì ai đã yêu, đều thấu hiểu trao đi chính là đang nhận lại – cảm giác "cho" êm đềm, ngọt ngào chính bởi sự "nhận" thật mãnh liệt!

    Điểm lược những dạng thái tinh tế được Xuân Quỳnh thể hiện trong "cái tôi khát khao", những người đọc yêu và hiểu nhà thơ không thể không nhận ra một cái tôi khác, luôn âm thầm, day dứt, ám ảnh ngay trong "cái tôi khát khao" của bà, đó là cái tôi trải nghiệm cùng những dự cảm lo âu, bất ổn!

    Ngay trong những câu thơ nhớ nhung da diết nhất của "cái tôi khao khát có anh" ở khổ 5: "Lòng em nhớ tới anh/ Cả trong mơ còn thức" như vẫn âm thầm tồn tại cái chập chờn, thấp thoáng mà ám ảnh khôn nguôi về những dự cảm lo âu – lo cái thoáng chốc mỏng manh của tình anh, lo cho sự không thể nắm bắt, không thể níu giữ của chảy trôi, thay đổi – nên, thức trong mơ không chỉ vì nhớ anh, thức trong mơ còn để trông giữ tình yêu, dẫu hiểu một thực tế chua xót: Không ai đánh cắp được tình yêu anh dành cho em, ngoại trừ anh; hiểu sự vô nghĩa của trông giữ mà vẫn không ngăn nổi chính mình, vô hình trung đặt mình vào tình cảnh đau đớn nhất khi mỏi mòn dõi theo và bất lực nhìn tình yêu rời xa!

    Hoặc cùng đọc ra hai cái tôi âm thầm tranh biện, phủ nhận rồi thuyết phục lẫn nhau trong hai câu: "Ở ngoài kia đại dương/ Trăm ngàn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở"! Mượn qui luật muôn đời của tự nhiên khi những con sóng luôn hướng vào bờ, Xuân Quỳnh gửi vào trong đó niềm tin vào đích đến tốt đẹp cuối cùng của tình yêu – con sóng tới bờ, tình yêu tới bến!

    Tuy nhiên, tứ thơ không chắc chắn như qui luật "Hết mưa là nắng hửng lên thôi/Hết khổ là vui ấy lẽ đời" – sự không chắc chắn trong chính niềm tin của nhà thơ được thể hiện kín đáo qua cấu trúc đảo của hai câu cuối. Nếu viết theo cấu trúc quen thuộc của một câu ghép chính phụ, hai câu cuối phải là: "Dù muôn vời cách trở/ Con nào chẳng tới bờ", khi ấy, ý thơ thuận, sự khẳng định chắc chắn, hai chữ "tới bờ" êm đềm trong một kết cục có hậu, bình ổn! Nhưng sao có được tứ thơ bình ổn khi lòng người bất ổn, câu thơ "Con nào chẳng tới bờ" – nếu vội vã, chúng ta sẽ chỉ đọc ra niềm tin vào sự tốt đẹp cuối cùng của tình yêu; tuy nhiên, câu thơ đã hé mở yếu tố tiền giả định khi được viết theo kiểu câu nghi vấn – phủ định, kiểu câu chỉ dùng để tranh biện, để phủ định một ý kiến, một quan niệm trước đấy, nhằm khẳng định điều mình tin, hoặc cố tin. Nếu vậy, chắc chắn phải có một nỗi nghi ngờ nhẹ lan đâu đó trong tiềm thức của người đàn bà đang muốn tin vào tình yêu, có một cái tôi bên trong người đàn bà đã trải qua bao mất mát, tổn thương, nhìn những con sóng ngút ngát khơi xa mà âm thầm lo âu: "Sao có thể tới bờ" – để ngay lập tức, một cái tôi khác, đam mê, khao khát, dùng cấu trúc tranh biện "Con nào chẳng tới bờ" để khẳng định niềm tin vào tình yêu, sự khẳng định có phần như vội vã, như hối hả, như muốn nhanh chóng xóa quên cả bất hạnh trong quá khứ cùng những phấp phỏng cho tương lai. Hai cái tôi lo âu và khao khát ấy đã hòa với nhau trong câu thơ thỏa hiệp "Dù muôn vời cách trở", tựa một lời nhắc thêm, hạ giọng, nhẹ như gió, để tự dặn lòng mình: Mọi điều có thể sẽ tốt đẹp, dù chẳng dễ dàng gì, sẽ "tới bờ", nhưng luôn nhớ, luôn thận trọng với những bất ưng trên tít tắp đường xa, với những sóng gió, bão giông tiềm ẩn, rình rình rập – niềm tin ngọt ngào mà vẫn ẩn sâu vị đắng của trải nghiệm! Niềm tin chông chênh, nhưng có lẽ vì thế mà đời hơn, thực hơn, đáng trân trọng hơn!

