Những bài văn nghị luận xã hội về học thêm, dạy thêm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 3 Tháng bảy 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Xin chào các bạn! Vấn đề học thêm, dạy thêm đang rất được quan tâm trong thời gian gần đây! Vậy, nếu các bạn gặp phải một đề văn nghị luận xã hội về vấn đề này thì sao? Hãy cùng mình tìm hiểu ở bài viết này nhé!​

    Đề 1: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự cần thiết của việc học thêm?

    Đoạn 1:

    Hiện nay, vấn đề học thêm, dạy thêm đang được quan tâm và tìm hiểu, vậy, học thêm, dạy thêm có thực sự cần thiết không? Sẽ không có một câu trả lời đầy đủ nào cho câu hỏi này. Bởi căn cứ cụ thể vào từng đối tượng, các bạn có thể phán đoán xem việc học thêm có thức sự cần thiết với bản thân. Với mục đích thi cử như thi vào 10, thi đại học, thì với những bạn học sinh có sự tự lập, tự giác cao độ, việc học trên trường với sự chỉ dạy của giáo viên kết hợp với việc tự học ở nhà đã giúp các bạn có được kết quả cao, việc học thêm sẽ chỉ chiếm khoảng 10 % mà thôi. Với những bạn ở mức độ trung bình, học thêm có lẽ là cần thiết ở mức độ khoảng 20 %, bởi các bạn đã có khá đủ nền tảng và chỉ cần một vài yếu tố đốc thúc như sự kèm cặp của giáo viên, áp lực từ bạn bè.. Còn với những bạn học sinh dưới trung bình, việc học thêm vẫn chỉ ở mức độ 30% cần thiết, bởi mình tin rằng, vấn đề không chỉ còn ở bên ngoài nữa mà cần sự thay đổi nhiều hơn ở bên trong các bạn. Tức các bạn phải tự thay đổi cái nhìn về việc học, bỏ qua sự cám dỗ bên ngoài mà chú tâm hơn đến thi cử, khi đó, việc đi học thêm mới thực sự có ích. Với mục đích trau dồi thêm kiến thức mà không có áp lực từ trường lớp, việc học thêm hay học thêm nhiều nơi hoàn toàn phụ thuộc vào sự đam mê và khả năng của các bạn. Hãy để việc học cũng được tự nhiên và lành mạnh như các hoạt động vui chơi, khi đó, việc học mới thực sự có giá trị.

    Đoạn 2:

    Ngày nay, việc học càng ngày càng đặt nặng áp lực lên vai nhữn nười học sinh và một trong những trào lưu đang được quan tâm nhiều nhất chính là vấn đề học thêm, dạy thêm. Vậy, học thêm có thực sự cần thiết không? Tôi tin chắc rằng, mỗi người đều có khát khao được học hỏi, trau dồi và làm đẹp thêm cho bản thân mình. Khi còn ở trên ghế nhà trường, các bạn được trau dồi các kiến thức thông qua sách vở và việc học thêm là điều cần thiết để các bạn củng cố lại kiến thức cũ và chuẩn bị cho kiến thức mới. Với giáo viên, dạy thêm là cách để các thầy cô kiếm thêm thu nhập của mình, nâng cao nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm đứng lớp. Một người giáo viên tốt không chỉ cần sự hiểu biết về bộ môn mà còn cần sự kết nối với học sinh mà điều đó chỉ có thể thông qua học tập và thực hành đứng lớp. Đối với xã hội, việc học thêm một cách đúng đắn sẽ tạo ra một thế hệ măng non có tiềm năng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh trong tương lai. Bên cạnh đó, có những người hiểu sai tầm quan trọng của việc dạy thêm, học thêm. Họ bắt ép con em theo quá nhiều lớp học, gây ra tâm lí sợ hãi, chán nản đối với việc học – việc vốn nên được khuyến khích và động viên. Mỗi chúng ta đều nên nhận thức đúng đắn về vấn đề này, từ đó không ngừng học tập và lựa chọn học thêm cho phù hợp.

