Ảo ảnh thị giác là gì? Ảo ảnh thị giác là thứ khiến chúng ta dù biết là mình bị lừa, nhưng vẫn cứ lao đầu vào tìm hiểu. Chúng ta nhìn được mọi thứ là do ánh sáng chiếu đến vật rồi phản xạ lại mắt, sau đó não bộ phân tích thông tin rồi tạo ra hình ảnh - ít nhất thì đó là những gì đã được khoa học lý giải và chứng minh. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng não bộ rất dễ bị đánh lừa bởi những hiện tượng mang tên "ảo ảnh thị giác" - optical illusion. Đó là khi hình ảnh não bộ tiếp nhận được lại khác so với thực tế. Nguyên do vì sao não lại như vậy thực sự vẫn còn gây tranh cãi. Dù có thông thái đến đâu, đôi khi bộ não cũng sẽ lạc lối giữa ma trận của thị giác. Sự thật là, không ít lần cặp đôi não bộ - thị giác hoạt động không ăn ý, dẫn đến nhiều hiện tượng ảo ảnh kỳ lạ chưa bao giờ khiến con người thôi tò mò. Dưới đây là những hình ảnh ảo đánh lừa thị giác, những ảo giác nổi tiếng, ảnh ảo giác vui tổng hợp. Những hình ảnh đánh lừa thị giác siêu đẳng Bàn cờ lồi Chỉ cần 1 vòng gồm nhiều chấm nhỏ màu trắng xung quanh khu vực trung tâm của bàn cờ, hiệu ứng 3D "màn hình lồi" đã được tạo ra hết sức đơn giản. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra lời giải thích cho hiện tượng ảo giác này, tuy nhiên nhiều người đang nghiêng về giải thiết "nhiễu họa tiết": Bộ não con người tin rằng bàn cờ này là một dãy các họa tiết phẳng. Chính sự xuất hiện của các chấm tròn nhỏ đã làm nhiễu động hình ảnh truyền đến mắt, dẫn đến rối loạn và vô tình tạo nên hiệu ứng lồi. Ảo giác ảnh chuyển động Màu sắc tương phản thậm chí có thể mang lại cho bạn ảo giác về chuyển động, những chấm màu xanh này đang đứng yên nhưng có phải bạn đang thấy chúng lượn lờ như những con sóng? Cô gái 2 màu mắt Bạn cho rằng cô gái này có 2 mắt khác màu nhau? Nhầm rồi. Cả 2 mắt của cô gái đều có màu xám y hệt nhau. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng con ngươi của mắt bên trái có màu xanh hơn so với mắt còn lại. Lý do cho hiện tượng này là do có sự can thiệp của lớp màu đỏ nằm trên nửa trái của khuôn mặt. Về cơ bản, não người có thể phân tích một màu sắc thành nhiều kết quả khác nhau, phụ thuộc vào sự thay đổi của môi trường thị giác xung quanh. Đây cũng là lời giải thích dành cho cuộc tranh luận toàn cầu về chiếc váy xanh-đen hay vàng-trắng gây sốt Internet hồi đầu năm nay. Vài ví dụ khác về hiện tượng ảo giác này: Bạn có thể kiểm chứng bằng các phần mềm như Paint, Photoshop.. Hình trái: Bạn có tin là cả 3 vị trí A, B, C đều có màu sắc giống hệt nhau? Hình phải: Có vẻ vô lý khi nói rằng cả A và B đều có cùng màu sắc. Nhưng đúng là vậy đấy. Tương tự như vậy, 2 vị trí A và B đều có cùng sắc độ xám. 2 chú chó này tưởng như có màu sắc đối lập. Thế nhưng chúng lại giống y hệt nhau. 2 bộ cờ vua này cũng vậy. Hãy nhớ: Mọi hiệu ứng đều do phông nền của mỗi tấm ảnh gây ra. Thực tế chỉ có 3 màu trong bức ảnh này: Trắng, đỏ, xanh lục. Đường viền màu xanh và màu vàng xung quanh hình ảnh này tạo ra ảo giác rằng nó có nền màu vàng nhạt thay vì màu trắng. Những hình chữ nhật tương phản Đây là một ảo tượng do sự tương phản về màu sắc. Bạn có thấy rằng những hình chữ nhật màu xám nằm giữa các thanh đen có màu tối hơn hình nằm giữa thanh trắng không? Nhưng thực chất, chúng có màu giống nhau. Độ tương phản màu của ngoại cảnh xung quanh càng lớn thì độ tương phản của vật thể càng nhỏ. Điều này đã khiến mắt chúng ta cảm giác đó là