    Cái tôi thơ thấm thía nỗi lo âu, buồn bã về sự trôi chảy của thời gian và cái hữu hạn của cuộc đời, nhất là của tình yêu còn hiện ra khá đậm trong khổ 8, khi nhà thơ mở ra những suy tư miên man trong thời gian và không gian: "Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa"! Cuộc đời tuy dài, biển cả tuy rộng nhưng năm tháng sẽ đi hết cuộc đời, đi qua cuộc đời như mây kia sẽ bay qua biển rộng, sẽ đến với những không gian bao la trong vũ trụ không cùng. Cũng có thể nhà thơ còn gửi gắm nỗi buồn bã, tiếc nuối của mình khi ý thức được tình yêu và khát vọng tình yêu của loài người tồn tại vĩnh hằng như biển cả, còn cuộc đời mỗi con người lại ngắn ngủi, tình yêu của mỗi lứa đôi lại mong manh như một áng mây phù du, đó cũng là nỗi trăn trở day dứt của Xuân Diệu khi ông nhận ra: "Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi- Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời". Cảm giác một ngày kia, mặt trời vẫn mọc, sóng biển vẫn miên man lan nhẹ trên bờ cát, và theo thời gian, "Lũ trẻ lớn lên, giờ lại tiếp theo ta/Lại nhắp lại vị ngọt ngào thuở trước" (Onga Becgon), riêng với mình, ngồi trong tuổi già, có thể trong cô độc, tình yêu chỉ còn là kí ức, tuổi trẻ cũng chỉ trong hoài niệm, rồi tới một ngày kia, sự tồn tại của mình cũng chỉ thảng hoặc hiện ra trong nỗi nhớ của người thân, đó là cảm giác dễ khiến con người hẫng hụt, dù ai cũng hiểu lẽ tử sinh, thấu sự vô thường!

    Nhiều bài thơ tình nói chung và Sóng nói riêng đều viết trong lòng của nền văn học sử thi, khi từ chủ thể trữ tình tới nhân vật trữ tình đều chỉ xúc động, say mê trong duy nhất bộ đồng phục của một cái tôi công dân – chiến sĩ; vậy mà khi ấy, đóa "hoa dọc chiến hào" của Xuân Quỳnh vẫn lặng lẽ tỏa hương với những khao khát yêu thương, những lo âu trăn trở, những niềm nỗi muôn đời.. Nhưng phải chăng cũng vì thế mà tới giờ, chúng ta vẫn đọc thơ tình Xuân Quỳnh?

    Nguồn

    : FB Tuyet Trinh Thu
     
  2. Tô Duy Trường

    Bài viết:
    6
    Quan điểm này hay quá

    "Phái tính cũng hiện rất rõ trong thơ - nếu thơ phái nam luôn cao giọng, to giọng đề cập tới những biến cố, sự kiện của quốc gia đại sự, những vấn đề lớn lao mang tầm triết học của tư tưởng.. thì thơ phái nữ thường lại như những tiếng thầm thì, thủ thỉ, chia sẻ về những gì nhỏ bé, gần gũi, bình dị và thiết thực trong cuộc sống đời thường, đặc biệt là cuộc sống tinh thần, trong đó, rất ít khi thiếu vắng tình yêu ."

    Các bài thơ thời kì này đa số thiên về yêu nước vì nước ta đang trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, rất nhiều các bài thơ trong thời kì lửa cháy này chủ yếu hướng đến chủ đề yêu nước và hiếm thấy có bài thơ nào sáng tác trong thời kì này nói về vấn đề tình yêu.
     
    Ngudonghc, Vyl Hana, Lemon L2 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...