    Đoạn 3:

    Cùng với sự gia tăng của tỉ lệ học sinh tự tử do áp lực học tập, xã hội đã đặt ra một câu hỏi về sự cần thiết của việc dạy thêm, học thêm. Rõ ràng, bên cạnh những mặt tích cực như thúc đẩy tinh thần tự học, rèn luyện thói quen, bản lĩnh cho học sinh, giáo viên và hình thành nên một tập thể măng non cho tổ quốc, việc dạy thêm, học thêm còn có rất nhiều mặt trái. Với học sinh, việc học thêm có thể khiến các em không còn hào hứng với những tiết học ở trên lớp. Bởi các em đã được học và thực hành những kiến thức cơ bản thậm chí là nâng cao ở các lớp học thêm, khi đến trường, các thầy cô không còn khơi gợi được hứng thú học tập của các em, dẫn đến việc uể oải, thiếu tinh thần và ảnh hưởng đến bầu không khí chung trong lớp học. Bên cạnh đó, rất nhiều giáo viên hiện nay lại đang quá chú trọng tới lớp học thêm của mình. Họ "giữ" những bài giảng tâm đắc của mình để giảng dạy cho học sinh theo học riêng tại nhà và chỉ truyền đạt những kiến thức cơ bản ở trên lớp. Điều này gây ra hiện tượng mất cân bằng thậm chí là phân biệt đối xử ngay cả với những học sinh cùng lớp. Mỗi chúng ta đều nên nhận thức rõ vấn đề này, bởi việc giáo dục cần có sự chung tay, góp sức của nhiều đối tượng để hình thành nên một mô hình học và dạy tốt. Một vài sự thay đổi nhỏ cũng có thể đem đến những hiệu quả tích cực với mọi người.

    [​IMG]

    Đề 2: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về những điều cần lưu ý khi học thêm?

    Đối với bất cứ việc gì, đưa ra lựa chọn chính là bước đầu tiên và quan trọng nhất, đặc biệt là với việc học thêm. Tại sao vậy? Đơn giản là "năm người mười ý", nếu như bạn chỉ nghe mà không tự mình trải nghiệm, bạn không thể nào biết được nơi đó, thầy cô đó có thực sự phù hợp và uy tín như lời đồn hay không? Nhất là với các bạn học sinh lớp 9 và 12, việc các bạn được bố mẹ tư vấn nên học thầy này, cô kia là dễ gặp và hầu như gia đình nào cũng vậy, nhưng nếu như trong một vài buổi đầu, bạn cảm thấy có quá nhiều điểm trừ thì đừng nên gồng gánh làm gì, bởi chúng ta đều được chọn thầy, chọn cô và tự chọn lấy tương lai của chính mình. Việc lựa chọn trong quá trình học cũng giúp các bạn rèn được tính tự lập, tự giác khi đối mặt với những vấn đề của mình, từ đó thu nhặt được những kinh nghiệm để trưởng thành hơn trong cuộc sống. Nếu các bạn phụ thuộc vào sự lựa chọn của bố mẹ, bạn bè, bạn sẽ mất dần đi khả năng tự chủ, thậm chí, khi các bạn trải nghiệm việc học dựa trên những ý kiến của người khác, bạn sẽ mất đi niềm ham thích và tò mò vốn có. Điều đó ảnh hưởng tới quá trình học tập của chính bản thân các bạn. Mỗi chúng ta đều nên nhận thức và tìm hiểu kĩ trước khi đưa ra lựa chọn để quá trình học tập được thuận lợi và hiệu quả nhất.

    Đề 3: Viết đoạn văn khoảng 300 chữ đưa ra lời khuyên của bản thân anh/ chị về việc lựa chọn điểm học thêm?

