Review Những Cái Ngố Trong Ca Từ Nhạc Việt Nam - NS Trần Văn Lộc

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi NS Trần Văn lộc, 21 Tháng tám 2018.

  1. NS Trần Văn lộc VĂN THƠ NHẠC

    Bài viết:
    41
    [​IMG]

    Tôi viết bài này không phải để phê phán các nhạc sĩ Việt Nam mà chỉ muốn cho mọi khán –thính giả thông cảm cho các nhạc sĩ khi có những sai sót về một số ca từ trong tác phẩm của mình vì thứ nhất tôi cũng là một nhạc sĩ, chẳng lẽ lại đi nói xấu đồng nghiệp của mình. Thứ hai qua đây tôi cũng muốn cho mọi người hiểu hơn về công việc của một nhạc sĩ so với các chuyên ngành nghệ thuật khác vất vả hơn nhiều vì khi hoàn thành một ca khúc họ phải làm việc gấp đôi các ngành nghệ thuật khác như: Thơ, văn, họa, điêu khắc.. bởi một ca khúc gồm 2 phần: Giai điệu và ca từ (ngoại trừ khi nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ hay viết nhạc không lời thì chỉ làm có một phần).

    Trong cuộc sống đời thường, người nghệ sĩ luôn có những lúc rất khác người, cái khác lạ đó nếu không được nhìn nhận dưới con mắt nghệ thuật thì ta sẽ thấy họ thật gàn dỡ, ngớ ngẩn hay gọi là "hâm". Bởi nếu họ nhìn nhận cuộc đời như muôn vạn người khác sao họ có thể hình thành nên bao tác phẩm nghệ thuật có giá trị được. Từ ngày xưa Xuân Diệu đã nói "là thi sĩ nghĩa là ru với gió.

    Mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây

    Để Tâm hồn treo ngược cành cây"

    Chẳng hạn trong nhạc phẩm "Khúc mưa" của Phú Quang "Tháng sáu mưa, mưa giá trời đừng mưa và anh đừng nhớ. Trời không mưa và anh không nhớ anh còn biết làm gì". Câu hát này nếu một người không có tâm hồn nghệ thuật đồng điệu nghe thì người ta sẽ lên án tác giả là đồ lười biếng, vô tích sự, trong khi mọi người khác lo lao động, sản xuất thì hắn lại không biết làm gì. Nói đến đây tôi lại nhớ trong một ca khúc khác một thời Mỹ Tâm hay hát cũng bị lên án dữ dội bởi 1 số câu hát như sau: "Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc" (Hát với dòng sông). Dư luận bảo nhân vật nữ trong bài hát này là vô tri, vô giác bởi dư luận không hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm nên đánh giá tác phẩm, tác giả là vô duyên, ngớ ngẩn nhưng thật ra tác phẩm này muốn nói lên tâm trạng của một cô gái đi vượt biên đang ở trong trại tập trung mà chưa biết sẽ đi về đâu nên có tâm trạng không hứng thú gì khi tình yêu đến hay đi và tôi lại nhớ thêm một câu chuyện hồi mới giải phóng về một ông cán bộ phòng thông tin văn hóa, ông này đã lên án nhạc sĩ Trịnh công Sơn là lười biếng, tiêu cực bởi trong khi nhân dân cả nước tích cực lao động tăng gia sản xuất thì ông Trịnh công Sơn lại lười đến nổi không muốn thở, phải nhờ người khác thở dùm "hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi".

