Lịch sử dân tộc ta là lịch sử của hàng ngàn năm, của hàng ngàn thế hệ người Việt hiến dâng tuổi trẻ, máu xương bảo vệ độc lập dân tộc. Những con người kiên cường ấy được tôi luyện và lớn lên không ngừng với cuộc chiến đấu chống ngoại xâm dai dẳng và quyết liệt: Đuổi giặc phương Bắc, đánh giặc phương Tây. Biết bao con người "việc cày việc cuốc tay vốn quen làm - tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó" nhưng ra trận thì "đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không - xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có". Biết bao con người xông pha chốn bom rơi đạn lạc mà buổi ra đi vẫn phơi phới niềm tin: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Biết bao con người "đã sống và chết - giản dị và bình tâm - không ai nhớ mặt đặt tên - nhưng họ đã làm nên Đất Nước". Những con người ấy đã đi vào văn học, trở thành những tượng đài sừng sững cho lòng yêu nước. Vì vậy, trong chiều dài lịch sử của nền văn học dân tộc, cảm hứng yêu nước như một mạch ngầm xuyên suốt, không ngừng cuộn chảy, vận động. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng: "Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu một dòng chính quán thông kim cổ thì đó là văn học yêu nước". Bài viết dưới đây trích dẫn những bài thơ tiêu biểu trong thơ ca kháng chiến chống Mĩ của văn học Việt Nam. Xem thêm trang 2: Những Bài Thơ Hay Về Lòng Yêu Nước - Sưu Tầm - Page 2 Báo động (Chương 2 trường ca "Mặt đường khát vọng" - Nguyễn Khoa Điềm) Buổi sáng ấy Ta không quên Hình dáng những chiếc tàu há mồm ngoạm vào thành phố Trên bến đổ quân của Trăm năm giặc Pháp Lại những lốt giày kiểu mới dẫm lên Những lốt giày viễn chinh Cắt hình răng chó Cắm ngập vào phù sa đỏ... Chiếc mũ sắt lù lù nửa mặt Áo quần sặc diêm sinh máy móc Những con cá sấu Đại Tây Dương Trườn lên bờ sông Gai góc đầy mình những súng và đạn Chúng phả vào không gian mùi mặn Của máu những cuộc săn người Của mồ hôi nhiều hải cảng Của xương trên cánh buồm cướp biển Và những mưu đồ tăm tối bên kia đường chân trời... Ngón tay đặt lên vòng cò Nằm xuống và trườn lên Chúng hét lên những khẩu lệnh man rợ Gờm gờm nhìn chúng ta Thành phố lập tức bị đặt trước tầm súng Thành phố lập tức biến thành cánh rừng Những cánh rừng Viễn đông có dây thép gai và bao cát Chúng ta biến thành tên mọi da màu Cho người Mỹ truy kích lùng săn... Viễn Tây - Viễn thông Kim địa bàn quay ngược Quả đất quay ngược Việt Nam sẽ trở về hai nghìn năm trước Đội mũ lông chim và cầm búa đá Ngã gục dưới mũi súng tối tân Và bông hoa của chủ nghĩa thực dân Sẽ xòe cánh trên núi sông ta đó Bông hoa đó là dấu giày răng chó! Lịch sử đã lặp lại rồi chăng? Một nỗi đau từ vô tận vô cùng Ùa vào mỗi căn nhà, góc phố Những tiên cảm gớm ghê, đày đoạ Đều vẽ ngày thất thủ kinh đô... Nhưng lịch sử không lặp lại bao giờ Gần thế kỷ qua đi, đã đủ Những đạo quân thực dân Trở thành đạo quân của "Hoà bình, Danh dự"! -Kìa các bạn Việt Nam Các bạn hãy cài then, ngủ kỹ Mặc chúng tôi với dây thép gai ngoài đường Chúng tôi đến đây vì một lời cam kết Súng đạn này là để chống xâm lăng Để chứng minh cho lời nói là việc làm Buổi sáng nay Khi chúng tôi còn trên tàu Chúng tôi đã ném xuống sông những lon đổ hộp Cho những đứa bé Việt Nam lặn mò ngoi ngóp Người Mỹ chúng tôi đáng thiện cảm biết bao Đã hết lòng kích lệ, vỗ tay reo Người Mỹ thích vui, lại vô cùng giàu có Ưa giản dị nên bắt tay bằng kiểu đó! Buổi chiều ấy Trước con tàu và trước dòng sông Chúng ta hỏi nhau và như tự hỏi: Chúng ta hiểu thế nào là cam kết? Sự có mặt này để cam kết với ai? Trong im lặng, ai đó trả lời: - Người Mỹ đừng quên đây là xứ sở Của những Yết Kiêu bất tử! Ta quay nhìn. Sông đã hóa mênh mông Từ trầm tư, sông vỗ sóng trùng trùng Nối lịch sử những bờ không giới hạn Những cam kết hôm nay với trăm đấng anh hùng... Nguồn: Nguyễn Khoa Điềm, Mặt đường khát vọng, NXB Giải phóng, 1974
