Nhớ Má Tác giả: LangCa Văn án: Hôm nay anh trai gọi điện nhắc tôi còn hai tháng nữa là tròn một năm mẹ mất. Nhanh! Nhanh quá mới đó mà nỗi đau mất mẹ đã được một năm. Ai còn cha còn mẹ xin nhớ đừng làm cha mẹ buồn! Vì biết đâu được mai này không còn cơ hội để thấy bóng hình đó. Link thảo luận: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Của LangCa
Chương 1: Tuổi thơ không cha Khi tôi vào lớp một, cuộc sống bây giờ khó khăn kinh khủng. Má thì làm công nhân nhà máy nhựa lương ba đồng ba cọc. Ba thì ốm đau liên tục, những cơn đau hành hạ khiến thân thể ông gầy và hầu như không thể làm bất cứ việc gì. Anh trai đang học Cao Đẳng, nhiều lúc không có tiền nộp học, bị nhà trường nhắc nhở khiến anh chỉ muốn nghỉ học và đi làm để đỡ đần cho gia đình. Chỉ có tôi vẫn vô tư, không hề biết việc gì. Câu nói mà tới bây giờ, tôi vẫn luôn nhớ về kiếp ăn nợ của mình đó là "Má kêu đầu tháng có lương trả ạ!". Thế là tôi ăn nợ suốt một tháng trời mà nụ cười vẫn luôn nở trên môi. Tôi quậy phá và hay đánh nhau nên quần áo lúc nào cũng nhàu bẩn, nhiều lúc rách tươm. Má đánh tôi một trận, rồi ngồi vá lại. Trong lòng hậm hực nhưng thấy bà khẽ lau nước mắt. Tôi hơi giật mình không hiểu sao mình là người bị đánh mà người khóc lại là má. Nhà tôi có cây dừa và đu đủ, ông trời thương hay sao mà ra trái rất nhiều. Thế là ngày nào cũng có món dừa xào, đu đủ xào, đu đủ trộn, đu đủ nấu canh. Suốt một tháng ăn như vậy, đôi khi thèm ăn thịt lắm. Mà nói ra thì hết ba đến má, đến anh trai chửi như được mùa. Một hồi như vậy tôi cũng không đòi hỏi nữa. Anh trai hay nhường sữa tôi uống, có ít tiền lẻ cũng cho tôi mua bánh kẹo. Má thương nên đầu tháng lãnh lương cũng mua ít thịt về rim thật mặn, mặn đến nỗi một miếng thịt nhỏ cũng hết bữa cơm. Nhưng lúc đó vui lắm, cả nhà tuy thiếu thốn, nhưng tình cảm lúc nào cũng đong đầy. Khi tôi lên lớp hai, bệnh tình ba tôi trở nặng. Tôi nhớ như in hôm đó, đang ngồi dán đồ giấy cho chú Sỹ. Nghe tiếng má khóc to, rồi tiếng người chạy. Chú Sỹ hoảng hốt nói với tôi "Chạy về nhà đi, nhìn mặt ông già lần cuối!" Lúc đó tôi chỉ làm theo như cái máy chứ không hiểu chuyện gì. Lao vút về nhà, má đang ôm ba khóc nức nở. Ấm thuốc đang nấu dở cũng cháy khô lăn lốc dưới đất. Anh trai ngồi bên cạnh tựa vào tường, nước mắt và khuôn mặt thất thần. Còn tôi chỉ thấy ba lim dim mắt. Chú Tín là chú ruột, lôi tôi tới gần "Anh Hùng nhìn thằng Lang lần cuối đi anh! Anh đi an tâm nhé!". Thế là ba nhắm mắt hẳn. Ai cũng khóc, cô dì chú bác, cậu mợ ai cũng khóc. Chỉ có tôi thấy mọi người khóc quá, cũng khóc theo, nhưng vẫn không hiểu chuyện gì. Khóc một chập đói quá, qua nhà chú Sĩ ăn một lèo mấy bát cơm. Chú hỏi: "Ông già mất rồi có buồn không?" Tôi: "Dạ có!" Rồi tiếp tục ăn. "Buồn mà ăn kinh vậy!" Chú cười nói. "Đói quá! Cả tối con chưa được ăn!" Tôi đáp rồi tiếp tục ăn cho thật no. Cứ thế mọi người khóc, còn tôi thì vẫn đi chơi trốn tìm, đến khi mệt quá Cô Nga lôi qua nhà ngủ để không làm phiền mọi người lo tang lễ cho ba. Nằm ngủ vừa nghe tiếng kinh, tôi thấy hôm nay đông nhưng sao ai cũng buồn và u sầu quá. Khác