    Nhưng thật ra theo tôi thấy 80% khán-thính giả khi nghe nhạc chỉ nghe cho vui tai thôi chứ chả ai để ý bài hát đó đang nói về cái gì, nói như thế nào, nói có đúng về ngữ pháp, tâm lý, logic không.. nhất là khi nghe trong quán cà phê hay trong đám cưới ồn ào thì khả năng chú ý ca từ của người nghe càng thấp.. Giới trẻ hiện nay thích nghe nhạc "mì ăn liền" đa số chỉ chú ý đến giai điệu, nhịp điệu rộn ràng, tốc độ nhanh, phong cách "máu lửa" được gọi nôm na là nhạc "bốc" là khoái rồi còn ca từ nói bậy bạ, vớ vẫn gì đó cũng được, thậm chí có bài hát đầu đuôi chỉ có một câu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần còn lại là: La lá là la gì đó thôi. Điều đó cho thấy thanh niên bây giờ hời hợt, nông cạn, đó cũng là lý do vì sao học sinh giỏi văn càng ngày càng ít đi so với trước kia.

    Nhưng thôi, quay lại chủ đề chính: Phải lắng nghe và ghi lại rất lâu tôi mới liệt kê ra đây trong một số lỗi của một số nhạc sĩ, tuy ít nhưng cũng rất đa dạng của các phong cách nhạc từ sến đến sang; từ bolero đến rumba, habanara, slow..

    1/ Hiện tượng méo âm trong ca từ:

    Cũng xin phân tích thêm nguyên nhân gây lỗi ca từ ngoài lý do người nhạc sĩ phải làm việc gấp đôi các chuyên ngành nghệ thuật khác còn một lý do nữa là ca từ phải đi theo giai điệu. Ví dụ khi note nhạc lên cao thì ca từ phải là từ có dấu sắc (vần Trắc) khi note nhạc xuống thấp thì từ đó phải là dấu nặng hoặc ngã nếu không khi hát từ sẽ bị biến âm không còn mang âm gốc. Ví dụ trong bài "Việt Nam trên đường chúng ta đi" của Huy Du có câu "ta đi giữa mùa xuân, ta đi giữa tình thương của Đảng" nhưng khi hát lên thì người nghe sẽ nghe ra là: Ta đì giữa mùa xuân, ta đì giữa tình thương của Đảng vì note nhạc mang ca từ "đi" xuống thấp.

    2/ Lỗi nói ngược:

    Ngoài ra do giai điệu diễn biến của nhạc nên câu văn không diễn tả theo ý tác giả được chứ không phải do trình độ nhạc sĩ (các nhạc sĩ tiền chiến trình độ văn hóa hầu hết rất cao) nên nhạc sĩ đôi khi phải nói ngược: "Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui" (Nghìn trùng xa cách – Phạm Duy) thật ra trong câu này Phạm Duy muốn nói: Vui ít hơn buồn chứ buồn ít hơn vui thì nói làm gì.

    3/ Hiện tượng khuyết ngữ: "Anh sẽ đến dù biết ra sao ngày sau" (Anh sẽ đến) đúng ra câu phải là: Anh sẽ đến dù không biết ngày sau ra sao: Vừa khuyết vừa đảo câu (Lời bài hát: Anh Sẽ Đến- Nhạc sĩ: Nguyễn Vĩnh Phước).

    4/ Thứ tự thời gian không đúng «sáng, trưa, khuya, tối» (Một mình -Lam Phương).

    5/ Hiện tượng không đúng logic ý nghĩa trong ca từ:

    Ngoài những hiểu lầm giữa khán thính giả và nhạc sĩ thì đôi khi nhạc sĩ cũng ngớ ngẩn thật, hay là sơ ý nên đã viết nên những ca từ thật vô lý Ví dụ trong ca khúc "Mai lở hai mình xa nhau" của nhạc sĩ Châu Kỳ

    Bài hát này có 3 đoạn điệp khúc bắt đầu bằng "Mai.. mình xa nhau" Hai đoạn đầu bắt đầu bằng "Mai lỡ.. và Mai nếu.." rồi sau đó là than thở "Đừng khóc cho mi hoen sầu!" và "Em khóc, ai người dỗ, nuông chiều?

    Và ai dệt thơ cho em yêu

    Trong đêm buồn quạnh hiu?"

