Bình Luận Những Bức Tranh Của Phố Huyện Nghèo Trong Bài Hai Đứa Trẻ - Thạch Lam

Thảo luận trong 'Văn Thơ' bắt đầu bởi Liberty, 13 Tháng mười hai 2018.

  1. Liberty Once you choose hope, anything’s possible

    Bài viết:
    299
    Đề: Những bức tranh của phố huyện nghèo trong bài Hai đứa trẻ - Thạch Lam

    Thể loại: Phân tích

    Tác giả: Ngankimphamvu

    Tình trạng: Hoàn thành


    Bài làm

    Khi mặt trời lặn để nhường chỗ cho màn đêm buông xuống luôn là thời điểm khiến cho chúng ta cảm thấy buồn man mác, đôi khi nó chỉ là nỗi buồn vu vơ khi tâm trạng trống trải, vắng lặng. Giữa không gian tĩnh mịch, đìu hiu ấy xuất hiện tiếng kêu ran của ếch nhái, tiếng vo ve của muỗi và mùi vị cát bụi quen thuộc của đất lại khiến ta càng thêm thấm đượm nỗi buồn. Nỗi buồn càng sâu sắc hơn khi chứng kiến cảnh cơ cực của những người dân nghèo vất vả ngược xuôi khi tối trời. Tâm trạng ấy được Thạch Lam thể hiện qua hai nhân vật chị em Liên trong bài Hai Đứa Trẻ

    Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn được hiện lên qua những âm thanh ít ỏi, rời rạc của buổi chiều tàn, tiếng trống thu không từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều điểm nhịp thời gian trôi qua chậm rãi, ngưng đọng, tàn lụi. Giữa không gian vắng vẻ, tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng muỗi kêu vo ve đặc trưng cho làng quê nghèo. Tất cả như cộng hưởng tạo nên một bản nhạc đồng quê êm đềm. Với nghệ thuật so sánh hình ảnh bóng tối với màu sắc rực rỡ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh hoàn toàn đối lập, phương tây đỏ rực như lửa cháy, đom đóm bay là là trên mặt đất, đám mây ánh hồng như ngọn than sắp tàn. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc của quê hương này. Phải chăng đó là mùi vị của nghèo khổ, lầm than, cơ cực?

    Chợ về đã vãn từ lâu, tiếng ồn ào cũng không còn, chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía và sự trống vắng, quạnh hiu. Trong khi đó, mấy đứa trẻ con nhà nghèo lam lũ, tội nghiệp ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được. Chị Tí đội cái chõng trên đầu và tay không biết mang bao nhiêu là đồ đạc, không màng sớm muộn, nhưng lại chẳng kiếm được bao nhiêu. Cụ Thi hơi điên hôm nay lại khen Liên "thảo", gieo vào lòng cô ấy một cảm giác khó hiểu. Những kiếp người tàn tạ nơi phố huyện nghèo càng khía vào nỗi buồn của Liên. Đó là nỗi buồn man mác, tâm hồn nhạy cảm trước cảnh đẹp thơ mộng nhưng đượm buồn, êm đềm của thiên nhiên, là niềm trắc ẩn, trăn trở, cảm thương trước những mảnh đời cơ cực, vất vả kiếm sống, đáng thương. Đó là tấm lòng nhân hậu của một cô gái gắn với sự đồng cảm của Thạch Lam.

    Bức tranh phố huyện về đêm càng thấm đượm nỗi buồn sâu sắc. Trong đêm, đường phố và các ngõ dần dần chứa đầy bóng tối. Trong cái bóng tối tràn lan và dày đặc đó, ánh sáng thật hiếm hoi, mờ nhạt, yếu ớt và đơn độc. Đó chỉ là những vệt sáng, hột sáng, khe sáng bị lấn át bởi bóng tối, là biểu tượng cho những kiếp người nhỏ bé, vô danh, sống tàn tạ, lay lắt trong đêm đông của xã hội cũ. Trong bóng tối, là những kiếp người đầy bóng tối không có gì thay đổi. Những người gánh hàng về muộn, những đứa trẻ phố chợ nhếch nhác, lặng lẽ, mẹ con chị Tý với cửa hàng nước sơ sài, nghèo nàn, lời lãi nào có ăn thua gì, cuộc sống cầm chừng trong vô vọng. Gia đình bác Sẫm với một cây đàn bầu, một thau sắt, một manh chiếu. Bác Siêu với gánh phở rong - một món hàng xa xỉ, kiếm được chẳng bao nhiêu, cụ Thi điên nghiện rượu. Đó là những kiếp người tàn tạ cả về thể xác và tinh thần. Nhưng tội nghiệp cho cuộc đời buồn thảm nhất là chị em Liên và An, chúng đã từng sống trong cảnh phong lưu, nhộn nhịp, rộn ràng ở Hà Nội, chúng vẫn còn tiếc nuối cho những tháng ngày tươi đẹp sống ở thủ đô. Trong suy nghĩ của hai đứa trẻ luôn mong đợi một cái gì đó tươi mới, thoát khỏi cuộc sống tù đọng trong bóng tối của họ.