Đường ra mặt trận Tác giả: Chính Hữu Những buổi vui sao, cả nước lên đường, Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục Xóm dưới làng trên, con trai con gái Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp Chào nhau không kịp nhớ mặt Dô hò nón vẫy theo, Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát Chào những ngôi trường ngói đỏ bình yên Lấp lánh cánh đồng đang gặt đang hái Xuôi ngược công trường những bánh xe reo Ngọn khói con tàu như tay vẫy gọi Đất nước mình đây, Hai mươi năm mưa, nắng, đêm, ngày Hành quân không mỏi Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội Của những người đi, vô tận, hôm nay. Yểm hộ miền Nam Thình thình đại bác Nhịp những bước chân Cả nước lên đường 1965 Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc. Nguồn: Đầu súng trăng treo, NXB Văn học, Hà Nội, 1972
Ngã ba mà không có ngã ba Tác giả: Phan Xuân Hạt Ngã ba mà không có ngã ba Là ngã ba Đồng Lộc Chiến đấu ở đây vô cùng khốc liệt Vì một ngã đường vào chiến trường xa... Mười cô gái: mười pho huyền thoại Rất hồn nhiên yêu hoa cải hoa cà Từng đố nhau và thức khuy tranh cãi Hoa cải, hoa cà sao gạt khỏi loài hoa? Vào chiến đấu là những Nữ Oa Không vá trời mà mở đường vá đất Hố bom chen dày, chồng chất Bom gỡ rồi, đường mở tiễn xe qua Mười cô gái tên vô cùng bình dị Như quê hương: Cúc, Nhỏ, Hợi, Tần... Mang Hồng Lĩnh, Lam Giang đi đánh Mỹ Nên hy sinh không giây phút ngại ngần Và nghĩa trang bên ngã ba Đồng Lộc Đội hình mười cô, mộ đứng thẳng hàng Đêm đêm, mười ngọn đèn không tắt Dõi một đường đi, tư thế sẵn sàng Ngã ba mà không có ngã ba Là ngã ba Đồng Lộc Đây không có một ngã đường nào khác Chỉ một ngã đường đẹp nhất quê ta...
Những đêm hành quân Tác giả: Xuân Diệu Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu; Tôi sống với cuộc đời chiến đấu Của triệu người yêu dấu gian lao. Tôi đã đi hàng chục đêm sao, Một chiếc xe - đạp vào băng bóng tối; Cũng có lúc mây trời đen kịt lưới. Cũng có tuần trăng mới, ánh trăng trong Đã mấy khi tôi thức với non sông Trọn những đêm ròng, mắt chong chân bước, Đêm hành quân thả tâm hồn đi trước Yêu với căm, hai đợt sóng ào ào Vỗ bên lòng, dội mãi tới trăng sao Giữa đêm tối, gần xa là biển mực. Chính là lúc trái tim càng sáng rực; Khi mắt không nhìn được bốn thước xa. Chính là khi nghe cả núi sông nhà... Tôi như đứa trẻ con đôi mắt khép Sờ mặt mẹ trên ngón tay tha thiết; Tôi hiểu hết đêm nay thôn xóm nghĩ gì. Đằng chân trời ấp ủ những điều chi... * Đã ngót năm, vẫn nhớ từng tấc đất! Là những tháng mưa bom căng thẳng nhất, Khi giữa đường, nhờ đất để che thân, Anh càng yêu đất nước gấp trăm lần Khi qua sông, trời bỗng dưng chóng sáng, Máy bay giặc đằng xa như chớp nhoáng, Bà mẹ đứng cao trên mạn chèo thuyền, Mấy mươi người thành một chí cương kiên; Khi những dấu tay bứng trồng còn mới Trên hai hàng cây bên đường xanh tới Ân cần lo nảy lá ẩn người qua; Khi hố bom vừa lấp suốt đêm qua Đá còn thân dưới chân anh cảm động; Khi mắt cháy nhìn những tường gạch rụng Trại cụ già an dưỡng Ngã Ba Môi; Khi những người phòng Quỳnh Lập đêm đời, Những chân đau dưới trăng mờ lững thững... Ôi! những tháng sống cùng Thanh Nghệ vững. Nước rào rào chảy vạn đập Đô Lương; Đi dưới cà phê Đông Hiếu nông trường Hoa trắng toát ngát thơm lừng mấy dặm; Khuya mệt quá, thấy đường xa một chậm, Những túp nhà cho chỗ ngủ, nơi ăn; Những Cầu Đồi, cầu Hổ trong trăng Đứng vững với cầu Hàm Rồng sắt thép; Những Tĩnh Gia trở ra phà Ghép Những Quảng Tường, Quảng Tiến biển Sầm Sơn: - Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi, Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu Tôi sống với cuộc đời chiến đấu Của triệu người yêu dấu gian lao 26-5-1966
