Có ai bởi vì nhỏ tuổi nên không có tiếng nói trong gia đình không? Tôi luôn có cảm giác bởi vì mình nhỏ tuổi hơn các trưởng bối trong gia đình nên đôi khi lời nói, ý kiến của mình luôn là sai trái bất hợp lý đối với họ. Nhưng tệ hơn là sở thích của mình họ cũng không chấp nhận. Tôi bị bệnh dạ dày với lại hệ tiêu hóa không tốt, chuyện này mọi người trong nhà đều biết. Thế mà rất nhiều lần bảo tôi ăn xoài (cái loại xoài non choẹt, chua lòm ý) tôi nói mình ăn không được thế là "Mày ngu quá xoài mà cũng ăn không được thì mày ăn gì?" rồi buộc tôi ăn hết một miếng xoài đấy. Còn có lần sinh nhật đứa em họ, ở nhà chỉ mua bánh về hát và thổi nến. Tôi cũng ra góp vui, lúc cắt bánh tôi cũng ngồi lại ăn vài miếng cho vui rồi thôi, nhưng mà bác ấy nói tôi sống vô tâm, lạnh nhạt. Lúc đó chị tôi có nói giúp tôi bởi vì hệ tiêu hóa không tốt nên buổi tối không thể ăn gì béo quá được. Rồi chị tôi cũng bị bác ấy lôi vào chửi luôn "Em mày không biết điều, mày là chị sao cũng giống nó, lớn hết cả rồi mà biết điều cũng không biết" Chị em tôi chẳng biết nói gì luôn! Có lần vào buổi họp mặt gia đình, có cô dì chú bác.. Lúc đó bàn định đi du lịch ở đâu. Thì chị tôi đưa ý kiến đi Đà Lạt tại vì lúc đấy đang là mùa hè nóng nực. Nhưng.. "Đây là chuyện của người lớn mày con nít con nôi biết gì mà ý kiến". Vâng, lúc đó chị tôi 25 tuổi. Tôi đã từng nghĩ "Là một gia đình mà, không lẽ bọn tôi không phải gia đình hay sao mà không thể đưa ra ý kiến của mình" Sau này chị tôi đi làm nên dọn ra ở riêng giờ cũng chẳng ai ở cạnh tôi nữa, nhiều lúc ở nhà tôi cũng chẳng muốn nói gì nữa, cũng chẳng muốn kể với mẹ sợ mẹ phải khó xử với họ hàng. Nhiều lúc cảm thấy mình như con tự kỉ vậy. -_-
Trong câu chuyện của bạn mình thấy được bản thân mình. Đây là cách mình làm, mình sẽ im lặng chịu đựng vì vốn mình còn nhỏ chưa làm ra tiền, trừ khi bạn làm ra tiền rồi thì bạn mới có tiếng nói, về việc dọn ra ở riêng không giải quyết được vấn đề đâu, nó chỉ làm trầm trọng thêm. Mình bây giờ đang cố gắng đi làm, học tập thật giỏi, cố gắng kết giao nhiều bạn bè, và khi thời cơ đến tức là lúc bạn có một số tiền lớn trên tay hoặc đó là lương tháng của bạn, tất cả mọi người sẽ thay đổi thái độ nhưng mà mình nói trước có thể đó sẽ là thái độ theo hướng tiêu cực, và bạn phải chấp nhận nó vì đó là nghịch lý hạnh phúc gia đình. Kết câu, cố gắng trong thầm lặng, đến thời thì hãy cho họ biết bạn không phải là một đứa con nít nữa.
Bạn đừng buồn làm gì, mình đây cũng thế thôi, mình lấy chồng và có hai con rồi nhưng ý kiến có giá trị gì đâu, chả ai nghe, riết rồi cũng quen, không ai nghe thì ta khỏi nói thôi, mình làm việc của mình, ai làm gì kệ. Bạn cứ nghĩ thoáng cho nhẹ lòng, không phải do bạn còn nhỏ mà không có tiếng nói đâu, mà do họ không coi trọng mình thôi. Còn nhiều thứ để ta quan tâm hơn, quen thêm bạn mới, ăn món mình thích, nghe bản nhạc hay, tán gẫu với bạn bè, bơ mấy người đó đi bạn, vui lên mà sống nha.