những hình chữ nhật có màu sắc tương phản nhau. Ảo giác rắn xoay tròn - Rotating Snake Khi nhìn vào bức ảnh dưới đây, bạn sẽ thấy những vòng tròn như đang chuyển động, nhưng thực chất chúng đứng yên. Một giáo sư người Nhật Bản - Akiyoshi Kitaoka còn gọi đây là "ảo tượng ngoại vi võng mạc" - những ảo giác chuyển động xảy ra tại vùng biên thị giác. Khi nhìn sang hai bên của bức ảnh, ảo giác này thể hiện rõ ràng hơn. Những nghiên cứu trước đây đều cho rằng, ảo tượng này được kích hoạt do ánh mắt chuyển động chậm khi nhìn bức hình. Nhưng vào năm 2012, nhà thần kinh học Susana Martinez đã chứng minh điều ngược lại, đó là do ánh mắt di chuyển nhanh. Song song hay cắt nhau? Trong bức ảnh này, các đường kẻ ngang từ trên xuống dưới dường như sẽ cắt nhau nếu kéo dài hết mức về 2 bên. Tuy nhiên, một sự thật khó chấp nhận là chúng hoàn toàn song song nhau. Nguyên nhân đến từ việc não bộ bị "bối rối" trước độ tương phản "dữ dội" từ các yếu tố màu đen và trắng liền kề nhau. Theo đó, não sẽ cho rằng các đường kẻ ngang đang hướng chếch lên hoặc hướng xuống, tạo ra các hình thang màu trắng và đen – trong khi chúng hoàn toàn là những hình vuông đều nhau. Tương tự, ở hình ảnh bên phải, cộng hưởng cùng màu sắc rực rỡ và họa tiết kẻ chéo có chủ đích, các mũi tên này cũng dễ bị nhầm tưởng sẽ cắt nhau nếu chúng được kéo dài. Nhưng trên thực tế, chúng hoàn toàn song song với nhau. Đoạn nào dài hơn? Hãy thử đoán xem, giữa 2 đoạn thẳng màu xanh, đoạn nào dài hơn? Sự thật là, chúng hoàn toàn bằng nhau. Nguyên do đến từ sự tương phản của 2 đoạn thẳng, khi đoạn màu xanh dương được nằm kề cạnh nhỏ của bàn cờ, và ngược lại, đoạn thẳng màu xanh lá lại nằm kề cạnh lớn. Cùng với không gian quan sát từ xa đến gần, thị giác của người xem hoàn toàn có thể bị đánh lừa. Đơn giản, bạn chỉ cần che hết phần bàn cờ màu đỏ, chân tướng sẽ hoàn toàn lộ diện. Cáo đỏ Hãy tập trung nhìn vào hình bên trái trong 30 giây, rồi chuyển mắt sang phía bên phải. Sau vài lần chớp mắt, bạn sẽ thấy chú cáo ở hình bên phải dần dần chuyển thành màu đỏ rực. Hiện tượng ảo giác này hiện vẫn chưa được các nhà khoa học giải thích thỏa đáng. Ảo giác Ebbinghaus Khi nhìn vào bức hình dưới, hẳn bạn sẽ nói rằng vòng tròn màu cam phía bên trái nhỏ hơn rất nhiều so với vòng tròn bên phải? Trên thực tế, chúng có cùng kích cỡ. Nguyên nhân là do kích thước và khoảng cách các vòng tròn bên cạnh với vòng tròn trung tâm đã đánh lừa não bộ về độ lớn, rộng của hai vòng tròn màu cam. Âm bản Tập trung nhìn vào phần đầu mũi của người phụ nữ trong ảnh trong 30 giây, sau đó chuyển hướng nhìn ra một khoảng trống bất kỳ màu trắng ở đằng xa. Chỉ cần chớp mắt liên tục vài lần, bạn sẽ thấy hình ảnh người phụ nữ đó dần dần hiện lên, tuy nhiên không còn ở dạng âm bản nữa. Không giống như con cáo bên trên, hiện tượng này khiến ảo ảnh đảo ngược vị trí của các mảng màu trong ảnh gốc: sáng thành tối và tối thành sáng. Những đường mờ - Blurred lines Hãy thử đưa mắt nhìn sát bức hình rồi dần đưa mắt nhìn cách xa, cứ lặp lại như vậy vài lần, bạn sẽ thấy các đường mờ trong bức hình đang di chuyển theo khoảng cách giữa mắt bạn và bức hình. Điều này được giải thích là do khi vừa nhìn bức ảnh vừa di chuyển khoảng cách nhìn, võng mạc phải tiếp nhận nhiều hình ảnh, kích hoạt các neurons thần kinh của não bộ. Từ đó, não bộ dự đoán được những hình ảnh tiếp theo. Với rất nhiều hình ảnh xuất hiện, thứ sau cùng chúng ta