    [​IMG]

    Bằng ngòi bút tả thực qua các chi tiết, cử chỉ, hành động chậm chạp; đối thoại ít, rời rạc, giọng thấp như tiếng thở dài, bao quanh họ là những đồ vật tàn.. Tác giả đã khắc họa hình ảnh những con người nhỏ bé, từ trẻ đến già đều nghèo khổ, chật vật, tàn tạ.

    Giữa chốn phố huyện này, dường như ai cũng mong ngóng một chuyến tàu từ Hà Nội chạy về đây mang theo sự ồn ào, huyên náo và tấp nập, rộn rã. Có lẽ chuyến tàu có ý nghĩa to lớn đối với những phận người nơi mảnh đất này. Bởi "con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua". Đó có thể là thế giới có sự phồn hoa ngày xưa của hai chị em Liên, nơi đó có cuộc sống sung túc và bình an hơn.

    Ngày nào chị em Liên cũng cố thức đợi chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện dù đã buồn ngủ. An còn dặn chị nhớ đánh thức mình dậy khi tàu đi qua bởi không chỉ được mẹ dặn chờ tàu đến để bán hàng, mà còn để thay đổi không khí ảm đạm, quẩn quanh nơi phố huyện nghèo, gợi nhớ về Hà Nội xa xăm, sáng rực và huyên náo

    Sự đối lập giữa đoàn tàu và khung cảnh phố huyện càng tô đậm hơn cảm giác về sự giàu sang và nghèo khổ. Đoàn tàu thì sáng rực, lấp lánh, xa xỉ trong khi phố huyện bị bao trùm bóng tối và quá đỗi nghèo nàn. Đoàn tàu càng sôi động, ồn ào càng tô đậm thêm cái tẻ nhạt, tĩnh mịch cố hữu của cuộc sống. Và cũng có thể nói rằng việc đợi tàu cũng đã thể hiện được cuộc chiến ngầm giữa Liên và An để chống lại sự đơn điệu, không màu sắc của cuộc sống. Chúng đang cố chống lại một cuộc đời vô nghĩa. Qua đó, ta có thể cảm nhận được niềm trân trọng đối với những ước mơ dù là nhỏ nhặt nhất của mỗi người. Đồng thời, với chi tiết đợi tàu, Thạch Lam đã gửi tới người đọc một thông điệp: "Hãy thức tỉnh và thay đổi để có một cuộc đời đầy ý nghĩa".

    Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh, một chiếc lá bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh và có những cảm giác mơ hồ không hiểu. Bác Siêu phát hiền đèn ghi, Liên trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi, rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, kéo dài trong ngọn gió đêm khuya. Liên liền cuống quýt, giục giã gọi em dậy, như thể là lo sợ nếu chậm một chút thôi sẽ không kịp, sẽ bỏ lỡ

    Hai chị em nghe thấy tiếng xe dồn dập rít mạnh vào ghi kèm theo một làn khói bừng sáng trắng lên từ đằng xa, tiếng hành khách ồn ào. Tàu rầm rộ đi tới, hai chị em Liên nhìn không rời, trên đó có những toa đèn sáng trưng, toa hạng sang lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Ánh sáng, niềm vui, sự náo nhiệt.. tất cả vụt qua như một tia chớp lặp lại từng ngày đem đến cho Liên và những người dân phố huyện một chút dư âm dư vị buồn vui lẫn lộn.


    [​IMG]

    Sau khi con tàu đi qua, phố huyện lại ngập trong bóng tối, im lặng, tĩnh mịch, đói nghèo cố hữu. Hy vọng của những người dân phố huyện nghèo tuy mơ hồ và không có gì là lớn lao, nhưng đây là nhu cầu tinh thần để vượt qua khỏi cuộc sống tối tăm để sống một thế giới ánh sáng văn minh, là khát vọng sống của người dân phố huyện. Chị em Liên và An hân hoan hạnh phúc khi tàu đến, nuối tiếc, bâng khuâng khi tàu qua - con tàu mang theo ước mơ về một thế giới tươi sáng hơn.

    Bằng bút pháp miêu tả sinh động những biến thái tinh tế của cảnh vật và tâm trạng con người, Thạch Lam đã khắc họa sự khác lạ của phố huyện, làm cho phố huyện lúc đêm khuya sáng bừng lên và huyên náo trong chốc lát rồi lại chìm vào bóng tối. Chuyến tàu đêm là biểu tượng cho một thế giới đáng sống với sự giàu sang và rực rỡ ánh sáng, trái ngược với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn quẩn quanh của người dân phố huyện. Đồng thời ông cũng thể hiện lòng thương cảm, cái nhìn nhân đạo, lạc quan về con người, lay tỉnh những kiếp người tàn tạ, hướng họ đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
     
    khiet le, HuyềnTrangTài Phạm thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười hai 2018
Trả lời qua Facebook
Đang tải...