hẳn những bữa tiệc cưới và lễ giỗ mà má dắt tôi đi. Đến khi được mặt áo tang, ai cũng ôm lấy tôi khóc "Thằng Lang còn nhỏ mà mi đi chi sớm rứa Hùng!" Tôi nghe câu nói đó mà chợt xót xa, đau buồn. Cảm giác như xa ba thật rồi. Tôi lén vào nhìn ba đang nằm, ba không cử động, cũng không cười nói như mọi hôm. Ba cứ nằm im vậy, tôi muốn hỏi má "Ba khi nào mới dậy!" Nhưng má khóc suốt đêm qua tới giờ, người đã lả đi vì mệt. Tôi lại hỏi anh trai, anh khóc nói "Ba chết rồi sao mà dậy được nữa!" Chết! Vậy ra cái chết là như vậy, tôi sẽ không bao giờ gặp lại ba nữa. Tôi khóc ré lên giữa đám tang "Vậy từ đây con không còn thấy ba nữa sao? Má ơi! Ba đi luôn không về hả má? Ba vẫn đang nằm đó mà!" Mọi người ôm lấy tôi rồi ai cũng khóc theo. Sau khi tang lễ của ba xong, tôi nhanh chóng quên đi. Thình thoảng vẫn đi hái quả trứng cá để lên bàn thờ ba. Xong rồi chưa được năm phút là tiện tay lấy ăn luôn. Hồi đó tôi thich ăn quả táo lắm, vì hiếm khi mới có để ăn. Nhưng đám tang ba táo nhiều đến nỗi, tôi ăn ngán đến tận bây giờ không dám ăn lại. Mẹ mua nho cúng, tôi lén lén nhìn di ảnh ba rồi xin trộm vài quả để ăn. Má phát hiện liền cầm chổi đập tôi một trận ra hồn. Ba mất đi má một mình nuôi hai anh em, có vất vả, nhưng không nặng như trước. Má bỏ hút thuốc để không ảnh hưởng đên sức khỏe của tôi. Bà cũng xin giấy vụn công ty về bán kiếm thêm thu nhập. Tôi còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau mất ba. Thời gian cũng làm tôi dần quên đi, nhưng những khi đi chơi hoặc tết về. Thấy ai cũng có ba bên cạnh khiến tôi chạnh lòng. Nhiều khi muốn má đi thêm bước nữa để bà được vui. Cũng như bản thân tôi có ba như mọi người. Nhưng những biến cố tiếp theo khiến tôi không bao giờ dám nghĩ đến điều đó một lần nào nữa.
Chương 2: Ở vậy nuôi con Lên lớp năm, ông nội là cán bộ thành phố nên trước khi nghỉ hưu ông được tặng cho hai lô đất và cấp nhà cán bộ có công cách mạng. Vì thương mấy mẹ con chúng tôi khó khăn. Ông nhường hết, thế là tôi có được nhà hai tầng khang trang và phòng riêng của mình. Còn mấy lô đất, chính là xuất phát điểm khởi nghiệp của tôi sau này. Má tôi lúc này vẫn còn trẻ, ông nội kêu đi thêm bước nữa cho có người bầu bạn sớm hôm. Bà cứ ậm ừ cho qua, có mấy thầy giáo đứng tuổi gần nhà cũng đến làm quen. Rồi mua bánh kẹo đồ chơi cho tôi. Khiến tôi rất thích và ao ước được có người cha như vậy. Má tôi thì luôn dặn dò không được nhận đồ của người lạ. Bà chỉ đi làm, tối lên chùa tụng kinh niệm phật. Khi tôi lên lớp sáu thì bà rước hẳn tượng phật quan âm về nhà để tiện thờ cúng. Tôi có được tặng hai quyển sách về cuộc đời đức phật, ngày xưa chỉ cần có sách là tôi như quên hết mọi thứ xung quanh. Việc đọc đi đọc lại khiến tôi hiểu hơn về suy nghĩ của má. Cảm giác như bà đang buông bỏ dần để có được cuộc sống thanh tịnh, an ổn bên cạnh hai con. Nhiều khi thấy bà lủi thủi một mình. Mọi việc trong nhà đều qua tay má, nên tôi quyết định tự làm hết những việc mà con trai như tôi có thể làm. Tự giặt đồ, quét nhà, lau nhà. Dọn dẹp nhà cửa. Những việc lớn hơn thì có anh trai. Hai anh em cứ thế thay