    Là một người học sinh đã từng đi học thêm và có kinh nghiệm lựa chọn nơi học phù hợp với bản thân, tôi đã đúc kết được bốn điều lớn nhất để việc học thêm được thuật lợi. Trước hết là về chất lượng giáo viên. Mỗi người giáo viên, mỗi trung tâm giảng dạy đều sẽ có những phần nhận xét, đánh giá từ nội bộ cũng như học sinh. Trước khi đăng kí học, đặc biệt là những khóa học trên mạng, bạn nên hỏi thông tin về giáo viên, xem các đánh giá của học sinh, phụ huynh về giáo viên. Cũng có một số nơi chỉ đăng nhữn bình luận tích cực thì bạn phải thử kết nối với những người học khác để có cái nhìn khách quan hơn, tránh trường hợp bị lừa và không ưng ý khi đã đăng kí khóa học. Điều thứ hai chính là số lượng học viên trong một lớp học. Mỗi giáo viên, trung tâm đều sẽ giới hạn số lượng học sinh trong mỗi lớp để đảm bảo chất lượng giảng dạy và sự chăm sóc tốt cho từng học sinh, hãy kiểm tra kĩ vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, bạn cần tìm hiểu về độ tin cậy và sự đánh giá của địa điểm học thêm. Bạn có thể tìm hiểu thông tin qua các nguồn đánh giá của học sinh và phụ huynh trên mạng, hoặc hỏi ý kiến của những người đã từng sử dụng, theo học tại đó. Cuối cùng đó chính là sự hỗ trợ sau khóa học. Vấn đề này có lẽ sẽ bị nhiều người bỏ qua nhưng thực tế rằng đây lại là một trong những quyền lợi lớn nhất của người học. Đúng như tên gọi, đó là vấn đề chăm sóc người học của trung tâm, giáo viên.. Nó đòi hỏi sự tận tình và chu đáo để khách hàng được hài lòng tuyệt đối. Chúc các bạn tìm được nơi học phù hợp!

    Đề 4: Viết đoạn văn khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân anh/ chị về vấn đề thời gian và tiền bạc cho việc học thêm?

    Việc dạy thêm, học thêm đã trở thành một hoạt động thường nhật, quen thuộc của người học sinh. Tuy nhiên, việc học thêm đặt ra những câu hỏi lớn về thời gian và tiền bạc. Dù ở khối lớp nào thì việc học thêm cũng ngốn một đống tiền của gia đình. Trung bình học phí sẽ vào khoảng 300.000 – 500.000 / môn/ tháng thậm chí là nhiều hơn, vậy thì trong một gia đình có 2 con, mỗi con học thêm 3 môn và mỗi môn lại học 1 đến 2 nơi thì áp lực kinh tế đến gia đình là tương đối lớn. Khi học thêm nhiều nơi, bạn sẽ gần như học lại một cách thụ động một lượng kiến thức 2 – 3 lần, nếu như bạn không biết cách chuẩn bị bài và ôn lại hiệu quả, việc đi học thêm hoàn toàn là vô ích. Bên cạnh đó, bạn sẽ có ít thời gian tự học hơn. Học quá nhiều nơi khiến bạn phụ thuộc nhiều vào giáo viên, thầy cô đưa ra dạng nào bạn sẽ học dạng đó và không có thời gian để tìm hiểu thêm về những dạng mới cũng như ôn lại những bài mình thực sự quên. Để giải quyết vấn đề này, mỗi bạn học sinh tốt nhất hãy nên tự nêu cao ý thức tự giác học tập, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình cũng như tự tạo lập một thói quen tiết kiệm thời gian và tiền bạc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bản thân tôi cho rằng, việc học thêm là cần thiết nhưng việc tự học còn cần thiết hơn.

    Đề 5: Viết đoạn văn khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân anh/ chị về vấn đề tài nguyên và phương pháp học tập của việc học thêm?

