Thế kỉ XIX, XX đất nước Việt Nam, mà cụ thể là xứ Nam Đàn, Nghệ An, sản sinh ra một nhân tài kiệt xuất, đã lãnh đạo nhân dân lật đổ ách thống trị thực dân, xóa bỏ tàn tích phong kiến, và chiến đấu giành thống nhất từ tay đế quốc sừng sỏ nhất. Người, là Hồ Chí Minh. Người sinh ra những năm cuối thế kỉ XIX khi Pháp đã đặt nền móng xâm lược đầu tiên được hơn ba mươi năm. Trên sáu mươi năm hoạt động sôi nổi, bôn ba khắp bốn phương trời, dấu chân Người in khắp nơi trên Trái đất, hình bóng, tầm vóc Người phủ trùm lên những nơi đã và đang tranh đấu cho độc lập tự do và công bằng. Nhưng bên cạnh sự nghiệp chính trị lừng lẫy, Người còn là một nhà văn hóa lớn, một nhà báo, nhà văn và nhà thơ. Phạm vi bài viết này, xin cảm nghĩ đôi dòng về thơ của Hồ Chủ tịch, mà nhắc đến thơ của Người, không nhắc đến Nhật kí trong tù thì quả thực là một thiếu sót, điều đó cũng như nhắc tới văn chính luận của Người mà bỏ qua Bản tuyên ngôn độc lập vậy. Nhật kí trong tù (Ngục trung nhật kí) là một tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ bằng chữ Hán (trừ bài thơ có tính chất đề từ, trong nguyên tác có đánh số thứ tự 134 bài thơ, nhưng bài Liễu Châu ngục chỉ có câu đề mà không có thơ) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sáng tác trong khoảng thời gian từ 29/08/1942 đến 10/09/1943, trong hoàn cảnh bị cầm tù trong nhà lao Tưởng Giới Thạch (Người bị dẫn qua hơn 30 nhà tù trong 13 tháng đó). Tập thơ ghi lại các cảm xúc, ý nghĩ, cũng như sự miêu tả cảnh vật của Người. Xuyến suốt các bài thơ là giọng văn cương quyết với lý tưởng, thương cảm với những mảnh đời, những triết lý nhân sinh, sự trào phúng, mỉa mai với giới cầm quyền và tình yêu thiên nhiên cây cỏ.. Ngay từ bài đề tựa, Người đã nêu lên một tinh thần bất khuất, lạc quan vào tương lai: Cánh cổng nhà lao giam được thân xác, nhưng không cầm được tinh thần của một con người. Tinh thần đó, có lẽ đã theo Người từ lúc nhận thấy quê nhà đau thương, từ lúc Người tham gia phong trào chống sưu thuế ở Nam Kì, từ lúc Người dám mạnh bước ra đi với hai bàn tay trắng trên con tàu Latouche-Tréville, và có lẽ, đã tiềm ẩn trong Người ngay từ lúc nhỏ. Hãy nhớ lại câu đối của Người với thầy Vương Thúc Quý "Thắp đèn lên, dầu vương ra đế- Cỡi ngựa dong, thẳng Tấn lên Đường". Tinh thần ấy, hun đúc qua ba mươi năm, tính đến lúc Người bị bắt, có lẽ đã thành tinh thần thép (trong khoảng thời gian đó, Người bôn ba từ Pháp qua Liên Xô, tới Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông.. bị Quốc dân đảng của họ Tưởng khủng bố trong nội chiến Quốc-Cộng Trung Hoa, bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt, bị nhà cầm quyền Hồng Kông bắt giam). Tính thần ấy, được Người thể hiện qua nhiều bài: Buổi sớm (Tảo), Buổi trưa (Ngọ), Tự khuyên mình (Tự miễn), Giải đi sớm (Tảo giải), Nạp muộn (Buồn bực), Nghe tiếng giã gạo (Văn thung mễ thanh), Chơi chữ (Chiết tự).. Nhưng, công việc của Người không phải là viết thơ, lý tưởng của Người không phải thành thi sĩ. Người bộc bạch "Lão phu nguyên bất ái ngâm thi, Nhân vị tù trung vô sở vi". Lý tưởng của Người là một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, Người làm thơ bất quá để giết thời gian, để chờ thời, đợi tự do. Không ít bài Người đã nêu lên tâm trạng buồn bực khi không góp được gì cho cách mạng mà lại chịu chôn chân trong chốn lao tù. Chí khí của Người, trong nhiều bài, Người tự ví như chim bằng, như chân long, chỉ đợi dịp để giúp nước, giúp nhà. Chính vì với tâm ý như vậy, nên phần lớn các bài thơ của Người là tỏ chí, nêu cao tinh thần, đồng thời là những bài mỉa mai đả kích chế độ lao tù của nhà giam, cũng như chỉ ra những sự đời trái ngang, thoáng đọc qua thì cười, mà sau ngẫm lại thành mếu, của những nơi, những vùng mà Người đi qua. Giọng văn đả kích trào phúng của Người thì quả thật miễn chê, Người đâm đâu là nhói đấy. Tác giả của Bản án chế độ thực dân Pháp, Vi hành, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, đâu phải chỉ có hư danh. Quả thực, đọc nhiều bài của Người, người viết đã bật cười thành tiếng, vỗ đùi vì quá hay, quá sắc. Con người kiệt xuất, vĩ đại là ở chỗ đó. Trong mười ba tháng, Người viết 133 bài, chưa kể những ghi chép thời sự, ghi chép đọc sách, đọc báo, tính ra trung bình cứ ba ngày Người viết một bài. Thi hứng có lẽ đến nhiều nhà thơ trứ danh cũng không bằng! Mà toàn bài "đắt". Đến Viên Ưng, Hoàng Tranh, Quách Mạt Nhược, là những học giả Trung Quốc, cũng phải cúi đầu ca ngợi tập thơ. Không ca ngợi sao được, Người vận dụng Hán ngữ một cách quá thành thạo, điển tích, điển cố Trung