Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ - Lan Rùa Bấm để xem Ngày xửa ngày xưa.. Xưa ơi là xưa.. Xưa đến nỗi kiệt quệ ấy.. Cái thuở trai chỉ cần biết cày, gái chỉ cần biết đẻ ấy, có một mối tình rất sâu đậm. Một mối tình đong đầy những yêu thương, đong đầy những ghen tuông, đong đầy nỗi nhớ và đong đầy những khoản nợ. Cậu ấy, cái cậu mà người ta vẫn thường nói là cháu trai kẻ sát nhân, con trai vợ lẽ của Phú ông, cậu Lâm ấy. Cuộc đời cậu rất chi là buồn cười nhé, cậu sinh ra đã hiền lành, dễ ở, thế mà đi đến đâu người ta cũng thì thào hai chữ "sát nhân" bên tai cậu. Người ta nói tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất, ấy thế mà sao bu của cậu - bu Phú ấy chỉ thương cậu Hưng - con trai của bà cả chứ nào có thương cậu. Cậu đi làm quần quật từ sáng đến tối chỉ đủ để mua bún cho bu cậu ăn, để bu cậu từ sáng đến tối đi hết gốc đa này đến gốc đa khác dè bỉu cậu, phê phán cậu và tâng bốc cậu Hưng với người đời. Những ngày tháng cực nhọc đó, cơm chẳng có lấy một hạt cho cậu ăn, quần áo rách rưới vá chằng vá chịt cậu mặc từ năm này qua năm khác. Khốn khổ như thế đấy, mà nào có ai thương cậu? Chẳng có ai thương cậu hết! Không, có đấy, Trân thương cậu mà. Trâm bán bún ấy, dành cả nửa thanh xuân để cưa đổ cậu đấy nhé. Trân là Trâm vừa đẹp người lại vừa đẹp được cả cái nết. Con gái trong thôn có ai đẹp bằng Trâm đâu? Trâm đẹp một nét đẹp lạ lùng, không phải thanh thoát như cô Hoàng Anh - con gái trưởng thôn, không mảnh mai như mợ Chi - vợ của cậu Hưng. Trâm đẹp vì người Trâm đẫy đà, với gương mặt dịu dàng, xinh xắn như búp bê, đôi môi Trâm hình như lúc nào cũng căng mọng nước, nhìn là chỉ muốn cắn một cái. Bao nhiêu trai trong thôn ai cũng muốn cưới Trâm làm vợ, nhưng mà Trâm là Trâm chỉ thương mỗi cậu Lâm thôi nhé, chỉ làm vợ cậu Lâm thôi. Và rồi, với sự kiên trì, cố gắng của Trâm trong việc cưa cẩm và một ngàn quan tiền của Phú ông, Trâm đã chính thức trở thành mợ Trâm, mợ hai ấy, vợ của cậu Lâm ấy. Từ đây, yêu thương, ấm áp, đường, mật cứ từ đâu chảy về túp lều của Lâm Trâm, nhiều vô số kể. Yêu thương như thế đấy, nhưng hễ mà cậu Lâm nói chuyện với con gái nhà nào quá năm câu là y như rằng mợ Trâm lộn hết cả mề, thối hết cả ruột ra đấy. Các cụ nói yêu là phải ghen là cấm có sai. Không phải là không tin tưởng mà là sự yêu thương khiến con người ta mù quáng, chỉ muốn người mình yêu là của riêng mình. Yêu thương, ghen tuông chỉ là một phần, nỗi nhớ mới là cái then chốt trong truyện này cơ. Hoàn cảnh của cậu Lâm phải gọi là khốn cùng của sự khổ cực, và mợ Trâm là người đã tình nguyện lao vào cái hoàn cảnh ấy để chịu khổ cùng cậu. Cậu Lâm khổ, mợ Trâm xót, mợ cùng cậu chịu khổ. Mợ Trâm khổ, cậu Lâm xót, cậu quyết chí muốn đổi đời. Mà cái giá của đổi đời là phải xa mợ Trâm, cái giá quá đắt! Thế nhưng, cậu vẫn phải đi, đi vì mợ. Thế rồi, cậu Lâm đỗ cao, làm Trấn thủ xứ Đoài. Hỏi mợ Trâm có vui không, vui lắm, thích lắm, nhưng cũng buồn lắm. Vì cậu đã có mợ cả với mợ ba luôn rồi. Ba cái Tết, cả cái xuân xanh, mợ đợi cậu để rồi cậu mang về cho mợ phú quý và hai cô nương xinh xắn có chung chồng với mợ. Ôi sao mà đời nó cay nghiệt đến mức này? Dù không muốn nhưng mợ vẫn phải chấp nhận số phận chung chồng. Dần dần mợ cũng nhận ra tình cảm của cậu dành cho mợ cũng như những cực khổ mà cậu phải chịu. Trải qua những thăng trầm và sóng gió của tình yêu, cả hai cậu mợ mới nhận ra rằng: Sự bình yên ngày xưa khi bên nhau mới là điều hạnh phúc nhất. Qua đó, cũng thể hiện rằng, định nghĩa về tình yêu dù cho ở thời đại nào cũng đề giống nhau: Chúng ta bên nhau là điều hạnh phúc nhất. Truyện của Lan Rùa luôn có một cái phép thuật thần tiên níu giữ tâm trí độc giả. Lời văn luôn hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu nhưng cũng không kém phần sâu sắc, nhân văn. Đáng nói là nghệ thuật ghen tuông trong truyện, eo ôi, nó ngọt mà không sến súa một tí nào luôn ý. Hình tượng nhân vật cũng đẹp nữa, không hoàn mỹ nhưng có đầy đủ phẩm hạnh cũng như nét đẹp trong tâm hồn. Tình yêu của nhân vật luôn phải là "không có cậu/ mợ thì mợ/ cậu biết sống thế nào?". Truyện luôn có cái gọi là "phép chung tình", đã yêu ai là yêu đến hết đời, không có sunsilk, bồ kết với ai nữa hết. Bên cạnh hai nhân vật chính, chuyện tình tay ba giữa Phú ông, bà cả, bà hai, Cậu Hưng, mợ Chi hay cuộc đời của mợ Quyên, mợ Thùy đã góp phần đẩy tình tiết câu truyện lên cao trào và hấp dẫn. Và hơn tất thảy, bối cảnh trong truyện là bối cảnh mà chưa có truyện ngôn tình nào khai thác thành công. Bối cảnh làng quê Việt Nam gợi cho người đọc sự thân thuộc và ngây ngô. Truyện cũng có những đạo lý khiến người đọc phải suy ngẫm và thấu hiểu. Qua đây cũng phản ánh sâu sắc xã hội thời bấy giờ, thể hiện những tâm tư lắt léo, những mâu thuẫn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và định kiến sai lầm.