    Phương pháp và tài nguyên là những khía cạnh gần như quan trọng nhất trong việc học của mỗi người. Mỗi thầy cô sẽ có những phương pháp riêng phù hợp cho từng nhóm đối tượng, việc tìm ra thầy cô và phương pháp phù hợp sẽ giúp học sinh học hỏi nhanh hơn, chủ động hơn. Nếu các bạn đi học thêm nhiều nơi, các bạn sẽ được tiếp cận nhiều phương pháp và không tốn thời gian tìm kiếm tài nguyên và sự giúp đỡ phù hợp. Tuy nhiên, nếu các bạn quá "tham", phương pháp nào cũng muốn học thì việc bị "loạn phương pháp" cũng thật dễ hiểu. Để minh chứn cho điều này, các bạn hãy đối chiếu những thầy cô chỉ giảng dạy công thức, dạy mẹo làm bài và những thầy cô đề cao cách trình bày, lối tư duy. Họ sẽ có cách dạy khác nhau: Một bên yêu cầu học sinh "nắm chắc" máy tính, một bên yêu cầu học sinh "rời bỏ" máy tính. Tất nhiên, khi đi thi, bạn có thể sử dụng cả hai phương pháp để làm bài và kiểm tra bài thật kĩ, nhưng vấn đề ở đây là, lúc nào nên sử dụng và không nên sử dụng cho từng loại phương pháp thì không phải học sinh nào cũng chú ý tới. Bởi dù học thêm nhiều nơi thì việc "thiên vị" một nơi nào đó hơn vẫn không thể tránh khỏi và việc áp dụng cái được học ở nơi này vào bài tập ở nơi khác chính là phản tác dụng. Mỗi người học sinh nên nhận thức rõ để hạn chế những mặt hại này.

    [​IMG]

    Đề 6: Viết đoạn văn khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân anh/ chị về hiện tượng "Cưỡng bức ngày hè" của trẻ?

    Hiện nay, có rất nhiều ông bố bà mẹ đã cưỡng ép trẻ nhỏ học tập ngay cả trong những khoảng thời gian chúng nên được nghỉ. Bởi họ quan niệm rằng ngày hè là thời gian để "vượt" chúng bạn, họ yêu cầu con mình phải giỏi hơn, xuất sắc hơn và sẽ làm những gì họ cho là đúng, là phù hợp. Thế nhưng, việc bắt đứa trẻ học tập không đúng cách sẽ tạo nên một tâm lí sợ học, tức trẻ nhỏ sẽ cảm thấy áp lực mỗi khi nhìn thấy sách vở và dần mất đi vốn ham thích, tò mò ban đầu. Một ví dụ cho bạn hiểu: Khi còn nhỏ, đứa trẻ có thể dùng 5 năm để học được tiếng mẹ đẻ, nhưng lại mất đến 10, 20 thậm chí 30 mà chưa học nổi một thứ tiếng thứ hai. Tại sao vậy? Khi đứa trẻ còn nhỏ, chúng tò mò và mong muốn được giao tiếp, nhưng khi chúng dần có nhận thức, chúng nhận ra mọi người xung quanh lại quan tâm nhiều đến thứ ngôn ngữ khác mà nó không tinh thông, cha mẹ chúng lại bắt bẻ chúng về điểm số và chúng dần chán ghét chính ngôn ngữ đó. Hãy thử tưởng tượng, một lớp 40 học sinh có 5 em sợ học, một trường có 30 lớp, một tỉnh có 10 trường, một đất nước có hơn 50 tỉnh thì sẽ là bao nhiêu con người đã bị hủy đi tương lai vốn dĩ nên được phát triển một cách tự do và mạnh mẽ. Bị cưỡng ép làm những công việc không thích ngay từ nhỏ khiến cho con người bị áp lực về tâm lí, dần dần sẽ hình thành nên những tệ nạn và rồi sẽ trở thành một làn sóng hủy đi một phần tương lai của đất nước. Trẻ không ham, cha mẹ không vui, xã hội khó tiếp nhận, tại sao lại cứ để thực trạng này xảy ra? Mỗi chúng ta đều nên có nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này.

    Đề 7: Viết đoạn văn khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân anh/ chị về hiện tượng "tiếng giả" trong việc dạy, học thêm?