Hoa cũng được Người đưa vào, và đặc biệt, Người còn vừa làm thơ, vừa chiết tự (hình thức mà chỉ những bậc Hán học đến độ cao thâm mới có thể dùng). Cuộc sống thường ngày ở tù, và thái độ Người đối với nó cũng là những nét chấm phá rất đáng để nghiền ngẫm trong thi tập của Người. Đả kích Người vẫn đả kích, trào phúng Người vẫn trào phúng. Nhưng.. tiếng xích sắt Người coi là tiếng ngọc rung, dây thừng trói với Người là dải lụa tước hầu, ghẻ ở người thì Người thi vị thành hoa gấm, tay gãi ngứa thì Người cho là tựa gảy đàn. Rất đời thực nhưng cũng rất thơ. Và đặc biệt là tự do, phóng khoáng. Câu nói nổi tiếng của Người, "Không có gì quý hơn độc lập tự do", xuất hiện trong tập thơ dưới hình thức là thơ "Trên đời ngàn vạn điều cay đắng-Cay đắng chi bằng mất tự do". Con người của Hồ Chí Minh là con người của tự do, của biển lớn. Lao tù không làm Người run tay, Người thấy gì nói đấy. Trung Quốc bắt nhầm Người, Người lên án. Quan hút xách cầm tù kẻ hút xách, Người chế giễu thẳng tay, cùng là đại biểu Đồng minh nhưng đại biểu Anh Mĩ được đón tiếp long trọng, đại biểu Việt Nam là Người lại bị cầm tù, Người chua chát với thói đời đen bạc.. Người ở tù, nhưng tấm lòng Người luôn hướng về Tổ quốc, con tim Người luôn dõi theo những bước tiến của cách mạng quê nhà. "Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh-Nội thương đất Việt cảnh lầm than" có lẽ là câu thơ khắc họa rõ nét nhất sự đau đáu ngóng trông của Người. Bên cạnh đó, còn không ít những câu thơ khác cũng xúc động không kém, ví như "Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng-Tin tức bên nhà bữa bữa trông" Đâu đó, trong những bài thơ, ta lại bắt gặp những câu thơ khác, nhưng tâm tư tình cảm vẫn là một lòng tha thiết với quê hương. Tình yêu thiên nhiên cây cỏ cũng là điều nhiều nhà nghiên cứu khai thác khi nói về tập thơ này. Mặc dù không phải là nội dung chủ đạo, nhưng nó gắn liền với những lần Người bị chuyển nhà lao, mà số lượng nhà lao là trên 30, điều đó có nghĩa những bài thơ mà có cảnh thiên nhiên thì xuất hiện cũng không phải là ít. Bình minh, trăng, chim ca, hương núi rừng, gió, hoa, mây.. tất cả đều được khắc họa một cách tài tình trong thơ Người. Làm người, có ơn, nếu chưa trả được, thì cũng nên ghi khắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc tập thơ bằng một bài thơ cảm ơn người đã giúp mình- là một hình ảnh rất đẹp, rất nhân văn- khép lại con đường dài gần 13 tháng trong các nhà ngục Trung Hoa của Người. Cuộc đời Người là một Hành trình dài, 13 tháng đó có thể coi là một con đường nhỏ trong vô vàn những con đường Người đã đi qua. Tất nhiên, con đường nào rồi cũng đến lúc kết thúc, cuộc đời nào rồi cũng về với đất, nhưng hình ảnh Người, con đường Người đi, tập thơ Người viết, mãi mãi còn ghi dấu ấn trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.
"Nhật kí trong tù" - một tập thơ nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tập thơ đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, bất khuất, không chịu khuất phục trước những khó khăn, thử thách trên hành trình đi tìm kiếm độc lập và tự do. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", câu nói này quả thực rất đúng với con người của Hồ Chí Mình. Ngay từ đầu, Bác cũng chỉ coi việc làm thơ là một thú vui giết thời gian "Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm đợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do". Bác đâu thể ngờ rằng những bài thơ ấy đã truyền tải được sức mạnh to lớn đến dân tộc, để cho toàn dân ta biết rằng, dù trong khổ nhục, dù sống chung với bệnh tật, tù hãm nhưng không bao giờ được bỏ cuộc, hãy nghĩ đến ngày mai tươi đẹp. Không dừng lại ở đó, ta còn thấy được tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước đậm sâu trong trái tim của một con người vĩ đại. Bài review của bạn rất hay, mình cho rằng bạn rất am hiểu bài thơ này, mình đặc biệt thích đoạn sau: "Người ở tù, nhưng tấm lòng Người luôn hướng về Tổ quốc, con tim Người luôn dõi theo những bước tiến của cách mạng quê nhà." Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh-Nội thương đất Việt cảnh lầm than "có lẽ là câu thơ khắc họa rõ nét nhất sự đau đáu ngóng trông của Người. Bên cạnh đó, còn không ít những câu thơ khác cũng xúc động không kém, ví như" Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng-Tin tức bên nhà bữa bữa trông "Đâu đó, trong những bài thơ, ta lại bắt gặp những câu thơ khác, nhưng tâm tư tình cảm vẫn là một lòng tha thiết với quê hương." Đoạn này rất hay, mong bạn sẽ cho ra nhiều tác phẩm hay và đặc sắc như bài này!