Mình đồng ý với bạn ở trên ạ. Nhiều người tính cổ hủ, gia trưởng, người ta luôn không coi trọng người khác, dù sau này bạn lớn hơn thì bạn sẽ vẫn nhỏ hơn người ta, ở vai dưới, nên sẽ chẳng bao giờ được coi trọng cả, trừ phi bạn phải thành đạt, thành công lắm lắm thì có thể họ sẽ nhìn bạn khác đi. Mình thì nghĩ thế này: Người ta đối xử với mình tốt thì mình cũng nhiệt tình thân thiết, còn người ta đối xử không hay với mình thì mình chỉ làm đúng bổn phận thôi, không quan tâm nghĩ ngợi nhiều, đỡ bực.
Cách tốt nhất là im lặng cho qua rồi chờ đến một ngày bạn có khả năng lo được cho bản thân mình thì hãy cao chạy xa bay. Bạn phải nhẫn nhịn vì bây giờ là tình thế bắt buộc rằng bạn đang sống bằng những đồng tiền từ những con người mà bạn cho là gia trưởng mà ra. Tuy nhiên, cô gái à. Bạn hãy suy nghĩ thật kỹ rằng họ thật sự có đối tốt với bạn hay là đối xử xấu với bạn qua bao nhiêu năm tháng khi bạn còn bé đến giờ. Kỹ niệm vui sẽ lắp đầy kỹ niệm buồn. Đừng có vì sự khó chịu nhất thời mà đánh mất đi bản thân
Mình lớn tuổi nhưng cũng không có tiếng nói. Gia đình không là gì so với sức ép xã hội. Bạn bè, trường học, công việc. Nói chung rất bực tức bạn ạ. Họ không tôn trọng mình, đơn giản vì mình không thông minh. Họ bắt nạt, đơn giản vì mình hiền. Mình không có vị thế trong xã hội nên họ ra sức chèn ép và khinh thường. Haiz, mặc dù ở nhà cũng mệt, cũng thấp cổ bé họng, cũng không nói được ai nhưng mình thấy vẫn đỡ hơn ở đời. Mệt lắm bạn ạ. Cố lên bạn ơi. Im lặng là vàng nhưng nghe lời quá sẽ bị coi thường và bắt nạt á. Đôi lúc cũng nên chống trả, gồng mình lên nói rõ quan điểm của mình dù đúng hay sai. Cố lên ạ.
Mình thật sự rất thông cảm với bạn. Họ là bậc bề trên, mình là bậc bề dưới đành chỉ biết im lặng mà nghe theo họ. Họ đã cố chấp như thế, mình có nói họ cũng chẳng hiểu, lại còn mang tiếng cãi lại người lớn. Hôm nay mình vừa thi xã hội học, trong đề có một câu phân tích: Thế hệ và mâu thuẫn thế hệ là vấn đề muôn thuở. Đúng thật vậy, người lớn lại cứ đè ép con em trong nhà, gia trưởng cổ hủ như vậy làm sao không kéo dài khoảng cách giữa các thế hệ. Nghĩ thật muốn thở dài ngao ngán. Thôi thì âu cũng là phận con cháu đành chịu đựng đến lúc tự ra ở riêng thôi bạn ạ
Mình cũng giống bạn đây, mình là bậc dưới trong gia đình nên đôi lúc lời nói của mình không có sức nặng bằng bậc trên. Mỗi lần nhà nói mình ngồi im và nghe thôi, đôi lúc nói theo ý của mình thì không ai trả lời, hoặc có cảm giác như mình đang nói leo vậy, buồn lắm. Có lẽ bởi vì họ nghĩ mình không đủ lớn và chính chắn để trả lời những câu hỏi như vậy. Nhưng mình cũng hiểu được bậc dưới nên làm như thế nào. Đợi lớn chút, mình có khả năng chứng minh mình đủ lớn, đủ khả năng tự làm chủ bản thân và cuộc sống, thì sau này mình sẽ có thể nói theo ý của mình thôi. Nhưng không thể trách người lớn không được, vì đôi lúc họ áp lực nhiều quá nên họ không có thời gian để nghe chúng ta. Suy cho cùng, cùng một cân thì dễ nhìn nhau hơn là bên thấp phải nâng đầu lên và bên cao phải cúi đầu xuống để nhìn nhau phải không? Thân ái.