    Một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay đó là hiện tượng chạy theo những giáo viên, trung tâm "có tiếng" và nguyên nhân của nó chính là "tiếng giả". "Tiếng giả" tức khi quảng cáo và học thử đem đến cho học viên trải nghiệm tốt, nhưng khi đã đóng tiền học phí, chất lượng dịch vụ lại cứ giảm dần, đó có thể là sự quên chấm bài của giáo viên, chấm nhầm, chấm sót của trợ giảng, tài liệu không đầy đủ.. Tất cả sẽ ảnh hưởng tới học tập và quyền lợi của người tham gia. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có rất nhiều giáo viên tốt và học viên theo học đông là điều dễ hiểu. Thế nhưng vấn đề chúng ta đang đề cập là: Với sự thay đổi và phủ rộng của mạng xã hội như Facebook, Instagram, các cá nhân, tập thể có thể dễ dàng sử dụng những thủ thuật để tăng uy tín, tạo danh tiếng cho bản thân và tập thể mình. Những hành động ích kỉ như vậy chính là thu lợi bất chính từ các đối tượng khách hàng. Học sinh, sinh viên sẽ có những trải nghiệm xấu về việc học, làm giảm sự yêu mến, tò mò đối với môn mình theo học thậm chí có ác cảm với chính việc giáo dục đang được phổ cập ngày nay. Bên cạnh đó, việc làm ăn thiếu uy tín như vậy sẽ khiến cho các cá nhân, đoàn thể bị thiệt hại nặng nề. Trước hết là mất đi danh tiếng của bản thân, không còn học viên theo học và sau đó là chịu sự trừng phạt của pháp luật. Bởi vậy nên, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ quên đạo đức. Mỗi chúng ta đều nên nêu cao ý thức và nhìn nhận rõ vấn đề này!

    Đề 8: Viết đoạn văn khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân anh/ chị về hiện tượng "bất công" đối với giáo viên bộ môn phụ?

    Nếu như các bạn để ý, các bạn sẽ nhận ra các thầy cô dạy những bộ môn như Công nghệ, Mĩ thuật, Thể dục.. thường phải có thêm một nghề tay trái. Tại sao vậy? Với khối cấp 1, các thầy cô giáo hoàn toàn có thể dạy 2, 3 môn ở mỗi lớp, việc có học sinh học thêm khi chủ nhiệm là điều dễ hiểu, ở khối cấp 3, khi các bạn đã định hướng được ngành học thì những thầy cô bộ môn nào cũng có học sinh. Ví dụ như các bạn đăng kí thi trường đại học thể dục thể thao, bên cạnh hai môn văn hóa, các bạn phải có một môn năng khiếu như nhảy xa, chạy.. Hay những bạn thi khối ngành Mĩ thuật phải có 1 đến 2 bài thi vẽ tùy từng ngành. Học sinh có thể lựa chọn theo học ngay giáo viên trong trường hoặc tìm gia sư, trung tâm luyện thi bên ngoài đều được. Nhưng còn giáo viên cấp 2 thì sao? Ở độ tuổi này, các bạn học sinh còn chưa thực sự nhận thức được bản thân, nói gì đến định hướng cho tương lai. Vậy nên hầu hết các thầy cô dạy môn phụ đều bị "ngó lơ". Nhiều người còn trong tình cảnh sáng lên lớp, chiều chạy taxi, bốc vác.. để kiếm thêm thu nhập. Nhiều người cũng cho rằng bên cạnh việc lên lớp, họ có thể chọn một công việc thứ hai nhẹ nhàng hơn. Nhưng xin hỏi đã là việc thì có công việc nào là nhẹ nhàng? Bố tôi là giáo viên môn Công nghệ, ông đã phải trải qua những công việc nặng có, nhẹ có và tôi hoàn toàn hiểu sự vất vả của những người thầy cô như thế? Cũng có người cho rằng, việc dạy nhiều hay ít còn phụ thuộc vào năng lực của giáo viên. Tôi đồng ý, nhưng nó chưa đủ. Bởi nếu có năng lực, nhưng người ta không cần, không trọng dụng thì những người giáo viên sử dụng nghiệp vụ của mình vào đâu? Đó là một câu hỏi lớn mà mỗi chúng ta đều phải cân nhắc và suy xét!
     
    LieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng bảy 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...