Gặp lại các em Tác giả: Nguyễn Đình Chiến Các em nằm yên nghỉ bên sông Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt Trời biên cương xanh ngắt Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi. Sông Kỳ Cùng đò đang đợi bên kia Nước ngập cầu Khánh Khê, xe ta chưa sang được. Anh vòng qua lối tắt Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì Sau cơn mưa nghi ngút nắng hè Để bóng anh trùm lên từng ngôi mộ Hàng bia nhỏ không còn nhìn rõ chữ Nhưng gương mặt nào anh cũng nhớ y nguyên Anh thì thầm gọi tên mãi từng em Như gọi tên những người thương yêu nhất Những đứa em chung chiến hào giữ đất Mùa xuân qua đã ngã xuống nơi này. Chưa tròn tuổi quân nhưng các em sống trọn cuộc đời Với đồng đội, với tình yêu biên giới Các em ơi có nghe anh gọi Cả đội hình đơn vị sắp qua đây Mười năm hành quân qua bao chặng đường dài Nay đứng trước các em anh thấy mình rõ nhất Thấy tan đi những suy tư vụn vặt Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng Cho anh về sống lại những đêm Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em Vẫn còn đây ôi tiếng hát hồn nhiên Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác Cả tiểu đoàn qua sông ào ạt Em đập sóng thìa lìa cho dậy ánh trăng vàng Các em đi khi mười tám tuổi xuân Và để lại những trái tim trong trắng Ở Đồng Đăng, ở Thâm Mô, Chậu Cảnh Bên hầm sâu, trên chiến lũy pháo đài Đất của mình chứ đất của ai, Phải xông lên mà giữ! Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa Còn cháy lòng bao chiến sỹ xung phong.. Thôi các em nằm yên Quân ta đang tiến về Cao Lộc Đường bình độ cả trung đoàn thầm nhắc Phải giữ yên mảnh đất các em nằm Lửa cháy rồi trên cao điểm Bốn trăm. 1981 Bài thơ in trong tập Vầng trăng trên tuyết
Ngã ba Đồng Lộc Tác giả: Huy Cận Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta, Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba Và có nhiều ngã ba nổi tiếng: Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của một đại châu, sóng dựng trùng trùng; Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to Như những mạch máu khổng lồ Trên thân hình trái đất Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói, Có những ngã ba là nơi gặp gỡ của những dòng văn minh lớn, đông, tây, kim cổ.... Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết (trong sách địa dư, trên những bản đồ), Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa... Xong rồi, con có thể quên Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc. Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định, Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba Những ngã ba vận mệnh Những cái nút trên dặm dài lịch sử Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi Con sẽ nhó đến ngã ba Đồng Lộc Ngã ba Đồng Lộc: Là ngã ba nhưng nào có phân vân Nào có đắn đo do dự! Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt Nhưng hướng đi đã quyết Không phải cho một lần Mà cho tất cả mọi lần Không phải cho một người Mà cho tất cả quê hương, đất nước: Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông, bằng thuỷ triều lên xuống, Hay bằng đá, bằng đất Bằng xi măng cốt sắt Bằng vôi trắng, gạch nâu Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã, Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu. Khi con về quê con nhớ viếng thăm Mộ người cô kề bên đường đỏ. Các cô như còn đứng đó Chờ lấp hồ bom Đường thông xe các cô mới đi nằm. Các cô để lại tuổi thanh niên Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi Cho đất nước, quê hương Hồn trong như suối, Bình minh đời sáng rực vừng dương... Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám Từ trường học lại về trận địa đầu non Đứng giữa đàn bò bê mũm mĩm Trên sườn núi cao cỏ đã mượt màu xanh Như mảng da non trên thân thể đang lành Cô sẽ chỉ con xem Những hồ bom loang lổ Như đất trên mặt trăng Mỗi thước vuông ba quả bom to bự Cô sẽ chỉ con xem Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm Cô từng đến cắm cờ Mỗi lần chạy đua với cái chết. Đôi chân cô nhanh hơn kíp nổ, Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta. Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi Những năm tháng chiến tranh ác liệt Nghìn vạn chuyến xe đi Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc Máu qua tim máu lọc Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam. Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên man: Bạn bè ta trong cơn gió lốc Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc, Những ngã ba Việt Nam. Dọc đường dài kẻ địch còn găm Nhiều bom nổ chậm Nhưng chẳng hề chi! Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám. Nhiều Võ Thị Tần Đường sẽ thông xe đi về cách mạng. Hà Tĩnh, 1971 Nguồn: Trường Sơn - đường khát vọng, NXB Chính trị quốc gia, 2009
Dấu chân qua trảng cỏ Tác giả: Thanh Thảo Buổi chiều qua trảng cỏ voi Ngước nhìn mút mắt khoảng trời long lanh Gió nghiêng ngả giữa màu xanh Tiếng bầy chim két bỗng thành mênh mang Lối mòn như sợi chỉ giăng Còn in đậm đặc vô vàn dấu chân Dấu chân ai đọc nên vần Nên nào ai biết đi gần đi xa. Cuộc đời trải mút mắt ta Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường Những người sốt rét đang cơn Dấu chân bấm xuống đường trơn, có nhoè?. Chiếc bòng con đựng những gì Mà đi cuối đất mà đi cùng trời Mang bao khát vọng con người Dấu chân nho nhỏ không lời không tên Thời gian như cỏ vượt lên Lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua Ai đi gần ai đi xa Những gì gợi lại chỉ là dấu chân. Vùi trong trảng cỏ thời gian Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta Vẫn đằm hơi ấm thiết tha Cho người sau biết đường ra chiến trường... Nguồn: Trường Sơn - đường khát vọng, NXB Chính trị quốc gia, 2009
Sao chiến thắng Tác giả: Chế Lan Viên Giặc Mỹ mày đến đây Thì ta tiêu diệt ngay! Trời xanh ta nổi lửa Bể xanh ta giết mày! Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta, như vợ như chồng Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông... Hãy cứ đo bể ta bằng luật điều quốc tế Trời xanh ta xanh bao nhiêu hải lý Nhưng chớ đo lòng căm giận chúng ta Máu hơn ba chục năm trời ta đã đổ ra Phải trăm năm mới có ngày độc lập Ai đếm hết chuỗi người lên máy chém lúc hửng đông? Roi vọt Côn Lôn, ngục tù Phú Quốc Mỗi trang sử đất này đều nhuộm máu cha ông Hãy yêu! Hãy yêu! Hãy yêu tất cả Một chiếc cầu vừa mới bắc qua sông Một hợp tác lúa chiêm vàng óng ả Một nhà ăn cửa sổ sơn hồng... Những nhà máy, nước sinh trong gian khổ Những lò cao như đứa trẻ đầu lòng Hạnh phúc mới, có khi còn vất vả Nhưng bước đầu đây là của công nông Miền Bắc thân yêu trong tầm đạn Mỹ Hãy yêu! Hãy yêu! Hãy yêu và bảo vệ Mây nước, cửa nhà, văn học, ngữ ngôn... Một đảo vắng Hòn Ngư còn chớp bể Một rặng núi Kỳ Sơn còn lắm lúc mưa nguồn Hãy đem máu ta ra mà giữ gìn Nửa thân thể miền Bắc này cho ruột thịt phương Nam! Trời xanh biếc của người đầu tuyến lửa Nẻo Hùng tinh từng quay hướng địa bàn Chớ để cho chúng đến