Theo góc nhìn ếch ngồi đáy giếng của mình thì,... Vấn đề ở đây là sự thiếu sự hiểu biết, tôn trọng và sự lắng nghe trong gia đình, dẫn đến cảm giác bị lấn át và không được chấp nhận ý kiến của mình. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và tự tin của bạn. Theo con mắt của người lớn, khi chúng ta là những đứa trẻ, họ cho ta là non dại và có những quyết định bồng bột, sai lầm. Khi chúng ta lớn lên, họ cho ta là những đứa trẻ mới lớn khó dạy và ít nghe lời, có thể cãi lời họ. Khi chúng ta trưởng thành, họ coi ta là những con chiên chưa trải hết sự đời, và họ nghĩ ta sẽ dễ lên mặt họ. Nhưng đừng vội trách người lớn quá mức, suy vô cùng họ cũng chỉ là những con người từng trải qua những mảnh đời cực khổ hơn ta gấp trăm lần. Họ không thích nhìn ta qua sự yếu đuối, họ có thể gây tổn thương cho ta bởi sự ép buộc vô cớ và lời nói. Như vụ việc ăn xoài của bạn hay cái bánh. Dù bạn có vấn đề về dạ dày đấy, nhưng người lớn sẽ cũng chỉ nhìn bạn như là một đứa trẻ kén ăn, thích từ chối người khác và không biết điều. Bạn biết đấy, giữa lối sống của họ và bạn hoàn toàn khác nhau, hình thành nên sự thấu hiểu và tính cách khác nhau. Đặc biệt khi họ còn là họ hàng nữa. -> Đây là bản chất mất liên kết quan niệm, lối sống của người lớn và giới trẻ. Người lớn tuổi có thể lo lắng rằng người trẻ có thể không đủ trách nhiệm hoặc không có khả năng tự điều chỉnh hành vi của mình một cách đúng đắn, đặc biệt trong thế giới đầy rủi ro thách thức. Vì vậy sẽ có một số người lớn sẽ xem nhẹ đi những ý kiến của người trẻ, như trong chuyến du lịch bạn kể. Thật đáng buồn và là một vấn đề nan giải đúng không nào? Nhưng không sao, việc chúng ta cần làm là cứ thật kiên nhẫn, thay đổi bản thân để họ có thể nể phục cách sống của ta. Theo như tiêu chuẩn của người lớn, mình thấy đa phần người lớn đều nhíu mày với giới trẻ bởi vấn đề sau: 1. Thiếu kinh nghiệm và không hiểu biết quá nhiều, chắc chắn họ không tin tưởng và lo lắng về khả năng. 2. Sự không chắc chắn nhất là lúc mà những người trẻ thì luôn tìm kiếm, định hình bản thân nhưng còn quá lo ngại về quyết định lẫn hành động của mình 3. Tiêu chuẩn cao: Kỳ vọng của người lớn có thể cực kỳ khắc khe với đời sống người trẻ, đặt biệt là định kiến họ sống thường ngày bị người trẻ phá vỡ để phát triển hơn. Và những gì chúng ta làm là gì? Người lớn vốn cần sự tôn trọng và lắng nghe, họ cũng mong muốn được thấy thành quả tốt khi ta học hỏi và phát triển kèm theo một trách nhiệm vững chắc, độc lập để họ tin tưởng là chúng ta có thể gánh trên vai cả cuộc sống của chính mình và gia đình. Đặc biệt tương tác xã hội tích cực, giao tiếp tự tin, phép tắc, lịch sự để trao đổi ý kiến, ý tưởng có kế hoạch và luôn mang một thứ gì đó lợi ích cho họ. Có thể ban đầu bạn sẽ vẫn bị nhận nhiều sự khắt khe, nhưng bạn à, thời gian là con số vô hình để cho ta phát triển thành một con người tốt hơn phiên bản cũ. Ai cũng có thể nhìn thấy. Chúc bạn sẽ có một hành trình phát triển bản thân thật thuận lợi để là một tiếng nói vững chắc trong gia đình nhé.