thấy đó là những đường thẳng mờ. Cứ liên tục như vậy, mỗi vật thể hiện ra, não bộ sẽ tập trung xác định hướng chuyển động của vật, giúp tiên đoán vật đó sẽ như thế nào vào thời điểm ngay sau đó và những đường mờ xuất hiện. Gương mặt 2 trong 1 Bạn có thể dễ dàng nhận ra, đây là sự kết hợp của 2 gương mặt vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Sở dĩ, bộ não luôn có khả năng bóc tách một tấm ảnh ra làm nhiều phần cực nhỏ để phân tích hình ảnh trong một thời gian cực ngắn. Nếu không có khả năng này, bạn sẽ khó lòng đi qua đường hoặc lái xe an toàn. Ảo giác lưới lấp lánh - Scintillating Grid illusion Ảo giác lưới lấp lánh là ảo tượng được tạo ra bởi những chấm trắng trên đường giao nhau của các đường màu xám trên nền đen. Những chấm đen luôn ẩn hiện xung quanh lưới, nên có cái tên là "lấp lánh" Cũng giống ảo giác điểm hồng, những chấm đen chỉ xuất hiện tại vùng ngoại vi của võng mạc, không đủ sức kích thích các tế bào thần kinh nhằm duy trì hình ảnh của chúng một cách liên tục nên đôi khi chúng "thoắt ẩn thoắt hiện" Mật thư Khi mới học chữ, bạn sẽ cần học cách nhận mặt từng chữ cái trước khi ghép chúng lại thành một từ có nghĩa. Theo thời gian, bộ não ngày càng có kinh nghiệm trong việc xử lý từ ngữ, có thể điêu luyện giải quyết nhiều từ mà không cần định vị từng chữ cái. Trong ví dụ này, chỉ cần chữ cái đầu tiên và cuối cùng của mỗi từ vẫn nằm yên ở vị trí của nó, bạn sẽ dễ dàng đọc được mà không gặp phải khó khăn nào. Ảo giác Herring Bạn có thấy rằng hai đường màu đỏ bị uốn cong không? Thực chất, hai đường thẳng màu đỏ này song song với nhau. Dù não bộ chúng ta đang "phản đối" nhưng chính các đường thẳng hình nan hoa như "hút" tầm nhìn, tạo cho mắt chúng ta cảm giác đang hướng về một điểm trung tâm. Hay nói cách khác, mắt ta đang nhìn những đường bức xạ theo chiều sâu, tạo cảm giác giống như chúng đang chuyển động, khiến hai đường thẳng song song bị uốn cong. Hình ảnh "cong" của hai đường thẳng là những gì được não bộ tiên đoán về việc hai đường thẳng phải trông như thế nào khi tầm nhìn của mắt đang đi theo "hướng" của các đường hình nan hoa về điểm trung tâm. Não bộ cho rằng, phần trung tâm của hai đường "phải" tiến xa hơn nữa và khoảng cách giữa hai đường "phải" rộng hơn ở trung tâm. Tất cả diễn ra chỉ trong 1/10 giây. Những ảo giác tiếp theo xuất hiện do sự thay đổi về góc nhìn, sự tương phản về màu sắc, khoảng cách sắp xếp của các vật thể. Ảo giác Herring này được đặt tên theo nhà vật lý học người Đức - Ewald Hering. Trong hay ngoài? Dựa trên góc độ quan sát, khối vuông màu cam sẽ có khả năng nằm gọn trong lòng hoặc lơ lửng bên ngoài khối vuông màu xanh. Tương tự các trường hợp khác, bối cảnh thị giác sẽ quyết định cách bạn nhìn mọi thứ. Đừng vội tin những gì mắt thấy Bạn có thấy hình chữ nhật màu xanh đang chuyển động? Bối cảnh xung quanh gần như có "quyền năng" vô hạn với thị giác con người. Hãy cùng "thách đố" đôi mắt của bạn một lần nữa bằng cách tập trung nhìn vào chấm đen nằm ở góc dưới ảnh. Chỉ sau vài giây, bạn sẽ nhận ra hình chữ nhật màu xám đang di chuyển phía bên trái đang dần chuyển thành màu... xanh dương. Thứ gì đang chuyển động không ngừng xung quanh hình tròn? Nhìn vào hình động này, bạn có thể nghĩ các chấm tròn màu hồng đang luân phiên ẩn hiện. Nhưng hãy tập trung nhìn vào dấu cộng chính giữa hình tròn. Bạn đã thấy điều gì? PS: Nhìn mãi chả thấy gì, có ai thấy gì lạ không?