    Hai đoạn này bình thường không có gì đáng nói nhưng đến đoạn cuối cùng "Mai nhé hai mình xa nhau

    Tội lắm em anh thơ dại!

    Đêm ngóng đêm mỏi mắt thương sầu"

    Thì ở đây mà tác giả còn than khóc "tôi lắm.. thơ dại" là vô lý. Bởi vì ai cũng nhận ra ở câu này "Mai nhé hai mình xa nhau" là hình thức đảo từ "Mai mình xa nhau nhé" và đây là câu thỏa thuận giữa 2 người. Nghĩa là 2 người đồng ý xa nhau vậy thì sao còn than khóc "Tội lắm em anh thơ dại! Đêm ngóng đêm mỏi mắt thương sầu" Mình làm mình chịu còn oan ức gì mà than thở.

    6/ Hiện tượng "quá độ" trong tình yêu:

    TRẦN THIỆN THANH người đã đưa một số khái niệm vào thời kỳ quá độ vượt lên trước thời gian và không gian trong nhạc phẩm "biển mặn".

    Khái niệm "người yêu mới quen" "người yêu tôi, tôi mới quen mà thôi" thông thường người ta chỉ nói bạn mới quen chứ không ai nói "người yêu mới quen" bởi vì muốn trở thành người yêu phải trãi qua nhiều giai đoạn quen biết rồi mới yêu nhau.

    7/ Hiện tượng nói theo thói quen trong ca khúc "Không" của Nguyễn Ánh 9: "Tình mình gian dối cho nhau

    Thôi đành hẹn lại kiếp sau"

    Thông thường khi yêu nhau tha thiết mà không lấy được nhau người ta mới an ủi nhau hẹn lại kiếp sau còn đây biết đã "gian dối cho nhau" còn hẹn lại kiếp sau để làm gì? Nếu có hẹn thì hẹn với người khác chứ không phải người đó cho nên tôi nghĩ nhạc sĩ Nguyễn Ánh nói theo thói quen như các ca khúc khác hay nói mà không để ý đến logic của ca từ. Cũng xin liên tưởng đến một ca khúc của Nguyễn Đình Toàn có câu "hẹn kiếp sau là dối them lần nữa Đất không dung, trời không" vô tình nếu áp dụng cho câu hát này thì Nguyễn Ánh 9 lại đúng.

    8/ Cái vô duyên đi buồn dùm cho các cô dâu:

    Lại đôi lúc nghệ sĩ thật vô duyên khi nhìn thấy các nàng đi lấy chồng thì đau xót rồi tưởng tượng ra đủ cảnh đau thương "buồn vương màu áo hồng, nước mắt theo em đi về với chồng" hoặc

    Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều, đưa người em gái bước chân đi đi về chốn nao, ôi buồn làm sao em có nhớ thu nào "(Tà áo cưới- Hoàng Thi Thơ). Sao các ông nhạc sĩ biết người ta buồn, và ngập tràn nước mắt? Người ta lấy chồng là ngày hạnh phúc nhất đời họ sao các ông lại nghĩ là họ buồn và đi về nơi vô đinh" bước chân đi đi về chốn nao "(Tà áo cưới)

    Thông thường ngoài đời khi phê bình người nào hay nói nhiều, nói đủ loại đề tài là" ông này, bà kia lắm chuyện ". Ngẫm lại câu nói đó cũng đúng với các nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ, bởi họ không có'lắm chuyện" thì làm sao có nhiều tác phẩm để lại cho công chúng thưởng thức được và cũng vì lắm chuyện nên mới để lại nhiều lỗi trong ca từ tác phẩm của họ. Chúng ta cũng nên thông cảm cho họ vì khả năng con người có hạn. Ai cũng biết câu "không làm không sai, làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều".
     
    tôi là tomato thích bài này.
    Last edited by a moderator: 26 Tháng mười hai 2018
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...