gieo khăn tang và nạng gỗ Xây dựng những pháp trường và kiến thiết những tha ma Súng Mỹ chĩa vào căn phòng ta ở Dao cứa vào trên cổ họng ta ca Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá Những nhiệt tình xuống quá độ âm! Có nghe tiếng ngư lôi và cao xạ? Giặc đánh ta thì ta đánh trả Giữ hoà bình phải đâu bằng mọi giá Giá hoà bình là quật ngã bọn xâm lăng Tàu Mỹ rụng đất này, ai có nghe chăng? Sao thức canh đêm, bể biếc reo mừng Sóng ru đất, mây nhắn cùng gió thổi "Thần chiến thắng là những người áo vải Những binh nhất, binh nhì mười tám tuổi Giết quân thù không đợi có hạt nhân" Giết quân thù không cần phải phân vân Hỡi những con thỏ hoà bình đang tìm nơi gặm cỏ Súng ta nổ cũng là vì ngươi nữa Nhờ súng này mà ngươi được yên thân Đêm nay sao chín vàng như thóc giống Phải đêm nay trời cũng được mùa? Trời sao cao như là chiến trận Sao sáng ngời vũ khí lòng ta Nghe rào rạt mười bốn triệu miền Nam đang tỉnh thức Không! Ba mươi triệu kim cương của thiên hà Tổ quốc! Không! Hàng nghìn triệu ngôi sáng anh em đang chiếm lĩnh bầu trời! Hứa một Mùa Gặt Lớn ngày mai 11-8-1964 Nguồn: Chế Lan Viên toàn tập (Vũ Thị Thường sưu tập và biên soạn), NXB Văn học, 2002
Nghe em vào đại học Tác giả: Giang Nam Nghe em vào đại học Nửa tin nửa ngờ, tên lại trùng tên... Hôm nay nhận được thư em Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng Trên Hồ Gươm và trên mái đầu em Ngọt gió quê hương, sông rạch dịu hiền... Miền Nam, em ơi còn nhớ Kháng chiến năm nào gian khổ Đồn giặc bủa vây, thôn xóm điêu tàn Trường, giặc đốt rồi, còn lại ánh trăng Giữa hai trận càn, anh dạy em học chữ Mẩu than đen vẽ lên tường gạch đỏ Những lá cờ sao bên những vòng tròn Đầu nghiêng nghiêng theo nét chữ run run... Có những buổi học em học bài không thuộc Anh không mắng nhưng em buồn em khóc! Thương em, anh cố dỗ dành: "Ráng học sau này cho được bằng anh Để chép bài ca, đọc thông tin tức!" Ôi! mơ ước tầm thường, đơn giản nhất Sao ngày xưa vẫn quá lớn, em ơi! "Bài ca" hôm nay em chép được rồi Không phải bài "Đoàn quân đi..." thuở trước Anh chưa bước chân vào trường đại học Chưa lên giảng đường, chưa mặc áo sinh viên Chưa biết vì sao ngày tối tiếp liền Chưa biết quê ta nơi nào nhiều quặng... Giặc dành cho ta nhà tù, bom đạn Bảy năm rồi trong máu lửa đấu tranh Thầy giáo dạy em năm trước học vần Vẫn chưa vượt quá chương trình cấp một! Vẫn chật vật với những bài số học! Thư viết cho em phải xóa sửa mấy lần! Anh không buồn vì anh biết em anh Đang ngồi thay anh dưới mái trường đại học Mai ngày nước nhà thống nhất Em lại về dạy chữ cho anh Không phải bằng than vẽ, gạch thềm đình! Không phải phập phồng giữa vòng đai giặc... Em sẽ bảo anh: "Cố lên, gắng học!..." Anh sẽ mỉm cười nhớ những đêm trăng... Chế độ cho em đôi cánh chim bằng Và vinh dự được làm người đi trước! Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt Kể em nghe chuyện chiến đấu miền Nam... Câu chuyện mở đầu: "Thuở ấy, ở quê hương Anh chỉ học có một trường: Cách mạng..." 8-1961 Nguồn: Giang Nam, Tháng Tám ngày mai, NXB Văn học, 1962
Thử nói về hạnh phúc Tác giả: Thanh Thảo I Nửa đêm tôi choàng dậy tiếng bom hú rất gần ba đợt B52 Căn hầm của tôi ngày không nắng mặt trời đêm không ánh sao những mùa trăng lướt qua - xa cách tôi thắp đèn - bốn bên là đất mỗi lúc bom rung đất rơi đầy mặt đất rơi đầy giấc mơ những giấc mơ chập chờn bao giờ cũng có khoảng trời xanh vòi vọi lung linh gương mặt của người thương II Những tình yêu thật thường không ồn ào chúng tôi hiểu đất nước đang hồi khốc liệt chúng tôi hiểu điều ấy bằng mọi giác quan bằng chén cơm ăn mắm ruốc bằng giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc bằng những nắm đất mọc theo đường hành quân có những thằng con trai mười tám tuổi chưa từng biết nụ hôn người con gái chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời câu nói đượm nhiều hơi sách vở khi nằm xuống trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời hạnh phúc nào cho tôi hạnh phúc nào cho anh hạnh phúc nào cho chúng ta hạnh phúc nào cho đất nước có những thằng con trai mười tám tuổi nhiều khi cực quá, khóc ào nhiều lúc tức mình chửi bâng quơ phanh ngực áo và mở trần bản chất mỉm cười trước những lời lẽ quá to nhưng nhất định không bao giờ bỏ cuộc với những thằng con trai mười tám tuổi đất nước là nhịp tim có thể khác thường là một làn mây mỏng đến bâng khuâng là mùi mồ hôi thật thà của lính đôi khi là một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội hay một bữa cơm rau rừng chúng tôi không muốn chết vì hư danh không thể chết vì tiền bạc chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng những liều thân vô ích đất nước đẹp mênh mang đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết III Đêm nay ai cầm tay nhau vào tiệc cưới ai thức trắng lội sinh ai trầm ngâm viết những câu thơ thông minh ai trả nghĩa đời mình bằng máu máu đỏ thật không ồn ào máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo hạnh phúc nào cho tôi hạnh phúc nào cho anh hạnh phúc nào cho chúng ta hạnh phúc nào cho đất nước những câu hỏi chưa bao giờ nguôi được mảnh đất hôm nay bè bạn chúng tôi nằm nơi máu đổ phải sống bằng thực chất không ai nỡ lo vun vén riêng mình khi mộ bạn chính bàn tay anh đắp nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước thử lòng ta chung thuỷ vô tư nơi vỡ vụn dưới chân bao mảng đêm hèn nhát những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người IV Cuộc chiến tranh đã đi qua một phần tư thế kỉ tôi nhớ người con gái xưa tìm chồng như cơn gió lang thang giữa trời đất mênh mông nỗi tuyệt vọng khiến tình yêu hoá đá tôi đã gặp những người con gái mở đường cho chúng tôi ra trận qua bóng hòn Vọng Phu có nhiều em chưa tìm được người yêu đã giáp mặt hàng trăm lần cái chết hòn núi cô đơn đứng ngàn năm chất ngất mà hạnh phúc bình thường vẫn quá tầm tay các em mấy năm bám trụ nơi đây gánh đá phá bom tải hàng dựng lán đào sẵn huyệt cho mình khi ngã xuống mà tình yêu không hoá đá bao giờ xe chúng tôi qua các em mừng vẫy tay chắc sau ròn rã tiếng cười nước mắt sẽ thầm rơi trên những gương mặt lành màu nắng gió V Cuộc chiến tranh đã đi qua một phần tư thế kỉ từ tiếng oa oa chào đời của anh đến phút đầu mình thương nhau, em khóc đến một ngày chia li đến nhiều tháng năm xa cách anh sẽ nói với em thế nào về hạnh phúc mùi thuốc súng bay qua số phận chúng mình em nói sẽ chờ anh năm năm mười năm sẽ chờ anh hết cuộc chiến tranh này dù ngày trở về không nguyên vẹn buổi chiều dâng vàng rực ngọn cây những cánh chim mãi bay về một hướng góc duy nhất trong đời anh - yên tĩnh là em giữa chúng mình nỗi nhớ nhau chưa đủ thành hạnh phúc cái khoảng cách bao giờ cũng thực nhưng anh tin em sẽ đợi anh về dù biết đây là những tháng năm dài nhất nghe gió cồn xao đảo nóc rừng khuya nghĩ đến em - đất trời lắng lại mình sẽ thương nhau như chưa bao giờ thương vậy nếu bước cuối cùng này - ta bước qua và em ơi, ngày sum họp ngày mai giữa chúng mình còn tên những bạn bè ngã xuống những người hay mơ mộng tha thiết yêu và muốn làm được chút gì cho em, cho anh cho đất nước đôi tay họ đôi bàn tay trong sạch đã vùi sâu trong đất sẽ vươn giữa hai ta như những nhành cây những nhành cây ôm chặt cuộc đời này giữ cho những người yêu tròn hạnh phúc. (1972)