nhau làm cho má đỡ gánh nặng. Bà thấy vậy thì trong lòng rất vui, nhưng tôi thì vẫn muốn bà đi bước nữa chứ sau này ai cũng có gia đình riêng một mình bà cô đơn thì tội lắm. Một hôm khi đi cắt tóc, ông chủ quán mới hỏi: "Nhà mới xây lại, má mi chuẩn bị cưới chồng rồi đó?" Tôi ngạc nhiên: "Làm gì có! Ông nội xây cho đó." "Mi ngu! Xây để cho má mi cưới chồng mới đó." Lão vửa cắt tóc vừa nói. "Không! Má giờ đi tu rồi!" Tôi cãi lại. "Đi tu gì! Đi cầu duyên đó ông nhỏ ơi!" Lão vừa cười vừa đưa kéo qua lại trước mặt tôi. Trong đầu tôi hơi hoang mang, thực sự bấy lâu nay má đi cầu duyên sao? Lão lại tiếp: "Mi chuẩn bị cuốn gói ra đường ở đi! Chứ má mi có chồng có con, ai lo cho mi nữa." Trong lòng tôi lúc này như có lửa đốt. Hôm nay má đi làm ca hai nên mười giờ hơn mới về tới nhà. Anh trai thì ở luôn nhà dì cho tiện việc đi học. Tôi chạy qua hỏi chú Sĩ về việc cuốn gói ra đường ở. Như tát nước theo mưa, tính ông chú này rất kì. Thấy tôi lo lắng việc gì là y như rằng ổng sẽ làm cho nó to hơn nữa. Nào là xem chỉ tay cho tôi, kêu tôi sống cô đơn về già, nghèo không ai yêu.. bla bla. Tôi ngồi khóc ngon lành, miệng mếu máo "Đã nghèo rồi còn không có vợ nữa". Quên luôn cả việc má cưới chồng, tôi cứ thế buồn thiu khóc thút thít. Đến bữa trưa, dì Năm là em ruột mẹ tôi gọi qua ăn cơm. Nhìn thấy mặt mũi lắm lem, nước mũi nước mắt dính đầy mặt. Dì trợn mắt "Mi đánh nhau hả Lang?" "Dạ không?" Tôi mếu máo mắt ươn ướt như sắp khóc to. "Má sắp lấy chồng! Còn con thì chuẩn bị ra đường ở, sống nghèo khổ cô đơn!" Tôi nói tiếp mà tiếng khóc cứ nấc lên từng hồi. Dì lại trợn mắt: "Con nín đi! Nói linh tinh cái gì rứa? Má con làm chi có cưới ai! Ai nói rứa?" "Là ông Long cắt tóc với chú Sĩ nói." Tôi bình tĩnh hơn. Dì Năm quay qua nạt chú Sĩ: "Ông ni tào lao ghê! Cứ thích chọc nó." Thấy điệu cười như được mùa của lão, tôi mới biết mình bị lừa. Lòng không giận dỗi mà chỉ cảm thấy vui vô cùng. Tôi thật sự sợ viễn cảnh má lấy chồng và có con. Giờ thì có cho tôi nhiều quà cáp bánh kẹo, tôi cũng chỉ muốn có má ở bên thôi. Không bao giờ nghĩ đến việc cho má đi lấy chồng nữa. Tối hôm đó, như mọi hôm tôi nằm đợi má về, chỉ cần nghe tiếng xe là tôi phi ngay xuống sân, nở nụ cười thân thiện nhất. Rồi thò tay vào túi xách lấy ổ bánh mì đã mềm oặt đi (đây là suất ăn khuya họ phát cho má, nhưng bà thường để lại cho tôi). Tôi ôm lấy bà, hôn lên tay, lên mắt. Thay vì cảm động thì bà nhìn tôi một cách ngạc nhiên đến kinh dị. "Con bị gì vậy?" "Có gì đâu! Hôm nay thấy thương má." Tôi lại tiếp tục nắm tay và hôn lên những vết chai sần. "Con đánh nhau rồi phải không?" Má tôi tỏ vẻ mặt lo lắng. "Không! Con nói là con thương má mà! Má cứ như vậy ở với con thôi nhé! Đừng cưới chồng nghe má?" Lúc này bà mới vỡ lẽ, má nhìn tôi bằng ánh mắt dạt dào tình thương, khẽ xoa đầu: "Má giờ chỉ có hai anh em bây thôi! Ở vậy nuôi con! Không biết tụi bây có gia đình rồi có đá má ra đường không nữa?" "Không bao giờ! Má là tuyệt nhất!" Tôi xách túi vào trong nhà, lòng vui sướng nhìn bóng dáng của má đứng đó, tuy nhỏ bé nhưng thật to lớn vĩ đại trong lòng tôi.